Dec 8, 2013

Sách tháng Mười một 2013

- Patrick Deville: Peste & Choléra


Một thành tựu của tiểu thuyết

Vượt qua được một cái bìa đặc biệt xấu, một nhan đề rất kỳ khôi (Yersin: Dịch hạch và thổ tả; ai bị dịch hạch và ai bị thổ tả?) và một cái giá cao đến lố bịch (120.000đ. cho chưa đầy 300 trang sách khổ không lớn), nếu còn đủ sức lực, ta sẽ được khám phá một thành tựu của tiểu thuyết. Alexandre Yersin là một nhà thám hiểm, một người khám phá, cũng là một con người của những thành tựu, trong đó có những thành tựu khoa học mà tác giả, Patrick Deville, hẳn muốn chúng ta nghĩ là không xa với thơ ca.

Khó nghĩ được từ trước rằng Patrick Deville, thuộc nhóm nhà văn nằm dưới sự đỡ đầu của Jérôme Lindon nhà xuất bản Minuit, cùng thời Jean-Philippe Toussaint và trước thế hệ Marie NDiaye (xem thêm ở đây), cái nhóm vốn lừng danh xưa nay với một thứ “văn chương khó” hay “văn chương thuần khiết”, lại có lúc thay đổi để viết nên một câu chuyện hấp dẫn như thế này. Vẫn còn sót lại kiểu câu văn “điện tín” (télégraphique) xuất hiện dày đặc trong cuốn tiểu thuyết, nhưng những câu văn ấy dường như được truyền một cảm hứng nào đó khác thường, trở nên đặc biệt duyên dáng, khi thì hứng khởi, lúc cay độc bất thường, chúng đóng góp cho tiết tấu gấp gáp của cuốn sách và làm nên một thành tựu đích thực. Bởi chỉ có chưa đầy 300 trang sách cho 80 năm cuộc đời một con người. Hồi cuốn sách mới ra và được giải thưởng, tôi cũng chỉ ngó qua vì không hy vọng lắm người ta còn có thể nói được gì hay ho về Yersin.

Nhập cuộc, Patrick Deville làm người ta dễ nghĩ ngay rằng lại có thêm một “roman-enquête” (tiểu thuyết-điều tra) với một nhà văn bám sát theo một đối tượng, đào bới lên rất nhiều chi tiết có thể gây mệt mỏi. Nhưng Deville đã lựa chọn khác. Không phải là một cuốn tiểu thuyết-điều tra nữa, mà chỉ đơn giản là một cuốn tiểu thuyết ta không cần bận tâm đến việc xếp thể loại. Yếu tố “điều tra” (dĩ nhiên là có, có rất nhiều, với những tham khảo tài liệu từ Viện Pasteur rồi sách của Mollaret, Bernard, Jacotot vân vân) mờ đi vì Deville lái câu chuyện đi theo một hướng khác: tiểu thuyết gia như đồng thanh tương ứng với nhân vật của mình, chọn cách cũng sắp xếp và phân loại một cách kỹ lưỡng (miêu tả ông bố của Alexandre Yersin: “Ông mặc áo vét đen bó chặt của giới học giả và đội mũ chỏm cao, biết tất tật về côn trùng cánh cứng, trở thành chuyên gia côn trùng cánh thẳng và châu chấu”, tr.15), và ta nhanh chóng rơi vào những “category”, những phiếu, những mẫu của nhà văn đồng thời cũng là một “taxinomist”, một chuyên gia trong bộ môn “taxinomy” chuyên đi sắp xếp, phân loại: ta rất khó phân loại những chuyên gia về phân loại.

