Mar 11, 2017

Người phụ nữ tuổi ba mươi

Tôi dành con số bảy huyền thoại của cuộc "trở về với Balzac" này cho tình yêu dài lâu, tình yêu đích thực của tôi trong Vở kịch con người (trông tôi thế này thôi, nhưng tôi... à mà thôi). Xem thêm ở kiaở kia.

Người phụ nữ tuổi ba mươi (La Femme de trente ans), Balzac đi thẳng vào trung tâm của "chủ đề hôn nhân", nhưng Balzac cũng đi thẳng vào trung tâm người phụ nữ. Ở phần mới đây của Ferragus, xem ở kia, Balzac đã nói đến "người phụ nữ nói dối"; Người phụ nữ tuổi ba mươi là một trong những tác phẩm của Balzac cho thấy rõ nhất sự tinh tế trong "vấn đề phụ nữ" thể hiện trong Vở kịch con người.

Nhân tiện: đã bắt đầu tiếp tục Viên bác sĩ nông thôn.

Vở kịch con người, cũng như mọi tác phẩm văn chương thực sự muốn là bao quát, thực sự muốn là kiệt cùng, dành một phần rất lớn cho phụ nữ. Ta có người phụ nữ đức hạnh, ta có người phụ nữ thèm khát, nhất là người phụ nữ đức hạnh thèm khát, trong Bông huệ trong thung; ta có người phụ nữ hạnh phúc và như thể bởi hạnh phúc nên thèm khát bất hạnh, trong La fausse maîtresse (Nàng tình nhân hờ); ta có người phụ nữ yêu ở trong sự kháng cự tình yêu, trong Béatrix; Balzac không bỏ qua người phụ nữ bị bỏ rơi (La Femme abandonné - Người phụ nữ bị bỏ rơi), hoặc người phụ nữ bỏ rơi người tình (rất nhiều); Balzac cũng không bỏ qua người phụ nữ gái già làm ta buồn cười thương xót khi lên cơn động kinh vì tưởng sắp lấy được chồng (La vielle fille - Gái già); Balzac cũng miêu tả người phụ nữ tính toán trong từng chi tiết cuộc đời mình, như trong Le Contrat de mariage (Bản khế ước hôn nhân) khi mà nàng Natalie de Manerville được bà mẹ khuyên nhủ chặn bước tiến của chồng vào phòng ngủ, hòng đạt được một cuộc hôn nhân như ước muốn tuy không có hồi môn (Natalie de Manerville mà Félix de Vandenesse viết thư kể lại toàn bộ câu chuyện của Bông huệ trong thung; Félix de Vandenesse, sau cuộc tình thời trai trẻ, sẽ trở thành chồng của một thiếu nữ được nuôi dạy trong tinh thần khắc kỷ của một bà mẹ mộ đạo: đó là trong Une fille d'Ève - Một người con gái của Eva); Balzac bày ra cảnh tượng mênh mông của các nàng kỹ nữ, câu chuyện về họ (Splendeurs et misères des courtisanes) là tác phẩm dài thứ hai của toàn bộ Vở kịch con người; Balzac cũng không quên sự giáo dục thiếu nữ (tức là chuẩn bị cho họ lấy chồng), mà ta có thể gặp rõ nhất ở Mémoires de deux jeunes mariées (Hồi ký của hai cô gái mới lấy chồng), trong các bức thư mà Louise de Chaulieu và Renée de Maucombe gửi cho nhau, hoặc tại gia đình de Watteville trong Albert Savarus, hoặc ở hình ảnh thật đẹp của một cô bé gái lớn lên giữa sự ân cần của ba ông già tóc trắng (Ursule Mirouët), cũng như trong Người phụ nữ tuổi ba mươi, tại cuộc đời Julie d'Aiglemont.

Người phụ nữ tuổi ba mươi là cuộc sống hôn nhân dưới các khía cạnh thảm khốc nhất của nó.

Nhưng như vậy còn chưa hết: người phụ nữ còn được Balzac tiếp cận trên một tầng khác: tuổi tác. Đối với Balzac, trong mỗi người phụ nữ thật ra có nhiều phụ nữ khác nhau; bốn độ tuổi chính yếu của bốn "nhân vật phụ nữ" ở bên trong mỗi phụ nữ là 18 tuổi, 25 tuổi, 30 tuổi và 40 tuổi. Các "nhân vật" này, ta phải ngờ là không phải cùng một người, dẫu cho có ở bên trong cùng một nhân dạng và nhân thân (dường như Balzac cho rằng khác biệt lớn giữa phụ nữ và đàn ông nằm chính ở chỗ đàn ông thì không có đặc tính ấy, không "phân chia" kiểu như vậy). Người phụ nữ tuổi ba mươi là một thời khắc trọng yếu của lý thuyết về tuổi phụ nữ này. Thật ra, ngoài bốn độ tuổi đó, Balzac còn nhắc đến "người phụ nữ tuổi sáu mươi" chẳng hạn và, như ta đã thấy ở Ferragus, các bà già cũng tạo nên cả một đối tượng lớn cho Balzac; trong Người phụ nữ tuổi ba mươi, bà bá tước de Listomère-Landon cũng là một bà già đáng nhớ. Julie d'Aiglemont không khỏi khiến ta nhớ đến Henriette de Mortsauf của Bông huệ trong thung. Balzac cũng là người rất sớm sủa đưa người phụ nữ tuổi ba mươi vào tiểu thuyết, khi mà, ở thời ấy, ba mươi tuổi đã được coi như là đi tới nầm mồ, đối với phụ nữ nói chung.

Người phụ nữ tuổi ba mươi là tác phẩm thứ 21 của Vở kịch con người, thuộc loạt "xen" đầu tiên, về "cuộc đời riêng" (Scènes de la vie privée).

Như vậy, cho đến nay, ta đã liên tục đi tới tác phẩm thứ ba có hình ảnh Napoléon rất nổi bật: trong Một vụ việc ám muội, Napoléon sẽ xuất hiện ở cuối truyện, trên nền phông trận Iéna; trong Viên bác sĩ nông thôn, những người lính cũ của Napoléon trở thành các nhân vật, trong liên quan chặt chẽ với chiến dịch Nga bi đát, nhất là với con sông Berezina kinh hoàng ở Belarus, đối với Đội Quân Vĩ Đại. Trong Người phụ nữ tuổi ba mươi, Napoléon xuất hiện ngay từ đầu: đây là cuộc duyệt binh cuối cùng tại Paris của Hoàng đế đầu năm 1813: nước Nga đã làm quân đội của Napoléon kiệt quệ (năm 1812, đội quân do Napoléon thống lĩnh đánh sang Nga gồm tổng cộng 600.000 người, nhưng về được qua sông Berezina chỉ là vài chục nghìn người); và thời điểm 1813 này, Napoléon lại chuẩn bị dẫn quân lên đường, đánh nhau với liên quân nhiều nước châu Âu; không lâu sau đó sẽ xảy ra trận Leipzig, đánh dấu sự sụp đổ đích thực của triều đại Napoléon. Bối cảnh ấy làm nền cho Người phụ nữ tuổi ba mươi, kiệt tác lớn lao của Vở kịch con người, và là một kiệt tác đặc biệt, vì ở đây Balzac đã để vào một số "yếu tố" rất riêng của bản thân mình.


Có ai đoán được số 8, sau Người phụ nữ tuổi ba mươi, sẽ là cuốn nào không? :p




Người phụ nữ tuổi ba mươi


Đề tặng cho Louis Boulanger, họa sĩ


I

NHỮNG LỖI LẦM ĐẦU TIÊN


Hồi đầu tháng Tư năm 1813, có một Chủ nhật với buổi sáng hứa hẹn một ngày đẹp trời, cái thời điểm người Paris lần đầu tiên được chứng kiến đường phố không bùn và bầu trời không mây. Sắp đến trưa thì một cỗ xe ngựa nhẹ hai bánh[1] thắng vào hai con ngựa hùng dũng đi qua phố Castiglione rồi tiến vào phố Rivoli và dừng lại đằng sau dãy xe đỗ dọc hàng rào lưới sắt mới mở giữa bãi Feuillants[2]. Điều khiển cỗ khinh xa là một người đàn ông dáng vẻ lo âu và bệnh hoạn; những sợi tóc muối tiêu chỉ phủ được một phần cái sọ màu vàng khiến ông trông già trước tuổi; ông ném dây cương cho tên hầu cưỡi ngựa đi theo sau cỗ xe, rồi bước xuống vòng tay đỡ một thiếu nữ có vẻ xinh đẹp cuốn hút sự chú ý của những người nhàn rỗi đang đi vơ vẩn trên sân. Thiếu nữ ấy, đứng trên bậc lên xuống của cỗ xe, vui sướng được ôm ngang người, quàng tay quanh cổ người đã đỡ mình, ông đặt nàng đứng xuống vỉa hè, cẩn thận tránh làm nhăn cái váy vải crếp màu lục. Một tình nhân cũng không âu yếm được đến như vậy. Chắc hẳn người đàn ông lạ mặt là bố đứa trẻ ấy, cái con bé không nói cảm ơn ông, nũng nịu bám lấy cánh tay ông rồi kéo mạnh ông đi vào khu vườn. Ông bố già nhận ra những ánh mắt ngây ngất của vài thanh niên, nỗi buồn hằn sâu trên mặt ông liền được xóa nhòa trong giây lát. Dẫu từ lâu đã đến cái tuổi đàn ông buộc phải vừa lòng với những thú vui lừa dối do phù phiếm mang lại, ông vẫn khởi sự mỉm cười.

“Chúng tưởng con là vợ của bố đấy”, ông thì thầm vào tai cô thiếu nữ, rồi đứng thẳng người lên mà bước đi thật chậm rãi khiến nàng phát tuyệt vọng.

Cứ như thể ông tỏ ra điệu đà thay cho con gái, chừng như ông còn thích thú hơn cả nàng trước những cái liếc mắt của mấy kẻ tò mò hướng tới đôi bàn chân bé nhỏ đi đôi giày vải nhẹ đế bằng[3], tới vòng eo được một chiếc váy cổ cao xếp đăng ten khuôn dáng thật đẹp, và tới cái cổ tươi tắn chưa bị cổ áo thêu che khuất hết. Trong lúc bước đi đôi khi cái váy của thiếu nữ hất lên, làm lộ ra, phía trên đôi giày, sự tròn trịa của một bắp chân bó vừa khít trong một cái tất lụa thêu trổ. Thế nên, có hơn một kẻ đi dạo vượt lên trên họ để ngoái nhìn ngưỡng mộ hoặc nhìn kỹ hơn khuôn mặt tươi trẻ bao quanh là vài lọn tóc nâu[4], rồi thì làn da trắng xen hồng được tôn lên cả vì ánh phản chiếu của vải xa tanh hồng lót bên trong cái áo choàng duyên dáng cũng như vì ham muốn và nỗi nóng lòng đang nhảy nhót trong mọi đường nét của con người xinh đẹp này. Một vẻ ranh mãnh dịu dàng làm sống động đôi mắt đen tuyệt đẹp hình quả hạnh của nàng, với hai hàng lông mày thật cong bên trên, rồi những sợi lông mi dài, và đôi mắt ấy bơi trong một chất lỏng thuần khiết. Sự sống và tuổi trẻ trưng bày các vưu vật của mình ở khuôn mặt láu lỉnh đó, ở cả một thân hình phía trên đầy yêu kiều dù cho có thắt một sợi dây lưng ngay dưới ngực[5]. Không buồn quan tâm tới các thán phục, thiếu nữ vẻ như lo lắng nhìn về phía lâu đài Tuileries, hẳn chính là cái đích cho cuộc đi bộ phấp phỏng của nàng. Khi ấy còn mười lăm phút nữa thì đến giữa trưa. Dù cho giờ này vẫn còn sớm lắm, đã có nhiều phụ nữ, tất thảy đều mong muốn hiện ra thật lộng lẫy, từ lâu đài trở ra, đầu ngoái lại phía sau vẻ hờn dỗi, như thể đang tự trách cứ vì đã đến quá muộn không kịp thưởng thức một cảnh tượng mà họ rất muốn xem. Vài lời khó chịu của những người đàn bà đẹp đang cơn tức tối lọt vào tai thiếu nữ xinh đẹp xa lạ, làm nàng thấy vô cùng lo âu. Ông già liếc cái nhìn tò mò hơn là chế giễu sang để rình các dấu hiệu nóng ruột và e sợ hiện lên trên khuôn mặt khả ái của người đồng hành, và có lẽ là quan sát nàng quá âu yếm, đến mức không thể không có một hậu ý nào đó từ tư cách làm bố.

Đó là ngày Chủ nhật thứ mười ba của năm 1813[6]. Hai ngày nữa, Napoléon sẽ khởi hành dấn thân vào chiến dịch định mệnh ấy, để rồi lần lượt mất đi Bessières và Duroc[7], chiến thắng trong những trận đánh đáng nhớ Lützen và Bautzen, bị phản bội bởi nước Áo, xứ Saxe, xứ Bavière, Bernadotte[8] và tiến hành trận Leipzig khủng khiếp[9]. Cuộc diễu binh tuyệt vời do hoàng đế lĩnh xướng sẽ là cuộc cuối cùng trong số những cuộc diễu binh từ lâu đã trở thành đối tượng cho sự ngưỡng mộ của người Paris cũng như người nước ngoài. Đội vệ binh cũ[10] sẽ thực hiện lần cuối những ma nớp phức tạp mà sự hào nhoáng cũng như sự chuẩn xác làm đến cả con người khổng lồ đó cũng phải thấy kinh ngạc, vị khổng lồ sắp sửa đấu tay đôi với châu Âu. Một cảm giác buồn bã đưa một đám đông dân chúng rực rỡ và tò mò đến điện Tuileries. Như thể ai ai cũng đoán định được tương lai, có lẽ là dự cảm được trước rằng rồi đây hơn một lần trí tưởng tượng sẽ vẽ lại bức tranh khung cảnh ấy, khi mà thời đại anh hùng của nước Pháp rồi sẽ, giống như ngày nay, mang những sắc màu gần như hoang đường.

“Ta đi nhanh lên nào, bố ơi, thiếu nữ nói, vẻ tinh quái, kéo tay ông già. Con nghe thấy tiếng trống rồi.

- Đấy là các đội quân đang tiến vào Tuileries, ông đáp.

- Hoặc là họ đang duyệt binh mất rồi, mọi người đang trở lại rồi kia kìa! nàng nói, giọng đượm vẻ cay đắng trẻ con khiến ông già mỉm cười.

- Mười hai rưỡi mới bắt đầu duyệt binh cơ”, ông bố nói, giờ đây đã gần như bước đi đằng sau cô con gái hoạt bát.

Nhìn cử động cánh tay phải của nàng, ta hẳn sẽ nghĩ nàng đang dùng nó làm dụng cụ giúp nàng chạy. Bàn tay nhỏ xíu của nàng, kín mít trong chiếc găng, bồn chồn vo tròn một cái khăn mùi soa, trông thật giống mái chèo một con thuyền đang rẽ sóng. Ông già chốc chốc lại mỉm cười; nhưng đôi khi những nét lo lắng cũng làm khuôn mặt khô héo của ông thoáng chút u ám. Tình yêu dành cho cái tạo vật đẹp đẽ này khiến lòng ngưỡng mộ hiện tại của ông cũng lớn ngang bằng nỗi e sợ tương lai. Như thể ông đang tự nhủ: “Hôm nay nó hạnh phúc, liệu mai có còn được vậy không?” Bởi lẽ các ông già rất thường có xu hướng chất lên tương lai những người trẻ tuổi các buồn rầu của họ. Khi hai bố con đi tới bên dưới hàng cột tòa nhà trên nóc tung bay lá cờ tam tài, cũng là nơi người ta qua nếu muốn đi lại từ vườn Tuileries sang bên Carroussel[11], thì các lính gác hét lên, giọng nghiêm trọng: “Không được đi qua nữa!”

Cô thiếu nữ nhón gót kiễng trên đầu ngón chân, nhìn thấy thấp thoáng một đám phụ nữ ăn vận diêm dúa đứng đầy hai bên cái vòm đá hoa cương cũ kỹ nơi hoàng đế sẽ đi ra.

“Bố thấy chưa hả bố, ta khởi hành quá muộn mà.”

Cái bĩu môi nhỏ xíu buồn rầu của nàng để lộ rằng nàng coi việc có mặt ở buổi duyệt binh này quan trọng đến thế nào.

“Nào, thế thì Julie ơi, chúng ta đi thôi, con đâu có muốn bị chen lấn phải không nào.

- Ta ở lại chứ, bố ơi. Từ đây con vẫn nhìn được Hoàng Đế mà; nếu ngài bỏ mạng trong chiến dịch này thì con sẽ không bao giờ còn nhìn thấy ngài được nữa.”

Ông bố rùng mình khi nghe những lời nói vị kỷ ấy, trong giọng nói của con gái ông đã lẫn nước mắt; ông nhìn thiếu nữ, nghĩ rằng mình nhận ra bên dưới hàng mi đang cúi gằm kia vài giọt nước mắt xuất phát từ sự bực bội ít hơn nhiều so với từ một trong những nỗi buồn đầu đời mà một ông bố già có thể dễ dàng đoán ra bí mật. Đột nhiên mặt Julie đỏ lựng, nàng thốt ra một tiếng kêu mà cả những người lính gác lẫn ông già đều không đoán được ý nghĩa. Nghe tiếng hét ấy, một viên sĩ quan đang rảo bước từ sân tới chỗ cầu thang quay ngoắt đầu lại, tiến tới cái vòm của khu vườn, nhận ra cô gái trẻ khi ấy đang bị lấp đằng sau những chiếc mũ cao cắm lông của đám lính, và ngay lập tức bãi bỏ cái mệnh lệnh mà chính anh vừa hạ, cho nàng và bố nàng, rồi, chẳng buồn để ý tới những lời xì xầm của đám đông thanh lịch đang vây kín vòm tường, anh dịu dàng kéo thiếu nữ đang ngây ngất lại gần.

“Giờ thì ta không còn ngạc nhiên gì nữa về chuyện tại sao nó lại giận dữ và cuống quýt như thế, là bởi vì anh đang phiên gác, ông già nói với chàng sĩ quan, vẻ vừa nghiêm trang vừa mỉa mai.

- Thưa công tước, chàng trai trẻ đáp, nếu ông muốn có chỗ tốt thì ta chẳng nên mất thời gian chuyện trò. Hoàng Đế không thích phải chờ đợi, mà tôi thì đang nhận lệnh của đại thống chế đến báo cho ngài đây.”

Nói đoạn, vẻ khá là thân mật, anh nắm lấy cánh tay Julie, kéo nàng đi nhanh về phía Carrousel, Julie kinh ngạc nhìn thấy cả một đám đông mênh mông đang chen chúc trong cái không gian nhỏ bé giữa những bức tường màu ghi của cung điện và các cột ranh giới nối với nhau bằng dây xích tạo thành những ô hình vuông lớn rải cát bên trong ở giữa sân điện Tuileries. Dàn lính canh, được thiết lập để Hoàng Đế và bộ tham mưu của ngài có một lối đi xuyên qua, đã phải rất vất vả mới ngăn được cái đám người phấn khích và vo ve như một đàn ong này.

