Điều sau đây thì đáng sợ hơn: những ai tưởng khi tôi nhích sang Flaubert thì nghĩa là đã thoát Balzac, những người ấy rất nhầm; thậm chí, chúng ta còn chưa đi được đến nửa đường ấy chứ. Và bây giờ lại tiếp tục.
Quay trở lại từ đầu (cần phải trở đi trở lại như thế này, tôi nghĩ thế): ta có Vở kịch con người gồm các thành tố lớn dưới đây (tôi trình bày theo một cách riêng):
(1) Scènes de la vie privée ("cuộc đời riêng") (27 tác phẩm)
(3) [tôi biết, tôi biết] Scènes de la vie parisienne ("Paris") (19 tác phẩm)
(4) Scènes de la vie politique ("chính trị") (4 tác phẩm)
(5) Scènes de la vie de campagne ("nông thôn") (4 tác phẩm)
(6) Études philosophiques ("ê-tuýt triết học") (20 tác phẩm)
Tôi lược bỏ đi phần "Scènes de la vie militaire" ("nhà binh", sau "chính trị") và phần "Études analytiques" ("phân tích", sau "triết học"). Ta có 6 phần chính.
Khi mới khởi đầu câu chuyện Balzac "của riêng tôi", tôi không hề biết một điều, mãi đến khi bắt đầu dịch và post Albert Savarus, tôi vẫn còn chưa biết điều ấy:
Tôi không hề có chủ định từ đầu, tôi không dựng trước một sơ đồ rồi cứ thế đi theo, thế nhưng sau một đoạn, nhìn lại, thì tôi nhận ra là các "lựa chọn" của tôi, cứ như là tình cờ, đều có một số ý nghĩa, mà tôi nghĩ rằng có tầm quan trọng nhất định trong liên quan với cấu trúc chung của Vở kịch con người.
Cụ thể hơn, Mặt bên kia của lịch sử hiện thời là tác phẩm kết thúc của (3), Ferragus là tác phẩm mở đầu của (3), Séraphîta là tác phẩm kết thúc của (6) (Louis Lambert thì được đặt ngay trước Séraphîta trong cùng phần).
Một vụ việc ám muội, đến lượt nó, là tác phẩm quan trọng nhất của (4) và Viên bác sĩ nông thôn tôi dịch với chủ định bổ sung cho (5) vốn dĩ đã có trong tiếng Việt Bông huệ trong thung.
Ba tác phẩm còn lại mà tôi đã "sờ" tới đều thuộc (1): Albert Savarus là tác phẩm thứ 7, Nàng tình nhân hờ (đã đầy đủ) là tác phẩm thứ 13 và Người phụ nữ tuổi ba mươi là tác phẩm thứ 21; tôi cũng đã dịch gần xong Autre étude de femme (Thêm một ê-tuýt về phụ nữ), là tác phẩm thứ 27 đồng thời cũng là tác phẩm kết thúc (1) (trong tiếng Việt, Cửa hiệu Mèo chơi bóng đã được dịch, tức là tác phẩm đặt ở đầu của phần này).
Như vậy, khởi đầu là không chủ ý, sau đó có chút chủ ý, dường như tôi đã chạm vào những "điểm chiến lược" của Vở kịch con người. Đồng thời, các lựa chọn của tôi, không hẹn mà gặp, đã bao trùm gần như toàn bộ các phần quan trọng mà tôi liệt kê ở trên.
Còn lại (2) tôi chưa sờ vào chút nào: (2) là "Scènes de la vie de province" ("cuộc sống ở tỉnh"): ở đây "tỉnh", theo tôi, nên hiểu trong truyền thống Hy Lạp, nhất là La Mã, và cần được đặt vào quan điểm của Balzac đặc biệt chống sự "tập trung hóa" vào Paris (điều này được thể hiện rõ nhất trong Les Employés); quan điểm đề cao các "province" sẽ còn kéo dài và rất nổi bật trong tư tưởng quốc gia chủ nghĩa Pháp thế kỷ 20. Và Ursule Mirouët (nhát thứ 10 Balzac của tôi) chính là để làm việc này :p
(2) gồm tổng cộng 10 tác phẩm, trong đó tác phẩm kết thúc chính là Illusions perdues, tiểu thuyết dài nhất của Vở kịch con người, đề tặng cho Victor Hugo, đã có bản dịch tiếng Việt, gọi là Vỡ mộng hoặc Ảo tưởng tiêu tan, nhưng theo tôi nên đặt tên là Hết ảo tưởng.
