Jan 16, 2019

Xã hội học về đao phủ (Caillois)

Tiếp tục mục "đọc lý thuyết", kết thúc luôn bài "Văn chương và cuộc đời" (Gilles Deleuze) và - cùng trong chủ đề - tiếp tục bài "Tại sao École de Genève".

Cách đây ít lâu, hết sức tình cờ tôi tìm được quyển sách dưới đây của Roger Caillois:


Nó gồm những bài tiểu luận của Caillois mà trước đó tôi còn chưa đọc.

Đây là vài quyển Caillois khác:


Trong đó, quyển ở giữa là lý thuyết hết sức quan trọng về chơi. Ở Việt Nam cách đây một số năm, "lý thuyết chơi" là mốt. Gần đây, nhân vật rất gần gũi với Caillois là Georges Bataille (xem thêm ởkia) cũng trở thành một dạng mốt nốt.

Tôi muốn nhấn mạnh vào điểm: các câu chuyện mốt này đều liên quan tới một nơi: khoa Văn trường Sư phạm Hà Nội. Có thể mở rộng ra khoa văn sư phạm không chỉ Hà Nội. Tôi nghĩ rằng trên mọi bình diện có liên quan, từ giảng dạy đến nghiên cứu, mấy thiết chế này đang càng ngày càng lộ ra một số điều, mà trọng tâm nằm ở mức hết sức cơ bản: mức độ của đọc.

Điều vừa nói lại càng có biểu hiện mạnh mẽ hơn, trong câu chuyện đề thi: tôi sẽ sớm quay trở lại với câu chuyện ra đề ấy, vì lại mới có, rất gần đây, một đề thi học sinh giỏi, nó càng xác nhận thêm cho cái nhìn của tôi; theo đó, vấn đề nằm đúng ở một chữ rất nhỏ, đọc.

Và cũng rất liên quan tới nội dung chính tiểu luận của Roger Caillois dưới đây, khi Caillois phân tích cơ chế đao phủ. Nạn nhân và đao phủ, đó là cơ chế thuộc loại cơ bản và sơ đẳng nhất (và, hơn nữa, lại còn thường trực) của xã hội con người. Cơ chế ấy giải thích cho rất nhiều điều. Như vậy, đây là tiểu luận thứ hai của Caillois trong mục "đọc lý thuyết". Xem bài thứ nhất ởkia.


Đao phủ có những pha xuất hiện lớn trong văn chương. Không ai không nhớ truyện "Chém treo ngành" của Nguyễn Tuân. Ngọc Giao - thời Hà Nội Chiếm đóng - gặp và viết bài phóng sự về "Ông chọc tiết" tức là viên đao phủ từng chém đầu những người Việt Nam Quốc dân đảng (xem ởkia). Độc giả của Alexandre Dumas không bao giờ quên những khi viên đao phủ xuất hiện trong các tiểu thuyết, Hoàng hậu Margot, nhưng nhất là trong loạt Ngự lâm (đặc biệt, Vingt ans après). Nhưng rất có thể phải trong tiểu thuyết của Balzac, hình ảnh viên đao phủ mới đặc biệt cuốn hút, và đó cũng chính là một người thuộc gia đình Sansot sẽ được Caillois nhắc đến trong bài dưới đây (gia đình Sansot nhiều đời làm đao phủ vào cuối thời "Ancien Régime").


(còn nữa - phần intro)





Roger Caillois

Xã hội học về đao phủ



Cái chết của viên đao phủ

Ngày 2 tháng Hai năm 1939: Anatole Deibler qua đời ở tuổi 76

Đọc các bài báo viết về cái chết của Anatole Deibler, “nhân viên hành quyết các vụ trọng án” của Cộng hòa, hẳn ta có thể nói rằng xã hội chỉ khám phá sự tồn tại viên đao phủ của mình nhờ sự qua đời của người đó. Dẫu sao cũng hiếm khi một cái chết bình thường lại khơi lên nhiều lời bình luận đến thế về cuộc đời một cá nhân mờ tối từng cố công làm người khác quên mình đi và những người khác, từ phía họ, vẻ như từng muốn quên. Con người ấy đã làm rơi đầu của bốn trăm đồng loại và ở mọi lần sự hiếu kỳ đều hướng về phía người bị hành quyết, chứ không bao giờ là kẻ hành quyết. Về phía ông ta ngự trị hơn một âm mưu về im lặng. Như thể một lệnh cấm bí hiểm và đầy quyền năng ngăn người ta nhắc tới kẻ bị nguyền rủa, như thể một trở ngại bí mật và đầy hiệu quả thậm chí cản người ta nghĩ đến chuyện nhắc tới ông ta.

Ông ta chết: cái chết của ông ta được thông báo trên các tờ nhật báo bằng dòng tít lớn, ngay trang nhất, măng sét thật to. Người ta không tiếc lời du dương, cũng như ảnh chụp. Có phải trên thế giới chẳng xảy ra chuyện gì, để mà người ta dành nhiều chú tâm đến vậy cho một tin vắn? Thế nhưng số phận châu Âu đang rất bấp bênh và có lẽ đang được quyết định. Chẳng quan trọng. Nhiều bài báo dài thuật lại sự nghiệp của người chết cùng các tiền nhiệm của ông ta. Người ta định nghĩa vị thế của ông ta trong Nhà nước. Người ta bình luận các phẩm chất nghề nghiệp của ông ta, cách làm của ông ta, sự “thiện xảo” của ông ta. Người ta không bỏ qua chút gì về cuộc đời riêng của ông ta, tính cách ông ta, các thói quen của ông ta. Chẳng chi tiết nào có vẻ không xứng để thu hút mối quan tâm của độc giả. Ta sửng sốt trước mức quá đà về quảng cáo dành cho một tai nạn dường như sẽ hết sức bình thường nếu được thông báo trong một bài ngắn vài dòng. Quy sự quá mức này cho thói tò mò thiếu lành mạnh của công chúng, những người đòi hỏi nơi các nhà báo khẩu phần hằng ngày của mình, hẳn sẽ là một giải pháp hơi quá đơn giản, mà dẫu sao hẳn nó cũng sẽ không tước bỏ mất việc suy tư về bản tính thiếu lành mạnh của sự tò mò ấy, tự đặt câu hỏi về nguyên nhân của nó, chức năng của nó, mục đích của nó, xác định những bản năng rối loạn mà hẳn nó thỏa mãn. Nhưng trong trường hợp cụ thể này, ta có thể làm hơn thế: các thông tin được đăng về viên đao phủ mới qua đời, quả thật, không ất ơ. Nhiều thông tin có vẻ tạo vinh dự cho trí tưởng tượng của các nhà báo nhiều hơn so với cho sự chắc chắn những thông tin của họ. Sự kiện lại càng có vẻ nổi bật hơn vì nhiều bài báo khác nhau, mặc cho các mâu thuẫn lồ lộ mà chúng trưng bày nếu đem so sánh, vẽ ra cho viên đao phủ một hình ảnh giống nhau. Hình ảnh đó, theo tác giả này hay tác giả kia, được tạo nên từ các yếu tố phân tán, nhưng với sự tổ chức qua lại lần nào rốt cuộc cũng tạo hình một khuôn mặt có biểu đạt giống hệt, như thể các trí tưởng tượng đã cảm thấy nhất định phải tuân theo cùng một lược đồ, bị quyến rũ bởi cùng một hình tượng và được áp dụng để tái tạo với các phương tiện cầu may và các đường nét ít nhiều võ đoán. Vấn đề nằm ở chỗ tái xây dựng nguyên mẫu lý tưởng rất mực thuyết phục kia. Từ trước, ta đã chắc chắn rằng công việc sẽ không thiếu lợi ích, bởi ngay tắp lự ta gặp một khó khăn lạ thường: tác giả những bài báo ít nhất trí với nhau về các sự kiện hơn so với về vầng hào quang truyền thuyết của chúng; các câu chuyện của họ tiêu diệt lẫn nhau chừng nào vấn đề là sự cố có thể quan sát, có tính cách vật chất, lịch sử mà cái chết của một ông già tạo ra, lúc rạng sáng, tại một bến tàu điện ngầm nhưng ngược lại chúng lại minh xác lẫn nhau nơi mọi thứ gì thuộc về chủ quan và sự không thể kiểm soát mà chúng thêm vào cho sự kiện thuần túy. Nhìn chung, ta không trông đợi thấy cái thực thì mong manh và mờ mịt, còn cái tưởng tượng lại đầy sức kháng cự và rõ nét.

