Apr 18, 2018

Quan hệ phê bình

Dưới đây là tài liệu dùng cho buổi thuyết trình ngày mai.

Như mọi khi thuyết trình, tuần trước cũng như trước đây (tức là cách đây đã rất lâu - nhiều năm dài tôi không hề thuyết trình, như nhiều người biết), tôi phát tài liệu cho những người dự; tài liệu của buổi trước giúp (ít nhất tôi hy vọng như vậy) người nghe dựng được mô hình trong đầu về chủ đề được đề cập, cũng như dễ theo dõi các tên riêng và những nhan đề sách mà tôi không thể tránh nhắc đến (có những lúc rất nhiều); cho buổi ngày mai là một trích đoạn "texte", mà nếu đọc từ trước thì sẽ rất thuận lợi cho việc theo dõi bài chính; vả lại tôi cũng sẽ bình luận texte dưới đây. Lần này, chúng ta đến với Jean Starobinski.


(tôi rất sợ phải nói trước quá nhiều người nghe; tôi từng phải nói, trong quá khứ, trước cả nghìn người; tôi nghĩ đó là một kinh nghiệm địa ngục: vượt quá một con số (người dự) nào đó, một buổi nói trở thành một dialogue de sourds; nhất là thuyết trình của tôi có chủ đề chỉ liên quan đến công việc nghiên cứu: nó tuyệt đối không dành cho đại chúng; các buổi thuyết trình được mở cửa tự do và đương nhiên tôi không biết trước, cũng như không làm bất kỳ điều gì để hạn chế (cũng như thúc đẩy) người đến nghe; buổi lần trước, tuy không thực sự biết rõ có những ai dự, nhưng tôi để ý thấy (gần như) không ai bỏ về giữa chừng: đối với tôi như vậy là rất đủ rồi; tôi cũng đặc biệt nhớ đến Roland Barthes và các buổi séminaire năm xưa tại trường Cao đẳng Thực hành, với số người nghe chỉ lác đác dăm ba, cùng lắm hai ba chục; về sau, khi chuyển sang Collège de France, mỗi buổi nói của Barthes có rất đông người nghe, và tôi nghĩ Barthes đã cảm thấy rất bất hạnh vì thế)




[…]

Khi vấn đề liên quan đến các tác phẩm hiện đại, sẽ cần phải giới hạn các tham vọng của một cấu trúc luận văn hóa tổng quát, tương đối hóa cách tiếp cận cấu trúc. Rất cần và cũng rất hữu ích, nếu nghiên cứu các tác phẩm với tư cách những hệ thống biểu nghĩa [phát ra nghĩa, tạo ra nghĩa, tức là trên phương diện “cái biểu đạt” chứ không phải “cái được biểu đạt” - nhưng không được lẫn lộn cặp phạm trù này với cặp “hình thức” và “nội dung”], như là các tổng thể được tạo nên từ nhiều phần hợp tấu với nhau; nhưng các tác phẩm và các xã hội không thuộc vào kết cấu đồng nhất của cùng một logos; ngôn ngữ của một tác phẩm văn chương và ngôn ngữ của văn hóa bao bên ngoài không đồng chất và không thể được nối chằng vào nhau một cách hoàn hảo, nhằm tạo lối cho một hệ thống có tính cách nhất thể và cố kết của những biểu nghĩa. Không cần nhắc rằng phần lớn tác phẩm hiện đại chỉ tuyên bố mối quan hệ của chúng với thế giới trên thức [mode] chối từ, đối nghịch, phản đối. Đích xác công việc của phê bình “nội tại” là tìm ra, bên trong các văn bản, trong “phong cách” của chúng cũng như nơi những “luận đề” hiển ngôn của chúng, các dấu chỉ đa dạng cho thấy xì căng đan, sự đối nghịch, sự nực cười, sự thờ ơ, nói ngắn gọn là mọi thứ gì, trong thế giới ngày nay, mang tới cho tác phẩm thiên tài giá trị về phương diện gớm ghiếc hay ngoại lệ trên cái nền của văn hóa mang nó. Ngay khi ấy, chúng ta nhận ra một đa trị lạ thường: những yếu tố - nơi các tương quan qua lại giữa chúng - đóng góp cho sự cố kết hữu cơ bên trong tác phẩm lại cũng chính là các yếu tố, dưới một góc độ khác, trở thành bệ đỡ cho một quan hệ phân dị và gây tranh cãi với văn chương trước đó hoặc với xã hội bao quanh. Ở đây chỉ thuần túy là nhắc lại những sự thật hết sức đơn giản: Le Rouge et le Noir [Đỏ và Đen], chẳng hạn, vừa là một tác phẩm nghệ thuật được điều hành bởi các tương ứng về mặt hình thức bên trong, lại vừa là một phê phán hướng tới xã hội Pháp thời Trung hưng [tức là khi nhà Bourbon quay về, Napoléon sụp đổ, Đệ nhất Đế chế Pháp kết thúc tồn tại]. Các yếu tố hòa hợp ở bên trong một tác phẩm lại cũng là những gì chứa một bất đồng. Điều quan trọng nằm ở chỗ chúng ta biết đọc cả những hài hòa sâu kín của tác phẩm lẫn ở trong sự kết hợp mở rộng của tác phẩm và “nền” của nó, nằm ở chỗ chúng ta biết nhận ra tầm vóc của bất đồng được biểu hiện bởi nhà văn. Đối với chúng ta, vốn dĩ là những người đặt tác phẩm vào đối sánh với những gì bao quanh nó, nó là một concordia discors, một sự tương thích của những bất tương thích, thông qua nhân đôi tính tích cực của những tương quan cấu thành nên hình thức vật chất của nó bằng một tính tiêu cực kích thích đà bật không có giới hạn của nó.

