Jan 4, 2017

Đoạn cuối của Khái Hưng

Khái Hưng chết lúc nào?

Thật ra, ta không biết. Thật ra, cái chết của Khái Hưng là cái chết bí hiểm nhất. Dẫu bị nhiều điều che phủ, về cơ bản ta vẫn có thể nghĩ mình hình dung được tương đối đầy đủ về cái chết của Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, hay thậm chí cái chết của Nam Cao. Nhưng với Khái Hưng thì không. Một trường hợp khác: nguyên nhân cái chết của Nhượng Tống giờ đây không thể biết được chắc chắn (tuy rằng có những đám người dám phát biểu lăng nhăng, lại còn chắc như đinh đóng cột, về điều này), nhưng diễn biến cái chết ấy thì ta vẫn biết, chỉ cần đọc báo ra vào thời ấy là thấy, chẳng hạn như tờ Cải tạo. Nhưng cái chết của Khái Hưng xảy đến vào một thời điểm hi hữu, thời điểm của một sự hư vô tuyệt đối: thời điểm không có bất kỳ một tờ báo nào. Người ta hay nói Khái Hưng chết trong năm 1947, một thông tin từ người thân cận với Khái Hưng nói chuyện xảy ra sau Tết âm lịch 1947. Trong cái chết của Khái Hưng, chỉ có duy nhất một điều chắc chắn: nó phải xảy ra sau ngày 19 tháng Chạp năm 1946. Vậy, nó xảy ra trong khoảng từ 19 tháng Chạp cho đến hết năm dương lịch hay sang năm 1947? Cũng có những người cho rằng Khái Hưng đã chết trong năm 1946, nghĩa là những ngày cuối năm. Điều này không thể chắc được, và hiện tại chính xác là đúng bảy mươi năm sau khi các sự kiện liên quan đến cái chết của Khái Hưng (mà ta không dựng lại được một cách cụ thể) xảy ra.

Khái Hưng là một bí ẩn tuyệt đối, và không chỉ ở sự kiện cái chết. Chưa bao giờ, trong bảy mươi năm vừa qua, có bất kỳ ai, nhà văn hay nhà phê bình, nhà nghiên cứu, nhà sử học, thuộc về bất cứ khuynh hướng, quan điểm nào, lập trường chính trị nào, trường phái hay trào lưu lý thuyết nào, trong nước hay nhất là hải ngoại, giàu thiện cảm hay nuôi ác cảm đối với Khái Hưng, cuộc đời Khái Hưng và văn chương Khái Hưng, chưa từng bao giờ có một ai nhìn nhận được Khái Hưng trong một chỉnh thể; chưa bao giờ có một cái nhìn đầy đủ vào Khái Hưng. Câu chuyện bình luận văn chương Khái Hưng là câu chuyện của toàn những sai lầm, lệch lạc - đó cũng chính là trường hợp cho thấy gần như đầy đủ bản chất của nghiên cứu văn học tại Việt Nam, trong suốt sự tồn tại của nó. Điều này càng rõ rệt hơn, nghiệt ngã hơn, ở chỗ: trường hợp Khái Hưng cho thấy nghiên cứu văn học Việt Nam đã thất bại hoàn toàn, thất bại ở mức độ tuyệt đối, chính trong sự nhìn nhận nhà văn lớn nhất mà văn chương Việt Nam từng có.

Điều tôi nói ngay sau đây sẽ không ai hiểu (tôi nói là hiểu, chứ không phải tin, và hiểu nghĩa là gì? hiểu = nhìn ra): nếu không có Khái Hưng Trần Khánh Giư, thì không có văn chương Việt Nam.

Một nền nghiên cứu văn học không biết đến nhà văn lớn nhất của nền văn chương ấy: đây là một điều không thể, thế nhưng lại đúng là như vậy. Phê bình văn học và nghiên cứu văn học không được phép sai ở những “ca khó nhất”: Tản Đà, Tô Hoài, Võ Phiến, chẳng hạn, chưa nói đến Vũ Trọng Phụng hay Thạch Lam. Nhưng ngay ở các trường hợp ấy (chưa phải là tuyệt đối khó) phần lớn đã sai hết cả. Trong logic ấy, việc không nhìn nhận được Khái Hưng lại trở nên một điều rất có lý.

Giờ, không có cách nào khác, ta buộc lòng phải làm cái công việc mà rất nhiều thế hệ nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã không làm được. Thời điểm đã tới, để có một cái nhìn đúng vào văn chương Việt Nam. Nếu không làm được việc này, vĩnh viễn mọi thứ sẽ tan nát, và là tan nát ở nền móng. Một nền móng lảo đảo tạo ra những gì sau đó? điều này quá dễ tưởng tượng.

Ngay một việc rất đơn giản là lập danh mục (chính xác) tác phẩm từng in thành sách của Khái Hưng thôi, mà trong vòng hơn nửa thế kỷ chưa ai làm được. Việc này tôi đã làm, xem ở kia (danh sách này có thể cần hoàn thiện thêm, nhưng về cơ bản tôi đã sửa được những sai lầm lớn nhất của mấy bản danh mục, nhất là Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ và Phan Cự Đệ). Để tiện nhìn nhận, ta sẽ chia cuộc đời văn chương và trước tác của Khái Hưng thành ba đoạn: đoạn Phong hóa, Ngày nay (nói ngắn gọn là giai đoạn Tự Lực văn đoàn), tức là đoạn gồm tuyệt đại đa số tác phẩm đã in thành sách, khởi đầu từ Hồn bướm mơ tiên; giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể làm được việc lập danh mục kỹ lưỡng hơn về đoạn này, với kho Phong hóaNgày nay đã trở lại một cách tương đối đầy đủ.

Từ 1932 trở về trước, là một đoạn khác của Khái Hưng: ta hãy gọi đây là “giai đoạn [-Tự Lực văn đoàn]”. Với đoạn này, tôi cũng đã thực hiện được vài việc nhỏ (xem ở kia) - kèm với đó là giải trừ đi một huyền thoại tồn tại trong rất nhiều năm, theo đó Khái Hưng từng ký bút danh “Bán Than” để cộng tác với Văn học tạp chí, một điều mà rất nhiều người phổ biến, trong đó nổi bật là Thư Trung Trần Phong Giao; một số tìm kiếm kỹ lưỡng trên báo chí đầu thập niên 30 và cả một số năm trước đó sẽ cho thấy rõ ràng Khái Hưng từng viết gì. Việc này tương đối phức tạp nhưng về nguyên tắc là phải làm được; nếu không ai làm, lúc nào nhiều thời gian và đủ điều kiện hơn tôi cũng sẽ làm nốt.

Còn lại một đoạn nữa, khó khăn hơn cả, thực sự không được biết tới, mà tôi sẽ trình bày ở đây. Đoạn này gọi là “giai đoạn [Tự Lực văn đoàn+]”, hay “đoạn cuối của Khái Hưng”.

