Aug 7, 2023

Princess nữa

như vậy thì tức là, tiếp tục (luôn) Henry James

(nói "nữa" là vì đã có)


Casamassima: đừng quá sợ cái tên (cái họ) này: Casa như trong Casanova, thậm chí Casablanca, còn massima thì massimo, massima, hết sức hay thấy. Princess của James, như ta có thể đoán, không phải là một princess, hoặc gần như không phải.

(vì Princess Casamassima, vợ của Prince Casamassima nước Ý, chính là Christina Light từng là nhân vật trong một tiểu thuyết trước đó của James: đây chính là lần duy nhất nhân vật quay trở lại)


Tất nhiên, cũng có thể thấy ngay, câu chuyện về Princess là - thêm một lần nữa - có tên riêng trong nhan đề tiểu thuyết của Henry James.

The Princess Casamassima như thể là kết hợp của Dickens (tức là, các nhà văn Anh xã hội, và humouristique) với Zola (tức là, các nhà văn Pháp tự nhiên luận). Kết hợp như vậy không hề dễ: nhưng James chẳng bao giờ chịu làm cái gì dễ. Thêm một đặc điểm nữa của cuốn tiểu thuyết: đây là lần hiếm hoi, nếu không phải là duy nhất, có một tiểu thuyết của James nhìn vào (thực sự nhìn vào) một thứ: chính trị.


Princess xuất hiện trở lại từ cuốn tiểu thuyết nào? Từ đó.

Đột nhiên viết một tiểu thuyết chính trị, thậm chí còn đích xác về cùng một nhóm đối tượng: những người vô chính phủ - điều này rất giống với Joseph Conrad, vào thời điểm đã nói. Tuy nhiên, Henry James lại thân thiết với Stevenson.


Khi người ta là princess, mọi chuyện rất không dễ dàng. Nhất là khi lại không phải một người sinh ra đã là princess. Đối với princess Casamassima (đi đâu cũng có Madame Grandoni, một dạng nữ nhân tùy tùng), chuyện còn mệt mỏi hơn nhiều, vì princess lại không chỉ quan tâm đến các tầng lớp xã hội thấp mà dường như còn nuôi trong mình lý tưởng cách mạng, ít nhất là có sở thích không nhỏ đối với hoạt động của các hội kín: thời đó (Henry James viết cuốn tiểu thuyết trong khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ 19, lúc đầu đăng feuilleton trên tờ Atlantic Monthly: đây là giai đoạn đặc biệt phong phú các hoạt động xã hội theo hướng hư vô, vô chính phủ, cộng hòa, như ai cũng biết) nếu ở London thì tha hồ thấy nhiều điều. Princess Casamassima (Christina Light: giống hệt ở Balzac, mỗi khi có một princesse nào, hoặc cũng chỉ cần bất kỳ nhân vật có tước hiệu quý tộc, tức thì hoạt động phanh phui gốc rễ được thực hiện, và nhìn chung phần lớn để lộ ra là chỉ có mỗi một lớp véc-ni mỏng quệt lên gỗ hẩm) có dòng máu Mỹ và Ý, nhưng lại đang ở London, một London thành phố bốc khói và đang ở thời điểm âm ỉ dễ bùng nổ.

Vì cuốn tiểu thuyết được đặt tên theo đó, nên cần nói đến Princess Casamassima; nhưng đây không phải nhân vật chính của cuốn sách éponyme. Nhân vật chính là Hyacinth Robinson, sống tại một khu phố nghèo Bắc London (Lomax Place, đại khái là một địa điểm rất khó biết), làm nghề đóng sách (hồi đó sách in bìa mềm, nhà giàu hay thuê người đóng bìa cứng để trong tủ cho đẹp, thường gắn lên đó tên tuổi, gia huy - một tập tục rất lằng nhằng).

Hyacinth dính líu vào các hoạt động ngầm. Theo câu chuyện của nhân vật, ta biết cụ thể hơn về các hội kín: những nhà cách mạng ở London có tính cách cosmopolite rất rõ rệt, nhiều người Anh (tất nhiên) nhưng có cả các cựu Communard từ Pháp sang: thời điểm ấy, những người từng tham gia Công xã Paris vẫn phải trốn tránh. Chẳng hạn như vợ chồng Poupin (cái họ thật là hay), hoặc Herr Schinkel, dĩ nhiên người Đức: ông Schinkel không nói "vanity" mà "phanity" - điều này thì cần phải thể tất cho ông, vì ông là người Đức.