Nói như vậy cũng tương đương với nói rằng các cấu trúc “nội tại” của tác phẩm nhân đôi lên với một hệ thống gồm những quan hệ làm tác phẩm hiện ra trên nền của một bên ngoài mà nó siêu vượt và nhờ đó mà nó được siêu vượt. Các sức căng bên trong nhờ đó đối tượng văn chương sống bao gồm, trong số những thành tố của chúng, các lực “phá cấu trúc”, mà ta chỉ có thể hiểu được nếu đặt tác phẩm trong đối sánh với nguyên ủy của nó, những hiệu ứng xa xôi của nó, môi trường bao quanh nó. Vả lại, những dấu chỉ chính yếu không từ bên ngoài tới, mà ta sẽ tìm được chúng ngay chính trong các tác phẩm, với điều kiện biết đọc ra chúng ở đó.

Nhà văn, trong tác phẩm của anh ta, tự cự tuyệt, tự vượt qua và tự chuyển hóa, cũng như anh ta chối bỏ tính cách vững chắc của thực tại bọc xung quanh, nhân danh các mệnh lệnh của ham muốn, của hy vọng, của giận dữ. Như vậy, hiểu một tác phẩm trong những tương quan nội sinh của nó dẫn tới việc đặt câu hỏi về các tương quan phân dị của nó với những lân cận sát kề: một người, khi trở thành tác giả của tác phẩm ấy, tự biến thành khác, so với anh ta lúc trước; và cuốn sách đó, khi nhập vào thế giới, buộc độc giả của nó phải biến đổi ý thức mà họ có về bản thân mình cũng như về thế giới của họ. Giờ đây được đưa trở lại, kích thước “tồn tại [hay được gọi là “hiện sinh”]”, kích thước tâm lý và xã hội mà chúng ta đã trừu tượng hóa [lúc trước] nhằm có thể đặt câu hỏi về các tương quan bên trong của tác phẩm. Giờ, chúng ta quay trở lại với chúng, vì những tương quan ấy dẫn chúng ta tới đó và, có từ chối tìm kiếm trong tâm lý học và xã hội học các điều kiện đủ của các tác phẩm thì chúng ta cũng sẽ có thể nhận ra ở đó những điều kiện cần khiến chúng được sinh ra và tạo lập các hiệu ứng của chúng. Cấu trúc được cấu trúc của tác phẩm đẩy chúng ta trở lại với một chủ thể tạo cấu trúc, cũng như nó đẩy chúng ta về với một thế giới văn hóa nơi nó đính thêm vào bằng cách mang đến, thường xuyên nhất, sự rối loạn và sự thách thức. Giờ đây được đưa trở lại, cùng lúc, các vấn đề vẫn hay được lịch sử văn chương xử lý. Giờ đây xuất hiện trở lại giá trị sự kiện của tác phẩm, sự kiện phát sinh từ một ý thức và có được sự thành tựu nơi các ý thức khác, thông qua xuất bản và sự đọc… Như vậy có một lối đi vào tác phẩm (được ghi vào bản thân tác phẩm, với ít nhiều rõ nét), giống như cũng có một lối đi của tác phẩm đến thế giới. Dẫu biết sẽ chẳng bao giờ vươn tới được tác giả trước tác phẩm của anh ta, thì tôi vẫn có quyền cũng như nghĩa vụ đặt câu hỏi cho tác giả trong tác phẩm của anh ta: ai nói? Và ngay tức khắc tôi phải tự hỏi, hướng về cái đích chủ thể nào - thực, tưởng tượng, tập thể, duy nhất, vắng mặt - mà lời này được đặt ra: nó được nói ra cho ai hay trước ai? Mặc cho những trở ngại nào? Bằng những phương cách nào? Chỉ lúc này hành trình đầy đủ của tác phẩm đối với tôi mới trở nên có thể tri nhận, bởi vì tôi thêm vào cho sự nhìn nhận hành trình văn bản lời giải thích về một hành trình ý hướng hàm ngụ trong hành trình văn bản. Nghiên cứu “cấu