Ngô Tất Tố có lần bảo, ở trường hợp một bài thơ lưu truyền từ xưa mà ta không biết rõ tác giả, nếu trong danh sách tác giả khả nghi có một ông vua (chẳng hạn Lê Thánh Tông), người ta sẽ dễ dàng nhận ra bài thơ ấy đúng là do ông vua kia làm, nếu thấy đó là một bài thơ rất ngu (cf. Thi văn bình chú). Nhiều bài viết, có giấu tên tác giả đi tôi vẫn nhận ra ngay đó là sản phẩm của một giáo sư văn học nào đó, có lẽ cũng vì một lý do không khác mấy so với điều Ngô Tất Tố đã nói.
Ôi, các vị không phải lo, tôi không đi làm cái công việc chán ngắt là chỉ trích các giáo sư đâu. Tôi cũng chẳng mấy khi đọc những gì các giáo sư văn học viết: trong lúc nghĩ là mình đang thể hiện trí tuệ cao vút, thì thường họ chỉ cho thấy họ không hề biết suy nghĩ (cf. "Was heißt Denken", tức là "Nghĩ là gì", Martin Heidegger), họ cũng không hề biết viết.
Ở Việt Nam, một giáo sư viết lời tựa cho một cuốn sách mà giáo sư ấy không hề biết nội dung là chuyện không hề khó gặp, tôi từng chỉ ra một ví dụ, xem ở kia.
À, nhưng đó lại không phải một giáo sư văn học. Gần đây, tôi đọc phải bài của một vị giáo sư văn học đích thực, giáo sư văn học ấy cả đời không hề tỏ ra quan tâm đến một số điều, một số nhân vật, nhưng lúc bỗng nhận ra một nhân vật (thuộc loại giáo sư chẳng thèm bao giờ quan tâm, nếu không có những người chỉ ra nhân vật ấy rất quan trọng) đang trở thành mốt, giáo sư đã hăng hái viết bài ca ngợi. Rất tình cờ là nhân vật kia tôi lại có quan tâm, đó là Đào Trinh Nhất, nên tôi có đọc bài viết của vị giáo sư. Rất sốt sắng thể hiện tầm hiểu biết kỳ vĩ của mình, giáo sư đã liệt kê rất tỉ mỉ hành trạng của Đào Trinh Nhất - tức là rất đúng phong cách bài viết giáo sư văn học; chỉ có điều, tờ báo của người ta tên là Thần chung, thì giáo sư, vì thật ra chưa bao giờ nhìn thấy nó, viết béng thành Thần trung (xem một "hậu thân" của tờ báo ở kia).
Một viên ngọc nữa do giới nghiên cứu sản xuất ra trong thời gian gần đây: nó liên quan đến một nhân vật khác, một nhà nghiên cứu mà ta không thể tìm được gì, tuyệt đối không có, thoát khỏi mối quan tâm tìm hiểu của Người, một nhà nghiên cứu "vạn sự thông", cái gì cũng rành rẽ. Mới đây nhà nghiên cứu ấy viết về một gia đình, với đủ sự tự tin như vốn có, bàn luận về một nhân vật tên là "Phân"; đúng là họa có trời sụp thì con gái một nhà nho nổi tiếng mới có thể được đặt cho cái tên "Phân". Nhà nghiên cứu này là cả một mỏ vàng của những chi tiết kiểu như vậy, và giờ đây vẫn rực rỡ huy hoàng trên đủ mọi mặt trận.
Nhưng "giáo sư" khiến tôi quan tâm đến nhiều điều khác chứ không phải mấy điều vừa nói, xét cho cùng cũng chỉ là các chi tiết vặt vãnh.
