"Về nỗi bất tiện khi bị sinh ra trên đời": một nhan đề sách không thể tưởng tượng nổi, chỉ riêng mình nó thôi đã nói lên gần như mọi thứ về chúng ta, thậm chí còn chẳng thèm nói về chúng ta nữa. Người ta cứ gọi Cioran là một con người bi quan (vì, đúng vậy, đây là nhan đề một cuốn sách của Cioran) nhưng thật ra, đâu có đến nỗi thế, hoặc giả: chẳng có gì liên quan đến "bi quan" hay "lạc quan" ở trong câu chuyện Cioran hết cả.
De l'inconvénient d'être né: ngoài những toàn tập, tuyển tập Cioran, tôi còn có đến hai quyển này in rời, cũng chẳng nhớ là tại sao nữa. Nó làm tôi nhớ ngay đến La difficulté d'être của Jean Cocteau. Khó sống, không phải sống là khó, mà là khó sống, hay sợ sống, sợ tồn tại. Nhưng đâu phải thế là đã hết: nỗi sợ tồn tại này lại đi kèm với cám dỗ tồn tại (La Tentation d'exister: một nhan đề sách khác của Cioran).
Như vậy là mâu thuẫn, người ta sẽ hét lên cảnh báo về một lỗi lầm của lý trí (cái lý trí đã bị Kant đè ra, đập thật mạnh vào - chắc hẳn trong những cuốc đi bộ trứ danh - và đọc câu thần chú "nói đi, lý trí" rồi sau đó viết hai cuốn sách; đó là câu chuyện của Kant và lý trí: nhưng tại sao người ta lại có thể gọi cái đối tượng ấy của Kant là "lý tính" được? mức độ của tính, Kant đâu có động đến, mà phải đợi đến một nhân vật tên là Martin Heidegger chứ nhỉ). Thì đúng rồi, đó chính là một nghịch lý. Chỉ có điều, Amiel đã nói rất cụ thể: ở con người, chẳng có quy luật nào có thể phát biểu một cách tường minh, ngoài các nghịch lý, những trái ngược, vì người nào có đầu óc thiên về phía trừu tượng sẽ luôn luôn tỏ ra mình thiết tha với cái cụ thể, và ngược lại, những ai nghĩ tủn mủn lại rất hay muốn chứng minh mình có tầm nhìn rộng rãi, sâu xa. Đàn ông cao thích phụ nữ nhỏ và đàn ông lùn (ví dụ Salman Rushdie) rất thích đàn bà thật cao. Những biểu hiện của lòng thiết tha với sự công chính chủ yếu nằm ở lũ người đê tiện.
[Cú giật gân Từ vô thức mà ra ở kia (trong bức ảnh thứ hai) tất nhiên muốn nói đến De l'inconvénient d'être né, và tất nhiên ở đó có một sự chép nhầm rất hài hước, "inconvénient" thành "inconscient"; sự quay trở lại (thành mốt) của tâm phân học hiện nay trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam làm nền cho những phát biểu lố bịch, kiểu như con người gồm có phần ý thức và vô thức: thôi, chưa hiểu gì về tâm phân học thì bớt phát biểu lăng nhăng đi, các bạn ạ, lừa dối người khác và lừa dối chính mình ròng rã bao nhiêu năm trời mà vẫn chưa cảm thấy lợm giọng mỗi khi nói bất kỳ điều gì à, những người quét rác thấp hơn cán chổi.]
Bất tiện, rất bất tiện khi bị sinh ra. Nhưng cụ thể như thế nào? Tôi không nghĩ có thể tóm tắt được cuốn sách trên đây của Cioran.
Phải viết thế nào để không ai tóm tắt được những gì ta viết, thậm chí còn không thể trích dẫn được. À, đấy không phải Cioran, mà ông ấy nói như sau: không được viết với mục đích tạo thành tác phẩm, chỉ được viết những gì có thể thì thầm vào tai lũ say rượu và bọn điên.
Gần đây (xem ở kia) tôi từng cố nói văn chương lớn nghĩa là như thế nào. Tất nhiên, như thế còn chưa đủ, vì thật ra, cũng như sự bất tiện là một thuộc tính đặc biệt gần với bản chất của sự sinh ra, thuộc tính đặc biệt gần với văn chương lớn là cái mà người ta vẫn hay gọi là phong cách.
Văn chương lớn là một văn chương có phong cách lớn? Hoàn toàn không phải, mà phải là ngược hẳn lại: một văn chương lớn là văn chương không có phong cách. Phong cách, xét cho cùng, là một ảo tưởng không nhỏ của việc viết, cũng không khác sự náo nức là một ảo tưởng lớn của sinh ra. Nguyễn Du viết Kiều không có phong cách nào. Phải xóa bỏ những thứ lẽ ra phải có thì mới vượt được ra ngoài (cao hơn hay thấp hơn không quan trọng) những níu kéo vô vàn, đại phương thì vô ngung thôi.
Đúng thời điểm tôi được tạo ra, khuôn bị vỡ.
[giống như rất nhiều khi khác, tôi đã quên biến ban đầu tôi định viết gì]
Cioran: châm ngôn
Cioran về Beckett
Cioran: Giã biệt triết học
Cioran về Borges
Cioran và tôi
Hi there, always i used to check website posts here early in the
ReplyDeletemorning, as i love to find out more and more.