trúc” về hình thức - chỉ rõ ra nó được nói như thế nào - ở đây vẫn giữ được giá trị trung tâm, nhưng nhất trí trong việc không còn chỉ nhìn nhận hệ thống các tương quan bên trong của tác phẩm với tư cách đối tượng biểu nghĩa duy nhất: những yếu tố được ổn định hóa của cuốn sách hoặc của trang cũng là địa điểm của một chuyển vận băng qua chúng. Trong chính cách thức lời gắn với lời, tôi nhận rõ quan hệ của nó với những gì, trước khi tác phẩm sinh ra hoặc sau lúc nó được xuất bản, còn chưa là hoặc không còn là lời nữa [ta nhận ra ở đây dấu vết của ngôn ngữ học Saussure: Starobinski có vai trò đặc biệt lớn trong câu chuyện bình luận Saussure]. Thứ giới hạn năng lực của cấu trúc luận nằm ở sự thể chuyển vận mà chúng tôi vừa nhắc đến không được thực hiện tại “trạm trung chuyển” đồng nhất và liên tục của ngôn ngữ tường minh. Các điểm đứt đoạn xuất hiện, mà quan trọng hơn cả là điểm của sự chuyển vào lời, của sự cầu viện tới văn chương và tới cái tưởng tượng [“imaginaire”: khái niệm rất then chốt của École de Genève, cũng như của toàn bộ phê bình được gọi là “mới” giai đoạn ấy, kể cả Jean-Paul Sartre, chứ không chỉ Gaston Bachelard]. Chẳng hề có tác phẩm hiện đại nào không mang trong nó dấu chỉ hoặc sự biện minh cho bản thân sự sinh ra đời của nó (cuốn tiểu thuyết của Proust [tức là Tìm thời gian mất] ở đây là ví dụ chính yếu, nhưng Essais của Montaigne, đối với một độc giả chỉ cần chăm chú chút ít, cũng không kém sức gợi ý). Cần phải giải mã, trong tác phẩm, bản tính đặc thù của một ham muốn, của một năng lực (của một thiên tài), thứ đã tìm cách đạt tới chính nó và tự chứng nhận bằng cách khiến tác phẩm sinh ra. Vẫn là một tính cách đứt đoạn mà chúng ta sẽ chỉ rõ khi, cùng Spitzer [Leo Spitzer, chuyên gia lớn về “phong cách”; Starobinski là một nhân vật quan trọng trong việc bình luận Spitzer] chúng ta thấy nhân cách của một tác giả gắn chặt với một hệ thống những sự lệch và khác biệt (về mặt cú pháp, về mặt tự vị, v.v…) so với ngôn ngữ “trung bình” của thời điểm văn hóa - sự lệch tìm được hình thức tối cao cho nó trong sự quá đà hỗn loạn của một số tác phẩm cực hạn - nhưng lại bị văn hóa chiêu hồi hoặc tìm cách chiêu hồi về cho ngôn ngữ chung, thông qua con đường (chủ yếu là vậy) của diễn giải phê bình. Ở đây chúng ta thấy bày ra vấn đề tác phẩm với tư cách ngoại lệ (hay với tư cách quái vật), dấu hiệu cho một cá nhân tự khẳng định mình là độc nhất và không thể so sánh, hành động của một sự nổi loạn đôi khi không thể giải hòa, nhưng nó, bởi đã kêu gọi ngôn ngữ, có nguy cơ hay cơ may đánh mất ân sủng sự đoạn tuyệt của nó và bị thu nhỏ đi do một sự đọc bao trùm [liên quan tới khái niệm “hiểu” đặc trưng của thông diễn học] - thứ hút sự ngoại lệ vào cái mà Kierkegaard gọi là “cái chung”, tức là, vào trật tự của những gì có thể trở nên phổ quát bằng con đường lý tính. Cho đến tận sự lạ lùng sâu thẳm nhất - và cũng chính bởi sự lạ lùng của chúng - các tác phẩm gây xì căng đan trở thành những tác phẩm gây xì căng đan một cách mẫu mực, những “hệ hình”.

