Dec 19, 2016

Ngày 19 tháng Chạp năm 1946

Trái ngược với rất nhiều "nhà phân kỳ học", tôi nghĩ rằng 1945 không phải là mốc nên dùng để xác định các khoảng trong văn học sử, mà phải là 1946 (về năm 1946, xem ở kia). Gần đây, dường như nhiều nhà nghiên cứu cũng đã thấy rằng năm 1954 không thực sự là mốc chuẩn xác: 1956, hoặc 1958 thì đúng hơn nhiều. 1956 là thời điểm của Nhân Văn-Giai Phẩm ở miền Bắc, của Sáng Tạo ở miền Nam, còn 1958 là thời điểm hoàn toàn chấm dứt báo chí và xuất bản tư nhân trên miền Bắc.

Đúng ngày hôm nay cách đây bảy mươi năm, một sự kiện lớn đã nổ ra, nó vừa mở ra một thời kỳ vừa hoàn toàn khép lại một thời kỳ khác.

Về cuộc chiến tranh ngay tiếp sau ấy, gần đây tôi đã thử một "diễn giải" (xem ở kia). Ngày 19 tháng Chạp năm 1946 đương nhiên là một sự kiện lớn, ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: nếu nhìn nhận lại thật cẩn thận, chính quãng 1945-1946 là một quãng đặc biệt khó nhìn nhận, và cho đến 19/12/1946, chứ không phải 19/8/1945, nhiều "phương thức tồn tại" mới thực sự mất đi. Đồng thời, nếu nhìn nhận như vậy, quãng 19/8/1945-19/12/1946 trở thành một vấn đề vô cùng khó giải quyết. Đương nhiên, điều này thì ai cũng thấy, và cũng không phải chưa từng có ai từng tìm cách nghiên cứu quãng thời gian này. Chỉ có điều: dường như chúng ta vẫn chưa biết gì cả.

19/8/1945-19/12/1946 là đoạn kịch tính nhất, cho thấy rõ nhất rằng: mọi mô hình nghiên cứu quá thiên về sách mà bỏ qua phần báo (đây là thói quen theo tôi là khó chịu nhất của giới nghiên cứu văn học Việt Nam) sẽ phá sản. Thời tiền chiến (tạm quy ước đó là tính từ tháng Tám-tháng Chín năm 1945 trở về trước) đã không thể hiểu nổi nếu thiếu báo (cách vận hành của văn chương Việt Nam là vận hành dựa trên báo và tạp chí: chính nhờ báo và tạp chí mà nhịp đi của văn chương Việt Nam đột xuất trở nên nhanh khủng khiếp; nhiều người đã biết sử dụng ưu thế cơ động của báo chí để đẩy nhanh mọi thứ lên, để những gì lẽ ra cần cả trăm năm hay hơn nữa mới xong được thì chỉ cần tầm hai mươi, ba mươi năm - tất nhiên điều này cũng gây ra một tác hại rất lớn, là khiến người đời sau không dễ nhìn cho chính xác nữa, cùng nhiều "tác dụng phụ" khác, ở đây chưa nói đến).

Thời tiền chiến đã như vậy, giai đoạn 19/8/1945-19/12/1946 càng rõ hơn (tất nhiên, nhiều giai đoạn khác cũng vậy, nhưng ở đây tạm bỏ qua). Chuyển động của văn chương thời tiên khởi ở Việt Nam là chuyển động theo lối "không kịp thở lấy hơi".

Tóm lại, từ 19/8/1945 đến 19/12/1946 thực sự cần được tìm hiểu, nhất là trong báo chí. Tôi muốn nói, được tìm hiểu một cách bình tĩnh, từ nhiều chiều - gần đây có những nỗ lực trong mảng này, nhưng rất một chiều là một, rất không bình tĩnh là hai. Đã thế, những nghiên cứu ấy, nếu nhìn thật nghiêm khắc, còn gây ra những hiểu biết rất tai hại.

