Kẻ thù của "tốt" là gì? Sẽ nhầm lẫn rất lớn nếu nghĩ đó là "xấu". Không, kẻ thù của tốt, như một số người từng nói, không phải xấu, mà là "tốt hơn". Thế cho nên, người tốt nhìn thấy kẻ thù không phải ở người xấu, hoàn toàn không, thậm chí nếu không có người xấu thì lấy đâu ra người tốt bây giờ?: người tốt căm ghét nhất những người tốt hơn họ. Mọi cuộc đua tranh đều có nét lố bịch riêng của nó, và không có gì đáng ngạc nhiên khi sự đua tranh về tốt thuộc hàng lố bịch khủng khiếp.
Năm ấy, tôi phải trải qua một kỳ thi: thi tốt nghiệp cấp ba. Cho đến cách đây không lâu tôi mới nhận ra, giờ mà nói "cấp ba" thì gần như chẳng còn ai thực sự biết là nói gì. Mọi thứ có vẻ thay đổi rất nhanh. Hoặc ta cứ tưởng mọi thứ có thay đổi. Chẳng ai biết có thay đổi thật hay không, điều này thì tôi chắc chắn, tôi lại càng chắc chắn hơn, chẳng ai biết thay đổi nghĩa là như thế nào.
Dẫu có là như thế nào, tôi phải trải qua một kỳ thi gồm tổng cộng năm bài. Chẳng bao giờ tôi ngại các kỳ thi, không phải vì tôi học tốt - tôi chưa bao giờ thực sự là "học sinh giỏi" - mà chỉ vì thời của tôi, cộng thêm các hoàn cảnh cá nhân (nói cho đúng là các hoàn cảnh do tôi tự tạo ra cho tôi), gần như lúc nào tôi cũng đi thi. Cứ đi thi mãi, con người ta không còn sợ thi nữa. Có một giấc mơ rất nổi tiếng trong ngành nghiên cứu tâm phân học, liên quan đến thi cử, mà chắc ai cũng biết: mơ thấy mình đi thi nhưng không làm được bài, hoặc đi mãi trên đường mà không đến được chỗ thi, etc. Nhưng nếu cứ thi mãi, thi mãi, rất có thể tới lúc cái giấc mơ oái oăm và quả thật rất đáng sợ khi tỉnh dậy đó, nó cũng sẽ tiêu biến. Như một áp xe trên tay, chân, hay đâu đó cơ thể, bởi vì các giấc mơ cũng có thể chỉ là các áp xe ở bên trong.
Đến bài thi văn, nhìn đề bài tôi đã muốn đi về luôn, mặc dù có tận ba tiếng để làm bài, nếu tôi nhớ không nhầm; vả lại, dường như quy định của hồi ấy là bất luận như thế nào, ít nhất cũng phải quá nửa giờ thi hoặc hai phần ba gì đó thì thí sinh mới được ra khỏi phòng thi. Thi tốt nghiệp cấp ba hồi ấy lại còn thêm một quy định nữa: trộn các trường vào với nhau, thành thử trong phòng thi chỉ có một nửa là bạn cùng lớp, còn một nửa thì không quen.
Tôi muốn đi về luôn bởi vì đề thi chỉ ghi một dòng (cùng lắm hai dòng), phân tích truyện ngắn "Mùa lạc". Truyện ngắn "Mùa lạc" của Nguyễn Khải, chắc không phải nói thêm nữa, rất nhiều người biết nó. Tôi nhớ cả phòng thi năm ấy reo hò ầm ĩ, vì "trúng tủ". Nếu tôi không nhầm, năm ấy rất nhiều người đoán, dựa trên các quy luật xác suất thống kê gì đó, hoặc cũng chẳng căn cứ trên bất cứ điều gì, rằng đề thi sẽ ra vào "Mùa lạc".
Chắc chắn trong phòng thi năm ấy tôi là người duy nhất muốn đi về luôn. Đơn giản là vì tôi không biết truyện ngắn "Mùa lạc" nói gì.