Và, ở (2) có cuốn tiểu thuyết mà theo tôi chắc chắn là tác phẩm của Balzac nổi tiếng hơn cả ở Việt Nam: Eugénie Grandet. Tôi nghĩ ở điểm này tôi không sai đâu.
Chỉ có điều, chỉ có điều: so với Eugénie Grandet, Ursule Mirouët lớn hơn nhiều. Balzac không đặt Eugénie Grandet ở đầu của (2) mà đặt Ursule Mirouët, và tôi nghĩ là Balzac rất có lý. Ursule Mirouët là kiệt tác lớn, nó, chứ không phải Eugénie Grandet, mới xứng đáng đứng ở "vị trí chiến lược" ấy. Tôi cũng thú nhận, nếu bỏ hết mọi thứ khác đi, chỉ xét cảm tình riêng, thì Ursule Mirouët chiếm một chỗ rất đặc biệt với cá nhân tôi; lần đọc lại toàn bộ Vở kịch con người này, đối với tôi Ursule Mirouët là một trong mấy phát hiện lớn nhất.
Ursule Mirouët được đề tặng cho Sophie Surville, đó là con gái của Laure Balzac, người em gái kém Balzac ba tuổi, một người em gái vô cùng thân thiết, cũng là người có lúc "cộng tác" với Balzac cùng viết một số thứ. Khi đọc Un début dans la vie (Một đoạn đầu đời), tôi thấy nó đặc biệt lạ, rất không giống "Balzac thông thường". Đến khi tôi đọc thấy đó là cuốn tiểu thuyết có sự góp sức của Laure Balzac, thì tôi mới hiểu ra tại sao: đó là một sắc thái lạ. Ta sẽ sớm đến với Một đoạn đầu đời.
Ursule Mirouët
TẶNG
CÔ SOPHIE SURVILLE
Thật là một khoái lạc đích thực, cháu của
ta, khi đề tặng cho cháu một cuốn sách mà chủ đề và các chi tiết đã có được sự
tán thành, khó đạt được đến vậy, từ một thiếu nữ vẫn còn xa lạ với đời sống xã
hội, người không khoan nhượng với bất kỳ nguyên tắc cao quý nào của một nền học
vấn thánh thiện. Các thiếu nữ như cháu, tạo thành một công chúng đáng gờm; bởi
vì người ta chỉ được phép để cho các cháu đọc những cuốn sách thuần khiết giống
như tâm hồn các cháu thuần khiết, và người ta cấm chỉ các cháu đọc một số sách
giống như người ta ngăn cản các cháu nhìn thấy Xã Hội đúng như nó vốn dĩ. Vậy
nên chẳng phải thật đáng để cao ngạo đối với một tác giả nếu ông ta khiến các
cháu thích đấy ư! Chúa muốn rằng tình thân mến đã không đánh lừa cháu! Ai sẽ
nói điều đó cho chúng ta biết đây? tương lai mà cháu sẽ thấy, ta hy vọng, và ở
nơi đó có lẽ sẽ không còn
Bác của cháu,
BALZAC.
