May 27, 2018

Walter Benjamin: Eduard Fuchs, nhà sưu tầm và sử gia

Nếu có ai tưởng sau mấy buổi thuyết trình vừa rồi, tôi đã kết thúc mục "đọc lý thuyết", thì người ấy nhầm, nhầm thê thảm. Thậm chí, xét về nhiều phương diện, bây giờ mới thức sự bắt đầu.

Walter Benjamin nghĩa là như thế nào? Nói một cách khác, "vague terms" trong tương quan với Benjamin có thể nằm ở đâu?

"Vague terms", trong cái nhìn của vô số người vào Walter Benjamin nằm ở chỗ sau đây: tưởng rằng Benjamin có ý nghĩa chủ yếu ở các chủ đề lớn. Tức là những gì chung chung, văn hóa, technique, nghệ thuật etc.

Điều đó sai. Benjamin đích xác thuộc về sự cụ thể. Cái nhìn của Benjamin không bao giờ vương sương khói mù mờ. Và ý nghĩa bất tuyệt của Walter Benjamin nằm ở chỗ, đó lại là một người (thật ra thuộc một tập hợp rất nhỏ) gọi tên những người đã bị lãng quên.








[sẽ còn viết tiếp đoạn "introduction"]





Eduard Fuchs, nhà sưu tầm và sử gia



I


Tác phẩm của Eduard Fuchs thuộc vào một quá khứ gần. Vậy nên xem xét tác phẩm ấy theo đường lối hồi cố, ta gặp phải các khó khăn mà mọi nỗ lực nhìn nhận một quá khứ như thế kéo theo. Ở đây vấn đề cùng lúc cũng là quá khứ gần của lý thuyết mác xít về nghệ thuật. Đó chính là một hoàn cảnh không tạo dễ dàng cho mọi chuyện. Bởi vì, khác với kinh tế học mác xít, lý thuyết đó còn chưa có lịch sử. Các bậc thầy, Marx và Engels, đã mới chỉ giao phó cho biện chứng duy vật một địa hạt rộng lớn nơi lý thuyết đó sẽ cần được áp dụng. Và những người đầu tiên bắt tay vào việc, một Plekhanov, một Mehring [không phải Mehring ởkia], đã chỉ nhận lời dạy của các thầy theo cách thức gián tiếp hoặc muộn màng. Truyền thống đi từ Marx tới Bebel, ngang qua Wilhelm Liebknecht [xem thêm ởkia], đã mang lại lợi ích lớn cho phương diện chính trị hơn nhiều so với cho phương diện khoa học của thuyết mác xít. Mehring đã lội qua quốc gia chủ nghĩa, rồi trường phái Lassalle; và khi ông nhập đảng, ở đó vẫn ngự trị, theo lời thú nhận của Kautsky, “về lý thuyết vẫn là một thuyết Lassalle ít nhiều thô thiển. Nếu ta bỏ ra ngoài vài nhân vật lớn riêng lẻ, ở đó hoàn toàn chẳng có gì của một tư tưởng mác xít lớn mạnh.” Mãi rất muộn, mãi đến cuối đời Engels thì Mehring mới có tiếp xúc với ông. Fuchs, về phần mình, đã gặp Mehring từ rất sớm. Mối quan hệ của họ đã khiến ta lần đầu tiên thoáng nhìn thấy một truyền thống nghiên cứu duy vật luận lịch sử trong lĩnh vực lịch sử tư tưởng. Nhưng trường công việc của Mehring, lịch sử văn chương, đã chỉ, trong tâm trí hai nhà nghiên cứu, có rất ít điểm chung với trường công việc của Fuchs. Khác biệt giữa hướng đi của họ còn lớn hơn nữa; quả thật, Mehring là một nhà bác học còn Fuchs là một nhà sưu tầm.

Có đủ mọi loại nhà sưu tầm; thêm nữa, ở mỗi người, cả một đống xung động hoạt tác. Ở tư cách nhà sưu tầm, trước hết Fuchs là một người tiên phong: ông là người tạo ra các lưu trữ thuộc loại duy nhất về lịch sử biếm họa, nghệ thuật tình dục và bảng lược đồ phong hóa. Nhưng một khía cạnh khác, bổ sung cho khía cạnh đầu tiên, quan trọng hơn: chính với tư cách người tiên phong mà Fuchs đã trở thành nhà sưu tầm. Cần phải nói rõ thêm là tư cách người tiên phong trong nghiên cứu duy vật về nghệ thuật. Nhưng điều khiến nhà duy vật luận ấy trở thành một nhà sưu tầm là cảm giác ít nhiều rõ rệt về thế lịch sử trong đó ông thấy mình được đặt vào. Thế đó là thế của bản thân duy vật luận lịch sử.