Có rất nhiều nhóm trong Peste & Choléra: Deville tìm bằng được các đặc điểm chung để xếp mọi thứ vào đủ các tập hợp, giống như một ám ảnh của nhà côn trùng học. Mấy người con mồ côi là một nhóm: Yersin đứa trẻ mồ côi Morges, Roux đứa trẻ mồ côi Corfolens rồi Doumer đứa trẻ mồ côi Aurillac; Yersin thì gần với Rimbaud vì cả hai đều lớn lên trong vòng tay quá nhiều phụ nữ; Yersin lại gần Céline vì cả hai đều từng thuộc nhóm Pasteur rồi sau đó đều “ly khai”, tuy rằng Yersin thì không nói xấu nhóm như Céline, và Yersin rồi Rimbaud và Céline cùng một nhóm vì cả ba đã bỏ trốn rồi làm nổ tung nhiều thứ: Rimbaud làm nổ tung thơ ca, Céline làm nổ tung tiểu thuyết còn Yersin làm nổ tung y học.

“Ám ảnh ghép nhóm” này lên đến đỉnh điểm ở đoạn Yersin cứu sống Tisé, anh chàng chủng sinh người Trung Quốc bên Quảng Đông: “Dĩ nhiên ai cũng muốn biết chàng thanh niên sau này ra sao, hỏi thăm tin tức anh ta, viết một cuốn Cuộc đời Tisé, người đầu tiên được cứu khỏi bệnh dịch hạch” (tr.150), nhưng rất tiếc “Ta sẽ không biết được nhiều hơn” (tr.150), thật tiếc vì lẽ ra Deville đã có thêm một nhóm nhỏ nữa: nhóm những người đầu tiên được cứu thoát khỏi một chứng bệnh thiên niên kỷ, Tisé hoàn toàn có thể được xếp chung với Joseph Meister, người được Louis Pasteur cứu khỏi bệnh chó dại, sau này (may quá) có một tiểu sử đáng ghi lại: Meister đã dùng súng tự sát khi bọn lính Đức xâm phạm hầm mộ Pasteur.

Patrick Deville đặt cả một tên chương cho khía cạnh này, đó là chương gần cuối, “cái nhóm nhỏ”, đặt Yersin vào nhóm, như đặt một con côn trùng về đúng chỗ của nó, và ta cũng cần đặc biệt để ý đến các tên chương, chúng nói lên nhiều điều hơn những tên chương thông thường, đóng góp đáng kể cho nhịp điệu câu chuyện: hai dạng tên chương có số lượng lớn nhất là dạng theo sơ đồ “x & y” và dạng “ở z”. Ngoài “rau & quả” và “máy móc & dụng cụ” thì ta có “Albert & Alexandre” (ngay sau chương báo hiệu mọi thứ, “những cuộc đời song chiếu”), “Arthur & Alexandre” và “Alexandre & Louis”, lần lượt đặt Yersin bên cạnh Calmette, Rimbaud và Céline (chắc hẳn đó là những “song chiếu” mà tác giả thấy là nổi bật hơn cả, chứ Yersin còn được xếp chung nhóm với Livingstone, những người thám hiểm kiệt xuất, hay với Serpollet, những người sáng chế đã bị hậu thế lãng quên vì không có tên đặt cho sản phẩm như Michelin, Dunlop hay Renault).

Chữ “z” trong dạng tên chương “ở z” ghi lại các địa điểm quan yếu trong cuộc đời Yersin, đọc lên nghe như một bài thơ địa lý (giống cảm giác của Yersin khi đi chuyến máy bay cuối cùng của Air France thoát thân khỏi nước Pháp đúng lúc quân Đức xâm chiếm Paris: với ông tên các chặng dừng giống như một bài thơ): Berlin, Paris, Normandie, Marseille, Hải Phòng, Phnôm Pênh, Đà Lạt, Hồng Kông, Nha Trang, Madagascar, Quảng Đông, Bombay, Hà Nội, Vaugirard. Tần suất các địa danh z dồn lên ở quãng giữa rồi lơi dần về cuối, giống nhịp điệu lên đường đi xa của Yersin: khi về già, Yersin chán nốt những chuyến đi, nỗi chán thêm vào nỗi chán nghiên cứu khoa học, chính trị (trò kinh tởm), vinh quang, đám đông, con người. Yersin như thể là một người chán đời. Nhưng không hoàn toàn như vậy; điều này tác giả đã giải thích ở chương “cuộc đời đích thực”.

