Jan 30, 2016

Sebald: Thành

W. S. Sebald, một nhà văn chịu ảnh hưởng lớn từ Robert Walser người nằm chết bên vệ đường trong tuyết trắng, viết những cuốn tiểu thuyết khủng khiếp, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong văn chương tiếng Đức hậu Kafka, nửa sau thế kỷ XX. Austerlitz, xuất bản năm 2001, dễ làm ta nhầm tưởng là tiểu thuyết lịch sử ngả sang quân sự viết về trận Austerlitz lừng danh. Nhưng "Austerlitz" của Sebald là tên một nhân vật, mà "tôi" (những "tôi" của Sebald bao giờ cũng vô cùng đáng nhớ) tình cờ gặp tại thành phố Anvers nước Bỉ (một "account" khác về Anvers tức Antwerp xem ở đây). Anvers nước Bỉ cũng từng để lại cho chính tôi những hình ảnh mạnh mẽ, về một thành phố có rất nhiều người Do Thái, rất nhiều mảng tường đen và rất nhiều cửa hiệu bán kim cương. Tuy không phải là như vậy (về trận Austerlitz) nhưng Sebald trong Austerlitz lại cũng nói nhiều đến quân sự, đến chiến tranh.

Đại tá Charles de Gaulle từng cảnh tỉnh rất sớm nước Pháp về hiểm họa Phòng tuyến Maginot (xem thêm ở đây; và nếu muốn đọc về các vấn đề này trong tiếng Việt thì reference lại là, bất ngờ chưa, Trần Vũ). Dưới đây là trích đoạn đầu tiểu thuyết Austerlitz, đặc biệt là các bình luận về thành quách công sự của nhân vật Austerlitz, trong những câu chuyện bất tận với "tôi".


Austerlitz


Trong vòng nửa sau thập niên sáu mươi, vì các lý do liên quan một phần đến những nghiên cứu của tôi và một phần khác tới các động cơ mà bản thân tôi cũng không biết rõ, nhiều lần tôi từ Anh sang Bỉ, đôi khi chỉ một hai ngày, đôi khi nhiều tuần liền. Vào một trong những kỳ cư trú tại Bỉ ấy, những kỳ cư trú lúc nào cũng tạo cho tôi cảm giác mình đang đi thật xa trên mảnh đất xa lạ, một ngày rạng rỡ của mùa hè mới chớm, tôi ở tại một thành phố cho đến khi ấy đối với tôi mới chỉ tồn tại thông qua cái tên của nó, Anvers. Vừa tới nơi, vào lúc tàu giảm tốc chạy qua cây cầu cạn hai bên có những ngọn tháp nhỏ nhọn hoắt kỳ quặc rồi dừng hằn bên dưới cấu trúc kính của nhà ga, tôi chợt thấy rùng mình trong nỗi khó ở, nỗi khó ở lúc nào cũng kè kè với tôi trong suốt thời gian tôi ở Bỉ.

[...]