Khái Hưng và các đồng chí cùng hoạt động trong khuynh hướng quốc gia chủ nghĩa bị Pháp bắt hồi năm 1941. Trong số những người bị bắt, ta biết chắc chắn có Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long và họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Nhưng dường như đây là một vụ bắt bớ rất lớn, có tài liệu nói là tới chừng 70 người bị bắt đi tù trên Vụ Bản (Hòa Bình). Đây là thời điểm không lâu sau khi đảng Đại Việt Dân chính được thành lập với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là lãnh tụ. Vì tình cờ, Nhất Linh thoát thân, và trốn sang Trung Quốc. Báo Ngày nay dĩ nhiên đình bản (nhà xuất bản Đời nay vẫn tiếp tục hoạt động, ít nhất là theo lối cầm chừng), và về cơ bản Tự Lực văn đoàn không còn tồn tại nữa; nhưng Tự Lực văn đoàn đã bị chia rẽ hoàn toàn sớm hơn thời điểm của sự biến 1941 này: khi đảng được lập, chỉ vài người tham gia, chủ chốt là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo, còn Thạch Lam không tham gia, dĩ nhiên Tú Mỡ và Thế Lữ cũng không (xem thêm lời chứng của Hồ Hữu Tường liên quan đến bài thơ của Thế Lữ có câu “Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”); Tự Lực văn đoàn đến cuối thập niên 30 đầu thập niên 40 không còn giống như trước nữa, Nguyễn Gia Trí mới là nhân vật quan trọng - về phần mình, từ đầu đến cuối, Xuân Diệu chỉ ở bên rìa; thêm nữa, ngay khi Ngày nay còn tồn tại, Xuân Diệu đã vào Mỹ Tho làm nhân viên nhà đoan.

Nhiều điều nói lên rằng năm 1943 Khái Hưng được thả về Hà Nội nhưng tiếp tục bị quản thúc (án tù kèm án biệt xứ là điều mà ta hay thấy ở trường hợp nhiều nhân vật hoạt động cách mạng trước 1945, dưới thời Pháp thuộc). Ngày 9 tháng Ba năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Đương nhiên, vào thời điểm này, Khái Hưng không còn phải chịu án quản thúc nữa. Từ tháng Ba năm 1945 đến tháng Chạp năm 1946, ta có đoạn mà tôi gọi là “22 tháng cuối cùng của Khái Hưng”.

Rẽ ngang một chút: năm, sáu năm sau thời điểm mà chúng ta đang quan tâm, năm 1953, tại Việt Bắc, có một cuộc “chỉnh huấn” lớn. Thế Lữ viết bài đăng tạp chí Văn nghệ số 41.




Tất nhiên, ta hiểu Thế Lữ đang ở trong hoàn cảnh cần phải lo cho sự sống còn của bản thân, vả lại ở thời điểm ấy, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam đều đã chết, Nhất Linh và Nguyễn Gia Trí ở trong Nam coi như không cần tính đến nữa, chắc hẳn Thế Lữ nghĩ mình nói như vậy cũng không ảnh hưởng lắm. Dẫu có hiểu được như vậy, ta cũng thấy rõ trong những lời buộc tội của Thế Lữ hằn rõ sự phản bội. Lịch sử văn chương Việt Nam dường như in dấu không biết bao nhiêu câu chuyện bạn bè phản nhau, mà thời điểm liên quan tới Thế Lữ này là một điểm mốc lớn.

[cùng số Văn nghệ này còn có bài của Xuân Diệu, bài của các kiến trúc sư từng liên quan đến phong trào “Nhà Ánh sáng”, nhưng đặc biệt đáng nói là bài của Nguyễn Tuân, “Nhìn rõ sai lầm”; ta sẽ sớm quay trở lại với văn bản vô cùng quan trọng này, trong một câu chuyện khác, nhưng có rất nhiều liên quan với câu chuyện đang nói ở đây]

Thái độ của Tú Mỡ thì sao? Ta có thể biết tương đối rõ, trong chính Cát bụi chân ai của Tô Hoài, đoạn “bác Tú Mỡ” có thành tích rất cao trong phong trào thi đua.

Quay trở lại với “22 tháng cuối cùng của Khái Hưng”: hết án quản thúc (biệt xứ), Khái Hưng đã có thể hoạt động văn chương và báo chí. Lúc này, người Nhật cầm quyền ở Đông Dương. Một số tờ báo khựng lại rồi ra tiếp, như Tri tân hoặc Thanh nghị, nhóm “[Tự Lực văn đoàn+]”, để nối tiếp tờ Ngày nay, sau một thời gian chính thể thay đổi, ra tờ Ngày nay Kỷ nguyên mới. Giờ đây, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã tiếp xúc được với bản số hóa của tờ này, việc lập danh mục tác phẩm Khái Hưng ở đây hoàn toàn trong tầm tay.

Nhưng trong cục diện báo chí (Hà Nội, miền Bắc) của đoạn sau ngày 9 tháng Ba 1945, hết sức quan trọng là tờ nhật báo Bình minh, cùng một số tờ “thân Nhật” chẳng hạn Thông tin. Người Nhật muốn tờ Bình minh do Nguyễn Giang, Khái Hưng và Nguyễn Doãn Vượng cùng thực hiện. Nguyễn Doãn Vượng từ chối ngay, còn lại Nguyễn Giang và Khái Hưng: và số 1 tờ Bình minh đã ra, gần như chắc chắn, ngày 12 tháng Ba năm 1945, sau đó tiếp tục cho đến tháng Tám 1945, mỗi ngày hai mặt giấy khổ tương tự giấy A3 ngày nay (đối với các nhật báo giai đoạn này, ta cần đặc biệt để ý, phần lớn các tờ đều có những ngày không ra báo, chứ không phải cứ là nhật báo thì nhất định ngày nào cũng có: chỉ cần xem thật kỹ chẳng hạn tờ Độc lập của đảng Dân chủ là sẽ thấy ngay, đây là một tờ gần như không bao giờ ra số thứ Ba hằng tuần).

Cũng như người ta từng tìm cách buộc tội Tự Lực văn đoàn (hoặc ít nhất là các nhân vật chủ chốt của nó) “thân Pháp” (hoặc thậm chí “phục vụ” cho thực dân Pháp, chẳng hạn như Thế Lữ, trong bài đã nói ở trên) - một lời kết án đương nhiên chỉ đánh lừa được những ai hoàn toàn không có chút hiểu biết gì về giai đoạn 1932-1945 (Tự Lực văn đoàn cần được nhìn nhận là một nhóm trí thức chống Pháp triệt để, và vì chống Pháp như vậy, họ đã phải gánh chịu rất nhiều điều khốn khổ, trong đó có cả tù đày, tra tấn), về sau này nhiều người cũng tìm cách gán cho Tự Lực văn đoàn tội “thân Nhật”. Điều này cũng chỉ là phi lý. “Thân Tàu” thì rất có thể (thời ấy, người ta đồng loạt “thân Tàu” mà về sau chẳng hề bị lên án hoặc cắn rứt lương tâm, chẳng hạn như Vũ Bằng sẵn sàng không che giấu mình đứng tên chủ bút tờ Trung Việt tân văn như thế nào; tất cả các phong trào cách mạng Việt Nam trong khoảng vài năm trước 1945 đều nương nhờ Trung Quốc, vào thời điểm 1945 mối quan hệ lợi ích này càng lớn hơn thêm rất nhiều).