Một nhịp điệu gấp gáp (nhất là ở quãng giữa cuốn tiểu thuyết) và ham muốn tạo ra một dạng đồ hình với vô số giao cắt, hai đặc điểm ấy tạo nên bộ khung cho Peste & Choléra. Ta như thể bị tác giả kéo theo đi trong nhịp điệu ấy, “sống sẽ chẳng phải là sống nếu không đi”, câu châm ngôn của riêng Yersin, như một đối trọng với “phải tuyệt đối hiện đại” của Arthur Rimbaud. Ta cũng bị kéo theo trong niềm hân hoan sắp xếp và phân loại, niềm hân hoan của nhà côn trùng muốn nhìn mọi thứ ở trong trật tự chuẩn mực. Có nhóm các chính trị gia bị sát hại (vì chính trị là trò bẩn thỉu): Paul Doumer người bạn của Yersin, Gaston Calmette người anh trai của Albert Calmette (Gaston Calmette, nếu như ta còn nhớ, là người được Marcel Proust đề tặng Bên phía nhà Swann) và Jean Jaurès. Lại có một nhóm kỳ cục: những người có tay bị cụt; có thể diễn giải việc Patrick Deville bỗng dưng “lôi” Blaise Cendrars vào câu chuyện của mình mặc dù không có mấy liên quan là bởi Cendrars bị cụt một tay, còn Yersin bị chém đứt một ngón tay (biết đâu sự tình chỉ có vậy). Lại có những nhóm mà Yersin không thuộc vào: các hội đoàn sinh viên, thời Yersin còn đi học ở Marburg bên Đức, và nhất là nhóm các nhà khoa học được giải Nobel (trong khi đó Yersin được nhận một huy chương nào đó ở một cuộc triển lãm nông sản nào đó).

Câu chuyện giải Nobel đưa độc giả vào cốt yếu giọng văn của Patrick Deville trong Peste & Choléra: một giọng văn “sarcastic”. Deville rất giỏi nhận ra những gì buồn cười, ví dụ như khi thoáng nhắc qua nhân vật Jaunisset của Céline: nguyên mẫu của nhân vật ấy là Émile Roux, đồ đệ chân truyền của Pasteur và đồng sự của Yersin, cũng thuộc nhóm người được tổ chức quốc tang (Yersin thì không, đám tang của Yersin được tiến hành theo phương thức Đông Dương bản xứ); Roux là hung hung đỏ còn Jaunisset là cái gì đó vàng ệch. Đỉnh cao sự hài hước (thật ra không hẳn là hài hước) của Deville là chương “cuộc tranh cãi về gà”: “cho đến khi ấy Yersin rất ít quan tâm đến đám gia cầm trong nhà, những con gà An Nam bé nhỏ, màu xám, tầm thường, thả rong bới đất trước nhà, nhưng anh cấm không cho vào vườn rau. Giờ, anh nhìn chúng bằng một con mắt khác, và chúng cũng vậy. Chúng nhìn anh, mắt hấp háy, gật gật cái đầu cúi xiên xiên, như bằng máy, cảm thấy rõ anh đang ấp ủ điều gì đó, biến chúng thành lũ gà khoa học” (tr.176). Ta thấy rất nhiều cảm hứng. Nhưng trong cuốn tiểu thuyết, không phải không có những lúc Deville đi quá đà. Đó là những lúc có nhân vật “bóng ma của tương lai”, cái tay ký lục tay cầm cuốn sổ ghi chép bìa bọc da chuột chũi.

Dường như vì hào hứng quá, nhà văn phần nào phá hỏng mất điều lý tưởng đã xây dựng được trong sự đồng thanh tương khí với nhân vật của mình. Hào hứng quá nên Deville làm hỏng mất cảm giác về khoảng cách vốn dĩ là điều làm cho Yersin thực sự trở thành Yersin. Với Yersin, cần phải giữ khoảng cách với mọi thứ, quan sát hoặc bằng kính hiển vi (với bọn vi khuẩn) hoặc bằng kính viễn vọng (với bọn sao trên trời), và chính bởi cảm giác về khoảng cách này mà ông tìm được tương đồng giữa vô cùng bé và vô cùng lớn.

