Mar 18, 2017

[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội

Tôi ngồi đó, đọc Balzac cho đến hết buổi chiều; tôi lại ngồi đó, đọc Balzac cho đến hết buổi chiều, và tôi vẫn tiếp tục ngồi đó, đọc Balzac cho đến hết buổi chiều, rồi lại một buổi chiều, rồi lại một buổi chiều. Điều này rất dễ hiểu: Balzac thì dài; so với Balzac, buổi chiều thì ngắn, cho nên cần đến rất nhiều buổi chiều; người ta hay nhắc đi nhắc lại giống như là thông thái lắm, cái câu bảo đời người thì ngắn, Proust thì dài, nhưng Proust chỉ là một mảnh từ Balzac bắn ra (Balzac thì dài, xem ở kia).

Những buổi chiều với Balzac, ngoài một số thứ mà tôi nghĩ là an ủi được cho tôi, có một điều này: Balzac đã viết trước một nhà văn nữ Việt Nam lẫy lừng về "người phụ nữ tuổi ba mươi", trước hẳn tầm hai trăm năm, mà hai trăm năm theo Balzac có thể châm chước một cách tù mù để hình thành lịch sử một gia đình quý tộc, khiến hậu duệ có đủ tư cách để vênh ngực lên với cuộc đời, xem ở kia.

Tôi nhanh chóng nhận ra: ở Hà Nội, cần phải đọc Balzac tại các quán cà phê đặc trưng nhất của giới "nouveau riche". Không nơi nào khác có thể thích hợp hơn được nữa.

Tại Hà Nội, dạng quán cà phê nào đáng ghê tởm nhất? tôi đã rút ra được kết luận, đó chính là những quán cà phê tập trung đám nghệ sĩ. Sợ nhất là lũ nghệ sĩ nói lắm, lời lẽ tuôn ra từ cái lỗ miệng phủ quanh rất nhiều râu bẩn, phía bên trên lộng lẫy một mớ tóc còn bẩn hơn, nhưng cũng đáng sợ không kém nghệ sĩ thì lì thù lù posing suốt nhiều tiếng đồng hồ trong tư thế ủ rũ đậm sắc màu spleen chán chường, và nhất là sẽ cực kỳ chán chường nếu không được thế giới biết là mình đang chán chường. Điều bí mật là họ đua tranh nhau xem ai có thể chán chường và lờ đờ hơn. Và nói năng của đám nghệ sĩ, chẳng phải đó đã đích thực là kiệt tác đấy ư, thế nào cũng có từ "Nietzsche" và có từ "văn minh". Cảnh tượng hay nhất của Hà Nội trong vòng nhiều năm là những sự gặp gỡ giữa đám nghệ sĩ và thế giới nouveau riche; các tiếp xúc như vậy, một cách định mệnh, tạo ra những tạo tác trung bình cộng tuyệt đẹp: các nghệ sĩ nouveauriche và các nouveauriche nghệ sĩ.

Flaubert từng tự hỏi, thậm chí còn hỏi rõ to, tại sao các ngài bàn về mọi thứ trên đời, mọi chi tiết tí teo của lịch sử, thế mà các ngài lại không vẽ chân dung cho các nhân viên, các ký lục, những tay bàn giấy, khi mà chính họ mới là người hùng đích thực của thời đại. Câu hỏi này, Flaubert đã có từ mười sáu tuổi, và đến cuối đời, đã đủ can đảm nhảy vào lĩnh vực ấy, thì Flaubert nhận ra công việc này quá khó, khó hơn cả khi vẽ chân dung bà Bovary và Homais, chân dung Frédéric Moreau, còn khó hơn cả chân dung Salammbô hay Thánh Antoine. Cả chục năm trời, Flaubert nghĩ mình phát điên, thậm chí nghĩ mình bị nguyền rủa thì mới phải đi viết về đám người ấy, hơn thế nữa, nhiều khi Flaubert sợ hãi nhận ra dường như mình cũng bị nhiễm luôn sự ngu xuẩn của lũ người kia: kết quả thật thảm khốc, vì bỏ đến cả chục năm cho tác phẩm ấy, nhưng rốt cuộc Flaubert vẫn qua đời (năm 1880) mà chưa kịp viết xong hoàn toàn Bouvard et Pécuchet, bản anh hùng ca về sự ngu. Flaubert chết sau Balzac đúng ba mươi năm.

Đọc Balzac, đọc Flaubert ở Hà Nội, không gì hơn là ngồi ở những quán cà phê của giới "nouveau riche". Bỗng loáng thoáng nghe tiếng nói chuyện xa xa, ta bỗng rùng mình nhận ra Balzac đã miêu tả từ trước cảnh này rồi, chính là cái cảnh mà ta đang chứng kiến: trong Nữ công tước de Langeais, khi giai nhân de Langeais tuyệt vọng trước tướng quân Montriveau, nàng làm một việc rất bất cẩn là sai xe ngựa riêng của mình đỗ ở gần nhà người quân nhân; cả giới thượng lưu xôn xao, khu faubourg Saint-Germain, cái chốn quý tộc đỉnh cao Paris, rơi vào khủng hoảng trầm trọng, các nhân vật đức cao vọng trọng liền họp nhau bàn cách "giải quyết"; Balzac nói, mới nghe qua những người ấy nói chuyện với nhau, những ai không lịch duyệt giang hồ sẽ nghĩ họ rất ngu, nhưng phải nghe cho kỹ những gì họ nói: những gì họ nói ngu thật; nhưng như thế vẫn còn là chưa hiểu gì, vì còn chưa hiểu sự ngu có đẳng cấp rất khác với sự ngu thô lậu và thông thường, vì đấy là còn chưa nghe ra âm điệu the thé ("giọng óc", giống khi hát opera) đào luyện hàng trăm năm mới có được: các nhà quý tộc nhiều đời mới biết nói bằng một cái giọng không thể bắt chước, đạt đến mức ấy rồi, nói cái gì ngu ngu thì cũng có làm sao. Các giới khác nhau, "noble" và "roturier", cách nhau những vực thẳm. Những vực thẳm mà các cuộc cách mạng tìm cách san lấp, thậm chí làm đảo ngược, sau các cuộc cách mạng, đầu có thể trở thành đít và đít có thể trở thành đầu.