Khái Hưng là một đảng viên của một đảng cách mạng. Khả năng lớn nhất là khi được mời làm Bình minh, Khái Hưng nhận lời ngay, đó hoàn toàn có thể là cách thức để nghe ngóng các biến chuyển một cách rất hữu hiệu. Đây là một lần rất hiếm hoi Khái Hưng bước ra ngoài vòng Tự Lực văn đoàn (và các tờ báo cơ quan ngôn luận của nó) trong suốt những năm từ 1932 đến 1946. Và cũng khác với mọi lúc làm báo khác, ở Bình minh, Khái Hưng viết rất ít bài. Bài về Phạm Quỳnh (xem ở kia) có thể coi là bài quan trọng duy nhất của Khái Hưng đăng trên tờ báo này. Vả lại, Khái Hưng nhanh chóng rời Bình minh (có lẽ vì thấy không có lợi ích gì cho đảng của mình, nhưng có lẽ chủ yếu vì tờ Ngày nay Kỷ nguyên mới cần một người như Khái Hưng): ta biết chính xác Khái Hưng không còn ở Bình minh nữa từ số 59, thế chỗ là Phan Huy Đán, tức là cuối tháng Năm 1945, xem ảnh dưới đây:


Như vậy tổng thời gian Khái Hưng cộng tác với Bình minh không quá ba tháng.

[đoạn này của tờ Bình minh cũng là thời điểm chứng kiến ông chủ nhiệm Nguyễn Giang đòi “cải cách chữ Quốc ngữ”:


tôi đã tìm được chừng hơn chục lần các trí thức Việt Nam đòi cải cách kiểu như thế này, tất tật đều không dẫn đến đâu; nhưng dường như, các dự định cải cách ấy lại có một ý nghĩa đặc biệt, mà tất nhiên không ai nghĩ đến vào lúc đòi tân tiến: về cơ bản, các ý đồ cải cách đều tương hợp một cách kỳ lạ với nguyên tắc gõ chữ tiếng Việt bằng máy như chúng ta làm hiện nay]

Trên Bình minh, Khái Hưng mở một mục ngắn (dường như không mấy đều đặn), xem dưới đây:


[Vào tháng Ba năm 1945, đảng Đại Việt Dân chính như thế nào? Dường như trước đó khá lâu Nguyễn Tường Bách đã nhận được thông tin từ hải ngoại cho biết đảng trưởng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã quyết định sáp nhập Đại Việt Dân chính với các đảng phái quốc gia khác, lúc đó tập trung hết bên miền Nam Trung Quốc. Trên thực tế, ta sẽ không bao giờ thấy danh xưng “Đại Việt Dân chính” xuất hiện trở lại nữa, đây gần như là một “đảng ma”, mặc dù trên thực tế các đảng viên của nó đã phải chịu án tù không nhẹ, trường hợp của Khái Hưng, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí mà ta đã nói. Ở nước ngoài, dường như Nhất Linh đã thỏa thuận với các nhân vật như Nghiêm Kế Tổ và Lý Đông A về hợp nhất đảng phái. Về sau này, người ta thường chỉ biết đến các tên tuổi bên phía quốc gia hồi 45-46 như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam, nhưng cục diện lúc đó phức tạp hơn rất nhiều. “Việt Nam Quốc dân đảng” lại được nhắc đến, và trên thực tế trở thành một cái tên chung, nhưng phái này có rất ít điểm chung với Việt Nam Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học, tuy đôi khi ta vẫn bắt gặp một số cái tên cũ như Nguyễn Ngọc Sơn hay Nguyễn Thế Nghiệp. Nhân vật lớn nhất của Việt Nam Quốc dân đảng thời trước còn lại là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, nhưng rất khó nói Nhượng Tống có liên hệ cụ thể thế nào với các đảng phái quốc gia 45-46 và đóng vai trò gì trong các hoạt động giai đoạn này. Nhưng Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh cùng các danh xưng “Việt Cách”, “Việt Quốc” mới chỉ là một phần trong sự phức tạp của tổ chức phe quốc gia (rất có thể, một nguyên nhân lớn trong thất bại của họ nằm chính ở sự phức tạp đến khó tin này): Trương Tử Anh là một nhân vật dường như rất lớn, chỉ chắc chắn là hết sức bí ẩn, được coi là lãnh tụ của “Mặt trận Quốc dân đảng”, tức là tổ chức quy tụ các phong trào quốc gia hồi 45-46; bản thân đảng “Đại Việt Quốc dân đảng” cùng “triết lý Sinh Tồn” do Trương Tử Anh lập ra và làm đảng trưởng đã bắt đầu tồn tại từ khoảng 1938, nhưng rất khó biết về “Đại Việt Quốc dân đảng”, dường như đây là một chính đảng hoạt động dựa trên nguyên tắc bí mật cao độ, đến nỗi về sau ngay các đảng viên cũng gần như không biết gì về lịch sử của đảng mình; tuy nhiên, ta cũng biết được một số nhân vật rất thân cận với Trương Tử Anh đóng những vai trò không nhỏ trong cục diện hồi 45-46, chẳng hạn như Phan Trâm hay Trần Trung Dung; Đặng Vũ Lạc cùng Đặng Vũ Trứ và một loạt nhân vật họ “Đặng Vũ” khác cũng không phải là không được biết đến.

Nói tóm lại, khi Nhật mới đảo chính Pháp, các đảng viên Đại Việt Dân chính (một chính đảng gần như không còn tồn tại) phải tự xoay xở, vì đảng trưởng đã vắng mặt suốt bốn, năm năm, lực lượng thì gần như không có gì. Mãi về sau, muộn hơn trong năm 1945, như ta đã biết, các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam theo khuynh hướng quốc gia mới về nước, với một số lượng không nhỏ. Ở miền Nam Trung Quốc trước đó đã hỗn loạn, tại Việt Nam, các nhân vật quốc gia chủ nghĩa còn tạo ra cảm giác về một sự hỗn loạn lớn hơn nhiều. Một chi tiết hết sức quan trọng, liên đới rất nhiều đến các sự kiện về sau: trong bản Hiệp định Sơ bộ Pháp-Việt (đầu tháng Ba 1946) có chữ ký của Vũ Hồng Khanh.]

Cũng như khi xảy ra sự biến mồng 9 tháng Ba, sau 19 tháng Tám năm 1945, báo chí Hà Nội đồng loạt chững lại một khoảng thời gian ngắn. Giờ, ta sẽ miêu tả tình hình chung của báo chí từ khoảng tháng Tám-tháng Chín năm 1945 cho đến hết năm 1946.