(quay trở lại với Madame Grandoni: đây là nhân vật hay nói che vuole và thuộc tập hợp nữ nhân vai phụ trong các tiểu thuyết của James - hoàn toàn có thể nghĩ, đây là hình dung của một James dramatist: đến cả James cũng không thoát nổi cám dỗ của kịch; chẳng ai thoát được; James từng có thất bại vô cùng cay đắng khi kịch của mình chẳng ai xem trong khi, cùng lúc, một vở kịch của Wilde thành công vang dội; những nữ nhân vừa nét lại vừa équivoque: có thể kể thêm Madame Merle trong Vẽ một phụ nữ; đấy là những người làm nên yếu tố insinuation)


Còn Dickens thì ở đâu, trong đó? ít nhất thì Dickens hiện diện thông qua một nhân vật của mình, và lại còn là tận hai lần: Mr Micawber, trong Princess Casamassima. Vậy là rất đáng nói, vì ngoài một quyển Tennyson mà Hyacinth đặc biệt đóng bìa với ý định mang tặng cho Princess, các reference văn chương trong cuốn tiểu thuyết thường là Pháp. Ta có thể mỉn cười (Nguyễn Văn Vĩnh sẽ nói thế) khi đọc thấy tên Octave Feuillet: thậm chí có đến mấy lần tờ Revue des deux Mondes được nhắc (và vậy thì không mấy khác trong Tìm thời gian mất: rất may là càng ngày người ta càng bớt so sánh James với Proust, điều nảy sinh, theo tôi, chủ yếu chỉ vì ở những tiểu thuyết sau cùng, James viết câu rất dài).

Nhưng, không chỉ vậy: Princess Casamassima có không ít hương vị Dickens. London của các tầng lớp thấp, sự nói năng dùng ngôn ngữ đặc trưng, etc. Có những khi rất Dickens, như ở ví dụ sau đây: "Lúc nào ông cũng so sánh bà với một con côn trùng hoặc một con chim, điều này thì bà chấp nhận vì bà biết ông rất yêu quý mình, cũng vì chính bà dễ mủi lòng trước mọi loài có cánh."

"Ông" ở đây là Vetch, một violonist (có lúc tên bị một người hầu gọi thành "Fetch") còn "bà" là Miss Pynsent, xuất hiện từ câu mở đầu cuốn tiểu thuyết. Ở xen mở đầu, một người đàn bà khủng khiếp, nữ cai ngục, đến tìm Miss Pynsent ở Lomax Place nghèo khổ, mục đích là muốn xem bà có định cho thằng bé con mà bà nuôi từ khi còn là trẻ sơ sinh đi thăm mẹ nó, một tù nhân do tội giết người, đang sắp chết hay không.

Khi chép lại ví dụ trên đây thì tôi lại thấy nó không mấy Dickens. Mà thay vào đó, có lẽ câu ấy rất James thì đúng hơn. Nhưng ta cũng thấy ngay, là James tạo ra thêm một câu chuyện nữa rất tiểu thuyết Anh, nơi có rất nhiều con rơi, con hoang, và nghèo.


Còn các nhà văn Pháp tự nhiên luận? Thì, thời điểm viết Princess Casamassima chính là khi có thể hiểu James làm lành (hòa giải) với các nhà văn Pháp từng không mấy đoái hoài đến nhân vật trẻ tuổi người Mỹ kỳ khôi như James; đấy là những người như Goncourt, Flaubert, Tourgueniev, Maupassant, Zola. Nói một cách đơn giản, James viết cuốn tiểu thuyết theo phương pháp của họ, miêu tả thật tỉ mỉ, đứng ngoài đường mà cầm sổ ghi chép những gì mình nhìn thấy.

Điều này được khẳng định trong Preface mà James viết cho Princess trong New York edition, tất nhiên là một text rất dài. Trong lời tựa ấy, ngoài những điều khác, James nói những gì các nhân vật thấy chính là những gì mình thấy trong các chuyến cuốc bộ dài ở thành phố London.

Nhưng cũng cần nói thêm: Henry James viết các preface (cho những cuốn tiểu thuyết nào mà James chọn vào ấn phẩm New York) như thể để đánh lạc hướng, chứ không phải giải thích, như vẻ bề ngoài mà những text đó có thể tạo ra. Nói một cách ngắn gọn, các preface của James rất dễ khiến người ta bị chưng hửng: tưởng nhờ vậy mà lại gần được thì té ra còn bắn đi xa hơn.







Để thấy rõ (The Beast in the Jungle & The Altar of the Dead)

Poynton & Fount

Đi kèm

Hudson

Henry=Irony

James Đệ nhị


No comments:

Post a Comment