Các nouveau riche của Hà Nội, vì đã trở thành nouveauriche nghệ sĩ sau nhiều đào luyện kiên trì, giờ đây còn hay nói về tranh hơn các họa sĩ Hà Nội (các họa sĩ Hà Nội thật ra ít nói về tranh, họ hay nói "sang trọng", "văn minh" và "Nietzsche", họ đã thành nghệ sĩ nouveauriche từ lâu). Tất cả người giàu ở Hà Nội hiện nay đều treo tranh ở nhà, tất cả đều treo tranh rởm, nếu không phải tranh rởm thì sẽ là tranh xấu: điều này không phải là để phê phán, mà chỉ là một ghi nhận nhỏ về mối tương tác nghệ sĩ nouveauriche-nouveauriche nghệ sĩ, cái phương trình đã đạt đến một mức độ cân bằng rất đáng ngưỡng mộ.

Không một giới nào trong xã hội có thể sinh động hơn giới nouveau riche; người ta cứ nói xấu họ, bảo là họ bị tiền đè chết người, nói thế là sai, là oan trái: tiền đè thì làm sao mà sinh động và hoạt bát được. Các nouveau riche thậm chí còn có thể thoăn thoắt chuyền cành, từ tennis sang golf, từ golf sang sưu tầm tranh, những thời điểm không chuyền cành là khi họ trầm mặc suy tưởng trước một bức tranh tuyệt vời; người họa sĩ sáng tạo ra bức tranh ấy đứng đợi nhân vật trầm mặc kia quyết định (tức là quyết định mua), giết thời gian bằng cách tính nhẩm xem, mãi mà không xác quyết được bức này mình đã vẽ đến lần thứ năm mươi sáu hay năm mươi bảy; đây chỉ là cảnh lặp lại cảnh Balzac viết trong Pierre Grassou mà thôi.

Họ thoăn thoắt chuyền cành, các nouveau riche (tiền mới thì hay phấn khởi) đặc biệt nói nhiều và nói to (bây giờ, trong sự lắm mồm đáng yêu của họ hay xuất hiện hàng loạt tên họa sĩ thời danh), xe ô tô của họ cũng đặc biệt hay bấm còi. Ta phải cầu mong họ sẽ sinh động được mãi, đừng bao giờ trơ ì, đừng bao giờ bớt mới mẻ, đúng đắn nhất là nhắc tới khẩu hiệu của thần tượng của cả một giới "nouveau": stay hungry, stay foolish. Bởi vì họ là động lực của cả xã hội, họ là các "cột trụ của xã hội" (Ibsen).

Cách đây nhiều năm, nói một cách cụ thể là ở thời điểm iPhone 4S là một cơn địa chấn xã hội, trong một bữa tối rất "grand monde", người phụ nữ xinh đẹp ngồi cạnh tôi, đã chếnh choáng sau vài ly sâm banh Moët, khoe là mới đi châu Âu về, xúc cảm kể ở châu Âu tranh Van Gogh đẹp quá, Paris nhiều tranh Van Gogh quá. Nhất trí, tôi thì nghĩ ở Amsterdam mới có bảo tàng Van Gogh (một nơi mà tôi đặc biệt ghét, vì đông đặc người Nhật, phụ nữ Nhật sao chân lại cong được đến mức í nhỉ?), nhưng Van Gogh với Picasso thì cũng xêm xêm, chẳng cần phải nghiêm ngặt quá, rất mệt. Người phụ nữ rút phắt điện thoại (tất nhiên iPhone 4S) để minh chứng cho lời nói. "Đây, đẹp chưa, Van Gogh đẹp chưa", và chìa cho tôi xem các bức ảnh do chính tay nương tử ấy chụp. "Van Gogh tuyệt vời", thiếu điều thì tôi hét lên, và uống thêm một ly Moët ăn mừng, vì lâu lắm mới nhìn thấy tranh Botticelli. Ở Hà Nội hiện nay có công trường xây dựng tòa nhà "D'Palais Louis" (sic); tôi thầm tự hỏi bao lâu nữa thì trên nền đất mới gần đây còn là đầm lầy sẽ xuất hiện Versailles, hay Santorini. Chắc sẽ sớm có một công viên "miniature" thu nhỏ Rome hay Paris; giới tư sản đặc biệt mê những gì thu nhỏ, họ thượng thừa trong trò non bộ và bonsai; đừng bao giờ nghĩ những thu nhỏ này là phản chiếu sự bần tiện trong tâm hồn họ.

Những bữa ăn nào ngoài quán bỗng đen đủi phải ngồi gần một gia đình "nhìn là biết" thì còn tuyệt vời hơn. Những đứa con hứa hẹn sẽ vượt xa bố mẹ chúng, ngôn ngữ nào cũng biết nói (và tất cả đều ngọng) và nhai tồm tộp còn vang động hơn cả ông bố từng thắng lợi rực rỡ ở Chứng Khoán rồi đấu thầu thành công nhiều vụ lẫy lừng, quen biết trực tiếp vài chục đời bộ trưởng, vừa ăn nhồm nhoàm vừa há mồm nói thia lia: ơ, thế nhưng họ đều cho con họ đi học cảm thụ âm nhạc ở chỗ cô Đặng Châu Anh ái nữ giáo sư Đặng Hữu mất vài trăm đô mỗi tháng cơ mà nhỉ, lại còn liên tiếp học đủ mọi thứ "kỹ năng mềm" - câu "vừng ơi mở cửa ra" của thời này.

Dường như, các nouveau riche Hà Nội thật ra không lãi nhiều như họ tưởng, như chúng ta, như xã hội tưởng? Thật ra họ không chiến thắng ở mọi thứ, không phải vụ đầu tư nào cũng là thắng lợi rực rỡ? Khi mà họ giỏi đến mức có thể tránh được một thứ mang tên "thuế vụ" ở nhiều chỗ, bằng các màn ảo thuật liên quan đến mấy tờ giấy (nhưng chó mà họ nuôi nhất định phải có gia phả nhiều đời và ghi rõ ràng rành mạch), thì biết đâu, có lẽ nào (ở đây, phải lấy giọng của bi kịch: La Comédie humaine của Balzac là một vở kịch, Vở kịch con người): có lẽ nào họ cũng giống Napoléon, thắng mọi trận đánh nhưng lại thua cuộc chiến tranh?