Phần thứ nhất
NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ BỊ ĐÁNH ĐỘNG
Vào Nemours từ phía Paris[1], người ta phải đi qua con kênh Loing[2], với hai bên bờ tạo thành vừa các quãng trống phủ đồng ruộng vừa những lối đi dạo nên thơ cho thành phố nhỏ bé xinh đẹp này. Kể từ năm 1830, thật không may người ta đã xây dựng nhiều ngôi nhà ở phía bên này cây cầu. Nếu dạng faubourg[3] ấy phát triển tăng tiến, vẻ bên ngoài[4] của thành phố sẽ đánh mất đi vẻ độc đáo duyên dáng vốn dĩ. Nhưng, hồi năm 1829, hai bên lề đường vẫn còn quang quẻ, ông chủ trạm xe[5], con người cao lớn và to béo chừng lục tuần, ngồi ở điểm cao nhất của cây cầu, có thể, trong một buổi sáng đẹp trời, bao quát một cách tuyệt hảo cái mà theo ngôn ngữ ngành nghề của ông người ta gọi là một dải đường dài ngút tầm mắt[6]. Tháng Chín đang trình bày các vưu vật của nó, bầu không khí rực lên phía trên đám cỏ và sỏi, không một đám mây gây u uất cho màu xanh khí ê-te[7] mà sự thuần khiết sống động ở khắp nơi, kể cả nơi chân trời, cho thấy rằng không khí đang vô cùng loãng. Vậy nên, Minoret-Levrault, tên ông chủ trạm xe là như vậy, buộc phải khum một tay giơ lên trước trán để khỏi bị quáng mắt. Sốt ruột vì nỗi chờ đợi, ông hết nhìn các đồng cỏ kiều mị trải rộng về phía bên phải con đường, đó cũng là nơi cỏ mà ông cần mọc lên, lại ngó sang ngọn đồi phủ đầy rừng gỗ, nó xuôi từ Nemours tới Bourron[8], phía bên trái. Ông nghe thấy trong thung lũng của dòng Loing, nơi vang vọng những tiếng ồn của con đường do ngọn đồi hắt xuống, tiếng phi nước đại lũ ngựa của chính ông, cùng tiếng roi vụt các phu trạm của ông. Chẳng phải cần là chủ trạm xe thì mới có thể thấy sốt ruột trước một đồng cỏ với các con vật giống như được vẽ bởi tay Paul Potter, dưới một bầu trời của Raphaël, trên một con kênh phủ bóng cây theo lối của Hobbema[9]? Ai rành Nemours đều biết nơi này tự nhiên cũng đẹp như nghệ thuật, mà sứ mệnh là phủ bóng tinh thần lên cho nó: ở đó, phong cảnh có các tư tưởng và khiến người ta suy nghĩ. Nhưng trước dáng vẻ của Minoret-Levrault, hẳn một nghệ sĩ sẽ rời bỏ cảnh tượng để tới ký họa người tư sản ấy, vì ông quá mức độc đáo, mà ông độc đáo chính vì ông vô cùng thông thường. Hãy tập hợp tất thảy các thân phận của sự thô lậu, ta sẽ có Caliban[10], đó hẳn là một điều to lớn. Những chỗ nào Hình Thức ngự trị, thì Tình Cảm biến mất. Ông chủ trạm xe, bằng chứng sống cho nguyên lý này, trưng bày một vẻ bên ngoài nơi nhà tư tưởng khó lòng nhận thấy dấu vết của tâm hồn bên dưới màu sắc phì nhiêu mà một sự phát triển của da thịt quá mức đậm đà tạo ra. Chiếc mũ cát két vải xanh lơ của ông, có lưỡi trai nhỏ và sọc vỏ dưa, ôm chằn chặn lấy một cái đầu với các kích thước to lớn cho thấy rằng khoa học của Gall[11] hẵng còn chưa đả động phần các ngoại lệ. Mái tóc xám xỉn và như thế nhoáng dầu tràn ra khỏi mũ hẳn chứng minh cho ta rằng tóc đã bị bạc bởi các nguyên cớ khác chứ không phải do các nỗi mệt mỏi của tâm trí hoặc những nỗi sầu muộn[12]. Ở hai bên đầu, người ta trông thấy cặp tai to uỳnh gần như chằng chịt sẹo trên gờ bởi các xói mòn của một dòng máu quá dồi dào như thể sẵn sàng trào ra sau mỗi nỗ lực nhỏ nhất. Nước da mang các tông tím tái dưới một lớp nâu, có được là do thói quen hứng ánh mặt trời. Đôi mắt màu ghi, linh động, sẫm, được che giấu bên dưới hai lùm rậm màu đen, rất giống mắt các Kalmouk xuất hiện hồi năm 1815[13]; nếu có những khi chúng long lanh lên, thì đó chỉ có thể là dưới nỗ lực của một ý nghĩ hám của. Cái mũi, ở dưới cùng ép dẹt xuống, đột nhiên dựng đứng dậy, thót lại. Cặp môi dày hự ăn nhịp với cái cằm kép, gần như đáng ghê tởm, với bộ râu chỉ được chỉnh trang hai lần mỗi tuần quấn một cái khăn phu la xấu tệ ở vào tình trạng xơ lòi sợi; một cái cổ trơn nhẵn vì ngấn mỡ, mặc dù rất ngắn; thêm đôi má rõ lớn hoàn chỉnh các tính cách của sức mạnh xuẩn ngốc mà các điêu khắc gia in lên những bệ hình người của họ[14]. Minoret-Levrault giống các bức tượng kia, chỉ trừ một điểm là chúng gánh một công trình còn ông thì chỉ giữ mình cái thân ông là đã quá lắm rồi. Ta sẽ còn gặp nhiều Atlas không quả đất như thế này[15]. Nửa người phía trên của người đàn ông là một khối liền; hẳn ta sẽ nói thật giống một con bò tót đứng lên trên hai chân sau. Hai cánh tay mạnh mẽ kết thúc với hai bàn tay dày cộp và cứng, rộng và mạnh, có thể và biết sử cây roi vụt ngựa, roi da, đinh ba, và trước chúng chẳng một phu trạm nào dám đùa cợt. Cái bụng to đùng của ông khổng lồ được gánh đỡ bởi cặp đùi nần nẫn bằng thân hình một người lớn và bởi hai bàn chân voi. Sự giận dữ hẳn hiếm gặp ở người đàn ông này, nhưng nó khủng khiếp, với máu dâng trào, chừng nào nó bùng nổ. Dẫu cho đầy bạo lực và không có khả năng suy tư, người đàn ông này đã chẳng hề làm gì để minh chứng cho những lời hứa đen tối từ vẻ bên ngoài của ông[16]. Với những ai phát run rẩy trước ông khổng lồ ấy, các phu trạm của ông nói: “Ồ! ông ấy chẳng dữ đâu!”