Đến bây giờ tôi vẫn không biết Nguyễn Khải viết cái gì trong truyện ngắn "Mùa lạc". Hoàn toàn không phải vì tôi thấy Nguyễn Khải là nhà văn kém, hoàn toàn không, mà chỉ hết sức đơn giản: chưa bao giờ tôi đọc truyện ngắn "Mùa lạc". Tất tật những gì tôi biết về truyện ngắn ấy là: có một anh, có một chị, và có lạc. Hết, hoàn toàn không có gì nữa. Thời điểm đọc đề thi trong phòng thi năm ấy, tôi chỉ biết có vậy. Bây giờ tôi cũng chỉ biết có vậy: có một anh, có một chị, và có lạc. Tất nhiên, sau khi đã thoát khỏi tất cả những cái đó, tôi không bị dở người đến mức lại đâm đầu đọc truyện ngắn "Mùa lạc".
Tôi nhất định không đọc "Mùa lạc", dẫu cho bất kỳ ai bắt ép. Tôi nhất định không đọc, mặc dù nó nằm chình ình trong sách giáo khoa, và khả năng đề thi tốt nghiệp cấp ba năm ấy rơi vào nó là cực cao. Thật ra tôi cũng không thực sự biết tại sao lại thế: tôi không chống đối, không nổi loạn, nhưng tôi thực sự không đọc "Mùa lạc". Đến tận bây giờ, tôi mới lờ mờ đoán được nguyên nhân: ở một thằng bé mười bảy tuổi, việc từ chối đọc truyện ngắn "Mùa lạc" cho dù nó có ở trong sách giáo khoa, có lẽ là một dấu hiệu về danh dự. Tôi dám dùng cái từ đúng là hơi quá to tát này, là bởi vì ở thời điểm mười bảy tuổi, tôi đã có đằng sau lưng một quá khứ đọc không ít thứ, nó khiến cho tôi, chỉ liếc qua vài dòng truyện ngắn "Mùa lạc" là tôi nhất định không muốn đọc nữa. J'ai vu de plus chic. Rất có thể đây là một sai lầm, nhưng tôi cũng hiểu, với một thằng bé mười bảy tuổi, trời có sụp thì nó cũng nhất định không chịu làm một cái việc mà nó không muốn làm. Không nguyên nhân, không lý lẽ, không giải thích, và chấp nhận hết. Kể cả trượt trong một kỳ thi tốt nghiệp cấp ba.
Thế nhưng, năm ấy tôi lại không trượt kỳ thi tốt nghiệp cấp ba, mặc dù nhìn thấy đề thi văn là tôi muốn đi về ngay. Hồi đó, luật của thi tốt nghiệp là có hai đề bài. Năm ấy, dường như rất nhiều người, chắc đại đa số, thí sinh chọn phân tích truyện ngắn "Mùa lạc", còn tôi lưu lạc sang cái đề còn lại.
Đề thứ hai này (tôi vẫn còn nhớ rất rõ, vì dẫu sao câu chuyện cũng khá đáng nhớ) có một câu bắt trình bày thân thế sự nghiệp Solokhov. Đương nhiên, câu này tôi cũng không thể làm được, vì tôi không biết Solokhov sinh năm bao nhiêu, mất năm bao nhiêu. Tuy nhiên, tôi đã đọc toàn bộ Sông Đông êm đềm có đoạn nhân vật trèo lên cái thùng tô nô diễn thuyết, mà tôi rất thích, nên tôi nghĩ tôi đủ tư cách nói về Solokhov (dẫu không biết năm sinh năm mất - nhưng tôi còn đọc hết cả Đất vỡ hoang cùng rất nhiều truyện ngắn). Tôi trình bày rất hùng biện về văn chương Nga, tôi nói đến Pushkin, tôi nói đến Lermontov, thậm chí tôi còn nhắc đến "đại lộ Nevski", tôi cho thấy là tôi đọc Solokhov thật, tôi hy vọng rơi trúng một người chấm bài cũng thấy là không nhất thiết phải biết năm sinh năm mất Solokhov cho lắm, miễn sao có đọc Solokhov là tốt rồi. Tôi đánh cược vào một ông thầy dạy văn có tí gàn dở. Dường như tôi đã gặp được một người như thế. Vả lại, câu này rất ít điểm.