Thì bởi, chính họ, các nouveau riche, là các Napoléon của Hà Nội; hay, để "bản địa hóa", đó chính là các Quang Trung Nguyễn Huệ; à, mà sao người ta từng sản xuất "rượu vang Đà Lạt" mà chưa ai nghĩ đến "sâm banh Quang Trung" nhỉ?

-----------

Ở Hà Nội, huy hoàng nhất trong giới nghệ sĩ là những người liên quan đến hình ảnh (điều này tương đối không khó hiểu: hình ảnh liên quan trọng yếu đến posing), họa sĩ, điêu khắc gia, nhưng cả nhiếp ảnh gia và điện ảnh gia nữa; trong đó giới cuối cùng về cơ bản tranh giành lẫn nhau sự ưu ái của Trần Anh Hùng. Nhưng cũng đừng quá coi thường các giới khác: nhạc sĩ cũng không vừa đâu, đặc biệt hoàn toàn không thua kém giới hình ảnh là phân khu nhạc sĩ chuyên về nhạc thể nghiệm. Tuy nhiên, các nhạc sĩ thì đầu lại hay trọc, không giống đầu các họa sĩ: mãi tôi mới giải được bài toán khó ấy. Đầu các nhạc sĩ chuyên thể nghiệm trọc là bởi nhạc của họ húc đầu vào người ta, thế cho nên đầu phải trọc - đầu trọc của nhạc sĩ thể nghiệm chính là biểu tượng cho âm nhạc của họ. Đã hiểu chưa? tôi ngờ là rất ít người hiểu nổi, vì rất khó hiểu đấy.

Pierre Grassou, họa sĩ sống ở Paris quãng gần giữa thế kỷ 19, có tranh được bày ở "Salon", sẽ lấy con gái của một gia đình tư sản (tức là nouveau riche của thời ấy); ông bố vợ, khi đã đủ tin tưởng, mời con rể vào xem phòng tranh mà ông đã sưu tầm trong nhiều năm, tuyền tranh "flamand" của các danh họa hạng nhất Hà Lan, trị giá thật kinh khủng. Họa sĩ Pierre Grassou kinh ngạc nhận ra về cơ bản bộ sưu tập kia đều là tranh mình từng vẽ khi còn bần hàn (nhưng nói cho đúng, khi đã đỡ bần hàn rồi Pierre Grassou vẫn vẽ tranh "flamand"); đoạn hội thoại cuối cuốn tiểu thuyết xuất chúng về giới họa sĩ ấy nội dung là Pierre Grassou muốn biết ông bố vợ mua những bức tranh giá bao nhiêu tiền, và cuối cùng cũng phát hiện ra tay lái tranh ăn lãi ra sao trên những bức "flamand" tuyệt vời đó; dẫu gì thì chuyện đã qua không cần nhắc lại lắm, Pierre Grassou đã lấy được vợ giàu, tức là cách đây một trăm năm mươi năm, phương trình nouveauriche nghệ sĩ-nghệ sĩ nouveauriche đã xuất hiện rồi. Cũng như Trang Hạ, nhà văn của giới phụ nữ cấp tiến Việt Nam, rất đáng buồn là đã đi sau Balzac cỡ hai trăm năm trong chủ đề "phụ nữ tuổi ba mươi".

Trong Vở kịch con người, Balzac đặt bao nhiêu nhan đề tác phẩm theo tên các nhân vật nam? Ta có Albert Savarus hay Ferragus, tất nhiên, ta cũng có "Goriot", "Pons", "Chabert", "Gobseck", "Nucingen", "César Birotteau" hay "Louis Lambert", và quãng giữa bộ sách là liên tiếp ba cái tên riêng được đặt tên cho tác phẩm: Facino Cane, SarrasinePierre Grassou. Sarrasine chính là truyện mà Roland Barthes từng viết cả một cuốn sách để bình luận, S/Z, và cũng giống Pierre Grassou, nó đi vào thế giới nghệ sĩ: Sarrasine là một điêu khắc gia, sang đến Rome thì mê nàng diễn viên Zambinella, rồi phẫn uất khủng khiếp khi hóa ra Zambinella lại là đàn ông giả gái.

Facino Cane biểu diễn âm nhạc, và thêm một câu chuyện khác nữa của Balzac có tên nhân vật nam: Gambara, đây là tên một nhạc sĩ điên. Pierre Grassou tàn khốc như thế nào đối với giới họa sĩ thì Gambara tàn khốc tương tự đối với giới nhạc sĩ.

Nhưng không một nghệ sĩ nào trở thành tên sách của Balzac đến hai lần. Nhân vật duy nhất trở thành tên cho tận hai tác phẩm thuộc Vở kịch con người không phải một nghệ sĩ - đến cả Napoléon mà Balzac vô cùng quan tâm như ta đã thấy ở kia, ở kiaở kia cũng không có được vinh dự ấy. Ta phải rùng mình, và lần này là rùng mình nhiều lần, khi biết Gaudissart mới là nhân vật đi vào tên của đến hai câu chuyện liền - cứ như thể Balzac đang viết câu chuyện của xã hội Việt Nam ngày nay vậy.

Lần đầu tiên là L'Illustre Gaudissart (Gaudissart xuất chúng) và lần thứ hai là Gaudissart II. Gaudissart nhân vật của Balzac là một người bán hàng.

Còn nhân vật nào của xã hội Việt Nam nổi bật hơn nhân vật người bán hàng được nữa đây? không thể có. Nhất là ở thời đại của start-up như bây giờ, điều đó lại càng đúng.

-----------

Ngồi ở quán cà phê tại Hà Nội, vô phúc nhất chính là gặp đúng ca sĩ Tùng Dương. Ta sẽ có ngay cảm hứng lớn lao là bỏ khỏi đó, ngay lập tức. Đây là điều đang xảy ra với tôi, vào đúng cái lúc đang ngồi đây để viết tiếp bài về Nguyễn Tuân; tôi phải đi khỏi đây ngay, ca sĩ Tùng Dương đang ngồi ở bàn ngay gần, gặp fan nạ dòng và đang nồng nhiệt nói về "các giá trị vĩnh cửu" và "em ơi em ơi" ầm ĩ gọi phục vụ đòi uống nước bưởi (về các ca sĩ, xem thêm ở kiaở kia). Tùng Dương trên sân khấu là một ngôi sao phá nhạc và ở quán cà phê thì đích thực là gây buồn nôn (giờ đang "văn học, triết lý, cảm thụ, nghe nhạc" etc.; thôi, đi).

