May 15, 2024

111

thêm một lần nữa: tận ba số 1

Một ngày 15 tháng Năm như hôm nay, nếu bị hỏi là ngày gì, ai cũng sẽ ngay lập tức trả lời được, rằng đấy là một ngày kỷ niệm: kỷ niệm sự thành lập của cái gì thì ai cũng biết.

Nhưng tôi muốn nói đến một 15 tháng Năm khác: hôm nay là tròn 111 năm ngày ra số một của một tờ báo (tạp chí) đã nói.


Do một comment gần đây vào post "Tờ báo, quyển tạp chí, cuốn sách", tôi mới xem lại vài chi tiết, và nhớ ra về ngày 15/5/1913. Đông Dương tạp chí xuất hiện: một năm trước chiến tranh. Thời điểm nói về câu chuyện của tờ tạp chí là năm 2019, đúng 100 năm sau khi Đông Dương tạp chí ngừng: tất nhiên, tôi đã không chủ định làm như vậy. Về cơ bản, tôi không hoạt động theo các ngày kỷ niệm - Leopardi từng chế giễu rất nhiều "cái thói ấy", cứ làm như vậy thì có ý nghĩa gì đó.

Không chủ định, nhưng đã có một thôi thúc rất mạnh.

Cho đến giờ, "Nguyễn Văn Vĩnh" đã trở thành một độ dày - sau 5 năm, kể từ 2019, hiện diện của nhân vật ấy (tức là, hiện diện trong hiện tại) đã khác hẳn.


Sự quay trở lại của Nguyễn Văn Vĩnh đã bắt đầu bằng Mai-nương Lệ-cốt. Ở thời điểm đó, tôi đã thu thập được nhiều thứ. Vì Nhã Nam (câu chuyện vẫn đang tiếp tục) là đương nhiên nên đấy là nơi in cuốn sách. Chính cú in đó khiến tôi nhận ra, là không tiếp tục như thế được: tinh thần của Nguyễn Văn Vĩnh không tương thích với một nơi như vậy. Vả lại, bản thân Nhã Nam không hề hiểu tầm quan trọng của cuốn sách, cũng như tầm quan trọng của việc in lại các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh.

Cho nên, đã chỉ có một Mai-nương Lệ-cốt do Nhã Nam in: tôi không phụ trách nó cho đến cuối cùng, và khi cuốn sách đã in, tôi càng thấy được xác nhận, sự không tương thích đã nói ở trên.

Trong câu chuyện Nguyễn Văn Vĩnh, cần phải có nhìn nhận dựa trên nhiều yếu tố khác.

Tại sao trong loạt đã in không có Những kẻ khốn nạn? Đấy là vì hai lý do. Thứ nhất, việc đó quá dễ. Nếu dễ thì chẳng nên làm.

Lý do thứ hai quan trọng hơn nhiều. Les Misérables sau Nguyễn Văn Vĩnh đã có bản dịch khác. Tôi thấy đấy là một bản dịch không tệ (quá). Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ nhiều đoạn trong câu chuyện, nhờ đọc - từ hồi bé - bản dịch ấy. Nếu in lại Những kẻ khốn nạn thì sẽ chẳng có ý nghĩa nhiều lắm (chưa kể, việc đó lại còn quá dễ, như trên đã nói).

Chuyện hoàn toàn khác, với Miếng da lừa. Dưới toàn bộ vẻ xộc xệch của nó, bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh là một kiệt tác. Bản dịch về sau (của Trọng Đức Đỗ Đức Dục) thậm chí còn không đáng nhắc đến, nếu đặt trong so sánh với bản dịch ấy.

Và để in lại được nó (Miếng da lừa bản dịch Nguyễn Văn Vĩnh) thì rất khó, ít nhất là không hề dễ. Sách vô cùng hiếm: chỉ có thể tìm được vài quyển, trong đó quyển nào cũng rách trang. Nếu muốn lấy bản đăng báo thì cũng lại không có bộ Đông Dương tạp chí nào đủ. Văn bản Miếng da lừa đã bắt tôi phải bỏ ra một temps fou để tìm kiếm - có thể nói là từng trang một, để tìm cách hiểu từng câu một.

Câu chuyện về bản dịch Les Trois Mousquetaires cũng tương tự; nó lại còn dài hơn Miếng da lừa rất nhiều.

Nói ngắn gọn, cần phải dùng cả sách lẫn báo. Làm công việc liên quan đến Nguyễn Văn Vĩnh, càng có cơ hội nhận ra sự giữ gìn, bảo quản, hay nói đúng hơn, hiểu biết chung, thảm thương đến mức nào. Cùng lúc - như một sự mỉa mai - các nhà nghiên cứu nhiều thế hệ không ngừng bình luận Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng lại chẳng thực sự biết gì về Nguyễn Văn Vĩnh.


(những số một

lại những số một)


Sẽ nói tiếp về Nguyễn Văn Vĩnh ở bên dưới. Tôi cũng muốn nhắc đến một sự quay trở lại khác. Chuyện cách đây chín năm. Dẫu ngay từ đầu đã không một lúc nào nghi ngờ giá trị của cuốn sách, tôi vẫn không khỏi thấy kinh ngạc trước tác động mà nó gây ra.