Xét cho cùng, Alexandre Yersin là một người chạy trốn, luôn luôn chạy trốn, cho đến lúc không thể chạy được nữa. Hoặc là do ông sống quá lâu: với một người sống từ Đế chế II đến Thế chiến II, mọi sự không giống với Arthur Rimbaud chết trẻ vì một tai nạn ngớ ngẩn. Ở đâu đó trong cuốn tiểu thuyết cũng có nói, rằng mọi sự chỉ là tình cờ, nên Yersin sống lâu đến thế, trở thành người cuối cùng của “bộ lạc Pasteur”. Một tình cờ của cấu tạo cơ thể. Nhưng như thế cũng có hậu quả: đến cuối đời Yersin sẽ không còn giữ được sự khinh bỉ với văn chương nghệ thuật từng được ông mặc định là mấy trò nhố nhăng của “lũ khỉ cái”. Một cuộc đời quá dài làm ta khó giữ được một số điều cốt yếu.

Thành thử, những chớp lóe kiểu Rimbaud không hẳn giống với Yersin. Biết đâu, không phải Rimbaud xuất hiện rất nhiều lần trong Peste & Choléra, thậm chí trở thành một “cuộc đời song chiếu” với Yersin, mà Baudelaire, người chỉ có tên xuất hiện bốn lần trong cuốn sách, mới chính xác là song chiếu của Yersin. Baudelaire của thời điểm viết “Lời nói đầu” cho tập truyện của Edgar Poe, cho rằng thế kỷ XIX người ta nói nhiều đến nhân quyền nhưng luôn luôn thiếu mất hai quyền “khá quan trọng”, là “quyền nói ngược với chính mình và quyền bỏ đi”.

Yersin đã dành cả đời để trốn chạy khỏi mọi thứ, cho đến lúc tuổi già ngăn cản hết, xoay chiều hết. Như một tảng đá đã lăn cho đến hết đà, dừng lại ở bờ biển Nha Trang. Như tảng đá của Sisyphe, chứ không phải như Sisyphe, mặc dù cả hai đều có thể “hạnh phúc” như nhau. Peste & Choléra có một câu văn rất thú vị: “Giờ đây ông là một cái cây. Là một cái cây cũng chính là cuộc đời và cũng là không đi đâu”. Yersin giống một tảng đá hơn một cái cây. Tảng đá và cái cây đều tỏa bóng, nhưng bóng của tảng đá thì khác bóng của một cái cây.

(bài này nói đến chuyện bắt chước phong cách và cho rằng như thế là không thể, nhưng nói thế là nhầm, bắt chước phong cách là chuyện hết sức thông thường, đã có vô số người làm như vậy, và cái đó có hẳn một cái tên vô cùng ngắn gọn: pastiche)

(bản dịch của NXB Trẻ đóng góp khá lớn cho sự thú vị của cuốn sách, với hai chú thích sai: chú thích tr. 59 nói rằng Barnabooth là một bút danh của Valery Larbaud, thì đúng là thế, nhưng ở đây ý tác giả muốn nói đến nhân vật Barnabooth trong cuốn tiểu thuyết éponyme của Larbaud, và chú thích 1 ở tr.138 nói rằng Vạn Năng là thám tử, trong khi Vạn Năng (Passepartout) là người hầu trung thành của Phileas Fogg, còn tay thám tử nghi ngờ Fogg ăn cắp tiền là một nhân vật khác; thêm nữa, người dịch thật ra tên là gì? Đặng Thế Linh như ở trang nhan đề hay Đinh Thế Linh như trong “biểu ghi biên mục”?)