"Hiện tượng luận về mối quan hệ thầy trò" là chủ đề cuốn sách này của George Steiner:
Ta hãy nhớ rằng hiện tượng luận (đừng có gọi đó là "hiện tượng học") là thứ diễn ra ở tầng của các yếu tính [ở Việt Nam, người ta luôn luôn dịch sai câu mở đầu L'Être et le néant của Jean-Paul Sartre, thế nhưng ta có chừng hai sư đoàn chuyên gia Sartre, hai sư đoàn "sartriens": không phải tồn tại có trước bản chất, mà là tồn tại có trước yếu tính; câu chuyện "bản chất và hiện tượng" cũng bị gọi sai tên, vì bản chất có các thuộc tính chứ không có các hiện tượng; như tôi đã nói, và tôi nhắc lại, dẫu cho vẻ bề ngoài có như thế nào, dẫu cho người ta có tưởng triết học phục sinh, trưởng thành ở Việt Nam trong những năm gần đây, thì sự thật vẫn cứ là: cho tới giờ phút này, ở Việt Nam, mảng duy nhất của triết học phương Tây thực sự có thành tựu trong dịch thuật và nghiên cứu là triết học của Karl Marx]: Steiner muốn nhìn vào các yếu tính của mối quan hệ giữa thầy và trò.
[việc Steiner thiếu vắng trong sự dịch thuật ở Việt Nam càng cho thấy thêm trí thức Việt Nam không đủ sức bao quát các giá trị của tư tưởng thế giới - bởi vì, một phần lớn, họ chỉ chăm chăm thể hiện mình rất giỏi, mình công chính, đồng thời chăm chăm nói xấu người khác, và trong tập đoàn ấy có vô số giáo sư]
Steiner thuật lại theo một cách riêng, hết sức đáng sợ, mối quan hệ giữa Martin Heidegger và ông thầy Edmund Husserl. Về cơ bản, cuốn sách của Steiner nói lên rằng, thứ nhất, mối quan hệ thầy trò có một yếu tính lớn, không bao giờ biến mất, là mối quan hệ erotic, và thứ hai, sự dạy dỗ lý tưởng chính là không dạy gì cả.
-----------
Ở ngay đầu khoảng "mười năm" của tôi, từng có thời điểm tôi ở rất sát chuyện "khởi đầu một sự nghiệp giảng dạy". Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao, nhưng cả đời tôi đã thành thực cự tuyệt việc đi dạy học, tôi tránh xa nó, dẫu rằng chẳng phải không có những lúc thấy khá tiếc nuối: dạy học rất hữu ích nếu ta muốn nhiều người biết một số điều, và không có gì phải nghi ngờ, con người luôn luôn có ấn tượng rất tốt đẹp và ham muốn theo các "danh môn chính phái" (về "danh môn chính phái", chính ra rất nên đọc Kim Dung), những ai có nhiều học trò, họ có nhiều khả năng khuếch đại những gì họ nói, nhiều khi lên đến mức độ lớn khủng khiếp. Nhưng "trường phái" là một cái bẫy kinh điển. Schopenhauer và Nietzsche đều làm cùng một việc: họ bỏ đi khỏi công việc giảng dạy; nói đúng hơn, Schopenhauer và Nietzsche phá bỏ cấu trúc đã đón lõng sẵn để tạo nên cái mà về sau Schopenhauer sẽ châm biếm thậm tệ, đó là thứ "triết học của trường đại học"; Wittgenstein và Barthes có thái độ rất tương đồng đối với công việc dạy học, họ vừa thực hiện việc dạy học, vừa tránh xa nó (có cái gì đó rất giống với các "bài giảng" của Auguste Comte xưa kia). Trong cuốn sách trên đây, George Steiner phân tích cả Schopenhauer, Nietzsche và Wittgenstein ở phương diện quan hệ với công việc giảng dạy; rất tiếc là Steiner không quan tâm đến Barthes cho lắm; tuy nhiên, có một điều rất đáng chú ý trong cuốn sách của Steiner: nhân vật mà Steiner nhắc đến ngay từ đầu (nói về các tương quan quyền lực) là Michel Foucault; có thể nghĩ rằng Steiner đã thay đổi cách nghĩ về Foucault, vì cách đây mấy chục năm, Steiner từng công kích Foucault kịch liệt.
