Apr 24, 2022

Sept

(một sept khác)


(tiếp tục "Các Thánh""Boudoir")







Sự tình như sau (vì có sự tình): một hôm (một ngày, một ngày nào đó), tôi bỗng thấy muốn không chỉ đọc lại: chỉ đọc lại, đọc đi đọc lại, vài thứ, thậm chí rất ít thứ, rốt cuộc cũng không tốt lắm, thế nên tôi đi kiếm những cái (một số thứ) mà tôi chưa bao giờ đọc. Sự gay cấn của mới mẻ - ai mà biết, nhỡ trong đó lại có những gì sau này đọc lại được. Thế là tôi rơi trúng (lại rơi trúng) một số cuốn sách, trong đó có hai quyển trên đây. Berlin là câu chuyện về con gái của François Mauriac, trong Thế chiến thứ hai, một phụ nữ Hồng Thập tự.

Tôi đã không đọc hết được cuốn sách ấy, nói cho đúng, còn không đến nổi trang thứ 100, dẫu biết rằng câu chuyện chắc rất hấp dẫn. Rồi tôi thử (quay sang) Sept. Đến nó, thì tôi còn bỏ cuộc sớm hơn - tôi đoán nó sẽ được xây dựng để mô phỏng "Bạch Tuyết và bảy chú lùn" (vì đọc mấy trang đầu nên tôi biết có hai đứa bé, một trai một gái, siblings, được mẹ chở ô tô đến ở một cái nhà, tại đó có 6 thằng con trai khác), nhưng tất nhiên là tôi không chắc lắm: ai đã đọc rồi nói cho tôi xem có đúng như tôi đoán không thì tốt quá (đỡ quá). Tôi không đọc thêm được, vì tôi thấy ở đó toàn cái mà người ta hay gọi là mièvrerie (hoặc, sách cho "vieilles dames" - một trong những bình luận đối với tôi sâu sắc hơn cả: điển tích).


Nhưng (bởi vì ở đâu cũng có thể có nhưng), câu chuyện về con gái của François Mauriac khiến tôi nhớ ra một điều hết sức rùng rợn: ấy là, chưa bao giờ tôi đọc hết một cuốn tiểu thuyết nào của Mauriac.

Vậy thì cần phải sửa chữa. Và kể từ bấy, tôi đã:


Nhưng có thực sự tôi chưa bao giờ đọc Mauriac? tôi sẽ nói ngay, không hẳn. Ở đây, tôi rơi vào đúng một điều rất rợn tóc gáy: đối với tôi, dẫu chẳng đọc Mauriac bao giờ thì vẫn như là biết. Tôi biết loáng thoáng về Frontenac, về Desqueyroux (nhưng ai mà chẳng?), tôi biết "noeud de vipères" (một búi rắn) là một trong những cụm từ nói lên rõ hơn cả văn chương Mauriac (văn chương Mauriac, chứ không phải Mauriac). Thậm chí tôi còn có đủ bộ Bloc-Notes của Mauriac (nhưng đây thì chủ yếu là bắt nguồn từ sở thích những gì insolite của tôi).

Trong câu chuyện này có vai trò của Sartre - đấy, đến lúc cả tôi cũng phải trả những gì người ta hay gọi là dette, cho Sartre. Sartre nói rằng, Chúa không bao giờ là một nghệ sĩ, Mauriac lại càng không. Với tôi, ngày ấy, vậy là quá đủ. Bao nhiêu năm sau tôi mới đọc La Pharisienne.


Với Cioran một chuyện (tương đối) tương tự cũng xảy ra (xem ở): và chuyện đó liên quan chính xác đến nhân vật ấy: cụ thể là, Cioran có một người bạn, người bạn ấy đại khái chê bôi thơ của Claudel, thế là Cioran thấy khỏi cần đọc Claudel; cho đến ngày biết Introduction thì hiểu ra mình đã nhầm đến thế nào.

Tất nhiên, cùng một chỗ mà nhắc đến cả Sartre lẫn Cioran thì thật mauvais goût (hay nói đúng hơn, đó là một faute de goût); Cioran từng làm nhân viên phục vụ (garçon) quán cà phê, và từng phục vụ Sartre - vậy thì chỉ có thể là một trong hai quán: Flore hoặc Deux Magots.