Không có gì phải nghi ngờ, tờ báo quan trọng nhất của giai đoạn này là Cứu quốc. Đó là một tờ nhật báo (ngay từ 19 tháng Tám thì chưa phải nhật báo, nhưng rất nhanh chóng trở thành nhật báo), ban đầu hai mặt giấy, sau tăng lên bốn mặt giấy (hai tờ). Muốn tìm hiểu các sự kiện xảy ra tại Việt Nam (nhất là Hà Nội) của giai đoạn này, nhất định phải nghiên cứu Cứu quốc. Cứu quốc ra số 440 vào ngày 19 tháng Chạp năm 1946. Cứu quốc còn một số tờ “vệ tinh” hết sức quan trọng, hàng đầu phải tính đến là Sự thật, ngoài đó ra cũng phải tính đến vai trò của Tiên phong hay Cờ giải phóng.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tờ Cứu quốc thì lại đồng nghĩa với việc không hề hiểu gì về giai đoạn này. Ta có thể nhìn sâu hơn: Cứu quốc ra số 440 vào ngày 19 tháng Chạp năm 1946, nhưng tổng số Cứu quốc ra từ 19 tháng Tám 1945 đến 19 tháng Chạp 1946 chỉ có 410 số, vì 30 số trước đó (bắt đầu ra từ 1942) ra trong bí mật (một cách khác để nói là không hợp pháp).

Về mặt nhật báo, ta có 410 số Cứu quốc, đi cùng vệ tinh quan trọng của nó là Sự thật. Một tờ nhật báo khác ra được nhiều số trong quãng này là Độc lập của đảng Dân chủ (một tờ giấy, hai mặt). Tổng cộng, Độc lập ra được khoảng 300 số. Rất dễ thấy, Độc lập cũng là một vệ tinh của Cứu quốc, tuy không rõ ràng bằng Sự thật (đảng Dân chủ thuộc Việt Minh).

Tờ báo đối lập duy nhất xứng tầm ở giai đoạn này là Việt Nam. Tờ Việt Nam có tiền thân là Việt Nam thời báo. Việt Nam thời báo ra số 1 ngày 23 tháng Mười năm 1945, tờ Việt Nam ra số 1 (gần như chắc chắn) ngày 15 tháng Mười một năm 1945. Theo tôi xác định được, tờ Việt Nam thời báo ra được ít nhất 4 số, nhiều nhất 23 số, còn tờ Việt Nam ra được ít nhất 310 số, nhiều nhất 330 số. Xét về số lượng và mức độ bao phủ thông tin: Việt Nam thời báo rồi Việt Nam tính tổng cộng không thua kém Cứu quốc quá mức. Tối thiểu Việt Nam thời báoViệt Nam ra được chừng 315 số, tối đa là khoảng 350 số (so với 410 số Cứu quốc). Thêm nữa, Cứu quốc có vệ tinh là Sự thật thì Việt Nam cũng có vệ tinh là Chính nghĩa, một tuần báo, ra từ tháng Năm 1946 đến rất sát 19 tháng Chạp 1946, tổng cộng 28 số.

Số 1 Việt Nam thời báo:


(Khái Hưng đứng tên chủ bút, giống như ở Bình minh)

Một số Việt Nam (“Cơ quan của Việt Nam Quốc Dân Đảng):



Mở rộng thêm nữa, và trong liên quan với hoạt động các đảng phái (ta phải nhớ rằng, dẫu có là như thế nào, về cơ bản mọi tờ báo giai đoạn này đều hợp pháp; chính 30 số đầu của tờ Cứu quốc mới là báo ra bí mật): ta đã nói đến Độc lập của đảng Dân chủ thì cũng nên nhắc tới các tờ của phía quốc gia, như Sao trắng hoặc Đồng minh.

Đến đây, đã có thể giải trừ một hiểu nhầm tồn tại dai dẳng: các câu chuyện được kể lại về giai đoạn lịch sử này, như ta hay thấy, đều nhấn mạnh vào đặc điểm Việt Minh đơn độc và bị các đảng quốc gia hợp sức chống lại (nhất là Việc Quốc và Việt Cách). Điều này không hoàn toàn đúng.

Ngoài Độc lập của đảng Dân chủ đương nhiên ủng hộ Việt Minh, ít nhất là theo những gì thể hiện trên khía cạnh tuyên truyền, nghĩa là dựa vào mặt báo, tờ Đồng minh về danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội) nhưng Đồng minh lại ủng hộ Việt Minh và chống Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc: gọi thế này cho gọn, nhưng không hoàn toàn chính xác).

Trong bối cảnh báo chí của giai đoạn ấy, chính Việt Nam Quốc dân đảng mới đơn độc, mới phải một mình chống lại các khuynh hướng khác. Việt Nam là tờ báo đối lập đáng kể duy nhất. Xét toàn cảnh, nếu thống kê đầy đủ báo chí Hà Nội (và miền Bắc) đoạn này, theo tôi, có lẽ lên đến con số chừng 200 (thậm chí có thể hơn) đầu báo từng tồn tại. Những ai nghĩ có thể tìm hiểu giai đoạn này bằng Cứu quốc cộng Sự thật chắc chắn sẽ sai lệch, thậm chí hiểu nhầm tất tật. Đây cũng là giai đoạn kịch điểm cho thấy một nền nghiên cứu chỉ quan tâm đến sách sẽ thất bại trước các quãng thời gian kiểu như thế này, khi chẳng có gì khác ngoài báo, lại còn hết sức hỗn loạn, rối ren; các báo của đoạn này liên tục khiến người đọc chúng cảm thấy mình sắp bị lừa đến nơi, với những thay đổi chóng mặt, những “chiến thuật” chắc hẳn có ý nghĩa thời điểm nhưng giờ đây gần như không còn có thể hiểu nổi.

Không có gì phải bàn cãi, trong giai đoạn này, Việt Minh chiến thắng trên mọi phương diện: chính phủ, chính quyền, quân đội, đoàn thể. Về mặt tuyên truyền (ít nhất thể hiện ở báo chí), Việt Minh cũng chiến thắng áp đảo, như một lẽ đương nhiên, khi mà đến cả tờ Đồng minh của Việt Cách về cơ bản cũng không hề chống đối (đây ít nhất là cơ quan ngôn luận của một bộ phận không nhỏ của Việt Cách, với các yếu nhân như Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật, Đinh Chương Dương, Trương Trung Phụng). Tờ Đồng minh dường như có mục đích ban đầu chủ yếu là cổ động cho một số nhân vật thuộc nhóm này ứng cử đại biểu Quốc hội thành công.

[thật ra, mọi chuyện đã an bài ngay từ “thời điểm Nguyễn Xuân Chữ”; ở thời điểm ấy, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long nổi lên như một nhân vật chính trị thất bại: chính phủ Trần Trọng Kim đã mời Hoàng Đạo cùng Nguyễn Xuân Chữ (và vài người nữa) nắm quyền ở Hà Nội, nhưng Hoàng Đạo bị ốm nên không làm gì được - trong chính phủ về sau, Hoàng Đạo cũng sẽ chỉ giữ chức ở bộ Kinh tế một thời gian rất ngắn rồi nhường chỗ ngay cho Chu Bá Phượng; sức khỏe kém dường như chi phối cả cuộc đời Hoàng Đạo, và cũng có thể giải thích cho cái chết của Hoàng Đạo vào năm 1948, nếu bỏ qua các giả thuyết về ám sát: Hoàng Đạo chết trên một chuyến tàu hỏa, lên là người sống, xuống là người chết, và không có nhân chứng]

Chỉ còn lại đúng một vấn đề: Việt Nam Quốc dân đảng thất bại hoàn toàn, nhưng chính trong hàng ngũ của bên thất bại này lại có nhà văn lớn nhất của Việt Nam.