Bằng cách ấy xuất hiện trở lại một vấn đề mà chúng tôi đã nêu lên ở đầu nghiên cứu này. Chúng tôi đã không muốn, chúng tôi từng nói vậy, một thứ phê bình chỉ hài lòng với việc là vọng âm ở số nhiều của tính chất nhiều của các thế giới văn chương. Nhưng sự phổ quát hóa của định ngôn phê bình chẳng làm xuất hiện một nguy cơ khác hay sao? Nói đến những gì mà các tác phẩm chứa đựng ở phương diện đoạn tuyệt và đứt đoạn, chúng ta lại phát triển định ngôn trong ngần và liên tục của cái biết. Chúng ta làm mọi thứ dẹt đi. Sự bất quy tắc gây rối loạn, xì căng đan, mâu thuẫn trong các tác phẩm và giữa các tác phẩm, sự khác trở thành những chủ đề của một lời có sức cố kết cao và bình thản, nó phá hủy đi trong sự hiểu những toạc rách mà nó bàn tới. Định ngôn phê bình nhất thống trường tìm hiểu của nó, và càng theo đuổi sự nhất thể của mình, nó lại càng tự biến mình trở nên khác với thực tại ở số nhiều và vụn vỡ mà nó quan tâm. Maurice Blanchot từng nhấn mạnh, mới gần đây, vào sự thể giữa văn hóa, thứ hướng đến sự nhất thể và phổ quát hóa của một định ngôn lý tính, và văn chương, thứ vốn dĩ tuyên cáo cho chối từ và bất tương thích, theo thông lệ (và theo đường lối của tội ác) phê bình chọn văn hóa. Những tác phẩm nổi loạn lớn lao như vậy bị phản bội, chúng - thông qua bình luận và giải nghĩa - được trục quỷ, bị biến trở nên chấp nhận được và nhập vào với di sản chung. Và, chắc chắn, truyền thống Hegel mà chúng ta đang sống hiện nay thúc đẩy chúng ta chiêu hồi, như một khoảnh khắc của triển hạn tinh thần, các hành động đoạn tuyệt lớn, chúng, bởi chính bản thân sự thể đã tự biểu hiện ra, đã nhất định không chịu để cho mình bị giảm trừ về với im lặng và bóng tối, không thể vuột thoát được khỏi một cái nhìn muốn thâu tóm bao trùm toàn thể cái thực. Nhưng sự hiểu của phê bình không hướng tới chuyện đồng hóa cái dị biệt. Hẳn nó sẽ không phải là hiểu nếu không hiểu sự khác biệt với tư cách sự khác biệt, và nếu nó không mở rộng sự hiểu này đến chính nó và đến quan hệ của nó với các tác phẩm. Định ngôn phê bình tự biết, trong yếu tính của nó, là nó khác với định ngôn của các tác phẩm mà nó tra vấn và hiển ngôn hóa. Vốn dĩ không phải sự nối dài hay vọng âm của các tác phẩm, nó lại càng chẳng phải thế thân đã được lý tính hóa của chúng. Bằng cách cứu ý thức khỏi sự khác của nó - nghĩa là quan hệ của nó - nó đẩy ra xa nguy cơ của độc thoại. Bởi vì, bằng cách kéo dài tác phẩm, nói như tác phẩm, tạo sự dồi dào trong nghĩa của tác phẩm, hẳn nó sẽ nói một mình và sẽ chỉ quy chiếu về chính nó; ngược lại, là thế thân của tác phẩm, thay chỗ tác phẩm để nói, nó tự khép kín mình lại trong sự cố kết cố hữu của nó và sẽ khăng khăng tự trì giữ nơi trùng ngôn của bản thân nó; cũng như một số kỹ thuật có dáng dấp khoa học sẽ dẫn tới, không thể tránh khỏi, sự chứng minh cho vận hành tốt đẹp của nó và chỉ làm mỗi một việc là lặp lại các tiền giả định của nó: công cụ chỉ nhằm vào duy nhất một chất liệu bao giờ cũng chỉ có thể tìm thấy chất liệu ấy, và luôn luôn sẵn sàng tin nó là công cụ khả dĩ duy nhất. Sự cô độc của định ngôn phê bình là cái bẫy lớn cần phải thoát khỏi. Nếu tuân phục tác phẩm quá mức, nó chia sẻ nỗi cô độc cùng tác phẩm; còn như nếu độc lập quá mức khỏi tác phẩm, nó liền đi theo một con đường lạ thường và cô độc, và quy chiếu phê bình chỉ còn là một cái cớ ngẫu nhĩ, nó, xét một cách nghiêm ngặt hết mức, hẳn sẽ bị loại trừ; nếu quá sùng bái sự nghiêm ngặt khoa học, nó tự cầm tù mình giữa chỉ toàn những “sự kiện” có tương liên với phương pháp đã chọn, nó lội bì bõm trong đó và bị dính chặt ở đó.