Ở thời điểm ấy, cùng một lúc tôi nhận hai lời mời làm việc từ hai khoa Văn quan trọng ở Hà Nội (không cần phải nói rõ hơn), và cả hai đều giống nhau ở mức đáng kinh ngạc, xét về cách thức "mời": cả hai bên đều bắn tin qua một ai đó, nói với tôi là họ muốn mời tôi về làm, chỗ thứ nhất để thế chỗ cho nhân vật A, chỗ thứ hai để thế chỗ cho nhân vật B, và đều đề nghị là dẫu có thế nào thì tôi cũng đừng nói gì cho A và B biết. Đây có lẽ là "phương pháp tuyển mộ" của các khoa Văn tại Việt Nam, tôi cũng chỉ đoán vậy thôi, tôi không quá rành về các khoa Văn tại Việt Nam, nhưng việc hai "lời mời" ấy giống nhau như đúc khiến tôi nghĩ chắc hẳn là có một "mô hình mẫu" nào đó.
Tôi từ chối cả hai, tất nhiên tôi cũng không nói gì với A và B. Thật ra, tôi nghĩ, trong công việc tạm gọi là liên quan đến nghiên cứu, lựa chọn giảng dạy là một lựa chọn an toàn. Trong công việc nghiên cứu, có những lựa chọn hết sức an toàn, ví dụ như lựa chọn sau đây: ta bắt đầu vào đại học, và ta cắm đầu cắm cổ liên tục chừng chục năm, xong xuôi thì đã trở thành tiến sĩ. Rất nhiều khi, với một tư thế như vậy, các tiến sĩ không thực sự làm cái mà lẽ ra họ đã có thể làm, vì đề tài nghiên cứu mà các tiến sĩ cắm đầu cắm cổ làm cho liên tục nối dài việc học của họ, đề tài ấy về cơ bản sẽ là đề tài mà giáo sư hướng dẫn của họ "gà" cho. Nhưng nhu cầu an toàn là một nhu cầu tối cao, không một tòa án con người nào đem ra xét xử được. Công lý của con người không xét đến rất nhiều điều.
Nhưng vẫn còn một lời mời đi dạy thứ ba, sau đó một thời gian ngắn, và đây thực sự là một lời mời độc đáo. Bối cảnh là một quán bia, tôi còn nhớ là ồn ào theo một cách thức dị biệt, giống như ở trong một căn xưởng lớn dùng để nuôi "tằm ăn lá dâu", trên phố Nguyễn Đình Chiểu. Nhân vật kia mời tôi về một khoa Văn khác để dạy học, nhìn tôi, và bảo đại ý tôi hãy về đó, chúng ta (nghĩa là nhân vật ấy và tôi - chắc hẳn ý cũng nói thêm nhiều người khác nữa, các đồng nghiệp khác) sẽ "cơm cháo có nhau", rau dưa gì đó. Tôi nói là nhân vật ấy "nhìn tôi", nhưng đấy là tôi đoán thôi, chứ tuy mặt quay về hướng tôi, nhưng rõ ràng ánh mắt ấy chẽ ra làm đôi, và cả hai hướng ấy đều không đậu xuống tôi, dĩ nhiên tôi cũng không chắc lắm, vì uống bia cũng dễ làm người ta quáng gà (xem thêm về hiện tượng tương tự ở kia, đoạn "con quỷ địa lý"). Dẫu sao chắc chắn là có "cơm cháo" và "rau dưa". Tôi đã rất muốn, nhưng tất nhiên là không, vì hôm ấy nhân vật kia là người trả tiền, mình ăn uống bằng tiền của người ta thì dẫu có là thế nào thì cũng phải cố kìm giữ, tôi đã rất muốn nói là tôi không thích "cơm cháo" hay "rau dưa" cho lắm.
