Mar 26, 2022

tiếp tục Hậu hiện đại

nói "tiếp tục" là vì đã có


(đã hoàn thành "Victor Hugo ở Việt Nam" và tiếp tục:

+ 33

+ C

D.S.)



Giờ đây, khi thêm vào một yếu tố mới, cái nhìn vào cái đó đã có thể trở nên sáng sủa hơn hẳn; những ngóc ngách tối tăm bỗng được rọi luồng sáng vào: nhưng, hoàng đế cởi truồng là một điều hết sức quan trọng - hoàng đế phải cởi truồng. Các nhân vật hậu hiện đại Việt Nam hay tự viết mục từ về chính họ, trên - tất nhiên - wikipedia.


Một lần, ở quán cà phê, tôi tình cờ nghe được một câu chuyện ở bàn bên cạnh - tôi không hề cố tình nghe, thậm chí tôi còn rất muốn không nghe, vì lúc đó tôi muốn được yên tâm (vừa nhịu xong: yên thân): có người phục vụ quán (một cô gái xinh đẹp; hồi đó còn chưa có chuyện ai cũng đeo khẩu trang nên vẫn biết được một số thứ) chứng giám. Đó là một nhà thơ (đàn ông) và một nhà thơ (phụ nữ); nhà thơ nữ ở tư cách phóng viên phỏng vấn nhà thơ kia. Nhà thơ nữ thì sau một khoảng thời gian, tôi nhận ra (trước từng loáng thoáng gặp), nhà thơ nam thì tôi chưa gặp bao giờ, nhưng sau một lúc họ giội bom giọng nói (khiến chẳng muốn thì tôi vẫn phải nghe) thì tôi cũng biết là ai.

Câu chuyện như sau (câu chuyện nói lên rất nhiều điều của thế giới hậu hiện đại). Nhà báo gặp nhà thơ để phỏng vấn, vì nhà thơ vừa nhận một giải thưởng; khi hiểu ra điều đó, tôi chỉ muốn nhào sang bắt tay chúc mừng nhà thơ: cần phải chúc mừng, giải thưởng văn chương thì rất quan trọng, tuyệt đối quan trọng; chỉ réticence của tôi (không quen biết gì, ai lại đi làm thế) cùng nỗi thẹn thùng, chủ yếu vì sợ tỏ ra lố bịch trước một cô gái phục vụ quán cà phê xinh đẹp, mới đủ sức ngăn tôi lại

(giải thưởng văn chương)

; tiếp theo, nhà thơ (mỗi lúc một thêm bị cuốn theo cơn hào hứng - một cơn hào hứng nảy tưng tưng trên mọi thứ bàn ghế cùng chi tiết trang trí trong cái quán cà phê đậm màu sắc và mùi của sự nouveau riche Hà Nội) kể - giọng khiêm tốn lắm; nhà thơ thì hay khiêm tốn, nhiều lúc tôi thấy họ khiêm tốn thái quá; đặc điểm của nhà thơ là sách in thì mỏng, ít chữ, nhưng nói thì nhiều vô tận: luật bù trừ, vì nếu không thì chẳng quá kém bọn văn xuôi à) mình thành công lắm (tôi lại thiếu điều muốn nhảy bổ sang bàn bên ấy để chúc mừng)

Chợt, curieusement, tôi nhớ ra một điều: nữ phóng viên từng khiến tôi để ý là vì một đặc điểm - đó chính là một trong những người làm cho tôi nhận ra, các nhà báo nữ Việt Nam rất hay quàng khăn, và mỗi khi quàng khăn, thì họ mô ve gu không thể tả - nói đúng hơn, sự quàng khăn (cách quàng khăn) làm nổi bật sự mô ve gu thật ra chính là thuộc tính của họ. Điều này (sự quàng khăn của các nữ phóng viên văn hóa), tôi đã nói đến ở đâu đó - nhưng không nhớ.

Trở lại với câu chuyện. Giờ, câu chuyện mới thực sự hay. Còn có gì hay hơn được giải thưởng văn chương à? rất khó tin, nhưng vẫn có.

Nhà thơ được (nhà thơ khác) phỏng vấn bảo là sách (tập thơ) của mình in trong tiếng nước ngoài bán chạy lắm. Và (vậy là xuất hiện yếu tố mới, một lần nữa) trên một trang web bán sách tập thơ ấy còn thuộc vào những quyển bán chạy nhất (tất nhiên, đi kèm với đó là không ít ngụ ý về thơ - of him - nếu không phải mang tầm vóc nhân loại thì cũng là lời thủ thỉ tâm tình đầy nhân bản đủ sức vượt được mọi đường biên giới). Nhà thơ còn khoe, do sử dụng chức năng notifications nên cứ có ai mua sách - of him - là điện thoại hay máy tính liền báo. Ting, ting và ting. Tới đây, khỏi phải nói là tôi tự phục tôi kiềm chế kinh người để không nhảy luôn qua bàn đến để chúc mừng him.

Từ đây, ta thấy, trước hết, giấc mơ (dục vọng) tầm cỡ quốc tế lúc nào cũng bùng cháy (dưới đây tôi sẽ phân tích: sau khi thầm chúc mừng - trong bụng - nhà thơ mà tôi không quen, thì tôi cũng phân tích chút ít: ăn xong một bữa no nê thì ra bàn ngoài sân uống trà rót từ ấm tích; nhiều người còn xỉa răng): cách đây mấy năm, tin đồn lan rộng là một nhà thơ Việt Nam (nhân tiện, đó là một nhân vật sản xuất ra thứ thơ rất tầm thường) sắp được giải Nobel Văn chương đến nơi. Và thứ hai, chính là cái ting ting ting kia. Cela m'intrigue.

(và như vậy thì đã có thể bổ sung: không chỉ có poetic justice, mà còn có poetic hihung, poetic honho, nói tóm lại: mặt của nhà thơ; mặt của nhà thơ thì cũng chính là một bài thơ, có điều nhiều khi ấy là bài thơ dở; một nhà văn, trong một cuốn tiểu thuyết, đã để cho một nhân vật - nữ - nói một điều vô giá - cũng chính vì vậy mà chúng ta đọc tiểu thuyết - với một cậu bé, là nếu muốn phụ nữ thích mình, thì đừng bao giờ mặc áo gi-lê, cũng đừng bao giờ để râu quai nón, áo gi-lê và râu quai nón khiến phụ nữ hiểu ngay đấy là dạng đàn ông chẳng việc gì phải quan tâm; người phụ nữ trong cuốn tiểu thuyết cũng nói thêm, vì đấy là một người khiêm tốn, tức là những phụ nữ như mình)



2 comments:

  1. "Nghe lao xao chào nhau mua dâu. Mai trải giấy phơi đầy mùa nắng." :)

    ReplyDelete