Chuyện Khái Hưng là nhà văn lớn nhất của thời tiền chiến, ta chỉ cần nhìn vào Vũ Ngọc Phan là thấy. Vũ Ngọc Phan không có quan hệ thân thiết với nhóm Tự Lực văn đoàn, khuynh hướng và mọi thứ đều khác, nhưng bộ Nhà văn hiện đại đã nhìn thấy đương nhiên Khái Hưng là nhân vật lớn nhất của văn xuôi một thời, ít nhất là cho tới khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ 20.

Và “22 tháng cuối cùng của Khái Hưng” này mới đích xác là đoạn thời gian khiến Khái Hưng trở thành nhà văn số một của Việt Nam.

Một điều rất trớ trêu: năm 1932, Nhất Linh đã thuyết phục Khái Hưng đừng viết chính luận, chuyển sang viết tiểu thuyết, thì đến 1945, khi không còn lựa chọn nào nữa, Khái Hưng lại quay trở về với thiên hướng đích thực của mình.

Một lời chứng rất quan trọng: Hoàng Hải Thủy. Những gì Hoàng Hải Thủy nói cho thấy rằng, những ai từng sống qua giai đoạn này (và có đọc báo) biết bút danh “Chàng Lẩn Thẩn” là của Khái Hưng. Ta hãy nhìn kỹ vào đây.

“Chàng Lẩn Thẩn” là bút danh ký cho chuyên mục “Chuyện lẩn thẩn”. Gần như chắc chắn, mục này bắt đầu xuất hiện từ Việt Nam số 95, và liên tục cho đến tận kết thúc sự tồn tại của tờ báo. Ít nhất, Khái Hưng đã viết chừng hơn 200 bài dưới bút danh “Chàng Lẩn Thẩn”. Mỗi bài của chuyên mục dài từ 700 đến 800 chữ. Đây là mục đặc biệt đều đặn. Hoàng Hải Thủy cũng hết sức chính xác khi nói: “Chàng Lẩn Thẩn Khái Hưng là người viết phiếm luận chính trị trên nhật báo đầu tiên ở Việt Nam và là một trong những người viết phiếm luận chính trị hay nhất, có duyên nhất, sâu sắc nhất”. Các bài báo của Khái Hưng cho thấy một trình độ rất cao, gần như không thấy ở đâu khác nữa trong toàn bộ giai đoạn báo chí 1945-1946 tại Hà Nội.



[ta có thể thấy rằng về cơ bản, ở giai đoạn 45-46, báo chí Việt Nam vẫn chịu sự kiểm duyệt gần như giống hệt dưới thời Pháp thuộc]

Nhưng “Chuyện lẩn thẩn” và “Chàng Lẩn Thẩn” chưa phải là thứ duy nhất mà Khái Hưng viết trong “22 tháng cuối cùng” này. Sự viết báo của Khái Hưng năm 45-46 ngay lập tức khiến tôi liên hệ đến giai đoạn kỳ diệu trong cuộc đời viết báo của Phan Khôi, đó là giai đoạn 1929-1930. Khởi đầu cuộc bùng nổ đích thực của báo chí Việt Nam là một nhà báo lớn, Phan Khôi, và kết thúc cho đoạn lịch sử ấy cũng là một nhà báo lớn khác, Khái Hưng (điều oái oăm xảy ra vào năm 1946: Phan Khôi bị bắt giữ năm 1946 chính tại 80 Quán Thánh, cùng vợ chồng Khái Hưng).

Khái Hưng viết chừng 200 bài trong mục “Chuyện lẩn thẩn”. Đoạn cuối của Việt Nam, xuất hiện thêm một chuyên mục khác (kéo dài vài chục số), “Câu chuyện hàng ngày”, ký tên “Cơm Bữa”, mỗi kỳ dài khoảng 500 chữ. Có thể dễ dàng nhận ra “Cơm Bữa” cũng là bút danh của Khái Hưng. Cũng ở đoạn cuối này của Việt Nam, Khái Hưng ký tên “Khái Hưng” để dịch một tác phẩm của Tagore, đăng hằng ngày. Có chừng hơn 30 kỳ báo đăng bản dịch này. Như vậy, với bút danh “Chàng Lẩn Thẩn” và “Cơm Bữa”, Khái Hưng đã viết cỡ 300 bài báo, những bài thời luận và bình luận tình hình thời sự trong nước. Nhưng như vậy chưa phải đã hết.

Một kỳ dịch Tagore:


Ta cũng biết, Việt Nam ra được khoảng sáu tháng thì xuất hiện tờ tuần báo Chính nghĩa, ra được tổng cộng 28 số. Nếu Sự thật là vệ tinh của Cứu quốc thì ở phía đối lập, Chính nghĩa là vệ tinh của Việt Nam. Chính nghĩa là một trong những tờ tuần báo có chất lượng cao nhất của toàn bộ thời “tiền chiến”.

Là trụ cột của nhật báo Việt Nam, Khái Hưng tiếp tục trở thành trụ cột cho tuần báo Chính nghĩa, “Cơ quan khảo cứu tranh đấu của Việt Nam Quốc dân đảng”. 27 trên tổng số 28 số Chính nghĩa đăng tác phẩm văn chương của Khái Hưng, gồm các vở kịch và các truyện ngắn. Giữa thập niên 60 tại Sài Gòn, Nguyễn Thạch Kiên (một người Quốc dân đảng) in tập truyện ngắn Lời nguyền, chính là lấy từ các số Chính nghĩa. Sự giới thiệu của Nguyễn Thạch Kiên đặc biệt rối rắm, khó hiểu, nhưng theo tôi, Nguyễn Thạch Kiên cầm theo được (hoặc tìm lại được) các số báo Chính nghĩa cũ và lấy từ đó ra để in tập Lời nguyền. Tập sách này, ngoài một số sai lầm nhỏ, đặc biệt thiếu mất vở kịch Đoàn kết, vở kịch dài và hết sức quan trọng, đăng từ kỳ 2 đến kỳ 8 của Chính nghĩa. Gần đây, vở kịch đã được phát hiện trở lại và công bố trên tờ Khởi hành, như đã nói ở kia.

Dường như trong số các tác phẩm đăng ở Chính nghĩa, một số đã được Khái Hưng viết từ trước (nhiều khả năng là trong quãng thời gian bị quản thúc), nhất là những truyện ngắn kể chuyện về người Mường, đoạn quá khứ mà Khái Hưng đã trải qua khi đi tù ở Vụ Bản. Nhưng chắc chắn là không phải tất cả: chẳng hạn như vở kịch Đoàn kết hẳn được viết trong quãng 45-46.

Cũng trên Chính nghĩa, Khái Hưng có một chuyên mục, xuất hiện trên tất cả các số: “Người và việc”, mục này gồm chừng 1000 đến 1200 chữ mỗi kỳ, và là một mục không ký tên. Cũng giống như hồi viết cho Bình minh, Khái Hưng thích mở ra các chuyên mục, cả trên Việt Nam (“Chuyện lẩn thẩn” và “Câu chuyện hàng ngày”) lẫn Chính nghĩa (“Người và việc”). Ba mục này thôi đã cho thấy cả một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Nhưng như vậy vẫn chưa hết.