“Chắc là sẽ phải đẹp lắm nhỉ, Julie mỉm cười, hỏi. 

- Cẩn thận kìa, chàng sĩ quan kêu lên”, tay quàng quanh eo Julie và nhấc bổng thiếu nữ lên, vừa mạnh mẽ vừa mau lẹ, rồi đưa nàng lại gần một cây cột.

Nếu không có cú nhấc đột ngột này, hẳn cô gái họ hàng[12] đầy hiếu kỳ của anh đã va phải mông con ngựa bạch, thắng yên cương nhung màu lục và vàng, mà người lính Mameluck[13] của Napoléon dắt đi, gần như ngay qua bên dưới vòm tường, cách mươi bước về phía sau so với tất tật lũ ngựa đang đợi các đại sĩ quan, những người bạn đồng hành của Hoàng Đế. Chàng trai trẻ xếp chỗ cho ông bố và cô con gái gần cột ranh giới bên tay phải, trước đám đông, và gật đầu giao phó họ cho hai người lính già đứng ở hai bên. Khi viên sĩ quan quay trở lại cung điện, một vẻ sung sướng và vui tươi trên khuôn mặt đã tiếp nối nỗi hãi hùng bất ngờ mà pha bước lùi của con ngựa làm hằn lên; Julie đã siết lấy tay anh một cách bí hiểm, hoặc để tỏ lòng biết ơn vì việc nhỏ mà anh vừa làm cho nàng, hoặc để nói với anh: “Rốt cuộc em cũng sẽ được ngắm anh!” Thậm chí nàng còn dịu dàng nghiêng đầu đáp lại lời chào kính cẩn mà viên sĩ quan hướng đến nàng, cũng như bố nàng, trước khi vội vã biến đi mất. Ông già, như thể đã cố tình để mặc hai con người trẻ tuổi ở lại riêng với nhau, giữ nguyên một tư thế nghiêm trang, hơi lui lại một chút so với cô con gái; nhưng ông lén quan sát nàng, và tìm cách truyền sang cho nàng một sự bình thản vờ vịt bằng cách tỏ ra là mình đang mải ngắm nghía cảnh tượng tuyệt vời mà Carrousel bày ra. Khi Julie chiếu sang bố ánh mắt của một đứa học sinh lo ngại về thầy giáo, thậm chí ông già còn đáp lại bằng một nụ cười vui vẻ độ lượng; nhưng con mắt tinh tường của ông đã dõi theo viên sĩ quan cho tới bên dưới vòm tường, và không một sự kiện nào của cái cảnh thoáng qua ấy lọt được khỏi mắt ông.

“Cảnh tượng đẹp quá!” Julie nhỏ giọng nói, siết chặt lấy bàn tay ông bố.

Dáng vẻ đẹp đẽ và hùng tráng lúc này Carrousel đang phô bày khiến cùng câu cảm thán kia được phát ra từ hàng nghìn khán giả, mà mọi khuôn mặt đều ngẩn ngơ vì thán phục. Một hàng người khác, cũng chen chúc giống như hàng người nơi có ông già và cô con gái, chiếm lấy, trên một đường song song với lâu đài, khoảng không gian hẹp có lát đá chạy dọc hàng rào lưới sắt của Carrousel. Đám đông này hoàn thành việc vẽ nên một cách mạnh mẽ, bởi sự đa dạng phục trang phụ nữ, cái hình vuông rộng lớn kéo dài[14] tạo nên từ các tòa nhà của Tuileries và hàng rào kia, khi ấy mới được dựng lên. Các trung đoàn thuộc đội vệ binh cũ sắp duyệt binh qua chiếm đầy khu đất rộng này, nơi họ xếp ở đối diện cung điện những hàng lớn màu xanh lơ gồm mười hàng người. Quá vòng quây ấy, và trong Carrousel, có, trên các đường thẳng song song khác, nhiều trung đoàn bộ binh và kỵ binh sẵn sàng diễu qua bên dưới khải hoàn môn điểm trang cho đoạn giữa hàng rào, và trên đỉnh của nó có thể thấy, vào thời đó, những con ngựa Venise tuyệt diệu[15]. Nhạc của các trung đoàn được bố trí tại các hành lang của Louvre bị che đi bởi đám kỵ binh cầm giáo người Ba Lan đang phiên canh gác. Một phần lớn hình vuông rải cát vẫn trống giống như một trường đấu chuẩn bị sẵn cho các vận động của những cơ thể im lìm kia, với các khối, được xếp sắp với sự cân xứng của nghệ thuật quân sự, phản chiếu các tia mặt trời trong lửa hình tam giác của mười nghìn lưỡi lê. Không khí, làm rung động những lông chim của lính, khiến chúng uốn lượn giống như những cây của một khu rừng uốn cong xuống trước một cơn gió hung tợn. Những dải cũ kỹ này, câm lặng và lấp lánh, trưng bày cả nghìn tương phản màu sắc xuất phát từ sự đa dạng các loại quân phục, trang phục, vũ khí và tua rua. Bức tranh rộng mênh mông kia, thu nhỏ của một chiến trường trước khi giao chiến, được lộng khung một cách thi vị, với tất tật những phụ kiện và ngẫu nhiên kỳ cục, bởi các tòa nhà cao oai vệ, mà vẻ bất động như thể được bắt chước bởi các chỉ huy và quân lính. Khán giả không chủ ý mà so sánh những bức tường người này với những bức tường đá. Mặt trời mùa xuân, dào dạt tung ánh sáng của nó xuống các bức tường trắng mới dựng hôm trước[16] và xuống các bức tường trăm năm, rọi chiếu tràn đầy vô số khuôn mặt sạm đen kia, tất cả đều kể những hiểm nguy đã trải và nghiêm trang đợi những hiểm nguy sẽ tới. Các đại tá của mỗi trung đoàn đi tới đi lui phía trước những mặt trận tạo nên bởi những con người anh dũng. Rồi, đằng sau các khối quân lính sặc sỡ nhiều màu ấy, bạc, thanh thiên, tía và vàng, đám người hiếu kỳ có thể trông thấy các băng rôn tam tài buộc vào những cây giáo của sáu kỵ sĩ Ba Lan không biết mệt mỏi là gì, họ, giống lũ chó dẫn đường cho một đàn gia súc đi qua cánh đồng, không ngừng lướt qua giữa các toán quân cùng đám người hiếu kỳ, để ngăn đám hiếu kỳ vượt quá khoảng không gian nhỏ của khu đất đã được dành cho họ ở gần hàng rào cung điện. Nếu không có các chuyển động đó, người ta tưởng đâu như mình đang ở tòa cung điện của mỹ nhân ngủ trong rừng. Làn gió nhẹ mùa xuân, thổi qua trên những cái mũ bonnê lông dài của đám lính bộ, chứng nhận sự bất động của những người lính, cũng như tiếng rì rầm trầm đục của đám đông cho thấy sự im lặng của họ. Chỉ thảng hoặc tiếng mũ Trung Hoa[17] vang lên, hoặc vài cú gõ trống bất cẩn nào đó, được nhắc lại bởi các vọng âm của cung điện hoàng đế, giống những tiếng sấm xa xăm thông báo một cơn giông. Một sự hào hứng không bút nào tả xiết bùng lên trong nỗi đợi chờ của đông người. Nước Pháp sẽ chào tạm biệt Napoléon, ngay trước khi diễn ra một chiến dịch mà các hiểm nguy đã được dự đoán bởi bất kỳ một công dân nào. Lần này, câu chuyện liên quan đến Đế Chế Pháp, chuyện tồn tại hay không tồn tại. Ý nghĩ này như thể gây phấn chấn cư dân thành phố và cư dân vũ trang đang ép sát vào nhau, thảy đều im lặng, trong vòng quây nơi bay lơ lửng đại bàng và thiên tài của Napoléon. Những người lính này, niềm hy vọng của nước Pháp, những người lính này, giọt máu cuối cùng của nó, trong số đó nhiều người cũng hòa mình vào sự hiếu kỳ lo lắng của các khán giả. Giữa phần lớn những người có mặt và các quân nhân, những lời từ biệt có thể là vĩnh viễn được phát ra; nhưng mọi trái tim, ngay cả những trái tim thù địch nhất với Hoàng Đế, cũng gửi lên bầu trời những ước muốn cháy bỏng vì vinh quang của tổ quốc. Những con người mệt mỏi nhất vì cuộc tranh đấu đã khởi đầu giữa châu Âu và nước Pháp tất tật đã đặt lòng thù hận của mình xuống lúc đi qua bên dưới Khải hoàn môn, hiểu rằng vào ngày nguy khốn Napoléon chính là toàn bộ nước Pháp. Đồng hồ của lâu đài điểm chuông nửa giờ. Vào đúng lúc ấy những tiếng ong ong của đám đông ngừng bặt, và sự im lặng trở nên sâu đến nỗi chừng như có thể nghe thấy lời nói của một đứa bé. Ông già và cô con gái, hầu chỉ sống bằng những ánh mắt, khi ấy nghe rõ tiếng đinh thúc ngựa và gươm kiếm va nhau vang lên dưới hàng cột lừng âm của lâu đài.

Một người đàn ông thấp tịt khá béo, vận một bộ quân phục màu lục, một cái quần ngắn màu trắng, và đi đôi bốt kỵ sĩ, đột nhiên xuất hiện, giữ trên đầu một cái mũ ba góc cũng có thanh thế lớn ngang với bản thân con người; ruy băng lớn màu đỏ của Bắc đẩu bội tinh bay phấp phới trên ngực ông, một thanh kiếm nhỏ đeo ở bên. Người đàn ông được nhìn thấy bởi mọi ánh mắt, và đồng loạt, từ mọi điểm. Ngay tắp lự, tiếng trống trận đổ dồn, hai dàn nhạc khởi sự chơi bằng một câu báo hiệu xung trận được nhắc lại trên tất cả các nhạc cụ, từ cây sáo dịu êm nhất cho tới cái trống thùng. Trước tiếng gọi hung hăng ấy, các tâm hồn phát run rẩy, những lá cờ thì chào, những người lính giương vũ khí lên bởi một động tác đồng loạt và đều tăm tắp, rung động các khẩu súng từ hàng đầu tiên xuống tới hàng cuối cùng trong Carrousel. Những khẩu lệnh chỉ huy lao đi từ hàng này sang hàng nọ như những tiếng vọng. Những tiếng hét: Hoàng Đế muôn năm! bật ra từ đám đông phấn khích. Cuối cùng mọi thứ run lên, mọi thứ khuấy đảo, mọi thứ vỡ ra. Napoléon nhảy lên lưng ngựa. Động tác ấy đã in dấu cuộc sống lên những đám đông im lìm kia, đã cấp một giọng nói cho các nhạc cụ, một đà bay cho những đại bàng và các lá cờ, một xúc cảm cho tất cả mọi khuôn mặt. Những bức tường của các hành lang cao của cung điện cũ này như thể cũng hét lên: Hoàng Đế muôn năm! Đó không phải là một cái gì thuộc về con người, đó là một ma thuật, một sự đóng giả quyền năng thần linh, hoặc đúng hơn là một hình ảnh thoáng qua của cái triều trị vì thoáng qua đến thế. Người đàn ông được bao bọc bởi ngần ấy tình yêu, sự hào hứng, lòng tận tụy, lời chúc, để phục vụ ngài mặt trời đã đuổi đi những đám mây trên bầu trời, ngồi trên lưng ngựa, ba bước phía trước đội binh tùy tùng nhỏ trang phục mạ vàng, đại thống chế bên trái, thống chế đang phiên trực bên phải. Giữa ngần ấy xúc cảm do ngài khơi lên, không một đường nét nào trên mặt ngài tỏ ra rúng động.

“Ôi! Chúa ơi, đúng. Ở Wagram giữa lửa đạn, tại Moskova giữa những người chết, lúc nào ông ấy cũng bình thản như Baptiste, ngài ấy!”[18]

Câu trả lời này cho rất nhiều dồn hỏi được phát ngôn bởi người lính đứng gần thiếu nữ. Trong thoáng chốc Julie bị ngợp trong sự chiêm ngưỡng khuôn mặt kia, mà sự bình tĩnh hé lộ một tự tin sức mạnh lớn đến vậy. Hoàng Đế trông thấy cô de Chastillonest[19], và nghiêng người sang Duroc nói với ông một câu ngắn gọn khiến vị thống chế vĩ đại mỉm cười. Các ma nớp bắt đầu. Nếu cho tới lúc này cô thiếu nữ vẫn còn chia sự chú tâm của mình giữa khuôn mặt thản nhiên của Napoléon và các hàng quân xanh lơ, lục và đỏ, vào lúc này nàng gần như chỉ quan tâm, giữa các chuyển động nhanh và đều thực hiện bởi những người lính cũ kia, đến một viên sĩ quan trẻ đi ngựa giữa các hàng người cuồn cuộn, và quay trở lại với một vẻ năng nổ không biết đến mệt mỏi về phía nhóm người mà ở đầu là Napoléon giản dị đang lấp lánh sáng. Viên sĩ quan này cưỡi một con ngựa ô tuyệt đẹp, và trở nên nổi bật, ở giữa đám đông khổng lồ nhiều màu sắc, nhờ bộ quân phục đẹp màu xanh da trời của các sĩ quan tùy tùng của Hoàng Đế. Những chi tiết thêu trên trang phục anh lóng lánh sống động đến thế dưới mặt trời, và chùm lông trên mũ shako hẹp và dài của anh nhận từ đó những luồng sáng mạnh mẽ đến thế, thành thử các khán giả phải so sánh anh với một ánh ma trơi, với một linh hồn vô hình được Hoàng Đế giao cho trách nhiệm làm sống động, dẫn dắt các tiểu đoàn kia, mà các thứ vũ khí chập chùng tung lên những ánh lửa, khi mà, chỉ căn cứ vào một dấu hiệu trong cặp mắt anh, bọn họ tản ra, tập hợp lại, xoay tròn giống như những đợt sóng của một vực thẳm, hoặc đi qua trước anh như những con sóng dài, thẳng và cao mà Đại Dương hung nộ đẩy bắn lên các bến bờ của nó.

Khi các ma nớp đã kết thúc, viên sĩ quan tùy tùng lao hết tốc lực chạy tới, và dừng lại trước Hoàng Đế để đợi lệnh. Vào lúc đó, anh ở cách Julie hai chục bước chân, đối diện với nhóm người trong đó có Hoàng Đế, trong một tư thế khá là giống tư thế mà Gérard từng vẽ tướng Rapp trong bức tranh Trận Austerlitz[20]. Khi ấy thiếu nữ được tha hồ ngưỡng mộ tình nhân của mình trong toàn bộ sự huy hoàng quân nhân của anh. Đại tá Victor d’Aiglemont, mới ba mươi tuổi, cao lớn, đẹp đẽ, thanh mảnh; và các tỉ lệ cơ thể rất thành công của anh chẳng bao giờ nổi bật lên hơn là những lúc anh dùng sức của mình để điều khiển một con ngựa với cái lưng thanh lịch và mềm dẻo như thể uốn cong xuống bên dưới anh. Khuôn mặt đầy đàn ông tính và nâu sạm của anh sở hữu vẻ quyến rũ khó lòng giải thích mà một sự cân đối hoàn hảo các đường nét truyền tới cho những khuôn mặt tươi trẻ. Vầng trán anh rộng và cao. Cặp mắt như phát lửa, rợp hàng lông mày dày và viền những lông mi dài, được vẽ ra như hai hình ô van màu trắng giữa hai đường thẳng đen. Cái mũi bày ra đường cong thanh nhã của mỏ đại bàng. Màu tía cặp môi anh được thêm đậm nét nhờ sự uốn lượn của hàng ria mép đen không thể tránh khỏi[21]. Hai má rộng và được tô màu mạnh tay trưng bày những tông màu nâu và vàng diễn tả một sức lực khác thường. Khuôn mặt anh, một trong những khuôn mặt mà lòng quả cảm đã in con dấu của nó lên, trưng bày típ người mà ngày nay người nghệ sĩ tìm kiếm khi anh ta nghĩ đến chuyện trình bày một trong các anh hùng của nước Pháp đế chế[22]. Con ngựa đẫm mồ hôi, và cái đầu ngúc ngoắc diễn tả một nỗi sốt ruột cao độ, hai chân trước choãi ra và dừng trên cùng một đường thẳng nhưng không chân nào vượt lên trước chân nào, làm dựng lên những sợi lông cứng trên cái đuôi của nó; và lòng tận tụy của nó trưng bày một hình ảnh mang tính vật chất của lòng tận tụy mà chủ của nó dành cho Hoàng Đế. Chứng kiến tình nhân của mình bận tâm đến thế trong việc dò bắt ánh mắt của Napoléon, Julie cảm thấy một thoáng ghen, nghĩ rằng anh vẫn chưa hề nhìn đến nàng. Đột nhiên, một lời phát ra từ vị chúa tể, Victor thúc vào sườn con ngựa, và phi nước kiệu đi; nhưng bóng một cột ranh giới chiếu xuống mặt cát khiến con vật hoảng sợ, nó lồng lên, lùi lại, dựng đứng lên, và hết sức đột ngột, chàng kỵ sĩ như thể gặp nguy hiểm. Julie hét lên, mặt nàng tái nhợt; ai ai cũng tò mò nhìn nàng; nàng không nhìn thấy một ai; ánh mắt nàng dán chặt vào con ngựa quá dữ dằn kia, mà viên sĩ quan trừng phạt trong lúc vẫn lao đi truyền đạt các mệnh lệnh của Napoléon. Những bức tranh ngây ngất khiến Julie choáng ngợp đến nỗi bất giác nàng bíu chặt lấy cánh tay ông bố, không hề chủ ý nàng để lộ cho ông những suy nghĩ của mình, thông qua mức độ siết tương đối mạnh của các ngón tay nàng. Khi Victor thiếu điều bị con ngựa hất ngã, nàng càng bám vào ông bố dữ hơn, như thể chính nàng mới đang sắp ngã đến nơi. Ông già ngắm nhìn với một nỗi lo âu u tối và đau đớn khuôn mặt sáng ngời của con gái, và các tình cảm thương xót, ghen tuông, thậm chí các nuối tiếc, trườn vào trong mọi nếp nhăn hằn sâu của ông. Nhưng vào lúc lóe chớp ít thấy của cặp mắt Julie, tiếng hét mà nàng vừa để bật ra và cử chỉ bạo động của các ngón tay nàng hoàn chỉnh việc phơi bày cho ông thấy một tình yêu bí mật, chắc chắn rồi, hẳn ông có một số hé lộ đáng buồn về tương lai, vì khi ấy khuôn mặt ông trưng bày một biểu hiện u ám. Vào lúc đó, tâm hồn của Julie như thể đã luồn vào trong tâm hồn viên sĩ quan. Một ý nghĩ còn tàn nhẫn hơn so với mọi ý nghĩ từng khiến ông già hãi hùng khiến các đường nét khuôn mặt người bệnh của ông rúm lại, lúc ông nhìn thấy d’Aiglemont trao đổi, vào lúc đi qua trước họ, một ánh mắt đồng lõa với Julie, mắt nàng ướt rượt, và làn da chợt trở nên sống động lạ kỳ. Ông đột ngột kéo con gái vào khu vườn Tuileries.

