"Quyển sách tranh" là một hình ảnh xuất hiện rất nhiều trong các truyện của Andersen. Đặc biệt, Quyển sách tranh của ông bố đỡ đầu là một câu chuyện mà tôi đã định dịch đợt này, nhưng rồi lại thôi. Ai có điều kiện thì nên tìm đọc nó, đó là một truyện gói gọn toàn bộ lịch sử Đan Mạch.
Quyển sách tranh không có tranh nằm bên ngoài các truyện thuộc vào corpus truyện của Andersen mà thông thường người ta vẫn biết. Một cách chính thức, tổng cộng có 156 câu chuyện. Quyển sách tranh không có tranh không nằm trong đó. Đây là một tác phẩm được Andersen viết từ rất sớm (ngay năm 1839) nhưng không thuộc vào đâu. Nó cũng cho thấy một điều dễ bị quên khỏi tiểu sử Andersen: Andersen còn là một họa sĩ.
Một tháng vừa rồi, chúng ta đã đi qua không ít câu chuyện của Andersen (danh sách cụ thể xem ở dưới). Ít nhất, tôi nghĩ đã có thể hình dung đầy đủ hơn về một Andersen tác giả của một văn chương đặc biệt đa dạng, với một vị trí duy nhất không chỉ trong văn chương Đan Mạch, văn chương Bắc Âu hay văn chương "kỳ ảo", mà là trong văn chương nói chung, một văn chương theo nghĩa phổ quát nhất.
Câu chuyện dưới đây, Quyển sách tranh không có tranh, cũng cho thấy không ít điều về cái nhìn đặc biệt của Andersen: một nhà văn đích thực thì có cái nhìn riêng, đó là quy luật không thể phổ quát hơn.
nhân tiện: đã tiếp tục một câu chuyện khác của Andersen, Hòn đá triết học
Quyển sách tranh không có tranh
Thật lạ! khi tôi cảm thấy cao hứng nhất và thoải mái nhất,
thì cứ như thể hai tay và lưỡi của tôi bị trói lại, tôi không thể thuật truyện,
tôi không thể diễn tả mọi sự đúng như tôi cảm nhận ở bên trong tôi; và thế
nhưng, tôi lại là họa sĩ, con mắt tôi nói với tôi điều đó, và tất cả những ai từng
xem các bức phác họa và tranh vẽ của tôi đều công nhận như vậy.
Tôi là một thằng bé nghèo, sống tại một trong những phố chật
hẹp nhất, nhưng tôi không bị thiếu ánh sáng, bởi vì tôi ở tít trên cao, từ đó
nhìn được xuống mọi mái nhà. Những ngày đầu tiên sống tại thành phố, tôi cảm thấy
quá chật chội và cô đơn; thay vì rừng và những ngọn đồi màu lục, giờ đây đường
chân trời chỉ còn là các ống khói xám xịt. Tại đây tôi chẳng có đến một người bạn,
không có đến một khuôn mặt quen thuộc để chào tôi.
Một tối nọ, tôi ngồi bên cửa sổ, hết sức buồn rầu, tôi mở cửa
và nhìn ra bên ngoài. Ồ! sao mà tôi sung sướng! tôi trông thấy một khuôn mặt mà
tôi từng biết, một khuôn mặt tròn, thân thiện, người bạn thân nhất của tôi, ở
đó, nơi từng có tổ ấm của tôi: đó là trăng, mặt trăng già nua yêu quý ấy, không
đổi thay, dáng vẻ của nó vẫn chằn chặn giống hệt như khi nó nhìn tôi giữa những
cây liễu mọc quanh đầm lầy. Tôi gửi cho nó một nụ hôn trên đầu các ngón tay và
nó bừng sáng chiếu thẳng vào phòng tôi rồi hứa mọi buổi tối nào có đi ra ngoài,
nó sẽ tới đây thăm tôi một chốc lát; nó đã làm như vậy kể từ bấy, đầy trung
tín, thật tệ vì nó chỉ có thể nán lại không nhiều thời gian. Mỗi lần tới, nó lại
kể cho tôi một điều gì đó mà nó đã trông thấy vào đêm hôm trước, hoặc cũng có
thể ngay trong tối hôm ấy. “Hãy vẽ những gì tôi kể cho cậu đi, nó nói vào chuyến
thăm đầu tiên, như vậy cậu sẽ làm ra một quyển sách tranh rất là xinh đấy.” Đó
chính là việc tôi đã làm từ nhiều buổi tối. Hẳn tôi cũng có thể, theo cách
riêng của tôi, tạo ra những câu chuyện Nghìn
lẻ một đêm mới bằng hình ảnh, nhưng chắc hẳn như thế thì sẽ có quá nhiều; những
gì tôi bày ra không hề được chọn lựa, chúng đúng như là tôi đã nghe kể; một họa
sĩ thiên tài vĩ đại, một nhà thơ hoặc một nhà soạn nhạc nếu muốn sẽ có thể từ
đó mà làm ra nhiều thứ còn hay hơn; những gì tôi trình bày chỉ là các đường viền
mơ hồ trên giấy, và thỉnh thoảng những ý nghĩ của chính tôi, bởi vì chẳng phải
tối nào trăng cũng đến, rất thường có một hai đám mây che mất nó đi.
TỐI
THỨ NHẤT
“Đêm qua - chính mặt trăng nói vậy - tôi trượt trong làn
không khí trong vắt của Ấn Độ, và phản chiếu xuống sông Hằng: các tia sáng của
tôi tìm cách băng qua hàng giậu dày tạo nên từ những cây tiêu huyền già nua, một
cái vòm trông giống mai rùa. Một nàng thiếu nữ Hindu từ bụi rậm đi ra, nhẹ nhõm
như linh dương, đẹp như Eva; có một cái gì đó thực sự bay bổng, và thế nhưng
cũng căng mọng, tràn đầy, ở cô thiếu nữ Ấn Độ này, tôi có thể nhìn thấy ý nghĩ
của cô xuyên làn da mỏng; các loại cây leo đầy gai xé rách đôi xăng đan của cô,
nhưng dẫu có thế cô vẫn bước đi thoăn thoắt; con thú hoang đang đi ra sông uống
nước hoảng hốt nhảy vọt sang một bên để tránh đường, vì cô thiếu nữ cầm trên
tay một ngọn đèn thắp sáng; tôi có thể trông thấy dòng máu tươi của cô gái
trong những ngón tay thanh mảnh mà cô gập lại để giữ cho lửa khỏi tắt. Cô tới bờ
sông, giao phó cái đèn cho dòng nước chảy, và đèn trôi dạt trên mặt nước; ánh lửa
chập chờn, chừng như sắp tắt mất đến nơi, nhưng dẫu vậy thì nó vẫn cháy, và cặp
mắt đen lóng lánh của cô thiếu nữ dõi theo nó, vẻ ưu tư, đằng sau hai hàng mi
dài rợp như lụa trên mí mắt; cô gái biết rằng nếu đèn tiếp tục cháy lâu đến chừng
nào cô còn có thể nhìn thấy nó, thì có nghĩa người mà cô yêu vẫn còn sống,
nhưng nếu đèn tắt, thì anh đã chết; cái đèn cháy và run rẩy, và trái tim cô gái
run rẩy và rực cháy, cô quỳ xuống cầu nguyện; cạnh bên cô, trong đám có, có một
con rắn người đầy nhớt, nhưng cô chỉ nghĩ tới Brahma và chàng trai vị hôn phu của
cô. “Anh ấy vẫn sống!” cô hào hứng thốt lên và, từ các ngọn núi, tiếng vọng nhắc
lại: “Anh ấy vẫn sống!””
TỐI
THỨ HAI
“Đó là hôm qua, trăng kể với tôi, tôi nhìn từ trên cao xuống
cái sân nhỏ nằm giữa các ngôi nhà, ở đó có một con gà mái cùng mười một gà con,
một đứa bé gái tươi tắn nhảy nhót quanh chúng, con gà mái kêu cục cục và, vì sợ
hãi, nó dang rộng hai cánh trùm lên lũ con. Ông bố của đứa bé gái xuất hiện
đúng vào lúc đó, ông mắng nó; và tôi đi khỏi, không để ý thêm; nhưng tối nay,
cách đây mới vài phút, tôi đã lại nhìn xuống cái sân ấy. Khung cảnh thật tịch mịch,
nhưng đứa bé gái hiện ra, nó nhẹ nhàng luồn lách tới chỗ chuồng gà, nhấc cái
then lên để đến chỗ con gà mái cùng lũ gà con; chúng liền gào toáng lên và bay
loạn xạ, đứa bé gái đuổi theo, tôi nhìn thấy rõ lắm, bởi vì tôi nhìn xuyên qua
một lỗ thủng trên tường. Tôi rất giận dữ vì cái đứa trẻ độc ác kia và tôi lấy
làm sung sướng khi bố nó chạy tới và lại mắng nó, còn tàn tệ hơn hôm qua, rồi
túm lấy tay nó; nó cúi gằm mặt, trong cặp mắt xanh của nó có những giọt nước lớn.
“Con làm gì ở đây?” ông hỏi. Nó vừa khóc vừa đáp: “Con chỉ muốn vào trong đó để
ôm hôn gà mái và xin lỗi nó vì chuyện hôm qua, nhưng con không dám nói với bố!”
Và ông bố hôn lên trán sự ngây thơ dễ thương; về phần tôi, tôi hôn cô bé lên mắt
và lên miệng.”