Không cần phải ngạc nhiên quá mức trước việc các phiên bản về sự cố không khớp với nhau. Hẳn sẽ phi lý nếu đòi ở các nhà báo nhiều hơn mức họ có thể cung cấp. Họ không có cả thời gian lẫn các phương tiện để làm việc như sử gia. Nhưng vẫn thật đáng kinh ngạc vì họ vẫn có thể, như dưới hiệu ứng của một hòa âm thiết lập sẵn, đạt tới một sự nhất trí lớn tới vậy về mọi điều còn lại. Có lẽ họ đã cùng lấy từ một nguồn duy nhất [chú thích trong sách: “Có khả năng từ Hồi ký của Deibler, được đăng trên tờ Paris-Soir. Vả lại, Hồi ký đó đã được phong cách hóa ngay từ nguyên tắc, vì nó được viết bởi tay một nhà báo đã thuê một căn phòng cùng tòa nhà với viên đao phủ, nhằm ghi lại những lời kể của ông ta để viết báo], nhưng, ngoài chuyện các thông tin còn xa mới cùng dẫn chiếu về những chi tiết giống nhau, cách giải thích này còn không ghi nhận được chút nào sự giống hết sức ấn tượng của những lời bình luận đầy chủ ý đi kèm.

Trước hết, ta nhận thấy sự trau chuốt có hệ thống nhờ đó tính cách viên đao phủ dường như đối nghịch với công việc của ông ta. Vì công việc gây sợ hãi, người ta khẳng định ông ta là người rụt rè và hay sợ sệt. Người ta so sánh biệt thự của ông ta với một căn hầm tránh đạn ở phòng tuyến Maginot, vì nó được trang bị rất nhiều thiết bị an ninh. Người ta kể rằng, từ chối lên một chiếc xe ô tô của bộ Tư pháp, mà người ta gửi đến nhà để đón ông ta, cho một trường hợp khẩn cấp, ông ta gọi một chiếc taxi và nói với các phái viên của bộ trưởng: “Xin lỗi, không bao giờ tôi tin người lạ.” [chú thích trong sách: “Le Figaro (không cần phải nghi ngờ, đây là một chuyện bịa đặt: người ta không chém đầu ai “khẩn cấp”)”]. Nghề của ông ta trang trọng và nghiêm khắc: người ta bảo viên đao phủ gần gũi và dễ mến. Sáng nào ông ta cũng dắt con chó nhỏ đi dạo, buổi chiều thì hay tới các trường đua, gọi người mang apéritif cho mình từ quán cà phê bên cạnh, những khi nào dạ dày của ông ta cho phép; ông ta thích chơi trò manille [chú thích trong sách: “Excelsior”], người ta miêu tả ông ta như một người sống bằng tiền lợi tức nhỏ [chú thích trong sách: “Le Figaro”], như một người về hưu [chú thích trong sách: “Paris-Soir”]; ông sở hữu “tài sản” [chú thích trong sách: “L’Intransigeant”]. Cuộc đời ông ta là cuộc đời của một công chức rất đúng giờ, của một “ông bố tốt trong gia đình” [chú thích trong sách: “Paris-Soir (tít)”]. Trong khu phố của ông ta, người ta gọi ông ta là “nhà tư sản ở Rạng Sáng” [chú thích trong sách: “Paris-Soir (tít phụ)"], dường như không kèm chút ma mãnh nào, vì nhà báo nêu lên chi tiết ấy không có vẻ gì ý thức được về nghĩa kép đen tối của địa danh (viên đao phủ tiến hành công việc vào lúc bình minh). Ông ta thực thi chức nghiệp khủng khiếp nhất trong số mọi chức nghiệp: người ta nói ông ta có một trái tim nhạy cảm, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác và hỗ trợ người nghèo [chú thích trong sách: “Le Figaro”]. Người ta dùng tính khí nhân hậu để giải thích những hoàn thiện mà ông ta mang tới cho cái máy chém [chú thích trong sách: “Le FigaroL’Intransigeant, v.v…”]. Người ta gán cho khuôn mặt ông ta một biểu đạt dịu dàng và u sầu. Cái nghề của ông ta u ám, tàn nhẫn, máu me: người ta cho thấy ông ta chỉ chuyên nhất hướng tới những gì cao cấp và tinh tế [chú thích trong sách: “Le Figaro”]. Là người yêu cái đẹp và cũng tạo ra cái đẹp, ông ta trồng các loại hoa hồng hiếm với một sự chăm chút tỉ mẩn, ông ta chế tác và nung các thứ đồ gốm nghệ thuật [chú thích trong sách: “Excelsior”]. Trong đời tư ông ta phải chịu đựng nhiều thống khổ hơn so với những gì ông ta gây ra trong cuộc sống cộng đồng: nhầm lẫn của một viên dược sĩ đã gây ra cái chết của con trai ông ta, ở tuổi lên năm. Con gái của ông ta, trở thành gái già, không lấy được chồng, có “một cuộc đời bị hành hạ”. Như vậy là nhiều hơn mức cần thiết để khiến trở nên u tối các ngày của viên đao phủ ấy, khốn đốn trong cuộc sống gia đình [chú thích trong sách: “Paris-Soir”].

Sự say sưa mà người ta thể hiện trong việc theo đuổi tương phản đôi khi dẫn tới những kết hợp rất mực kỳ khôi: một trong các nhà bình luận tự hỏi có phải người đàn ông làm các công việc chết chóc ấy đã chọn sống trên phố Claude-Terrasse bởi vì nó mang tên một nhạc sĩ vui [chú thích trong sách: “La Liberté”]. Nhìn chung cái chủ đề thảm thê nhân đôi về cái chết của viên đao phủ mang tới cơ hội để gây cười bằng những câu nói đùa hợp tình hợp cảnh hoặc bằng việc nhắc lại các câu nói hay ho có động chạm đến nghề nghiệp của nhân vật. Chẳng hạn người ta nhận thấy nghề đao phủ không có “mùa chết” [chú thích trong sách: “L’Ordre”; tức là không có mùa “cao điểm” và ngược lại, giống các ngành kinh doanh]. Trong số các giai thoại hài, nhất là có một giai thoại, rất hay và phi lý, định tông giọng cho toan tính giải thoát nỗi sợ hãi đó, rồi thì sự nhờ viện báng bổ đó, mà cái cười thường trực đại diện vào các dịp tương tự. Một trong số các Sanson, đao phủ dưới triều Louis XV, từng chém đầu ngọt tới mức ông ta chém rồi mà người bị kết án, người ta kể vậy, chẳng hề cảm thấy gì. Khi ông ta hành quyết Lally-Tollendal, nhân vật này sốt ruột hỏi ông ta: “Kìa! anh còn đợi gì thế?” Và Sanson đáp câu sau đây, mà cái cười nảy sinh từ bản thân nỗi hãi hùng và phát xuất từ việc người ta nói chuyện với một xác chết: “Thì, Monseigneur, xong rồi mà. Ngài cứ nhìn mà xem” [chú thích trong sách: “Le Figaro”]. Tuy nhiên Deibler được trình hiện như một nhân vật hoàn toàn hờ hững, nếu không phải thù nghịch, với những câu chuyện về đao phủ và hành quyết. Ông ta gửi trả lại một bộ sưu tập sách thuộc thể loại đó cho một người Anh đã gửi tặng, kèm với những lời cao ngạo và có phần trang trọng sau: “Về mọi điều liên quan tới việc thực thi các chức trách của anh ta, đao phủ không được biết đọc” [chú thích trong sách: “Le Figaro”].