Nhưng, nói vậy thôi, chẳng hiếm khi các dự đồ lớn lao nhất của chúng ta lại cho thấy mức độ những nỗi lo lắng của chính chúng ta. Chẳng hạn như việc xây dựng các pháo đài - và Anvers cung cấp một trong những ví dụ đáng nói nhất trong lĩnh vực này - cho thấy rất rõ để phòng ngừa các đợt xâm nhập của những thế lực thù địch chúng ta cứ không ngừng tự buộc mình phải rào giậu lại, theo những pha kế tiếp, bằng mỗi lúc một nhiều thêm những công trình phòng thủ, cho đến lúc cái ý tưởng mở rộng các vòng đồng tâm đạt đến các giới hạn tự nhiên của nó. Nhìn lại sự phát triển của các cứ điểm kiên cố kể từ Floriani, da Capri và Sanmicheli cho tới Montalembert và Vauban, qua Rusenstein, Burgsdorff, Coehoorn và Klengel, ta kinh ngạc, Austerlitz nói, trước sự bướng bỉnh của các thế hệ kiến trúc sư quân sự, những người ấy, mặc cho tài năng không thể chối cãi ở họ, cứ dính chặt mãi vào cái ý tưởng sai lầm từ nền tảng, như ta có thể dễ dàng nhận ra ngày nay, theo đó nếu dựng lên được một đồ hình lý tưởng - với những vòng cung nhiều góc tù và các mấu nhọn nhô hẳn ra ngoài, những mấu cho phép đặt đại bác của pháo đài kiềm tỏa toàn bộ chu vi xung quanh các tường bao - thì ta có thể mang lại cho một thành phố sự bảo vệ tốt nhất. Ngày nay chẳng ai còn hình dung được, dẫu chỉ theo một đường lối tương đối, từng có nhiều đến thế nào các công trình hướng tới kiến trúc quân sự, cái phấn hứng huyền hoặc của những tính toán về hình học, lượng giác và hậu cần dồn vào đó, những dạt dào trào dâng của thứ ngôn ngữ của công sự và của thuật hãm thành, cũng như làm sao mà hiểu nổi những định danh đơn giản nhất như courtineescarpe, fausse braie, réduit hay glacis [chưa tìm hiểu khái niệm nên để thế đã, chưa dịch :p]; và thế nhưng, ngay cả từ góc nhìn hiện nay của chúng ta, cũng có khả năng nhận thấy rằng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, rốt cuộc các hệ thống khác nhau đã được tinh hoa hóa hết cả lại trong sự ra đời của một đồ hình nổi bật, một ngôi sao mười hai cánh [...] cái mà quả thật ta có thể dễ dàng nhìn ra nếu nhìn vào mức độ nhằng nhịt cực điểm của các bản vẽ và phác họa nhằm mục đích đồn lũy hóa các địa điểm như Coevorden, Neuf-Brisach hay Saarlouis, nó dễ hiểu ngay cả với đầu óc kẻ phàm tục nhất, ngây ngất trước sự hiển nhiên của thứ không khỏi hiện ra vừa như biểu tượng của quyền lực tuyệt đối vừa như quyền lực của thiên tài ở các chiến lược gia phục vụ cho điều đó. Tuy nhiên, trong thực hành của chiến trận, các pháo đài hình sao xây dựng và không ngừng được cải tiến trong thế kỷ XVIII đã chẳng hề làm đúng được chức năng của chúng; bởi vì, một khi bị nhốt kín trong sơ đồ ấy, ta đã quên mất rằng các đồn lũy tốt nhất về bản chất cũng là những địa điểm thu hút những đội quân kẻ thù mạnh nhất, rằng càng co cụm ta lại càng phải phòng thủ nhiều hơn, và rằng, rốt cuộc, từ pháo đài được tái hồi trang bị đầy đủ của mình, ta buộc phải bất lực chứng kiến các tốp lính kẻ thù tự chủ động chọn lấy sân khấu cho các chiến dịch bằng cách, rất đơn giản, bỏ mặc sang một bên các công trình phòng ngự này cho các đội quân đồn trú thừa mứa, tua tủa nòng súng đại bác và bị biến thành các kho vũ khí đích thực. Đã nhiều lần xảy ra chuyện là, bởi sử dụng các biện pháp phòng thủ định trước ấy, Austerlitz nói, bị thúc đẩy do nhu cầu về sự kiệt cùng đầy hoang tưởng, người ta lại để phơi sườn cho kẻ thù theo một cách thức không thể cứu vãn, đấy là còn chưa tính đến việc vì hoàn thiện các bản vẽ ngày càng phức tạp hơn, công việc xây dựng cứ bị lần lữa mãi, khả năng các pháo đài bị lạc hậu ngay vào lúc hoàn thành tăng cao, thậm chí còn bị lạc hậu trước khi kịp làm xong, so với đà tiến bộ diễn ra trong cùng lúc ở pháo binh và ở chiến lược không ngừng hiểu rõ rằng điều