Mar 28, 2018

Patrick Modiano: Một gánh xiếc qua

Bài viết của anh Nguyễn Chí Hoan về Một gánh xiếc qua. Một bài khác.


Chỉ dẫn từ bên kia ký ức


Nguyễn Chí Hoan


Một mối tình ngắn ngủi mà chưa biết chừng nếu có thể tiếp tục thì nó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của “tôi”. Nhưng không. Điều ấy đã không xảy ra. Jean, “tôi”, đã không thể đi Rome cùng Gisèle; hay là Suzanne Kraay nhỉ? “Nàng” đã đột ngột mất đi, chẳng khác lúc bỗng nhiên hiện ra tại điểm giao nhau duy nhất của hai cuộc đời cho đến khoảnh khắc đó; mất và đến cùng mang tới và mang đi những bí mật - sẽ không bao giờ mở ra được nữa - của một đàn bà rất trẻ và đẹp; “- Cô đẹp quá, thưa cô…” Những cái bí ẩn như thế khi trôi xa đi, rất xa rồi, sẽ trở nên thật sự bí ẩn: không bao giờ nữa biết được điều gì chúng đã từng hứa hẹn; chúng đã ở về bên kia ký ức - lúc thì phía quá khứ, lúc thì trên tương lai; hoặc cả hai. Nhưng chúng không cần phải mở ra, mà chỉ cần hiện diện, như một cái cổng La Mã hay một dãy cột Hy Lạp. Quá khứ cho ta sống trong sự mất đi dần dà của nó - một bán chu kỳ phân rã bất tận. Tiểu thuyết Một gánh xiếc qua của Patrick Modiano trước tiên gợi lên cái cảm thức ấy: hiện tại là một di sản.

Tất cả những ai không hăm hở mù quáng với cái vị lai đều có thể biết được điều đó. Cũng như những con người hiểu rõ thời hiện tại. Bên dưới cái bề ngoài sống động mới mẻ cứ như chưa từng có, cái hiện tại chỉ là một khúc đoạn trên cái sợi chỉ vẫn đang nhả ra từ cuộn chỉ.

Trường đoạn thứ hai, tạm gọi như chương hai của cuốn tiểu thuyết, mở đầu như sau:

“Tôi choàng tỉnh giấc. Cửa ra vào vừa sập lại. Nàng nằm cạnh tôi, trần truồng, trong cái áo gió. Đã bảy giờ sáng. Tôi nghe thấy tiếng bước chân của Grabley. Ông đang nói chuyện điện thoại trong phòng làm việc. Giọng ông mạnh dần lên, như là đang cãi nhau với một ai đó. Rồi ông rời khỏi phòng làm việc, quay về phòng riêng.”

Tình tiết gây ấn tượng bất thường ở đây là hình ảnh của một tiếng động đột ngột, do “Cửa ra vào vừa sập lại.”

Ta có thường ngủ với người tình mà để cửa mở toang hay không ? Có kẻ nào đó leo đến tận tầng sáu của khu căn hộ - nơi căn phòng Jean ngủ với Gisèle - mở cửa nhòm vào, rồi, cứ như ngượng ngùng hay hoảng hốt, đóng sập ngay lại? Còn Grabley, cái ông rất lịch thiệp, bạn thân của ông bố đã trốn qua Thụy Sĩ của Jean, lâu nay ở cùng Jean như một người giám hộ, có vừa từ tầng năm leo lên ngó vào rồi lại chạy xuống để gọi điện thoại?… Không. Chẳng có bất cứ gì kiểu như thế, từ chương đầu đến chương cuối của tiểu thuyết này, giải thích về cú sập cửa mà nhân vật nghe thấy khi cậu ta “choàng tỉnh giấc.”

Nhìn từ phía trình thức của câu chuyện, nhìn theo văn phong không có lấy một chữ bơ vơ trong trật tự kể của tiểu thuyết này, thì tình tiết “Cửa ra vào vừa sập lại” là một tình tiết được kể do cần phải kể. Nó khiến ta phải hình dung ra một cánh cửa khác, không phải cánh cửa căn phòng nhỏ trên tầng sáu nơi hai nhân vật đang hiện diện lúc đó. Nó gieo một nét huyễn hoặc, mơ hồ, giữa dòng trình thuật của hồi tưởng.

Nét huyễn hoặc đó, như một motif nhạc, sẽ lặp lại ở các chương sau, mỗi lần lại rõ hơn dày hơn và bớt mơ hồ hơn về thời gian tính. Chẳng hạn, ở chương thứ tư, một đoạn, cũng ba nhân vật như trong đoạn vừa dẫn ở trên, trong gian phòng tầng năm của căn hộ đó.