Ông chủ Nemours, ta sẽ sử dụng cách nói tắt thông dụng tại nhiều vùng này, vận một cái áo vest đi săn bằng nhung màu lục thủy tinh, một cái quần dài vải cu tin lục sọc cũng lục, một chiếc gi lê lông dê rộng màu vàng, trong túi của nó có thể nhìn thấy một hộp đựng thuốc lá[17] dị hợm to tướng vẽ một vòng tròn màu đen. Mũi mà tẹt thì hay dùng hộp thuốc lá bự, đó là một quy luật gần như không có ngoại lệ.
Vốn là người con của Cách Mạng và khán giả của Đế Chế, Minoret-Levrault chưa từng bao giờ dính dáng vào trò chính trị; về phần các ý kiến tôn giáo của ông, ông mới chỉ đặt chân vào nhà thờ hôm cưới vợ; về phần các nguyên tắc của ông trong cuộc sống riêng, chúng có tồn tại trong Bộ Luật Dân sự[18]: mọi điều gì mà luật không cấm hoặc không thể chạm tới, ông đều nghĩ là được phép làm. Ông chỉ mới từng đọc tờ báo của tỉnh Seine-et-Oise[19], hoặc vài sách hướng dẫn liên quan đến nghề của ông. Ông được coi là một nhà nông thiện xảo; nhưng khoa học của ông thuần túy mang tính chất thực hành. Bởi thế, ở Minoret-Levrault, tinh thần không nói láo thể chất. Vậy nên ông hiếm khi mở miệng nói; và, trước khi cất lời, luôn luôn ông làm một bi thuốc lá để có đủ thời gian kiếm chẳng phải các ý tưởng, mà là tìm từ. Vốn dĩ lắm lời, ông có thể gây cho ta cảm giác là người ít nói. Nghĩ rằng dạng voi không vòi và không trí não này tên là Minoret-Levrault, chẳng phải người ta cần nhận ra cùng Sterne sức mạnh bí hiểm của những cái tên, khi thì chúng chế nhạo, lúc chúng lại tiền định các tính cách[20]? Mặc cho những sự thiếu khả năng lồ lộ của ông, trong vòng ba mươi sáu năm ông đã, với Cách Mạng giúp sức, kiếm được ba mười nghìn livre tiền lợi tức, nằm ở các đồng cỏ, đất có thể cày bừa và rừng. Minoret, nhận lợi nhuận từ hãng vận chuyển Nemours và hãng vận chuyển từ Gâtinais đến Paris, vẫn còn làm việc là bởi trong điều này ông hành động ít do thói quen hơn nhiều so với vì một đứa con trai độc nhất mà ông muốn chuẩn bị cho một tương lai thật đẹp. Đứa con trai này, đã trở thành, theo lối nói năng của đám nông dân, một me xừ, vừa học xong ngành luật[21] và sẽ phải tuyên thệ vào dịp khai giảng, với tư cách trạng sư tập sự. Ông và bà Minoret-Levrault, bởi vì, xuyên qua cái khối to đùng kia, tất cả mọi người nhìn thấy thấp thoáng một người đàn bà mà nếu không có thì chẳng thể nào hiện hữu một gia sản đẹp đến thế, để cho con trai họ được tự do chọn lấy một cái nghề: chưởng khế ở Paris, biện lý đại diện nhà vua ở đâu đó, giữ chức thu thuế bất kỳ chỗ nào, nhân viên hối đoái hoặc chủ trạm xe. Sự phóng túng nào có thể cự tuyệt đây, vị thế nào không thể hướng tới đây, người con trai của một ông được nhắc tới, từ Montargis đến Essonne, như sau: “Bố già Minoret không biết hết tài sản của ông ta!” Câu này từng, trước đó bốn năm, nhận được một chứng nhận mới vào lúc, sau khi bán nhà trọ của mình, Minoret đã cho xây các tàu ngựa và một ngôi nhà, thảy đều tuyệt đẹp, để chuyển trụ sở trạm xe từ phố Grande-Rue ra cảng[22]. Trụ sở mới này ngốn mất hai trăm nghìn franc, mà những lời ngồi lê đôi mách nhân đôi lên kể từ vòng chu vi ba mươi dặm tính từ đó. Trạm xe