Ngược hẳn lại, đối nghịch với các câu chuyện nho nhỏ ấy, ta nhận ra một khuynh hướng ép buộc tính cách u ám, không thể giải trừ của nhân viên hành quyết. Chỉ vừa mới miêu tả tồn tại của ông ta thật êm đềm người ta đã vẽ ra nó hết sức đáng kinh hãi. Bằng cách ấy ông ta trở thành, như măng sét một bài báo gọi, “viên đao phủ có cuộc đời kép” [chú thích trong sách: “Paris-Soir”]. Từ khi còn nhỏ ông ta phải sống xa cách đồng loại. Ở trường, nghề của bố ông ta, mà ông ta chẳng hề hay biết, người ta đảm bảo vậy, khiến ông ta phải thui thủi một mình. Các bạn học của ông ta hành hạ ông ta, sỉ nhục ông ta, không cho ông ta chơi cùng [chú thích trong sách: “Paris Soir, Ce Soir”]. Rốt cuộc chúng cũng hé lộ cho ông ta “lời nguyền” giáng xuống ông ta. Ông ta bị chấn động khủng khiếp. Và rồi, lấy làm kiêu hãnh với nỗi nhục riêng, ông ta chơi trò chém đầu lũ bạn học và nghĩ cách làm chúng khiếp sợ [chú thích trong sách: “Paris-Soir. (Không cần phải chỉ ra tính cách ngớ ngẩn của tất tật những chi tiết đó)”]. Về sau, khi ông ta đi tìm việc, người ta từ chối ngay khi nghe đến tên ông ta, “bị đóng một con dấu đẫm máu” [chú thích trong sách: “Paris-Soir”]. Ban đêm, ông ta bị đánh thức bởi bố của ông ta, điên cuồng hú hét: “Máu!” [chú thích trong sách: “Le Progrès de Lyon”] Quả thật ông bố ấy sớm đệ đơn xin từ chức: ông ta cảm thấy, trong suốt những cuộc hành quyết, lấm đầy máu, dẫu vẫn sạch sẽ ngang cỡ các ông quan tòa ở bên cạnh [chú thích trong sách: “L’Intransigeant”]. Không ai đồng ý gả con gái mình cho con trai viên đao phủ. Ông ta hỏi cưới con gái ông thợ mộc Heurteloup, người sản xuất máy chém cho toàn thế giới, người duy nhất, giống nhân viên hành quyết, sống bằng án tử hình, nhưng là theo lối gián tiếp. Ông ta bị chối từ: ông thợ thủ công không muốn con gái mình lấy một kẻ chặt đầu người [chú thích trong sách: “Ce Soir, L’Intransigeant, v.v…”]. Tới đây thì tính cách tiểu thuyết xuất hiện, tức là hết sức tự nhiên người ta biến viên đao phủ thành nhân vật tiểu thuyết: thất tình, Deibler đồng ý kế nghiệp bố [chú thích trong sách: “Ce Soir”]. Người ta cũng kể rằng Sanson đầu tiên đã quyết định bước vào cái sự nghiệp mà các hậu duệ của ông ta sẽ làm cho sáng chói do một mối tình bất hạnh [chú thích trong sách: “Le Figaro”]. Theo cách đó, bản tính folklore của câu chuyện trở nên rõ ràng.

Người ta vẽ ra một bức tranh đầy kịch tính về cái buổi sáng chàng thanh niên chấp nhận số phận của mình. Ngày diễn ra cuộc hành quyết nơi ông ta sẽ phụ cho bố lần đầu tiên, vào lúc bình minh ông bố đánh thức ông ta và nói: “Dậy đi con, đến giờ rồi”. Người ta nhận xét, “viên đao phủ tương lai bị giật ra khỏi giấc ngủ giống hệt một kẻ bị kết án tử hình” [chú thích trong sách: “Paris-Soir”].

Mặt khác, các nhà báo thích thú đặt cái chết của viên đao phủ vào trong sự kỳ diệu. Ở điểm này ta thấy có các trùng hợp mà ta sẽ không gán cho tình cờ, mà cho một tất yếu mờ tối. Người ta nhấn mạnh vào sự kiện người gây ra cái chết đột ngột bị chết một cách đột ngột. Người ta nhấn mạnh rằng ông ta bỏ mạng vào đúng thời điểm ông ta thường tạo ra cái chết. Người ta nhận thấy rằng vụ hành quyết mà ông ta sắp tiến hành sẽ diễn ra tại Rennes, thành phố quê hương ông ta. Trời, người ta nói, không thể để cho viên đao phủ chết theo lối tầm thường [chú thích trong sách: “L’Époque”]. Có lẽ đó chính là chủ đề hay được các tờ nhật báo xử lý hơn cả: sự qua đời của nhân viên hành quyết cần phải chấm dứt, theo một cách thức ổn thỏa và đồng chất, một tồn tại mà người ta bày ra như là hoàn toàn tuân thủ định mệnh.

Thực tại, cần thú nhận điều này, chẳng cần gì phải ghen tị với huyền thoại. Quả thật, nhân vật ấy dường như là duy nhất trong Nhà nước. Nói cho đúng, ông ta không phải một công chức, mà chỉ là một nhân viên đơn thuần mà Bộ Tư pháp trả thù lao bằng tiền lấy từ một khoản đặc biệt rút từ ngân sách. Dường như người ta muốn công chúng hiểu rằng Nhà nước lờ tịt ông ta đi. Dẫu thế nào, trên một điểm quan trọng ông ta ngoài vòng pháp luật: người ta quên bẵng ông ta trong sổ sách tuyển quân. Các con trai nhà đao phủ được miễn quân dịch theo một thỏa thuận bất thành văn. Nhân viên hành quyết quá cố, nhằm thoát khỏi phần số, đã bộc phát xuất hiện tại văn phòng tuyển quân, mà không hề bị triệu tập, và hiện ra “trước các sĩ quan sững sờ hết sức”. Đã phải tuyển mộ ông ta, vì không có các văn bản pháp luận cho phép từ chối [chú thích trong sách: “L’Intransigeant”]. Còn hơn thế nhiều: chức vụ đao phủ trong thực hành là cha truyền con nối. Khi muốn bày ra rành rành tính định mệnh đè nặng lên cuộc đời họ, người ta cho thấy con trai, cháu trai, rồi cả chắt, đều là đao phủ [chú thích trong sách: “Le Figaro”]. Tính cách di truyền của công việc, tuy thế gây bê bối trong một nền dân chủ, chẳng hề gây ra bất kỳ lời bình luận nào. Ngược lại người ta nêu bật trong những dòng tít viết chữ lớn: “Người cuối cùng của một triều đại” [chú thích trong sách: “Ce Soir”], “một dòng giống đao phủ”, “một gia đình toàn nhân viên hành quyết” [chú thích trong sách: “Paris-Soir”], “một dòng giống bi thảm”. Một số tờ báo xem như là tự nhiên cả sự kế thừa không trực hệ và sự truyền lại tự động cho người cháu của ông Deibler chức vụ của ông ta, vì không có người thừa kế nam trực hệ [chú thích trong sách: “L’Humanité, L’Action Française, L’Ère Nouvelle”]. Người ta chỉ ra, mà không nhấn mạnh vào tính cách ngoại lệ của nó, cái đặc quyền - điển hình cho quyền lực chúa tể [Caillois bắt đầu đi vào điểm then chốt] - cho phép viên đao phủ chỉ định người kế tục mình. Người ta chỉ ghi nhận rằng người quá cố đã sử dụng quyền này vào tháng Bảy năm 1932, chỉ định người con trai của em gái mình thay thế mình, nhưng không ai bận tâm đi giải thích bằng cách nào, trong những điều kiện ấy, một người khác có thể đòi trở thành ứng cử viên cho vị trí đao phủ.

Rốt cuộc, người ta nói đến một truyền thống “lâu đời”, theo đó, sau khi viên đao phủ chết, người ta giảm tội cho người đầu tiên bị kết án phải lên đoạn đầu đài [chú thích trong sách: “L’Humanité, Le Petit ParisienParis-Soir”]. Mọi chuyện diễn ra như thể cuộc đời của đao phủ cứu chuộc cuộc đời kẻ tội phạm. Sự can thiệp ấy của một thứ quyền ân xá, được thực thi vào thời điểm viên đao phủ chết cũng như khi người kế vị ngai vàng sinh ra, thêm lần nữa đồng hóa, ở một mức nhất định, nhân viên hành quyết với người sở hữu quyền lực tối cao.