“Nhưng, bố ơi, nàng nói, trên quảng trường Carrousel vẫn còn các trung đoàn sắp thực hiện ma nớp cơ mà.

- Không, con ạ, tất cả các đội đều diễu qua xong rồi.

- Con nghĩ, bố ơi, rằng bố đã nhầm. Ông d’Aiglemont chắc đã sai họ tiến lên…

- Nhưng, con ạ, bố thấy đau và không muốn ở lại thêm nữa.”

Julie không khó khăn gì để tin lời bố nàng khi nàng nhìn khuôn mặt ấy, nó đã bị những nỗi lo lắng của người cha khiến phải mang một dáng vẻ tơi tả.

“Bố có đau nhiều không? nàng hỏi, vẻ hờ hững, vì đang bận tâm quá mức.

- Chẳng phải ngày nào cũng là một ngày ân huệ đối với bố à? ông già đáp.

- Ra bố sẽ lại còn làm con đau lòng thêm bằng cách nói đến cái chết của bố. Con đã vui đến thế! Sao bố không đuổi những ý nghĩ đen tối xấu xa của bố đi.

- A! ông bố kêu lên, thở dài đánh thượt, đồ con hư! những trái tim tốt lành nhất đôi khi cũng thật tàn nhẫn. Dành cho con cuộc đời của chúng ta, chỉ nghĩ đến con, chuẩn bị những tốt đẹp cho con, hy sinh các ý thích vì những nhõng nhẽo của con, yêu quý con hết mực, thậm chí còn cho con cả máu của chúng ta, như thế chẳng là gì hết ư? Hỡi ôi! đúng, con nhận lấy mọi thứ một cách thờ ơ. Để lúc nào cũng giành được những nụ cười của con và tình yêu hạ cố của con, hẳn là phải có quyền năng của Chúa. Rồi thì rốt cuộc một kẻ khác xuất hiện! một tình nhân, một người chồng cướp đi khỏi tay chúng ta trái tim của con.”

Julie lòng kinh ngạc nhìn ông bố đang chậm rãi bước đi, và hướng sang nàng những ánh mắt u tối.

“Thậm chí con che giấu chúng ta, ông nói tiếp, nhưng cũng có thể là cả với chính con…

- Bố nói gì thế, hả bố?

- Bố nghĩ, Julie ạ, rằng con có các bí mật đối với bố. - Con đang yêu, ông già sôi nổi nói tiếp, nhận ra cô con gái vừa đỏ mặt. A! bố từng hy vọng thấy con trung thành với ông bố già của con cho tới khi lão ta chết, bố từng hy vọng giữ được con ở bên bố, sung sướng và tươi sáng! ngưỡng mộ con giống như con vẫn còn là ngày xưa. Vì không biết số phận của con, hẳn bố đã tưởng đến một tương lai bình yên cho con; nhưng giờ đây thì chẳng thể nào mà ta mang theo được một niềm hy vọng hạnh phúc cho cuộc đời con, bởi vì con yêu đại tá còn nhiều hơn là yêu người anh họ[23]. Bố chẳng còn ngờ vực gì về điều đó được nữa.

- Tại sao con lại có thể bị cấm yêu anh ấy? nàng kêu lên, với một biểu hiện của nỗi tò mò lớn.

- A! Julie của bố, con sẽ không hiểu nổi bố đâu, ông bố thở dài, đáp.

- Thì bố cứ nói đi, nàng tiếp, phác một cử chỉ đầy nũng nịu.

- Thế này nhé! con ơi, nghe bố nói đây. Các cô gái trẻ thông thường tự tạo cho mình những hình ảnh cao quý, rạng rỡ, những hình dáng tất tật đều lý tưởng, và chế tạo những ý tưởng huyễn hoặc về đàn ông, về các tình cảm, về thế giới; rồi, đầy trong trắng, họ gán cho một tính cách những sự hoàn hảo mà họ từng mơ thấy, và tin vào đó; họ yêu nơi người đàn ông mà họ lựa chọn cái sinh thể tưởng tượng kia[24]; nhưng về sau, khi không còn thời gian trốn thoát nỗi bất hạnh nữa, rốt cuộc cái vẻ bên ngoài lừa mị mà họ đã tô điểm thêm cho đẹp, thần tượng ban đầu của họ biến thành một bộ xương khô gớm tởm. Julie, bố sẽ thích hơn nhiều nếu biết con yêu một ông già, chứ không phải thấy con thích đại tá. A! nếu có thể ở vào vị trí cách đây mười năm xa hơn trong cuộc đời, hẳn con sẽ thấy kinh nghiệm của bố đúng như thế nào. Bố biết Victor: sự vui tươi của cậu ta là một sự vui tươi không trí tuệ, một sự vui tươi của trại lính, cậu ta không có tài năng và là kẻ phá tiền. Cậu ta thuộc vào đám đàn ông được bầu trời tạo ra để ăn và tiêu hóa bốn bữa mỗi ngày, ngủ, yêu cô gái đầu tiên xuất hiện và đánh đấm. Cậu ta không hiểu cuộc đời. Lòng tốt của cậu ta, bởi vì cậu ta tốt bụng, có lẽ sẽ lôi kéo cậu ta đến chỗ trút hết tiền trên người cho một kẻ bất hạnh, cho một người bạn; nhưng cậu ta vô lo, nhưng cậu ta không sở hữu cái sự tế nhị kia của trái tim, nó biến chúng ta trở thành nô lệ cho hạnh phúc của một người phụ nữ; nhưng cậu ta xuẩn ngốc, ích kỷ… Có rất nhiều nhưng.

- Tuy nhiên, thưa bố, anh ấy phải có trí tuệ chứ, và các phương tiện để được phong đại tá…

- Con gái thân mến, Victor sẽ là đại tá suốt đời[25]. Bố chưa gặp được ai mà bố thấy là xứng được với con đâu”, ông bố già nói tiếp, hơi có chút hứng khởi. Ông dừng lại một lúc, ngắm nhìn cô con gái, rồi nói thêm: “Nhưng, Julie tội nghiệp của bố, con còn quá trẻ, quá yếu ớt, quá tinh tế, con còn chưa chịu đựng nổi những mối sầu muộn và dằn vặt của hôn nhân đâu. D’Aiglemont đã được bố mẹ quá nuông chiều, cũng giống như con, bởi mẹ con và bố. Làm sao có thể hy vọng hai đứa hiểu được nhau với các ý chí khác nhau, ở đó các quyền năng lớn lao không thể dung hòa? Con sẽ là nạn nhân hoặc bạo chúa. Cái này hoặc cái kia thì cũng đều mang lại một tổng lượng ngang nhau của bất hạnh trong cuộc đời một phụ nữ. Nhưng con dịu dàng và khiêm nhường, trước hết con sẽ cúi mình. Rốt cuộc thì con có, giọng ông khàn đi, một ân sủng về tính cảm sẽ không mấy được biết đến, và khi ấy…” Ông không nói nốt, nước mắt ràn rụa. “Victor, ông nói tiếp sau một quãng ngừng, sẽ làm tổn thương những phẩm chất ngây thơ của tâm hồn trẻ trung nơi con. Bố quá rành đám quân nhân, Julie ạ; bố từng sống trong quân ngũ. Rất hiếm, trong số những con người ấy, có một trái tim nào đủ sức chiến thắng các thói quen thu gặt được hoặc bởi các bất hạnh mà họ sống ở trong, hoặc bởi các ngẫu nhiên trong cuộc đời phiêu lưu của họ.

- Thế tức là bố muốn, thưa bố, Julie đáp, giọng nửa nghiêm túc vừa đùa cợt, phản đối các tình cảm của con, lấy chồng cho con vì bố chứ không phải vì con?

- Lấy chồng cho con vì bố! ông bố kêu lên, phác một cử chỉ kinh ngạc, vì bố, con gái ạ, người mà con sẽ sớm chẳng còn nghe thấy giọng nói mắng mỏ đầy thân ái nữa. Bố vẫn luôn luôn chứng kiến đám con cái coi các hy sinh của bố mẹ chúng chỉ xuất phát từ một thứ tình cảm cá nhân! Lấy Victor đi, Julie của bố. Rồi một ngày con sẽ phải cay đắng khóc than về sự ngu xuẩn của cậu ta, sự thiếu trật tự nơi cậu ta, sự ích kỷ của cậu ta, sự thiếu tế nhị của cậu ta, sự ì trệ của cậu ta trong tình yêu, và cả nghìn nỗi sầu muộn khác sẽ ào đến với con vì cậu ta. Thế nên, con hãy nhớ rằng, dưới đám cây này, giọng nói tiên tri của ông bố già của con đã vô vọng vang lên vào tai con!”

Ông già im lặng, ông thoáng bắt gặp cô con gái lắc đầu vẻ bực tức. Họ đi thêm vài bước về phía hàng rào lưới sắt nơi xe họ đang đỗ. Trong cuốc đi im lặng ấy, thiếu nữ lén nhìn khuôn mặt ông bố và theo từng nấc rời bỏ vẻ mặt dằn dỗi của mình. Nỗi đau sâu thẳm hằn trên vầng trán đang cúi xuống đất kia khiến nàng có một ấn tượng mạnh mẽ.

“Con xin hứa với bố, bố ơi, nàng nói, giọng dịu dàng và khàn đi, là sẽ không nói với bố về Victor trước khi bố còn chưa rút lại các phòng ngừa của bố chống lại anh ấy.”

Ông già kinh ngạc nhìn cô con gái. Hai giọt nước mắt ứa ra chảy dọc xuống hai gò má nhăn nheo. Ông không thể ôm chầm lấy Julie trước đám đông đang vây quanh họ, nhưng ông siết nhẹ bàn tay nàng. Khi ông đã lên xe, mọi suy nghĩ lo âu đã dồn tụ lại trên trán ông hoàn toàn biến mất. Khi ấy dáng điệu nhuốm chút buồn của con gái khiến ông lo lắng ít hơn nhiều so với niềm vui trong trắng mà bí mật đã vuột đi mất trong cuộc duyệt binh.

Trong những ngày đầu tháng Ba[26] năm 1814, gần tròn một năm sau buổi duyệt binh ấy của Hoàng Đế, một cỗ xe ngựa[27] lăn bánh trên con đường từ Amboise đến Tours[28]. Rời khỏi vòm khum màu lục của đám hồ đào[29] dưới đó là trạm xe La Frillière[30], chiếc xe được kéo đi với một sự mau mắn đến nỗi chỉ trong chốc lát nó đã tới cây cầu dựng trên sông Cise, ở đoạn cửa sông này nhập vào sông Loire, và dừng lại đó. Một dây buộc vừa bị đứt[31] do một sự đi quá gấp gáp, mà theo lệnh ông chủ, một phu trạm trẻ tuổi đã bắt bốn con ngựa khỏe nhất của trạm phải thực hiện. Vậy là, bởi một sự tình cờ, hai người ngồi trên xe được mặc sức ngắm nhìn khi họ tỉnh dậy một trong những chốn đẹp nhất mà hai bờ quyến rũ của sông Loire có thể trưng bày. Bên tay phải, lữ khách bao quát dễ dàng tất tật những khúc khuỷu của sông Cise, nó trườn, giống như một con rắn bạc, trong cỏ những cánh đồng nơi các mầm đầu tiên của mùa xuân khiến cho mang sắc màu của ngọc lục bảo. Bên tay trái, sông Loire hiện ra trong toàn bộ vẻ huy hoàng. Vô số cạnh nhỏ của vài roulée[32], được tạo ra bởi một cơn gió nhẹ sớm mai hơi có chút lạnh, phản chiếu những lấp lánh của mặt trời trên các làn nước rộng mà dòng sông lộng lẫy kia bày ra. Đây đó những đảo xanh um nối tiếp nhau trên mặt nước, giống như các hạt của một chuỗi vòng. Bên kia sông, những khu nông thôn đẹp nhất của vùng Touraine trải ra đến ngút tầm mắt các kho báu của chúng. Xa xa, con mắt nhìn không gặp trở ngại nào khác ngoài những ngọn đồi của Cher[33], với các đỉnh vẽ nên vào khoảnh khắc này những đường thẳng rực sáng trên nền thanh thiên bầu trời trong suốt. Qua lá rợp êm đềm những hòn đảo, tận sâu của bức tranh, Tours trông như thể, giống Venise, chui ra từ bầu ngực của nước[34]. Các ngọn tháp của nhà thờ lớn vươn lên trong không khí, nơi chúng hòa lẫn vào với các tạo tác huyền hoặc của vài đám mây trăng trắng. Quá cây cầu trên đó cỗ xe đang đỗ, lữ khách nhìn thấy trước mặt mình, dọc theo sông Loire cho tới Tours, một dải đá tảng, bởi một phóng túng của tự nhiên, trông giống như thể được đặt ở đó với mục đích ôm lấy dòng sông với những con sóng không ngừng bào giũa chất đá, cảnh tượng ấy lúc nào cũng khiến lữ khách thấy kinh ngạc. Ngôi làng Vouvray nằm như thể lẩn vào các hẻm các đoạn sụt của những đá đó, chúng khởi sự vẽ ra một đoạn gấp khúc trước cây cầu trên sông Cise. Rồi, từ Vouvray đến Tours, những hiểm trở gây khiếp hãi của ngọn đồi bị xé toang này là nơi cư ngụ một khối cư dân chuyên nghề trồng nho. Tại hơn một chỗ có ba tầng nhà, đào sâu vào đá khối và tập hợp lại bởi những cầu thang nguy hiểm khắc thẳng vào đá. Trên đỉnh một mái nhà, một cô gái vận váy đỏ[35] chạy tới khu vườn của mình. Khói của một ống khói bay lên giữa các dây leo và cành nho non trong một khu vườn. Người ta cày bừa trên những khoảnh ruộng thẳng đứng. Một bà già, bình thản trên một tảng đá lở, quay xa kéo sợi dưới đám hoa của một cây hạnh, và nhìn các lữ khách đi qua dưới chân mình, mỉm cười vì vẻ hoảng hốt của họ. Bà chẳng hề lý gì tới các chỗ đất nứt, cũng như đống đổ nát chênh vênh của một bức tường cũ với nền bên dưới chỉ còn được giữ bằng đám rễ chằng chịt của một khoảng thường xuân. Cây búa của đám thợ đóng thùng khiến vang vọng các vòm hầm lơ lửng trên cao. Rốt cuộc, khắp nơi đất được trồng trọt và khắp nơi đều màu mỡ, tại cái chỗ tự nhiên đã từ chối đất cho công việc con người. Vậy nên chẳng gì có thể so sánh, trên suốt dòng chảy của sông Loire, với toàn cảnh phong phú mà Touraine phô bày lúc đó cho con mắt lữ khách. Bức tranh nhân ba[36] của cảnh tượng này, mà các khía cạnh mới chỉ được vẽ ra chút ít, tạo cho tâm hồn một trong những cảnh ghi khắc vĩnh viễn trong ký ức của nó; và, khi một nhà thơ đã tận hưởng rồi, các giấc mơ của anh ta thường tái xây dựng cho anh ta các hiệu ứng lãng mạn một cách huyền ảo. Vào thời điểm chiếc xe lên đến trên cầu sông Cise, nhiều cánh buồm trắng đi vào giữa các hòn đảo sông Loire, và mang lại một sự hòa hợp mới cho cái chốn hài hòa này. Vị những cây liễu trồng sát bờ sông thêm vào những hương đậm đà cho tổng mùi vị của làn gió ẩm[37]. Lũ chim vang lừng những bản hòa tấu rộn ràng của chúng; tiếng hát đơn điệu của một người chăn dê hòa vào đó một dạng sầu tủi, trong khi những tiếng hét của đám thủy thủ thông báo một bấn loạn xa xa. Những làn hơi mềm, ngưng tụ tùy hứng quanh những cái cây rải rác trong phong cảnh rộng lớn này, in lên đó một vẻ yêu kiều cuối cùng. Đó là Touraine trong toàn bộ vinh quang của nó, mùa xuân trong toàn bộ vẻ rực rỡ của nó. Cái phần này của nước Pháp, phần duy nhất mà các đội quân nước ngoài còn chưa bao giờ gây khuấy động, vào thời điểm này là phần duy nhất được bình yên, và ta có thể nói rằng nó thách thức Sự Xâm Chiếm[38].

Một cái đầu đội mũ bonnê cảnh sát hiện ra bên ngoài cỗ xe ngay khi nó vừa ngừng chạy; rất mau chóng, một quân nhân sốt ruột tự tay mở cửa, và nhảy xuống đường như muốn đến mắng mỏ viên phu trạm. Vẻ thông thạo mà con người Touraine kia đang sử dụng để vá víu lại sợi dây đứt khiến đại tá bá tước d’Aiglemont[39] thấy yên tâm, anh quay lại về phía cửa xe, dang hai tay như để giãn các cơ bắp ngủ lịm; anh ngáp, nhìn phong cảnh, và đặt tay lên cánh tay một phụ nữ trẻ được quấn cẩn thận trong một cái vitchoura[40].

“Kìa, Julie, anh nói với nàng, giọng khào khào, em dậy ra đây ngắm cảnh đi! Đẹp lắm.”

Julie thò đầu ra khỏi xe. Một cái mũ bonnê lông chồn mactet đội trên đầu, và các nếp của cái áo choàng lông bao bọc lấy nàng giấu kỹ đi các đường nét cơ thể đến nỗi chỉ còn có thể nhìn thấy mặt nàng. Julie d’Aiglemont đã không còn giống cô thiếu nữ trước kia từng vui sướng và hạnh phúc chạy đến xem cuộc diễu binh ở Tuileries. Khuôn mặt nàng, vẫn thanh tú, đã mất đi những sắc hồng trước đây từng mang lại cho nàng một vẻ rạng rỡ lớn đến thế. Các túm đen của tóc bị duỗi thẳng do hơi ẩm ban đêm làm bật lên màu trắng ngà khuôn mặt nàng, mà vẻ sống động dường như bị đờ ra. Tuy nhiên cặp mắt nàng long lanh một thứ lửa siêu nhiên; nhưng bên dưới hàng lông mi, vài quầng tím hiện ra trên cặp má mệt mỏi. Nàng nhìn với ánh mắt thờ ơ các vùng nông thôn của Cher, sông Loire và các hòn đảo của nó, Tours và dải đá dài của Vouvray; rồi, không muốn nhìn thung lũng tươi ngời của sông Cise, nàng mau chóng lên xe chui vào trong góc, và nói bằng một cái giọng như thể vô cùng yếu ớt nếu ở ngoài trời: “Vâng, thật là đẹp.” Nàng đã, như ta đã thấy, thật bất hạnh, chiến thắng bố nàng.