TỐI
THỨ BA
“Trên phố chật hẹp, ngay gần đây thôi - nó hẹp đến nỗi tôi
chỉ có thể cho các tia sáng trườn đi dọc theo bức tường trong vòng một phút,
nhưng trong một phút ấy, tôi nhìn thấy đủ để biết cặn kẽ về cái thế giới sống ở
đó - tôi từng trông thấy một thiếu nữ. Cách đây mười sáu năm cô gái vẫn còn là
một đứa trẻ; cô chơi đùa ở vùng nông thôn, trong khu vườn của nhà mục sư cổ;
các giậu hoa hồng đã già cỗi, không còn ra hoa nữa, ở tình trạng hoang dã, chúng
xâm chiếm lối đi và từ chúng mọc ra các cành thật dài vươn lên trên những cây
táo; chỉ có lác đác đây đó một bông hoa hồng, và nó không đẹp, không đẹp như nữ
hoàng các loài hoa có thể đẹp; và thế nhưng, có đủ các màu, cũng có cả hương
thơm nữa; tôi thấy đứa con gái của ông mục sư là một bông hồng xinh đẹp hơn nhiều;
cô bé ngồi trên cái ghế đặt bên dưới hàng giậu mọc hoang và hôn lên má con búp
bê làm bằng giấy bìa đã nát. Mười năm về sau, tôi lại nhìn thấy cô ấy; tôi nhìn
thấy lại cô ấy trong phòng khiêu vũ tuyệt đẹp; cô là người vợ xinh đẹp của một
thương gia giàu có; tôi sung sướng khi được chứng kiến hạnh phúc của cô, và tôi
đi tìm cô ấy trong những buổi tối yên bình; hỡi ôi! chẳng ai nghĩ tới con mắt
sáng ngời của tôi, đến ánh mắt chắc chắn của tôi! Bông hồng của tôi cũng trở
nên hoang dại, giống những bông hồng trong khu vườn của nhà mục sư xưa kia! Cuộc
sống hằng ngày cũng có vở bi kịch riêng của nó, tối nay, tôi đã xem màn cuối.
Trên phố hẹp, cô ấy đang nằm trên giường, ốm nặng sắp chết, và ông chủ nhà độc
ác, thô thiển và lạnh lùng, giật cái chăn, thứ duy nhất bảo vệ cô chống lại cái
lạnh, khỏi người cô: “Dậy đi! lão nói. Trông mặt cô sợ quá đấy, trang điểm đi!
kiếm tiền cho tôi, nếu không, tôi sẽ ném cô ra ngoài đường! dậy mau lên! - Tôi
đã thấy cái chết dâng lên đến ngực rồi! cô ấy đáp. Ôi! để cho tôi được nghỉ!”
và thế là lão lôi cô ra khỏi giường, thoa phấn lên má cô, cài hoa hồng lên tóc
cô, đặt cô ngồi bên cửa sổ, ngọn nến cháy sáng ngay bên cạnh, rồi đi khỏi đó.
Tôi chăm chú nhìn cô ấy: cô ngồi bất động, tay buông thõng trong lòng. Một luồng
gió đóng sập cửa sổ lại làm một ô kính bị vỡ, nhưng cô vẫn ngồi yên, tấm ri đô
bay phấp phới quanh cô giống như một ngọn lửa, cô ấy đã chết. Nơi cửa sổ để mở,
người phụ nữ đã chết ngồi đó, giảng giải về tội
lỗi - bông hồng khốn khổ của tôi trong khu vườn của nhà mục sư!”
TỐI
THỨ TƯ
“Tối qua, tôi đã xem một hài kịch Đức, trăng nói. Đó là tại
một thành phố nhỏ, một tòa nhà dùng làm chuồng ngựa đã được sửa sang thành nhà
hát, nghĩa là người ta đã giữ nguyên các ngăn chuồng và lau rửa chúng để biến
chúng thành các lô, mọi thứ gì làm bằng gỗ thì được dán giấy nhiều màu lên; một
chùm đèn nhỏ bằng sắt treo trên trần thấp và, để nó có thể tự nhấc mình lên rồi
biến đi mất giống như tại các nhà hát lớn khi chuông của người nhắc vở vang lên
“tinh tang”, người ta đã lồng vào bên trên nó một cái thùng úp ngược. “Tinh
tang!” và thế là chùm đèn nhỏ bằng sắt nhảy đi một cú dài tận nửa bộ và biến mất
vào thùng; như thế, người ta biết ngay là vở kịch đã bắt đầu. Một ông hoàng trẻ
tuổi đi ngang qua thành phố, cùng vợ của chàng, đến xem buổi biểu diễn, chính
vì thế mà căn phòng đông nghẹt người, chỉ bên dưới chùm đèn có một chỗ giống
như cái hố. Tại chỗ ấy, không có lấy một mống người, các giọt sáp rơi từ những
ngọn nến, “tốc! tốc!” Tôi thấy tất tật những điều ấy, bởi vì trong đó nóng tới
mức người ta buộc phải mở hết mọi cửa sổ trên tường, và từ bên ngoài, đám trẻ,
cả gái lẫn trai, nhòm vào qua tất tật các cửa sổ kia, mặc cho đám cảnh sát, bên
trong, bọn họ giơ gậy lên dọa nạt. Ngay gần dàn nhạc, người ta nhìn thấy vợ chồng
ông hoàng trẻ tuổi trong hai cái phô tơi cũ, thông thường ông thị trưởng và vợ
ông được ngồi đó, nhưng tối qua, họ phải ngồi trên các ghế băng bằng gỗ giống
như tất cả các nhà tư sản khác. “Đấy, đúng là ngoài trời lại có trời cao hơn!”
bà vợ nhủ thầm, và bởi thế mọi sự lại càng trở nên hay ho hơn; chùm đèn thì cứ
nhảy, đám đông thì bị vụt vào các ngón tay, còn tôi - ừ thì! trăng tham gia
toàn bộ vở hài kịch.”
TỐI
THỨ NĂM
“Hôm qua, trăng nói, tôi đã nhìn Paris cùng sự nhộn nhịp của
nó, phía bên dưới, mắt tôi đã xâm nhập các căn phòng của điện Louvre. Một bà
già ăn vận nghèo nàn, thuộc tầng lớp bình dân, đi theo một nhân viên cấp thấp
vào căn phòng lớn nơi đặt ngai vàng không người ngồi; chính căn phòng này là thứ
bà muốn thấy, bà tuyệt đối phải thấy; điều này đã khiến bà phải thực hiện nhiều
sự hy sinh nhỏ, bà đã phải thể hiện nhiều tài hùng biện, trước khi tới được
đây. Bà chắp hai bàn tay gầy guộc lại và nhìn xung quanh, vẻ trang trọng, như
thể đang ở trong một nhà thờ. “Chính là ở đây! bà nói. Ở đây!” vừa nói bà vừa
tiến lại gần ngai vàng từ đó rủ xuống thứ vải nhung diễm lệ viền vàng. “Ở đây!
bà nói. Ở đây!” rồi bà quỳ xuống và hôn lên tấm thảm tía - tôi nghĩ là bà ấy
khóc. “Không phải miếng nhung này đâu”,
người nhân viên cất tiếng, miệng nở một nụ cười. “Nhưng dẫu sao thì cũng đúng
là ở đây! người đàn bà đáp. Mọi thứ đã được bố trí giống như thế này. - Phải,
ông ta nói, và thế nhưng cũng không đúng; các cửa sổ đã bị phá, cửa ra vào thì
bị giật tung và trên sàn nhà đầy máu!… Dẫu thế bà vẫn có thể nói: thằng cháu
tôi đã chết trên ngai vàng nước Pháp! - Chết!” bà già nhắc lại… Tôi không nghĩ
họ có nói thêm điều gì nữa, họ sớm rời căn phòng, ánh sáng hoàng hôn đã lụi, và
ánh sáng của tôi chiếu sáng mạnh gấp đôi tấm nhung rực rỡ trên ngai vàng nước
Pháp. Bạn nghĩ bà già đó là ai nào?… Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện. Đó là hồi
nổ ra cuộc cách mạng tháng Bảy, quãng buổi tối, ngày rực rỡ nhất của chiến thắng,
vào lúc đó mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi cửa sổ là một bức thành; dân chúng
a la xô chiếm lấy điện Tuileries. Trong hàng ngũ các chiến binh có cả phụ nữ và
trẻ em; họ phá cửa xông vào các căn hộ và phòng ốc lâu đài. Một thằng bé, nghèo
khổ, ăn mặc rách rưới, chiến đấu can đảm giữa các chiến sĩ lớn hơn; bị tử thương
bởi nhiều nhát lưỡi lê, nó ngã gục xuống đất, chuyện xảy ra trong căn phòng để
ngai vàng, và người ta bèn đặt thằng bé người đầy máu lên ngai vàng nước Pháp,
người ta lấy vải nhung băng bó các vết thương cho nó, máu chảy thành dòng lên
màu tía hoàng gia, một bức tranh mới ghê gớm làm sao! căn phòng tuyệt diệu, các
nhóm chiến binh! một lá cờ gãy nằm trên sàn nhà, lá cờ tam tài tung bay phía
trên những ngọn lưỡi lê, và trên ngai vàng, thằng bé khốn khổ mặt mũi nhợt nhạt,
biến dạng, mắt nhìn lên trời, trong khi chân tay nó co rút lại chuẩn bị cho cái
chết; bộ ngực trần của nó, những áo quần nghèo khó của nó, nửa người được phủ thứ
vải nhung tráng lệ trang trí hoa ly bạc. Người ta đã tiên tri khi nó còn nằm
trong nôi: “Nó sẽ chết trên ngai vàng nước Pháp!” Mẹ nó, trong lòng, đã mơ đến
một Napoléon mới. Các tia sáng của ta từng hôn lên vòng hoa cúc bất tử đặt trên
mộ, và đêm ấy chúng đã hôn lên trán bà của nó, khi bà nằm mơ và thấy bức tranh
mà giờ đây bạn có thể vẽ: “Thằng bé nghèo khổ trên ngai vàng nước Pháp!””
TỐI
THỨ SÁU
“Tôi đã ở Uppsala! trăng nói. Từ trên cao tôi đã nhìn xuống
cánh đồng lớn lơ thơ cỏ mọc, những khoảng ruộng thưa. Tôi đã soi mình xuống
sông Fyris, trong lúc con tàu hơi nước khiến lũ cá vội vã bỏ trốn giữa đám sậy.
