Dickens cùng một lúc viết hai hay ba cái phơi-ơ-tông là thường, chưa kể còn làm tổng biên tập một tờ báo nào đó, viết kịch và tổ chức diễn các vở kịch ở quy mô công chúng nhỏ (vở The Frozen Deep chẳng hạn, đã diễn xong rồi, nữ hoàng Victoria lại đòi xem, thế là lại dàn dựng diễn, trong đó Dickens có thủ vai - cô bé Victoria khi vua William Đệ tứ tức là người ông vừa qua đời, mới kế vị xong thì đọc Oliver Twist và thấy nó rất hay, tức là hơn chục năm trước vở kịch The Frozen Deep), lại còn phụ trách thực tế một "trại phục hồi nhân phẩm" cho gái điếm, đặt tên giản dị là "Home", ở Shepherd's Bush không xa London. Nhưng, trong riêng lĩnh vực phơi-ơ-tông, người ta nói từng có thời điểm Lê Xuyên (Chú Tư Cầu, Nguyệt Đồng Xoài, etc.) viết cùng một lúc mười một (11) cái. Thế nên, đang phơi-ơ-tông ở kia và ở kia, tôi lại tiếp tục phơi-ơ-tông thêm một cái nữa.
Với các tiểu thuyết của Charles Dickens, người ta có thể tổ chức thi đố về tên các nhân vật (nhiều kinh khủng khiếp, trong đó vô số cái tên đã đi vào lịch sử, hoặc còn hơn thế nữa, trở thành danh từ chung trong tiếng Anh; tuy nhiên, khi phải đặt tên cho các con, Dickens lại tỏ ra khá là thiếu cảm hứng, kết quả là có những cái tên pompous ghê người như Alfred D'Orsay Tennyson Dickens hay Henry Fielding Dickens), hoặc giả về các thứ đồ vật từng xuất hiện trong các tiểu thuyết.
Chẳng hạn, thứ đồ vật nào xuất hiện đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết Barnaby Rudge này?
[Barnaby Rudge là một "tiểu thuyết lịch sử", và cũng giống The Old Curiosity Shop, được đăng phơi-ơ-tông dài kỳ trên tờ tuần báo Master Humphrey's Clock, tờ báo của chính Dickens; nó được đăng trong năm 1841; tờ báo về sau này, một tờ ra hằng tháng, Household Words, có lẽ chất lượng hơn nhiều - đó chính là nơi đăng cuốn tiểu thuyết đặc biệt u tối Bleak House, cuốn tiểu thuyết dường như đã ấn định rằng cứ nói đến London người ta sẽ nghĩ ngay đến sương mù, trong khi thật ra ở London không hẳn là quá nhiều sương mù - từng có người viết cả một tiểu sử cho thành phố London, đó là Peter Ackroyd
ấn bản trong ảnh là thuộc tủ "Wordsworth Classics"; nhà thơ Wordsworth, trái ngược với ba nhà thơ chết trẻ Shelley-Byron-Keats, sống đặc biệt lâu: sinh ra trước tất cả họ, Wordsworth sẽ còn sống cho đến tận lúc Dickens đã lên tới đỉnh cao sự nghiệp, tức là năm 1850; Wordsworth chính là một trong những nhà thơ gây cho tôi nỗi kinh sợ lớn nhất, lần nào nhìn tuyển tập thơ Wordsworth, cũng trong tủ "Wordsworth Classics" mà tôi có, tôi cũng nghi hoặc, không hiểu có bao giờ mình thực sự đọc nổi một bài thơ nào của ông ấy hay không; có lẽ sẽ là không bao giờ, vả lại, hoa "daffodil", loại hoa mà chính Wordsworth làm cho trở nên bất tử, đối với tôi thuộc vào những gì dị hợm nhất có tồn tại ở nước Anh, bên cạnh món "fish and chips" kinh hãi
cách đây hơn mười năm, phải vượt qua rất nhiều hoa daffodil vàng chóe, tôi mới đến được Stratford-upon-Avon, một nơi không mấy nổi tiếng, chỉ là vì nó gắn liền với tên tuổi một nhân vật cũng không mấy nổi tiếng, tên là William Shakespeare]
Đồ vật đầu tiên của Barnaby Rudge là một "emblem", một cái gì đó giống như huy hiệu, gắn trên tường một ngôi nhà cách London một ít đường đất.