“Julie, em có thích sống ở đây không?

- Ôi! ở đây hoặc nơi khác, nàng nói, vẻ vô tư lự.

- Em ốm đấy à? đại tá d’Aiglemont hỏi nàng.

- Không hề”, người phụ nữ trẻ đáp, với một vẻ hoạt bát đột nhiên. Nàng nhìn chồng, mỉm cười và nói thêm: “Em muốn ngủ.”

Đột nhiên tiếng ngựa phi nước kiệu lộp cộp vang lên. Victor d’Aiglemont thả tay vợ ra, và ngoái đầu nhìn về phía chỗ ngoặt mà con đường tạo ra ở đoạn này. Đúng lúc Julie không còn bị đại tá nhìn thấy nữa, biểu hiện vui tươi mà nàng vừa in dấu lên khuôn mặt tái nhợt biến mất như thể một luồng sáng nào vừa ngừng rọi lên nàng. Chẳng hề cảm thấy ham muốn nhìn lại cảnh vật, cũng không thấy tò mò muốn biết xem kỵ sĩ đang phi ngựa điên cuồng kia là ai, nàng ẩn mình vào trong góc xe, hai mắt nhìn chăm chăm vào mông lũ ngựa, không để lộ tí chút tình cảm nào. Nàng có dáng vẻ ngây độn có thể xuất hiện nơi một người nông dân vùng Bretagne đang nghe cha xứ của anh ta giáo huấn. Một thanh niên, cưỡi trên một con ngựa đắt tiền, đột nhiên chui ra khỏi một đám cây dương cùng sơn tra đang nở hoa.

“Đó là một người Anh, đại tá nói.

- Ôi! Chúa ơi, đúng, thưa tướng quân[41], viên phu trạm đáp. Hắn thuộc về giống người muốn, người ta nói thế, ăn thịt nước Pháp.”

Người lạ mặt là một trong số lữ khách đang ở lục địa vào đúng lúc Napoléon ra lệnh bắt tất cả người Anh để trả đũa cho sự xâm phạm tới quyền con người thực hiện bởi tay nội các Saint-James khi hiệp ước Amiens sụp đổ[42]. Tuân theo sự đỏng đảnh của quyền lực đế chế, không phải tất cả các tù nhân đó đều ở yên tại các địa điểm nơi họ bị giữ, cũng như tại các địa điểm mà trước hết họ được tự do chọn lựa. Phần lớn trong số những người thời điểm này đang sống ở Touraine đã được đưa về từ nhiều nơi thuộc đế chế, nơi sự cư ngụ của họ có vẻ phạm vào các lợi ích của chính trị lục địa. Tù nhân trẻ tuổi lúc này đang mang nỗi buồn chán buổi sáng của mình dạo chơi là một nạn nhân của quyền lực quan liêu. Từ hai năm nay, một mệnh lệnh xuất phát từ bộ Ngoại giao đã tước mất khỏi anh khí hậu Montpellier, nơi hòa bình tan vỡ từng bắt chợt anh, lúc đó đang tìm cách chữa trị cho một căn bệnh liên quan đến phổi[43]. Kể từ lúc chàng thanh niên nhận ra một quân nhân ở nơi bá tước d’Aiglemont, anh vội vã tránh ánh mắt người kia, khá đột ngột quay đầu về phía các cánh đồng của sông Cise.

“Tất tật đám người Anh đều hỗn xược, cứ như thể cả trái đất thuộc về bọn chúng vậy, đại tá thì thầm nói. Thật may mắn là Soult sẽ dần cho chúng một trận nên thân[44].”

Khi người tù nhân đi qua phía trước cỗ xe, anh liếc nhìn nó. Mặc cho cái nhìn hết sức ngắn ngủi, anh có thể chiêm ngưỡng biểu hiện sầu muộn khiến cho khuôn mặt tư lự của nữ bá tước có vẻ gì đó không rõ rất thu hút. Có nhiều đàn ông với trái tim bị xúc cảm đủ mạnh chỉ bởi vẻ đau đớn ở một phụ nữ: đối với họ nỗi đau như thể là một lời hứa về sự trường tồn hoặc về tình yêu. Hoàn toàn đắm mình trong sự ngắm nghía một cái gối dựa trên xe, Julie không để ý cả đến con ngựa lẫn kỵ sĩ. Sợi dây đứt đã được nối lại chắc chắn và mau chóng. Bá tước lên xe. Viên phu trạm cố giành lại thời gian đã mất, và nhanh chóng đưa hai lữ khách tới đoạn đường cao hai bên là các tảng đá treo lơ lửng ở giữa đó các thứ rượu vang của Vouvray lên men, từ đó mọc lên rất nhiều ngôi nhà đẹp, nơi hiện ra phía xa xa những đổ nát của tu viện Marmoutiers vô cùng lừng danh, nơi thánh Martin rút về.

“Milord trắng ởn kia muốn gì ở chúng ta thế nhỉ?” đại tá kêu lên khi ngoái đầu lại và thấy kỵ sĩ kể từ cây cầu trên sông Cise vẫn đi theo cỗ xe của anh chính là tay người Anh trẻ tuổi.

Vì người lạ mặt không vi phạm bất kỳ quy tắc lịch sự nào, đi nép vào sát lề đường, đại tá ngồi xuống trở lại vào góc của mình trong cỗ xe sau khi đã ném về phía tay người Anh một ánh mắt đe dọa. Nhưng anh không thể, mặc cho nỗi căm hận không chủ ý của mình, tự ngăn mình nhận ra vẻ đẹp của con ngựa và dáng vẻ thanh thoát của kỵ sĩ. Chàng thanh niên mang một khuôn mặt Anh rất điển hình với màu da hết sức tinh tế, làn da rất mềm và rất trắng, mà thảng hoặc người ta bị cám dỗ nghĩ chúng thuộc về cơ thể tinh tế của một thiếu nữ. Anh có mái tóc vàng, người mảnh và cao. Trang phục của anh có cái tính cách đầy tìm tòi và sạch sẽ làm nổi bật những con người ăn mặc phong cách ở nước Anh đoan chính. Hẳn người ta có thể nói rằng anh đỏ mặt bởi thẹn thùng thì nhiều hơn bởi niềm thống khoái trước dáng vẻ của nữ bá tước. Chỉ một lần duy nhất Julie ngẩng đầu nhìn người lạ mặt; nhưng nàng làm vậy chủ yếu là do chồng nàng muốn nàng ngắm chân của một con ngựa thuần chủng. Khi ấy ánh mắt Julie bắt gặp ánh mắt của tay người Anh rụt rè. Ngay từ khoảnh khắc ấy chàng quyền quý, thay vì cho ngựa đi gần cỗ xe, lùi lại một quãng xa. Nữ bá tước chỉ nhìn thoáng qua người lạ mặt. Nàng không trông thấy một nét hoàn hảo nào cả ở con người lẫn con ngựa được chỉ cho, và thả rơi mình vào góc xe sau khi nhướng nhẹ lông mày như để tỏ ý tán thành chồng. Đại tá ngủ lại, và hai vợ chồng đến Tours mà không nói với nhau một câu nào và cũng không có lấy một lần những phong cảnh rạng rỡ bên ngoài liên tục biến đổi mà họ đang đi qua thu hút sự chú ý của Julie. Khi chồng nàng đã ngủ, bà d’Aiglemont nhiều lần nhìn anh. Ở ánh mắt cuối cùng mà nàng hướng về phía anh, một cú xóc làm rơi xuống đầu gối người phụ nữ trẻ một tấm huy chương treo trên cổ nhờ một sợi dây chuyền để tang, và bức chân dung ông bố đột nhiên hiện ra trước mắt nàng[45]. Thấy vậy, những giọt nước mắt, cho tới lúc đó được kìm nén, chảy ra ràn rụa trong mắt nàng. Có lẽ tay người Anh nhìn thấy những dấu vết ẩm ướt và lấp lánh mà sự khóc ấy vương lại một thoáng trên hai má nhợt nhạt của nữ bá tước, nhưng không khí chùi khô đi rất mau chóng. Được Hoàng Đế giao nhiệm vụ mang các mệnh lệnh tới cho thống chế Soult, người phải bảo vệ nước Pháp trước cuộc xâm chiếm của người Anh tại vùng Béarn, đại tá d’Aiglemont tận dụng công vụ để đưa vợ thoát ra khỏi những mối hiểm nguy khi ấy đang đe dọa Paris, và mang nàng tới Tours, ở nhà một bà họ hàng của anh. Cỗ xe sớm lăn bánh trên đường phố Tours, trên cây cầu, phố Grande-Rue, và dừng lại trước dinh thự cổ kính nơi nữ bá tước de Listomère-Landon “trước đây”[46] sống.

Nữ bá tước de Listomère-Landon[47] thuộc vào số những bà già đẹp[48] có làn da tái, tóc trắng, nụ cười nhã nhặn, như thể tay cầm giỏ, và đội trên đầu một cái mũ bonnê theo một loại mốt không được biết đến. Là những bức chân dung bảy mươi tuổi của thế kỷ vua Louis XV[49], những phụ nữ này gần như luôn luôn có tính cách mơn trớn, như thể họ vẫn còn đang yêu; ít sùng đạo hơn thích đạo, và ít thích đạo hơn mức mà họ tỏ ra; luôn luôn bốc lên bụi phấn tóc giả, kể chuyện hay, nói chuyện còn hay hơn, và cười vì một kỷ niệm thì nhiều hơn là vì một câu nói đùa. Họ chẳng thích thú gì thời sự. Khi một bà già hầu phòng vào thông báo cho nữ bá tước (vì bà sẽ sớm nhận lại tước hiệu của mình[50]) về cuộc thăm viếng của một người cháu mà bà đã không gặp kể từ khởi đầu cuộc chiến tranh Tây Ban Nha[51], bà vội vã tháo cặp kính, gập lại quyển Phòng trưng bày Triều đình xưa [52], cuốn sách ưa thích của bà; rồi bà tìm lại được chút dáng đi uyển chuyển để đi ra ngoài bậc thềm vào đúng lúc hai vợ chồng đang bước lên bậc tam cấp.

Bà dì[53] và cô cháu gái nhanh chóng liếc nhìn nhau.

“Xin chào, dì thân mến, đại tá kêu lên, túm lấy bà già và vồn vã hôn bà. Cháu dẫn đến cho dì một phụ nữ trẻ tuổi để trông coi đây. Cháu giao phó cho dì kho báu của cháu. Julie của cháu không đỏng đảnh cũng không ghen tuông; cô ấy dịu dàng như thiên thần… Nhưng cô ấy sẽ không bị hư hỏng đi ở đây, cháu hy vọng thế, anh nói, tự cắt ngang lời.

- Đồ hư đốn!” nữ bá tước đáp, ném vào anh một ánh mắt giễu cợt.

Bà là người, với vẻ duyên dáng thân ái, tiến lên trước tiên để ôm hôn Julie, nàng tư lự và tỏ ra bối rối thì nhiều hơn là hiếu kỳ.

“Thế chúng ta làm quen với nhau nhé, cô cháu cưng? bà bá tước nói thêm. Cháu không phải sợ ta quá đâu, ta cố không bao giờ già với các thanh niên.”

Trước khi vào tới phòng khách, bà hầu tước[54] đã, theo thói quen ở tỉnh, ra lệnh dọn bữa trưa cho hai người khách; nhưng bá tước chặn đứng sự hùng biện của bà dì bằng cách lấy giọng nghiêm trang nói rằng anh không thể dành cho bà nhiều thời gian hơn thời gian nghỉ giữa chừng của xe trạm. Ba người họ hàng bèn vội vã vào phòng khách, và đại tá vừa kịp có thời gian kể cho bà dì các sự kiện chính trị và quân sự đã buộc anh phải nhờ vả bà cho cô vợ trẻ của anh tá túc. Trong lúc câu chuyện được kể, bà dì hết nhìn người cháu đang nói tràng giang đại hải lại nhìn cô cháu mà vẻ nhợt nhạt và buồn bã như thể bắt nguồn từ sự chia ly bắt buộc này. Như thể bà có vẻ tự nhủ: “Kìa! kìa! đôi trẻ này yêu nhau.”

Đúng lúc đó, tiếng roi vụt ngựa vang lên trong cái sân cũ im lìm, lớp nền đầy các túm cỏ. Victor bèn ôm lấy bà bá tước, và lao ra khỏi nhà.

“Tạm biệt nhé, em yêu, anh nói, hôn vợ, nàng đã đi theo anh ra đến cỗ xe.

- Ôi! Victor, để em đi cùng anh thêm nữa đi, nàng nói, giọng mơn trớn, em không muốn chia tay anh…

- Em nghĩ vậy à?

- Vậy thôi, Julie đáp, tạm biệt, bởi vì anh muốn thế.”

Chiếc xe biến mất.

“Vậy là cháu yêu Victor tội nghiệp của ta đấy nhỉ? bà bá tước hỏi cô cháu gái, dò xét nàng bằng một ánh mắt thông thái mà các bà già dùng để nhìn đám thanh niên.

- Hỡi ôi! thưa bà, Julie đáp, chẳng phải là nên yêu một người đàn ông để lấy anh ta ư?”

Câu này được nhấn mạnh bởi một âm sắc ngây thơ vừa để lộ một trái tim thuần khiết vừa có thể là những bí ẩn sâu xa. Thế nhưng, thật khó có chuyện một phụ nữ bạn của Duclos và của thống chế de Richelieu[55] lại không tìm cách đoán bí mật của cặp vợ chồng này. Bà dì và cô cháu lúc đó đang đứng ở bậc thềm cái cửa vòm, chăm chú nhìn cỗ xe mất hút. Cặp mắt nữ bá tước không biểu lộ tình yêu như nữ hầu tước hiểu[56]. Bà già trung hậu là người ở tỉnh, và các dục vọng của bà rất sống động.

“Tức là cháu đã để mặc cho mình rơi vào tay thằng cháu vô tích sự của ta?” bà hỏi cô cháu.

Nữ bá tước bất giác rùng mình, vì âm điệu và ánh mắt của bà già điệu đà kia như thể thông báo cho nàng một sự hiểu biết về tính cách của Victor có lẽ còn thâm sâu hơn hiểu biết của chính nàng. Bà d’Aiglemont, thấy lo lắng, bèn chui mình vào bên trong sự che giấu vụng về kia, chốn trú ngụ đầu tiên của những trái tim ngây thơ và đau đớn. Bà de Listomère bằng lòng với các câu trả lời của Julie; nhưng bà vui sướng nghĩ rằng nỗi cô độc của bà sẽ được giải khuây nhờ một bí mật tình yêu nào đó, bởi vì bà thấy như thể cô cháu gái có câu chuyện lắt léo hay ho nào đó. Khi bà d’Aiglemont ở trong một phòng khách lớn, chăng nhiều thảm nẹp thanh mạ vàng, rồi nàng ngồi xuống trước một lò sưởi lớn, thoát khỏi những cơn gió cửa sổ nhờ một bức bình phong Trung Quốc, nỗi buồn của nàng chẳng tan biến đi mấy. Thật khó để cho sự vui sướng sinh ra dưới những thứ vải xưa cũ như thế này, giữa các thứ đồ đạc trăm tuổi kia. Tuy vậy cô gái Paridiêng thấy chút khoái trá khi bước vào nỗi cô độc sâu thẳm này, và vào trong sự im lặng trang trọng của tỉnh. Sau khi nói vài câu với bà dì ấy, người mà trước đây nàng từng viết một bức thư khi mới lấy chồng, nàng giữ im lặng như thể đang ngồi nghe một vở opera. Mãi tận sau hai tiếng giữ một sự bình thản xứng danh với dòng tu Trappe[57] nàng mới nhận ra sự bất lịch sự của mình đối với bà dì, nàng nhớ là mình đã chỉ đáp lại bà bằng những câu trả lời lạnh lùng. Bà già đã tôn trọng cơn đỏng đảnh của cô cháu gái nhờ cái trực giác đầy ân sủng vốn dĩ đặc trưng hóa cho những người của thời trước. Lúc này bà quyền quý già đang đan. Nói cho đúng, bà đã nhiều lần đi ra để coi sóc một phòng ngủ màu lục nào đó nơi nữ bá tước sẽ ở và là nơi người nhà đang cất đồ vào; nhưng khi ấy bà đã ngồi lại về chỗ của mình trong một cái phô tơi lớn, và nhìn trộm cô gái trẻ. Ngượng ngùng vì đã tự buông thả cho cơn trầm tưởng không thể cưỡng nổi, Julie thử tìm sự tha thứ bằng cách tự chế giễu.

“Cháu gái ơi, chúng ta biết nỗi đau của các bà góa mà”, bà dì đáp.

Phải đã bốn mươi tuổi rồi thì mới có thể đoán định được sự mỉa mai mà cặp môi quý bà già nua diễn đạt. Ngày hôm sau, nữ bá tước đã ổn hơn nhiều, nàng trò chuyện. Bà de Listomère không còn mất hy vọng về việc thuần hóa người vợ trẻ tuổi này, mà trước tiên bà đã đánh giá là một cô gái rụt rè và ngu ngốc; bà nói cho nàng về những niềm vui thú trong vùng, các vũ hội và những ngôi nhà nàng có thể tới. Tất cả các câu hỏi của bà hầu tước[58], trong ngày hôm ấy, đều là những cái bẫy mà, theo một thói quen xa xưa của triều đình, bà không thể tự ngăn mình giăng ra cho cô cháu gái để đoán định tính cách nàng. Julie cưỡng lại mọi lời thúc đẩy nàng, trong vòng vài ngày, đi tìm các giải trí bên ngoài. Vậy nên, mặc cho ham muốn của quý bà già nua được kiêu hãnh đưa cô cháu gái xinh đẹp đi dạo chơi, rốt cuộc bà từ bỏ ý định dẫn nàng tới chỗ người khác. Nữ bá tước đã tìm ra một cái cớ cho sự cô đơn và nỗi buồn của mình ở sự sầu muộn gây ra cho nàng bởi cái chết của ông bố, mà nàng vẫn còn để tang. Sau tám hôm, bà quyền quý già ngưỡng mộ sự dịu dàng thiên thần, những nét duyên dáng khiêm nhường, tinh thần rộng lượng của Julie và, ngay lúc đó, hết sức quan tâm đến nỗi sầu tủi đang gặm nhấm trái tim trẻ trung kia. Nữ bá tước thuộc vào số các phụ nữ sinh ra để thân ái, và dường như mang theo cùng họ niềm hạnh phúc. Có nàng ở bên là điều êm ái và quý giá đối với bà de Listomère đến nỗi bà thích nàng đến phát điên, và không còn muốn rời xa nàng nữa. Chỉ cần một tháng là đủ để thiết lập giữa họ một tình bạn vĩnh cửu. Quý bà già nua nhận ra, mà chẳng phải không kinh ngạc, những thay đổi xuất hiện ở vẻ bên ngoài của bà d’Aiglemont. Các màu sống động phủ lên làn da âm thầm tắt ngấm, và khuôn mặt nàng mang các tông sạm, nhợt nhạt. Trong lúc đánh mất đi vẻ rạng rỡ tiên khởi, Julie trở nên đỡ buồn thảm hơn. Đôi khi bà quyền quý đánh thức nơi người họ hàng trẻ tuổi những đợt vui, hoặc những tiếng cười nắc nẻ sớm bị vùi dập bởi một ý nghĩ trái khoáy. Bà đoán rằng cả kỷ niệm về ông bố lẫn sự vắng mặt của Victor đều không phải nguyên do cho nỗi sầu sâu xa kia, nó phủ một tấm voan lên cuộc đời cô cháu gái của bà; rồi bà nảy sinh nhiều mối nghi xấu xa đến nỗi thật khó cho bà để dừng lại ở nguyên nhân đích thực của nỗi đau, bởi vì có lẽ chúng ta chỉ gặp được cái đúng do tình cờ mà thôi. Rốt cuộc, đến một hôm, Julie làm ánh lên trong mắt bà dì ngạc nhiên của mình một sự quên bẵng hoàn toàn chuyện hôn nhân, một sự điên rồ thiếu nữ nông nổi, một sự ngây thơ về tinh thần, một trò trẻ con xứng với các bé gái, toàn bộ cái tinh thần tế nhị ấy, và đôi khi rất mực sâu sắc, khiến nổi bật ở Pháp những con người trẻ trung. Bà de Listomère bèn quyết định thăm dò các bí ẩn của tâm hồn kia, mà vẻ tự nhiên cực điểm ngang bằng với một sự che giấu khôn dò. Trời sắp đổ tối, hai quý bà ngồi trước một cửa sổ nhìn xuống phố, Julie lấy lại một dáng vẻ tư lự, một người cưỡi ngựa vừa đi qua.