Bên dưới tôi, những đám mây bay và chiếu các bóng dài xuống mộ Odin, Thor và
Frey, như người ta vẫn hay gọi họ. Trên bãi cỏ lác đác phủ lên các mảnh đất, những
cái tên đã được hình thành. Ở đây, không có bia tưởng niệm nơi lữ khách có thể
khắc tên mình lên, không có vách đá nơi anh ta có thể viết tên mình lên, chính
vì thế những người đến thăm đã xén cỏ, làm lộ mặt đất trần trụi, tạo thành các
chữ và những cái tên với kích cỡ lớn, chúng tạo nên một mạng lưới trải rộng
trên nhiều gò đất. Một sự bất tử mà một lớp cỏ mới lại phủ lên trên. Ở đây, có
một người, một ca sĩ, chàng uống cạn tù và đựng đầy rượu mật ong gắn cái vòng bạc
lớn và thì thầm một cái tên, bảo gió không được để lộ, nhưng tôi nghe thấy cái
tên, tôi có biết nó, một vương miện bá tước sáng lấp lánh bên trên và bởi thế
mà chàng không nói thật to lên; tôi mỉm cười, một vương miện nhà thơ sáng lấp
lánh phía trên tên chàng! Sự cao quý của Éléonore d’Este gắn vào với tên của Le
Tasse [một nhà thơ rất nổi tiếng]. Tôi cũng biết bông hoa hồng của cái đẹp mọc ở
đâu!…”
Đó là những gì trăng nói, một đám mây bay qua che mất nó… Miễn
sao đừng có đám mây nào giữa nhà thơ và bông hoa hồng!
TỐI
THỨ BẢY
“Dọc theo bờ sông trải rộng một khu rừng sồi nhiều loại, rậm
rạp và rất thơm, mùa xuân nào nó cũng đón tiếp hàng trăm con họa mi; biển ở gần
sát, biển biến đổi vĩnh hằng, và giữa chúng có một con đường cái quan rộng. Những
cỗ xe nối tiếp nhau đi qua phía trước, tôi không dõi theo chúng, mắt tôi chủ yếu
chăm chăm nhìn vào một điểm duy nhất: ở đó có một mộ phần; các cành dâu và mận
gai ken dày giữa những tảng đá. Nơi đây có thứ thơ ca đích thực trong tự nhiên.
Làm sao bạn có thể nghĩ con người tri nhận được nó? Ừ thì! tôi sẽ kể bạn nghe
những gì tôi đã nghe thấy ở đó, chỉ mới tối và đêm hôm qua thôi. Trước hết có
hai người nông dân giàu có đi xe ngựa đến. “Mấy cái cây đẹp quá! một người nói -
Tha hồ mà lấy củi đun! người kia đáp. - Mùa đông sẽ khắc nghiệt; năm ngoái, người
ta trả cho chúng ta mười bốn rixdale cho mỗi bó củi!” Và rồi họ biến mất. “Đoạn
này đường xấu quá! một lữ khách khác nói. - Đấy là do đám cây đáng nguyền rủa
kia! người bên cạnh đáp, không khí chẳng lưu thông được, ngoại trừ gió từ bờ biển!”
và họ đi xa dần. Cỗ xe chở khách cũng đi qua; tất cả đều ngủ ở đúng đoạn đẹp nhất;
người xà ích thổi tù và, nhưng anh ta chỉ nghĩ: “Mình thổi nghe thật hay, mình
tự hỏi những người trong kia có thích không?” Và cỗ xe biến mất. Có hai chàng
thanh niên lao ngựa tới. Đây là tuổi trẻ và trong máu họ có rượu sâm banh, tôi
nghĩ; họ cũng nhìn, nụ cười nở trên môi, gò đất phủ rêu và những bụi cây u tối.
“Tôi rất thích được đi dạo ở đây cùng Christine, con gái ông chủ cối xay bột!”
một người nói, rồi họ đi. Những bông hoa tỏa hương thơm ngát, mọi luồng không
khí ngủ thiu thiu, biển như thể là một phần của bầu trời đang trải rộng phía
trên thung lũng sâu; một cỗ xe đi qua, trên xe có sáu người, bốn đang ngủ, người
thứ năm nghĩ đến cái áo choàng mùa hè mới chắc phải hợp với anh ta lắm, còn người
thứ sáu chồm về phía người xà ích hỏi đống đá đằng kia có gì đặc biệt hay
không. “Không, người xà ích đáp, đó chỉ là một đống đá, nhưng mấy cái cây kia
thì đặc biệt! - Kể cho tôi đi! - Vâng, chúng có một cái gì đó vô cùng đặc biệt;
ông có thấy không, khi tuyết mùa đông tạo thành một lớp dày và mọi thứ trộn lẫn
vào với nhau, tôi dùng mấy cái cây này làm điểm mốc, tôi có thể định hướng dựa
theo chúng và không bị lao xuống biển; chính điều đó làm chúng có cái gì đó đặc
biệt!…” Và cỗ xe đi khỏi. Sau đó xuất hiện một họa sĩ, mắt anh ta sáng lấp
lánh, anh ta không nói một lời, mà huýt sáo, lũ họa mi hót, con này đua sức hót
to hơn con kia. “Im đi nào!” anh ta
kêu lên, giờ đây đã thấy khá cụ thể mọi màu sắc: “Xanh, tím, nâu sẫm!” Tất tật
hẳn sẽ trở thành một bức tranh tuyệt đẹp! Anh ta hình dung nó giống như tấm
gương hình dung hình ảnh, và trong quãng thời gian ấy, anh ta huýt sáo một điệu
hành khúc của Rossini. Một cô bé nghèo khổ xuất hiện cuối cùng, cô ngồi nghỉ gần
mộ phần, đặt gánh nặng đang mang xuống, khuôn mặt xinh đẹp nhợt nhạt của cô
ngoái về phía khu rừng để lắng nghe, cặp mắt cô sáng lấp lánh khi cô nhìn lên
trời, phía bên kia biển, hai tay cô chắp lại, tôi nghĩ cô đang đọc Kinh Lậy Cha. Bản thân cô cũng không hiểu
tình cảm đang lướt qua cô, nhưng tôi biết rằng, trong suốt nhiều năm, giây phút
này, khi cô được tự nhiên vây quanh, sẽ nhiều lần quay trở lại trong ký ức của
cô, đẹp hơn nhiều, thậm chí còn trung thành hơn so với lúc họa sĩ ghi lại với
những màu cụ thể. Các tia sáng của tôi đi theo cô bé, cho tới khi ánh sáng ban
ngày hôn lên trán cô!”
TỐI
THỨ TÁM
Trên trời có những đám mây nặng nề, trăng hoàn toàn không xuất
hiện, tôi thấy cô độc gấp đôi trong căn phòng nhỏ và tôi nhìn lên trời, nơi lẽ
ra nó phải chiếu sáng. Suy nghĩ của tôi bay đi xa để tới gặp người bạn lớn của
tôi, người tối tối vẫn kể cho tôi những câu chuyện đẹp đến thế, cho tôi xem các
hình ảnh. Quả thật, còn có gì mà nó còn chưa nhìn thấy? Nó bồng bềnh trôi phía
trên nước của cơn hồng thủy và nở nụ cười với con thuyền Nô-ê, cũng như với
tôi, và mang lại niềm an ủi về một thế giới mới rồi một ngày sẽ nở hoa. Khi dân
tộc Israel khóc bên bờ những con sông ở Babylon, nó nhìn, vẻ sầu muộn, qua các
cành liễu, nơi những cây đàn hạc được treo. Khi Romeo trèo lên ban công, và nụ
hôn tình yêu vươn lên từ mặt đất giống như ý nghĩ của một thiên thần, trăng
tròn trốn đi một nửa giữa đám cây bách màu đen trong không khí trong suốt. Nó
đã trông thấy người anh hùng của đảo Sainte-Hélène, khi ông ngắm nhìn Đại Dương
từ tảng đá đơn độc, trong lúc những ý nghĩ lớn lao náo động trong lồng ngực ông
[Napoléon, nếu có ai còn chưa đoán ra]. Quả thật, còn có gì mà nó không kể nữa,
mặt trăng! Cuộc sống của thế giới là một câu chuyện đối với nó. Tối nay tôi
không nhìn thấy bạn rồi, người bạn thân của tôi! tôi không thể vẽ tranh khi nhớ
lại chuyến thăm của bạn!… và đúng vào lúc, đầy mơ mộng, tôi ngẩng đầu về phía
các đám mây, thì có ánh sáng; đó là một tia tỏa xuống từ trăng, nhưng nó lại tắt
ngấm, những đám mây đen bay qua, nhưng dẫu sao đó cũng là một lời chào, một lời
chào buổi tối của tình bạn, mà trăng gửi đến cho tôi.
TỐI
THỨ CHÍN
Bầu không khí lại trở nên trong vắt; nhiều buổi tối đã trôi
qua, trăng đang ở kỳ khuyết; tôi lại nảy ra ý tưởng về một bản phác họa… Hãy
nghe những gì trăng kể.
TỐI
THỨ MƯỜI
“Tôi từng biết một quý cô đã già, trăng nói, mỗi mùa đông bà
ấy mặc một cái áo khoác bằng xa tanh màu vàng, lúc nào cũng mới, đó là thứ mốt
duy nhất mà bà ấy chịu theo; mỗi mùa hè, bà lại đội cùng một cái mũ rơm và, tôi
nghĩ, mặc cùng cái váy màu xanh sẫm. Bà chỉ hay đến thăm một bà bạn già, sống ở
bên kia đường; nhưng những năm gần đây, bà không làm việc ấy nữa, bởi vì bà bạn
đã chết. Cô độc, quý cô già nua của tôi chộn rộn tay chân đằng sau cửa sổ, nơi,
suốt mùa hè, có những bông hoa đẹp và, mùa đông, một cây cải xoong tuyệt diệu.