Cho đến tận Tristes tropiques, Claude Lévi-Strauss vẫn còn nhắc đến "trào lưu Ấn Độ" diễn ra bùng nổ ở châu Âu ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một trong những gì gây dấu ấn khủng khiếp lên đời sống tinh thần con người một thuở. Ta sẽ sớm nhắc đến một Mircea Eliade trẻ tuổi và chuyến đi sang Ấn Độ (tất nhiên, trong lĩnh vực Ấn Độ này, người Anh có rất nhiều tác phẩm quan trọng, E. M. Forster chẳng hạn, trùng tên với John Forster người bạn thân nhất của Charles Dickens, một người bạn của cả cuộc đời, sinh cùng năm, tuy rằng họ quen với nhau vào lúc tuổi trẻ khi nhà phê bình Forster viết bài chê một vở opera do Dickens viết, khi Dickens vẫn còn được biết đến - chưa nhiều lắm - dưới bút danh "Boz"; rất sớm, Dickens đã chỉ định Forster làm người viết tiểu sử cho mình, và quả thật, Forster đã dùng sáu năm sống lâu hơn Dickens để viết và in bộ sách kinh điển The Life of Charles Dickens, gồm ba tập).
Làn sóng Ấn Độ này tạo ra một cú huých lớn nâng Tagore lên. Tôi nghĩ, giải Nobel Văn chương cho Tagore năm ấy chính là một hệ quả của làn sóng kia. Như thế là xứng đáng hay không xứng đáng, tôi không biết, nhưng đối với tôi, thơ của Tagore là thơ đặc biệt dành cho những tâm hồn đơ. Tâm hồn đơ nghĩa là tâm hồn đuột ra ấy, không còn uốn lượn nữa, không còn chuyển động được nữa, đại khái, một tâm hồn đơ giống như một thứ đồ vật, cụ thể là cái lò xo, khi nó đã mất hết độ đàn hồi.
Tagore đã đi diễn thuyết khắp thế giới, tất nhiên ta còn nhớ Tagore từng đến Việt Nam (sau một chuyến đến hụt trước đó một số năm), nhưng chủ yếu Tagore và bộ râu rất đẹp của mình (đẹp hơn râu của Dickens nhiều - bạn bè của Dickens vô cùng nuối tiếc khi Dickens bắt đầu để râu, vì như vậy cái miệng tuyệt đẹp của ông, từng được người bạn họa sĩ Maclise bất tử hóa trong một bức tranh, bị che đi mất) nói chuyện khắp nơi. Một trong các đề tài quan trọng của Tagore hồi ấy là phê phán thói trọng vật chất của người phương Tây, nhất là đối với các đồ vật, các thứ đồ đạc.
Trí thức phương Tây đã lăn như bi trước Tagore và bộ râu hùng tráng. André Gide dịch Tagore, etc. Nhưng không phải ai cũng thế. Mario Praz, một người Ý, quá hãi hùng khi các thứ đồ vật bị đàn áp, đã phản đối kịch liệt.
Giờ đây, không nhiều người còn biết đến Mario Praz nữa, nhưng chẳng hạn Italo Calvino từng viết một tiểu luận tuyệt vời về ông.
Khi bắt đầu biết là mình sẽ phải thực sự dính dáng đến những quyển sách hữu hình (sách, ở dạng đồ vật), một trong những nhà văn đầu tiên tôi nghĩ đến là Italo Calvino, như một lẽ đương nhiên: Calvino là một sự mênh mông văn chương.
Nhưng Calvino quá rộng, phải làm gì bây giờ? Điều này tất nhiên tôi phải nghĩ rất nhiều. Bộ sách ba tập Mê cung của Calvino một thời là gối đầu giường của tôi, nhưng dĩ nhiên đối với độc giả đại chúng, Calvino của "mê cung" là một cái gì rất hũ nút. Calvino của các nghiên cứu dân gian cổ điển Ý, Calvino của các trò chơi cực kỳ phức tạp, mọi thứ đều là dở.