Mai-nương Lệ-cốt (giờ thì có hình dạng trông cũng ra dáng nhưng thật ra rất lệch lạc; trong khi, trước kia thì xộc xệch nhưng lại rất lớn: sự tương phản, hay thậm chí có thể nói sự đối xứng này chính là irony): một mình nó đã cho thấy nhiều điều. Manon Lescaut (không hiểu vì điều huyền bí nào, cái tên ấy, chẳng cần làm gì khác mà chỉ cần được phiên ra thôi đã hết sức đầy đủ: "Mai-nương", quá đẹp, nhưng nhất là "Lệ-cốt", ngay lập tức thảm khốc: không chỉ còn đẹp, đây là mức của trác tuyệt, mà chỉ bi kịch mới có thể vươn đến), ấy là một trong những câu chuyện lớn nhất. Nói như vậy thì có nghĩa, không phải của thời này hay của thời kia, của bất kỳ thời nào: một số câu chuyện lớn đến mức chúng ở bên ngoài thời gian.

Nguyễn Văn Vĩnh đã biết cách tóm ngay lấy nó. Nguyễn Văn Vĩnh đi xa hơn những người khác rất nhiều, và vậy không chỉ theo nghĩa những người cùng thời, mà cả những người thời nay. Những người thời nay, ở đây, không hề biết đấy là một câu chuyện lớn và kỳ diệu. Sự đọc rơi trúng một thời không biết đọc: thêm một irony. Một thời không biết đọc, đồng thời không có tragedy mà chỉ rặt drama. Tôi có thể đoán, Nguyễn Văn Vĩnh đã nhìn bằng con mắt một độc giả của Kiều. Cái nhìn ấy giúp nhận ra.

Hoặc Fénelon: tại sao Fénelon, chứ không phải Bourdaloue? câu hỏi này không vớ vẩn, vì trong số các bản dịch ngắn mà các nhà nho dùng làm bài tập dịch trên Đông Dương tạp chí, có Bourdaloue. Nguyễn Văn Vĩnh, một lần nữa, lại có cái nhìn vô cùng chính xác. Đó là thời điểm lập thành của ý thức, với điểm xuất phát là sự trong trắng. Một khoảnh khắc mà yếu tính là trong suốt. Limpidité ấy sẽ không bao giờ lặp lại được nữa. Nó là có thể do yếu tố thực hiện (Nguyễn Văn Vĩnh) có đủ mức độ thuần khiết.

















Tất nhiên, không phải cái gì Nguyễn Văn Vĩnh từng làm cũng đều rất khó tìm lại, nhưng có một số thứ thì đúng là khó. Chẳng hạn như bản dịch Tartuffe mà trên đây là phần đầu (version đã gõ lại, cho dễ đọc).


Nhưng, những gì đã in thành sách mới chỉ là một phần. Chính vào lúc này, khi sách đã quay trở lại coi như đầy đủ (Gil-Blas là một điều vô cùng độc đáo, mà tôi e thời không biết đọc hiện tại không thể nắm bắt được ý nghĩa), thì lại phải báo. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Vĩnh còn dịch Franklin hay Voltaire, vân vân và vân vân.


Nguyễn Văn Vĩnh-Balzac: một điều mà Simon Leys nói có thể có nhiều ý nghĩa ở đây:

"Arthur Waley từng hay nói là mình thích đọc Dickens trong bản dịch tiếng Tàu hơn [...] Tôi tự hỏi không biết Balzac có cũng thuộc vào hạng mục các nhà văn ấy, những người hưởng lợi khi được dịch, hay chăng; dường như trí tưởng tượng nhiều tính cách thấu thị của ông không bị ảnh hưởng gì bởi sự chuyển dịch vào một ngôn ngữ khác, trong khi, đối với một dịch giả được phú cho một sự khéo léo nào đó, hẳn sẽ là tương đối dễ, việc xử lý những âm sắc sái và kín đáo điều chỉnh các vụng về ngớ ngẩn, chúng, trong bản gốc, thường trực có nguy cơ làm độc giả vấp chân và khơi ra, đúng vào những khoảnh khắc kịch tính hơn cả, cơn buồn cười rất không đúng chỗ của anh ta."

(Simon Leys, "Balzac", in L'Ange et le Cachalot)

Trong perspective này, Balzac tìm được ở Viễn Đông một dịch giả lý tưởng, nơi Nguyễn Văn Vĩnh.




Khi làm cho Nhượng Tống quay trở lại, một cái gì đó nói với tôi, là chỉ được làm một cách tối thiểu, giống như là tạo ra một tác động vô cùng nhỏ (tương tự cởi sợi dây buộc, hoặc cũng có thể là mở một vách ngăn), rồi phải tránh đi ngay.

Tôi đã làm đúng như thế. Quả nhiên, sau đó rồi, mọi thứ bỗng rơi vào một tình cảnh, tình cảnh của tourning sour.