“Kia là một trong các nạn nhân của cháu”, quý bà già nua nói.

Bà d’Aiglemont nhìn bà dì, tỏ ra ngạc nhiên trộn lẫn với lo lắng.

“Đó là một chàng trai người Anh, một nhà quyền quý, Arthur Ormond đáng kính, con trai cả của lord Grenville. Câu chuyện của cậu ta thú vị lắm. Cậu ta đến Montpellier năm 1802, hy vọng không khí của vùng ấy, nơi cậu ta được các bác sĩ khuyên đến, sẽ chữa cho cậu ta khỏi một chứng bệnh phổi nan y. Cũng như tất cả các đồng bào của cậu ta, cậu ta bị Bonaparte bắt giữ khi chiến tranh nổ ra, bởi vì con quái vật đó không thể ngừng cái trò đánh đấm. Để giải khuây, chàng thanh niên người Anh kia đã bắt tay vào nghiên cứu căn bệnh của mình, mà người ta nghĩ là gây chết người. Dần dà, cậu ta hứng thú với giải phẫu, với y học; cậu ta say mê với mấy môn ấy, điều này là hết sức lạ thường ở một con người có phẩm chất; nhưng Đức Ông Nhiếp Chính[59] từng hết sức quan tâm đến hóa học! Tóm lại, ông Arthur đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc, ngay cả với các giáo sư ở Montpellier; việc nghiên cứu đã an ủi cho cậu ta trước tình cảnh bị giam lỏng và, cùng lúc, cậu ta đã khỏi bệnh một cách tuyệt đối[60]. Người ta bảo cậu ta đã không nói năng gì suốt hai năm, thở thật ít, nằm yên trong một cái chuồng, uống sữa một con bò mang từ Thụy Sĩ sang, và chỉ ăn cải xoong[61]. Kể từ khi đến Tours, cậu ta chẳng gặp ai, cậu ta cao ngạo như một con công ấy; nhưng chắc chắn là cháu đã chinh phục được cậu ta, vì không có lý gì tại vì ta mà cậu ta lại đi qua dưới cửa sổ hai lần mỗi ngày kể từ khi cháu ở đây… Chắc rồi, cậu ta yêu cháu.”

Mấy từ cuối cùng đánh thức nữ bá tước như một ma thuật. Nàng để buột ra một cử chỉ và một nụ cười khiến bà hầu tước[62] kinh ngạc. Thay vì bày tỏ sự thỏa mãn trực giác mà đến cả người phụ nữ nghiêm khắc nhất cũng cảm thấy khi biết mình đã tạo ra một kẻ say mê, ánh mắt của Julie tối và lạnh. Khuôn mặt nàng cho thấy một cảm giác gớm tởm gần với ghê sợ. Sự bài trừ này không phải biểu hiện mà một phụ nữ đang yêu khiến tất cả mọi người choáng váng, hướng tới một người duy nhất; khi ấy cô ta biết cười và nói đùa; không, Julie vào lúc này giống như một người bị kỷ niệm về một mối nguy hiện diện quá sống động làm cho vẫn cảm thấy nỗi đau đớn từ đó. Bà dì, mặc dù tin chắc cô cháu gái không yêu cháu mình, kinh hoảng khi phát hiện nàng chẳng yêu ai hết. Bà run lên khi phải công nhận ở Julie một trái tim tàn rũ, một phụ nữ trẻ mà kinh nghiệm của một ngày, có lẽ của một đêm[63], đã đủ để thấy rõ sự ngu xuẩn của Victor.

“Nếu con bé mà biết thế, thì mọi sự coi như xong, bà nghĩ, cháu mình sẽ sớm phải gánh chịu những điều bất tiện của hôn nhân.”

Bà bèn tự dặn lòng là sẽ cải Julie sang các học thuyết quân chủ của thế kỷ vua Louis XV; nhưng, vài tiếng sau, bà được biết, hay đúng hơn bà đoán ra tình hình khá hay gặp tại cái thế giới khiến nữ bá tước sầu muộn. Julie, đột nhiên trở nên tư lự, rút về phòng sớm hơn thường lệ. Khi bà hầu phòng đã giúp nàng thay quần áo và để nàng lại một mình, sẵn sàng để đi ngủ, nàng vẫn nán lại trước lò sưởi, đằm mình nơi một cái trường kỷ[64] chăng lụa màu vàng, thứ đồ cổ kính, cũng thích hợp cho những người đau khổ giống như những người sung sướng; nàng khóc, tìm giấy, rồi viết. Nhiều tiếng đồng hồ trôi nhanh qua, những tâm sự mà Julie trải xuống bức thư ấy dường như khiến nàng đau đớn rất nhiều, câu nào cũng dẫn tới những mơ mộng dài; đột nhiên cô gái trẻ òa khóc và dừng tay. Vào lúc đó các đồng hồ điểm chuông hai giờ. Đầu nàng, nặng y như đầu một người hấp hối, gục xuống trước ngực; rồi, khi ngẩng lên, Julie nhìn thấy bà dì đột nhiên hiện ra, như một nhân vật tách ra từ tấm thảm chăng trên các bức tường.

“Cháu sao vậy, cháu yêu? bà dì hỏi. Tại sao cháu thức khuya thế, và nhất là tại sao cháu lại khóc một mình, ở tuổi của cháu?”

Bà ngồi xuống không chút câu nệ bên cạnh cô cháu và dùng ánh mắt ngấu nghiến bức thư đang viết dở.

“Cháu viết thư cho chồng à?

- Cháu có biết anh ấy ở đâu đâu?” nữ bá tước đáp.

Bà dì cầm tờ giấy lên đọc. Bà mang theo kính, có chủ đích từ trước. Tạo vật ngây thơ để mặc bà cầm lấy bức thư mà không ỏ ẻ chút nào. Chẳng phải một khiếm khuyết về phẩm cách, cũng không phải một tình cảm tội lỗi bí mật nào đã giật phăng đi khỏi nàng tất tật sức lực như vậy; không, lúc này bà dì xuất hiện đúng vào một trong những khoảnh khắc khủng hoảng khi tâm hồn không còn động lực, khi mọi thứ đều là thờ ơ, thiện cũng như ác, im lặng cũng như lòng tin. Giống một thiếu nữ đức hạnh tới tấp ném những ngạo nghễ lên một tình nhân, nhưng tối đến lại thấy buồn quá mức, bị bỏ rơi quá mức, thành thử lại muốn chàng, và muốn một trái tim để có thể cất vào những nỗi đau đớn, Julie nín lặng không nói một lời trước sự vi phạm dấu niêm mà sự tế nhị in lên một bức thư để mở, và vẫn tiếp tục tư lự trong lúc nữ hầu tước đọc.

“Louisa[65] yêu quý của mình, tại sao nhiều lần đến vậy đòi thực thi cái lời hứa ít thận trọng nhất mà hai thiếu nữ ngu ngốc có thể trao cho nhau? Bạn hay hỏi mình, bạn viết cho mình như vậy, tại sao mình đã không trả lời những câu hỏi của bạn từ sáu tháng nay. Nếu đã không hiểu được sự im lặng của mình, hôm nay có lẽ bạn sẽ đoán được lý do khi biết được những điều bí ẩn mà mình sẽ phản bội. Lẽ ra mình phải chôn giấu chúng vĩnh viễn vào đáy trái tim, nếu bạn không báo cho mình biết tin về đám cưới sắp tới của bạn. Bạn sẽ lấy chồng, Louisa. Ý nghĩ này làm mình phát run. Bạn bé nhỏ tội nghiệp ơi, hãy lấy chồng đi; rồi, vài tháng nữa, một trong những nỗi hối tiếc sắc nhọn nhất của bạn sẽ phát xuất từ kỷ niệm về chúng ta của xưa kia, cái hồi mà một tối nọ, ở Écouen, hai ta đi đến dưới những cây sồi lớn của vùng núi, chúng ta ngắm nhìn thung lũng đẹp đẽ nằm dưới chân chúng ta, và chúng ta ngưỡng mộ ở đó các tia mặt trời lặn với các phản chiếu vây bọc lấy chúng ta. Chúng ta ngồi lên một phiến đá, và rơi vào một cơn phấn hứng rồi tiếp theo sau là nỗi sầu êm ái nhất. Bạn là người thấy trước mình, rằng mặt trời xa xôi kia đang nói cho chúng ta về tương lai. Lúc đó chúng ta mới hiếu kỳ và điên rồ làm sao! Bạn còn nhớ tất tật những trò kỳ quặc của chúng ta chăng? Chúng ta hôn nhau như hai tình nhân, chúng ta nói thế. Chúng ta thề với nhau rằng người nào lấy chồng trước sẽ thuật lại thật trung thành cho người kia những bí mật thầm kín của hôn nhân ấy, những niềm vui ấy, mà tâm hồn trẻ con của chúng ta vẽ ra thật tuyệt diệu. Buổi tối đó sẽ gây cho bạn niềm tuyệt vọng, Louisa ạ. Cái hồi ấy, bạn thật trẻ, đẹp, vô tư lự, nếu không muốn nói là sung sướng; một người chồng sẽ, chỉ trong vòng vài ngày, biến bạn trở nên giống như mình đã, xấu xí, đau đớn và già nua. Sẽ thật là điên nếu nói với bạn mình đã kiêu hãnh, phù phiếm và sướng vui đến thế nào khi được lấy đại tá Victor d’Aiglemont! Và thậm chí làm cách nào để nói điều đó với bạn đây? vì bản thân mình còn chẳng nhớ nữa. Chỉ trong chốc lát tuổi thơ của mình đã trở nên giống như một giấc mộng. Cách hành xử của mình trong cái ngày trọng đại dùng để thiêng liêng hóa một mối dây ràng buộc mà kích thước bị che giấu với mình đã không phải là không đáng chê trách. Bố mình đã hơn một lần tìm cách dập đi nỗi vui sướng của mình, vì mình thể hiện những niềm vui mà người ta thấy là không thích hợp, và những nói năng của mình để lộ sự láu lỉnh, chính là bởi chúng chẳng hề láu lỉnh. Mình đã làm cả nghìn trò trẻ con với tấm khăn voan đám cưới ấy, với cái váy ấy và những bông hoa ấy. Chỉ còn lại một mình, tối đến, trong căn phòng nơi mình được đưa tới một cách lộng lẫy, mình dự tính bày ra một trò nghịch ngợm nào đó để trêu Victor; và, trong lúc đợi anh ấy đến, tim mình đập dồn dập giống những lần xưa kia mình từng có vào những ngày trọng đại 31 tháng Chạp, khi, lén lút để không ai nhìn thấy, mình chui vào phòng khách nơi đống quà được chất đống lên. Lúc chồng mình bước vào, tìm kiếm mình, tiếng cười cố nén mà mình làm bật ra bên dưới những mút-xơ-lin phủ lấy mình là sự bùng nổ cuối cùng của cái niềm vui êm dịu từng gây sống động cho những trò chơi hồi chúng ta còn nhỏ ấy…”

Khi bà quyền quý đọc xong bức thư, nó, khởi đầu như vậy, hẳn phải chứa đựng những nhận xét đáng buồn, bà chậm rãi đặt kính xuống bàn, đặt cả bức thư xuống đó luôn, và hướng sang cô cháu gái cặp mắt màu lục mà tia lửa nhạt vẫn còn chưa suy yếu vì tuổi tác.

“Cháu ơi, bà nói, một phụ nữ có chồng không thể viết như thế này cho một cô gái trẻ mà không vi phạm đến hành xử đúng mực …

- Cháu cũng đã nghĩ thế, Julie đáp, ngắt lời bà dì, và cháu thấy xấu hổ về bản thân trong lúc dì đọc nó…

- Nếu trên bàn ăn có một món mà chúng ta thấy không ngon, thì cũng không được làm người khác chán ghét nó, cháu ạ, bà già nói tiếp, đầy nhân hậu, nhất là khi, kể từ Eva cho đến chúng ta, hôn nhân vẫn có vẻ là một điều tuyệt vời đến thế… Cháu không còn mẹ à?” bà già hỏi.

Nữ bá tước phát run; rồi nàng nhẹ nhàng ngẩng đầu lên, nói: “Từ một năm nay đã hơn một lần cháu tiếc mẹ cháu; nhưng cháu đã sai vì không chịu lắng nghe sự ghê tởm của bố cháu, bố cháu không muốn có Victor làm con rể.”

Nàng nhìn bà dì, và một đợt run rẩy vì vui sướng làm khô những giọt nước mắt khi nàng nhận ra vẻ tốt lành đang tạo sức sống cho khuôn mặt già nua kia. Nàng chìa bàn tay trẻ trung cho bà hầu tước[66] như thể đang muốn cầm nó; và khi những ngón tay của họ đan vào nhau, hai người phụ nữ ấy đã hoàn toàn hiểu nhau.


“Đứa bé mồ côi tội nghiệp!” bà hầu tước[67] nói thêm.

Câu nói này là tia sáng cuối cùng đối với Julie. Nàng tưởng như lại nghe thấy giọng nói tiên tri của bố nàng.

“Hai tay cháu nóng quá! Lúc nào chúng cũng như vậy à? bà già hỏi.

- Từ bảy hay tám hôm nay cơn sốt không chịu ngừng, nàng đáp.

- Cháu bị sốt, thế mà lại giấu ta!

- Cháu bị như thế từ một năm nay rồi, Julie nói, giọng có vẻ lo lắng ngượng ngập.

- Vậy thì, thiên thần bé nhỏ của ta, bà dì nói, cho đến lúc này hôn nhân đối với cháu chỉ là một nỗi đau kéo dài?”

Cô gái trẻ không dám trả lời; nhưng nàng phác một cử chỉ công nhận, nó hé lộ tất tật những đau đớn nơi nàng.

“Tức là cháu bất hạnh?

- Ôi! không, dì ơi. Victor yêu cháu vô bờ bến, và cháu rất yêu quý anh ấy, anh ấy tốt bụng lắm!

- Phải, cháu yêu nó; nhưng cháu chạy trốn nó, có phải không?

- Vâng… thỉnh thoảng… anh ấy tìm cháu quá thường xuyên.

- Có phải cháu thường bị bấn loạn trong lúc một mình vì nỗi sợ nó sắp đến bắt chợt cháu?

- Hỡi ôi! vâng, thưa dì. Nhưng cháu yêu anh ấy lắm, cháu đảm bảo với dì.

- Có phải cháu ngấm ngầm tự buộc tội mình là đã không biết hoặc không thể chia sẻ các khoái lạc với nó? Đôi khi có phải cháu nghĩ rằng tình yêu giá thú thật nặng nề để chịu đựng hơn nhiều so với một niềm say mê tội lỗi?

- Ôi! chính là vậy đấy, nàng vừa trả lời vừa khóc. Vậy ra dì đoán được hết mọi thứ, nơi mà đối với cháu tất tật đều là bí ẩn. Các giác quan của cháu trở nên ù lì, cháu không nghĩ được gì nữa, rốt cuộc, cháu sống rất khó nhọc. Tâm hồn cháu bị trấn áp bởi một nỗi bực bội không thể định rõ khiến các tình cảm của cháu trở nên băng giá và ném cháu vào một cơn đờ đẫn kéo dài. Cháu rơi vào cảnh không còn giọng nói để than thở, cũng không có lời lẽ để diễn đạt nỗi khốn khổ của cháu. Cháu đau đớn, và cháu xấu hổ vì đau đớn khi chứng kiến Victor sung sướng vì cái điều giết chết cháu.

- Toàn trò trẻ con, toàn những thứ ngây quá mức! bà dì già kêu lên, toàn bộ khuôn mặt héo quắt đột nhiên sống động hẳn lên bởi một nụ cười vui tươi, phản chiếu cho những niềm vui hồi tuổi trẻ của bà.

- Cả dì cũng cười! cô gái trẻ tuyệt vọng nói.

- Ta cũng từng như vậy, bà hầu tước[68] mau chóng nói thêm. Giờ đây khi Victor đã để cháu lại một mình, chẳng phải cháu đã quay trở lại làm thiếu nữ, bình thản; không khoái lạc, nhưng cũng chẳng đau đớn?”

Julie mở to hai mắt, sửng sốt.

“Mà, thiên thần của ta, cháu yêu quý Victor, có phải không nào? nhưng hẳn là cháu sẽ thích hơn nếu được làm em gái nó chứ không phải vợ nó, và rốt cuộc hôn nhân đã không hề thành công đối với cháu.

- Vâng đúng, đúng như vậy, thưa dì. Nhưng tại sao lại cười?