Nemours muốn có một số lượng ngựa thật lớn, nó phục vụ tới tận Fontainebleau phía Paris và quá cả những con đường Montargis và Montereau; từ mọi hướng, khoảng dừng rất dài, và cát của con đường Montargis cho phép con ngựa thứ ba thật huyền ảo đó, mà người ta luôn luôn phải trả tiền nhưng chẳng bao giờ được nhìn thấy[23]. Một người vững như Minoret, giàu như Minoret, và đứng đầu một cơ sở như vậy, có thể được gọi là ông chủ Nemours, không hề sai chút nào. Tuy chưa từng bao giờ nghĩ đến Chúa cũng như quỷ, tuy ông là người vật chất chủ nghĩa thực hành giống như là nhà nông thực hành, con người ích kỷ thực hành, kẻ hà tiện thực hành, nhưng cho đến khi ấy Minoret được hưởng một hạnh phúc nguyên tuyền, nếu người ta phải coi một cuộc đời thuần túy vật chất như một hạnh phúc. Khi nhìn thấy ngấn thịt không lông bao trùm lấy đốt sống cổ cuối cùng và ép vào tiểu não của con người này[24], nhất là khi nghe thấy giọng nói lanh lảnh và the thé của ông, tương phản đầy lố bịch với cái cổ của ông[25], một nhà sinh lý học[26] hẳn sẽ hoàn toàn hiểu được tại vì sao cái ông nhà nông cao lớn, to béo, dày khự này lại yêu quý đứa con trai độc nhất, và có lẽ tại vì sao ông đã đợi nó từ lâu đến thế, như cái tên Désiré của đứa con đã nói khá đủ[27]. Rốt cuộc, nếu tình yêu trong lúc để lộ ra một tổ chức phong phú ở con người là một lời hứa cho nhiều điều lớn lao, thì các triết gia sẽ hiểu những nguyên nhân cho sự thiếu khả năng của Minoret[28]. Bà mẹ, mà thật may mắn làm sao đứa con trai lại giống, cạnh tranh với ông bố về khoản nuông con. Không một bản tính trẻ con nào có thể cưỡng lại nổi sự sùng bái này. Vậy nên Désiré, vốn dĩ biết mức độ rộng lớn quyền lực của mình, biết bòn xu của mẹ và thọc tay vào túi tiền của bố, đồng thời làm cho cả hai tác giả sinh ra mình tin rằng anh chỉ chăm chăm đứng về phe người ấy. Désiré, người đóng ở Nemours một vai vượt trội vô biên so với vai mà một ông hoàng đích tông đóng tại thủ đô của bố chàng, đã muốn kinh qua ở Paris mọi phóng túng của anh giống như anh kinh qua chúng tại thành phố nhỏ quê hương, và hằng năm anh tiêu ở đó hơn mười hai nghìn franc. Nhưng nữa, với món tiền ấy, anh đã thu nạp được các ý tưởng hẳn sẽ chẳng bao giờ đến với anh tại Nemours; anh đã trút bỏ lớp da con người ở tỉnh, anh đã hiểu được sức mạnh của tiền, và nhìn thấy trong ngành tòa án một phương cách để tiến thân. Trong cái năm cuối cùng ấy anh đã tiêu thêm mười nghìn franc, kết giao với các nghệ sĩ, với các nhà báo và tình nhân của họ[29]. Một bức thư nhiều kể lể khá đáng lo ngại hẳn, nếu cần, giải thích cho việc ông chủ trạm xe ra đường ngóng, ông được con trai đề nghị ủng hộ một cuộc hôn nhân; nhưng bà mẹ Minoret-Levrault, bận bịu chuẩn bị một bữa trưa thịnh soạn để ăn mừng thắng lợi và sự trở về của chàng cử nhân[30] luật, đã phái ông chồng ra đường, dặn ông phải cưỡi ngựa đi tìm nếu không thấy xe đâu. Cỗ xe phải chở đứa con độc nhất kia thường tới Nemours vào quãng năm giờ sáng, thế mà đã quá chín giờ rồi! Ai có thể gây ra một sự chậm trễ như vậy? Có phải xe đổ không? Désiré có còn sống hay không? Có phải nó chỉ bị gãy chân thôi?