Rồi tôi hỏi Vũ Ngọc Thăng, anh có muốn dịch "nam tước" không, và thế là Calvino xuất hiện ở Việt Nam chủ yếu thông qua bộ Tổ tiên của chúng ta, mặc dù tôi ý thức rất rõ rằng, như vậy, Calvino sẽ được biết đến rất nhiều, nhưng đó là một Calvino "mềm", Calvino của sự tươi vui, của tình trìu mến và lòng hào phóng. Đó hoàn toàn có thể là một hình ảnh bóp méo Calvino, bởi vì Calvino là vĩ đại ở những gì mà tôi sẵn sàng gọi là "phần phi nhân tính", những gì tuyệt đối không liên quan gì đến cuộc sống của loài người. Nhưng cũng đành phải chấp nhận thôi.
Đọc, không bao giờ là chuyện dễ đâu, tôi thấy người ta, tuyệt đại đa số, nghĩ đọc là không khó. Cứ biết chữ là đọc được. Đâu phải vậy. Một ví dụ rất điển hình là Raymond Queneau (nhà văn mà tôi chưa hề tham gia một dự án dịch thuật nào, ở bất kỳ hình thức nào): Icare, Zazie, rồi một ít "Exercices de style" chỉ là Queneau hời hợt thôi, Raymond Queneau không phải như thế. Queneau đích thực, hay ít nhất là Queneau của văn chương, phải là Queneau tác giả những Les derniers jours, Odile, Un rude hiver, Le Dimanche de la vie (có lẽ là cuốn tiểu thuyết duy nhất trên đời lấy cảm hứng trực tiếp và sâu đậm từ Hegel), hay Les Enfants du Limon. Raymond Queneau, đó là sự thần bí, là cuộc chiến đấu với quỷ, là nhìn thấy Chúa trong bùn lầy, René Guénon, etc. chứ đâu phải "doukipudonktan" (nàmthaomàthốixế).
Romain Gary là một trường hợp khác. Những gì đã có trong tiếng Việt chỉ là "Gary của vòng ngoài", những cuốn sách lắm lúc gây cảm giác ông ấy chỉ muốn viết cho xong, cho rảnh nợ. Gary phải chủ yếu là Gary của một con người chiến đấu vì kẻ yếu, một người đàn ông ưu tư và sợ hãi trước sự bất lực tình dục, một người bắt gặp Chúa (thậm chí còn lớn hơn Chúa một chút) ở núi cao, và một người ngây ngất trước "rễ trời", những gì bầu trời gieo vào tâm hồn của con người, những gì bất khả lũng đoạn.
-----------
Đọc là một công việc vô cùng phức tạp. Người ta hay nghĩ văn chương là để giải trí, nhưng đây là Jonathan Swift: "my principal design was to inform you, and not to amuse you", câu này dược Margaret Atwood dùng làm đề từ cho một cuốn tiểu thuyết rất xuất sắc của mình, Oryx and Crake (Atwood là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết xuất sắc, nhưng phải nói cho rõ: giữa Alice Munro và Margaret Atwood, nhà văn vĩ đại là Munro, chứ không phải Atwood).
Những người Ý vĩ đại mà tôi từng làm được cho xuất hiện trong những năm vừa rồi: ngoài Italo Calvino, đó là Primo Levi (xem ở kia). Nhưng thật ra, "cú" đẹp nhất lại chính là cuốn sách rất ít người đọc, một kiệt tác không được ai biết đến, Nữ công tước Marianna Ucrìa của Dacia Maraini, từng một thời là "người bạn đời" của Alberto Moravia. Thậm chí tôi còn làm được cho bà ấy, Dacia Maraini, sang Hà Nội.
Nhưng vẫn còn cả một dây người Ý tuyệt vời mà tôi không sao làm nổi mặc dù đã loay hoay rất nhiều: Italo Svevo ở Trieste (một người có rất nhiều liên quan với James Joyce) hay Roberto Bazlen (cũng một người Trieste), Leonardo Sciascia mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, hay một "người bạn đời" khác của Moravia, Elsa Morante. Rồi Eugenio Montale vĩ đại nữa. Và tất nhiên, Leopardi người cùng thời của Stendhal.
Không dễ dàng, không hề dễ dàng một chút nào.