- Ồ! cháu nói đúng, cô cháu tội nghiệp ạ. Trong toàn bộ câu chuyện này, chẳng có gì vui vẻ hết cả. Tương lai của cháu hẳn sẽ chất chứa hơn một nỗi bất hạnh nếu ta không bảo vệ lấy cháu, và nếu kinh nghiệm già nua của ta không biết cách đoán ra nguyên do hết sức trong trắng dẫn tới các sầu muộn của cháu. Thằng cháu của ta không xứng với hạnh phúc của nó, cái thằng đần! Dưới sự trị vì của Louis XV yêu quý của chúng ta, một phụ nữ trẻ rơi vào tình trạng giống như cháu hẳn sẽ sớm trừng phạt chồng cô ta bằng cách cư xử giống như một người lính Đức đánh thuê đích thực. Đồ ích kỷ! Đám quân nhân của tên bạo chúa hoàng đế[69] kia đều là bọn dốt nát xấu xa, tất tật. Chúng coi sự tàn bạo là ga lăng, chúng chẳng biết gì về phụ nữ, cũng chẳng hề biết yêu; chúng cứ tưởng lên đường đi đến chỗ cái chết vào ngày hôm sau thì tức là được miễn, vào hôm trước, phải có các nâng niu và quan tâm đối với chúng ta. Xưa kia, người ta rành rẽ cả yêu lẫn chết cho đúng cách. Cháu ơi, ta sẽ đào tạo cháu. Ta sẽ chấm dứt sự lệch lạc đáng buồn, khá là tự nhiên, cái thứ hẳn sẽ dẫn các cháu tới chỗ căm ghét nhau, và mong muốn một vụ hôn nhân, ấy là nói giả dụ cháu không chết trước khi đến được đó vì tuyệt vọng.”

Julie lắng nghe bà dì, nỗi kinh ngạc nhiều ngang hoảng hốt, ngạc nhiên vì được nghe những lời với sự thông thái được nàng cảm thấy nhiều hơn là hiểu, và rất sợ hãi khi gặp lại ở miệng một người họ hàng đầy kinh nghiệm, nhưng dưới một dạng mềm mại hơn, lời phán quyết mà bố nàng từng nói về Victor. Có lẽ nàng có một trực cảm sống động về tương lai của mình, và hẳn nàng cảm thấy sức nặng những nỗi bất hạnh rồi đây sẽ ập xuống nàng; bởi vì nàng òa lên khóc, và lao vào vòng tay quý bà già nua, mà nói: “Hãy là mẹ của con!” Bà dì không khóc, vì Cách Mạng để lại cho các phụ nữ của nền quân chủ xưa kia rất ít nước mắt. Trước đây tình yêu và rồi sau đó Khủng Bố đã khiến họ trở nên quen thuộc với những trắc trở gai góc nhất, thành thử họ giữ được giữa những mối nguy của cuộc đời một phẩm giá lạnh lùng, một tình trìu mến thành thực, nhưng không tràn trề, nó cho phép họ lúc nào cũng trung thành với tước hiệu và với một sự cao quý trong cung cách mà các phong hóa mới mẻ đã thật nhầm lẫn khi bài trừ. Bà quyền quý già ôm lấy cô gái trẻ trong vòng tay, hôn lên trán nàng với một sự dịu dàng và duyên dáng thường vẫn hay gặp ở các cung cách và thói quen của những người đàn bà này thì nhiều hơn là ở trong trái tim họ; bà ve vuốt cô cháu gái với những lời dịu êm, hứa với nàng một tương lai sung sướng, ru nàng bằng những lời hứa tình yêu trong lúc giúp nàng ngủ, như thể nàng là con gái của bà, một cô con gái yêu quý mà niềm hy vọng và những nỗi sầu muộn đã biến thành của chính bà; bà thấy mình trẻ lại, lại thấy mình thiếu kinh nghiệm và xinh xẻo, thông qua cô cháu. Nữ bá tước thiếp đi, sung sướng vì đã gặp được một người bạn, một bà mẹ mà kể từ nay nàng sẽ có thể nói mọi điều. Sáng hôm sau, đúng vào lúc bà dì và cô cháu gái ôm hôn nhau với sự lịch thiệp sau sắc và cái vẻ thông đồng ấy, chúng chứng nhận cho một tiến bộ trong tình cảm, một hòa hợp hoàn hảo hơn giữa hai tâm hồn, họ nghe tiếng chân ngựa, cùng lúc ngoái đầu lại, và nhìn thấy chàng trai trẻ người Anh đang chậm rãi đi ngang, theo đúng thói quen của anh. Dường như anh đã có nghiên cứu nhất định về cuộc sống của hai người phụ nữ cô độc ấy, và chẳng bao giờ bỏ lỡ dịp xuất hiện vào giờ ăn trưa hoặc ăn tối của họ. Con ngựa của anh chậm bước lại mà chẳng cần phải bảo; rồi, trong khoảng thời gian cần thiết để đi qua đoạn không gian nằm giữa hai cửa sổ phòng ăn, Arthur tung vào đó một ánh mắt sầu muộn, phần lớn thời gian chẳng hề được nữ bá tước đoái hoài đến, nàng chẳng quan tâm chút nào. Nhưng vốn dĩ đã quen với những chuyện kỳ khôi vặt vãnh gắn liền với những thứ nhỏ bé nhất nhằm làm sống động cuộc sống ở tỉnh, và các tinh thần vượt trội khó lòng phòng ngừa, bà hầu tước[70] vui thích trước tình yêu rụt rè và nghiêm túc, được chàng trai người Anh kia thể hiện một cách ngấm ngầm đến thế. Những ánh mắt định kỳ đó đã trở nên giống như một thói quen đối với bà, và mỗi ngày bà báo hiệu cuốc đi ngang của Arthur bằng những câu nói đùa mới. Ngồi vào bàn, hai người phụ nữ cùng nhìn anh chàng ở đảo. Lần này ánh mắt Julie và ánh mắt Arthur giao nhau với một sự cụ thể về tình cảm đến mức cô gái trẻ đỏ mặt. Ngay lập tức chàng trai người Anh thúc ngựa chuyển sang phi nước đại.

“Nhưng, thưa dì, Julie nói với bà dì, phải làm gì bây giờ? Chắc hẳn những ai nhìn thấy anh chàng người Anh kia đi qua sẽ khăng khăng nghĩ rằng cháu …

- Phải đấy, bà dì đáp, ngắt ngang lời nàng.

- Vậy thì, cháu có thể nói với anh ta là đừng có đi dạo như vậy nữa được không?

- Thế chẳng phải sẽ khiến cậu ta nghĩ rằng cậu ta nguy hiểm à? Vả lại, cháu có thể ngăn một người đi lại ở nơi đâu mà người đó thích hay không? Ngày mai ta sẽ không ăn ở phòng này nữa; khi không còn nhìn thấy chúng ta ở đây, cậu chàng quyền quý kia sẽ thôi trò yêu cháu qua cửa sổ. Đấy, con gái yêu quý ạ, chính là cách cư xử của một phụ nữ lịch thiệp trong đời.”

Nhưng nỗi bất hạnh của Julie còn phải gia tăng cho đầy đủ nữa. Hai người vừa đứng lên khỏi bàn thì người hầu phòng của Victor đột nhiên xuất hiện. Ông ta từ Bourges lao vội tới, theo các ngả đường lắt léo, và mang cho nữ bá tước một bức thư của chồng nàng. Victor, đã rời Hoàng Đế, thông báo với vợ về sự sụp đổ của chế độ đế quốc, Paris bị chiếm, và sự hào hứng bùng nổ ủng hộ nhà Bourbon tại mọi nơi trên nước Pháp; nhưng vì không biết phải làm thế nào để đến được Tours, anh đề nghị nàng hết sức khẩn trương tới Orléans nơi anh hy vọng sẽ có mặt cùng hộ chiếu cho nàng. Người hầu phòng này, cựu quân nhân, sẽ đưa Julie từ Tours tới Orléans[71], con đường mà Victor nghĩ là vẫn còn đi được.

“Thưa bà, bà không có chút thời gian nào để mất đâu, người hầu phòng nói, người Phổ, người Áo và người Anh sẽ hội quân ở Blois hoặc Orléans…”

Sau vài tiếng thiếu phụ đã sẵn sàng, và ra đi trên một chiếc xe cũ mà bà dì cho mượn.

“Tại sao dì không đến Paris với bọn cháu? nàng vừa ôm hôn bà dì vừa nói. Giờ đây khi nhà Bourbon đã tái lập, dì sẽ gặp ở đó…

- Ngay cả nếu không có cuộc trở về không được hy vọng này thì ta vẫn sẽ đi ấy chứ, con gái tội nghiệp, vì những lời khuyên của ta quá mức cần thiết cho cháu, cho cả Victor và cho cháu. Thế nên ta sẽ tìm hết cách để đến đó với các cháu.”

Julie ra đi, cùng bà hầu phòng và người lính già, ông ta phi ngựa cạnh cỗ xe, lo toan cho sự an toàn của bà chủ. Trong đêm, tới một trạm dừng trước khi vào Blois, Julie, lo lắng vì nghe tiếng một cỗ xe đi sau xe mình và đã không rời đi kể từ Amboise, ngó ra khỏi cửa để xem những người đồng hành là ai. Ánh trăng cho phép nàng nhìn thấy Arthur, đứng đó, cách nàng ba bước chân, ánh mắt dán chặt vào chỗ nàng. Ánh mắt họ giao với nhau. Nữ bá tước vội vã chui tọt trở lại vào trong góc xe, nhưng với một cảm giác sợ hãi khiến tim nàng đập dồn. Cũng giống phần lớn phụ nữ trẻ thực sự ngây thơ và không có kinh nghiệm, nàng nhìn thấy lỗi lầm trong một tình yêu vô ý gieo rắc cho một người đàn ông. Nàng cảm thấy một nỗi hãi hùng trực giác, mà có lẽ nguồn gốc xuất phát là ý thức về sự yếu đuối của mình trước một sự tấn công táo bạo đến thế. Một trong các vũ khí mạnh nhất của đàn ông là cái quyền năng khủng khiếp tự mình chiếm lĩnh một phụ nữ có trí tưởng tượng cơ động một cách tự nhiên thấy sợ hãi hoặc bực tức vì một sự săn đuổi. Nữ bá tước nhớ tới lời khuyên của bà dì, và quyết định trong suốt chuyến đi ở yên trong góc xe, không ra ngoài. Nhưng ở trạm nào nàng cũng nghe thấy tiếng chàng thanh niên người Anh đi bách bộ quanh hai cỗ xe; rồi, trên đường, tiếng ồn vô ý của xe anh ta không ngừng vẳng vào tai Julie. Người phụ nữ trẻ nghĩ sắp tới khi đã gặp được chồng rồi, hẳn Victor sẽ bảo vệ cho nàng trước sự hành hạ đặc biệt kia.

“Nhưng tuy nhiên nhỡ ra anh chàng kia không yêu mình?”

Ý nghĩ này là ý nghĩ cuối cùng trong số các ý nghĩ của nàng. Tới Orléans, xe của nàng bị người Phổ chặn lại, dẫn vào sân một nhà trọ và bị đám lính trông giữ. Phản kháng là vô ích. Những người nước ngoài giải thích với ba lữ khách, với các cử chỉ đầy dứt khoát, là họ đã nhận được lệnh không để cho ai ra khỏi xe. Nữ bá tước khóc suốt khoảng hai tiếng đồng hồ phải làm tù binh giữa đám lính hút thuốc, cười đùa, và đôi khi nhìn nàng với một vẻ hiếu kỳ hỗn xược; nhưng rốt cuộc nàng thấy bọn họ giãn ra khỏi cỗ xe với một biểu hiện kính trọng khi nghe thấy tiếng chân nhiều con ngựa. Nhanh chóng, một toán sĩ quan cao cấp người nước ngoài, dẫn đầu là một viên tướng Áo, vây quanh cỗ xe.

“Thưa bà, viên tướng nói, xin thứ lỗi cho chúng tôi; đã có nhầm lẫn, bà có thể tiếp tục đi không phải lo sợ; và đây là một giấy thông hành sẽ giúp bà kể từ nay tránh mọi phiền toái…”

Nữ bá tước cầm lấy tờ giấy, người run lên, và ấp úng vài lời hỗn loạn. Nàng nhìn thấy, ở gần viên tướng và trong trang phục sĩ quan Anh, Arthur, chắc hẳn anh là nguồn cơn cho việc nàng nhanh chóng được thả tự do. Vừa vui tươi vừa sầu muộn, chàng trai người Anh quay mặt đi, và chỉ dám nhìn trộm Julie. Nhờ tờ giấy thông hành, bà d’Aiglemont tới được Paris mà không gặp phải chuyện khó chịu nào. Nàng gặp ở đó chồng mình, người, đã tự gỡ khỏi lời tuyên thệ trung thành với Hoàng Đế, được hưởng sự đón tiếp nồng nhiệt nhất của bá tước d’Artois vừa được phong thiếu tướng của vương quốc theo lệnh người anh trai Louis XVIII của mình[72]. Victor nhận được trong hàng ngũ cận vệ một cấp bậc tót vời, vậy là anh đã lên tướng[73]. Tuy nhiên, giữa các bữa tiệc đánh dấu sự trở lại của nhà Bourbon, một nỗi bất hạnh rất sâu sắc, và sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời nàng, ụp lên Julie tội nghiệp: nàng đã mất nữ bá tước de Listomère-Landon. Quý bà già nua chết vì vui sướng và vì một cơn tê thấp chạy vào tim, khi gặp lại ở Tours công tước d’Angoulême[74]. Thế là, người duy nhất dựa vào tuổi tác có thể hướng lối cho Victor, người duy nhất, với những lời khuyên khéo léo của mình, có thể khiến cho mối hòa hảo giữa người vợ và người chồng trở nên hoàn toàn hơn, con người ấy đã khuất bóng. Julie cảm thấy toàn bộ mức độ của mất mát này. Chỉ còn lại một mình nàng ở giữa nàng và chồng. Nhưng, vốn dĩ trẻ và rụt rè, trước tiên nàng sẽ thích đau khổ hơn là phàn nàn. Chính sự hoàn hảo của tính cách nàng đối nghịch với chuyện nàng dám tránh trớ các bổn phận, hoặc thử tìm kiếm nguyên nhân cho các nỗi đau của mình; bởi vì làm chúng ngừng lại chắc hẳn là một điều quá mức tế nhị: hẳn Julie sợ xâm phạm đến nỗi thẹn thùng thiếu nữ nơi bản thân mình.

Một vài lời về các thăng trầm của ông d’Aiglemont dưới thời Trung Hưng.