“Chàng Lẩn Thẩn” là bút danh dùng cho chuyên mục hằng ngày của Việt Nam, nhưng cũng có lúc (rất có thể do nhầm lẫn) nó cũng xuất hiện trên Chính nghĩa, và là ở mục bình luận tin tức thế giới. Mục bình luận tin tức thế giới trên Chính nghĩa cũng có khi được ký tên “Chàng Thứ Bảy” hoặc “Chàng Ba”. Gần như chắc chắn đây đều là bút danh của Khái Hưng. Và Khái Hưng nhà báo không chỉ bình luận thời sự trong nước, ông còn bình luận thời sự quốc tế. Rất nhiều số Việt Nam tạo cảm giác chỉ một mình Khái Hưng viết hết, kể cả các thông tin lặt vặt. Ngay một số bài của giai đoạn đầu tờ Việt Nam ký tên “Văn Sĩ Cộng Hòa” cũng gần như chắc chắn là của Khái Hưng. Trong số các bài này, nổi bật là các bài chế giễu Nguyễn Văn Tố, Vũ Đình Hòe và Nguyễn Xiển, chúng đều cùng giọng của bài về Phạm Quỳnh đăng trên Bình minh vài tháng trước đó. Không những thế, một số bài thơ ký tên “Thi Sĩ Lâm Thời” cũng rất có khả năng của Khái Hưng nốt.

Và bên ngoài Việt Nam cùng Chính nghĩa, Khái Hưng còn xuất hiện ở đâu nữa không? Rất khó tin, nhưng vẫn có. Đầu năm 1945 là một lần hiếm hoi Khái Hưng làm cho một tờ báo ngoài “[Tự Lực văn đoàn+]” (Bình minh) thì cuối năm 1945, thêm một lần nữa Khái Hưng cộng tác với một “tờ báo bên ngoài”. Lần này là tờ Thiếu sinh của Hướng Đạo sinh. Lần này, Khái Hưng chỉ cộng tác bài vở đơn thuần chứ không đứng tên chủ bút như với tờ Bình minh, nhưng cả ở đây, Khái Hưng cũng xuất hiện ngay từ số 1.




Thiếu sinh là một tờ tuần báo. Ta gặp ở đây Ngô Bích San, mà những ai quan tâm đến lịch sử Hướng Đạo sinh Việt Nam đều đã biết. Ở đây cũng có sự cộng tác thường xuyên của Huyền Kiêu, một người hẳn không xa lạ với Khái Hưng, nhưng trên Thiếu sinh còn có một yếu nhân rất bất ngờ: Tô Hoài. Thật khó tin, nhưng cuối năm 1945, một yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng và một thành viên năng nổ của Văn hóa Cứu quốc lại viết cùng một tờ báo. Dường như về sau Tô Hoài không thích kể lại chuyện này.

Trên Thiếu sinh, Khái Hưng đăng ít nhất trọn vẹn hai vở kịch ngắn, và một truyện dài nhiều kỳ, xuất hiện ít nhất trên 10 kỳ (không rõ báo có đăng đủ không, và cũng không rõ tờ báo tồn tại chính xác đến bao giờ). Truyện dài này mang tên Bốp và Bíp, kể về một con chó.

Ta hoàn toàn có thể nghĩ, với lượng viết dồi dào như Khái Hưng thể hiện, và ta đã lược qua (chắc hẳn chưa thể đầy đủ hoàn toàn nhưng cũng đã rõ được đại cương), chắc hẳn trong quãng thời gian ấy ngoài những gì đã đăng báo còn có bản thảo. Cho đến nay chưa thấy có manh mối gì về điều này. Cho nên, giống như một điều kỳ diệu khi số cuối, tức số 28, của Chính nghĩa, ra ngày 16 tháng Chạp năm 1946, đã đăng kỳ cuối vở kịch Khúc tiêu ai oán. Số báo cuối cùng này viết chữ “Hết” ở cuối vở kịch, cho ta tác phẩm văn chương cuối cùng của Khái Hưng ở hình dạng trọn vẹn. Điều này đã được nói ở kia: đây là tác phẩm văn chương cuối cùng của Khái Hưng, và đây là câu chuyện về Ngũ Tử Tư, giống như một định mệnh, giống như Khái Hưng tiên báo cho cái chết của chính mình, khi viết về nhân vật có cái chết và sự trôi sông lừng lẫy trong Sử ký của Tư Mã Thiên.

Như trên đã nói, nhiều khi có cảm giác một mình Khái Hưng viết toàn bộ các số Việt Nam. Điều này là hoàn toàn có thể, vì Khái Hưng nhanh chóng chỉ còn lại một mình. Nguyễn Tường Bách đã rời Hà Nội ngay từ đầu năm 1946, để tới Vĩnh Yên, tức là nơi hồi ấy mang một cái tên giờ đây ít ai còn hiểu có nghĩa là gì: “Đệ Tam Chiến Khu”. Nhất Linh và Hoàng Đạo ngay từ đầu đã không hề tham gia các tờ báo, và cũng rời Hà Nội, thậm chí Việt Nam, rất sớm trong năm 1946. Khái Hưng chỉ có một mình. Ở một chỗ trong hồi ký, Nguyễn Tường Bách cũng có nói, Khái Hưng được giao phụ trách tuyên truyền của Việt Nam Quốc dân đảng. Hồi ký của Nguyễn Tường Bách chính là lời chứng quan trọng nhất về đoạn cuối của Khái Hưng, nhưng rất tiếc Nguyễn Tường Bách cũng không biết gì về chừng chín, mười tháng làm báo cuối cùng của Khái Hưng. Và cứ như thế, suốt 70 năm trời, không ai biết gì, thứ duy nhất có được tìm lại là những truyện ngắn và vài vở kịch, in vào tập Lời nguyền.

Nhưng đây, “22 tháng cuối cùng” này, chính là đoạn thời gian đặc biệt nhất của Khái Hưng. Và, như ta hay thấy, vào những thời điểm trớ trêu, những gì khó tin nhất lại xảy ra. Khái Hưng, một người cả đời gắn bó với anh em nhà Nguyễn Tường, sáu tháng cuối cùng lại chỉ có thể tìm được một người đồng chí rất đáng kinh ngạc: Nhượng Tống.

Trên tờ Chính nghĩa, hai chuyên mục rất đáng quan tâm nằm ở trang 3, “Người và việc”, đó là của Khái Hưng, và chuyên mục về các nhà cách mạng, ở trang 5, đó là của Nhượng Tống. Điều hết sức hi hữu đã xảy ra: một trưởng ban Tuyên truyền của Việt Nam Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học và một trưởng ban Tuyên truyền của Việt Nam Quốc dân đảng 1945 chung lưng lo liệu cho một tờ báo, và đó là một tờ báo tuyệt vọng. Tuyệt vọng và vĩ đại.