Những tháng gần đây, bà không còn xuất hiện ở cửa sổ, nhưng bà vẫn còn sống,
tôi biết rõ, bởi vì tôi vẫn chưa nhìn thấy bà ấy thực hiện chuyến đi lớn mà họ
từng vẫn hay nhắc đến, bà cùng bà bạn của bà. “Ừ thì, hồi ấy bà nói, ngày nào
tôi chết, tôi sẽ được đi nhiều hơn so với trong suốt đời tôi; cách đây sáu dặm,
có hầm mộ gia đình, người ta sẽ đưa tôi đến đó, chính tại đó tôi sẽ ngủ gần các
thành viên khác trong nhà tôi.” Đêm qua, một cỗ xe dừng lại trước ngôi nhà, người
ta khiêng từ trên đó xuống một cỗ quan tài, khi ấy tôi biết là bà đã chết; họ chèn
rơm vào quanh quan tài rồi ra đi. Bà ấy nằm đó ngủ êm đềm, quý cô già nua, suốt
năm vừa qua bà không hề ra khỏi nhà; và cỗ xe đi ra khỏi thành phố, rất nhanh,
như thể đó là một cuộc dao chơi đầy hân hoan. Đến đường cái quan, nó còn phóng
nhanh hơn nữa; người đánh xe thỉnh thoảng liếc nhìn về phía đằng sau, tôi nghĩ
anh ta sợ nhìn thấy bà ngồi đó trong cái áo khoác bằng xa tanh màu vàng, ở đó,
đằng sau quan tài; chính vì thế mà anh ta quất roi vô hạn độ lên lũ ngựa, giật
dây cương dữ đến mức hàm chúng sùi bọt; chúng còn trẻ và rất hăng, một con thỏ
băng ngang đường và chúng cuống cuồng lên. Quý cô già nua tĩnh tại, người,
trong suốt nhiều năm, không làm gì khác ngoài loay hoay trong nhà mình, giờ đây
đang phóng như bay, đã chết, trên đường cái quan vắng hoe. Cỗ quan tài, được bọc
bên trong các bó rơm, bị lật úp và rơi xuống đường, trong khi lũ ngựa, người xà
ích và cỗ xe lao đi như tên bắn. Con chim chiền chiện bay vọt lên, vừa bay vừa
hót trên cánh đồng, nhí nhách bài ca buổi sáng của nó bên trên cỗ quan tài, đậu
xuống đó và lấy mỏ mổ vào đám rơm, như thể nó muốn xé toang thứ vỏ bọc. Chim
chiền chiện lại lao lên trời và hót, và tôi rút lui đằng sau những đám mây đỏ của
buổi sáng.”
TỐI
THỨ MƯỜI MỘT
TỐI
THỨ MƯỜI HAI
“Tôi muốn tặng cho bạn một hình ảnh về Pompeii, trăng nói,
tôi ở vùng ngoại ô, trên phố của những ngôi mộ, như người ta vẫn hay gọi, tại
đó có các công trình đẹp, nơi đám thanh niên vui vẻ hết mức, hoa hồng cài trước
trán, từng khiêu vũ với các chị em Laïs [nghĩa là các nàng kỹ nữ thời cổ đại Hy
Lạp]; giờ đây, nơi ấy chỉ còn lại sự im lặng chết chóc; những người lính Đức
đánh thuê cho người Napoli canh gác và chơi bài, chơi đổ xúc xắc; một nhóm người
ngoại quốc từ bên kia núi tiến vào thành phố, có lính canh đi kèm; trong luồng
ánh sáng chói lọi mà tôi chiếu xuống, họ muốn nhìn ngắm thành phố hồi sinh từ nấm
mộ, và tôi chỉ cho họ những vết xe ngựa trên các phố lấm đầy dung nham, tôi chỉ
cho họ những cái tên trên các cánh cửa và những biển hiệu vẫn còn treo ở đó; họ
nhìn, tại những cái sân nhỏ, bồn phun nước trang trí vỏ sò đủ loại; nhưng không
tia nước nào phun lên, không tiếng hát nào vang ra từ những căn phòng treo đầy
tranh, nơi lũ chó bằng đồng nằm canh ngoài cửa. Đó là thành phố của người chết,
chỉ độc Vesuvius còn cất lên vang dội trong tiếng sấm ầm ào bài ca vĩnh hằng của
nó: mỗi đợt phun trào mới, người ta lại thấy đó như thể là một khổ thơ độc lập.
Chúng tôi đi tới đền thờ Venus, toàn bộ làm bằng đá hoa cương, màu trắng nhức
nhối, ban thờ chính nằm phía trước cầu thang lớn và những cây liễu rủ tươi tắn
đã mọc lên giữa các cây cột; không khí trong suốt, xanh lơ, và về phía hậu cảnh,
là núi Vesuvius đen như than, từ đó lửa phụt lên, giống như một gốc thông; đám
mây khói sáng bừng trông giống ngọn thông, trong im lìm của đêm, nhưng đỏ màu của
máu. Trong số các thành viên của nhóm người, có một nàng ca sĩ, một ca sĩ đích
thực, vĩ đại, tôi từng trông thấy nàng được hoan hô nhiệt liệt tại những chốn
danh giá nhất của châu Âu. Khi tiến lại gần nhà hát bi kịch, tất cả họ đều ngồi
lên các bậc thính đài bằng đá, một khoảng nhỏ của nơi này lại có người, giống
như cách đó hàng nghìn năm. Cảnh tượng nơi ấy vẫn giống như trước đây, với các
cánh gà xây tường, cùng hai vòm cong phía sau, xuyên qua đó người ta nhìn thấy
cùng sự bài trí của thời đó, chính là tự nhiên: những ngọn núi giữa Sorrente và
Amalfi. Nàng ca sĩ, để cho vui, leo lên sân khấu cổ đại và hát; nơi này truyền
cảm hứng cho nàng, tôi không thể tự ngăn mình nghĩ đến con ngựa hoang xứ Ả rập,
những lúc nó hí lên, rung bờm và lao đi hết tốc lực, cũng có cùng sự nhẹ nhõm
và vững chãi như thế; tôi không thể tự ngăn mình nghĩ đến người mẹ bị giằng xé
trong nỗi đau dưới chân cây thánh giá đồi Golgotha, cũng là cùng nỗi đau được cảm
nhận sâu xa ấy. Và khắp xung quanh, cũng như cách đây nhiều nghìn năm, là các
biểu hiện của niềm vui và những tiếng vỗ tay lại ào lên: “Sao mà cô ấy may mắn!
với những tài năng thiên bẩm!” tất cả họ đều nói, trong một cơn hứng khởi của
niềm vui. Ba phút sau, khung cảnh lại trống vắng, tất cả họ đều đã đi khỏi,
không còn nghe thấy chút âm nhạc nào nữa; nhóm người đã đi, nhưng đống đổ nát
thì còn ở lại, không chút thay đổi, cũng như vẫn sẽ vậy trong nhiều thế kỷ nữa,
và lúc đó, chẳng ai sẽ còn biết gì về những tiếng vỗ tay hoan hô của hôm nay, về
nàng ca sĩ xinh đẹp, về âm nhạc mà nàng đã khiến vang lên cũng như nụ cười của
nàng, mọi thứ sẽ bị lãng quên và trôi qua; ngay cả với tôi, giây phút này cũng
sẽ là một kỷ niệm biến mất.”
TỐI
THỨ MƯỜI BA
“Tôi đã nhìn qua cửa sổ của một nhà biên tập, trăng nói, đâu
đó tại nước Đức. Ở đó có những thứ đồ đạc thật tốt, rất nhiều sách và một đống
báo chồng chất lộn xộn. Nhiều thanh niên đang ở đó; bản thân nhà biên tập thì
ngồi trước bàn, ông đang viết bài phê bình về hai cuốn sách nhỏ, cả hai đều do
những tác giả trẻ viết ra!… “Một người đã gửi cho tôi, ông nói, tôi còn chưa đọc,
nhưng cuốn sách được trình bày đẹp quá, anh nói gì về nội dung?…” - “Ồ! một người
đáp - đó là một nhà thơ đích thực đấy - rất hay, có những đoạn rườm, nhưng Chúa
ơi! đó là một chàng thanh niên, hẳn các câu thơ vẫn còn có thể hay hơn! Các ý
tưởng thì lành mạnh, chắc chắn đó là những ý tưởng thông thường! nhưng nói gì
đây? Chẳng phải lúc nào người ta cũng tìm được cái gì đó mới mẻ. Ông có thể nói
những điều tốt đẹp về anh ta, tôi không có gì chống lại điều đó! tuy nhiên,
thành thực mà nói, tôi không nghĩ anh ta có bao giờ trở thành được một nhà thơ
lớn. Nhưng anh ta đọc sách nhiều, đó là một nhà Đông phương học đáng chú ý, sự
đánh giá của anh ta rất chuẩn xác. Chính anh ta đã viết một bài rất hay về tác
phẩm Những phăng te zi về cuộc sống nơi tổ
ấm của tôi đấy. Cần phải rộng lượng với một chàng thanh niên.
“- Nhưng đó chỉ là một con lừa! một ông khác đang có mặt
trong phòng lên tiếng. Trong thơ ca chẳng gì còn có thể tồi tệ hơn so với sự tầm
thường được nữa, và anh ta sẽ chẳng bao giờ lên cao hơn được!
“- Anh chàng tội nghiệp! người thứ ba nói, cứ nghĩ bà dì của
anh ta hài lòng về anh ta đến mức nào. Chính bà ấy, thưa ông, là người đã thu
thập được rất nhiều tiền quyên góp để in bản dịch mới nhất của ông…
“- Bà già trung hậu! đúng thế thật, tôi đã viết một bài ngắn
về cuốn sách. Một tài năng không thể chối cãi! một thiên bẩm cần chào đón! Một
bông hoa trong khu vườn thơ ca; trình bày rất đẹp, v.v… Nhưng cuốn sách kia! chắc
hẳn anh ta muốn tôi mua nó!… Tôi được biết người ta khen ngợi lắm! Anh ta có
thiên tài! các ông không nghĩ thế à?
“- Có chứ, đó là điều tất cả mọi người đều khẳng định, nhà
thơ đáp, nhưng có một cái gì đó thật hoang dã! Đặc biệt, cách ngắt câu thì tuyệt
đỉnh.