Nó được hé lộ trong một bức thư mà Friedrich Engels gửi cho Mehring, vào đúng thời điểm Fuchs, tại một văn phòng dành cho biên tập bộ của phái xã hội, giành được những thắng lợi đầu tiên của ông trong vai trò nhà báo. Bức thư này viết ngày 14 tháng Bảy năm 1893 và nói, ngoài các điều khác, điều sau đây: “Trước hết chính cái vẻ bên ngoài đó của một lịch sử tự trị về các hiến pháp, về các hệ thống luật định, về các trình hiện ý luận tại mỗi địa hạt đặc thù, làm quáng mắt phần lớn người ta. Khi Luther và Calvin “vượt qua” Thiên chúa giáo chính thức, khi Hegel “vượt qua” Fichte và Kant, khi Rousseau, với Khế ước xã hội của mình, theo cách gián tiếp “vượt qua” Montesquieu, con người theo thuyết lập pháp, thì đó là một tiến trình vẫn ở lại trong khuôn khổ của thần học, của triết học, của khoa học chính trị, nó trình hiện một đoạn trong lịch sử những lĩnh vực của tư tưởng ấy và chẳng hề đi ra ngoài khuôn khổ kia. Và kể từ khi ảo tưởng bourgeois về vĩnh cửu và về tính cách chung quyết của sản xuất tư bản được thêm vào đó nữa, ngay sự vượt qua các nhà trọng thương bởi các nhà trọng nông và Adam Smith trông cũng như một chiến thắng đơn giản của tư tưởng: cho nhận biết đúng rốt cuộc cũng đạt được về các điều kiện sự biến vốn dĩ tồn tại khắp nơi và mọi lúc, chứ không phải cho phản ánh trí năng của một biến đổi các sự kiện kinh tế.”

Engels đối lập với hai điều; với thói quen, trong lịch sử tư tưởng, trình bày một tín điều mới như “sự phát triển” từ một tín điều trước đó, một trường phái văn chương mới như “phản ứng” với một trường phái trước đó, một phong cách mới như “sự vượt qua” một phong cách cũ hơn; nhưng một cách ngầm ẩn, hiển nhiên ông cũng đối lập với cái thói trình bày những tác phẩm nào đó theo đường lối độc lập khỏi hành động của chúng lên con người và khỏi tiến trình sản xuất vừa có tính cách trí năng vừa có tính cách kinh tế trong đó con người tham gia. Cùng lúc, lịch sử tư tưởng với tư cách lịch sử các hiến pháp chính trị hoặc các môn khoa học về tự nhiên, về tôn giáo hay nghệ thuật, bị phá hủy. Nhưng lực bùng nổ của suy nghĩ này, mà Engels đã nuôi lớn bên trong ông trong vòng nửa thế kỷ, đi xa hơn nhiều. Nó đặt lại thành vấn đề bản thân hàng rào của những địa hạt ấy cùng các tác phẩm của chúng. Như vậy, nó đặt lại thành vấn đề, trong những gì liên quan đến nghệ thuật, sự đóng kín của nó cũng như sự đóng kín của các tác phẩm mà khái niệm của nó làm ra vẻ bao gồm. Đối với người nào quan tâm đến chúng với tư cách nhà biện chứng lịch sử, những tác phẩm đó nhập chung tiền sử của chúng và vận mệnh của chúng - một vận mệnh mà chiểu theo đó tiền sử của chúng lộ ra là cả nó cũng tuân phục trước các thay đổi không ngừng. Chúng nói cho anh ta bằng cách nào chức năng của chúng đủ khả năng sống sót sau người sáng tạo ra chúng và tự giải phóng khỏi các ý hướng của người ấy; bằng cách nào sự đón nhận bởi những người đương thời là một khía cạnh của ảnh hưởng mà tác phẩm nghệ thuật ngày nay thực thi lên chúng ta, và bằng cách nào ảnh hưởng ấy không chỉ đặt trên sự gặp với tác phẩm, mà còn với lịch sử đã cho phép nó đến được với chúng ta. Goethe đã nói lên điều đó, theo cách thức mờ ảo như vẫn thường hay vậy, vào lúc, nhắc tới Shakespeare với chưởng ấn quan von Müller, ông nói: “Mọi thứ gì từng gây một hiệu ứng lớn đều không thể, nói cho đúng, được coi trọng nữa.” Hẳn không lời nào tốt hơn nhằm khơi dậy nỗi lo lắng vốn dĩ là khởi đầu cho mọi tiếp cận lịch sử xứng đáng được gọi là biện chứng. Nỗi lo về phía sự đòi hỏi, mà nhà nghiên cứu phải tuân phục, phải rời bỏ thái độ thanh thản, mang tính cách chiêm ngưỡng, đối với đối tượng của anh ta, để có thức nhận về chùm phê phán trong đó một mẩu quá khứ nào đó bước vào, cùng hiện tại nào đó. “Sự thật không có chân để bỏ chạy trước chúng ta” - câu này, của Gottfried Keller [xem ởkia], chỉ ra, trong quan niệm sử luận về lịch sử, địa điểm chính xác nơi duy vật luận lịch sử tiến đánh. Bởi chính một hình ảnh bất khả chiêu hồi của quá khứ có nguy cơ tan biến đi mất với mỗi hiện tại đã không tự công nhận là mình bị nó nhắm vào.

Càng suy nghĩ thêm về các câu của Engels, ta càng thấy rõ hơn rằng mọi trình bày biện chứng về lịch sử đều có một cái giá: cần phải cự tuyệt sự chiêm ngưỡng, đặc trưng của sử luận. Sử gia duy vật luận bị buộc phải từ bỏ yếu tố anh hùng ca của lịch sử. Đối với anh ta cái lịch sử đó trở thành đối tượng cho một xây dựng mà nơi chốn không phải thời gian rỗng, mà là một thời kỳ, một cuộc đời, một tác phẩm, thảy đều xác định. Anh ta làm tan vỡ “sự liên tục lịch sử” đã bị vật hóa nhằm cô lập ở đó một thời kỳ nào đó, một thời kỳ nhằm cô lập ở đó một cuộc đời cá thể, tác phẩm của một cuộc đời nhằm cô lập ở đó một tác phẩm nào đó. Nhưng, nhờ sự xây dựng kia, anh ta thu nhặt và lưu giữ được trong tác phẩm đặc biệt tác phẩm của một cuộc đời, trong tác phẩm của một cuộc đời thời kỳ và trong thời kỳ toàn bộ dòng chảy của lịch sử.