Như vậy, hai “trùm tuyên truyền” trong vòng sáu tháng đã sát cánh với nhau. Họ sát cánh trong sự đối đầu với “trùm tuyên truyền” của phía đối lập: đó là Trần Huy Liệu. Nhượng Tống không xa lạ với Trần Huy Liệu: Nam Đồng thư xã đã in sách của Trần Huy Liệu. Nhưng cả Khái Hưng dường như cũng vậy nốt: trong hồi ký của mình, Nguyễn Tường Bách nói một chi tiết nhỏ, dường như cho thấy Khái Hưng đã là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng từ trước 1930 (điều này xét cho cùng cũng không phải là không thể: trong bài báo đã trích ở trên đây, Thế Lữ cũng cho biết mình gia nhập Thanh Niên Cách mạng Đồng chí hội từ năm 1928), thậm chí Khái Hưng và Trần Huy Liệu còn quen nhau vì kết nạp đảng cùng ngày. Thu gọn lại, đến cuối cùng, cuộc đối đầu hoàn toàn có thể coi là xung đột giữa những người quen cũ; ta càng thấy, lịch sử văn chương và trí thức Việt Nam có nhiều câu chuyện bạn cũ đến mức độ nào. Dường như, cũng chính vì mối quan hệ ấy, Khái Hưng nghĩ mình sẽ được an toàn tính mạng; nếu nghĩ như vậy, Khái Hưng đã quá nhầm lẫn, như ta đã biết.

Khái Hưng chỉ còn lại một mình. Mười lăm năm sau đó, Nhất Linh cũng sẽ rơi vào tình cảnh một mình ấy. Nhìn quanh không còn lấy một người thân quen, không người đồng chí nào. Có lẽ, ở thời điểm 1963 ấy, Nhất Linh mới hiểu được Khái Hưng.

Bởi vì, Nhất Linh đã bị Khái Hưng vượt qua rất xa từ trước. Cuốn tiểu thuyết Băn khoăn (tức Thanh Đức) là thời điểm Khái Hưng tách khỏi Nhất Linh, khiến cho Nhất Linh không còn hiểu được nữa. “Ai cũng chết một mình”, đó là tên một cuốn tiểu thuyết của Hans Fallada, chết một mình, và đi một mình. Thời tiền chiến của văn chương Việt Nam có ba tiểu thuyết lớn, là Tố Tâm, Lan HữuThanh Đức (tức Băn khoăn), giờ đây tôi đã có thể nói rõ hơn: chúng là lớn bởi vì chúng tạo ra một vòng tròn đầy đủ, đi từ khởi đầu (Tố Tâm) đến đỉnh cao (Lan Hữu) và suy sụp (Thanh Đức). Khái Hưng là con người của sự kết thúc. Khái Hưng mới chính là một nhà cách mạng. Khái Hưng là nhà văn có làm cách mạng, nhưng chính bằng cách ấy, Khái Hưng lại là nhà cách mạng đích thực.

Trong hồi ký, Nguyễn Tường Bách khi kể lại lần cuối gặp Khái Hưng, đã viết một câu thật ra rất đúng: “Một nhà trí thức hiền từ đã biến thành một chiến sĩ kiên cường, bất khuất”.

Vòng tròn Tố Tâm-Lan Hữu-Thanh Đức lại giao cắt với một vòng tròn khác: Khái Hưng, Nhượng Tống và Dương Nghiễm Mậu làm nên một vòng tròn, vòng tròn của sự không bỏ đi. Tất cả đều chấp nhận ở lại. Cho nên, tuy khó tin đến đâu đi nữa, chuyện Khái Hưng và Nhượng Tống ở bên cạnh nhau trong đoạn cuối đời của Khái Hưng lại rất có lý. Có những khoảnh khắc lịch sử, chỉ sự ở lại mới làm nên được ý nghĩa. Và cũng rất có lý, khi Dương Nghiễm Mậu là người duy nhất, trong suốt bảy mươi năm vừa qua, hiểu được tầm quan trọng của văn chương Khái Hưng. Đủ tầm vóc thì mới nhìn được tầm vóc tương đương, hay nói một cách khác, họ ở trong cùng một vòng tròn, nên họ biết nhau. Khi làm được cho Lan Hữu quay trở lại, tôi đã gửi tặng Dương Nghiễm Mậu một bản. Có những khi may mắn, ta kịp thời gian làm một số việc, không để cho mọi sự quá chậm trễ.

Khái Hưng là một nhà cách mạng đích thực, một nhà cách mạng lớn, và điều sau đây, tôi nói với toàn bộ ý thức là tôi (lại) có thể gây nghi hoặc đến mức độ nào: linh hồn của Tự Lực văn đoàn, đó không phải Nhất Linh, mà đó chính là Khái Hưng. Năm xưa, chính Dương Nghiễm Mậu là người chỉnh lại để đưa nhận thức chung về chỗ đúng: Thanh Tâm Tuyền mới là linh hồn của Sáng Tạo, chứ không phải Mai Thảo như người ta tưởng. Giờ cũng đã đến thời điểm để làm điều tương tự với Tự Lực văn đoàn.


Kẻ sĩ nhìn nhau, có thể ngậm ngùi chứ không bao giờ để cho mình rơi vào thương xót. Thương xót thì đâu hiểu được nữa, mà cái chúng ta cần, rất cần, không phải nước mắt, mà là sự hiểu.

[tôi hết sức cảm tạ nhiều nhà sưu tầm đã cho phép tôi xem một số bộ sưu tập cá nhân và được sử dụng một số hình ảnh; một số trong đó giờ đây không còn nằm ở Việt Nam nữa]



liên quan đến Khái Hưng:


Khái Hưng vs Phạm Quỳnh
Khái Hưng viết về Hồ Hữu Tường
Văn chương miền Nam: Hồ Hữu Tường (2) Hà Nội
Khái Hưng dịch thơ Victor Hugo
Ngày 19 tháng Chạp năm 1946
Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính
những trở lại
Khái Hưng ngoài Phong hóaNgày nay
Vòng tròn Dương Nghiễm Mậu

Lan Hữu trở lại
Tiểu luận thứ ba về Tự Lực văn đoàn
Tự Lực: một sự nghiệp tuyệt đẹp
Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn

Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn
Đã
Lên, lên nữa, lên mãi
Vàng và máu: một vị trí
Phan Cự Đệ vs Khái Hưng
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Khái Hưng
Những câu chuyện rất là khác


24 comments:

  1. Chờ đợi mãi cái bổ đề cơ bản của anh. Cuối cùng thì cũng finally như được một nồi nước xông giải cảm. Sau cái này, có lẽ hàng tấn công việc mới đã được tạo ra cho những người còn chưa hề biết tới. Rất respect công việc anh làm và đặc biệt là cảm khái chứng kiến cái sự đúng hạn thì lên của cái bài có lẽ là dài tới 42.195km. Đúng là phải trung thực tới róc hết xương tủy mới có thể bước được đến với tận cùng cái hiểu. Khó quá :)

    ReplyDelete
  2. Sốc toàn tập

    ReplyDelete
  3. Vụ Ngũ Tử Tư, đọc rợn cả người :(

    ReplyDelete
  4. Tuyệt vọng và vĩ đại.

    ReplyDelete
  5. so với đám chập cheng khoe mẽ ngoài facebook thì blog này đem đến những thứ thật sự giá trị, cảm ơn anh

    ReplyDelete
  6. Cảm ơn anh Nhị Linh vì công bố tài liệu quý hiếm.

    Không biết sắp tới anh có dự định công bố một loạt số báo "Việt Nam" không ạ?