“Ngày hôm nay, tôi nhìn thấy lại cảnh tượng ấy từ xa. Đằng sau ô kính một cửa sổ, trong làn ánh sáng vàng ngột ngạt, tôi nhìn rõ một người đàn ông tóc vàng trạc ngũ tuần vận áo choàng Ê-cốt, một cô gái trẻ mặc măng tô lông thú và một chàng thanh niên… Bóng đèn, trên chân đèn, quá nhỏ và quá yếu. Nếu đi ngược được thời gian để quay trở lại căn phòng ấy, hẳn tôi có thể thay bóng đèn. Nhưng dưới một làn ánh sáng rực, tất tật những cái đó có nguy cơ tan biến mất.”

Cho hay thời gian là một thói quen mà nương theo đó con người ta giữ lại - bằng tâm trí ảo tưởng - cái phẩm-tính-hiện-tại của rất nhiều thứ với mình từng ràng buộc gắn bó, và thường chấp nhận những thứ ấy là quá khứ trong tính hiện tại của chúng: cái tiếng sập cửa ấy vừa vang lên, ngay lúc này trong hiện tại của người kể chuyện, mà tuy nhiên vừa vặn khớp vào cú mở mắt “choàng tỉnh giấc” ở một buổi mai hai mươi hay ba mươi năm về trước - về trước đối với cả người đọc, vì tiếng sập cửa đó là một cú hích mà hẳn rất, rất nhiều người mong. Bởi dù không ngừng nhai nuốt quá khứ, giáp mặt kề vai với nó, người ta lại không có cơ may trải nghiệm nó thêm một lần nào nữa. Ai bảo rằng con người ta muốn quên những thứ này muốn nhớ những thứ nọ, thì đều là nói mò. Ký ức thông thường thì luôn luôn tạo dựng, nói dối, và dù có được chỉ ra hay không, người ta vẫn biết điều ấy, trong niềm tự biết sâu thẳm.

Một “tiếng sập cửa” tạo nên một cú đoản mạch. Một số vật hiện tồn qua rất nhiều năm tháng, mà ta nhận ra chúng với toàn bộ chiều sâu tồn tại, trong một thoáng, là nhờ một chỉ dẫn đến từ phía bên kia của cái đám mơ hồ vẫn quen được gọi một cách mơ hồ là “ký ức”. Không phải “ký ức” đâu. Đó là hiện tại bị che khuất - luôn luôn bị che khuất. Bởi vì con người ta, như thánh thư đã mô tả bằng cái ẩn dụ gốc gác, là kẻ lữ hành trần gian - cái kẻ cắm cúi đi, đi, và đi; lúc nào cũng phía trước.


-----------

Đúng, làm gì có ký ức. Lừa đảo cả đấy, là ảo tưởng cả đấy.

Tôi đã để ý, cho đến lúc này, trong số những người đã đọc Một gánh xiếc qua (không ít), xem có ai biết nhân vật chính (xưng "tôi") tên là gì hay không. Dường như không ai biết, kể cả khi đã đọc cuốn sách.

Đấy chính là một yếu tố trọng yếu của đọc. Đọc là gì? Đọc là thấy cái ở sẵn đó nhưng không ai thấy. Bởi vì đọc là xếp, nhưng vấn đề là xếp cái gì? Cái sự uyên áo của đọc (nhưng đồng thời lại cũng là sự sơ đẳng của nó) nằm chính xác ở đây. Có gì khác nữa đâu. Nói cách khác, đọc chính là không tin có quá khứ và tương lai, đọc là một sự nới rộng hiện tại ra, sự nới rộng này có thuộc tính: không có giới hạn, không chặn trước, cũng chẳng chặn sau. Lòng tin là sự phân biệt (Ludwig Feuerbach), có lòng tin thì mới có thể đọc được, nếu không, trông chỉ hơi giống. Đọc chính là sự việc giống nhan đề cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Jane Austen: Kiêu ngạo và định kiến. Một người đọc là một người kiêu ngạo (chẳng có "kiêu hãnh" nào hết), và một người đọc là một người định kiến, trong cái thế giới mà riêng anh ta tạo ra, cùng những chữ và những chữ (được xếp lại, để không còn thực sự là chữ nữa); sự đọc không định kiến (mà phát biểu lại là "mỗi người có gu riêng") là một sáng tạo ngu xuẩn của thế giới bourgeois. Gu là thế thân trong địa hạt cảm năng của một thứ (đã trở nên) ngu xuẩn khác: liberalism, mà ngày nay ở đây được gọi với một sự nhếch nhác vô biên của đầu óc bourgeois là "chủ nghĩa tự do" (địa điểm phát sinh nó: nhà xuất bản Tri thức, nơi tạo ra vô biên sách dở trong vòng mười năm vừa rồi - chúng ta sẽ còn quay trở lại với cái nhà xuất bản điển hình của thứ đầu óc bourgeois này); khi gọi nó là "tự do", người ta đã tạo ra một thuốc phiện mới, và chính xác, mọi thứ quay trở ngược lại với chính những cái mà những người cổ xúy "chủ nghĩa tự do" chống lại; rất hài hước, rất comical: lịch sử của con người là cuộc chiến đấu vĩnh hằng của sự ngu này với sự ngu khác.