Vả lại, mười năm vừa rồi của xuất bản Việt Nam (xem ở kia) đã dẫn đến một điều: sách ở Việt Nam, sự đọc ở Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, chuyện đã rất khác. Gần như không một ai từng tham gia trong mười năm qua còn đủ sức theo đuổi nữa đâu, dẫu cho bề ngoài có là như thế nào. Giờ đây, điều cần thiết là một hiểu biết đích thực, một hiểu biết sách vở đích thực là điều rất ít người có được, dẫu có tham gia nhiều thứ trong vòng mười năm qua hay không. Điều này là nghiệt ngã, cũng có thể nó xảy đến quá nhanh, nhưng văn chương sách vở có là gì khác đâu ngoài sự nghiệt ngã? Tất nhiên, những thứ dễ dãi sẽ vẫn trường tồn thôi, chúng trường tồn trong sự dung túng của con người ở đủ mọi loại phương diện, nhưng cũng có một số thứ là không thể đảo ngược đâu, dẫu như thế có thể là đau lòng lắm.
Bản thân tôi cũng đã rời xa, rất xa, từ nhiều năm nay rồi.
Mười năm vừa qua đã có những điều không nhỏ đâu, nhất là tại một đất nước về cơ bản trong lịch sử chưa từng có nhà xuất bản nào tồn tại được đến mười năm.
-----------
Gần đây, khi nhận ra là tôi đang cần đi tìm một thứ đồ vật, cũng có thể là một số đồ vật - mà tôi không thực sự biết là gì, cũng có thể là những đồ vật mà tôi đã biết nhưng lưu trữ lắt léo như thế nào đó trong trí nhớ, rất khó dò tìm, hoặc cũng có thể là những đồ vật thuộc kiểu khác hẳn, khi ấy, đột nhiên tôi nghĩ ra, chắc sẽ là rất tốt nếu đọc lại một cuốn sách đặc biệt về các thứ đồ vật: Leçon de choses của Claude Simon.
Tôi hăm hở đọc Leçon de choses của Claude Simon. Nhưng đọc được vài trang thì tôi nhận ra: hóa ra cũng có ngày tôi thấy Claude Simon rất buồn ngủ, Leçon de choses chán ngấy. Nhưng lần đọc này làm cho tôi nhớ đến khi, cách đây hơn chục năm, ngồi ở thư viện trường Sorbonne, tôi đọc L'Accacia cũng của Simon.
Thư viện trường Sorbonne rất đẹp, một bức tường phủ kín bức tranh tuyệt đẹp mà giờ đây tôi đã quên là tranh của ai, chỉ còn nhớ vài đường nét, những người mặc áo thụng dài lùng thùng. Thư viện trường Sorbonne hồi ấy chỉ cho mượn hai quyển sách mỗi lần, và chỉ cho mượn trong vòng mười bốn ngày, đến giờ tôi vẫn còn giữ vài mảnh giấy bìa màu xanh cắt thuôn thuôn mà nhân viên thủ thư (ngồi ở căn phòng nhỏ, giống như một đoạn hành lang chặn lại, nằm ở góc thư viện về phía tay trái) kẹp vào những quyển sách cho mượn, trên đó đóng dấu ghi ngày phải trả. Hình như cũng có lúc tôi trả sách muộn, nhưng cũng không sao, dù gì thì tôi cũng không thực sự gắn bó với thư viện của trường Sorbonne. Cách đó không xa, ngược theo phố Cujas một đoạn là đến một thư viện mà tôi thích hơn nhiều, nó nằm trên đỉnh đồi Geneviève, và nó cũng tên là Sainte-Geneviève. Đây là thư viện công cộng, ai vào cũng được. Những ngày mùa xuân, buổi chiều, ánh mặt trời chiếu vào qua các cửa sổ tạo thành những vệt, những vũng ánh sáng như thể muốn chứng minh vĩnh cửu là ngay lúc này, ngoài đó ra chẳng còn gì nữa hết.