[…]


(Jean Starobinski, La Relation critique [Quan hệ phê bình], tức L’Oeil vivant II, 1970, I. “Le sens de la critique” [Nghĩa của phê bình], A. “La relation critique”, pp. 21-29)



NB.
đã tiếp tục "buổi thứ nhất" trong phạm vi các buổi thuyết trình về các nhà phê bình văn học "trường phái Genève"
cũng thêm vài phụ chú nhỏ cho ở kia




École de Genève (buổi thuyết trình thứ nhất)
Jean Rousset: Văn chương thời kỳ baroque ở Pháp
Georges Poulet: La Poésie éclatée. Baudelaire/Rimbaud
Về Barthes
Barthes, Flaubert, Proust
Một người lãng mạn (Heinrich Heine)
Gaston Bachelard: Nước và các giấc mơ
Hugo Friedrich: Cấu trúc thơ hiện đại
Gaston Bachelard: Không khí và mộng
Roger Caillois về Montesquieu
Roland Barthes: "Sociologie và socio-logique"
Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal
Thơ Mới: cấu trúc
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nghiên cứu văn học: con đường lý thuyết
Nhìn lại lý thuyết


2 comments:

  1. ", nó là một concordia discors, một sự tương thích của những bất tương thích, thông qua nhân đôi tính tích cực của những tương quan cấu thành nên hình thức vật chất của nó bằng một tính tiêu cực kích thích đà bật không có giới hạn của nó."
    "Nhưng sự hiểu của phê bình không hướng tới chuyện đồng hóa cái dị biệt. Hẳn nó sẽ không phải là hiểu nếu không hiểu sự khác biệt với tư cách sự khác biệt,"
    rồi, bước hẳn ra ngoài, đi vào "cái phông" văn hóa đương thời, nó hãn hữu nhân đôi chuyển động tạo khác biệt của văn chương - mà có nhẽ chỉ bằng cách trông vào con đường của một "cái biết trong ngần" được thôi (?)

    ReplyDelete
  2. văn chương là sự kháng cự, và xét cho cùng, phê bình cũng "vẫn" là sự kháng cự, lúc này thì nhân đôi: không chỉ trước văn hoá (giống tác phẩm văn chương) mà còn cả trước bản thân tác phẩm văn chương, đã trở thành tương tự một cám dỗ (St. Antoine etc.)

    ReplyDelete