Quả thật, đó là thực tại xã hội học của ông ta, cái giải thích cho những đặc quyền lạ thường của ông ta cùng vị thế đầy nghịch lý của ông ta trong tương quan với luật, thứ, mặt khác, biện minh cho bầu không khí kỳ diệu mà người ta thích thú bao bọc lấy ông ta, cũng như tính cách thiếu rõ ràng mà người ta đặt vào tồn tại của ông ta. Ông ta bấm vào cái nút giết người “nhân danh dân tộc Pháp” [chú thích trong sách: “L’Intransigeant”]. Chỉ ông ta đủ phẩm tính để làm điều đó. Người ta gọi ông ta là Monsieur de Paris [trong hồi ký, Saint-Simon kể rằng, thời Louis XIV, có một nhân vật tôn giáo được gọi đúng như vậy, gây ra sự nhầm lẫn vì trong ngôn ngữ bình dân lúc nào danh hiệu “Monsieur de Paris” cũng dùng để gọi đao phủ - tất nhiên lúc đó còn chưa có máy chém guillotine]. Tước hiệu quý tộc này, được người ta bình luận vẻ trang trọng [chú thích trong sách: “La Liberté”], chừng như gây ấn tượng mạnh cho các nhà báo, cho nên đôi khi họ nảy ra ham muốn giải thích. Những giải thích đó, điều này thật tự nhiên, được triển khai theo thứ lý tính thô thiển, thứ uyển ngữ ngây thơ vốn dĩ vẫn thường truyền cảm hứng cho các toan tính đầu tiên của suy diễn một huyền thoại. Ở đây người ta nhắc đến, mà không mấy chắc chắn, về cái người mà ở tỉnh người ta từng hay gọi là “le monsieur de Paris” [chú thích trong sách: “Excelsior”]. Gợi ý rất sáng sủa. Chỗ này, tác giả còn nói rõ: tại các khách sạn viên đao phủ từng ở, anh ta nghiêm túc khẳng định, ông ta yêu cầu nhân viên không được tiết lộ danh tính của mình. Vì thế người ta trả lời cho những kẻ hiếu kỳ hỏi tên ông ta: “Đó là le monsieur de Paris” [chú thích trong sách: “Le Jour”]. Thế nhưng, đây tuyệt đối không phải là giải pháp, vì các dùng mạo từ xác định [“le”] đặt giả định rằng người ta đã biết nhân vật được nhắc đến. Ngoài ra, giả thuyết ấy không giải thích cho việc cụm từ đã được lưu giữ và phổ thông hóa, cũng như - nhất là - nó đã có thể được hoàn toàn biến đổi với sự biến mất của mạo từ. Bất kỳ ai, mà chẳng cần nhấn mạnh quá mức, cũng cảm thấy toàn bộ sự khác biệt giữa “le monsieur de Paris” và “Monsieur de Paris”. Trên thực tế, vấn đề nằm ở một danh xưng chính thức, song song với các danh xưng của đao phủ ở tỉnh, Monsieur de Bretagne, Monsieur d’Alger, v.v… ở đó Monsieur mang nghĩa Monseigneur [độc giả của Saint-Simon sẽ hiểu rõ ngay lập tức mấy điểm lằng nhằng này], và nó tương ứng một cách chính xác với danh xưng đúng nghi thức xưa kia thông dụng cho các chức sắc cao cấp của Nhà thờ và đặc biệt đối với hàng giám mục. Tương tự, người ta từng gọi rất thông dụng Bossuet là “Monsieur de Meaux”, Fénelon là “Monsieur de Cambrai” [hai nhân vật xuất hiện rất nhiều trong hồi ký Saint-Simon], Talleyrand là “Monsieur d’Autun” [nhân vật này thì tất nhiên không được Saint-Simon nhắc đến vì hồi đó còn chưa đẻ; tuy nhiên độc giả của Balzac không xa lạ với Talleyrand]. Toan tính giải thích chỉ hấp dẫn bởi sự phi lý của nó. Nó để lộ nỗi khó ở của một tinh thần quá lý tính trước những sự kiện mà bản tính vuột mất khỏi nó.

Tuy nhiên sự giống của viên đao phủ với vị nguyên thủ Nhà nước, vị thế đối nghịch giữa họ, vốn dĩ thoát thai từ các thiết chế, thể hiện ra đến tận trong trang phục. Quả thật, áo rơ đanh gốt được xem như là một đồng phục đúng nghĩa và gần như áo lễ, nó ít thuộc về con người hơn so với về chức phận và nó được truyền lại cùng chức phận. Nơi một trong những câu chuyện cuộc đời ông Deibler, nhằm cho thấy theo đường lối biểu tượng rằng rốt cuộc ông ta cam chịu số phận, người ta kể rằng một ngày nọ ông ta mang về nhà cái áo rơ đanh gốt đen của các viên phụ tá [chú thích trong sách: “Ce Soir”]. Nó, cộng thêm cái mũ haut de forme, ở đó người ta bảo trông thấy một “vẻ cao quý của nhà quý phái” [chú thích trong sách: “L’Ordre”], biến viên đao phủ thành một dạng thế thân ảm đạm của vị nguyên thủ Nhà nước, vốn theo truyền thống ăn vận cùng kiểu. Cũng tương tự, dưới thời quân chủ, vẻ ngoài của viên đao phủ là vẻ ngoài của một đại lãnh chúa: ông ta bị bắt buộc phải “uốn xoăn và rắc bột lên tóc, vai đeo ngù, đi bít tất trắng, và đi giày escarpin đen”. Ta cũng biết, mặt khác, rằng ở một số Nhà nước bên Đức, đao phủ từng mang các tước vị và đặc quyền quý tộc chừng nào chặt được một số lượng đầu nhất định. Lạ hơn nữa, tại Wurtemberg, ông ta từng có thể được gọi là “đốc tờ”. Ở Pháp, ông ta từng được hưởng nhiều quyền đặc biệt: được nhận một cái thủ lợn từ Abbaye de Saint-Germain khi tiến hành một cuộc hành quyết trên đất của tu viện và ngày thánh Vincent, ông ta đi đầu đám rước của Abbaye. Ở Paris, chính quyền thành phố từng cho ông ta năm aune [khoảng 6m] dạ để may quần áo. Ông ta được thu tô trên hàng hóa bày ở chợ trung tâm. Đích thân ông ta đi đến đó để nhận. Nhất là, người ta từng công nhận ông ta có quyền “hâvage”, nghĩa là được lấy ngần nào bàn tay ông ta giữ được, từ mọi thứ ngũ cốc đang được bày bán ở chợ. Cuối cùng, một tập quán lạ thường, bổn phận đặc trưng thì đúng hơn là một đặc quyền, từng khiến ông ta trở thành người thay thế đức vua trong các hoàn cảnh rất cụ thể: ông ta phải mời tới bàn của mình các hiệp sĩ saint Louis đã trở nên nghèo đói. Người ta nói rằng Sanson hồi đó, đầy ngạo nghễ, dùng một bộ đồ ăn bằng bạc tuyệt đẹp.