Chẳng phải là ta có thể gặp nhiều người nơi họ sự xuẩn ngốc sâu xa chính là một bí mật đối với phần lớn những ai quen biết họ? Một vị thế cao vời, một xuất thân rạng ngời, các chức vụ quan trọng, một lớp véc ni của sự lịch thiệp nhất định, một sự e dè lớn trong cách hành xử hoặc những thanh thế của tài sản, đối với họ, cũng giống như đám lính gác ngăn cản những lời phê phán đi vào sâu đến sự tồn tại bên trong. Những kẻ ấy giống các ông vua với vóc dáng thực, tính cách và phong hóa chẳng bao giờ được biết rõ cũng chẳng được đánh giá cho đúng, bởi vì họ được nhìn thấy từ quá xa hoặc từ quá gần. Các nhân vật của vinh dự giả dối đó hỏi thay vì nói, sở hữu cái nghệ thuật đưa người khác lên sân khấu để tránh phải tự trưng bày trước bọn họ; rồi, với một sự khéo léo cao thủ, họ giật dây mỗi người qua sợi dây các dục vọng hoặc lợi ích, và bằng cách ấy chơi xấu những người thực chất vượt trội họ, biến những người đó trở thành các con rối và tin những người đó là bé nhỏ vì đã hạ thấp xuống cho ngang bằng với họ. Lúc ấy họ giành được thắng lợi tự nhiên của một suy nghĩ bần tiện, nhưng vững chắc, về tính cơ động của những suy nghĩ lớn lao. Vậy nên để đánh giá những bộ óc rỗng đó, và cân đo các giá trị âm của họ, người quan sát phải có được một tinh thần tinh tế nhiều hơn là sự vượt trội, nhiều kiên nhẫn hơn là tầm nhìn, nhiều ranh mãnh và khéo léo hơn là sự cao vời và lớn lao trong các suy nghĩ. Tuy nhiên, sự thiện xảo mà những kẻ soán đoạt bày ra trong lúc bảo vệ các khía cạnh yếu của mình có lớn đến đâu, thì họ cũng khó lòng lừa được vợ của họ, mẹ của họ, con của họ hoặc người bạn thân thiết với gia đình; nhưng những người này gần như luôn luôn giữ cho họ bí mật về một điều chạm đến, theo cách thức nào đó, danh dự chung; và thường thậm chí những người kia còn giúp họ nổi bật ngoài đời. Nếu, nhờ các âm mưu trong gia đình đó, nhiều kẻ ngây được coi là người vượt trội, họ bù trừ cho số lượng những con người vượt trội bị coi là kẻ ngây, thành thử Nhà Nước xã hội vẫn luôn luôn có cùng tổng lượng khả năng bên ngoài. Giờ hãy nghĩ tới cái vai mà một phụ nữ có trí tuệ và tình cảm phải đóng với sự hiện diện của một người chồng thuộc loại này, chẳng phải ta sẽ thấy những cuộc tồn tại đầy nỗi đau và lòng tận tâm mà chẳng gì nơi cõi thế này có thể tưởng thưởng cho nổi, một số trái tim ngập tràn tình yêu và sự tinh tế? Chỉ cần có một phụ nữ mạnh mẽ rơi vào hoàn cảnh thảm khốc này, người phụ nữ ấy sẽ thoát khỏi đó nhờ một tội ác, giống như Catherine II[75], tuy nhiên lại được mệnh danh là Vĩ Đại. Nhưng vì không phải phụ nữ nào cũng được ngồi trên ngai vàng, phần lớn họ phải vùi thân nơi những nỗi đau khổ trong nhà, chúng, mặc dù khó thấy, chẳng hề kém phần khủng khiếp. Những phụ nữ tìm kiếm nơi cõi thế này các an ủi tức thì cho những đớn đau của mình, thường chỉ làm thay đổi các nỗi đau trong lúc vẫn muốn trung thành với các bổn phận riêng, hoặc phạm những tội lỗi nếu vi phạm các luật lệ nhằm thỏa mãn khoái lạc. Những suy tư trên đây đều có thể áp dụng cho câu chuyện bí mật của Julie. Chừng nào Napoléon còn tại vị, bá tước d’Aiglemont, đại tá giống như bao nhiêu người khác, sĩ quan tùy tùng tốt, rất giỏi hoàn thành một nhiệm vụ nguy hiểm, nhưng không có khả năng đảm nhiệm một sự chỉ huy ở một tầm quan trọng nhất định, chẳng hề gây chút đố kỵ nào, được coi như là một trong những con người can đảm được Hoàng Đế ưu ái, và là kẻ mà giới quân ngũ gọi một cách thô lậu là một thằng bé ngoan. Kỳ Trung Hưng, trả lại cho anh tước hiệu hầu tước, không thấy anh là kẻ bội bạc: anh đi theo nhà Bourbon tới Gand[76]. Cái hành động của logic và lòng trung thành này khiến lời dự báo mà xưa kia bố vợ anh từng tuyên khi nói con rể ông sẽ vĩnh viễn là đại tá trở nên một lời nói dối. Ở lần quay trở về thứ hai, được phong hàm thiếu tướng và quay trở lại làm hầu tước, ông d’Aiglemont có tham vọng đạt tới mức nguyên lão, anh bèn vận dụng các phương châm và chiến thuật của tờ Le Conservateur[77], tự bao bọc bản thân vào trong một sự che mờ không giấu đi điều gì, trở nên nghiêm trang, hay xét hỏi, ít nói năng, và được coi là một người sâu sắc. Không ngừng chui tọt cố thủ trong các hình thức của lịch thiệp, trang bị các công thức, ghi nhớ và phát ngôn những câu có sẵn vang vọng đều đặn tại Paris nhằm nhỏ giọt cung cấp cho lũ ngốc ý nghĩa các tư tưởng lớn hoặc của các sự kiện, giới tai to mặt lớn quảng giao liền ca ngợi anh là một người có gu và nhiều hiểu biết. Vốn dĩ bướng bỉnh trong các ý kiến quý tộc của mình, anh được nêu tên với tư cách người mang một tính cách đẹp. Nếu, chẳng may, anh trở nên vô tư lự hoặc vui vẻ giống như trước kia, thì sự vớ vẩn và ngây ngẫn các lời nói của anh đối với những người khác lại mang các ngầm ý nhiều tính chất ngoại giao. “Ồ! anh ta chỉ nói những gì mà anh ta muốn nói”, những người hết sức trung thực nghĩ vậy. Anh được ân hưởng mọi thứ bởi các phẩm chất cũng như khiếm khuyết của chính anh. Lòng can đảm khiến anh có được một danh tiếng lớn về quân sự mà chẳng gì chối cãi được, bởi vì anh chưa từng bao giờ làm công việc của một người chỉ huy. Khuôn mặt nhiều đực tính và cao quý của anh biểu đạt những suy nghĩ rộng lớn, và vẻ bên ngoài của anh chỉ là sự lừa bịp đối với duy nhất vợ anh. Nghe thấy mọi người ca ngợi các tài năng vờ vịt của anh, rốt cuộc hầu tước d’Aiglemont tự thuyết phục bản thân rằng mình là một trong những con người đáng giá nhất của triều đình, nơi, nhờ cái mã của mình, anh biết cách làm người ta thích anh, và là nơi những giá trị khác nhau của anh được chấp nhận không lời phản đối. Tuy nhiên, ông d’Aiglemont khiêm nhường lúc ở nhà, bằng trực giác anh cảm thấy ở nơi đây sự vượt trội của người vợ, dẫu cho nàng trẻ đến đâu; và, từ niềm kính trọng không chủ ý này, nảy sinh một quyền năng tối tăm mà bà hầu tước[78] thấy mình bị buộc phải nhận lấy, mặc cho mọi nỗ lực của nàng trong việc đẩy xa gánh nặng của nó. Là cố vấn cho chồng, nàng điều hành các hoạt động và tài sản của anh. Ảnh hưởng đi ngược lại tự nhiên này đối với nàng là một dạng nỗi nhục và nguồn cơn cho rất nhiều khổ đau mà nàng chôn vùi trong trái tim. Trước hết, trực giác nhiều nữ tính theo đường lối tế nhị nơi nàng nói với nàng rằng sẽ là đẹp đẽ hơn rất nhiều nếu được tuân lời một người đàn ông tài năng, thay vì điều khiển một tên ngốc, và rằng một người vợ trẻ, buộc phải suy nghĩ và hành động như đàn ông, không phải phụ nữ cũng chẳng phải đàn ông, vứt bỏ mọi ân sủng giống loài của mình thông qua việc đánh mất đi các nỗi bất hạnh của giống loài ấy, và chẳng đạt được ưu thế nào mà các luật lệ của chúng ta dọn sẵn cho những người mạnh nhất. Sự tồn tại của nàng che giấu một sự nực cười chua chát. Chẳng phải nàng bị buộc phải kính ngưỡng một thần tượng rỗng, phải bảo vệ người bảo vệ mình, cái con người khốn khổ, kẻ, cho phần tiền lương trả tới một sự tận tụy liên tục, ném cho nàng cái thứ tình yêu ích kỷ của những ông chồng, chỉ nhìn thấy ở nàng người phụ nữ, chẳng thèm hoặc giả không biết, một sự sỉ nhục cũng sâu sắc ngang bằng, lo lắng cho các khoái lạc của nàng, cũng như cho xuất xứ nỗi buồn và sup sụp nơi nàng? Cũng như phần lớn các ông chồng cảm thấy ách thống trị của một trí tuệ vượt trội, hầu tước cứu vãn lòng tự ái của mình bằng cách nhập làm một sự yếu đuối thể chất và sự yếu đuối tinh thần của Julie, mà anh thích thú khi được thương xót, một sự bù trừ của số phận khi đã mang lại cho anh một cô gái trẻ ốm yếu làm vợ. Rốt cuộc, anh tự coi mình là nạn nhân trong khi anh chính là đao phủ. Nữ hầu tước, oằn mình bên dưới tất tật những thống khổ của sự tồn tại đáng buồn này, vẫn phải cố mỉm cười với ông chủ ngu ngốc của nàng, dùng hoa trang hoàng một ngôi nhà để tang, và phô bày hạnh phúc trên một khuôn mặt tái nhợt đi vì những khổ hình bí mật. Cái trách nhiệm của danh dự này, sự nhẫn nhịn tuyệt diệu này âm thầm trao cho nữ hầu tước trẻ tuổi một phẩm giá phụ nữ, một ý thức về đức hạnh giúp nàng có được cứu rỗi chống lại các mối hiểm nguy bên ngoài. Rồi thì, để thăm dò đến tận đáy sâu trái tim ấy, có lẽ nỗi bất hạnh máu thịt và bị che giấu thông qua đó tình yêu đầu tiên đầy thơ ngây của thiếu nữ nơi nàng được phủ lên khiến nàng thấy các dục vọng là đáng ghê tởm; có lẽ nàng chẳng hình dung nổi ở nó cả sự lôi kéo lẫn những niềm vui thầm lặng nhưng gây rồ dại giúp một số phụ nữ quên đi các luật lệ của sự thông thái, các nguyên tắc của đức hạnh mà xã hội dựa trên. Cự tuyệt, như với một giấc mơ, những êm ái, sự hòa hợp dịu dàng mà kinh nghiệm già nua của bà de Listomère-Landon đã hứa với nàng, nàng nhẫn nhục chờ đợi kết cục những nỗi đau của mình, hy vọng sẽ chết trẻ. Kể từ khi rời Touraine về đây, sức khỏe nàng suy yếu theo ngày qua, và cuộc sống đối với nàng như thể được định nhịp bởi nỗi đau; vả lại đó là nỗi đau thanh nhã, chứng bệnh gần như gây ham muốn ở vẻ bề ngoài, và trong mắt những kẻ hời hợt có thể được xem như một trò phóng túng của phụ nữ điệu đà. Các bác sĩ đã buông lời phán quyết, buộc nữ hầu tước phải nằm yên trên một cái đi văng, nơi nàng tàn héo giữa những bông hoa vây quanh, cũng úa đi giống như chúng. Sự yếu ớt nơi nàng ngăn cấm nàng đi dạo ngoài trời; nàng chỉ ra khỏi nhà trên xe kín cửa. Không ngừng được bao bọc bởi tất tật những báu vật của sự xa xỉ và ngành công nghiệp hiện đại của chúng ta, nàng ít giống một người ốm hơn là một nữ hoàng biếng nhác. Vài người bạn, có lẽ yêu nỗi bất hạnh và sự yếu đuối của nàng, chắc chắn lúc nào cũng có thể tìm được nàng ở nhà, và hẳn cũng suy tính đến sức khỏe tốt tương lai, đến gặp nàng, mang theo các tin tức và kể cho nàng trăm nghìn sự kiện nhỏ biến Paris thành một chốn tồn tại đa dạng đến thế. Vậy nên nỗi sầu muộn của nàng, dẫu nghiêm trọng và sâu xa, đã trở thành nỗi sầu của no đủ. Nữ hầu tước d’Aiglemont giống một bông hoa đẹp mà rễ bị một loài côn trùng đen gặm nát. Đôi khi nàng đến chỗ đông người, không phải vì thích, mà để tuân theo các đòi hỏi của vị thế mà chồng nàng khao khát đạt được. Giọng của nàng và tiếng hát tuyệt hảo của nàng có thể cho phép nàng nhận được ở đó những tiếng vỗ tay hoan hô gần như luôn luôn rất ngọt ngào đối với một phụ nữ trẻ; nhưng có ích gì đây các thành công mà nàng chẳng hề thấy liên quan đến các tình cảm cũng như niềm hy vọng? Chồng nàng không thích âm nhạc. Rốt cuộc, nàng thấy mình gần như luôn luôn bị quấy rầy tại các phòng khách nơi vẻ đẹp của nàng thu hút những lời ngợi ca đầy quan tâm. Hoàn cảnh của nàng khơi dậy ở đó một dạng thông cảm tàn nhẫn, một sự hiếu kỳ đáng buồn. Nàng bị mắc một chứng viêm thường gây chết người, mà đám phụ nữ rỉ tai nhau, và là một điều mà khoa chế tạo từ mới của chúng ta còn chưa tìm ra được tên gọi. Mặc cho sự im lặng ngự trị chính giữa cuộc đời nàng đang trôi chảy, nguyên do cho nỗi đau của nàng chẳng hề là điều bí mật đối với bất kỳ ai. Vẫn là thiếu nữ, mặc dù đã lấy chồng, bất kỳ ánh mắt nào cũng khiến nàng thấy ngượng ngùng. Vậy nên, để tránh đỏ mặt, lúc nào cũng hiện ra với vẻ tươi cười, vui vẻ; nàng vờ một niềm vui giả dối, lúc nào cũng nói mình rất khỏe, hoặc ngăn chặn các câu hỏi về sức khỏe của nàng bằng những lời nói dối thẹn thùng. Tuy nhiên, năm 1817, một sự kiện đóng góp rất nhiều để làm biến đổi tình trạng đau xót nơi Julie lặn sâu vào cho tới lúc đó. Nàng có một đứa con gái, và muốn tự tay nuôi nó. Trong vòng hai năm, những khuây khỏa sống động và các khoái lạc lo lắng mà công việc chăm sóc của người mẹ mang lại cho nàng làm cho cuộc đời của nàng đỡ bất hạnh hơn. Nàng nhất thiết phải rời xa chồng. Các bác sĩ chẩn đoán một sức khỏe tốt hơn; nhưng nữ hầu tước chẳng hề tin vào những đoán trước đầy tính giả thuyết đó. Cũng như mọi con người với cuộc sống chỉ toàn là dịu êm, có lẽ nàng nhìn thấy nơi cái chết một giải tỏa đầy may mắn.

Đầu năm 1819, cuộc đời trở nên tàn nhẫn với nàng hơn bao giờ hết. Đúng vào thời điểm nàng tự hoan hô mình vì hạnh phúc âm tính mà nàng đã biết cách đoạt được, thì nàng thoáng nhìn thấy những vực thẳm kinh hãi: chồng nàng, theo nhiều mức độ, không còn gần gũi nàng nữa. Sự lạnh giá này của một tình trìu mến đã nguội nhạt đến thế và tuyệt đối ích kỷ có thể dẫn tới hơn một nỗi bất hạnh mà sự nhạy cảm đầy khéo léo và sự thận trọng nơi nàng cho phép dự đoán. Dẫu cho vẫn chắc chắn là mình có một tác động lớn lên Victor và đã vĩnh viễn giành được sự coi trọng của anh, nàng e ngại ảnh hưởng của các dục vọng lên một con người ngu đến thế và thiếu suy nghĩ theo đường lối phù phiếm đến thế. Các bạn hay bắt chợt Julie đắm mình vào những suy tưởng dài; những người ít sáng suốt nhất lấy giọng đùa cợt hỏi nàng bí mật của chúng, như thể một phụ nữ trẻ chỉ có thể mơ mộng những điều lặt vặt, như thể gần như luôn luôn có một ý nghĩa sâu xa ở các suy nghĩ của một bà mẹ trong gia đình. Vả lại, bất hạnh cũng như hạnh phúc đích thực đều dẫn chúng ta tới sự mơ mộng.