Như vậy là tôi đã bỏ lỡ đến ba cơ hội để gia nhập đội quân giảng dạy tại các khoa Văn tại Hà Nội. Tôi có tiếc không? tôi nghĩ là tôi đủ mức thành thực khi trả lời: không hề. Có một lần, tại một hội thảo nơi tôi tham gia tổ chức, chẳng có gì làm lại lắm thời gian, tôi ngồi đọc sạch sẽ các tham luận gửi đến, phải cả trăm cái, thật ra rất khó mà đọc hết, nhưng tôi đã đọc hết - dẫu sao cũng quá nhiều thời gian dư thừa. Chất lượng kém nhất của cả hội thảo là bài của một nhân vật quan trọng của một khoa Văn (không phải ba khoa đã nhắc ở trên), bài viết về "chủ nghĩa hậu hiện đại" của một nhà thơ cổ điển Việt Nam. Một trong những khoảnh khắc đối với tôi là nhiều ý nghĩa hơn cả, lột tả rất nhiều thứ, là khi nhân vật ấy trình bày tham luận: phần lớn thời gian nhân vật ấy dành để nói rằng đã phải tắt điện thoại suốt mấy hôm liền để có thời gian ngồi viết bài. Vâng, thì là nhân vật rất quan trọng mà. Có điều, một bài chất lượng như thế, tôi nghĩ cũng chẳng cần tắt điện thoại gì, vừa chat chit vừa xem phim xxx viết còn có thể tạo ra một thứ đỡ lộn ruột hơn.
-----------
Tôi không ở trong công việc giảng dạy, nhưng sẽ là sai nếu nói tôi hoàn toàn không liên quan. Tôi không bao giờ đi dạy học, không giảng bài, nhưng điều đó chủ yếu nói lên rằng tôi có với công việc dạy học một khoảng cách. Một khoảng cách không đồng nghĩa với chẳng hề có một chút tiếp xúc nào.
Cách tổ chức một số thứ ở Việt Nam hiện nay (thật ra là đã từ lâu) khiến cho một số nơi có liên hệ với nhau. Nhiều đồng nghiệp của tôi đi dạy học, nói cho đúng, phần lớn đồng nghiệp của tôi đi dạy học. Tôi thì không, nhưng các sinh viên đang làm luận văn, luận án vẫn có thể tìm đến tôi để hỏi ý kiến, và nhất là xin tài liệu.
Điều mà tôi nhận ra là: phần lớn sinh viên làm luận văn, luận án trong các phân khu của ngành văn, mà tôi đã gặp, không hề biết là mình đang làm gì. Đây không phải một cái gì quá khó hiểu, ai cũng phải trẻ, ai cũng phải có lúc chẳng biết mình đang làm gì. Chưa bao giờ tôi không cố gắng giúp các sinh viên, nếu tôi có thể giúp.
Vấn đề nằm ở chỗ khác: đã hơn một lần, trước một sinh viên, tôi hỏi, ai là người hướng dẫn. Nghe tên người hướng dẫn, tôi thầm nghĩ, cái đề tài mà sinh viên trước mặt tôi đang loay hoay làm, bản thân người hướng dẫn, như tôi biết về họ, cũng đâu có thể làm nổi. Tuyệt đối không thể. Nhưng vẫn hướng dẫn người khác làm.
Một lần mà tôi rất nhớ, một nhân vật rất tên tuổi tại một khoa văn lớn của Hà Nội hướng dẫn cho một sinh viên. Sinh viên ấy đến gặp tôi, nhờ tài liệu. Tôi hỏi, giáo sư hướng dẫn của em không có à? Trả lời: không. Tôi hỏi tiếp, thế em định làm thế nào? Trả lời: em cũng không biết. Cuối cùng, tất nhiên tôi vẫn giúp tài liệu, nhưng trong bụng tôi thầm nghĩ, nhân vật kia, nếu mà muốn có tài liệu thì cứ liên hệ trực tiếp với tôi, tôi sẵn sàng cho, việc gì mà phải bắt tội sinh viên của mình như vậy.