“- Chắc chắn sẽ là tốt cho anh ta nếu bị cánh phê bình riềng
mẻ, bị trái ý một chút ít, nếu không, anh ta sẽ tự coi trọng mình quá đáng cho
mà xem.
“- Nhưng vậy là không công bằng! người thứ tư kêu lên. Ta đừng
sa đà vào những khiếm khuyết nhỏ chứ, mà hãy tận hưởng các khía cạnh tốt đẹp,
mà chúng thì có đến là nhiều! dẫu sao thì anh ta cũng vượt qua tất cả!
“- Cầu trời che chở! nếu thực sự anh ta có thiên tài, thì chắc
chắn anh ta sẽ có thể chịu đựng được một sự chê bai nghiêm khắc! đã có đủ người
ca ngợi anh ta ở chỗ riêng tư rồi! nhất là chúng ta không được khiến anh ta bị
quay cuồng đầu óc!
“- Một tài năng không thể chối cãi! nhà biên tập viết. Những
điểm lơ là vẫn thường hay thấy; anh ta cũng có khả năng viết những câu thơ bất
hạnh, như có thể thấy ở trang 25, nơi có hai chỗ ngắt. Nên nghiên cứu thêm các
nhà thơ cổ điển, v.v…” Tôi đi khỏi đó, trăng nói, và tôi liếc vào qua cửa sổ
nhà của bà dì, nhà thơ được vinh danh đang ở trong, ngoan ngoãn, được tất tật
khách khứa khen ngợi, và anh ta rất sung sướng.
“Tôi tìm nhà thơ kia, con người hoang dại; anh ta cũng đang ở
cùng đông người tại nhà một người bảo trợ, nơi người ta đang nói đến cuốn sách
của nhà thơ kia… “Tôi cũng sẽ đọc cuốn sách của anh! vị mạnh thường quân nói,
nhưng, trung thực mà nói, anh cũng biết tôi không bao giờ nói với anh về những
điều mà tôi nghĩ, tôi không chờ đợi quá nhiều đâu. Anh quá hoang dại đối với
tôi! quá huyền ảo… nhưng tôi công nhận rằng với tư cách con người, anh hết sức
đáng tôn trọng!” Một cô thiếu nữ ngồi trong góc phòng, đọc một cuốn sách:
Thiên tài và vinh quang rồi tắt ngấm
Nhưng tài năng hằng ngày sẽ bù đắp
Một câu chuyện quá cũ
Và thế nhưng chẳng lúc nào hết mới
TỐI
THỨ MƯỜI BỐN
TỐI
THỨ MƯỜI LĂM
TỐI
THỨ MƯỜI SÁU
“Tôi biết một Polichinelle, trăng nói, công chúng sướng mê
tơi khi xem anh ta biểu diễn; cử động nào của anh ta cũng hài hước và làm cả
khán phòng phá lên cười, và thế nhưng, chẳng gì trong đó được tính toán, chính
đó là điểm đặc biệt. Khi anh ta còn bé, hay đánh nhau với lũ trẻ khác, anh đã
là một Polichinelle, hồi ấy đã vậy, tự nhiên đã tạo ra anh ta như thế, nó đã
trao cho anh ta một khối lớn trên lưng, thêm một cục trước ngực; còn bên trong,
ngược lại, ở phương diện tinh thần, anh ta được trang bị rất dồi dào: chẳng ai
có sự nhạy cảm sâu sắc hơn, sự mềm dẻo về tinh thần lớn hơn so với anh ta. Nhà
hát là thế giới lý tưởng của anh ta. Nếu có thân hình cân đối, thanh mảnh, hẳn
anh ta sẽ trở thành diễn viên bi kịch vĩ đại nhất, trên bất kỳ sân khấu nào; sự
anh hùng, sự kỳ vĩ chất đầy trong tâm hồn anh ta, và thế nhưng, anh ta đã phải
trở thành Polichinelle. Bản thân nỗi đau của anh, sự sầu muộn của anh lại càng
làm tăng thêm vẻ khô kiệt hài hước của khuôn mặt góc cạnh và gây cười cho một
công chúng đông đảo, họ vỗ tay hoan hô diễn viên ưa thích nhất của họ. Cô
Columbine xinh đẹp của anh dễ thương và tốt bụng đối với anh, nhưng dẫu sao thì
vẫn thích lấy Arlequin làm chồng hơn; mà quả thật, hẳn sẽ phải buồn cười lắm nếu
“Giai Nhân và Quái Vật” kết hợp với nhau. Khi Polichinelle cảm thấy nản chí hơn
cả, chỉ cô mới có thể làm cho anh mỉm cười, thậm chí là cười phá lên; ban đầu
cô cùng sầu muộn với anh, rồi cô trở nên bình tĩnh hơn một chút, nhưng rồi cuối
cùng, cô nói đùa không ngừng. “Em biết chuyện gì không ổn rồi! cô nói, ừ thì,
là bởi tình yêu đó! - Phải, bởi tình yêu đó!…” và anh không thể nhịn cười. “Tôi
và tình yêu! anh kêu lên, sẽ hay ho lắm! công chúng sẽ vỗ tay hoan hô nhiệt liệt!…
- Đó là tình yêu” cô nhất quyết, nói thêm với giọng bi thương và hài hước:
“Chính em là người mà anh yêu!…” Người ta hoàn toàn có thể nói những điều như
thế, ở nơi nào không có tình yêu! và Polichinelle nhảy dựng lên, tha hồ cười;
giờ đây, nỗi sầu muộn đã tan biến. Và thế nhưng, cô đã nói sự thật, anh yêu cô,
yêu cô rất nhiều, giống như anh yêu sự trác tuyệt và kỳ vĩ trong nghệ thuật.
Cái ngày cô lấy chồng, anh là nhân vật vui tươi nhất, nhưng, đêm đến, anh khóc;
nếu công chúng được nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của anh, hẳn họ sẽ vỗ tay
hoan hô… Những ngày này, Columbine đã chết; ngày đưa tang, Arlequin được miễn
không phải lên sân khấu; bởi vì anh ta đã góa vợ và đang đau khổ. Ông giám đốc
buộc phải cho diễn một cái gì đó thật buồn cười để cô nàng Columbine xinh đẹp
và Arlequin khéo léo không khiến khán giả thấy nhớ nhung quá đáng; vậy nên
Polichinelle phải gây cười thật nhiều; anh khiêu vũ, anh nhảy vọt lên, trái tim
mang nặng nỗi tuyệt vọng, và người ta hoan hô, người ta thể hiện một niềm vui
vô bờ bến: “Bravo! bravissimo!” Người ta gọi Polichinelle quay trở lại; ồ! anh
thật là vô giá… Đêm hôm qua, sau buổi diễn, con quái vật nhỏ một mình rời khỏi
thành phố, và đi đến nghĩa địa đơn côi. Vòng hoa đã tàn úa trên mộ Columbine;
anh ngồi xuống đó; hẳn người ta có thể vẽ một bức tranh; má tì lên bàn tay, hai
mắt nhìn về phía tôi; trông cứ như một tòa công trình, một Pilichinelle trên nấm
mộ, kỳ lạ và hài hước. Nếu công chúng được nhìn thấy diễn viên ưa thích của họ,
hẳn họ sẽ vỗ tay: Bravo, Polichinelle, bravo, bravissimo!”