Sử luận bày ra hình ảnh vĩnh cửu của quá khứ, còn duy vật luận lịch sử thì một kinh nghiệm lần nào cũng là đặc biệt với nó, kinh nghiệm duy nhất. Hóa ra việc thay thế yếu tố xây dựng vào chỗ yếu tố anh hùng ca là một điều kiện cho kinh nghiệm ấy. Nó giải phóng các lực rất lớn mà cái câu “Ngày xửa ngày xưa” của sử luận trói buộc. Đưa vào vận hành kinh nghiệm của lịch sử, thứ, đối với mỗi hiện tại, là một kinh nghiệm uyên nguyên - đó là công việc của duy vật luận lịch sử. Nó hướng tới một ý thức về hiện tại làm tan vỡ tính liên tục của lịch sử.

Duy vật luận lịch sử hình dung sự hiểu lịch sử như một cuộc đời thứ hai của những gì đã được hiểu, mà các xung động vẫn còn được cảm nhận cho đến tận trong hiện tại. Một sự hiểu như thế có vị trí nơi Fuchs; nhưng vị trí này chẳng phải là không bị bàn cãi. Ta thấy, ở ông, một trình hiện cũ, mang tính cách tín điều, ngây thơ của sự tiếp nhận, bên cạnh một trình hiện mới và có tính cách phê phán. Trình hiện thứ nhất có thể được tóm tắt vào sự khẳng định rằng hẳn phải có tính cách quyết định, đối với sự đọc một tác phẩm của chúng ta, sự đón nhận mà nó từng tìm được nơi những người cùng thời với nó. Đây là sự tương đồng chính xác với câu sau đây của Ranke: “Bằng cách nào mà mọi sự lại thực sự trôi qua”, “câu hỏi duy nhất”, theo ông, thực sự quan trọng. Bên cạnh cái đó, ta thấy, không trung gian, ý thức biện chứng, mở ra chân trời rộng nhất, của biểu nghĩa một lịch sử của sự tiếp nhận. Fuchs phàn nàn rằng lịch sử nghệ thuật không đặt ra vấn đề thành công. “Sự bỏ lơ này là […] một thiếu sót của toàn bộ […] nghiên cứu nghệ thuật của chúng ta… Tuy nhiên, việc làm sáng tỏ những nguyên nhân đích thực của thành công ít nhiều lớn của một nghệ sĩ, của độ dài thành công của anh ta hoặc sự vắng mặt của nó, đối với tôi dường như là một trong các vấn đề quan trọng nhất […] liên quan đến nghệ thuật.” Mehring nhìn mọi điều theo cùng cách thức; Lessing-Legende của ông có điểm xuất phát là sự phân tích nhà văn ấy [Lessing] nơi Heine và Gervinus, Stahr và Danzel, rồi rốt cuộc là nơi Erich Schmidt. Cũng không phải là một sự tình cờ khi, không lâu sau đó, ta đã thấy xuất hiện nghiên cứu, đáng coi trọng, nếu không phải bởi phương pháp của nó thì ít nhất cũng vì nội dung của nó, Die Genesis des Ruhmes của Julian Hirsch. Thế nhưng, cũng chính vấn đề này khiến Fuchs bận tâm. Giải pháp cho nó mang tới một tiêu chí thuộc tầng mà duy vật luận lịch sử đạt đến. Nhưng điều đó không cho phép coi nhẹ một điều khác: giải pháp vẫn còn chưa tới. Cần phải, ngược lại, không ngượng ngùng mà công nhận rằng ta đã hiếm khi nắm bắt được hàm lượng lịch sử của một tác phẩm nghệ thuật, theo cách thức sao cho nó trở nên trong suốt hơn với tư cách tác phẩm nghệ thuật. Mọi toan tính tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật sẽ vẫn cứ là vô vọng, chừng nào hàm lượng lịch sử sáng suốt của nó còn chưa được đạt tới bởi nhận biết biện chứng. Đó mới chỉ là sự thật đầu tiên trong số các sự thật dùng làm sợi chỉ dẫn đường dẫn đến tác phẩm của nhà sưu tầm Eduard Fuchs. Những bộ sưu tập của ông là câu trả lời của người thực hành cho các hao hổng của lý thuyết.




II


Fuchs sinh năm 1870. Gia đình ông không hướng ông về phía một sự nghiệp học giả. Và mặc cho toàn bộ sự uyên bác mà ông thu hái được trong đời, chưa bao giờ ông khoác lên mình một thái độ điển hình của nhà bác học. Hành động của ông đã luôn luôn trào khỏi cái khuôn được ấn định nơi chân trời của nhà nghiên cứu. Điều đó vừa đúng đối với công việc nhà sưu tầm của ông lại vừa đúng với hoạt động chính trị của ông. Fuchs bước vào cuộc đời hoạt động quãng giữa thập niên 80 của thế kỷ 19. Đó là thời của luật chống chủ nghĩa xã hội của Bismarck. Vị trí thợ học việc khiến Fuchs tiếp xúc với những người vô sản chăm chú với chính trị, và rất sớm ông bị họ lôi kéo vào cuộc tranh đấu - ngày nay nó có nhiều dáng vẻ điền viên - của những người mà khi ấy người ta hay gọi là “những kẻ hội kín”. Những năm học việc đó kết thúc vào 1887. Vài năm sau, cơ quan ngôn luận của những người dân chủ-xã hội Bavaria, tờ Münchener Post, mời kế toán viên trẻ tuổi Fuchs, lúc ấy đang làm việc tại một nhà in Stuttgart; người ta tưởng đâu tìm được nơi ông một người đủ khả năng xử lý các vấn đề quản lý tờ báo đó. Fuchs bèn đi Munich để làm việc bên cạnh Richard Calver.