Trong mấy câu tôi viết và cho in vào bìa sau cuốn sách, tôi đã nói ngay, "Câu chuyện này có thể khiến độc giả đọc xong không nhớ được tên nhân vật". Sau đó tôi thấy rồi, những người mà tôi có dịp hỏi, không ai biết nhân vật chính tên là gì, một số người nghĩ cậu thanh niên ấy tên là Obligado.

Đó là vì Một gánh xiếc qua có hai câu chuyện về tên riêng (về những cái tên riêng, xem thêm ở kia, hoặc cũng có thể ở kia). Mọi độc giả không xếp được đều sẽ bị cuốn vào câu chuyện tên riêng thứ hai, câu chuyện xoay quanh Gisèle và Suzanne Kraay. Đúng, nó vừa hấp dẫn (làm điếm, nhà tù, che giấu danh tính, tội phạm, etc.), lại vừa đánh lạc hướng: nó làm người ta nghĩ đó là câu chuyện chính, ít nhất, đó là câu chuyện tên riêng đáng quan tâm.

Nhưng vẫn còn câu chuyện thứ hai (thật ra nó mới là thứ nhất), bị che khuất một phần bởi câu chuyện cái tên của Gisèle-Suzanne. Và chỉ chạm được vào đó, câu chuyện mới thực sự nói cho người đọc một số điều mà nó giấu kín: sự giấu kín này, thêm một lần nữa, là sự giấu kín của ở ngay đó (sự kín bưng của hiện tại, sự bí hiểm của điều hiển nhiên).

Và, văn chương là gì khác nữa đây, nếu không phải chính là như vậy: một sự thông thái đầy giễu cợt, để cái gì ở ở ngay đó nhưng sẽ rất ít người nhìn thấy (vì cả thế giới đổ xô đi tìm bí mật, đổ xô đi tìm vàng, do xung động của một hình dung common, của lương tri, về cả bí mật, vàng lẫn sự tìm kiếm). Kafka mà không phải thế à? (ô, đang có cái gì đó rất là Kafka ở Hà Nội ấy nhỉ) Một trong những câu chuyện hay nhất của Edgar Poe là câu chuyện về sự giấu bức thư, chắc nhiều người đã biết. Văn chương là gì khác nữa đây, nếu không phải là đó, chính nó: một sự xếp khác, chẳng dụng công chút nào.




Thực tại: bật, tắt, gập, đảo
[tiện bút] Les Feuillantines
[tiện bút] Les (Des) Inconnues
Xiếc
[Tiện bút] Đồ vật
Muốn thất bại
Céline: S, W, Y
Modiano: Catherine Certitude
Sách của bọn con trai
[tiện bút] mười năm
Trần Bạch Lan và tôi
[tiện bút] tôi ở rất xa
Từ thăm thẳm lãng quên
Đến London
Tương lai và sách
Sống, là làm sao...
Patrick Modiano (10/12/2014)
Patrick Modiano (22/9/2013)
Cà phê

5 comments:

  1. "Tôi" tên Jean bác nhỉ. Đọc bộ ba của Modiano xong không hiểu tại sao lại bị thôi thúc lấy Đợi đến lượt ra lại.
    Tàu điện, địa ngục, quái vật, chui xuống (chui vào?), rồi chui lên. Bị ăn và bị thải. Simone Weil? Trong The yellow King, Robert W. Chambers cũng gán cho tàu điện ngầm một cái gì đó rất đe doạ.
    Địa ngục tàu điện ngầm Paris lại "Dante" hơn địa ngục kênh rạch Amsterdam trong La Chute dù Camus đã rất cố.
    Cthulhu

    ReplyDelete
  2. đấy, chính xác lòng đất mê cung thì phải là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Sabato, thành phố Buenos Aires nhìn từ dưới lên

    Weil đã sắp sửa, nhưng sẽ sắp sửa hơn nhiều: Poe, có vẻ tôi đã xiên được qua lớp áo giáp consciousness của Poe, khó vãi

    ReplyDelete
  3. ở VN thì sao bác mong ai để ý cái gì được, tôi thấy giờ người ta mua sách làm màu là chính

    ReplyDelete
  4. nhưng tôi có mong cái gì đâu

    ReplyDelete
  5. "ở Paris, hạt dẻ ngon nhất trên quảng trường Pigalle"

    ReplyDelete