Đao phủ và chúa tể

Sự tương tự bí mật giữa nhân vật được trọng vọng nhất trong Nhà nước và kẻ bị hạ thấp nhất hiện ra tới cả trong các trí tưởng tượng, nơi họ được đối xử theo cùng một cách thức. Ta đã thấy người ta khăng khăng tới mức nào trong việc đặt tương phản giữa nỗi hãi hùng và máu của máy chém guillotine và cuộc sống êm ả và tính cách bình lặng của viên đao phủ. Một cách hệ thống, ở mọi dịp, lễ đăng quang hay cuộc viếng thăm của vị chúa tể, dân chúng đều thích thú đặt đối lập sự hào nhoáng hoàng gia, với vẻ xa hoa vốn dĩ bao quanh các bậc quân vương với sự giản dị và khiêm nhường trong những sở thích của họ, “những thói quen bourgeois của họ”. Ở cả hai trường hợp, người ta đặt nhân vật vào một môi trường của hãi hùng hoặc của quyến rũ, nhưng cùng lúc, người ta cố công đưa người đó vào thế đối nghịch với bầu không khí ấy, nhằm thu giảm người đó về kích cỡ của con người trung bình. Hẳn người ta sẽ nói rằng con người trung bình cảm thấy một nỗi khiếp sợ nhân đôi khi thấy những người xuất phàm vừa rất gần vừa rất xa mình. Anh ta hướng đến chỗ tự đồng hóa mình với họ và tách xa khỏi họ, bằng một chuyển động chứa ngang bằng nỗi thèm khát và sự e ngại. Người ta đã nhận ra chùm tâm lý định nghĩa thái độ của con người vào lúc ở trước cái thiêng, như thánh Augustin miêu tả, tự thú nhận trong mình cháy bỏng lòng nhiệt tâm khi nghĩ rằng mình giống với thần thánh, nhưng cũng run rẩy vì hãi hùng khi hình dung thần thánh vẫn hoàn toàn xa lạ với mình [chú thích trong sách: “Confessions, XI, 9, 1.”] Vị chúa tể và viên đao phủ cũng vậy, vừa ở rất gần với khối đồng chất các đồng bào của họ, nhưng cùng lúc cũng thấy mình bị tách dữ dội khỏi họ. Sự mù mờ mà cả hai bày ra cũng được thể hiện giữa họ; một người thì hội tụ nơi bản thân mình mọi vinh dự và sự kính trọng, người kia thì mọi nỗi gớm tởm và khinh bỉ. Họ chiếm cứ trong các tinh thần cũng như trong cấu trúc Nhà nước những vị thế tương ứng và được cảm thấy đúng như thế: cả hai đều là duy nhất ở chỗ của họ, họ gợi đến nhau chính bởi thế đối nghịch với nhau [chú thích trong sách: “Ta thấy bị cám dỗ được diễn giải các chi tiết lầm lạc trong những bài báo viết về cái chết của ông Deibler theo cách ấy. Có lẽ như vậy thì hơi bướng bỉnh, nhưng sự thiếu vắng mọi cách giải thích khác là một cái cớ biện minh cho việc đề xuất nó. Người ta nói rằng viên đao phủ từng tìm lối an ủi chuyện tình yêu bất hạnh với cô con gái của ông thợ mộc Heurteloup bằng cách lao vào “nữ hoàng nhỏ” [petite reine] (L’Intransigeant), có vẻ cụm từ này dùng để chỉ những cuộc đua xe đạp. Ta có thể tự hỏi, có phải sự sống lại của ẩn dụ lạ thường ấy được bắt nguồn từ tình cảm ít nhiều có ý thức về vị thế tương đồng, nơi mọi xã hội, giữa vị nguyên thủ quốc gia và viên đao phủ. Một nhà báo hỏi ai là công chức Pháp, nhân vật duy nhất của một kiểu riêng, mà trong tên có các chữ cái: L, E, B, XX và R, và bảo người ngoài phố nếu được hỏi sẽ đáp đó là ông Lebrun chứ không phải ông Deibler. Chắc hẳn là không nên đòi hỏi ở những câu nói đùa tương tự nhiều hơn chút ít mà chúng có thể mang lại, nhưng ít nhất câu đùa vừa xong cũng làm chứng rằng vị quan tòa tối cao và viên đao phủ của Cộng hòa có xu hướng tạo thành một cặp ở trong tâm trí”].

Như vậy, chúa tể và đao phủ hoàn thành, một trong ánh sáng và vẻ rực rỡ, một thì trong bóng tối và nỗi xấu hổ, các chức năng quan yếu và đối xứng. Một người chỉ huy quân đội từ đó người kia bị loại bỏ. Họ đều là không thể chạm tới, nhưng chắc hẳn người ta sẽ vấy bẩn người thứ nhất nếu chạm vào ông ta, hoặc giả thậm chí chỉ nhìn ông ta thôi, trong khi người ta hẳn sẽ tự làm mình bị vấy bẩn nếu động vào người thứ hai. Vậy nên ở các xã hội nguyên thủy họ phải tuân thủ nhiều sự cấm đoán, chúng phân tách họ với tồn tại chung [chú thích trong sách: “Với ông vua, đó là điều đã được biết quá rõ; đối với viên đao phủ, xem chẳng hạn Frazer”]. Chỉ mới gần đây thôi, viên đao phủ còn bị cấm bước vào một địa điểm công cộng. Rất khó lấy vua, nhưng cũng không kém phần khó lấy vợ, đối với viên đao phủ. Một người thì không kết hợp với một ai bất kỳ, người kia thì chẳng được ai muốn kết hợp. Sự sinh ra đều cô lập họ, một trong vẻ lớn lao, một trong sự đê nhục. Nhưng, vốn dĩ đại diện cho hai cực của xã hội, họ thu hút lẫn nhau và hướng tới chỗ hội tụ với nhau phía bên trên thế giới phàm. Dẫu ở đây không cần thiết phải tiến hành nghiên cứu hình tượng viên đao phủ trong thần thoại và folklore, cũng cần nhấn mạnh vào tần suất của chuyện, trong các truyện cổ tích, tình yêu buộc hoàng hậu vào với viên đao phủ (hoặc con trai ông ta) và nhân viên hành quyết với con gái nhà vua. Đặc biệt đó là chủ đề một truyền thuyết của vùng Hạ Áo, từ đó Karl Zuckmayer đã lấy cảm hứng để viết vở kịch lừng danh của mình, Der Schelm von Bergen.

Trong những câu chuyện khác, hoàng hậu, trong vũ hội hóa trang, khiêu vũ cùng một chàng trai tuyệt đẹp với khuôn mặt là hình một con chó sói màu đỏ, bà yêu đắm đuối anh ta và đó không phải ai khác ngoài viên đao phủ. Trong một típ truyện thứ ba, con trai của đao phủ chinh phục một nàng công chúa, rồi trở thành người duy nhất chiến thắng được bùa yểm khiến nàng bị nhốt chặt trong một cơn sầu muộn, giải thoát cho nàng khỏi giấc ngủ hoặc ngăn nàng tỉnh dậy [chú thích trong sách: “Các chi tiết này do ông Hans Mayer nói cho tôi, tôi xin vô cùng cảm tạ ông”]. Hoàn toàn giống việc đôi khi ông vua đảm nhiệm các chức năng thờ cúng, dẫu thế nào thì cũng được xếp về cùng một phía với vị giáo sĩ và Chúa, viên đao phủ có thể hiện ra như một nhân vật rất thánh đại diện cho xã hội trong nhiều hành động tôn giáo khác nhau. Chẳng hạn, ông ta được giao việc cung hiến các sản vật mùa màng đầu tiên [chú thích trong sách: “Frazer”]. Tuy nhiên nhìn chung ông ta thuộc về khía cạnh thiếu quy củ, u tối, hắc ám, của thế giới siêu nhiên. Đó là một dạng thầy pháp, một giáo sĩ lộn ngược. Ông ta có thể chịu lễ ban thánh thể, nhưng phải đi găng tay để nhận bánh thánh, điều vốn dĩ bị cấm đối với tất tật con chiên khác; khi bố mẹ ngăn trở hôn nhân của hai thanh niên, hoặc khi Nhà thờ vì nguyên do nào đó không nhận ban phép thánh cho họ, cặp trai gái sẽ đến gặp viên đao phủ, ông ta cưới họ bằng cách cho họ nắm tay nhau, nhưng không phải trên Thánh Kinh, mà trên một thanh gươm. Ngoài ra, vận đồ đỏ, nhân viên hành quyết ít nhiều bị đồng hóa với quỷ. Vũ khí của ông ta mang toàn bộ sự lây nhiễm của cái thiêng: người nào chạm lướt qua nó thì bị dành cho nó và không sớm thì muộn sẽ thuộc về nó. Trong một câu chuyện của Clément Brentano, một thiếu nữ do bất cẩn đặt tay lên cây rìu của viên đao phủ. Vậy là xong. Dẫu có làm gì đi nữa thì cô gái cũng đã bị dành sẵn cho đoạn đầu đài, và quả thật, cô sẽ bị chém đầu bởi chính cây rìu mà cô từng lỡ chạm phải.

Người ta gán cho viên đao phủ, như cho một nhân vật siêu nhiên, những hiện tượng thuộc khí tượng. Ở Saint-Malo, khi có tuyết, người ta nói rằng đao phủ “vặt lông lũ ngỗng của ông ta”. Trong một lời khấn nhằm xua sương mù, người ta đe dọa nó để khiến nó bỏ chạy, bằng chuyện viên đao phủ sắp tới và sẽ bóp cổ nó “với con chó cái và con chó đực của ông ta”. Ông ta đóng vai trò một nhân vật truyền thuyết chỉ cần đi lướt qua cũng để lại dấu ấn lên tự nhiên cùng phong cảnh. Ở vùng “bocage” Normandie [độc giả của Balzac chắc còn nhớ các miêu tả về “bocage”] một dòng suối được gọi là “suối tay bẩn”. Trước kia nước rất trong. Nhưng kể từ khi viên đao phủ nhúng hai bàn tay đầy máu xuống đó để rửa, sau khi chặt đầu một nhân vật địa phương, nó đã bị bẩn. Nhân danh thứ luật gán cho mọi điều gì gây hãi hùng một quyền năng chữa bệnh, một dòng suối tại Saint-Cyr-en-Talmondois gọi là “Suối Cánh Tay Đỏ”, vì, theo truyền thống, có một viên đao phủ chết đuối ở đó, được tiếng là có tác dụng chữa lành bệnh tật. Các phụ nữ chuyên trị mụn nhọt đủ mọi loại đến đó đọc các công thức của họ như thể “đao phủ làm rơi đầu nhiều người đã truyền cho nước đặc quyền cũng làm rụng đi mọi thứ gì mọc thò ra” [chú thích trong sách: “P. Sébillot, Le Folklore de la France, Paris, 1906”].