-----------

Chuyện đen đủi quá nhiều; nhưng vậy là dễ hiểu, một khi hướng cái nhìn vào lớp người nouveau (và do vậy, chuyền cành không ngừng, và bởi vậy, và và), đến Balzac hay Flaubert cũng phải chóng hết cả mặt. Đang định nói đến những người bán hàng đang là nổi bật hơn cả ở xã hội Việt Nam và Hà Nội hiện nay (thôi xem trước ở kia), nhất là vào cái thời đại của start-up này, thì bỗng một ca sĩ hiện ra trước mắt tôi, chuyền cành trước mắt tôi. Thế là, một cách định mệnh, tôi nghĩ đến nhạc nhẹ. Tôi tự hỏi lòng tôi, đâu là nhạc sĩ đích thực có thể đại diện cho cái thời nouveau này?

Thêm một câu hỏi quá khó nữa.

Nghĩ đến nổ cả đầu, tôi đã định thôi bỏ, chắc việc này là quá sức của tôi (tuổi nhỏ làm việc nhỏ thôi) thì bỗng một le lói dĩ vãng hiện ra, bỗng một ít lời bài hát vang lại lên trong tai tôi. Và một tia chớp vụt hiện: tôi đã tìm ra.

Tôi nhớ, cái năm ấy, buổi tối hay nghe thấy lời bài hát ấy, nhất là những hôm đi về muộn, gia đình bà trông xe quây quần ấm cúng sum họp bên bữa cơm và xem ti vi; đó là nhạc phim, một bộ phim truyền hình, dường như nhiều tập.

Câu hát ấy đây: "Dù em không đẹp nhiều, dù không xinh được nhiều, nhưng em đang dần dần đẹp lên".

Chính là nó, chẳng phải nó diễn đạt rất chính xác một tâm hồn thuộc địa bắt chước trò nịnh đầm đấy ư?

Người nhạc sĩ sáng tác ra những câu siêu hạng này tên là Bào Quốc Bủi. Đây đích thị là nhạc sĩ của một giai cấp hướng lên trên mãnh liệt, và rất mới. Và rất nịnh đầm. Hơi bắt chước lố bịch khi nịnh đầm, nhưng như vậy vẫn tính là có biết nịnh đầm. Và tiếp theo Balzac (mà Balzac lại học theo Sterne: mối quan hệ Sterne-Balzac xem ở kia), tôi cũng cho cái tên con người tự nó thôi đã diễn đạt nhiều thứ lắm rồi. Không phải ngẫu nhiên khi người nhạc sĩ ấy trong tên của mình có âm "ủi".

Là nhạc sĩ đại diện cho giới nouveauriche chuyền cành, nhất thiết phải là người: viết, có biết viết, vẽ, có biết vẽ, chụp ảnh ư? quá nhỏ, biết chụp luôn; không những thế lại còn là con người của sự tu tập; nói một cách dễ hiểu hơn: phải biết chuyền cành rất giỏi, và chuyền cành giỏi đến mức lên được rất cao (tận đến mức Mật tông cơ mà).

Năm xưa, Bào Quốc Bủi làm quen với tôi. Đó là sau khi tôi đọc được một nữ sĩ Việt Nam rất cao quý (Việt Nam có rất nhiều nữ sĩ, và nữ sĩ nào cũng cao quý hết, chỉ là cao quý ít hay cao quý nhiều, hoặc "dần dần cao quý lên" mà thôi) tên là HM; nữ sĩ ấy vừa viết một bài đăng báo rất là cao quý, tôi mới viết một bài nói là ôi đừng cao quý quá như thế, mình thấy hơi mỏi cổ, bớt bớt một tí cho mình còn theo kịp có được không. Bào Quốc Bủi sướng vụ í quá, làm quen ngay tắp lự với tôi. Tôi thì trông thế thôi nhưng tôi dễ tính lắm, nhiều lúc như phò, làm quen thì tôi cũng quen.

Bẵng đi một thời gian dài không liên hệ, bỗng một hôm nhận được tin nhắn của Bủi, lại tỏ ý sung sướng vì vài thứ tôi nói đến một nhạc sĩ khác (xem ở kia). Thoắt ẩn thoắt hiện, anh ấy chỉ xuất hiện những lúc nào như vậy thôi. Rất cao quý. Rất Bủi. Và giữa quãng thời gian đó, anh ấy xóa hết những gì từng nói xấu diễn viên Thành Lộc để quay sang nịnh diễn viên ấy một cách rất thành thực; khi mà người ta đã viết về diễn viên Thành Lộc, thì người ta để yên, như thế này này: xem ở kia. Nhạc sĩ Bào Quốc Bủi là người cao quý, chuyền cành giỏi, chỉ xin nêu một nhận xét rất rón rén, là dường như anh ấy chưa bao giờ được ai dạy cho sự ngay thẳng nghĩa là như thế nào. Tại vì cái đó có lẽ cũng không cần cho lắm.

Các họa sĩ, nhà văn Trang Hạ, ca sĩ Tùng Dương, nhạc sĩ Bào Quốc Bủi, họ là những thần tượng của cả một xã hội "mới" (và cao quý). Thật mừng cho một thời đại. Quá mừng cho một xã hội.

Có buổi lỡ đi qua Nhà Hát Lớn Hà Nội, tôi thầm kêu khổ trong lòng. Công chúng yêu nghệ thuật thủ đô đang làm tắc hết cả đường đầu Tràng Tiền xưa tên Paul Bert, không thể rẽ sang Tôn Đản hay Phan Chu Trinh. Công chúng yêu nghệ thuật thủ đô giẫm đạp lên nhau trèo lên xe riêng đỗ ken sát vào nhau dưới quảng trường, monsieur và madame, và mademoiselle etc. Tôi bỗng tự hỏi, sau khi đã thoát được đám đông rực rỡ, hình như lâu lắm rồi người ta không mời nghệ sĩ Lang Lang sang đây biểu diễn. Lang Lang trước cây đàn piano thì có khác gì con khỉ trước cái cây nó sắp thoăn thoắt chuyền cành đâu.