Trong tòa nhà của Münchener Post cũng có luôn trụ sở của một tờ báo chuyên châm biếm chính trị của phe xã hội, Süddeutscher Postillon. Sự tình cờ muốn rằng Fuchs sẽ tạm thời đảm nhiệm việc lên trang cho một số Postillon và lấy vài thứ ông tự viết trám vào những chỗ trống. Thế nhưng, thành công của số báo ấy thật bất thường. Cùng năm đó, cũng ra, với nhiều tranh minh họa màu - loại báo có minh họa màu đang ở thời điểm khởi đầu - số tháng Năm của tờ ấy, do Fuchs thực hiện. Người ta bán được sáu mươi nghìn bản của số này, so với hai nghìn năm trăm trung bình hằng năm. Đùng một cái, Fuchs trở thành tổng biên tập của một tờ báo chuyên đả kích chính trị. Cùng lúc ông quan tâm tới lịch sử lĩnh vực hoạt động của ông, và chính bằng cách đó, bên cạnh công việc thường nhật, ông thực hiện các nghiên cứu có hình ảnh minh họa về năm 1848 trong tấm gương của biếm họa và về vụ việc Lola Montez có tầm vóc Nhà nước. Chính đó, khác với những cuốn sách lịch sử có minh họa làm ra bởi các họa sĩ còn sống (chẳng hạn những cuốn sách rất ăn khách về cách mạng do Wilhelm Blos phụ trách phần lời và dùng tranh vẽ của Jentsch), là các tác phẩm lịch sử đầu tiên bao gồm những hình ảnh tài liệu. Theo lời đề nghị của Harden, Fuchs đích thân viết bình luận cuốn thứ hai trong loạt đó đăng trên tờ Zukunft, chẳng phải là không nhận ra đó chỉ là một mẩu nhỏ của công việc quan trọng hơn mà ông có ý định cống hiến cho nghệ thuật biếm họa ở các dân tộc châu Âu. Một chuyến ở tù mười tháng, cái án mà ông phải nhận do phạm tội khi quân qua con đường báo chí, hết sức có ích cho các nghiên cứu thực hiện nhằm đến cuốn sách kia. Ông thấy hiển nhiên rằng ý tưởng rất hay. Một người nào đó tên là Hans Kraemer, có chút kinh nghiệm trong việc làm ra những cuốn sách giáo khoa có minh họa, tìm đến Fuchs và thông báo là mình đang soạn một lịch sử biếm họa; ông ta đề xuất hai bên chung sức làm một tác phẩm. Nhưng mãi không thấy các đóng góp của ông ta đâu. Và rất sớm sủa, chuyện đã rõ là Fuchs sẽ phải một thân một mình đảm trách tổng thể công việc rất đáng kể ấy. Tên của người cộng tác kia, vẫn còn xuất hiện trên trang nhan đề lượt in đầu của cuốn sách về biếm họa, đã biến mất khỏi ấn bản nhì. Nhưng Fuchs đã chứng tỏ được một cách xuất sắc cả khả năng làm việc lẫn sự làm chủ đề tài. Đó là khởi đầu xê ri dài những cuốn sách lớn của ông.

Khởi đầu của Fuchs trùng hợp với cái thời của, như tờ Neue Zeit nói, một “sự tăng trưởng hữu cơ” khiến “không ngừng làm lớn lên thân cây đảng dân chủ-xã hội, hết vòng tròn này đến vòng tròn khác”. Từ đó mà có các nhiệm vụ mới cho công việc giáo dục của đảng. Các khối quần chúng công nhân càng dồn tới, đảng lại càng bớt có thể hài lòng với việc cung cấp cho họ một sự hướng dẫn về chính trị và khoa học, một sự phổ biến của lý thuyết thặng dư và lý thuyết về di truyền. Vậy nên trong các chương trình hội nghị của đảng cũng như trên các trang văn chương của báo chí đảng cần phải thêm cả sự đào tạo lịch sử nữa. Tức là, đã đặt ra trong toàn bộ độ rộng, vấn đề “phổ biến kiến thức khoa học”. Nó đã không được giải quyết. Vả lại, chẳng thể sáp được lại gần giải pháp chừng nào người ta hình dung đối tượng của công việc đào tạo đó theo các khái niệm “công cộng” chứ không phải “giai cấp”. Nếu người ta đã nhắm tới giai cấp, công việc đào tạo của đảng hẳn chẳng bao giờ có thể mất tiếp xúc với các nhiệm vụ chính trị của duy vật luận lịch sử. Được canh tác bởi biện chứng mác xít, chất liệu lịch sử hẳn đã trở nên một mảnh đất màu mỡ cho hạt mầm mà hiện tại gieo xuống đó. Chuyện đã không như vậy. Trước khẩu hiệu “Công việc và đào tạo”, theo đó các hiệp hội của Schultze-Delitzsch, vốn dĩ hết sức thờ phụng Nhà nước, đã đưa vào vận hành việc đào tạo công nhân, phái dân chủ-xã hội đặt đối lập khẩu hiệu của mình, “Hiểu biết tức là quyền lực”. Nhưng nó không tri nhận được sự mù mờ ở đó. Nó tưởng đâu cùng thứ hiểu biết từng củng cố vững chắc sự thống trị bourgeois đối với giới tư sản hẳn sẽ cho phép giới vô sản thoát thân khỏi sự thống trị đó. Trên thực tế, một hiểu biết không mở được lối vào nào cho thực hành và chẳng dạy được gì cho giới vô sản với tư cách giai cấp về thế của nó, là vô hại đối với những kẻ áp bức nó. Điều này đặc biệt đúng với các môn khoa học con người. Chúng vẫn ở quá xa kinh tế học, và sự đảo lộn xảy tới trong lĩnh vực đó chẳng gây hệ quả nào lên chúng. Trong cách thức xử lý chúng, người ta chỉ hài lòng với việc “kích thích”, với việc “thay đổi ý tưởng”, với việc “khơi lên mối quan tâm”. Người ta biến lịch sử trở nên gây lãng trí nhiều hơn, và kết quả là “lịch sử của văn hóa”. Chính ở đây tác phẩm của Fuchs tìm được vị trí: sự lớn lao của nó nằm trong phản ứng của nó trước cái thế ấy; tính cách gây vấn đề của nó, ngược lại, nằm trong sự kiện nó dự phần vào chính thế ấy. Ngay từ đầu, Fuchs đã nhắm tới một công chúng mass.