Một lần nữa, Nhã Nam là nơi đầu tiên được đề nghị in (lại) Lan Hữu. Và đã bị từ chối. Thời điểm ấy, lẽ ra Lan Hữu đã làm cho tủ sách "Việt Nam danh tác" vụt sáng lên và trở nên độc đáo. Vậy là theo đúng luật "first refuse", tôi mang nó đi in ở chỗ khác. Và việc này, rất nghịch lý, lại gây ra rất nhiều hệ lụy cho tôi: vậy thì cũng chẳng sao, vậy thì càng tốt, vì Nhượng Tống là nhân vật gây ra những điều như thế.

Nhượng Tống còn hơn như vậy nhiều. Đây cũng là một hình tượng của purity, thậm chí sự thuần khiết ở nhân vật ấy còn đặc biệt lớn. Đồng thời, vô cùng bí hiểm (bí mật, nguy hiểm). Động vào đó hơn mức cần thiết, dẫu chỉ một tí chút, là sẽ ngay tức khắc gây ra những điều khủng khiếp, trong đó có cả những thứ rất lố bịch. Đâu phải ai cũng động được vào mọi thứ.

Một ví dụ, trong câu chuyện ấy: một đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, sau khi ăn hết bổng lộc của chế độ, về hưu rồi bỗng, thoắt một cái, trở thành chuyên gia về Nhượng Tống, và thế là trở thành người ca ngợi cho nhân vật trọng yếu của Việt Nam Quốc dân đảng. Nói một cách chuẩn xác hơn: sự purity làm lộ ra những gì không purity.



15 comments:

  1. em lựa bộ NVV làm quà tặng và người nhận quá đỗi bất ngờ

    ReplyDelete
  2. đúng là chỉ NL mới làm được việc này

    ReplyDelete
    Replies
    1. còn ai trồng khoai đất này

      Delete
  3. chú ơi chú không ngủ ạ? mắt nhắm mắt mở dậy thấy ba bài mới, mỗi bài cách nhau ba tiếng...

    ReplyDelete
  4. lần thứ hai cảm giác ngưỡng mộ đến mức run run xúc động trở lại, lần đầu lúc em ngồi ngắm bản dịch tiếng Pháp Kim-Vân-Kiều với những chú thích từng từ của ông cụ.

    ReplyDelete
  5. Một cái Tựa nhỏ, giản dị nhưng cho thấy cả một tầm vóc lịch sử.

    ReplyDelete
  6. không rõ Trương Tùng có biết sự tồn tại của Mai-nương Lệ-cốt và đã đọc Nguyễn Văn Vĩnh trước khi dịch Manông Lexcô - Truyện hiệp sĩ Đơ Griơ và nàng Manông Lexcô (1987. NXB VH. HLH VHNT QN–ĐN, kèm ‘Lời giới thiệu bản in tiếng Nga của E. Gunxt’)

    ReplyDelete
  7. https://nhilinhblog.blogspot.com/2019/08/doan-ket.html

    ReplyDelete
  8. Nếu chỉ nhìn qua sẽ dễ nghĩ anh là người hay lật đổ các tiền bối nhưng tinh thần của một thời được tiếp nối rõ nhất chính là ở à mà thôi (rụt rè và lịch thiệp)

    ReplyDelete
    Replies
    1. nếu là những tiền bối "dĩ hư truyền hư" thì phải lật gấp

      Delete
  9. Hàm-lệ thái tử (Hamlet), thảm khốc không kém

    ReplyDelete
  10. vài nguồn ghi NVV dịch cả Le Misanthrope

    ReplyDelete
  11. đây là một chi tiết cho thấy tệ lậu của giới nghiên cứu Việt Nam:

    vì biết (qua nguồn gián tiếp, chứ không nhìn thấy tận mắt) là Nguyễn Văn Vĩnh dịch Molière nhưng không chỉ có 3 vở kịch mà còn có thêm "Giả đạo đức", thế là bèn suy ngược

    suy ngược như thế lại xọ sang Le Misanthrope, trong khi Giả đạo đức là dịch Tartuffe

    nói tóm lại: NVV dịch ba vở kịch Molière đầy đủ (và in thành sách, hơn một lần - sau khi đã đăng Đông Dương tạp chí), thêm "Tartuffe" (không đầy đủ)

    Tartuffe là khi NVV thử dịch Molière (đây là vở kịch Molière đầu tiên xuất hiện trên ĐDTC), nhưng bỏ dở (chắc hẳn lý do nằm ở chỗ NVV muốn dịch thơ) - và không in thành sách

    theo tôi (gần như chắc chắn), NVV dịch tổng cộng hai hồi (đầu) của Tartuffe (Giả đạo đức)

    ReplyDelete
  12. Trường hợp Le Misanthrope, Tartuffe không biết có phải do “ou” như La Rabouilleuse ou Un ménage de garçon?

    ReplyDelete
  13. Có thể hiểu 'một cái gì đó' là trực giác không ạ? người ta có nên sợ, lánh, tìm cách sửa hoặc trục nó không ạ?

    ReplyDelete