Những luận án, luận văn có thể rất tuyệt vời. Ngay ở kia là một ví dụ rất trực quan, và là rất gần đây: một sinh viên đang cần tài liệu để làm luận văn hay luận án gì đó, hỏi tôi liên tiếp mấy câu (sau đó nhân vật sinh viên ấy đã xóa mất rồi, tiếc ghê :p), tôi trả lời một số ý trong các câu hỏi, thật ra tôi đợi xem sinh viên ấy có nhận ra là tôi chỉ nhắc lại mấy điều tôi đã nói ở trên, tức là nếu đã đọc thật, thì đã biết rồi, không cần phải hỏi nữa. Thế rồi cả tháng sau mới thấy quay trở lại, và lại hỏi tiếp, tôi ớn quá, kết thúc nói chuyện luôn. Được cái nói năng rất lễ độ, chắc được các thầy cô uốn nắn cũng nhiều.
Tôi nhận ra một điều, một trong những điều rất nổi bật, khiến cho càng ngày tôi càng ghét đi các hội thảo.
Ở hội thảo nào cũng thế, học trò chào thầy dạ ran ầm ĩ hành lang, tay bắt mặt mừng. Vui vẻ lắm, một bên mừng rỡ vì thầy còn tráng kiện quá, chẳng yếu đi tẹo nào, bên kia ân cần cảm động vì đối phương trưởng thành, nhiều tiến tới và phương trưởng. Ai ai cũng có những mối quan hệ như vậy, chúng thể hiện ở các hội thảo.
Và đến lúc các thầy phát biểu ở trên, các học trò (cũ) ngồi dưới thi nhau nói xấu thầy.
-----------
Các giáo sư văn học ở Việt Nam, đặc biệt những người hoạt động tích cực hồi cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước (cái thế hệ này đặc biệt quan trọng, liên quan đến không ít điều, nên tôi thấy là không thể không trở đi trở lại, để nhìn rõ hơn), có hai cách chính để khởi đầu sự nghiệp.
Cách thứ nhất là làm đao phủ. Đây là trường hợp của rất nhiều nhân vật, mà tôi từng nhắc đến Phan Cự Đệ và Trần Hữu Tá. Nhóm này đông kinh khủng, nhưng tôi thấy chẳng mấy đáng quan tâm.
Đáng quan tâm hơn nhiều là nhóm thứ hai, những người khởi đầu sự nghiệp bằng con đường nịnh bợ. Đó là Nguyễn Đăng Mạnh và Trần Đình Sử. Các vị cứ yên tâm đi, ngay từ đầu sự nghiệp, các vị đã viết xong được kiệt tác của sự nghiệp, về sau không gì vượt qua được nữa đâu. Với ông Nguyễn Đăng Mạnh, đó là cuốn sách về Hồ Chí Minh; với ông Trần Đình Sử, đó là cuốn sách về Tố Hữu. Những gì các ông làm về sau đâu còn ý nghĩa gì nữa, khi mà mọi tài năng các ông đã đặt hết vào đó rồi, chúng sẽ là các cuốn sách để đời.
Các giáo sư văn học thì cũng thay đổi, vì xét cho cùng họ cũng là con người. Thời gian gần đây, có một từ trở thành mốt, giống như là tấm màn phủ ra bên ngoài một số thay đổi. Từ ấy tên là phản tỉnh. Để tôi dịch nghĩa lại cái từ ấy nhé, vì mỗi nghề lại có một biệt ngữ riêng (Balzac), người bên ngoài không dễ nắm đúng được nội hàm "từ ngữ chuyên ngành": phản tỉnh chỉ là một cách khác để nói sự trở cờ.