- Bộ manga của tháng :p


Bộ truyện kể về một nhân vật có năng lực kỳ lạ một hôm dạt vào Yokohama, chạm vào người ta là làm lành vết thương, ưu điểm là ngắn :p


- Tiểu thuyết trinh thám của tháng: Tokyo hoàng đạo án của Soji Shimada

xem thêm ở đây

(Nguyễn Xuân Hồng dịch, IPM & NXB Văn học, 351tr., 90.000đ.)


- Càng ngày càng có nhiều sách thời trước được tái bản. Lúc này, ra hiệu sách, ta đã có thể mua được loạt sách do NXB Trẻ tái bản, gồm nhiều đầu sách vang bóng một thời như Đầu giáo sư Đô-oen hay Thuyền trưởng đơn vị.

xem thêm ở đây


- Nguyễn Vạn Phú. Vàng và hai cô gái. Nghịch lý toàn cầu hóa. NXB Trẻ, 278tr., 75.000đ.

tập hợp các bài viết của nhà báo Nguyễn Vạn Phú


- Haruki Murakami. 1Q84, tập 3. Lục Hương dịch. Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn. 498tr. 120.000đ.

Cho đến giờ phút này, nhiều độc giả đã đọc hết cuốn này, kết thúc cuộc trường chinh với Haruki Murakami.

(tập 1
tập 2
tập 3)


Và đến đây, mùa kinh/cổ điển bắt đầu :p

+ Salman Rushdie. Nàng phù thủy thành Florence. Nguyễn Thị Hiền Thảo dịch. Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 392tr., 100.000đ.

Salman Rushdie, cũng như một số nhân vật (William Faulkner, Umberto Eco, Naipaul) cần phải trở thành đối tượng cho những chuyên đề cẩn thận và dài hơi. Sắp tới một tác phẩm nữa của Rushdie, Midnight's Children, tác phẩm "đinh" hơn nhiều, sẽ xuất bản ở Việt Nam. Các bỉnh bút chuẩn bị đi :p


+ Thomas Hardy. Xa đám đông điên loạn. Hà Linh dịch. Đông Tây & NXB Văn hóa Thông tin. 475tr. 120.000đ.

Tôi lợi dụng bản dịch này của Far from the Madding Crowd để làm một cuộc lội ngược dòng lịch sử, kiểm kê xem Thomas Hardy đã hiện diện ở Việt Nam như thế nào. Một tác giả ăn khách của vô số cốt truyện éo le như thế này, tuy không thể so với Charles Dickens, nhưng cũng từng có một dòng chảy đáng nhắc đến ở Việt Nam.

Ta có một bản dịch rút gọn The Mayor of Casterbridge như thế này:



Nhưng hai ngôi sao sáng nhất dĩ nhiên vẫn là Tess of the D'UrbervillesFar from the Madding Crowd. Tình hình Tess thì như sau:

Bản của Nguyễn Quỳnh (Trinh nữ) và bản của Nguyễn Đan Tâm (Người tình đầu tiên người yêu cuối cùng) ra cùng năm 1973 ở hai nhà xuất bản khác nhau:



Gần đây hơn là bản Trương Võ Anh Giang (Lỡ làng):


Bộ sưu tập của tôi không đầy đủ Far from the Madding Crowd cho lắm, ngày xưa tôi từng phải đi nhờ photo bản dịch của Nguyễn Quỳnh (mang tên Khách đa tình, in năm 1973), nhưng cũng đã nhìn thấy ngoài đó ra vài bản dịch nữa.

Bản dịch mới in này có ưu điểm gì? Thực tình tôi không biết :p vì giờ mà phải đọc lại Hardy thì oải quá. Tuy nhiên tôi có thể nói rằng chỉ trong ba trang đầu tiên Gabriel Oak đã bị viết thành ba kiểu khác nhau: Gabrie Oak, Gbriel Oak và (đúng) Gabriel Oak.


+ Trương Tửu. Tuyển tập nghiên cứu văn hóa (Nguyễn Hữu Sơn biên soạn với sự cộng tác của một số người khác). Đông Tây và NXB Văn học. 1250tr. kèm phụ lục ảnh nhưng không có index. 420.000đ.