Thời đó, rất hiếm người hiểu thực sự thì công việc đào tạo duy vật luận có tính cách quyết định đến mức nào. Toàn những niềm hy vọng và còn nhiều hơn thế nữa, các e ngại, của thiếu số ấy, được diễn đạt trong một cuộc tranh luận mà ta tìm được các dấu vết trên tờ Die Neue Zeit. Dấu vết quan trọng hơn cả trong số đó là một bài báo của Korn mang tên “Giới vô sản và chủ nghĩa cổ điển”. Nó bàn về khái niệm di sản, khái niệm lại trở nên quan trọng vào thời của chúng ta. Theo Korn, Lassalle thấy trong chủ nghĩa lý tưởng Đức một di sản do giai cấp công nhân đảm trách. Nhưng về vấn đề này Marx và Engels có một quan niệm khác so với Lassalle. “Không phải là từ […] một di sản mà họ đã suy diễn được vị trí vượt trội về mặt xã hội của giai cấp công nhân, mà là từ vị thế có tính cách quyết định trong bản thân tiến trình sản xuất. Vả lại người ta đâu có cần nói tới một sự sở hữu, dẫu nó có tính cách trí năng […], trong trường hợp một kẻ mới mẻ giống như giới vô sản hiện đại, cái giới khẳng định “quyền” của mình mỗi ngày và mỗi giờ […] bằng lao động của mình, nó không ngừng tái sản xuất tổng thể bộ máy văn hóa […]. Tức là, trong mắt Marx và Engels, sự hoàn thành của lý tưởng văn hóa kiểu Lassalle, triết học tư biện, chẳng hề có gì của một điều thiêng liêng, […] và càng lúc, cả hai đã cảm thấy bị thu hút về phía các môn khoa học tự nhiên […] chúng, quả thật, đối với một giai cấp mà tư tưởng nằm ở chỗ vận hành, có thể được xem như khoa học một cách ngắn gọn, hoàn toàn giống, đối với giai cấp thống trị và sở hữu, lịch sử tạo lập hình thức nào đó cho ý luận của nó […] Quả thật, lịch sử trình hiện đối với ý thức phạm trù sở hữu, hoàn toàn giống, trong kinh tế học, tư bản trình hiện sự thống trị thực thi lên lao động quá khứ.”

Phê phán ấy lên sử luận có trọng lượng của nó. Đối lại, sự quy chiếu của nó lên các khoa học tự nhiên - “khoa học một cách ngắn gọn” - cho phép hướng đến trong tổng thể của nó sự gây vấn đề đầy hung hiểm của giáo dục. Uy thế của các môn khoa học tự nhiên từng thống trị cuộc tranh luận kể từ Bebel. Cuốn sách chính yếu của ông, Die Frau und der Sozialismus đã đạt, trong vòng ba mươi năm phân cách ấn bản đầu của nó với tác phẩm của Korn, lượng ti ra 200.000 bản. Bebel không chỉ coi trọng các khoa học tự nhiên bởi sự chính xác toán học của những kết quả của chúng, mà nhất là vì các áp dụng thực hành của chúng. Sau đó chúng sẽ có một chức năng tương đồng nơi Engels, vào lúc ông nghĩ đến việc phản bác hiện tượng luận của Kant [tức là không phải hiện tượng luận Husserl] bằng cách dẫn chiếu về kỹ thuật, thứ hẳn cho thấy, thông qua những thành công của nó, rằng chúng ta biết các “vật tự nó”. Các khoa học tự nhiên - ở Korn là khoa học một cách ngắn gọn - trước hết được bày ra với tư cách nền móng cho kỹ thuật. Thế nhưng, kỹ thuật rõ ràng đâu phải một dữ kiện có tính cách khoa học thuần túy, mà còn là một dữ kiện lịch sử. Với tư cách như vậy, nó buộc chúng ta phải xem xét lại sự phân chia có tính cách thực chứng, chứ không phải biện chứng, mà người ta đã toan tính tạo ra giữa các môn khoa học tự nhiên và các khoa học con người. Những câu hỏi mà nhân loại đặt cho tự nhiên được điều kiện hóa, ngoài các điều khác, bởi mức sản xuất. Chính đây là điểm thực chứng luận thất bại. Trong sự phát triển của kỹ thuật, nó đã chỉ có thể nhìn thấy các tiến bộ của những môn khoa học tự nhiên, chứ không thấy những thoái triển của xã hội. Nó đã chỉ nhìn thấy rằng sự phát triển ấy đã được điều kiện hóa, theo cách thức tất định, bởi chủ nghĩa tư bản. Cũng vậy, các nhà thực chứng luận trong số những lý thuyết gia dân chủ-xã hội đã chỉ nhìn thấy cùng sự phát triển đó lúc nào cũng biến trở nên bấp bênh hơn hành động nhờ đó giới vô sản phải, theo cách thức mỗi lúc một cấp bách thêm, chiếm lĩnh kỹ thuật ấy. Họ hiểu biết rất kém khía cạnh tàn phá của sự phát triển kia, bởi vì họ không hay biết khía cạnh tàn phá của biện chứng.