TỐI
THỨ MƯỜI BẢY
TỐI
THỨ MƯỜI TÁM
“Tôi từng kể cho bạn, trăng nói, về Pompeii, cái xác chết của
thành phố ấy, được đặt ngang hàng với các thành phố sống, tôi còn biết một
thành phố khác, lạ hơn nhiều, đó không phải một xác chết, mà là một bóng ma
thành phố… Mọi nơi nào tia nước rơi xuống bồn đá hoa cương kêu tí tách, tôi đều
có cảm giác mình đang nghe kể câu chuyện về thành phố bay lơ lửng. Ừ thì! chính
tia nước kể những gì liên quan đến nó! Những đợt sóng vỗ bờ hát về nó! Phía
trên mặt biển, thường xuyên lơ lửng một lớp sương mù, đó là tấm voan của bà
góa: biển đã mất đi người chồng, lâu đài của nó và thành phố của nó giờ đây đã
biến thành lăng mộ! Bạn có biết thành phố đó không? Chưa từng bao giờ nó nghe
thấy tiếng bánh xe lăn hay tiếng vó ngựa gõ cộp cộp trên phố, cá bơi ở đó và,
giống một bóng ma, thuyền gondola màu đen lướt đi trên làn nước lục. Tôi sẽ -
trăng kể tiếp - chỉ cho bạn quảng trường lớn của thành phố, và bạn sẽ nghĩ mình
đang ở trong thành phố của các câu chuyện cổ tích; cỏ mọc giữa các phiến đá, và
vào lúc bình minh, hàng nghìn con bồ câu được thuần hóa bay quanh tòa tháp cao
đơn độc. Về ba phía, các vòm tường vây quanh. Người Thổ ngậm ống tẩu dài bình
thản ngồi đó, Người Hy Lạp trẻ tuổi và thật đẹp tựa lưng vào cây cột ngắm nhìn
các chiến quả được dựng lên ở đó: những cột buồm cao, kỷ niệm về sức mạnh xưa
cũ. Những lá cờ rủ xuống như một tấm voan tang tóc; một cô gái ngồi nghỉ ở đó,
cô đã đặt xuống hai cái xô đựng đầy nước, đòn gánh mà cô dùng để gánh chúng đặt
trên vai, cô dựa vào cột buồm chiến thắng. Đó không phải một tòa lâu đài của tiên,
mà là một nhà thờ, những gì bạn đang nhìn thấy! các vòm tròn mạ vàng, những khối
tròn bằng vàng, rải rác khắp nơi, bừng lên dưới ánh sáng của tôi; những con ngựa
bằng đồng tuyệt đẹp, phía trên, từng có những chuyến đi giống con ngựa đồng
trong truyện cổ tích, chúng đã tới đây, lại đi khỏi, rồi quay trở về. Bạn có thấy
vẻ rực rỡ sặc sỡ trên bức tường và các ô kính không? Hẳn người ta có thể nói rằng
vị thần đã chiều ý một đứa trẻ con bằng cách trang trí cho ngôi đền lạ thường
này. Bạn có thấy con sư tử có cánh trên cây cột không? Vàng vẫn ánh lên, nhưng
cặp cánh thì được gắn vào, con sư tử đã chết, bởi vì ông vua trị vì biển đã chết,
những căn phòng lớn hoang vắng và nơi các bức tranh quý từng được treo, giờ đây
là bức tường trần trụi ánh lên. Người ăn mày ngủ dưới vòm tường, chốn ấy xưa
kia chỉ quý tộc cao cấp mới được đặt chân. Từ các giếng sâu - hoặc giả cũng có
thể là từ nhà tù Chì gần cầu Than Thở [Venice]? - người ta nghe thấy vọng tới một
tiếng thở dài, giống cái thời tiếng trống vẫn còn vang lên trên những thuyền
gondola nhiều màu, khi chiếc nhẫn của cô dâu bay từ Bucentaure sang Adria, nữ
hoàng biển. Adria, hãy náu mình vào trong sương mù! hãy để tấm voan người vợ
góa phủ lên ngực, hãy dùng nó che lăng mộ chồng của nàng: Venice với các tòa
nhà bằng đá hoa cương, ma quái!…”
TỐI
THỨ MƯỜI CHÍN
“Tôi đã cúi nhìn xuống một nhà hát lớn, trăng nói. Trong
phòng đông đặc khán giả; bởi vì có một diễn viên mới diễn buổi đầu tiên; tia
sáng của tôi rọi xuống cửa sổ nhỏ trổ trên bức tường, một khuôn mặt trang điểm
đậm tì trán vào ô kính: đó là nhân vật chính của buổi diễn. Bộ râu hiệp sĩ của
anh ta xoăn lại trên cằm, nhưng mắt của người đàn ông thì đầy nước, bởi vì người
ta đã huýt sáo la ó, và người ta làm thế là đúng. Anh chàng khốn khổ! nhưng người
ta không thể chịu đựng người bất hạnh trong vương quốc của nghệ thuật. Anh ta
có một sự nhạy cảm sâu sắc và yêu nghệ thuật một cách cuồng nhiệt, nhưng nghệ
thuật thì lại chẳng yêu anh ta… Chuông đã kêu… can đảm và bạo dạn, đó là tính
chất của vai diễn, nhân vật chính xuất hiện… anh phải xuất hiện trước một công
chúng cười cợt anh… Khi vở kịch kết thúc, tôi nhìn thấy một người đàn ông quấn
mình trong một cái áo choàng, kín đáo bước xuống cầu thang; đó là anh ta, chàng
hiệp sĩ bị tàn phá của buổi tối; đám thợ phụ trách phông màn xì xầm với nhau;
tôi theo kẻ thủ phạm về nhà anh ta, vào trong phòng ngủ của anh ta. Treo cổ tự
sát là một cái chết xấu xí và chẳng phải bao giờ người ta cũng có sẵn thuốc độc.
Tôi biết anh ta nghĩ đến cả hai cách. Tôi thấy anh ta nhìn khuôn mặt tái nhợt của
mình trong gương, nhắm hờ mắt lại, để xem mình có thể đẹp đẽ khi đã biến thành
xác chết hay không. Anh ta có thể vô cùng bất hạnh, ấy thế nhưng vẫn giữ một
phong thái vô cùng kịch nghệ. Anh ta nghĩ đến cái chết, đến tự sát, tôi nghĩ
anh ta khóc thương thân mình… anh ta khóc rất nhiều, và khi người ta đã khóc hết
nước mắt ở trong người, thì người ta sẽ không tự tử. Cả một năm đã trôi qua kể
từ ngày ấy. Họ diễn hài kịch, nhưng là tại một nhà hát nhỏ, đó là một đoàn kịch
lưu động nghèo khổ; tôi lại nhìn thấy khuôn mặt quen, cặp má bôi phấn, bộ râu
xoăn. Anh ta lại nhìn tôi, mỉm cười… và thế nhưng, anh ta đã bị huýt sáo la ó,
chỉ mới một phút trước đó, bị huýt sáo tại một nhà hát thảm hại, bị huýt sáo bởi
một công chúng thảm hại!… Tối hôm đó, một cỗ xe tang nghèo nàn rời cửa ô thành
phố, không có lấy một người đi theo. Ai đó đã tự sát, chính là người anh hùng
bôi mặt và bị huýt sáo la ó của chúng ta. Người xà ích đánh chiếc xe là người
duy nhất đi cùng anh ta, không ai đi theo, không ai hết, trừ trăng. Trong một
góc sát bức tường nghĩa địa, người ta chôn người tự sát, đám tầm ma sắp từ dưới
đất trồi lên, người phu đào huyệt sẽ ném các cành gai xuống đó và lũ cỏ dại lan
sang từ những ngôi mộ khác.”
TỐI
THỨ HAI MƯƠI
“Tôi vừa từ Rome về, trăng nói, ở đó, giữa thành phố, trên một
trong bảy ngọn đồi, có đống đổ nát của cung điện hoàng đế; cây sung hoang mọc
lên giữa các khe tường và dùng thứ lá to lớn màu xanh sẫm của nó che đi sự trần
trụi: giữa những đống lộn xộn, con lừa giẫm nát các hàng giậu nguyệt quế và đánh
chén cây gai đã héo khô. Tại cái nơi từ đó những cánh đại bàng của Rome xưa kia
bay vọt lên - chúng đã tới, đã thấy và đã chiến thắng - giờ đây người ta bước
vào một ngôi nhà xập xệ nghèo khó giữa hai cây cột đá hoa cương gãy; nho rủ xuống
giống một vòng hoa tang phía bên trên cái cửa sổ méo mó. Một bà già sống ở nơi
đây cùng một đứa trẻ, cháu gái của bà, giờ đây họ ngự trị tại cung điện hoàng đế
và họ chỉ cho người ngoại quốc các kho báu bị chôn vùi. Căn phòng tráng lệ đặt
ngai vàng giờ đây chỉ còn lại một bức tường trần trụi, cây bách đen với cái
bóng vươn dài của nó chỉ nơi từng có ngai hoàng đế. Một lớp đất rất dày hình
thành trên sàn nhà vỡ, đứa bé, giờ đây là người sống trong cung điện, hay ngồi ở
đó trên ghế khi những cái chuông buổi tối rung lên. Về phần cái ổ khóa của cánh
cửa ngay gần đó, nó gọi là ban công của nó, từ đó có thể nhìn thấy một nửa
Rome, cho đến tận vòm tròn to lớn của nhà thờ Saint-Peter. Tối hôm ấy, cũng như
mọi khi, thật yên tĩnh, và phía dưới kia, được ánh sáng rọi chiếu, đứa bé gái
xuất hiện. Trên đầu nó mang một cái bình đất nung hình dáng cổ xưa, đựng đầy nước,
nó đi chân trần, cái váy ngắn và hai tay áo sơ mi rách rưới, tôi hôn lên hai bờ
vai thanh mảnh và tròn trịa của đứa trẻ, đôi mắt đen và mái tóc nâu lấp lánh của
nó; nó leo lên cầu thang của ngôi nhà, cầu thang dốc, làm từ các mẩu tường và từ
một đoạn đầu cột bị gãy. Lũ thằn lằn sặc sỡ lao qua, sợ sệt, giữa hai chân nó,
nhưng nó không sợ, nó đã giơ tay lên để bấm chuông cửa, một thanh sắt buộc vào
một đoạn dây, đó là những gì còn lại từ chuông của cung điện hoàng đế. Nó dừng
lại một lúc, nó nghĩ gì: có lẽ là đến Jesus Hài Đồng đẹp đẽ, vận đồ bạc và
vàng, phía dưới kia trong nhà nguyện, nơi những ngọn đèn bằng bạc rọi sáng, nơi
những đứa bạn nhỏ của nó hát thánh thi, nó cũng có biết. Tôi thì chẳng biết gì!
nó lại có một cử động, và vấp chân, cái bình đất rơi từ trên đầu nó xuống, vỡ
tan trên mặt sàn bằng đá hoa cương. Nó òa lên khóc, đứa bé gái xinh đẹp của
cung điện hoàng đế khóc vì cái bình đất khốn khổ bị vỡ; nó ở đó, hai chân trần,
và nó khóc, không dám kéo sợi dây, chuông cửa của cung điện hoàng đế.”
TỐI
THỨ HAI MỐT
Trong vòng hơn hai tuần, trăng không sáng, giờ đây tôi lại
thấy nó, nó tròn và rạng, phía bên trên các đám mây đang chầm chậm dâng lên;
hãy nghe những gì mà trăng kể cho tôi. “Từ một trong những thành phố vùng
Fezzan, tôi dõi theo đoàn người; trên sa mạc cát, tại một bình địa muối, sáng rực
như mặt băng và chỉ đôi chỗ bị cát nhẹ phủ lên, họ dừng lại. Người già nhất, bầu
nước treo ở thắt lưng, một cái túi đựng đầy bánh mì không lên men gần đầu của
ông, dùng cây gậy vẽ lên mặt cát một hình vuông rồi viết vài từ của kinh Koran;
cả đoàn người bước qua cái điểm thiêng này. Một lái buôn trẻ tuổi, một đứa con
của mặt trời, tôi nhìn thấy điều đó trong cặp mắt anh ta, tôi nhìn thấy điều đó
trong vẻ đẹp các đường nét trên người anh ta, tư lự cưỡi trên con ngựa trắng đầy
nôn nóng của anh ta. Có lẽ anh nghĩ đến người vợ trẻ xinh đẹp? Cách đây mới hai
ngày con lạc đà, chất đầy những tấm da và khăn san quý, chở nàng trên lưng, cô
dâu trẻ tuổi rực rỡ, để đi khắp một vòng thành phố; tiếng trống và kèn túi vang
lên, đám phụ nữ hát và khắp xung quanh con lạc đà, người ta nghe thấy những tiếng
súng vui tươi, đó là chàng chú rể trẻ tuổi, anh bắn rất nhiều, tiếng đạn nổ rất
lớn, thế mà giờ đây… giờ đây, anh đang băng qua sa mạc cùng đoàn người. Tôi đi
theo họ suốt nhiều đêm, tôi thấy họ nghỉ lại gần những cái giếng, giữa các cây
cọ gầy guộc; họ đâm dao vào ức con lạc đà gục xuống và nướng thịt trên đống lửa.