Câu chính yếu là phân tích bài thơ "Kính gửi cụ Nguyễn Du" của Tố Hữu. Tôi không biết bài thơ này nhiều hơn truyện ngắn "Mùa lạc" của Nguyễn Khải, nhưng ít nhất tôi có thuộc vài câu, tôi lại tương đối thuộc Kiều, muốn tạo ra một bài làm có nhiều trích dẫn trông vui mắt và "giông giống" thì cũng không khó quá. Ở đây, đằng nào thì tôi cũng chỉ còn độc một cách là tiếp tục đánh cược mình gặp được một ông thầy dạy văn gàn dở thích Kiều hơn "Kính gửi cụ Nguyễn Du" (Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều, rồi Nỗi niềm nghĩ đến mà đau gì đó), bởi vì bài thơ này đặc biệt buồn cười, đây là một bài thơ viết bằng giọng của báo cáo, nghị quyết, "kính gửi" etc.
Thế mà, nhờ Solokhov và Tố Hữu (cả hai tôi đều không thực sự biết, ít nhất là không biết những gì mà đề bài yêu cầu), tôi qua được kỳ thi tốt nghiệp cấp ba năm ấy. Vừa vặn đủ điểm.
-----------
Khi viết về thân thế sự nghiệp Solokhov, tôi không chỉ nhắc đến Pushkin hay Lermontov, dường như (nếu trí nhớ của tôi không quá tệ) tôi còn nhắc luôn đến Gogol. Đối với một thằng bé mười bảy tuổi đã đọc Những linh hồn chết, Con gái người đại úy, Chiến tranh và hòa bình, tất tật Dostoevsky, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, cái chuyện phải đọc truyện ngắn "Mùa lạc" quả thật là một nỗi nhục.
Au risque de thi trượt một kỳ thi không phải là không quan trọng. Nhưng có những lúc phải dám. Tôi đã dám, ở tuổi mười bảy, đặt cược vào sự gàn dở. Tôi đặt cược vào một ai đó mà tôi không biết (tất nhiên bây giờ tôi vẫn không biết) mà vì tình cờ bài thi của tôi sẽ rơi vào tay để chấm điểm, tôi đặt cược là không phải tất tật các ông thầy dạy văn đi chấm thi đều không đủ sức nhận ra một điều gì đó, và chấp nhận không đánh trượt một đứa học sinh rành rành là không chứng minh được là nó đủ hiểu biết theo yêu cầu của một cái đề bài. Tôi giễu cợt, với một hy vọng nhỏ nhoi, là sự giễu cợt của tôi tìm được tương ứng trong một tâm hồn khác cũng thích giễu cợt; hoặc ít nhất, tôi giễu cợt, và trông chờ sự giễu cợt của tôi qua mặt được một ai đó không đủ sức nhận ra đó chính là sự giễu cợt.
Và, bởi vì, khi nhìn lại quá khứ, dẫu sao cũng nên hết sức trung thực: năm ấy, ở tuổi mười bảy, tôi qua được kỳ thi tốt nghiệp cấp ba, đúng là "vừa vặn đủ điểm" như trên đã nói, nhưng đó là vừa vặn để tôi vào thẳng đại học, không cần đi thi nữa, năm ấy, tôi vào thẳng đại học bằng mọi con đường dẫn đến "vào thẳng đại học" theo các quy định của giai đoạn đó. Tức là, có thể nói, tôi vào thẳng đại học hơn một lần, theo hơn một tiêu chuẩn.