-----------

[1] Đây là xe “cabriolet”, và được Balzac nói rõ hơn, xe “cabriolet à pompe”, một loại xe nhẹ; xem thêm về các loại xe ngựa phổ biến thời ấy ở chú thích số 54, Ferragus.
[2] Tức là khu vực vườn Tuileries; khu vườn chạy dọc phố Rivoli, bắt đầu từ quảng trường Concorde hiện nay, về phía Louvre; hồi này lâu đài trong vườn còn chưa bị cháy (nó bị đốt năm 1871, tức là giai đoạn Công xã Paris).
[3] Giày “brodequin” hồi ấy là loại giày nhỏ, nhẹ, đế bằng, để hở chân rất nhiều, buộc dây cao lên đến giữa bắp chân. Balzac, nhất là ở giai đoạn đầu, miêu tả cực kỳ tỉ mỉ trang phục, phong thái, mọi thứ gì liên quan đến vẻ ngoài con người: trong các ý định của Balzac, có ý định khảo sát cặn kẽ về sự thanh lịch; vẻ bên ngoài (physionomie) cũng là một trong những điều xuất hiện đi xuất hiện lại trong mọi tác phẩm thuộc Vở kịch con người, cũng như “sinh lý học” (physiologie) - một trong những tác phẩm hiếm hoi thuộc loạt “étude” thứ ba, “Études analytiques”, mang tên Physiologie du mariage, tức là Sinh lý học hôn nhân, nhưng thật ra trước đó rất nhiều tác phẩm, thuộc cả “Études de moeurs” lẫn “Études philosophiques”, đã đi sâu vào vấn đề hôn nhân, trong đó Người phụ nữ tuổi ba mươi là một ví dụ rất nổi bật.
[4] Như vậy, Julie là một phụ nữ tóc nâu, cũng giống Clémence Desmarets của Ferragus: lý thuyết về phụ nữ tóc vàng và phụ nữ tóc nâu được Balzac trình bày trong tác phẩm Béatrix, ở đó Béatrix (tức nữ hầu tước Béatrix de Rochefide) tóc vàng còn nhà văn nữ Camille Maupin (bút danh của Félicité des Touches) tóc nâu, và chàng Calyste de Guénic bị lọt vào giữa hai “hình thái phụ nữ” ấy.
[5] Xem thêm về vị trí thắt lưng của phụ nữ Paris ở đoạn đầu Albert Savarus, đoạn miêu tả Amédée de Soulas.
[6] Chi tiết (nhỏ) này đã được tranh cãi rất nhiều: Chủ nhật thứ mười ba của năm 1813 phải là ngày 28 tháng Ba, trong khi cuộc duyệt binh mà ta sắp đọc thấy, cuộc duyệt binh cuối cùng của Napoléon, được tổ chức ngày 11 tháng Tư, đến ngày 15 thì đội quân của Napoléon lên đường; tuy nhiên, Balzac dường như đã tận mắt chứng kiến cuộc duyệt binh này (lúc đó Balzac 14, 15 tuổi, được gửi từ Tours lên học ở Paris), vả lại ở đây chắc hẳn Balzac muốn tạo cảm giác định mệnh (hai con số 13 liên tiếp) cho sự kiện này, và là định mệnh cho số phận Napoléon cùng Đệ nhất Đế chế.
[7] Hai thống chế (maréchal) nổi tiếng.
[8] Tên một thống chế nổi tiếng khác; ở Pháp có nhiều dạng “thống chế”, các thống chế ở đây đương nhiên là thống chế của Đế chế.
[9] Thật ra, xét trên nhiều phương diện, trận Leipzig mới là trận quyết định dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của Napoléon, tuy nhiên trận Waterloo bao giờ cũng nổi tiếng hơn, được biết đến đông đảo hơn. Thời điểm câu chuyện này bắt đầu là khi Đội Quân Vĩ Đại đã thất bại ở Nga, Napoléon mới tuyển mộ thêm lính và lên đường đi chiến đấu với liên minh nhiều nước (sau câu chuyện ở Nga, các nước châu Âu không còn quá sợ Napoléon nữa).
[10] “Vieille Garde” là tên thông dụng để chỉ đội quân tinh nhuệ nhất của Napoléon, còn có biệt hiệu “tinh binh của tinh binh” (l’élite de l’élite), được thành lập ngay từ năm 1799 thời Tổng tài, đến năm 1804 thì đổi tên khi Napoléon đã lên ngôi Hoàng đế; đội binh này ban đầu gồm bốn trung đoàn, hai bộ binh và hai kỵ binh (tất cả lính thuộc bốn trung đoàn này được gọi là “grenadier”), về sau sẽ được ghép thêm một số đội quân khác.
[11] Khải hoàn môn Carroussel được xây dựng theo lệnh Hoàng đế Napoléon, từ 1806 đến 1808, nằm ở đầu mút bên kia khởi đầu từ Khải hoàn môn ở Quảng trường Ngôi sao qua trục đại lộ Champs-Élysées và vườn Tuileries, ngay gần điện Louvre. Hồi ấy, hai bên Carroussel có hàng rào (nó chính là cửa vào Cung điện Tuileries).
[12] Ban đầu, Balzac dường như có ý định để cho Victor và Julie là họ hàng của nhau (cụ thể là anh em họ), nhưng về sau thì đổi ý, và sửa chữa trong bản thảo; tuy nhiên, vì không sửa kỹ lắm nên vẫn sót một số chỗ, mà đây là một; nhiều tác phẩm của Vở kịch con người ở tình trạng như vậy, một số cuốn tên nhân vật không thống nhất, lúc thế này lúc thế kia (ví dụ như ở Đi tìm Tuyệt đối); ta cần nhớ Victor và Julie, ở bản cuối, không phải họ hàng.
[13] Các “Mameluck” (hoặc Mamelouk) tạo thành một đơn vị (escadron) khinh kỵ thuộc Vệ binh Đế chế; lính ở đây là người Bắc Phi, đội quân được Napoléon lập ra khi từ Ai Cập trở về, họ phục vụ trong quân đội Pháp từ 1801; trang phục của đội quân rất đặc trưng: quần áo lụng thụng, đầu quấn khăn kiểu phương Đông, dùng kiếm cong; đội quân Mamelouk đặc biệt lừng danh trong trận Austerlitz, góp phần to lớn khiến kỵ binh thuộc Vệ binh Hoàng gia Nga phải tháo chạy; lúc đầu, đội Mamelouk là một đơn vị phụ thuộc, nhưng sau Chiến dịch Nga thì trở thành bộ phận cơ hữu của “Vieille Garde” (cf. chú thích số 10).
[14] “Carré long” là cách nói có được ghi nhận trong các từ điển, ví dụ từ điển Littré (một ai đó, dường như là Bernard Pivot, kể có một hôm gặp Nabokov, đúng lúc Nabokov hét vào trong điện thoại, vẻ rất hằn học: “Nhưng từ đó có thể tìm được ở chỗ Émile” nhân vật kia (Pivot) lúc sau hỏi Émile nào thế, Nabokov còn hằn học hơn, nói Émile Littré chứ thằng nào; cuộc nói chuyện điện thoại lúc trước là cuộc trò chuyện giữa Nabokov và dịch giả tiếng Pháp của mình); “carré” là hình vuông, nhưng hình vuông này lại dài: thật ra nó là hình chữ nhật.
[15] Carrousel xây dựng xong (cf. chú thích số 11) năm 1808, đến năm 1809, Napoléon cho người mang quần thể tượng cỗ xe có bốn ngựa kéo (bằng đồng) từ Saint-Marc (San Marco) bên Venise về đặt lên trên đó; đến kỳ Trung Hưng, công trình này được trả về cho nước Ý, cỗ xe ngựa mà ta thấy hiện nay ở Carrousel là một tác phẩm làm về sau này.
[16] Tuileries hồi ấy vẫn đang được xây dựng: một số bộ phận Napoléon đã cho khởi công làm nhưng chưa hoàn thành trong thời kỳ Napoléon trị vì.
[17] “Mũ Trung Hoa” (chapeau chinois) là một loại nhạc cụ thuộc dàn nhạc quân đội; nó hết mốt rất nhanh chóng, về sau không còn tồn tại nữa.
[18] Wagram là một trận đánh nổi tiếng của Napoléon; “bình thản như Baptiste” là một thành ngữ dường như bắt đầu thịnh hành trong tiếng Pháp từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, nguồn gốc không thống nhất, tùy thuộc các câu chuyện, có vẻ bắt nguồn từ một nhân vật thời ấy, có thể một người tham gia Cách mạng 1789, nhưng cũng có thể là một diễn viên nổi tiếng (“Baptiste” còn hay có biến thể là “Gilles”).
[19] Đây là lần duy nhất “nhũ danh” của Julie được nhắc đến; trong toàn bộ Người phụ nữ tuổi ba mươi, Julie được gọi theo họ của chồng; cái tên này cũng xuất hiện trong một tác phẩm khác của Vở kịch con người: Modeste Mignon.
[20] Bức tranh này giờ được bày ở Versailles; về họa sĩ Gérard, cf. chú thích số 82 của Ferragus.
[21] Một trong những câu (có vô số câu như thế) có thể gọi là “man rợ” mà Balzac thích dùng trong các miêu tả con người; “không tránh khỏi” là bởi vào thời ấy, các quân nhân đều để ria.
[22] Thêm một lần nữa: Balzac quan tâm đến các “típ người” hơn là đến các cá nhân.
[23] Cf. chú thích số 12.
[24] Có thể thấy rất rõ ở đây Balzac lấy cảm hứng từ “lý thuyết tình yêu” của Stendhal (cf. De l’amour).
[25] Câu nói này của ông bố hết sức quan trọng, như ta sẽ thấy ở đoạn sau của câu chuyện.
[26] Ban đầu, Balzac định vị thời điểm là tháng Tư chứ không phải tháng Ba, như vậy thì sẽ phù hợp hơn cho các miêu tả cảnh trí tự nhiên ngay tiếp theo; tuy nhiên, các sự kiện lịch sử mà Balzac dựa trên buộc ông phải đổi lại sang tháng Ba (cho nên xét về tổng thể có một số gượng ép - tai họa thường hay gặp của các tiểu thuyết gia).
[27] Sau xe “fiacre”, xe “cabriolet”, xe “coupé”, các loại xe ngựa thông dụng hồi ấy mà ta đã gặp ở Ferragus, giờ đến xe “calèche”, một loại xe có bốn bánh, không kín mà hở, có mui (thông thường, “cabriolet” và “coupé” thường là xe riêng, xe “fiacre” thường là xe chở thuê, giống như taxi ngày nay, đi trong thành phố, còn “calèche” hay là xe ngựa trạm đi giữa các thành phố; ở đây hai vợ chồng d’Aiglemont đi xe trạm).
[28] Đoạn văn này vô cùng nổi tiếng; Touraine là vùng không xa Paris, hơi lệch về phía Tây trên bản đồ nước Pháp; đây là một vùng đất rất đậm lịch sử Pháp, với thủ phủ là thành phố Tours, nơi Balzac sinh ra; ta cũng nên liên hệ với đoạn đầu Viên bác sĩ nông thôn, khi viên sĩ quan Genestas đi qua vùng đất gần Grenoble.
[29] Nếu “aubépine” là loại thực vật đáng nhớ nhất trong À la recherche du temps perdu của Marcel Proust thì hồ đào (noyer) là một trong những loại cây có sự hiện diện huy hoàng trong Vở kịch con người.
[30] Xe trạm là một đề tài được Balzac đặc biệt quan tâm: Ursule Mirouët mở ra bằng một trạm xe lớn, một trong các nhân vật quan trọng của cuốn tiểu thuyết ấy là ông chủ trạm xe; đặc biệt, Un début dans la vie (Một đoạn đầu đời) ngoài cốt truyện chính còn chính là một khảo luận chi tiết về lịch sử xe trạm các vùng ven Paris.
[31] Dường như “tai nạn” mà cỗ xe gặp phải chỉ là có một sợi dây nào đó bị đứt; ta không biết rõ chi tiết hơn.
[32] Thật ra không ai thực sự hiểu Balzac muốn nói gì ở đây, tuy rằng từ “roulée” có được ghi nhận trong từ điển Littré; đại ý Balzac đang miêu tả sóng của sông.
[33] Cher là tên tỉnh (département), mà thủ phủ là Bourges. Quãng địa dư này hết sức quen thuộc đối với độc giả của Vở kịch con người; tỉnh Cher tiếp giáp tỉnh Indre, bối cảnh cho Bông huệ trong thung.
[34] Balzac hay so sánh Tours với Venise.
[35] Cô gái váy đỏ này xuất hiện nhiều lần dưới ngòi bút của Balzac; rất có khả năng Balzac từng thực sự nhìn thấy cảnh tượng ấy và hễ có dịp là cho vào.
[36] Balzac muốn nói đến nước, đất và đá, do đó là “nhân ba”?
[37] Cũng giống đoạn miêu tả ở đầu Viên bác sĩ nông thôn, thế nào cũng đến lúc Balzac nói đến mùi vị.
[38] Các bản thảo còn lại cho thấy Balzac đã viết đi viết lại đoạn miêu tả trên: đối với Balzac, vùng Touraine là trung tâm của nước Pháp, trái tim của nước Pháp, nhưng còn hơn thế nữa, Touraine nước Pháp.
[39] Cái họ “Aiglemont” này xứng đáng được quan tâm: nó ghép “aigle” nghĩa là “đại bàng” và “mont” nghĩa là “núi” (ở đoạn đầu truyện, khi buổi duyệt binh cuối cùng của Napoléon diễn ra, ẩn dụ đại bàng đã liên tục xuất hiện).
[40] Một loại áo choàng lông, xuất phát từ Đức, từng xuất hiện trong tác phẩm của Diderot.
[41] Cấp bậc của Victor d’Aiglemont lúc này là đại tá, nhưng đại tá thuộc Vệ binh Đế chế được hưởng các quyền như tướng.
[42] Hiệp ước Amiens bị bãi bỏ ngày 21 tháng Tư năm 1803; như vậy lord Grenville đã ở Pháp mười một năm.
[43] Ho lao là căn bệnh của thời đại ấy; rất nhiều nhân vật của Vở kịch con người bị ho lao.
[44] Soult là một thống chế nổi tiếng của Napoléon; vào tháng Ba năm 1814, Đế chế đang rơi vào tình thế nguy ngập, quân đội Pháp vừa thua trận ở Tây Ban Nha, phải rút về, Soult là người chỉ huy cuộc rút quân này và chặn đường được Wellington; Victor d’Aiglemont rất ghét người Anh, kể cả vào thời điểm này lẫn về sau, khi mọi thứ đã thay đổi, nhất là ở cuối chương thứ nhất.
[45] Balzac sẽ không rõ ràng hơn, ta chỉ có thể đoán, khả năng cao nhất là Julie lấy chồng rồi ông bố mới qua đời.
[46] Cách mạng Pháp nổ ra khiến giới quý tộc sụp đổ: các nhà quý tộc được gọi là “ci-devant” (nôm na là “trước đây là quý tộc”); Napoléon cũng không phải một người nhiều hảo ý với giới quý tộc cũ của Pháp; phải đến kỳ Trung Hưng, các nhà quý tộc mới phần nào khôi phục được danh vị và, cũng có thể nhưng hiếm hơn, tài sản.
[47] Người phụ nữ tuổi ba mươi chứa đựng nhiều nhầm lẫn, chủ yếu xuất phát từ thay đổi trong lúc viết, nhưng sau đó Balzac sửa chữa không kỹ: Victor và Julie không phải họ hàng nhưng vài chi tiết sót lại vẫn làm ta hiểu họ là họ hàng, như đã nói, cf. chú thích số 12; ban đầu, nhân vật bà già họ hàng của Victor d’Aiglemont ở Tours không phải nữ bá tước de Listomère-Landon mà là nữ hầu tước de Belorgey (Balzac sẽ sửa tên một cách cẩn thận, nhưng vài chỗ quên không sửa “nữ hầu tước” thành “nữ bá tước”); gia đình de Listomère đã có các thành viên xuất hiện trong các tác phẩm thuộc Vở kịch con người lấy Tours hay Touraine làm bối cảnh: trong Le Curé de Tours (Cha xứ Tours) và cả ở đoạn đầu Bông huệ trong thung.
[48] Thêm một trong rất nhiều “bà quyền quý già” của Balzac: cf. chú thích số 20 của Ferragus.
[49] “Thế kỷ của vua Louis XV” tức là thế kỷ 18, nhất là đoạn giữa; Balzac rất hay dùng cách nói này.
[50] Bởi vì vào thời điểm này, Napoléon sắp thất bại, nhà Bourbon (đứng đầu là Louis XVIII) sắp quay về, tức là sắp đến kỳ Trung Hưng.
[51] Năm 1808, Napoléon cho quân xâm chiếm Tây Ban Nha, định dùng vũ lực để áp đặt vương triều tại đây theo ý mình, nhưng không ngờ gặp phải sự kháng cự mãnh liệt; kỳ chiếm đóng của Pháp tại Tây Ban Nha kéo dài từ 1808 đến 1814; cuộc chiến tranh này được Balzac sử dụng làm bối cảnh cho rất nhiều tác phẩm của Vở kịch con người: El Verdugo, Mémoires de deux jeunes mariées (Hồi ký của hai cô gái mới lấy chồng) và kể cả Nữ công tước de Langeais, phần tiếp theo của Ferragus.
[52] Tên đầy đủ là La Galerie de l’ancienne Cour ou Mémoires anecdotes pour servir à l’Histoire des règnes de Louis XIV et de Louis XV (Phòng trưng bày Trình bày xưa hay Hồi ký để phục vụ cho Lịch sử triều Louis XIV và triều Louis XV), tác phẩm không rõ tác giả, xuất bản năm 1786, gồm ba tập.
[53] Về cơ bản, các “tante” và “oncle” rất khó quy đổi chính xác sang tiếng Việt, nếu tác giả không rõ ràng hơn; ở nhiều trường hợp, thật ra họ là “ông trẻ”, “bà trẻ”; sở dĩ như vậy là vì quan niệm khác nhau giữa các nước phương Tây và Việt Nam về phương diện này; tương tự là “cousin” và “cousine”: trước đây bản dịch tiếng Việt La Cousine Bette tên là “Dì Bette”, bản dịch tiếng Việt Le Cousin Pons tên là “Chú Pons”, nhưng về sau đã được đổi, theo hướng “anh chị em họ”; thật ra bà Listomère-Landon là bà trẻ của Victor d’Aiglemont, nhưng sẽ được gọi là “bà dì”, chi tiết không ảnh hưởng đến cốt truyện.
[54] Đây là một (trong số rất nhiều) chỗ nhầm lẫn của Balzac liên quan đến nhân vật nữ bá tước de Listomère-Landon, từ bản thảo; cf. chú thích số 47.
[55] Thống chế de Richelieu, hay được Balzac nhắc đến, thuộc dòng dõi Hồng y de Richelieu; đây là công tước de Richelieu thứ ba, gọi Hồng y là cụ, một quân nhân tham gia nhiều cuộc chiến tranh, qua đời năm 1788; Duclos là tác giả một bộ hồi ký về triều Louis XV.
[56] Cf. chú thích số 54.
[57] Trappe: tên tu viện rất nổi tiếng của “ordre cistercien”, dòng tu vô cùng nghiêm ngặt, khởi nguồn là một nhánh thuộc Bénédictin, bắt đầu từ thế kỷ 11; nhân vật lớn ở thời kỳ đầu là Bernard de Clairvaux, quãng thời gian về sau, Rancé là một “trappiste” nổi tiếng, được Chateaubriand viết một tiểu sử (Vie de Rancé); Balzac có lúc đưa dòng tu này vào câu chuyện của mình, chẳng hạn ở đoạn cuối Albert Savarus; một dòng tu rất nghiêm ngặt khác: cf. chú thích 1 của Viên bác sĩ nông thôn.
[58] Cf. chú thích số 54.
[59] Tức là công tước d’Orléans, làm nhiếp chính khi Louis XV còn nhỏ, hồi đầu thế kỷ 18.
[60] Thật ra là không hẳn vậy, như đoạn sau ta sẽ thấy.
[61] Các chi tiết này có thể coi là hài hước; tuy nhiên cũng có thể không hẳn là như vậy, vì Balzac còn nhắc lại ở một số chỗ nữa trong các tác phẩm khác của Vở kịch con người.
[62] Cf. chú thích số 54.
[63] Khi bàn sâu hơn vào cuộc sống hôn nhân, với con mắt của một “nhà sinh lý học”, Balzac còn nói rõ hơn, rằng không được khởi đầu một cuộc hôn nhân bằng một vụ hiếp dâm; ở đây chỉ là ám chỉ đến điều đó.
[64] Loại ghế này có tên chính xác là “duchesse”, giống như “nữ công tước”.
[65] Chi tiết này ngay tức khắc khiến ta nhớ đến tác phẩm Mémoires de deux jeunes mariées (Hồi ký của hai cô gái mới lấy chồng), trong đó Renée de Maucombe viết thư với Louise de Chaulieu; Mémoires de deux jeunes mariées được Balzac viết sau Người phụ nữ tuổi ba mươi; tên đầy đủ người bạn gái của Julie là Louisa de Wimphen.
[66] Cf. chú thích số 54.
[67] Cf. chú thích số 54.
[68] Cf. chú thích số 54.
[69] Tất nhiên, các nhà quý tộc của giai đoạn này hết sức căm ghét Napoléon.
[70] Cf. chú thích số 54.
[71] Có lẽ chi tiết này được Balzac sử dụng để cho thấy rõ hơn Victor d’Aiglemont và đầu óc của chàng: đại tá nghĩ đường từ Orléans đến Tours là không đi được nhưng lại cho đường từ Tours đến Orléans có thể đi thoải mái.
[72] Bá tước d’Artois sẽ lên làm vua sau khi người anh Louis XVIII qua đời năm 1824, tức là mười năm sau đó; đây là vua Charles X tương lai; tại thời điểm được phong thiếu tướng này, bá tước d’Artois lập ra sáu đại đội cận vệ.
[73] Ta nhớ là bố của Julie từng tiên đoán Victor d’Aiglemont sẽ cả đời làm đại tá; tuy nhiên, lời nói ấy vẫn có thể xem là đúng, vì sự thăng cấp này là do thay đổi triều đại chứ không phải nhờ năng lực của Victor.
[74] Chi tiết công tước d’Angoulême đến thành phố Tours này đã tạo ra bối cảnh cho đoạn đầu nổi tiếng của Bông huệ trong thung.
[75] Balzac đang ám chỉ đến chuyện Catherine Đệ nhị sai Alexis Orlov giết Pierre Đệ tam.
[76] Đây là đoạn Bách Nhật, khi Napoléon quay trở về, triều đình nhà Bourbon lại đi trốn, sang Gand (Bỉ); dường như Balzac cũng tiếp tục nhầm lẫn khi cho Victor d’Aiglemont “trở lại làm hầu tước”; dẫu vậy, kể từ nay hai vợ chồng d’Aiglemont chính thức trở thành hầu tước trong truyện.
[77] Tờ báo cơ quan ngôn luận của phe chính trị hay được gọi là “ultra”, có sự cộng tác của Chateaubriand hay Lamartine; tuy nhiên, sự thật lịch sử là Le Conservateur mãi năm 1818 mới bắt đầu ra, tức là ở thời điểm của câu chuyện (đầu kỳ Trung Hưng lần hai) thì chưa thể có được.
[78] Nữ hầu tước ở đây thì lại là Julie d’Aiglemont.



(đọc phần tiếp theo Người phụ nữ tuổi ba mươi ở kia))



VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội
IV. Albert Savarus
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)

(phần 2)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời

Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

15 comments:

  1. mỗi khi ngoài kia ồn ào quá, tôi lại ghé qua blog này để tĩnh tâm lại

    ReplyDelete
  2. bác gì ở trên làm như đây là chùa không bằng

    ReplyDelete
  3. Nếu Balzac còn sống thêm mươi năm nữa hẳn ông đã phát minh ra cinema.
    Truyện này hình như được dịch một cách "yêu kiều" hơn mấy truyện kia nhỉ :P

    ReplyDelete
  4. thời Balzac hình như còn chưa có "daguerretype" thì phải, nhưng đổi lại, Balzac đầu tư nhà in và bị lỗ nặng, chủ nợ đuổi theo gần chết, mấy lần trốn thoát chứ không có lẽ cũng phải vào nhà tù Sainte-Pélagie ngồi rồi (nhà tù ghê gớm này sẽ xuất hiện trong quyển thứ 8 sắp tới đây hehe), thời đó đi tù vì nợ nần nhiều lắm, bố Dickens phải vào nhà tù Marshalsea bên Anh

    ReplyDelete
  5. có thể gọi đây là bản upgrade của cái này không?

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2010/08/project-balzac-2.html

    ReplyDelete
  6. ngay ở trên đã có dẫn link còn gì

    ReplyDelete
  7. mô tả tuyệt vời về tính định mệnh! bà bá tước có thoát khỏi cuộc bóp cổ kéo dài này ko nhỉ?

    ReplyDelete
  8. đây là một trong những tiểu thuyết balzacien có cái twist bất ngờ và nổi tiếng nhất đấy

    à, đọc "Nàng tình nhân hờ" đi, ca í cũng xuất chúng lắm

    ReplyDelete
  9. What a stuff of un-ambiguity and preserveness of valuable know-how regarding
    unpredicted emotions.

    ReplyDelete
  10. I am truly grateful to the owner of this site who has shared this impressive piece of writing at at this place.

    ReplyDelete
  11. When some one searches for his essential thing, therefore he/she wants to be available that in detail, therefore
    that thing is maintained over here.

    ReplyDelete
  12. vừa xem lại tổng thể một lượt: rất có thể đây sẽ là phát Balzac đầu tiên

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xưa em đọc mỗi cuốn Miếng da lừa. Đây là phát tiếp theo hehe.

      Delete
  13. 30 đã được tính là “trung niên” (nhẹ:)) chưa, btw mới biết tin [14] Bernard Pivot qua đời.

    ReplyDelete