Quay lại với François Mauriac: La Pharisienne, ai muốn biết "Pharisien" thì cứ giở Thánh Kinh ra, tìm theo index cho nhanh (a, tôi cũng rất muốn một kỳ của loạt "trong và ngoài hiệu sách" có chủ đề là chính cái index này).

Nhưng trong Pharisienne có tận hai phụ nữ, người nào mới là "Pharisienne"? Tại một trường học, có hai thằng bé chơi với nhau. Cả hai đều mồ côi (Charles Dickens còn từng tạo ra một cảnh có tận ba đứa trẻ mồ côi gặp nhau: ấy là trong Bleak House): một thằng mồ côi bố - mẹ của nó là ứng cứ viên thứ nhất cho "Pharisienne" (candidate1), một thằng (thằng này là "tôi" kể chuyện) mồ côi mẹ, mẹ kế của nó là ứng cử viên thứ hai (candidate2). Ai đọc quyển này rồi có nói ngay được candidate1 hay candidate2 là Pharisienne không?

Đã nói đến Sartre: dấu hiệu cho thấy sự bourgeois (nhìn chung, và đặc biệt ở đây) nằm ở sự vắng của ironie. Sartre không hề có ironie. Buồn nôn? nhưng ai mà không buồn nôn? đằng nào thì cũng chỉ có một cách, cứ nôn (cứ trớ) đi, rồi từ từ nó hết. Buồn nôn thì nghĩa lý gì? chưa kể, nôn là một trong những phản ứng vô cùng tốt của cơ thể người. Nếu không nôn được thì rất phiền.



La Pharisienne được coi (được nghĩ) là phản ứng của Mauriac với chính quyền Vichy (nó in năm 1941 - quyển của tôi trong ảnh là ấn bản đầu). Trong đó có nhân vật (cựu) zouave pontifical, và có thể thấy những người đàn ông một thời mặc "mastic". Nhưng tất nhiên, nếu đọc Mauriac thì điều đáng quan tâm hơn cả luôn luôn nằm ở chỗ: đó là một nhà văn catholique. Trong câu chuyện của La Pharisienne có một ông cha xứ: père Calou. Ông cha sống ở gần nhà thằng bé mồ côi mẹ, và thằng bé mồ côi bố, với hạnh kiểm tồi tệ ở trường của nó, trong một mùa hè bị gửi đến chỗ cha Calou, vì đây là một chuyên gia xử lý các ca thiếu niên khó trị. Thằng bé mồ côi mẹ cùng chị gái hay gặp thằng bé còn lại - dễ đoán là một mối tình đã nảy sinh. Mẹ thằng bé mồ côi bố đến thăm nó ở presbytère nhưng cứ nhất định không chịu ở trọ quanh đấy. Thằng bé đạp xe đi sau khi mẹ nó đã rời khỏi đó, và đêm hôm ấy chứng kiến một cảnh tượng khiến ta hiểu người đàn bà là một Pharisienne - nhưng người đàn bà còn lại, mẹ kế của hai đứa bé mồ côi mẹ, lại mới chính là Pharisienne, nhất là trong vụ xử lý cuộc tình của một ông giám thị thân thiết với thằng con ghẻ của mình, và cũng không chỉ có vậy.

Có một ông cha đạo, thì ta dễ nghĩ đến élucubration - và không chỉ có vậy, cả tính cách onctueux nữa, một cái gì đó rất mềm, rất trơn, trong tính cách, nhưng cũng cả trong ngôn ngữ. Và tất nhiên, ta nghĩ đến Chúa, vị trí của Chúa, hình ảnh của Chúa. Chính ở đây sự đặc biệt của văn chương Mauriac hiện lên. Một nhà văn Công giáo như Mauriac không viết các câu chuyện khuyến thiện, thậm chí quả thật đúng là cả một noeud de vipères; còn hơn thế nữa, ta trông đợi thấy Chúa, nhưng toàn gặp quỷ. Tất nhiên, tất nhiên, dự đồ của cái đó thì bí hiểm khôn dò, bí ẩn nối tiếp bí ẩn.


2 comments:

  1. phải nói là càng Công giáo thì càng cần phải viết về quỷ

    ReplyDelete