-----------
Thế giới của giảng dạy, của mối quan hệ thầy-trò đặc biệt nhiều biệt ngữ, không hề dễ hiểu một chút nào, ít nhất là rất không dễ hiểu cho đúng.
Hồi bé chúng ta đi học, chắc hẳn ai cũng biết đến hiện tượng các cô giáo được đánh giá là "tâm lý". Tức là những giáo viên rất không cứng nhắc, rất không đáng sợ, họ là những người rất con người, họ biết quan tâm, họ có tâm hồn dịu dàng và nồng nhiệt, tóm lại là các giáo viên rất "tâm lý". Phụ huynh phát rồ vì những giáo viên "tâm lý", học sinh mãi về sau này vẫn còn cảm động khi nhắc tới các giáo viên "tâm lý" từng dạy dỗ mình hồi nhỏ.
Phải mất rất nhiều thời gian, tôi mới nhận ra, về cơ bản, từ "tâm lý" được dùng trong các trường hợp tương tự, chỉ là cách để nói đến những con người tọc mạch.
Trong giới giảng dạy, nghiên cứu văn học (và không chỉ văn học), ai cũng biết có hiện tượng các nhân vật được đồng loạt coi là "giỏi nhưng nhát". Họ giỏi chuyên môn, họ đau đáu thời thế, nhưng họ chấp nhận một sự tồn tại mờ nhạt etc. Họ có vinh dự mặc dù ít hào quang, nhìn chung trong lương tri người ta thấy là như vậy.
Những ai "trong nghề" chắc chắn biết rõ các cá nhân như thế, trước đây từng tồn tại, bây giờ vẫn tồn tại - thế hệ nào cũng có các cá nhân "giỏi nhưng nhát" riêng.
Điều này vẫn tuyệt đối nằm bên trong phạm vi thế giới các biệt ngữ đặc thù.
"Nhát" tất nhiên không có gì khác, chính là hèn nhát (và đê tiện). Và chẳng có "giỏi nhưng nhát" nào cả, bởi vì, trong hoạt động liên quan nhiều đến đầu óc, hèn nhát tức là dốt nát.
Phải giải trừ các huyền thoại thôi, có con đường nào khác đâu.
-----------
Một nhân vật cụ thể: Vũ Đức Phúc.
Tôi biết, bất kỳ ai "trong nghề" sẽ ngay lập tức nhăn mặt khi tôi nhắc đến Vũ Đức Phúc. Cả tôi cũng vậy: nhìn chung, trong công việc nghiên cứu, ngoài những gì người ta làm, còn có những gì người ta tránh không làm, trong đó vô số thứ bắt nguồn từ ác cảm. Kể cả một thứ trông tưởng chừng duy lý hết mức như nghiên cứu cũng lẫn đầy tình cảm, hay cảm tính. Tôi từng nghe hơn một nhà nghiên cứu nói một cách hết chính xác rằng trong nhiều năm trời, họ nhất định tránh bình luận thơ Huy Cận, chỉ bởi lẽ trong mắt họ Huy Cận là một nhân vật đặc biệt đáng ghét. Tôi nghĩ là tôi hiểu cảm giác này, rất hiểu, thậm chí vô cùng hiểu (còn vì các lý do rất khác so với các vị).
Tôi cũng không bao giờ sẵn lòng nói đến Vũ Đức Phúc. Tôi lại càng không có mối liên hệ cá nhân nào với ông ấy, khi ông ấy còn sống, tôi chỉ nhìn thấy loáng thoáng ông ấy một lần duy nhất, ngoài ra không có gì khác nữa.