Một chẩn đoán là cần thiết, nhưng bắt phải chờ lâu. Một hiện tượng đặc trưng của thế kỷ vừa qua đã được ghi dấu bằng cách ấy: tai nạn xảy tới trong sự tiếp nhận kỹ thuật. Nó được định nghĩa bởi một loạt đà thường trực được đổi mới, chúng, không có ngoại lệ, toan quên đi rằng, trong xã hội này, kỹ thuật chỉ duy nhất dùng để sản xuất các hàng hóa. Với thứ thơ ca công nghiệp của mình, những người Saint-Simon khởi đầu; theo sát gót là thực tại luận của một Du Camp, người nhìn thấy nơi đầu máy xe lửa nữ thánh của tương lai; về phía cuối hàng người, ta thấy Ludwig Pfau: “Hoàn toàn là vô tích sự, ông viết, việc trở thành thiên thần, và các đường sắt đáng giá hơn nhiều so với cặp cánh đẹp nhất!” Đó là cách thức người ta từng dùng để nhìn kỹ thuật trên tờ Gartenlaube. Nhân dịp này ta có thể tự hỏi “sự ủy mị” mà giới bourgeois của thế kỷ này từng được hưởng phải chăng có được là nhờ sự thỏa mãn câm lặng vì đã chẳng bao giờ phải biết đến tiến hóa được hứa cho các lực lượng sản xuất nằm trong tay họ. Và quả thật, kinh nghiệm đó đã được gìn giữ vào thế kỷ tiếp sau. Nó sẽ thấy tốc độ của các phương tiện giao thông, khả năng của những thứ máy móc tái tạo lời nói và chữ viết vượt quá các nhu cầu. Những thứ năng lượng được sử dụng bởi kỹ thuật quá ngưỡng ấy có tính cách tàn phá. Trước hết chúng tạo dễ dàng cho kỹ thuật phục vụ chiến tranh và sự chuẩn bị nó thông qua báo chí. Ta có thể nói về sự phát triển đó, hoàn toàn nối liền vào với một giai cấp, rằng nó đã được thực thi mà thế kỷ vừa qua chẳng hề hay biết. Nó đã chưa có ý thức về các năng lượng tàn phá của kỹ thuật. Nhất là điều này đúng đối với phái dân chủ-xã hội ở thời điểm chuyển thế kỷ. Tuy nó từng đối lập, đây đó, với những ảo tưởng của thực chứng luận, nhưng nhìn chung nó vẫn bị cầm tù trong đó. Trong mắt nó, quá khứ, một lần là xong, bị nhốt vào kho chứa đồ của hiện tại; nếu tương lai lưu giữ từ lao động, sự dồi dào của thu hoạch là một điều chắc chắn.




III


Chính vào giai đoạn ấy Eduard Fuchs được đào tạo và tác phẩm của ông đã giữ từ đó một số nét chính yếu. Để dùng một công thức, tác phẩm ấy dự phần vào văn hóa. Điều này nằm trong quy chiếu với văn bản của Engels đã trích ở trên. Hẳn ta có thể nghĩ ở đây vấn đề là locus classicus, thứ định nghĩa duy vật luận lịch sử với tư cách lịch sử của văn hóa. Chẳng phải đó là nghĩa đúng của đoạn kia, đấy ư? Các nghiên cứu của nhiều bộ môn khác nhau mà sự đóng kín vẻ ngoài kể từ bấy đã cho thấy là đầy ảo tưởng, chẳng phải sẽ hợp lưu với nghiên cứu lịch sử của văn hóa được hình dung như là cuộc kiểm kê mà nhân loại đã tạo dựng cho tới thời của chúng ta, đấy ư? Thật ra, đặt vấn đề như vậy hẳn sẽ quay trở lại việc thay thế nhiều đơn vị gây vấn đề mà lịch sử tư tưởng tập hợp (lịch sử văn chương và nghệ thuật, lịch sử luật hay tôn giáo), bằng một đơn vị mới, đơn vị gây nhiều vấn đề hơn cả. Sự cô lập các nội dung mà lịch sử của văn hóa bày ra là, đối với sử gia duy vật luận, ảo tưởng và hé lộ một ý thức lầm lạc. Anh ta giữ thái độ e dè về phía nó. Sự kiểm tra giản đơn bản thân quá khứ hẳn sẽ biện minh cho một tư thế như vậy; quả thật, toàn bộ nghệ thuật và toàn bộ khoa học mà cái nhìn của nó bao quát được có một nguyên ủy mà nó chẳng thể chiêm ngưỡng mà không thấy hãi hùng. Chúng có được là do, không chỉ nỗ lực của các thiên tài lớn đã tạo ra chúng, mà, ở nhiều độ đa dạng, do vô số hoạt động cỏ vê của những người đương thời với chúng. Không tồn tại lời chứng nào về văn hóa không cùng lúc là một lời chứng về dã man [x]. Chưa từng có lịch sử văn hóa nào ghi nhận được cái điều nền tảng này và gần như không thể hy vọng làm được điều đó.

