Jul 18, 2022

Mãi rồi cũng

cuối cùng thì:


để hiểu câu chuyện (câu chuyện của mãi rồi cũng)

tiếp tục Leonardo da Vinci


Volume III Histoire de ma vie của Casanova (tức là bắt đầu Tome 8) mở ra bằng sự kiện Casanova đến London. Thêm một đến London.


Tome 8 là chuyện đến London, ở khởi đầu, còn ở kết thúc của nó, là chuyện Casanova rời khỏi nước Nga (Casanova đến Petersbourg, khi đó đang còn là một thành phố rất mới; và cũng đến cả Matxcơva - Casanova thực sự coi Piotr Đệ nhất là một nhân vật vĩ đại; không phải ai vào thời đó cũng nghĩ thế): như vậy là thêm một sang Nga. Trước khi tới Nga, là qua Phổ (và Vacsava). Chính ở Phổ, lần đầu tiên trong đời Casanova nói chuyện với một ông vua (đấy là tự Casanova nói thế, trong câu chuyện, nhưng dường như trước đó Casanova đã có kinh nghiệm ấy: nói chuyện trực tiếp với vua chúa): Friedrich của Phổ; tại Petersbourg thì Casanova nói chuyện vài lần với một nhân vật souveraine lừng danh: chính là Catherine II. Trong số các trước tác mà Casanova in khi còn sống, có một cuốn sách về Catherine Đại đế. Nếu tin được vào câu chuyện của Casanova thì chính Casanova là nguồn gốc cho việc nước Nga đổi lịch (ít nhất là mầm mống của đổi lịch): ta biết rằng lịch của Nga chênh với lịch châu Âu hơn 10 ngày. Nhưng những câu chuyện không vua chúa, thậm chí bên ngoài giới quý tộc, có lẽ còn khiến Histoire de ma vie hấp dẫn hơn nhiều.

Casanova Vénitien: đến đoạn này trong cuộc đời Giacomo Casanova, rất nhiều sự gặp đã là gặp lại; ngay khi mới đặt chân tới Petersbourg, trong một vũ hội hóa trang, Casanova thấy một phụ nữ và nhận ra chắc chắn đó phải là một người quen biết mình, vì cách nói năng (tiếng Pháp) sử dụng các cụm từ mà chính Casanova nghĩ ra và làm cho nổi tiếng. Nhưng cũng có những gặp mới - số phận của Casanova là không ngừng gặp các phụ nữ mới; cũng như: gặp đủ mọi thể loại aventurier lừng lẫy một thời, chẳng hạn Saint-Germain - như khi ở London: Pauline cô gái trẻ người Bồ Đào Nha, mà Casanova giữ kỷ niệm sâu sắc ngang mức với Henriette trước đây, hoặc trên đường quay về trung tâm châu Âu ở cuối Tome 8, một phụ nữ tình cờ (Maton). (cũng Casanova)

Vì biết từ trước là rồi sẽ đến lúc Casanova bị gãy răng, tôi trông đợi xem khi nào thì răng gãy. Mãi rồi cũng đến lúc, Casanova bắt đầu già đi. Đầu Tome 9, tuổi chính xác của Casanova là 42.


(phải từ khi nhìn được vào bản thảo viết tay của Casanova - tức là mãi đến quãng thập niên 60 của thế kỷ 20: nơi giữ nó cho tới đó: Blockhaus - người ta mới biết bộ sách [không phải nhật ký, tất nhiên] không gồm 12 phần, hay Livre, mà 10 "tome", với độ ngắn dài khác nhau: về cơ bản, đấy là một bản thảo chưa xong hoàn toàn

giờ đây, ta đọc Histoire de ma vie chính gốc, và có thể sửa đổi không ít nhìn nhận sai lệch trước đây; ấn bản đầu tiên, trong nửa đầu thế kỷ 19, là bản dịch tiếng Đức, sau đó mới có bản tiếng Pháp, nhưng với nhiều can thiệp của một nhân vật: Jean Laforge; trong một thời gian rất dài, cái nhìn chung vào Histoire là: câu chuyện rất hấp dẫn, nhưng cần phải chỉnh sửa rất nhiều thì mới có thể đọc được; nhưng điều đó hoàn toàn sai, Casanova viết tiếng Pháp không hề tệ, tuy đúng là hay có italianisme, chẳng hạn nhiều khi le đối với Casanova là pronom số nhiều, giống tiếng Ý, chứ không phải pronom giống đực số ít, hay "anecdote" được Casanova viết thành giống đực, như từ tương ứng trong tiếng Ý