Tia sáng của tôi làm dịu lại cát nóng bỏng, tia sáng của tôi chỉ cho họ thấy những
khối đá đen, những hòn đảo chết giữa biển cát mênh mông. Họ không gặp phải các
tộc người thù địch trên con đường không dấu vết, không cơn bão nào nổi lên,
không cột cát nào đi qua, đầy hung hiểm, chồm lên đoàn người. Ở nhà, người vợ kiều
diễm cầu nguyện cho chồng và cha. “Họ có chết không?” nàng hỏi hình bán nguyệt
vàng rực của tôi. “Họ có chết không?” nàng hỏi đĩa tròn ngời sáng của tôi… Giờ
đây, họ đã băng qua sa mạc, tối nay, họ ngồi dưới những cây cọ cao, nơi con sếu
cánh dài đến cả một bộ bay vần vũ quanh họ; bồ nông nhìn họ từ trên các cành
mimosa. Các bụi rậm ken dày bị giẫm đạp bởi những chân voi nặng nề, một toán
người da đen từ một cái chợ đến, xa hơn về phía nội địa; các phụ nữ, với những
núm đồng trên mái tóc đen và váy màu chàm, dắt đi những con bò chở nặng trên đó
lũ trẻ con da đen trần truồng nằm ngủ. Một người mọi dắt theo một con sư tử nhỏ
mà anh ta đã mua; họ tiến lại gần đoàn người; chàng lái buôn trẻ tuổi bất động,
lặng im, anh nghĩ đến người vợ xinh đẹp, tại đất nước của người da đen anh mơ về
bông hoa màu trắng tỏa hương của anh ở bên kia sa mạc; anh ngẩng đầu lên!…” Một
đám mây lướt qua trước trăng rồi thêm một đám mây nữa. Buổi tối hôm đó tôi đã
không nghe được nhiều hơn.
TỐI
THỨ HĂM HAI
TỐI
THỨ HĂM BA
“Tôi đã nhìn vùng núi Tyrol từ trên cao, trăng nói, tôi làm
cho những cây thông u tối vươn bóng của chúng, thật rõ, xuống các tảng đá. Tôi
quan sát thánh Christopher với Jesus Hài Đồng trên vai, đúng như họ hay được vẽ
trên các bức tường nhà, to lớn, suốt từ dưới chân tường lên đến mái; thánh
Florian thì trút nước xuống ngôi nhà cháy, và Đức Ki-tô người đầy máu bị treo
lên những thập tự lớn cắm dọc con đường. Đó là các hình ảnh cũ kỹ đối với thế hệ
mới, nhưng về phần những gì liên quan đến tôi, tôi đã nhìn thấy khi người ta dựng
chúng lên, tôi đã thấy chúng tiếp nối nhau. Trên cao vách núi, giống như một tổ
chim én, có một tu viện dành cho nữ tu hẻo lánh, hai xơ đang ở trên tháp cao để
rung chuông; họ còn trẻ, và bởi vậy ánh mắt họ bay qua những ngọn núi, về phía
thế giới. Một cỗ xe ngựa trạm đang lăn bánh phía dưới, trên đường cái quan, tiếng
tù và của người phu vang lên và hai nữ tu khốn khổ nhìn chằm chằm xuống đó,
cùng nghĩ đến một điều; trong mắt cô gái trẻ hơn có một giọt nước… Và tiếng tù
và mỗi lúc một yếu dần, chuông của tu viện nuốt nốt những âm thanh hấp hối của
nó…”
TỐI
THỨ HĂM TƯ
Hãy nghe những gì mà trăng kể: “Cách đây đã nhiều năm, ở
Copenhagen; tôi nhìn qua cửa sổ vào một ngôi nhà lợp mái rạ nghèo khổ. Ông bố
và bà mẹ đang ngủ, nhưng đứa con trai nhỏ của họ thì không; tôi nhìn thấy tấm
rèm hoa che giường lay động và thằng bé ngó ra ngoài; thoạt tiên tôi cứ ngỡ nó
nhìn cái đồng hồ treo tường Bornholm trong căn phòng, sơn màu đỏ và lục, với một
con chim cúc cu phía trên, những khối chì lớn và quả lắc đồng thau rực sáng
văng qua văng lại, “tíc, tắc!” nhưng không phải; không! nó nhìn cái xa kéo chỉ của
mẹ nó, ngay bên dưới đồng hồ. Đây là thứ đồ vật mà thằng bé thích nhất trong
nhà, nhưng nó không dám sờ tay vào, vì sẽ bị quật vào các ngón tay; suốt nhiều
tiếng đồng hồ, trong lúc mẹ nó xe chỉ, nó cứ ngồi im ở đó mà nhìn con thoi kêu
vù vù và guồng tròn quay, cảnh tượng tạo cho nó rất nhiều suy nghĩ. A! giá mà
nó cũng được xe chỉ như thế! Bố mẹ nó đang ngủ; nó nhìn họ, nó nhìn cái xa, và
không lâu sau đó, một bàn chân nhỏ xíu để trần thò ra từ giường và rồi một bàn
chân để trần khác, đã thấy hai cẳng chân, bùm! nó đứng trên sàn nhà. Nó ngoái lại
thêm một lần nữa để nhìn bố mẹ đang ngủ; đúng, họ đang ngủ; và rồi nó nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng, trên người chỉ có độc cái áo sơ mi ngắn, đi tới chỗ
cái xa và bắt đầu xe chỉ; sợi chỉ bay vọt lên từ cái guồng, guồng quay mỗi lúc
một nhanh thêm. Tôi hôn lên mái tóc vàng của nó, cặp mắt xanh nhạt của nó; đó
là một hình ảnh thật rực rỡ. Mẹ nó thức giấc đúng vào lúc ấy. Tấm rèm che cái
giường nhúc nhích, bà nhìn ra ngoài và nghĩ đến con tinh hay một con ma nhỏ nào
đó. “Chúa ơi!” bà nói và, hoảng sợ, bà đưa khuỷu tay huých sang chồng; ông mở mắt,
đưa tay dụi và nhìn thằng bé con đang hết sức bận rộn. “Nhưng đó là Bertel mà!”
ông nói.
Và mắt tôi dịch chuyển khỏi ngôi nhà mái rạ… phải nói rằng
tôi nhìn được rất xa xung quanh! cùng lúc đó tôi nhìn những căn phòng của
Vatican, nơi có những vị thần bằng đá hoa cương: tôi soi sáng nhóm tượng
Laocoon; đá như thể thở dài; tôi đặt nụ hôn câm lặng lên ngực các nữ thần Muse,
tôi nghĩ lồng ngực khẽ nhô lên. Nhưng các tia sáng của tôi nán lại lâu nhất
trên nhóm tượng sông Nile, trên vị thần khổng lồ. Vị thần dựa vào con nhân sư,
tư lự, mơ mộng, như thể đang nghĩ tới những năm tháng đã trôi qua; các thần
Amour nhỏ bé, xung quanh ngài, chơi đùa với lũ cá sấu; trong cái tù và đựng
trân phẩm, hai tay khoanh lại, ánh mắt chăm chăm nhìn vị thần nghiêm trang của
dòng sông, có một Amour nhỏ xíu, hình ảnh trung thành của thằng bé xe chỉ, cùng
các đường nét ấy; thằng bé bằng đá hoa cương ở đó, sống động và duyên dáng, và
thế nhưng guồng quay của năm đã quay hơn nghìn lần kể từ khi nó hiện ra từ đá.
Trước khi thời đại tạo ra các vị thần bằng đá hoa cương giống như những vị thần
này, vòng quay lớn hơn kia hẳn đã quay nhiều đúng bằng số vòng mà thằng bé đã
quay guồng xe chỉ, nơi ngôi nhà mái rạ.