Chẳng hạn, trong một nghiên cứu, người ta nhắc đến tờ báo Tự do của Khái Hưng trong quãng thời gian này. Chi tiết này khiến tôi thấy rất nghi hoặc: tôi biết đây là đoạn rất khó, nhưng bản thân tôi cũng từng tìm hiểu nhiều, tôi không nghĩ có tờ Tự do nào liên quan đến Khái Hưng hết. Chứng minh không có thì khó hơn là chứng minh có, nên tôi sẵn sàng rút lại điều vừa nói nếu thấy bằng chứng về tờ Tự do, nhưng cho tới giờ phút này, tôi nghĩ nói rằng trong quãng thời gian nói trên có một tờ báo tên là Tự do với Khái Hưng là yếu nhân, là một điều không thể tin được.

Ta quay trở lại với Khái Hưng.

Đề tài "Khái Hưng ngoài Phong hóa, Ngày nay" thực sự là một đề tài rất khó. Nó lại còn khó hơn nữa bởi vì trong đường link vừa xong là Khái Hưng "ngoài" hai tờ báo trên, nhưng mới chỉ là trước chúng. Nhưng vậy còn chưa đủ: còn có Khái Hưng ngoài Phong hóa, Ngày nay, nhưng là sau chúng. Mà Khái Hưng ở phương diện này lại chính là Khái Hưng của đoạn, về cơ bản, 19/8/1945-19/12/1946, mà chúng ta đang nói đây. Nếu không giải quyết được vấn đề này, nếu không làm sáng tỏ được đoạn này, theo tôi vĩnh viễn Khái Hưng sẽ vẫn là một dấu hỏi lớn.

Theo hồi ký của Vũ Bằng, Khái Hưng có liên quan đến tờ Bình minh (yếu nhân là Nguyễn Giang), nhưng có vẻ không thực sự quan trọng. Theo hồi ký của Nguyễn Tường Bách, Khái Hưng có liên quan đến Việt Nam thời báoViệt Nam, trong đó Việt Nam thời báo là tiền thân của Việt Nam. Dường như, lần duy nhất Khái Hưng xuất hiện chính thức trên manchette một tờ báo (với tư cách chủ bút) chính là ở Việt Nam thời báo, một tờ có tuổi thọ hết sức ngắn ngủi (chắp nối rất nhiều nguồn tài liệu với nhau, tôi tin tờ này không thể quá 24 số).

Trong cuốn sách nơi thông báo là có tờ Tự do liên quan đến Khái Hưng, rất may mắn là có ảnh chụp một số Việt Nam, góc trên cùng bên tay phải đăng quảng cáo về một tờ báo khác, Chính nghĩa. Tờ Chính nghĩa bắt đầu ra sau tờ Việt Nam chừng sáu tháng (tờ này là tuần báo, trong khi Việt Nam là nhật báo, chỉ gồm hai mặt một tờ giấy), cả hai đều kết thúc rất sát trước 19/12/1946.

Tại Sài Gòn trước 1975, Nguyễn Thạch Kiên in tập truyện ngắn Lời nguyền, trong đó có cả kịch (xem ở đường link này, trong đó cũng có các chi tiết hết sức quan trọng về Khái Hưng trong liên quan với tờ Ngày nay Kỷ nguyên mới). Tập Lời nguyền in truyện và kịch Khái Hưng từng cho đăng trên Chính nghĩa. Rất tiếc là tập sách ấy thiếu vở kịch Đoàn kết.

May mắn là gần đây vở kịch Đoàn kết đã xuất hiện trở lại, trên tờ Khởi hành (Viên Linh và Nguyễn Tà Cúc), phát hành tại Mỹ. Như vậy tác phẩm Khái Hưng trên Chính nghĩa coi như đã được tìm lại đầy đủ, sau gần bảy mươi năm tròn.

Tại miền Bắc, người ta vẫn có thể đọc được tờ Chính nghĩa và một số tờ báo khác "cùng khuynh hướng", ít nhất là một phần, nếu chịu khó, rất chịu khó tìm kiếm. Gần đây, trong một bài viết về Tự Lực văn đoàn, tác giả (tên là Lê Phong Sừ), cũng nhắc một cách rất cụ thể đến tờ Chính nghĩa.