Theo một cách thức chung, đao phủ được coi là phù thủy. Quả thật nhờ các chức năng của mình ông ta ở vào vị trí rất tốt để sở hữu một cách dồi dào rất nhiều thành phần trích xuất từ xác những người bị kết án, với đó ma thuật thích tạo các thứ bùa. Người ta mua từ ông ta mỡ của những người bị treo cổ, nó chữa được tê thấp, và mùn nạo từ sọ người mà người ta dùng để chữa chứng động kinh. Trước hết, ông ta bán cây khoai ma mọc dưới chân giàn xử giảo, nếu có nó người ta sẽ sở hữu được đàn bà, các kho báu và quyền lực. Suốt một thời gian dài ông ta giữ quyền bán mọi thứ lấy từ những người phải chịu cực hình [tính cả các cơ phận], sự mê tín luôn luôn coi đó là bùa. Dân chúng Paris kịch liệt giành giật nhau các thứ của Marquise de Brinvilliers [nữ nhân quý tộc nổi tiếng, bị nghi giết người và bị chặt đầu năm 1676]. Cả ở đây, ta cũng nhận thấy dây liên hệ nối với quyền lực chúa tể các lực tăm tối và hùng mạnh vốn dĩ ám lấy tội ác cùng viên đao phủ. Trong cung điện của Hoàng đế Monomotapa, Nhà nước xưa kia từng hùng mạnh ở Đông Nam châu Phi, có một căn phòng nơi người ta thiêu những cái xác kẻ bị kết án. Tro của chúng được dùng để làm một loại thuốc trường sinh cho vị chúa tể dùng riêng.

Chẳng việc gì phải nêu các giả thuyết, như nhiều lúc, về việc dùng trò lừa, để giải thích những niềm tin ấy. Ta có thể công nhận rằng các đao phủ đã sử dụng nhiều chiêu trong một số cuộc hành quyết, bằng cách dưới sợi dây chọc thủng khí quản của người bị treo cổ và không đạp vào cổ nhằm giết chết người đó [chú thích trong sách: “Charles Durand, trong một bản thảo viết tay chưa in được trích dẫn trong mục từ “đao phủ” của từ điển Grand Larousse”]. Ngoài những dè chừng tuy nhiên cũng nên có về khả năng của các ma nớp đó, cần phải chối từ việc thấy ở chúng có chút gì hòng gán cho đao phủ năng lực làm người chết sống lại. Nếu sự lừa đảo từng có bao giờ xảy ra thật, thì người ta cũng phát hiện được và nó không thể được dùng để quy cho nhân viên hành quyết một thứ quyền năng vả lại dường như không được chứng thực. Ngược lại, rõ là những hiểu biết về y học mà người ta hay nghĩ ông ta sở hữu phát xuất từ chính bản tính công việc của ông ta, từ sự dễ dàng mà ông ta nắm giữ nhằm giành lấy những chất cần thiết để làm các thứ thuốc bôi, cũng như từ lối sống mà ông ta buộc phải có. Tận tới thế kỷ 19, đao phủ vẫn đóng vai trò thầy lang và cạnh tranh bất hảo với bác sĩ có bằng cấp. Viên đao phủ ở Nîmes rất nổi tiếng. Một người Anh mắc chứng vẹo cổ nặng và bị các giáo sư của Trường Đại học Montpellier bỏ rơi, mà ông ta vượt biển Manche để khám, rốt cuộc đã đồng ý giao phó vào tay ông ta. Viên đao phủ chữa khỏi cho người đó bằng cách giả bộ treo cổ người đó lên. Giai thoại đó tự nó đã nói lên mọi điều. Giống các thanh niên tuyệt vọng về chuyện nhận ban phúc đúng quy tắc từ giáo chức đến gặp kẻ bị nguyền rủa để được ông ta làm lễ cưới, các bệnh nhân tuyệt vọng trước khoa học chính thức tới gõ cửa ông ta để được ông ta chữa bệnh. Như vậy ta thấy đao phủ thường trực đối lập và thay thế các tổ chức [bộ phận] mà xã hội công nhận, tôn trọng và ủng hộ và chúng, để đổi lại, chiếu lên nó sự kính ngưỡng và thần kỳ mà chúng là đối tượng. Những ai đánh mất lòng tin vào những thiết chế toàn năng đó, những ai không còn chờ đợi từ chúng sự hiện thực hóa các hy vọng của mình, quay sang đối trọng hắc hám và bị hãi hùng của chúng, vốn dĩ không được tạo lập thành thực thể giống như Tòa Án, Nhà Thờ, Khoa Học, và sống riêng lẻ, bên lề, mà người ta vừa chạy trốn lại vừa hành hạ, mà người ta e sợ và xử xấu: chừng Chúa không đáp lời, người ta hướng đến Quỷ, chừng bác sĩ bất lực, tới thầy lang; chừng các ngân hàng từ chối, đến kẻ cho vay nặng lãi. Viên đao phủ chạm vào cả hai thế giới. Ông ta nắm giữ măng đa của mình nhờ luật định, nhưng ông ta là kẻ tôi tớ hạng bét của nó, người ở gần các vùng tăm tối, ngoại vi hơn cả, nơi chộn rộn và trốn tránh chính những kẻ mà ông ta chiến đấu chống lại. Ông ta như thể hiện lên từ một vùng khủng khiếp và rối loạn để tới ánh sáng của trật tự và luật pháp. Hẳn có thể nói rằng ông ta giả trang bằng bộ trang phục mà ông ta khoác lên mình để hành nghề. Thời Trung cổ đã không cho phép ông ta sống bên trong các thành phố. Nhà của ông ta được dựng ngoài ngoại ô, mảnh đất đầy rẫy tội phạm và gái điếm. Rất lâu, nghề đao phủ, bị che giấu vào lúc thuê một ngôi nhà, từng là một nguyên do được công nhận để hủy bỏ hợp đồng. Tận ngày nay, người bộ hành sửng sốt nhìn, trên quảng trường Saint-Jacques, vài túp nhà bệ rạc, lẩn quất dưới chân các tòa nhà phụ: ở đó ngày xưa từng sống viên đao phủ cùng các trợ tá của ông ta và cũng là nơi cất đồ nghề xử giảo. Vì tình cờ hoặc định kiến, vẫn chưa có ai mua chúng để phá đi xây nhà mới. Bên Tây Ban Nha, nhà của nhân viên hành quyết được sơn màu đỏ. Bản thân ông ta phải mang một cái áo choàng dạ màu trắng viền đỏ và đội trùm đầu một cái mũ rộng vành. Bởi vì ông ta phải báo hiệu hang ổ cùng con người mình cho nỗi khiếp sợ của đồng loại ông ta.

Mọi thứ đều nối viên đao phủ vào với cái phần không được hòa nhập của thực thể xã hội. Thường xuyên hơn cả, đó là một kẻ bị kết án được ân xá, thảng hoặc, đó là cư dân cuối cùng đến định cư tại thành phố; ở vùng Souabe, đó là viên quan thành phố cuối cùng được bầu; tại Franconie, đó là người lấy vợ cuối cùng [mới nhất]. Như vậy, thực hiện chức phận nhân viên hành quyết trở thành một dạng quyền gia nhập, món đảm bảo cho sự hội nhập cộng đồng. Đó là một công việc được giao cho người ở vào một thời kỳ bên lề và phải đảm nhiệm nó cho tới khi nào một người mới đến chiếm cái chỗ mới tới của anh ta và rốt cuộc nhập anh ta vào với các thành viên khác của nhóm.