Histoire de ma vie không đầy đủ cuộc đời Casanova: các câu chuyện chỉ đến năm 1774, tức là năm Casanova được ân xá và đã có thể quay về Venise; vậy là thiếu mất hoàn toàn 24 năm cuối đời Casanova; về được Venise, nhưng rồi Casanova sẽ lại phải rời Venise lần nữa, sau đó chừng chục năm, lúc đã ở tuổi 60; 15 năm sau đó, chủ yếu Casanova làm thủ thư tại Dux, xứ Bohemia, và chính trong khoảng thời gian ở đó, Casanova viết Histoire - viết rất nhanh, nhưng không hoàn thành)


Đoạn thời gian không có trong Histoire, Casanova sang Madrid (còn rất trẻ, Casanova đã đi Constantinople). Ở Madrid lại là những chuyện rất quen thuộc trong cuộc đời Casanova, nhất là chuyện ngồi tù (tại London, Casanova cũng phải vào Newgate Prison). Các casanoviste tính được cụ thể, trong đời Casanova dính mấy thứ bệnh như giang mai, lậu, etc. cỡ hai mươi lần. Nhưng có một nơi Casanova rất muốn đến thì lại không: Lisbon. Chắc hẳn chuyện ấy (muốn đến Lisbon) có liên quan tới người phụ nữ Bồ Đào Nha, Pauline.

Ngoài câu chuyện trốn khỏi nhà tù khủng khiếp ở Venise, Casanova còn đặc biệt lừng danh đương thời với một câu chuyện khác: cuộc duel tại Vacsava (đấy là lúc từ Petersbourg quay trở lại châu Âu). Đối thủ của Casanova (Casanova muốn đấu gươm nhưng cuối cùng cuộc duel kết thúc ngay sau viên đạn đầu tiên của mỗi bên) là một quý tộc Ba Lan, thân tín của vua, Poniatowski.

Nhưng tất nhiên, điều rất đáng quan tâm ở Casanova là: Casanova libertin như thế nào, trong một thế kỷ tên là thế kỷ của libertinage? Chẳng hạn, ta có thể tưởng tượng, nếu Giacomo Casanova gặp một libertin lớn khác, Marquis de Sade, thì chuyện gì sẽ xảy ra?


Muốn vậy (nhìn nhận Casanova libertin) thì tốt hơn cả là đặt Casanova bên cạnh mấy libertin lớn, đồng thời là nhà văn. Casanova tự phân biệt mình với họ như thế nào? Người thứ nhất dĩ nhiên là nhân vật vừa nhắc ở trên, Sade, còn nhân vật thứ hai: Laclos.

Laclos thì ái tình (nhưng là loại ái tình đặc biệt: ái tình libertin) trong mưu mẹo, Sade thì: tàn nhẫn. Còn ái tình ở Casanova? tôi sẽ nhắc lại (tất nhiên, trên một phương diện đã khác): đấy là ái tình vui, một điều rất hiếm. Rất khó vui ở trong tình ái, cũng như rất khó buồn khi vào nhà hát comédie. Nhưng nói vậy (ceci dit) không có nghĩa ở Casanova không có sự tàn nhẫn. Casanova thể hiện điều đó rất rõ ở rất nhiều nơi, chẳng hạn đặc biệt trong trường đoạn năm chị em gái (và mẹ của họ) Hanovre gặp ở London. Năm chị em gái ấy lần lượt Casanova kéo vào mình và mặn nhất với cô em út, tất nhiên rất trẻ, sau những pha biểu hiện sự tàn nhẫn kinh người. Và sự tàn nhẫn, cũng như bi kịch, lại hay dẫn đến những điều rất buồn cười: bà mẹ rốt cuộc lại tự đề nghị trở thành vợ của Casanova, sau một quãng thời gian dài làm như không hề biết gì về những chuyện đã xảy ra ngay trong tầm mắt bà với mấy cô con gái quý tộc danh giá của bà. Câu chuyện không khỏi làm ta nghĩ đến Trois filles de leur mère của Pierre Louÿs. Nhưng dẫu có thế (rất nhiều tàn nhẫn) thì libertage của Casanova vẫn chủ về vui. Một điều rất hiếm: rất hiếm vì rất khó.