Tôi nghĩ rằng một hiểu biết đầy đủ về Khái Hưng, nhất là liên quan đến vấn đề "Khái Hưng đã viết gì từ 19/8/1945 đến 19/12/1946" - đây là đoạn ngay trước cái chết của Khái Hưng - đã sắp có thể đạt được. Mốc 1946 càng quan trọng hơn nữa trong văn chương Việt Nam, vì thời điểm này liên quan máu thịt đến cả Khái Hưng lẫn Nguyễn Tuân, hai nhân vật đồ sộ nhất của thời tiền chiến Việt Nam.

15 comments:

  1. Có hai vấn đề cần tranh luận với gã này:
    - Thời tiền chiến vẫn hiểu đến 1945 nhưng có vẻ cách hiểu này chưa thực sự chính xác. Tính đến 19/12/1946 thì chính xác hơn. Còn giai đoạn 1945-19/12/1946 là giai đoạn đệm.
    - Không thể vứt bỏ vai trò và mối liên hệ của tờ Bình Minh với tờ Việt Nam được. Chuyện Nguyễn Giang thân Nhật nhưng không có nghĩa tờ Bình Minh là thân Nhật.

    ReplyDelete
  2. hehe

    vấn đề thứ nhất: ở đây chính là đang nói để xác định lại mốc 1946 chứ không phải 1945 mà, cho nên không cần nói thêm nữa

    vấn đề thứ hai: đố anh chứng minh được Bình minh quan hệ với Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào

    Khái Hưng tham gia Bình minh trong khoảng đầu tháng Ba đến cuối tháng Năm rồi rút ngay, thật ra có thể hiểu khi Nhật mới lên, các nhóm đều muốn nghe ngóng binh tình, nên KH nhận làm Bình minh cùng Nguyễn Giang thôi

    sau KH, Phan Huy Đán thế chỗ, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, sau chỉ còn độc một mình Nguyễn Giang

    mà Việt Nam cuối năm mới bắt đầu ra, tình hình đã khác hẳn, không còn Nhật, khuynh hướng cũng khác, thế thì liên quan giữa Bình minh và Việt Nam là kiểu gì?

    à nhân tiện, anh nghĩ có thể có tờ báo tên là "Tự do" liên quan đến KH ở đoạn 45-46 này không?

    ReplyDelete
  3. Vấn đề thứ nhất: là vì thấy "Thời tiền chiến (tạm quy ước đó là tính từ tháng Tám-tháng Chín năm 1945 trở về trước)"- trích nguyên văn.
    Vấn đề thứ 2: tạm thời anh chưa có bằng chứng xác thực chứng minh mối liên hệ của tờ Bình Minh và tờ Việt Nam. Nhưng chắp mối các thông tin và sự kiện thì anh đang nghiêng theo hướng Bình Minh là tiền thân đầu tiên sau đó đến Việt Nam thời báo và Việt Nam (giống như Cờ Giải phóng là tiền thân đầu tiên của Sự thật và Nhân dân ấy).
    Nên nhớ, Bình Minh đóng cửa trước sự kiện 19/8/1945 và VN thời báo ra mắt 23/10/1945 sau đó đến tháng 11/1945 mới có Việt Nam. Nếu nói sự liên hệ thông qua chứng cứ là Trụ sở tòa soạn, khuynh hướng hoặc Chủ bút thì không thuyết phục. Tạm thời chưa chắp nối chặt chẽ, có thời gian anh sẽ chứng minh rõ chuyện này.