Cho tới tận thu nhập của các đao phủ dường như cũng bị kết án không thể nói ra. Ông ta cho thuê các cửa hiệu trên quảng trường Grève [địa điểm hành quyết khét tiếng ở Paris trước đây]. Ông ta là chủ sở hữu (hoặc giả chính quyền giao cho ông ta) những nhà thổ. Dưới ancien régime [tức là thời trước Cách mạng 1789, đại khái], ông ta nhận một khoản thu từ gái điếm. Bị xã hội ruồng rẫy, ông ta chia sẻ số phần với tất cả những gì mà nó kinh tởm và đẩy ra xa. Ông ta được phong chức bởi chứng thư của Ngự tiền Văn phòng Đại Chưởng ấn, do đích thân nhà vua ký tên, nhưng người ta ném tờ giấy xuống gầm bàn, ông ta phải bò xuống mà nhặt. Trước hết ông ta là người chấp nhận giết những người khác nhân danh luật pháp. Chỉ nguyên thủ quốc gia mới có quyền quyết định sự sống và cái chết công dân một quốc gia, và chỉ viên đao phủ áp dụng quyền ấy. Ông ta để cho vị chúa tể cái phần uy nghi và lĩnh lấy phần bị phỉ nhổ. Máu lấm vào hai bàn tay ông ta không được vấy lên tòa án tuyên tội: nhân viên hành quyết nhận về mình toàn bộ nỗi hãi hùng của sự hành quyết. Chính vì thế, ông ta bị đồng hóa với những tội nhân mà ông ta hiến sinh. Những ai được bảo vệ bởi các hình mẫu mà ông ta là người chế tạo ra, tránh xa ông ta, nhìn ông ta như một con quái vật, khinh bỉ ông ta và e sợ ông ta trong chừng mực họ sợ hãi những kẻ mà họ giao cho ông ta trách nhiệm giết phăng đi. Tới tận mức mà cái chết của ông ta dường như chuộc lại mạng sống của một kẻ thủ phạm. Ông ta được cái thế giới của trầm luân nhận về, trên đường ranh giới của nó ông ta đã được đặt vào giống như một lính gác đầy cảnh giác và không biết xót thương, bị chính những người chịu ơn ông ta về sự an toàn của họ đẩy bắn đi. Joseph de Maistre, ở cuối chân dung [de Maistre là bậc thầy về viết chân dung, điều được Cioran nhấn mạnh rất nhiều] rất ấn tượng mà ông thực hiện về viên đao phủ, về nỗi hãi hùng mà ông ta gây ra, về sự cô lập giữa các đồng loại của ông ta, chỉ ra rất đúng rằng cái tập hợp sống động ấy của nỗi gớm tởm, cùng lúc, cũng là điều kiện và chỗ dựa cho mọi vẻ kỳ vĩ, mọi quyền lực, mọi sự tuân phục. “Đó là nỗi hãi hùng và sợi dây nối của sự quy tụ con người”, ông kết luận. Người ta đã không thể biểu lộ bằng một lối nói nào chuẩn xác hơn thế, về chuyện nhân viên hành quyết tạo lập phần liên đới và đối nghịch của vinh dự và liên hệ của cùng sự quy tụ đó, nơi chúa tể, mà khuôn mặt uy nghi đặt giả định về phần bên kia đầy ngập bóng tối được nhân vật đối diện khủng khiếp của ông đảm trách.

Trong những điều kiện đó, ta hiểu rằng sự hành quyết ông vua khiến cho dân chúng cảm thấy vô cùng sửng sốt và sợ hãi và hiện ra như điểm tột cùng của những cuộc cách mạng. Nó hội tụ hai cực của xã hội với nhau, nhằm làm cho một bên hiến sinh bên còn lại và nhằm đảm bảo một cái gì đó giống như chiến thắng thời điểm của các lực thuộc sự mất trật tự và thay đổi trước các lực của trật tự và sự ổn định. Vả lại thắng lợi đó chỉ kéo dài một giây phút, khi lưỡi rìu phập xuống, bởi hành động có tính cách báng bổ ngang mức với hiến sinh. Nó phạm vào một sự uy nghi, nhưng là để từ đó mà lập ra một uy nghi khác. Từ máu của vị chúa tể sinh ra tính thần thánh của quốc gia. Khi viên đao phủ giơ cái đầu của vị quân vương lên cho đám đông nhìn, ông ta chứng nhận sự phạm một tội ác, nhưng cùng lúc, ông ta giao truyền tới đám người, bằng cách dùng máu hoàng gia làm lễ báp têm cho nó, phẩm hạnh thánh của quân vương đã bị chặt đầu.

Dẫu một động tác như thế có tính cách gây tê liệt đến mức nào, không được chờ đợi rằng từng có bao giờ trong lịch sử nó được nhận một biểu nghĩa cụ thể tới mức ấy, ngay khi nào ta ra khỏi những xã hội nơi việc lâu lâu người ta lại xử tội chết ông vua tạo nên một phần trong trò chơi theo quy tắc của các thiết chế và bước vào sự vận hành bình thường của chúng ở tư cách hoạt động khiến người ta trẻ lại hoặc nhằm chuộc tội. Các tập quán như thế chẳng hề có chút quan hệ nào với việc hành quyết vị chúa tể đúng như nó diễn ra trong một cơn khủng hoảng chế độ hay triều đại. Khi đó khủng hoảng ấy hiện ra như một trường đoạn có tầm vóc thuần túy chính trị, dẫu cho nó khơi dậy nơi một số người, điều này rất tự nhiên, những phản ứng cá nhân có tính cách tôn giáo rõ nét. Điều này không ngăn cản ta có thể chắc chắn rằng, trong ý thức bình dân, việc chặt đầu vua, không thể khác, giống như đỉnh cao của cách mạng. Nó cung cấp cho đông đảo con người cảnh tượng máu me và trang trọng của sự truyền các quyền lực. Nghi lễ lớn lao thánh hóa dân chúng, nhân danh và vì lợi ích của họ mà nó đã được hiện thực hóa.

Về phương diện này, có ý nghĩa rất lớn, chuyện thái độ của Cách mạng Pháp đối với nhân viên hành quyết. Ta thấy có rất nhiều biểu hiện rõ ràng được dành để đưa ông ta vào tầng cầu cao quý, công chính, đáng kính của thế giới xã hội. Đến tận ngày ngày 23 tháng Chạp năm 1789 ông cha đạo Maury còn đòi cho ông ta được hưởng quyền công dân tích cực. Quốc ước sẽ còn làm hơn thế nhiều. Không có dấu hiệu của danh dự nào mà người ta không dành cho ông ta. Leguinio, đại diện thực thi, ôm hôn viên đao phủ của Rochefort một cách công khai sau khi đã mời ông ta ăn tối, cho ông ta ngồi ở bàn ngay trước mặt mình. Một viên tướng cho khắc hình máy chém guillotine lên con dấu riêng. Một nghị định của Quốc ước quy định các nhân viên hành quyết được hàm sĩ quan trong quân đội Cộng hòa. Người ta dành cho ông ta vai trò mở màn vũ hội tại những bữa tiệc chính thức. Quốc hội củng cố lệnh cấm gọi họ bằng cái tên sỉ nhục “đao phủ”. Người ta tranh cãi về danh hiệu mới cho ông ta. Người ta đề xuất “Người Trả thù của Dân chúng”. Trong cuộc tranh cãi, Mathon de la Varenne ca ngợi họ: ông phẫn nộ vì sự trừng phạt đám tội phạm lại “gây mất danh dự cho những người xử lý chúng”. Theo ông, sự đê nhục lẽ ra phải được phân chia giữa tất cả những ai cộng tác với công trình của công lý, từ vị chánh án cho tới viên ký lục hạng bét.

Tương ứng với sự thăng tiến đó của đao phủ là quá trình giáng cấp của ông vua. Người ta khiến một bên đi vào luật định ở đúng thời điểm làm cho bên kia đi ra khỏi đó. Bài diễn văn do Saint-Just đọc vào ngày 12 tháng Mười một năm 1792 tạo ra sự rúng động trong dư luận lớn đến mức các sử gia sẵn lòng coi đó chính là văn bản quyết định việc kết án Louis XVI: nó hoàn toàn được dành để hợp thức hóa việc loại trừ vị quân vương khỏi sự bảo vệ của pháp luật. Logic lạnh lùng và không chút xót thương của nhà hùng biện cho thấy là không có giải pháp lưng chừng: Louis phải “trị vì hoặc chết”. Ông không phải công dân, không thể bỏ phiếu cũng như không thể cầm vũ khí. Các luật nói chung không bao giờ liên quan tới ông. Trong một nền quân chủ, ông ở bên trên chúng; trong một nền cộng hòa, ông ta ở bên ngoài xã hội chỉ bởi từng làm vua. “Người ta không trị vì một cách trong trắng”. Ta đã thấy theo cùng cách thức viên đao phủ vuột ra khỏi luật pháp: cả ông ta cũng đã không thể cầm vũ khí và người ta từng muốn tước đi khỏi ông ta quyền đi bỏ phiếu, như thể người ta không thể là đao phủ một cách trong trắng. Tình thế đã đảo ngược. Cộng đồng, lần này, đuổi ông vua đi khỏi, không dung chứa nữa và biến nhân viên hành quyết thành người thực thi đầy vinh dự cho quyền năng chúa tể của dân chúng. Saint-Just không che giấu rằng cái chết của vua sẽ chính là nền tảng cho Cộng hòa và sẽ tạo lập cho nó “một sợi dây liên hệ tinh thần công chúng và nhất thể” [chú thích trong sách: “Saint-Juste, Oeuvres complètes, Paris, 1908, tập 1”].