-----------

Các họa sĩ và các nhạc sĩ thì có tâm hồn đẹp (cho nên mới nâng đỡ phụ nữ đến mức "nhưng em đang dần dần đẹp lên"), nhưng họ lại còn trí tuệ siêu phàm. Họa sĩ có thể viết những bài rất đẳng cấp với nhiều triết lý đăng tạp chí Tia sáng, họ trở thành họa sĩ kiêm triết gia (nhưng vẫn không xa rời phương diện nouveau riche). Nhưng trong riêng lĩnh vực này, không một ai có thể địch nổi một nhạc sĩ.

Nhạc sĩ ấy là một con chim quý. Một con chim quý khi chạm vào không kêu chíp chíp một cách thô tục sẻ ngói, chiền chiện, họa mi (kêu trong nắng hoặc kêu trong mưa) lìu tìu, thậm chí ấn mạnh còn không thấy kêu flap flap, mà chỉ nhất định kêu elite elite; một số phương diện thuộc chuyên ngành động vật học về người nhạc sĩ con chim quý này, xem ở kia.

Tôi từng gặp nhân vật nhạc sĩ này dăm ba lần, tất cả đều là vì nhân vật ấy muốn nhờ vả tôi. Truyền thuyết vỉa hè nói rằng chỉ khi nào cần nhờ ai thì nhân vật ấy mới gặp - trong lịch sử của nhân loại chưa từng một ai nhờ được nhân vật ấy bất kỳ việc gì, tính từ kỷ Phấn Trắng khi vẫn còn khủng long. Lần cà phê thứ nhất tôi không để ý lắm, lần thứ hai thì tôi thấy có gì đó là lạ. Mãi mới nghĩ ra, lần quái nào nhân vật ấy, cứ đến lúc trả tiền cà phê là biến mất vào trong toa nhét. Về sau, kết hợp với kinh nghiệm của vài người khác, chúng tôi đã rút ra được một chu trình khép kín: nhân vật ấy sẽ gặp ta để nhờ vả, và sẽ vào toa nhét rất đúng lúc (chắc thời điểm thanh toán tiền cà phê đối với nhân vật ấy là một thời điểm định mệnh).

Chưa hết: gặp tôi, nhân vật ấy mời tôi đến nói chuyện tại một cái gì đó định kỳ, đại khái một kiểu diễn thuyết có người ngồi dưới vừa nghe vừa ngậm ống hút uống nước cam. Đồng thời khoe được một đại gia trả cho nhiều tiền lắm để làm thế (tức là rất huy hoàng, thêm nữa là chỉ nhân vật ấy mới được đại gia tin cậy, chứ bất kỳ ai khác đều không); đồng thời nói thêm, chừng nào tôi vào Sài Gòn tiện thì qua nói luôn (ý là tiền vé máy bay thì tôi tự lo). Và sau đó, biến mất vào toa nhét.

Tôi chả ngại trả tiền cà phê lắm, rẻ ấy mà. Nhưng vụ vé máy bay thì tôi thấy kỳ khôi: có người mời tôi về làm cùng để "rau cháo có nhau" mà vẫn đàng hoàng trả tiền bia cho tôi cơ mà (xem câu chuyện đầy nước mắt ấy ở kia). Cho nên tất nhiên chẳng bao giờ tôi đến nói chuyện. Tôi cũng chưa bao giờ vác xác đến cái nơi diễn thuyết nước cam kia. Thỉnh thoảng nhìn thấy trên báo, nhân vật nhạc sĩ con chim quý chụp ảnh, ảnh nào ảnh nấy trầm mặc đầy ưu tư. Đặc biệt, lĩnh vực nào nhân vật ấy cũng bàn hết, đúng là một nhà bách khoa toàn thư quý giá.

Gần đây, một chương trình của nhân vật ấy quảng cáo sẽ nói về văn chương miền Nam (nghĩa là giai đoạn 1954-1975), giới thiệu rất hùng hồn là sẽ vạch mặt những người miền Bắc ăn cắp của di sản miền Nam ngày xưa, rất rõ ràng là Đỗ Lai Thúy thì như thế nào, Nguyễn Hoàng Đức thì như thế nào. Những vụ kiểu như vậy, một số hiện trường vụ án tôi biết rất rõ, nhưng thật ra tôi chẳng quan tâm. Đại khái có một cuộc diễn thuyết có nước cam với chủ đề tố cáo sự ăn cắp của một số nhà nghiên cứu.

Và họ ăn cắp luôn một bức ảnh của tôi để làm quảng cáo cho chương trình (xem ở kia, ảnh trên cùng). Ăn cắp ngoém luôn không oong đơ toa gì ấy.

Nhạc sĩ đại tài, ta gọi là "nhạc sĩ elite", nhưng như vậy còn chưa đủ. Người ta nghĩ rằng nhạc sĩ ấy mời các nhân vật đến nói chuyện, diễn thuyết ở chỗ của ông ấy và trân trọng ư? Không có chuyện đó, người nhạc sĩ đó toàn nói xấu sau lưng chính những người mà ông ấy mời đến. Cho nên tên đầy đủ của nhân vật này phải là "nhạc sĩ elite mồm chó vó ngựa".

Lại nói đến chuyện vé máy bay: cách đây chừng dăm bảy năm, tôi thấy có một hội thảo ở Sài Gòn, tôi bèn gửi bài tham gia. Bài ok rồi, ban tổ chức tỏ ra hơi ngần ngại về chuyện đi lại của tôi. Ôi, thôi không cần, vé máy bay tôi tự lo. Thế rồi đến lúc tôi trình bày xong, giảng đường to lắm, ban điều hành gọi người phản biện. Mãi không thấy đâu. Thêm một lúc. Vẫn không thấy đâu. Mãi rồi mới có tiếng ai đó nỏi chỏng lên từ bên dưới: "Đi Cần Thơ rồi".

Hội thảo ấy kéo dài mấy hôm, có lo chỗ ngủ đêm. Tôi ngủ được một đêm đầu tiên, ba giờ sáng lịch kịch một chuyên gia văn học đến muộn vào ngủ cùng phòng, ngáy rung chuyển. Sáng ra, chưa kịp bảy giờ, tôi kéo va li đi, chỉ còn nhớ nhà nghiên cứu mặc áo dệt kim ba lỗ trắng lốp. Tôi đến nhà bạn tôi ở nhờ vài hôm. Hai thằng mua bia về uống, và lên tầng áp mái đánh bi-a.