    ReplyDelete
  4. yes, em sẽ đợi xem chứng minh, nhưng nếu anh dựa vào Thép Mới thì cũng nên thấy ông í còn không nói đúng được các thời điểm, chứng tỏ nhớ không kỹ, vả lại các nhân vật một phía thời í rất thích nói phía đối lập là thân Nhật, như thế có lợi lớn cho họ, điều này ta đều đã biết

    em vẫn khẳng định Bình minh không liên quan đến VNTB và VN, nhất là không phải "tiền thân", cho dù quan niệm "tiền thân" theo cách thức lỏng lẻo nhất

    ReplyDelete
  5. Thông tin về tờ Tự do liên quan đến Khái Hưng:
    Ngày 15/9/1945 Khái Hưng có đơn gửi Bộ Nội vụ (lúc đó là ông Hoàng Minh Giám) về việc xin phép ra mắt tờ báo Tự Do. Báo quán đặt tại 80 Quán Thánh (cũng là nơi Khái Hưng trú quán). Đến 8/10/1945 Bộ Nội vụ có Nghị định cho phép xuất bản tờ báo này. Tuy nhiên, tờ Tự do có ra mắt độc giả hay chưa thì chưa xác định được. Đối với tờ Việt Nam Thời báo của Nguyễn Trọng Trạc thì Ông Trạc có đơn xin xuất bản vào ngày 17/9/1945 (sau Khái Hưng xin ra tờ Tự Do mấy ngày). Đến 16/10/1945 thì có giấy phép. Báo quán đặt tại 93 Hàng Bông. Tuy nhiên khi ra mắt tờ Việt Nam thời báo vào 23/10/1945 thì thấy trụ sở ở Hàng Bông nhưng tòa soạn lại là 80 Quán Thánh. Đây là chi tiết đáng chú ý. Vì rất có thể tờ Tự Do không được xuất bản hoặc vì lý do nào đó phải đình bản nên có thể Khái Hưng và Nguyễn Trọng Trạc đã kết hợp với nhau trong tờ Việt Nam thời báo (có chi tiết tòa soạn của Việt Nam thời báo ở 80 Quán Thánh trùng với báo quán của Tờ Tự Do)

    ReplyDelete
  6. Anh đã chứng minh được một điều là tờ Tự Do có liên quan đến Khái Hưng và báo quán của Tự do đặt tại 80 Quán Thánh. Tờ Tự Do cũng có trước tờ Việt Nam thời báo. Vậy suy ra, tiền thân của tờ Việt Nam là tờ nào chú cứ thế mà nghĩ :))

    ReplyDelete
  7. tks tks

    tờ Việt Nam thời báo thì vậy, nhưng tờ Việt Nam thì lại do Trần Tử Anh đứng tên xin giấy phép có phải không ạ?

    ReplyDelete
  8. ơ, haha, anh đã chứng minh cái gì đâu?

    anh có biết Nguyễn Trọng Trạc đã có tên ở Ngày nay Kỷ nguyên mới không?

    thế tờ Bình minh đâu mất rồi? (trụ sở của tờ này là 55 Hàng Bồ nhé, liên quan thế nào đến VNTB và VN đây?), còn tờ Tự do, cho đến lúc này chưa ai có bằng chứng cho thấy nó có tồn tại, ngoài nghị định cho phép xuất bản

    ReplyDelete
  9. Phải lần từng thứ một, đừng sốt ruột. Nói phải có chứng lý. Chú bình tâm chờ đợi đi :)

    ReplyDelete
  10. đợi thì ok thôi, nhưng em dám nói luôn anh không chứng minh được Bình minh là tiền thân của VNTB và VN (như lời Thép Mới nói) đâu, nếu VNTB và VN nhất định phải có tiền thân thì cực đơn giản: đó chính là Phong hoá, Ngày nay và Ngày nay Kỷ nguyên mới, sau đó VN sẽ có thêm một tờ vệ tinh, là Chính nghĩa

    đấy, chuyện nó là như thế, em nói trước luôn, nhường anh quyền phản bác hihi

    ReplyDelete
  11. Bởi tờ Tự do chưa có bằng chứng tồn tại nên anh mới đặt giả thiết Khái Hưng cộng tác với Nguyễn trọng Trạc trong tờ Việt Nam thời báo. Còn ông Trạc có tên trong Ngày nay Kỷ nguyên mới thì thuộc nội dung khác, anh chưa quan tâm.