Ngược lại, Casanova cũng biết thế nào là sự tàn nhẫn của phụ nữ. Cũng vẫn đoạn ở Anh: "la Charpillon" khiến được Casanova phải vào tù (tuy chỉ một quãng thời gian rất ngắn), và ấy là nhân vật ngay lập tức khiến ta nghĩ tới một phụ nữ khác, vì rất giống, cả một típ: Concepcion trong La Femme et le Pantin.


Và, Casanova đọc gì? Casanova đọc Gil Blas và cuốn sách ấy, nhưng tất nhiên còn nhiều hơn thế (Casanova thích đọc, cũng như thích các thư viện: có thể chui vào một thư viện bên Phổ tám ngày liền không thò mặt ra, không hề bị các cuộc ái tình gây cám dỗ, và nhiều năm làm thủ thư, và xuất hiện một nghịch lý: tuy hồi còn rất trẻ Casanova từng là violon, nhưng lại hay nói mình không thích âm nhạc - đây chính là điểm chung mà Casanova tìm được với Catherine II; nói chuyện với Casanova, Catherine thú nhận mình cũng không thích âm nhạc).

Tất nhiên, Ariosto:



nhìn thấy Roland furieux, tôi nhớ đến một câu chuyện mà Thomas de Quincey kể: hồi còn nhỏ, có lần De Quincey bị ốm, và thế là trong lúc ốm ấy De Quincey được bà mẹ đọc cho Orlando của Arioste, trong bản dịch tiếng Anh rút gọn, của ai nhỉ? hốt nhiên tôi quên mất, chỉ còn nhớ Hoole hoặc Doole: chắc chắn không phải Poole; Poole thì lại là chủ nhà nơi De Quincey bắt đầu gặp Coleride (và Wordsworth) - tất nhiên không phải bản dịch tiếng Anh trong ảnh (dịch ra văn xuôi); nhân tiện: tôi còn chưa có bản dịch tiếng Pháp

(còn quyển tiếng Anh thì mới mua được ở Hà Nội, địa chỉ hiệu sách - nhiều sách hay, yên tâm)

Một chi tiết: trong cuộc tình với Pauline tại London đã nhắc ở trên, ngay từ đầu, Casanova nói với Pauline mình ghét người Bồ Đào Nha. Pauline hỏi tại sao lại ghét thì Casanova đáp, vì họ đối xử với Camoens như vậy.

Đây, Camoens:


thậm chí còn là tiếng Bồ Đào Nha.


Bình luận Casanova, Milan Kundera (Kundera đang muốn phân biệt Casanova với don Juan) nhấn mạnh vào trí nhớ của Casanova: cái gì Casanova cũng nhớ, chi tiết nào cũng không lọt ra khỏi ký ức, để nhiều năm về sau viết lại.

Nhưng điều này cần được tương đối hóa. Các casanoviste từng chỉ ra, không ít lần Casanova gộp vào một chỗ tất cả những chuyện xảy ra tại một địa điểm mà Casanova nhiều lần ghé chân. Đây là một trong các vấn đề hiện ra khi người ta muốn nhìn vào việc Casanova nói có đúng sự thật hay không (rất nhiều độc giả của Casanova tin mọi điều mà Casanova nói: người ta sẽ bảo thái độ đó ngây thơ, nhưng theo tôi đó là một trong những gì khôn ngoan nhất).

Tức là, vấn đề Casanova có nói thật hay không luôn luôn được đặt ra. Tất nhiên, đây là một trong những điểm hóc búa và cũng hấp dẫn hơn cả, trên địa hạt Casanova. Tôi sẽ trở lại sau, nhưng một chi tiết về cuộc đời của Casanova rất đáng quan tâm: đó là con của bố mẹ diễn viên, các comédien.

Các nhà văn nào là con của diễn viên? tôi nhớ đến Edgar Poe (là con của diễn viên, Poe còn mồ côi: chắc hẳn trong mối cảm tình to lớn của Baudelaire dành cho Poe từ rất sớm có vai trò không nhỏ của chỗ, Baudelaire cũng mồ côi), và Patrick Modiano, tất nhiên.

2 comments:

  1. hay thật ! đọc xong post này thấy cảm giác gợi về cái gì rất quen: thì là cảm giác về "Địa đàng"-"vườn" í : rất có vẻ nó tạo ra cái khuôn về mọi thứ Mất đi, về sau và về sau về sau, cứ thế: cái thế gian mà Casanova làm và kể lại đó hẳn nhiên đã Mất mất rồi,

    ReplyDelete