Vậy đó, tất tật những thứ ấy, cách đây đã nhiều năm! Thế
nhưng, hôm qua, trăng nói tiếp, tôi đã từ trên cao nhìn xuống một vịnh biển, dọc
theo bờ Đông của Đan Mạch; ở đó có những khu rừng đẹp, các ngọn đồi cao, một
tòa lâu đài cũ với những bức tường màu đỏ, lũ thiên nga bơi trên hào nước, và một
thành phố nhỏ với nhà thờ nằm giữa các khu vườn táo. Rất nhiều con thuyền nhỏ,
tất tật đều được trang bị đèn đuốc, lướt đi trên mặt nước lặng; không phải người
ta dùng đuốc để đi bắt lươn đâu, không, bầu không khí tràn ngập tiệc tùng! Nhạc
vang lừng, người ta hát một khúc ca, và trên một con thuyền, người được tổ chức
tiệc ăn mừng đứng đó: đó là một người đàn ông cao lớn, bề thế, khoác một cái áo
choàng lớn, ông có cặp mắt màu xanh, mái tóc dài bạc trắng; tôi nhận ra ông và
nghĩ đến Vatican với nhóm tượng sông Nile cùng tất tật các vị thần bằng đá hoa
cương, tôi nghĩ tới ngôi nhà lợp mái rạ nghèo khổ, thậm chí tôi còn nghĩ nó nằm
trên phố Grønne-Gade tại Copenhagen, nơi thằng bé Bertel trên người chỉ có độc
cái áo sơ mi cộc đang xe chỉ. Vòng quay của thời gian đã quay; những vị thần mới
đã hiện ra từ trong đá… Từ con tàu vang lên tiếng hu-ra, một tiếng “hu-ra cho
Bertel Thorvaldsen!…”
TỐI
THỨ HĂM LĂM
“Tôi muốn tặng cho bạn một hình ảnh của Frankfurt! trăng
nói; ở đó, tôi đã quan sát một tòa nhà đặc biệt; đó không phải ngôi nhà nơi
Goethe sinh ra, cũng không phải tòa thị chính cổ, nơi, xuyên qua những cửa sổ
có song sắt bảo vệ, người ta vẫn còn thấy cái đầu với cặp sừng của lũ bò mà người
ta đã rô ti và phân phát vào dịp đăng quang của hoàng đế; đó là một ngôi nhà tư
sản, sơn màu lục với dáng dấp bình thường! ở góc phố hẹp của người Do Thái, đó
là nhà của gia đình Rothschild. Tôi nhìn vào bên trong, qua cánh cửa để mở, cầu
thang được thắp đèn sáng trưng; có các gia nhân cầm giá nến bạc khối và kính cẩn
rạp người chào bà già ngồi trên ghế đang được người ta đưa xuống cầu thang. Chủ
nhà để đầu trần và trọng thị hôn tay bà già. Đó là mẹ của ông; bà thân ái gật đầu
với ông, cũng như với các gia nhân, rồi họ đi theo phố hẹp và tối, đưa bà tới một
ngôi nhà nhỏ; đó là nơi bà sống, nơi bà đã sinh những đứa con, chính từ đó mà hạnh
phúc của họ đã bừng nở; nếu giờ đây bà rời bỏ cái phố bị khinh bỉ này, ngôi nhà
nhỏ này, có lẽ hạnh phúc cũng sẽ rời bỏ họ! ít nhất đó là điều mà bà nghĩ…”
Trăng không kể thêm nữa; tối nay nó chỉ đến thăm rất ít thời gian thôi, nhưng
tôi nghĩ đến bà già trên cái phố hẹp bị khinh bỉ; chỉ cần bà nói một lời thôi
là sẽ có ngay ngôi nhà tuyệt đẹp trên bờ sông Thames; chỉ cần bà nói một lời
thôi là dinh thự của bà sẽ nằm ở vịnh Napoli. “Nếu mình rời bỏ ngôi nhà khiêm
nhường này, từ đó hạnh phúc các con trai của mình đã nảy sinh, thì có lẽ hạnh
phúc sẽ rời bỏ chúng!…” Đó là sự mê tín, nhưng với một bản tính mà khi người ta
biết câu chuyện và nhìn thấy hình ảnh, chỉ cần một lời bình luận rất ngắn ngủi
là đủ hiểu tất tật: Một người mẹ.
TỐI
THỨ HĂM SÁU
“Đó là hôm qua, trong ánh sáng ban ngày!” Chính đó là những
lời mà trăng đã dùng; “không có lấy một ống khói còn chưa tỏa khói trong thành
phố lớn, và tôi cũng đang nhìn chính các ống khói; từ một trong số chúng, một
cái đầu nhô lên đúng lúc ấy, rồi một nửa thân người, hai cánh tay tì lên gờ ống
khói. “Hu-ra!” đó là một chú thợ thông ống khói bé nhỏ, lần đầu tiên trong đời
lên đến hết một ống khói và thò được đầu ra khỏi đó. “Hu-ra!” Phải công nhận rằng
chuyện thật là khác khi trườn đi trong những cái ống hẹp và các ống khói chật!
Không khí thật mát mẻ, có thể nhìn thấy toàn bộ thành phố, cho tới khu rừng màu
lục; vừa lúc mặt trời đang lên; tròn trịa và to béo, nó chiếu sáng rực khuôn mặt
cậu ta, và cậu ta ngời lên hạnh phúc, dẫu cho cả người lấm bẩn nhọ nồi. “Giờ
thì cả thành phố có thể trông thấy mình! cậu ta nói, và trăng có thể nhìn thấy
mình, cả mặt trời nữa! Hu-ra!” và cậu ta vung vẩy cây chổi…”
TỐI
THỨ HĂM BẢY
TỐI
THỨ HĂM TÁM
“Biển lặng tờ, trăng nói, nước cũng trong như làn không khí
mà tôi đang băng qua, tôi có thể trông thấy, tận dưới sâu, bên dưới mặt nước của
biển, những thứ cây lạ thường, chúng giống đám cây khổng lồ trong rừng, vươn về
phía tôi những thân và cành cao nhiều bộ; lũ cá bơi bên trên ngọn của chúng.
Tít trên cao trong không trung, một đàn thiên nga hoang bay qua, một trong số
chúng, mỏi cánh, mỗi lúc một sà xuống thấp hơn, cặp mắt dõi theo đoàn chim trên
không, càng lúc chúng càng thêm xa, về phần mình, nó dang rộng cặp cánh, và hạ
xuống, giống như bong bóng xà phòng hạ xuống trong không khí yên bình, nó chạm
vào mặt nước, đầu quay về đằng sau rúc vào trong cánh, nó bất động ở đó, giống
như hoa sen trắng trên mặt hồ lặng. Và gió thổi mát bầu không khí, làm gợn mặt
nước sáng lóng lánh, cũng rạng ngời như thể đó là khí ê-te đang ào ra thành những
đợt sóng rộng và lớn, và con thiên nga ngẩng đầu lên, và nước lấp lánh, giống một
thứ lửa xanh, tưới ướt lên ngực và lưng nó. Rạng đông làm bừng lên những đám
mây đỏ, và con thiên nga vươn dậy, đã hồi sức, và nó bay về phía mặt trời đang
lên, về phía dải bờ màu xanh nhạt, nơi đoàn chim đã bay về, nhưng nó bay một
mình, trong ngực ngập tràn nỗi hoài nhớ, nó bay, một mình, phía trên làn nước
màu xanh, cuộn sóng…”
TỐI
THỨ HĂM CHÍN
“Tôi muốn tặng thêm cho bạn một hình ảnh của Thụy Điển,
trăng nói; giữa các khu rừng thông đen kịt, gần bờ sông sầu muộn Roxen, có một
nhà thờ cổ thuộc tu viện Wreta. Tia sáng của tôi đã chui qua hàng rào lưới sắt
và tiến vào vòm cao rộng rãi nơi các ông vua nằm ngủ trong các mộ quách to lớn.
Trên tường, phía trên họ, hình ảnh của vinh quang trần thế, có một vương miện hoàng
gia, nhưng nó được làm bằng gỗ, sơn và mạ vàng, nó được treo trên một thanh gỗ
nhỏ cắm vào trong tường, sâu mọt đã gặm mất thứ gỗ mạ vàng, nhện đã giăng tấm
lưới của nó từ vương miện xuống quách, đó là một lá cờ tang lễ, mỏng manh, giống
như tang ma vốn dĩ vẫn vậy đối với người phàm tục! Sao mà họ ngủ êm đềm thế!
tôi còn nhớ họ rất rõ! tôi vẫn nhìn thấy nụ cười dạn dĩ trên các làn môi, nó diễn
tả niềm vui hoặc nỗi lo âu, vô cùng mạnh mẽ, vô cùng cả quyết. Khi tàu hơi nước,
giống một con tàu thần, lướt qua phía trên các ngọn núi, một người ngoại quốc
hay tới nhà thờ, thăm viếng hầm mộ này, tìm hiểu tên các ông vua đã bị lãng
quên và đã chết; ông ta nhìn những vương miện bị lũ sâu mọt tàn phá, mỉm cười,
và đó là một tâm hồn thực sự sùng đạo, cho nên vào giây phút ấy nụ cười của ông
thấm sầu muộn. Hãy ngủ đi, những người chết, có trăng nhớ đến các bạn, trong
màn đêm trăng gửi tia sáng lạnh lẽo của nó tới vương quốc im lìm của các bạn,
phía trên đó lơ lửng vương miện thông!…”
TỐI
THỨ BA MƯƠI
“Rất gần đường cái quan, trăng nói, có một nhà trọ, và ngay
đối diện với nó, một nhà kho lớn chứa các cỗ xe, người ta đang lợp mái cho nó,
ánh mắt tôi chui qua giữa đám rui, lọt vào lỗ hổng giữa trần và luồn vào căn
phòng chẳng mấy duyên dáng; con gà tây ngủ trên xà nhà, và yên cương bị vứt vào
máng ăn trống hoác. Giữa nhà kho, có một cỗ xe, những người ngồi trên đó tha hồ
ngủ an toàn, trong khi người ta cho lũ ngựa uống nước và người xà ích thì vươn
vai duỗi chân, mặc dù - tôi ở vào vị trí thích hợp nhất để biết điều đó - anh ta
đã ngủ suốt, phải đến hơn một nửa chặng đường. Cửa căn phòng của người coi chuồng
ngựa để mở, giường của anh ta trông thật bừa bãi, ngọn đèn thì đặt dưới đất và
bấc đã cháy gần hết. Gió lạnh thổi qua nhà kho và đã gần bình minh hơn là nửa
đêm. Tại đó, trong ô chuồng, một gia đình nhạc công lưu động nằm ngay trên đất
mà ngủ, bà mẹ và ông bố hẳn mơ thấy thứ nước nóng bỏng vẫn còn lại trong cái
chai, còn con bé gái mặt mũi nhợt nhạt thì mơ thấy thứ nước nóng bỏng trong con
mắt; cây đàn hạc đặt ngay gần đầu của họ, còn con chó nằm dưới chân họ…”
TỐI
THỨ BA MƯƠI MỐT
(còn nữa)
các truyện của Andersen:
Andersen: Hòn đá triết học
Andersen: Một câu chuyện từ những đụn cát
Andersen: Anne Lisbeth
Andersen: Đứa bé gái giẫm chân lên ổ bánh mì
Andersen: Mộc thần nữ
Andersen: "Năm hạt đậu nhỏ chui ra từ vỏ đậu", "Đứa trẻ tật nguyền", "Thiên thần"
Andersen: Cây đèn đường cũ
Andersen: Con gái chúa tể đầm lầy
Trở về cổ điển: Andersen
"Nơi đây có thứ thơ ca đích thực trong tự nhiên."!
ReplyDeletevà trong muôn thứ cây và con ríu rít hiện ra trong bài thơ ấy có cả con người.