Phải đến khi thấy rằng đâu có thể tránh được việc đọc và xem xét nhiều nhân vật mà nếu được lựa chọn ta sẵn sàng bỏ qua, thì tôi mới cố gắng đọc Vũ Đức Phúc. Thật ra, xét cho cùng, tôi còn đọc được cả những nhân vật mà tôi nghĩ là còn rùng rợn hơn nhiều, như là Nam Mộc, và như là hai nhân vật tên S., là Lê Phong Sừ và Trần Đình Sử (rất đăng đối với nhau, như một thiên định). Có rất nhiều nhà nghiên cứu tuy có tên tuổi nhưng suốt cả cuộc đời họ chưa từng viết được đến một bài báo nào chứa đựng sự phát hiện, dẫu chỉ là một chút ít.
Tôi đọc Vũ Đức Phúc, và tôi nhận ra, rất rõ ràng, trình độ của Vũ Đức Phúc hơn đứt bao nhiêu nhà nghiên cứu khác, nhất là những người cấp tiến.
Phản tỉnh, như trên đã nói, có thể là trở cờ, thì cấp tiến cũng hoàn toàn có thể mang một hàm nghĩa khác, mà tôi nghĩ một phần lớn chính là giả vờ. Họ cấp tiến còn bởi vì họ cần có tấm lá chắn che đi một sự nghiệp nghiên cứu rất nhiều vờ vịt, cần có giá trị cộng thêm.
Ta mở rộng hơn cái nhìn, ra bên ngoài lĩnh vực nghiên cứu văn học: hiện tượng cấp tiến là một vấn đề đích thực của thời đại, tại Việt Nam và tất nhiên không chỉ tại Việt Nam. Nhân vật "kinh tế gia shit nát" mà tôi nhắc đến ở kia (đoạn cuối) rất điển hình. Đó là một người luôn luôn tỏ ra mình "cấp tiến", thế nhưng, ngay từ hồi còn là sinh viên, anh ấy đã tìm mọi cách để vào được một tổ chức, tức là tính toán cho sự thăng tiến ngay từ đầu.
Cấp tiến, thật ra, ở rất nhiều trường hợp, chính là cấp tiến thân.
Nhưng ở thời điểm này, trong xã hội tạm gọi là "trí thức" ở Việt Nam, chắc hẳn không ai vượt mặt được một nhân vật trên phương diện này: đó là Chu Hảo.
Ông Chu Hảo nghiên cứu với mục đích trở thành quan chức. Tôi gặp Chu Hảo lần đầu tiên tại khu Hòa Lạc, trong quãng thời gian ngắn ngủi tôi ghé chân qua nghề báo (xem ở kia). Bữa ấy, cùng một đồng nghiệp, chúng tôi lên Hòa Lạc vì vụ việc liên quan đến khu đất gây lùm xùm của một nhân vật trong ngành toán học (thật ra, các giáo sư toán hiện nay đang trở thành các nhân vật đặc biệt ridiculous, ta sẽ trở lại với họ sau - nhất là những người luôn luôn tìm cách thể hiện mình yêu văn chương nghệ thuật). Sau cuộc gặp ấy, chúng tôi đến tận chỗ để "thị sát". Chúng tôi đứng bên này sông, nhìn sang khu đất đã xây nhà của nhân vật kia. Bọn trẻ con chăn trâu và thả diều bên cạnh chúng tôi. Người bạn đi cùng nhìn ngó một lúc, buột miệng chửi thề, nói: "Mẹ, địa chủ à?", nhổ một bãi nước bọt, rồi chúng tôi đi về. Về sau, tôi đã rất cố gắng tìm hiểu thêm, liên hệ với nhà chức trách địa phương, nhưng tôi nhanh chóng hiểu ra là không thể làm gì được.
Đấy là chuyện cách đây đã gần hai mươi năm. Về sau, ông Chu Hảo trở thành một giám đốc nhà xuất bản. Người ta coi đương nhiên nhà xuất bản của ông làm ra những quyển sách rất tốt, đặc biệt, hiếm có. Điều đó hoàn toàn sai. Thêm nữa, một nhà xuất bản như vậy, cũng giống hệt như thời trước đây, chỉ là bước đệm để ông tiến về phía các lợi ích khác mà thôi.