Chính bởi vậy, chuyện không buồn đọc truyện ngắn "Mùa lạc" mới thực sự là risky. Bởi vì, như người ta hay nói, tôi có thể mất hết, mất cực lớn (thậm chí là mọi thứ, nếu xét tôi là một học sinh cấp ba ở thời điểm cuối cùng trước khi thoát được các thứ học hành, khi mà tay đã gần như chạm vào một thứ, được gọi là "bằng tú tài"). Nhưng những người đánh bạc biết rõ, khả năng mất càng lớn, ván bài càng trở nên hấp dẫn vô song. Không một ai chưa đánh bạc rất nhiều có thể hiểu bất kỳ điều gì về các nhân vật của Dostoevsky.
Cái nhìn hồi cố vào lúc này giúp tôi nhận ra, ở tuổi mười bảy (tất nhiên, thời điểm ấy, tôi cũng đã đọc cuốn tiểu thuyết hai tập Tuổi mười bảy hehe) nếu cuộc đời tôi có nguyên tắc, thì nguyên tắc ấy dựa trên danh dự, và dựa trên sự giễu cợt. Hai thứ này gần như không thể tương thích với nhau.
(còn nữa)
khi "con đường dài hóa dễ với ta" thì không còn thấy "người tốt" với "người tốt hơn" đâu nữa; chỉ với môt điều kiện: "ta" không bắt đầu con đường đó từ địa vị một "người tốt." hehe nhưng chắc chắn đây là lạc đề, chỉ vì cái khoảng "tốt hơn" nó thật provocative.
ReplyDeletehehe, mọi người tử tế sẽ mất ăn mất ngủ, dựng tóc gáy khi thấy xuất hiện một người tử tế hơn: chiến tranh bùng nổ gian khổ mười năm
ReplyDeleteanw, nhắc đến TH một cái - đó chính là một người tốt - thấy bùi ngùi quá, "nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều" "tiếng thơ ai động đất trời/nghe như non nước động lời ngàn thu": kiểu gì cũng sẽ có đoạn bình luận mấy câu này, ngứa ngáy quá :p
à há. chạm tới "nghệ thuật của sự lớn" mà rơi ngay vào một "đỉnh cao muôn trượng" hả
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeleteĐây, mấu chốt đây rồi. Chẳng lẽ các Thầy cô dạy Văn quê tôi cũng có thói quen tính xác suất thống kê đề thi Văn như ở trường Hà Nội các ông? Thật tình cờ quê tôi mùa tốt nghiệp năm đó cả làng cả tổng cũng hùng hục ôn thi Mùa lạc. Và đến khi vào phòng thi bọn nó cũng sung sướng reo ầm lên vì trúng tủ. Hic.
ReplyDeleteTrong một nền giáo dục như VN thì hành động này đúng là another brick on the wall :( mà chẳng mầy người dám làm. Và mình cũng rơi vào 1 hoàn cảnh tương tự nhưng ở kỳ thi vào c3
ReplyDeletekhông biết anh còn giữ liên lạc với thầy/ cô dạy môn văn thời cấp 3 ấy không?
ReplyDeletethật vui và may mắn cho thầy cô nếu được có một học trò giống anh :)
ReplyDeleteđọc lại bài này cười tỉnh cả ngủ
ReplyDeleteCòn nữa ở đâu tiếp thế anh?
ReplyDeleteNăm đó tôi không được vào thẳng do 5 điểm Văn mặc dù thừa khá nhiều điểm để vào thẳng. Môn Văn hồi cấp 3 là ác mộng với tôi khi bà giáo dậy Văn nói thẳng với tôi: tôi không hiểu cậu viết cái quái gì thế, cảm thụ văn học của cậu không có à. Tôi chật vật môn Văn của bà để đủ học sinh giỏi. Rồi cuối cùng vẫn lao đầu vào thi đại học. Tôi đỗ 3 trường và 1 trường thủ khoa. Đến giờ vẫn không hiểu nổi thời cấp 3, bà giáo dậy Văn và người chấm thi tốt nghiệp vẫn không hiểu nổi tôi viết gì.
ReplyDeletechuyện buồn quá, câu chuyện thật là buồn
ReplyDelete