Người ta thường coi đọc là dễ, người ta cũng quá coi thường ý nghĩa của việc đọc: cuộc đời của con người là những chuyển động vô hướng và ngớ ngẩn, trong đó gần như không gì có thể lấy làm điểm mốc. Không có gì lấy làm điểm mốc được đâu, ngày tháng, trí nhớ, tất thảy đều đồng lõa làm nhòa đi mọi thứ. Nhưng những cuộc đọc, những cuộc đọc làm ta bỗng chui được vào trong một cái hốc thời gian nào đó, rất giống một căn hầm mà ta chui được vào giữa lúc thành phố đang diễn ra một cuộc oanh tạc từ những cái máy bay vụt tới. Chúng ta không định hướng được cuộc đời nếu không đọc. Điều này giải thích vì sao rất nhiều người sống cả cuộc đời trong bất định. Vì không đọc, hoặc có đọc nhưng là đọc giả vờ.
Patrick Modiano rất nhớ mình đọc Céline như thế nào, vào lúc nào (xem ở kia). Modiano cũng từng kể có lần bà mẹ cứ nằng nặc bắt ông phải đọc Les Jeunes Filles của Montherlant. Trong bộ tiểu sử về Charles Dickens, John Forster cũng kể tên những sách mà Dickens đọc hồi còn nhỏ: Roderick Random, Peregrine Pickle, Humphrey Clinker, Tom Jones (từ đó mà có cái tên một trong các con trai của Dickens, Henry Fielding Dickens, về sau tất nhiên hay được gọi ngắn gọn là "Henry", thật ra lại chính là người con duy nhất của Dickens thành công tương đối trong cuộc đời, không rơi vào nợ nần, phiêu bạt Ấn Độ hay Mỹ, Canada, một luật sư từng học qua Cambridge), Vicar of Wakefield, Don Quixote, Gil Blas và Robinson Crusoe.
Chúng ta nhìn được cuộc đời chúng ta thông qua những lần lại các cuộc đọc, vì đọc tạo ra những đường chỉ tơ mành nhỏ li ti, những sợi dây Ariane không thể không có nếu muốn thoát khỏi mê cung.
Tôi hay đặt Modiano cạnh Dickens (xem ở kia), nhưng nhà văn thực sự nhiều tính chất Dickens chính là Dương Nghiễm Mậu. Ít nhất ở phương diện sau đây: một người viết tiểu sử Dickens từng nói đại ý, mối quan hệ giữa văn chương của Dickens và độc giả của ông là mối quan hệ của tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, một mối tình sét đánh, sét đánh nhưng lại hết sức chung thủy. Ở Dương Nghiễm Mậu cũng xảy ra điều đó. Độc giả của cả Dickens và Dương Nghiễm Mậu đều, bằng trực giác, nhận ra họ đứng về phía mình, và nồng nhiệt đáp lại điều đó. Chưa bao giờ Dickens hay Dương Nghiễm Mậu thiếu độc giả, họ luôn luôn có rất nhiều độc giả, những độc giả đầy tình yêu.
Bộ Mê cung anh nói là bộ nào thế?
ReplyDeleteDéfis aux labyrinthes, bộ tuyển tập tác phẩm phê bình của Calvino
ReplyDeleteCám ơn anh. Bộ này hình như không có bản tiếng Anh ạ?
DeleteAnh ơi, thế thì phải tiếp tục Romain Gary đi thôi, Raymond Queneau nữa. Raymond Queneau cả 2q có bản dịch TV đều ẩu quá huhu
ReplyDeleteEMi
Ngoài cuốn Zazie còn cuốn nào khác vậy ạ?
DeleteÀ thôi, em nhớ ra cuốn Icare rồi. Không ấn tượng lắm với cuốn này :)
Deleteđể xem, để xem hehe
ReplyDeletephơi-ơ-tông của bác có khi để phơi đó mấy năm chưa chịu kết thúc
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeletetiếp tục?
ReplyDeleteĐọc, khó nhất với em là: “đọc là xếp” anh ơi!
ReplyDeletecái lò xo không còn độ đàn hồi, chỉ cần đừng bị thất lạc, những con chữ của chú vẫn sửa được- cháu cứ tin thế đấy.
ReplyDeletelà sao?
Deletenếu “là sao?” là cái lò xo mất hết độ đàn hồi thì sẽ tự có câu trả lời ngay.
Deletecòn không phải thì làm giống Ano tớ lấy cái bút bấm tháo tung ra, lấy cái lò xo trong đó kéo giãn ra, rồi ráp bút lại, sau đó trở lại đọc chậm cả bài từ trên xuống, từ dưới lên, thử xem có thấy câu trả lời không.