Với tôi, sự quay trở lại của Trương Tửu và Phan Khôi là những sự kiện rất có ý nghĩa trong đời sống văn hóa và nghiên cứu hiện nay.

Xem thêm ở đây.


+ Marcel Proust. Bên phía nhà Swann. Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường và Đặng Anh Đào dịch. Nhã Nam & NXB Văn học. 471tr. 118.000đ.

Ở một đất nước chín chắn, việc À la recherche du temps perdu được dịch là cả một sự kiện rất rất lớn, đi kèm với những nhận thức lớn về văn chương, ngôn từ, dịch thuật. Những điều theo tôi là cực xa xỉ ở Việt Nam hiện nay.

Ví dụ như bản dịch sang tiếng Anh mới đây của bộ sách đã gây ra cuộc tranh luận lớn, chủ yếu giữa nhà văn Lydia Davis người dịch tập đầu bộ sách và Aciman, cùng một số người khác nữa. Vấn đề đặt ra là bản dịch mới có thể chính xác hơn bản kinh điển Moncrieff (bắt đầu dịch bộ sách khi Marcel Proust còn sống và chết rồi vẫn chưa kịp dịch tập cuối), nhưng có hay hơn không, và có đáng không. (Bản dịch Moncrieff nằm ở bức ảnh đầu tiên ở đường link này).

Trong một thời gian không ngắn, độc giả tiếng Anh thưởng thức một Marcel Proust dưới nhan đề rút từ thơ Shakespeare (Remembrance of Things Past), với tập hai mang tên Within a Budding Grove (từ À l'ombre des jeunes filles en fleurs). Bản dịch mới (do một dịch giả khác chứ không phải Lydia Davis thực hiện) cố sát với bản gốc, và bị đặt câu hỏi: "young girls in flower" nghĩa là cái quái gì.

Chẳng hạn như vậy. Nghĩa là Marcel Proust có thể mở ra cả một công trường rộng mênh mông.

Ở đây, kế hoạch Marcel Proust có thể sẽ dài hơi :p (đọc ở đây, đây, và đây).



10 comments:

  1. Cám ơn anh về bài review về quyển YERSIN, đặc biệt là đoạn "chú thích sai" của NXB Trẻ, sắp tới em thấy có NHÃ NAM cho phát hành VIỄN VỌNG, không biết còn quyển nào dự tính phát hành nữa không:)

    ReplyDelete
    Replies
    1. trước mắt chắc là chưa có thêm gì đâu

      Delete
  2. Anh NL định nói "taxonomy"? :D

    ReplyDelete
  3. bác Nhị Linh check dùm chữ KHOÃNG trong đoạn "...nhất là ở khoãng giữa cuốn tiểu thuyết". hình như khoảng (dấu hỏi) mới đúng?

    ReplyDelete
  4. Đây hẳn là bài điểm sách hay và đáng tin hơn cả của Nhị Linh từ trước đến nay!

    ReplyDelete
  5. Em cũng có quyển ''người tình đầu tiên, người yêu cuối cùng'' bản do NXB Hội Nhà Văn tái bản tầm 199X. Quyển này dịch nhiều từ đặc sệt miền Nam nghe chối cả tai. Hi vọng ''Tess of the D'Urbervilles'' sẽ được dịch lại. Mà nói đến Dickens , mấy quyển hay nhất của ông này như ''Great Expectations'' và ''A Tale of Two Cities'' cũng chưa được in ở VN

    ReplyDelete
    Replies
    1. :p

      trong lúc chờ thì xem phim Tess của Roman Polanski vậy

      Delete
  6. A hay quá, ởđây cũng đã có (một tí) Thomas Hardy ở Việt Nam rồi này.

    ReplyDelete
  7. Tái bản lần ba, người dịch là Đoàn Thế Linh, chắc là thông thạo các loại vô hình kiếm khí.

    ReplyDelete