Về sau tôi cứ hối hận mãi, mình ở nhờ nhà người ta, tắm mất bao nhiêu là nước, ngủ tốn tiền điều hòa, uống bia thì lắm, thế mà đánh bi-a với chủ nhà lại thắng suốt, thật không ra làm sao. Nhưng có điều, kinh nghiệm lê la các tụ điểm bi-a Hà Nội nhiều năm của tôi kể ra cũng không cho phép, dẫu cho là thả lắm, để cho tôi bị thua.

-----------

Ngồi ở quán cà phê Hà Nội, ta thấy câu chuyện xung quanh đã chuyển từ tẩu-Ballantines sang, giờ đây, xì gà-rượu vang. Xe ô tô Range Rover giờ đây cũng đã bắt đầu thoái trào để chuyển sang mô tô phân khối lớn. Tôi nghĩ, theo đúng quy luật, năm năm nữa thôi xe Range Rover sẽ nhan nhản ở Hà Tây, Sơn Tây. Xã hội là những đợt sóng, lớp sau đè lớp trước. Xã hội là một đại dương, như Balzac từng nhiều lần nói.

Trong các tiểu thuyết của Balzac, "vở kịch con người" có nổi bật lớn là các tờ báo. Những tờ báo, như ta đã thấy chẳng hạn ở kia. Nhưng tác phẩm vĩ đại của Balzac về thế giới báo chí là Hết ảo tưởng (Illusions perdues). Đây là cuốn tiểu thuyết đồ sộ (khi viết về giới báo chí, người ta sẽ có nhiều để nói, nhất là những con người có khả năng quan sát siêu hạng).

Các nhà báo làm sinh động đời sống ở Việt Nam lên hẳn. Dưới đây là một ví dụ. Nó là một (trong số những) comment tại blog của tôi, mà tôi không cho hiện lên:




Một nhân vật vào chửi rủa tôi rất ác liệt, đó là ngày 1 tháng Tám năm 2016, trong buổi chiều. Ngay lúc sáng cùng hôm, chúng ta đã nhìn thấy nhau ngoài phố, có phải không?

Đám nhà báo rất có nhiều đất để diễn, nhưng lại hay chơi trò nặc danh, rất nhiều nhà báo chơi trò nặc danh (một ví dụ khác về một nhà báo lừng danh thiên hạ với biệt danh "môi thâm": xem ở kia).

Chú em nhà báo này còn biên soạn sách. Đồng thời liên tục đánh (trong thế giới nhà báo Việt Nam, "đánh" là từ phổ biến nhất) những quyển sách do người khác làm. Mình cũng xem sách chú em làm rồi, chất lượng tồi lắm, gẩy tay cũng được dăm loạt bài kiểu "người ta đã chế biến sách tồi như thế nào". Chuyện này cứ để yên đấy, tưởng nói năng nặc danh mà không bị biết ngay mình là ai à? Giờ ta đến với một chủ đề lớn hơn nhiều, và liên quan rất nhiều đến các nhà báo:


Một huyền thoại mới của xã hội Việt Nam: sự tử tế

-----------

Ngắt ngang chừng một chút: đúng như tôi dự đoán ngay từ đầu, sẽ xuất hiện vài nhân vật.

Nhân vật đầu tiên là một sự tái xuất: lại là nhà báo nữ Môi Thâm bắp chân thân cây chuối. Nhân vật này không chỉ xuất hiện một cách nặc danh, như đã nói ở trên, lần này, nhân vật ấy xuất hiện dưới dạng cờ nhôn. Hoặc nặc danh, hoặc clone, tuy rằng các nhà báo thì có rất nhiều giấy để tự thể hiện, thậm chí đấy còn là những tờ báo danh giá: Môi Thâm từng là nhà báo của tờ Thanh niên, rồi Tuổi trẻ, gì nữa ấy nhỉ, ấy thế nhưng không chỉ đi bán sách lậu (nghĩa là trái luật) một cách công khai ở Sài Gòn, Môi Thâm tuyền chơi trò nặc danh và clone. Một ví dụ nho nhỏ như thế này, về một nhân vật cụ thể, thật ra đã cho thấy rất nhiều điều về giới nhà báo Việt Nam trong vòng chừng mười lăm, hai mươi năm vừa qua, nhất là các phóng viên văn hóa: về cơ bản đó là những người không có hiểu biết về bất kỳ điều gì, nhiều năm trời không viết nổi lấy một bài báo cho đàng hoàng, nhưng cực giỏi mấy trò en coulisses, mà cụ thể là chơi bẩn. Môi Thâm phụ trách về mảng điện ảnh, và Môi Thâm đã trở thành một tác nhân không nhỏ phá hoại toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam, mà lý do nằm ở một điểm hết sức giản dị: đó là một người hoàn toàn không biết như thế nào nghĩa là một bộ phim. Lịch sử sẽ ghi tên bạn.

Clone là một trò rất không xa lạ đối với Môi Thâm (cũng như đối với rất nhiều nhà báo khác). Trong một vụ lộn xộn khi một nhân vật khác, rất không xa lạ với Môi Thâm, mà tôi khinh bỉ nên không bao giờ thèm nói đến tên, mặc dù tiểu sử tôi biết rõ, thậm chí ngay nhân vật đó không thể biết tôi hoàn toàn biết cái sự tại sao của một số việc, mà tôi không thèm nói, khi mà nhân vật đó bỗng rơi vào thế yếu, Môi Thâm đã clone một cách điên cuồng để xuất hiện trong vụ lộn xộn ấy.

Lần này, hóa thân của Môi Thâm là dưới một cái tên: Ong Xanh; chà, lấy "Xanh" đối lại với "Thâm" à? Khôn ngoan quá đấy.

"Hóa thân cuối cùng của Vautrin" là phần về cuối của Bước thăng trầm của kỹ nữ: Balzac đã nói những chuyện như thế này từ cách đây gần hai trăm năm rồi. Nhưng tất nhiên tôi cũng hiểu, nhà báo Việt Nam mà đọc được Balzac thì đời đã khá rồi. Và không đến nỗi thâm.

Còn mấy nhân vật nữa, ngoài Môi Thâm: ta cứ từ từ. Bát Kỳ ấy mà, chỉ từ trên đỉnh núi ngó xuống thế trận thôi, chưa đến đỉnh điểm đã bỏ đi, thật ra có hay ho gì, mấy cái cảnh "binh bại như sơn đảo", chán ngấy ấy mà. À, đấy là đặt giả định người ta có biết Hỏa phụng liêu nguyên là gì.