    ReplyDelete

  12. ơi, thì ra anh chưa nhìn thấy tận mắt tờ Việt Nam thời báo rồi

    cần gì đặt giả thiết KH cộng tác với NTT: trên măng sét báo ghi rõ chủ nhiệm NTT, chủ bút KH í chứ

    thôi, ta ngừng ở đây đã nhé, bao giờ anh chắc chắn chứng minh được Bình minh là tiền thân của VNTB (và Vn) thì ta nói chuyện tiếp, chỉ nói thêm là chuyện KH có mặt ở cả BM lẫn VNTB không nói lên rằng tờ kia là tiền thân của tờ này

    ReplyDelete
  13. Đây là phần ông Nguyễn Tường Bách kể trong hồi ký "Việt Nam một thế kỷ qua":

    [Trong lúc chuyền tiếp, Khái Hưng, Gia Trí và tôi đồng ý đình bản tờ Ngày Nay và thay vào đó, ra một tờ báo hàng ngày trung dung hơn, làm cơ sở cho công việc tuyên truyền sau này. Đó là tờ Việt nam Thời Báo do Nguyễn Trọng Trạc làm chủ nhiệm.] (Chương 21)

    [Về mặt công khai, tờ Ngày Nay đã đình bản, Hoàng Đạo, tôi và Khái Hưng thương lượng ra một tờ báo hàng ngày. Lần này cử anh Nguyễn Trọng Trạc làm giám đốc, Khái Hưng và tôi phụ trách biên soạn. Mục đích là duy trì một cơ cấu ngôn luận của mình, nhưng dưới bề mặt trung dung, chỉ đăng tin tức và hô hào bảo vệ độc lập, tự do.] (Chương 23)

    [Việc ra công khai của đảng tại Hà Nội và nhiều tỉnh đòi hỏi tăng cường công tác tuyên truyền. Ngoài việc truyền thanh và rải truyền đợn ra, cần phải có một tờ báo để phổ biến cương lĩnh chính trị và đường lối của đảng, cùng mọi tin tức về hoạt động các nơi. Đứng trước nhu cầu, sau khi bàn luận với anh Hoàng Đạo, tôi và Khái Hưng liền thực hành ngay một hành động rất cách mạng: đổi ngay tờ Việt nam Thời Báo sang tờ Việt nam, cơ quan ngôn luận của Việt nam quốc dân đảng mà không báo trước cho ông chủ nhiệm là Nguyễn Trọng Trạc biết, vì sợ nếu Trạc phản đối sẽ kéo dài thời giờ.] (Chương 24)

    Đại khái vậy...

    ReplyDelete
  14. Còn đây là quan điểm về chuyện xin phép làm báo của mấy ông VNQDĐ, vẫn từ lời kể của Nguyễn Tường Bách.

    [Đương nhiên, trái với quy định của Việt minh, chúng tôi ra báo không cần xin phép ai cả... Dù hai bên có đấu khẩu kịch liệt, chính phủ HCM cũng không thể ra lệnh cấm, vì vô ích. Họ bèn dùng một phương pháp bất lịch sự và nhỏ mọn là chuyên tịch thu báo của những đứa trẻ bán báo. Vì có nhiều người hiếu kỳ nên báo Việt nam cũng khá chạy, nên luôn luôn xẩy ra xung đột giữa trẻ bán báo với cảnh sát hay những tay khủng bố.] (Chương 24)

    Cho nên nếu chỉ dựa vào thông tin về đơn xin phép đăng trên Công báo thì e rằng sai. Vác đơn đi xin là một chuyện còn làm thế nào lại là chuyện khác, hehe.

    ReplyDelete
  15. yep, tác giả bộ sách in gần đây, trong đó nói rằng có báo "Tự do" của Khái Hưng, đã phạm phải đúng cái sai lầm sơ đẳng này: khẳng định sự tồn tại của một tờ báo chỉ căn cứ trên một cái nghị định cho phép - trong khi giấy tờ và thực tế có khi khác nhau rất nhiều - và bộ sách ấy cũng rất một chiều, chỉ chủ yếu dựa vào thông tin lấy từ tờ Cứu quốc (tờ này thì đã được số hoá, ai cũng xem được trên trang web Thư viện quốc gia, nghiên cứu như thế thì đúng là dễ quá)

    ReplyDelete