Tuy nhiên, điều cốt yếu không nằm ở đó. Nếu, đối với duy vật luận lịch sử, khái niệm văn hóa gây vấn đề, thì việc làm phân rã nó thành một tổng thể những tài sản [hàng hóa] mà nhân loại là chủ sở hữu lại là một ý bất khả. Trong mắt nó, tác phẩm của quá khứ chưa hoàn thành. Vào thời nào đi nữa thì nó cũng không thấy tác phẩm rơi vào tay mình dưới một hình thức cụ thể và có thể nhào nặn, dẫu chỉ theo từng phần một. Vốn dĩ là tinh chất của các cấu trúc được xem xét một cách độc lập, nếu không phải thuộc tiến trình sản xuất chúng thì ít nhất cũng thuộc tiến trình nhờ đó chúng được kéo dài, khái niệm văn hóa đối với nó luôn luôn mang một đường nét vật thờ [fétiche/fetish: nếu muốn hiểu sâu sắc tốt nhất cf. Lukács, đặc biệt khi Lukács phê phán Heidegger và Sartre]. Văn hóa như thể bị vật hóa. Hẳn lịch sử của nó chỉ còn là sự lắng đọng của các sự kiện đáng nhớ, được tập hợp lại trong thiếu vắng mọi kinh nghiệm chân thực, nghĩa là có tính cách chính trị.

Vả lại, ta không thể quên rằng còn chưa có nghiên cứu lịch sử dựa trên lịch sử văn hóa nào thoát khỏi vấn đề này. Điều đó đập ngay vào mắt trong Lịch sử Đức lớn của Lamprecht mà tờ Neue Zeit, vì những lý do rất dễ hiểu, đã nhiều lần bàn đến. “Trong số các sử gia bourgeois, Mehring viết, ta biết Lamprecht là người đã xích lại gần duy vật luận lịch sử hơn cả.” Nhưng “Lamprecht đã dừng lại ở giữa đường. […] Mọi khái niệm về phương pháp lịch sử […] dừng khi Lamprecht muốn xử lý tiến hóa kinh tế và văn hóa theo một phương pháp định sẵn, nhưng lại thu thập về tiến hóa chính trị cùng giai đoạn từ những gì mà các sử gia khác đã viết.” Chắc chắn, đặt lịch sử văn hóa dựa trên lịch sử thực dụng là một điều phi lý. Nhưng vẫn còn có thứ phi lý hơn nữa: một lịch sử biện chứng về văn hóa, bởi, trong continuum của lịch sử bị biện chứng phá tan hoang, chẳng phần nào bị tàn hủy sâu sắc hơn so với cái mà người ta gọi là văn hóa.

Nói ngắn gọn, lịch sử của văn hóa chỉ có vẻ như là một bước tiến của nhận thức, chứ, ngay chỉ ở vẻ ngoài, không phải một bước tiến của biện chứng. Quả thật ở nó thiếu đi khía cạnh tàn phá vốn dĩ đảm bảo cho tính chân thực vừa của suy tư biện chứng lại vừa của kinh nghiệm của nhà biện chứng. Chắc rồi, lịch sử văn hóa làm tăng thêm gánh nặng những kho báu dồn tụ lại trên lưng nhân loại. Nhưng nó không truyền sang sức mạnh nhằm trút những thứ ấy xuống để có thể cầm trên tay. Cũng tương tự vậy đối với công việc đào tạo chủ nghĩa xã hội ở thời điểm chuyển thế kỷ, mà lịch sử văn hóa là chìa khóa.




IV


Đó là hậu cảnh trên đó nổi bật lên công tua lịch sử của tác phẩm Fuchs.



(còn nữa)


NB. đã xong bài Dương Nghiễm Mậu: Sợi tóc tìm thấy




Buổi thuyết trình thứ ba (và cuối cùng)
Albert Thibaudet: Sinh lý học phê bình
École de Genève (buổi thuyết trình thứ hai)
Jean Starobinski: "Quan hệ phê bình" (tài liệu cho buổi thuyết trình thứ hai)
École de Genève (buổi thuyết trình thứ nhất)
Jean Rousset: Văn chương thời kỳ baroque ở Pháp
Georges Poulet: La Poésie éclatée. Baudelaire/Rimbaud
Về Barthes
Barthes, Flaubert, Proust
Một người lãng mạn (Heinrich Heine)
Gaston Bachelard: Nước và các giấc mơ
Hugo Friedrich: Cấu trúc thơ hiện đại
Gaston Bachelard: Không khí và mộng
Roger Caillois về Montesquieu
Roland Barthes: "Sociologie và socio-logique"
Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal
Thơ Mới: cấu trúc
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nghiên cứu văn học: con đường lý thuyết
Nhìn lại lý thuyết


14 comments:

  1. có cái vague terms nói hoài vậy

    ReplyDelete
  2. Hình như chỉ có một mình anh nói cho em cái đẹp của tính chất bấp bênh, lênh đênh, sớm nở tối tàn

    ReplyDelete
  3. sao bác không trích mấy câu hay hay của mỗi tác giả lớn một ít để làm thành cuốn sách, loại này thiết thực mà lại phù hợp với thời gian eo hẹp hiện nay

    ReplyDelete
  4. tiếp tục

    bắt đầu rất gay cấn

    ReplyDelete
  5. 'tai nạn xảy tới trong sự tiếp nhận kỹ thuật. Nó được định nghĩa bởi một loạt đà thường trực được đổi mới, chúng, không có ngoại lệ, toan quên đi rằng, trong xã hội này, kỹ thuật chỉ duy nhất dùng để sản xuất các hàng hóa.' - nhưng với và ở 1 'giai cấp' đặc thù đến nỗi ngay cả loại 'tai nạn' đó cũng ko xảy ra nổi, người ta buộc phải nghĩ rằng đầu óc duy vật biện chứng pháp cho lịch sử đã bị ideological paradigm bịt mắt dẫn đi mất.