-----------

[viết tiếp ngày 30/4/2017]

Balzac nói (thật ra tôi tóm tắt lại): ta có thể đi từ dưới thấp lên cao trong xã hội - nghĩa là từ các "tầng cầu" thấp lên các "tầng cầu" cao hơn, để dùng lại một từ rất đặc trưng của Balzac, "sphère" - và chỉ cần ta là người có óc quan sát, thì ta sẽ thấy rằng các tầng xã hội chỉ khác nhau ở vẻ bên ngoài, còn thì mọi sự vẫn thế: ngu kiểu quý tộc và ngu kiểu bình dân, tất nhiên có khác nhau, nhưng vẫn chung nhau cái sự "ngu".

Nói một cách khác, ở đâu cũng có cứt, nhưng cứt ở trên cao thì được bọc kỹ hơn, bởi những bàn tay nhiều kinh nghiệm hơn, thậm chí có gí mũi vào có khi ta cũng chỉ ngửi thấy mùi nước hoa rất là thơm được rẩy ở bên ngoài, trên lớp bọc cục cứt bên trong.

Ở trên tôi đã nói đến cái comment (ở dạng nặc danh) của một nhà báo, một nhà báo quèn, rất kém, và rất ưa đánh đấm, mà sẽ có lúc ta còn quay trở lại một cách hết sức cụ thể. Còn đây là một comment (cũng nặc danh) khác:


Đây là comment xuất hiện ngay sau khi tôi viết về hiện tượng cả xã hội nhao nhao bàn về Trương Vĩnh Ký, nhất là những người không hề biết gì về Trương Vĩnh Ký (xem ở kia), nhắc đến một nhân vật đặc biệt thích chơi trò thể hiện, một nhân vật rất "kinh tế học thể chế", rất "triết học nghệ thuật", không những thế anh ấy còn là một nhà sưu tầm tranh, tức là rất liên quan đến hiện tượng nouveauriche đã miêu tả trên đây.

Anh ấy rất là khôn (điều này thì lại liên quan đến sự khác nhau giữa các giai tầng xã hội như Balzac đã nói), nên đã không comment vào đó, mà lùi lại một bài (ở kia), nhân tiện khi có một nhân vật khác đang tranh luận với tôi, để chửi tôi cho bõ tức.

Nhà kinh tế học thể chế này khôn, nhưng lại rất ngu (ta tiếp tục chiểu theo Balzac): suốt ngày nói chuyện kinh tế lượng, thống kê, tư duy duy lý các thứ cơ mà, thế mà không hiểu một điều rất đơn giản à, người ta có thể dựa vào "tự vị" (không phải "từ vựng" đâu nhé) riêng, thậm chí vị trí một dấu phẩy, để biết ngay kẻ nặc danh là ai. Giấu nhân thân á? khó phết đấy - và điều này liên quan đến mấy trò thống kê hết sức sơ đẳng í mà. Nhìn chung, anh là kẻ hợm hĩnh, anh thể hiện đủ mọi thứ, nhưng về bản chất, anh ngu vãi.

Câu chuyện vẫn còn chưa kết thúc: chỉ vài hôm sau đó, anh ấy và tôi tình cờ gặp nhau. Tôi rất thích thú xem anh ấy thể hiện như thế nào, trước mặt tôi. Cuối cùng, hóa ra hèn vật vã, anh ấy liến láu nói đủ mọi thứ trên đời, làm như mọi sự là ne pas. Bọn làm mấy cái trò nặc danh, thì cũng chỉ đến vậy mà thôi. Cứt bọc điều thì vẫn cứ là cứt, cứt nát.

À, trong bài về Khái Hưng, nhân vật "Hoang Havu" là ai?

Ai mà còn chưa biết nhân vật này thì đừng vỗ ngực là có hiểu biết về thế giới sưu tầm sách cũ ở Việt Nam nữa đi, nghe thối lắm. Chưa biết đến Bảo Thư Tạ Thu Phong (vì đó chính là anh ấy), thì coi như còn chưa biết gì đâu. Bảo Thư Tạ Thu Phong có một trang facebook tên là "Sách cổ", nhân đây tôi quảng cáo luôn cho những ai còn chưa biết, vào đấy mà kiếm tài liệu, nhiều lắm đấy, lại toàn là tài liệu hiếm và độc.


Quay trở lại với các nhà báo: các nhà báo Việt Nam có một sự hợm hĩnh rất đặc biệt. Họ không hề biết viết, tuyệt đại đa số, nhưng họ rất thích trở thành tác giả. Gần đây, tôi ra hiệu sách, xem cái này xem cái kia, và nhìn thấy một nhân vật nhà báo hoàn toàn không hề biết viết, nhưng cũng đã trở thành một tác giả: nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương.

33 comments:

  1. Xuất sắc luôn

    ReplyDelete
  2. Thật tình cờ mấy bữa nay em cũng đọc lại bài điểm sách "Đọc Lolita ở Hà Nội" hồi xưa đăng ở SGTT, mà hình như bài này anh không post lên blog này thì phải?

    ReplyDelete
  3. a, đúng, hình như có bài í thật, quên mất rồi đấy hehe

    nhưng bài đó là để "parodie" quyển "Reading Lolita in Tehran", kể từ đó thì nhận thức đã thay đổi :p và thấy quyển "Reading..." đó dở như hạch, nên quả Balzac này hoàn toàn không liên quan

    ReplyDelete
    Replies
    1. Người bạn đó có phải là "Có một người nằm trên mái nhà" hông, hehe

      Delete
    2. ặc, tính điều tra sâu đấy à hehe

      Delete
  4. Hôm nọ có bác nào bảo cứ vào blog này là thấy tĩnh tâm hẳn, mình cứ buồn cười mãi. Công nhận các bác có khiếu hài hước dã man. Thí dụ dư bài này chẳng hạn, đọc xong nhiều người không nhảy dựng lên bóp cổ chủ blog mới là lạ. He he he. :p

    ReplyDelete
  5. ơ sao lại có thể vớ vẩn đến mức như thế được nhỉ

    ở đây là đang nâng niu con người hết mức đấy chứ :p đi chơi bonsai đi, đang mốt lắm đấy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi chỉ có đủ tiền mua ngôn tình, uống cà phê vỉa hè, và mua hoa mười giờ về giồng tạo dáng ở ban công thôi :P

      Delete
  6. Sao phải nhảy dựng lên khi một mô ta xuất sắc về mình. Nhưng anh cũng để một ít râu, cảm giác rất oách.