Và tôi nghĩ, trong đời, ông Chu Hảo còn chưa bao giờ đọc đến một cuốn sách xứng đáng gọi là sách. Điều này ta sẽ quay trở lại sau, rất sớm, vì cần phải nhìn nhận Chu Hảo and Co. một cách hết sức rõ ràng.
(còn nữa)
nhân tiện: đã bắt đầu tiếp tục Ferragus của Balzac, nếu tôi được phép dùng cái cụm từ gớm ghiếc "bắt đầu tiếp tục" này
lần sau dẫn chứng cụ thể đê bác ơi, đọc kiểu này ngứa thật
ReplyDeletelàm sao dẫn chứng cụ thể hơn được nữa, Ngô Tất Tố với George Steiner rành rành còn gì
ReplyDelete"Ôi, các vị không phải lo, tôi không đi làm cái công việc chán ngắt là chỉ trích các giáo sư đâu." Vầng, nhưng các liệt kê ngay sau đó, không gọi là chỉ [ra] trích [dẫn] thì còn gọi là gì hử, ông Nhị Linh?
ReplyDeleteViết tiếp đê, để tôi xem cái gọi là "truyền thừa" trong Nho giáo có bị ảnh hưởng sứt mẻ tí gì không? :p
Có [dám] chỉ đích danh, ai đâu
Deleteđọc Balzac đi, sắp có mấy phát "La Comédie humaine" cực kỳ gớm ghiếc với phụ nữ đấy, cứ chuẩn bị sẵn tinh thần đi là vừa hehe
ReplyDeleteDoạ bọn iếu tim thôi. Tôi có yếu tim đâu :p
Deletequả Anonymous ngay dưới comment của bạn Quách chắc hẳn liên quan đến vụ "Phân": quả là có những thứ mùi dễ nhận ra thật hehe
ReplyDeleteCái bià sách đẹp quá nhỉ, NL có muốn đổi một bản tiếng Việt để lấy bản tiếng Anh không? ;)
ReplyDeleteĐọc bài này thấy thật hỉ hả, cả tiện bút 7 nữa.
ReplyDeleteNhưng anh đang có cùng lúc khoảng chục bài "còn nữa", theo dõi mệt quá. Blogspot có chế độ notification báo khi có update entry không anh nhỉ :-s
gì thì gì, tôi thấy đóng góp của ông Chu Hảo là đáng kể mà bác, nhiều đầu sách nếu không có bác ấy, liệu có về được Việt Nam?
ReplyDeleteChu Hảo dân vật lý chứ nhỉ vật lý có khoảng cách với toán học
ReplyDeletebài vậy mà cũng viết được, chẳng ra gì
ReplyDeletecháu bấm "ở kia" loay hoay đọc một hồi thì quên mất bài chính lúc đầu đang đọc là gì rồi... ^__^
ReplyDeletekhoa văn trường sư phạm đặc biệt tạo ra nhiều hiện tượng thú vị: Trần Đăng Suyền (một S khác), Đỗ Hải Phong, Lê Nguyên Cẩn (rất thân với Điệp Duy Hào) và gần đây nhất phê bình sinh thái Đỗ Đức Hiểu (cái tên nói lên tất cả: chẳng hiểu gì)
ReplyDeletechắc bác nhầm, sinh thái là Đỗ Văn Hiểu. mà nhắc Đỗ Đức Hiểu cũng chẳng sao hehe
DeleteĐỗ Đức Hiểu nào? ông ấy chết từ hồi chắc còn chưa có cụm từ "phê bình sinh thái" cơ mà
ReplyDeletetốt nhất không cho mấy sinh viên đó mượn tài liệu hay hỗ trợ bất cứ cái gì. ngành giáo dục ta còn có hiện tượng "nhận vơ".
ReplyDeletethe pupil của james cực kì quan trọng
ReplyDelete