    ReplyDelete
  6. hoàn cảnh đặc thù có là như thế nào thì biện chứng và kỹ thuật (nhìn bằng biện chứng - vả lại làm gì có cách nhìn nào khác) vẫn tàn phá, thậm chí tàn phá hết sạch, phải lúc đó thì mới có thể hình dung văn hoá chính là cặn

    cũng như khái niệm chẳng là gì khác ngoài cặn của ẩn dụ (cứt chim rơi xuống đất) (Nietzsche)

    ReplyDelete
  7. 'Bebel không chỉ coi trọng các khoa học tự nhiên bởi sự chính xác toán học của những kết quả của chúng, mà nhất là vì các áp dụng thực hành của chúng. Sau đó chúng sẽ có một chức năng tương đồng nơi Engels, vào lúc ông nghĩ đến việc phản bác hiện tượng luận của Kant [tức là không phải hiện tượng luận Husserl] bằng cách dẫn chiếu về kỹ thuật, thứ hẳn cho thấy, thông qua những thành công của nó, rằng chúng ta biết các “vật tự nó”.' và 'Tuy nhiên, điều cốt yếu không nằm ở đó. ... Trong mắt nó, tác phẩm của quá khứ chưa hoàn thành. Vào thời nào đi nữa thì nó cũng không thấy tác phẩm rơi vào tay mình dưới một hình thức cụ thể và có thể nhào nặn, dẫu chỉ theo từng phần một.' - như thế, chẳng phải, và với 'tương lai nằm trong lao động', biện chứng pháp duy vật Ls đi vào cái bẫy của chính nó? đến khi 'kỹ thuật' tìm ra thứ họ gọi là 'hạt của Chúa', chẳng phải vấn đề hẳn đã khác đến nỗi locus classicus cũng ko giúp được một lối phân định khả dĩ? nếu cứ tạm gác cái phần dính líu đến ontology bất trắc đó lại, thì chỉ còn những 'chứng từ về dã man' là dường như đặc định con người, tức là 'văn hóa' thôi sao?

    ReplyDelete
  8. đúng thế, warum nicht? có thể cộng thêm một cái nữa: sự không bao giờ chấp nhận nổi thực tại - có lẽ do tác động của kỹ thật, kể từ khi nó xuất hiện

    ReplyDelete
  9. It's an remarkable article in favor of all the web people;
    they will obtain advantage from it I am sure.

    ReplyDelete
  10. 'Vốn dĩ là tinh chất của các cấu trúc được xem xét một cách độc lập, nếu không phải thuộc tiến trình sản xuất chúng thì ít nhất cũng thuộc tiến trình nhờ đó chúng được kéo dài, khái niệm văn hóa đối với nó luôn luôn mang một đường nét vật thờ [fétiche/fetish: nếu muốn hiểu sâu sắc tốt nhất cf. Lukács, đặc biệt khi Lukács phê phán Heidegger và Sartre]. Văn hóa như thể bị vật hóa. Hẳn lịch sử của nó chỉ còn là sự lắng đọng của các sự kiện đáng nhớ, được tập hợp lại trong thiếu vắng mọi kinh nghiệm chân thực, nghĩa là có tính cách chính trị.'- và là cái chính trị bị 'vật hóa'. mà dường như quá trình 'văn hóa' đó là không thể tránh được, như ko thể tránh được biện chứng Hegelian ấn định sự tha hóa vào cõi 'vật'. với một thế giới lộn ngược, trong đó 'vật' tiến đến 'tinh thần' để làm nên Ls cứu cánh của 'vật', thì 'văn hóa' là những đám confetti.

    ReplyDelete
  11. “Bằng cách nào mà mọi sự lại thực sự trôi qua”

    ReplyDelete
  12. 'Khi Luther và Calvin “vượt qua” Thiên chúa giáo chính thức, khi Hegel “vượt qua” Fichte và Kant, khi Rousseau, với Khế ước xã hội của mình, theo cách gián tiếp “vượt qua” Montesquieu, con người theo thuyết lập pháp, thì đó là một tiến trình vẫn ở lại trong khuôn khổ của thần học, của triết học, của khoa học chính trị, nó trình hiện một đoạn trong lịch sử những lĩnh vực của tư tưởng ấy và chẳng hề đi ra ngoài khuôn khổ kia. Và kể từ khi ảo tưởng bourgeois về vĩnh cửu và về tính cách chung quyết của sản xuất tư bản được thêm vào đó nữa, ngay sự vượt qua các nhà trọng thương bởi các nhà trọng nông và Adam Smith trông cũng như một chiến thắng đơn giản của tư tưởng' - và ko biết đã cuối cùng chưa, nhưng sau ngần ấy năm, người ta chắc có thể thấy những lời này ám thành định mệnh cho cái 'chủ nghĩa' mà môn đệ và hậu thế đòi ông dự phần: ở quê hương, các ông gần giống như một Chúa-đã-chết; ở những chốn tha hương hùng mạnh, các ông là Chúa-trong-walkingdead. liệu có phải Engels cũng là một người vô thần ko?

    ReplyDelete