    ReplyDelete
  7. Dạo trước thấy cụ ngồi Layla đọc Balzac hay sao í, cụ lao động say xưa 1 mình nên chẳng dám hỏi. Để cụ phiêu nên chào cũng thôi luôn, chứ không phải đã quên cụ và mấy thùng sách to cụ hiến cho Sach100 hồi ở quán Gia Hiền. Layla giờ đổi thành ậm, còn cụ thì đã tìm ra được quán toàn nghệ sĩ phong cách kia để ngồi.

    ReplyDelete
  8. Nhiều chuyện của bác kể thật đáng ngạc nhiên, nghe đến chuyện về sự tử tế em mong ngóng quá.

    ReplyDelete
  9. Xin lỗi bác vì tôi đang ở chỗ internet không tiện nên không gõ kỹ được, chỉ nói nhanh vài lời. Về các thể loại nhạc sĩ cái gì cũng khắm thì theo tôi, HQM điển hình hơn Bủi. Về điện ảnh thì điện ảnh gia tôn sùng Trần Anh Hùng (giờ có thêm Phan Đăng Di)luôn đi kèm với một bầy nhà báo review film nữa (khai tông lập phái nhóm này là cái anh làm tạp chí có men of the year ấy).

    Cthulu calls NL, over?

    ReplyDelete
  10. Thôi mẹ đừng ra quán cà phê nữa. Nó nouveau riche lắm. Ở nhà, đọc, xong nếu buồn thì luộc pasta, đổ cà chua hộp vào, nhai, rồi đọc tiếp. Em toàn thế.

    Ôi sự cô độc sang trọng vãi, Murakami trở thành cây viết bán chạy nhất nước Nhật chính là nhờ cảm giác sang trọng này.

    ReplyDelete
  11. Cthulu aka Thu Lu :p hì có khi sẽ không bỏ qua đâu, giờ vẫn chưa thực sự biết

    Hoàng Hối Hận lừng danh: sắp đến đoạn về các nhà báo rồi đấy, có ở lại xem không hehe

    ReplyDelete
  12. Nhà báo môi thâm nhắc tới trong bài có phải cũng bán sách lậu không?

    ReplyDelete
  13. Nghe tả lạ nhỉ, họa sĩ bù và bẩn mà như thế là còn tử tế đấy, còn có quả họa sĩ trọc đi quỵt tiền học sinh rồi chặn số các thứ cơ, hehe. Quả đấy vừa nổi lềnh phềnh ở L'espace nhé, fyi.

    ReplyDelete
  14. Ha ha, mẹ cứ chửi nhà báo đi, em sắp rời khỏi tư cách báo chí rồi. Làm báo đến đoạn nào đó, người ta phải ra một quyển tản văn và updrade mình lên văn đàn chứ. Em sẽ ra tản văn.

    ReplyDelete
  15. Tàn tồn diệt một lộ hehe

    ReplyDelete
  16. Môi Thâm thì tôi cũng không lạ, trong mấy năm làm việc chung cơ quan, tôi thấy tốt nhất là kinh nhi viễn chi con người này.

    Cuối cùng thì Đệ Bát kỳ cũng xuất hiện rồi. Tuy nhiên bản dịch là một sự trá ngụy rất mượt trong ngày Cá tháng tư.

    ReplyDelete
  17. thiệt tình thì ai lạ gì môi thâm và tờ báo ít văn hoá đó nhưng thôi bác mặc chúng đi. Tôi thích nghe về sự tử tế hơn

    ReplyDelete
  18. Động chạm "dư lày" bảo sao thấy share tợn. Mà hẳn là người nổi tiếng mới share cơ

    ReplyDelete
  19. Chú viết tiếp bài này, bài về "thầy trò" với bài về Nguyễn Tuân đi. Nhất là bài về NT ý.

    ReplyDelete
  20. khỏi bàn cãi việc Balzac, Flaubert,... giúp người đọc quy chiếu vào xã hội, thời đại đang sống, giúp họ nhìn thấu đáo vấn đề, thái độ của con người chung quanh một cách chính xác, tinh vi. Nhưng NL ơi, em thấy thế khó ở quá đi:)

    ReplyDelete
  21. Hôm nay anh mới rỗi search thử Nguyen Quynh Huong. Giật cả mình.

    ReplyDelete
  22. thôi, nói in ít về nhân vật đáng sợ í thôi, thân với Đinh Đức Hoàng tức Hoàng Hối Hận ở trên lắm đấy

    nhà báo viết sách còn có dạng chôm đúng ba công thức đặt câu của người khác rồi cứ thế diễn đi diễn lại cơ, đại khái giống hoạ sĩ viết văn và giống nhà văn vẽ tranh

    ReplyDelete
  23. Đọc lại vẫn thấy kinh

    ReplyDelete
  24. Wow, incredible blog format! How long have you ever been blogging for?
    you made running a blog look easy. The whole glance of your site is wonderful, let alone the content material!

    ReplyDelete
  25. đọc đến đoạn đầu bài viết không hiểu sao mình nghĩ ngay đến anh Quốc Bảo, đến giữa bài có Quốc Bảo thật :)))

    ReplyDelete
  26. chỗ hiểu chỗ không mà đọc nhiều chỗ thấy buồn cười quá =))))))))

    ReplyDelete
  27. Hôm qua em ngóng vụ anh 3B nói về cải lương trên Việt-xê, dắt theo vụ anh í sắp đi nói chuyện ở show "thiền & nhạc chữa lành", lật lại chuyện anh 3B viết một tháng tận mấy kịch bản, ra thêm anh Hối Hận, nay lại đọc phải bài đây, overview lại, thật sự là nouveau riche.
    Em vẫn chưa ngớt cười từ lúc đọc bài

    ReplyDelete
  28. Balzac có thuốc giúp ta thoát khỏi căn bệnh nouveau riche không?

    ReplyDelete
  29. cụm "nơi diễn thuyết nước cam" xuất sắc thật. phải chăng là "salon văn hóa cà phê" (tên gì kì cục hehe) của Du Thượng?

    ReplyDelete