    ReplyDelete
  7. Quá tiếc, đây nên là quả mở đầu năm 2017 của blog :))

    ReplyDelete
  8. Đọc bài này xong lôi Cát bụi chân ai ra thì thấy "phong cách kể chuyện Tô Hoài" giống lão bà Iris trong The Blind Assassin phết. Bác cứ xếp lời hẹn với Lovecraft (đến giờ tôi mới đọc được Blood Meridian của McCarthy,nhân vật Judge Holden rõ ràng là Lovecraftian)vào hộc tủ cũng được nhưng làm ơn kéo cái vệt về mấy "vùng trắng" ra dài dài.

    ReplyDelete


  9. Blood Meridian tôi có từ lâu rồi mà vẫn chưa sờ vào, để đọc thử phát xem sao, nếu chưa đọc Boyhood và Youth của Coetzee thì bác nên thử, hay hơn mọi tiểu thuyết ông í từng viết

    ReplyDelete
  10. nghe "Chính nghĩa" thấy tò mò quá. các thứ tên báo cũng hay bị nhái lại?
    đây đã thành một cốt truyện non-fiction rồi.

    ReplyDelete
  11. tờ "Chính nghĩa" thế hệ mới về sau đổi thành "Người công giáo Việt Nam" hay sao nhỉ

    ReplyDelete
  12. Nói Sự thật là tờ Vệ tinh của Cứu Quốc là hoàn toàn không chính xác. Tờ Sự thật ra đời trong hoàn cảnh Đảng phải tuyên bố "tự giải tán" đồng nghĩa chấm dứt sự tồn tại của Cờ Giải phóng (tờ báo của Đảng ra mắt tháng 10/1942). Sự thật là tờ tiếp nối của Cờ Giải phóng và bản chất là cơ quan ngôn luận của Đảng (núp dưới Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mac). Còn Cứu Quốc là báo đoàn thể, khuynh hướng hoàn toàn khác.

    ReplyDelete
  13. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  14. tại sao không bao giờ anh thực sự hiểu được em nói gì thế?

    em không nói là "phụ trương", em nói là "vệ tinh", anh nên nghĩ trước "vệ tinh" nghĩa là gì đã chứ, anh là người biết rất nhiều về báo của đoạn này, lẽ ra anh phải chính là người nhìn ra những mối liên hệ đích thực giữa chúng chứ

    ví dụ nhé, tờ "Việt nữ" mà anh biết rất rõ, nếu đặt nó vào bối cảnh chung đoạn này, nó có thể là gì? đương nhiên nó cũng là một "vệ tinh" khác của Cứu quốc, nhưng ở mức độ liên quan rất khác so với mối quan hệ Cứu quốc-Sự thật, và những tờ như Việt nữ có nên nhắc đến khi câu chuyện liên quan chặt chẽ đến Khái Hưng không? tất nhiên là không: ta phải chọn cách nhìn và cách tiếp cận (ví dụ vậy)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khi gọi các tờ báo khác là vệ tinh của Cứu Quốc đồng nghĩa đã nâng địa vị của tờ Cứu Quốc lên sự bao trùm. Nhưng hồi này chưa có sự chỉ đạo thống nhất như vậy đâu. Đừng gọi tờ này là vệ tinh của tờ kia khi không có cơ sở nào khẳng định việc đó (cho dù có tránh dùng từ phụ trương). Việt Nữ chẳng chút liên hệ gì với Cứu Quốc hay Sự thật hoặc các tổ chức tương tự. Nó đơn giản chỉ là một tờ báo của một số nữ trí thức được ra mắt trong cái xu thế hào hứng thời đó. Chú đang xâu chuỗi các tờ báo giai đoạn này trong chuỗi tư duy của mình thôi.
      Anh stop tranh luận tại đây. Chú cứ nghĩ theo cách đó, không sao. Quan trọng là người khác cũng ít nhiều có thêm tư liệu qua bài viết này

      Delete
  15. tờ "Tự do" thì chuyển sang chỗ này:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2016/12/ngay-19-thang-chap-nam-1946.html

    nó không liên quan lắm đến ở đây

    ReplyDelete
  16. Cao Việt Dũng ơi, khỏe không. Cho mình mang cái nầy vô FB nhé. Nguyễn Đức Tùng.

    ReplyDelete
  17. vô số người đã "mang" (đã lấy)

    ReplyDelete
  18. Cháu tìm thấy lời chứng của Trần Khánh Triệu, cho thấy đến sau Tết năm 1947 thì Khái Hưng vẫn còn sống và gặp lại vợ con: "Rồi tết Đinh Hợi qua đi trong chán nản, kinh hoàng. Sau tết một thời gian tàu Pháp chạy dọc theo sông Hồng bắn phá dữ dội, trong làng đang rục rịch tản cư thì bất chợt, papa trở về. Một công an mang phù hiệu “Công an Thành Nam Định” hẳn hoi đi kèm. Trong lúc chờ nhà sửa soạn bữa cơm papa cho biết: “Bị bắt lên Trực Ninh, sau giải sang Lạc Quần, bị giam ở đó sợ lắm vì mỗi lần báo động oanh tạc chúng chạy hết còn tù thì xích chân lại cho ở trong đồn, cố ý mượn tay thằng Tây giết mình. Có lần tàu bay bắn phá may mà không sao. Hôm nay có lệnh giải đi nơi khác vì vùng này mất an ninh, nhưng không biết đi đâu.” Rồi papa hạ giọng: “Hôm trước nó hỏi về thằng Triệu con anh Tam, tôi có khai là nuôi nó từ bé, nó không biết anh Tam là ai cả.”

    Trong lúc papa ngồi ăn vội vã, tên công an vẫn lảo đảo ngoài hiên lừ lừ nhìn mọi người. Thấy me khóc nức nở hắn đến gần nói mấy câu: “Cứ yên tâm, sẽ có ngày về, chính sách chính phủ bao giờ cũng đại đoàn kết để kháng Pháp.”

    Ăn xong lên đường, tên Công An còn ngoảnh lại nói như máy:
    “Đến nơi sẽ có tin về nhà ngay, không sao cả, cứ yên tâm!”

    Nguồn ở đây ạ: http://www.diendantheky.net/2012/12/tran-khanh-trieu-papa-toa-bao.html

    ReplyDelete
  19. tất nhiên ai cũng sẽ đọc TKT thôi, nhưng tôi đã thu thập được không dưới mười lời chứng, không cái nào giống cái nào

    ReplyDelete
  20. Bác NL cho em hỏi bản in 1943 cuốn Thanh Đức không biết trong 43 cho đến lúc Khái Hưng mất có in lại lần này với cái tên Băn Khoăn ? Hay là sau này NL mở nhà in Phượng Giang rồi đổi tên tác phẩm, bản của Phượng Giang in 54 thì em thấy có thêm một đoạn nhỏ ở chương cuối sách còn 43 thì không có.

    ReplyDelete
  21. việc này quá rõ rồi còn gì: tên (và văn bản) của Phượng Giang là Nhất Linh (và là khi Khái Hưng đã chết), lần in trước (và khi Khái Hưng sống) tên như vậy, có thêm một tên (phụ) là "Tội lỗi"

    ReplyDelete