cốt yếu không phải sự bất động mà nằm trong chuyển động. Và nếu nhỡ may có chuyện sức kháng cự của một pháo đài bị thử thách, thì kết quả, sau một sự lãng phí ghê gớm khí tài chiến tranh, vẫn hết sức khó dự đoán. Chẳng nơi đâu sự ấy lại rõ rệt như ở đây, Anvers này, nơi vào năm 1832, trong khuôn khổ các tranh chấp giữa các phần lãnh thổ Bỉ không chịu ngừng lại khi vương quốc mới được thành lập, ngôi thành do Pacciolo xây dựng rồi được củng cố theo lệnh của công tước Wellington với một loạt đồn, khi ấy do người Hà Lan nắm giữ, đã bị hãm trong vòng ba tuần bởi một đội quân Pháp gồm năm vạn người, rốt cuộc, vào giữa tháng Chạp, từ đồn Montebello [...] họ mở cuộc tấn công [...] và đến được tận dưới chân tường thành. Cuộc vây hãm Anvers, cả ở các phương tiện được sử dụng lẫn ở sự khốc liệt của nó, chính là, ít nhất trong vòng vài năm, sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử chiến tranh, Austerlitz nói [...]. Ông già chỉ huy pháo đài, nam tước tướng quân de Chassé, đã cho đặt mìn định tự làm mình nổ tung giữa đống đá ấy, nhằm cho thấy lòng trung thành và sự anh hùng của ông, thì in extremis ông nhận được điện khẩn của đức vua cho phép ông đầu hàng. Mặc dù vụ hạ thành Anvers cho thấy sự bệnh hoạn - đó là từ mà Austerlitz dùng - của các công trình phòng thủ và những cuộc vây hãm, bài học duy nhất mà ta rút ra được từ đó, dẫu cho trông như thể khó hình dung đến đâu, nằm ở chỗ cần phải tái xây dựng những tường thành vẫn được tiếng là không thể chiếm nổi và tiếp tục vươn mạnh hơn ra bên ngoài. Vậy nên, vào năm 1859, thành cũ cùng phần lớn công sự bên ngoài bị phá đi, thì người ta bắt tay xây dựng luôn một vòng thành mới chu vi mười dặm, bổ sung tám đồn đặt cách nửa tiếng hành quân, công trình ấy chỉ hai mươi năm sau đó, trước sự tăng tiến của tầm bắn đại bác và sự vọt lên của sức công phá thuốc nổ, đã có vẻ là không đủ, thế nên, vẫn tuân theo cùng cái logic ấy, người ta bắt đầu dựng lên, cách vòng thành sáu đến chín dặm về phía ngoài, một hệ thống pháo mới gồm mười lăm đồn trang bị vũ khí hạng nặng. Rồi, lại thế nữa, trong vòng hơn ba chục năm dành cho việc xây dựng, xuất hiện câu hỏi chẳng biết sự phát triển của Anvers, liên quan mật thiết đến sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động công nghiệp và thương mại vượt ra khỏi các ranh giới thành phố, có cần đến một sự mở rộng thêm [...] phòng tuyến, cái công trình [...] hẳn sẽ lấn sang cả lãnh thổ Malines, và dẫn tới hậu quả là toàn bộ quân đội Bỉ cũng chẳng đủ để đáp ứng quân số đồn trú cho đáng đồng tiền bát gạo. Như vậy, người ta chỉ đơn giản là tiếp tục loay hoay để hoàn thiện một hệ thống phòng thủ đang xây dựng, mà vẫn biết rằng đã từ lâu lắm nó chẳng đáp ứng nổi cho các đòi hỏi thực tế. Mắt xích cuối cùng, Austerlitz nói, là pháo đài Breendonk, được hoàn thành ngay trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, nó chứng tỏ sự vô dụng tuyệt đối của mình chỉ trong vòng vài tháng.


(từ bản dịch tiếng Pháp của Patrick Charbonneau)


Cũng giống Thomas Bernhard, tiểu thuyết của Sebald chỉ là một đoạn văn duy nhất. Nhưng tiểu thuyết của Sebald hay có thêm ảnh, ảnh giống như một dạng văn bản khác, một kiểu chữ khác. Điều này không khỏi làm tôi nhớ đến Istanbul của Pamuk, bản dịch Nguyễn Quốc Trụ, xem thêm ở đây:








Nhân tiện, trong khi phong trào Vương Dương Minh đang dâng cao :p tôi xin thú nhận luôn là quyển Vương Dương Minh Phan Văn Hùm Tân Việt 1944 mà tôi có thì rất là xấu :(




4 comments:

  1. ờ, để mấy hôm nữa viết riêng về Anvers hehe

    ReplyDelete
  2. What's up, this weekend is fastidious in favor of me, for the reason that this
    moment i am reading this wonderful informative paragraph here at my residence.

    ReplyDelete