Nếu việc chặt đầu Louis XVI, như vậy, hiện ra như một món cược và một biểu tượng cho sự đăng quang của chế độ mới, nếu sự hủy diệt ông trông đối xứng đến vậy với sự thăng tiến của viên đao phủ, ta hiểu rằng cuộc hành quyết ngày 21 tháng Giêng năm 1793 chiếm, trong tiến trình Cách mạng, vị trí tương ứng với một dạng đi lên thiên đỉnh. Nó thực sự trình hiện điểm tột cùng của một đường cong và cung cấp minh họa có mật độ lớn hơn cả và đầy đủ nhất về toàn bộ cuộc khủng hoảng, chính là cái tóm tắt lại nó theo lối sống động nhất trong ký ức.

Ngược lại, vụ hành quyết Marie-Antoinette không cách nào có thể là một sự vụ Nhà nước. Nó đã không làm tái sinh sự uy nghi của một ông vua trong uy nghi của một dân chúng. “Bà góa Capet” trình diện trước Tòa án cách mạng chứ không phải trước Quốc ước, tức là trước các thẩm phán chứ không phải trước những đại diện của Quốc gia. Người ta lao vào bới móc đời tư của bà. Ở bà, người ta áp chế người phụ nữ cũng nhiều ngang với bà hoàng hậu. Người ta tìm mọi cách để làm nhục bà. Đám đông sỉ nhục bà trong khi xe kéo chở bà tới đoạn đầu đài. Một tờ báo, thuật lại vụ hành quyết, nhận thấy rằng người phụ nữ bất hạnh đã phải “uống cái chết thật lâu”.

Không cần phải bàn cãi, một thứ xa đích nào đó ở lần này đóng một vai trò trong các vỗ tay hoan hô của những người chứng kiến hoàng hậu bị giao vào tay đao phủ. Cảnh đó giống như phần đối của các câu chuyện cổ tích nơi nữ chúa tể đem lòng yêu nhân viên hành quyết. Tình yêu và cái chết đưa lại gần nhau theo lối lạ thường những đại diện của hai cực xã hội. Nụ hôn của hoàng hậu và kẻ bị nguyền rủa như thể la một cứu chuộc của thế giới đen tối nhờ thế giới của ánh sáng. Sự rơi của cái đầu hoàng gia, vụ hành quyết đê nhục bà hoàng hậu biểu lộ chiến thắng của các quyền năng của sự đọa đày. Thông thường nó khơi lên nhiều hãi hùng và không tán thành hơn so với cái chết của vua, nó gây một cơn ớn lạnh lớn hơn, nó khơi dậy những phản ứng mãnh liệt hơn. Đấy là vì cuộc gặp giữa hoàng hậu và đao phủ trên giàn xử giảo của lịch sử hay tại các vũ hội hóa trang, bằng cách chuyển bà vào địa hạt thuộc dục vọng, giao biểu nghĩa dễ xâm nhập hơn cả hay gây xúc động một cách trực tiếp nhất cho những giây phút nơi các lực đối lập của xã hội ướm vào nhau, giao nhau và, giống các thiên thể, kết hợp với nhau để rồi ngay tức thì rời xa nhau và quay trở về chiếm lấy chỗ của chúng, ở khoảng cách xa xa.

Bằng cách đó viên đao phủ và vị chúa tể tạo thành một cặp. Cùng nhau họ đảm bảo sự cố kết của xã hội. Một người, mang cây quyền trượng và vương miện, thu hút vào con người mình tất tật những vinh dự phát xuất từ quyền lực tối cao, người kia thì gánh trọng lượng các tội lỗi mà sự thực thi uy quyền nhất thiết kéo theo, dẫu cho nó có công chính và được kiềm chế đến mức nào. Nỗi hãi hùng mà ông ta gây ra là phần đối của sự rực rỡ bao quanh vị quân vương, mà quyền ân xá đặt giả định ngược lại hành động gây chết chóc của nhân viên hành quyết. Mạng sống những con người nằm trong tay họ. Như vậy, không đáng kinh ngạc khi cả hai đều là đối tượng của các tình cảm hãi hùng hay kính ngưỡng, mà ta nhận ra rõ ràng bản tính thiêng. Một người bảo vệ tất cả những gì mà người ta tôn trọng, tất cả những gì tạo lập các giá trị và thiết chế trên đó toàn bộ xã hội được đặt; người kia thì như thể bị lây nhiễm bởi sự nhơ nhớp của những kẻ mà xã hội giao phó cho ông ta, thu được lợi ích từ gái điếm, bị coi là phù thủy. Người ta ném bỏ ông ta vào sự tối tăm bên ngoài, vào thế giới hắc ám, nhung nhúc, không thể giáo hóa, bị công lý truy đuổi, mà thế nhưng ông ta là người cai quản. Vậy nên không được chê trách quá mức báo chí vì đã dành ngần ấy bài báo cho cái chết của Anatole Deibler. Nó đã cho phép thoáng thấy tới mức nào viên đao phủ vẫn tiếp tục là một nhân vật của truyền thuyết và lưu giữ trong những trí tưởng tượng các đường lớn đã biến mất của khuôn mặt cũ của ông ta. Nó chứng tỏ rằng không có xã hội nào được chinh phục đầy đủ bởi các quyền năng của trừu tượng để mà huyền thoại và các thực tại khiến nó sinh thành đánh mất đi ở trong nó mọi quyền và mọi quyền năng.







Gilles Deleuze: "Văn chương và cuộc đời"
Tại sao École de Genève (1)
Georges Bataille: Kinh nghiệm trong
Trong lúc đọc Lukács (2)
Trong lúc đọc Lukács (1)
Claude Lévi-Strauss: Sống và Chín
Thibaudet-Gourmont-Du Bos: những chuỗi
Walter Benjamin: "Eduard Fuchs, nhà sưu tầm và sử gia"
Buổi thuyết trình thứ ba (và cuối cùng)
Gérard Genette
Albert Thibaudet: Sinh lý học phê bình
École de Genève (buổi thuyết trình thứ hai)
Jean Starobinski: "Quan hệ phê bình" (tài liệu cho buổi thuyết trình thứ hai)
École de Genève (buổi thuyết trình thứ nhất)
Jean Rousset: Văn chương thời kỳ baroque ở Pháp
Georges Poulet: La Poésie éclatée. Baudelaire/Rimbaud
Về Barthes
Barthes, Flaubert, Proust
Một người lãng mạn (Heinrich Heine)
Gaston Bachelard: Nước và các giấc mơ
Hugo Friedrich: Cấu trúc thơ hiện đại
Gaston Bachelard: Không khí và mộng
Roger Caillois về Montesquieu
Roland Barthes: "Sociologie và socio-logique"
Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal
Thơ Mới: cấu trúc
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nghiên cứu văn học: con đường lý thuyết
Nhìn lại lý thuyết


6 comments:

  1. không cần bới lông mà chỉ đi ngược đám lông đã thấy vết là vết.

    ReplyDelete
  2. chỉ cần vài quy chiếu đơn sơ

    tiếp tục (cả intro)

    ReplyDelete
  3. quả tình thế gian luôn luôn có những phản chiếu và lộn lại. Caillois cũng nhìn thấy những cấu trúc.

    ReplyDelete
  4. trong cách thức trọng thị với tay đao phủ dường như có những dấu vết của các phong hóa xã hội săn bắt và chiến binh: một nhu cầu mạnh mẽ, một nhu cầu tất yếu, một nhu cầu được trang hoàng - ham muốn giết đồng loại.

    ReplyDelete
  5. Cái chuyện cuối trong Ba chuyện kể của Flaubert có một viên đao phủ

    ReplyDelete