Ba tràng tiếng roi vụt ngựa vang lên và xé toang làn không khí như một loạt súng hỏa mai, những áo gi lê đỏ của đám phu trạm lấp ló hiện ra, mười con ngựa hí vang! ông chủ đưa tay bỏ mũ ra, giơ nó lên vẫy vẫy, ông đã được trông thấy. Viên phu trạm tháo vát nhất, điều hành hai con ngựa kéo xe màu xám có đốm[31], thúc người lơ xe, vượt trước năm con ngựa to thuộc tàu ngựa Minoret, ba con khác kéo cỗ xe hòm, và đến trước mặt ông chủ.
“Anh có nhìn thấy chiếc Ducler[32]
không?”
Trên các đường cái quan, người ta đặt cho các cỗ xe những
cái tên khá là huyền ảo: người ta gọi chiếc Caillard, chiếc Ducler (xe đi từ
Nemours tới Paris), chiếc Văn Phòng Lớn[33]. Mọi hãng mới đều là Cạnh Tranh! Vào thời của hãng nhà
Lecomte[34], xe của họ tên là chiếc
Nữ Bá Tước - Caillard đã không đuổi kịp chiếc Nữ Bá Tước, nhưng Văn Phòng Lớn
thì cho nó hít bụi ngon ơ… ít nhất là váy của nàng ấy! - Chiếc Caillard và chiếc
Văn Phòng Lớn đã chiến thắng những chiếc Françaises
(tức là hãng Messageries françaises). Nếu nhìn thấy phu trạm phi lòi mỡ[35] và từ chối một cốc
rượu vang, thì hãy hỏi người đánh xe; anh ta sẽ đáp, mũi vểnh tớn lên, mắt dán
chặt về phía trước: “Cạnh Tranh đang
chạy phía trước! - Và chúng tôi không nhìn thấy nó! viên phu trạm nói đế vào. Đồ
táng tận lương tâm, chắc hắn không cho
hành khách dừng để ăn! - Hắn có khách ấy à? đó là lời người đánh xe. Vụt mạnh
vào con Polignac đi!” Tất cả nghẽo tồi đều mang tên Polignac[36]. Đó
là những lời đùa cợt và đại để sự trò chuyện giữa các phu trạm và người đánh xe
vắt vẻo trên xe. Có bao nhiêu nghề ở Pháp thì có ngần ấy thứ tiếng lóng[37].
“Anh có nhìn thấy trên chiếc Ducler?…
- Ông Désiré? viên phu trạm ngắt ngang lời ông chủ. Ầy! chắc
là ông đã nghe thấy tiếng chúng tôi, mấy cái roi của chúng tôi thông báo khá là
rõ, chúng tôi quả đã nghĩ ông đang ở trên đường.
- Vậy thì tại sao xe lại muộn mất bốn tiếng?
- Vành của một trong các bánh sau bị long giữa Essonne và
Ponthierry[38]. Nhưng không xảy ra tai nạn đâu; trong khi lên dốc, rất
may là Cabirolle đã trông thấy.”
Đúng lúc đó một phụ nữ ăn vận rất đỏm, bởi những tiếng
chuông của Nemours đang gọi cư dân đến lễ mixa ngày Chủ nhật, một phụ nữ chừng
băm sáu tuổi tiến lại gần ông chủ trạm xe.
“Này này, ông anh họ[39], bà ta nói, anh sẽ không
muốn tin lời tôi đâu! Ông chú của chúng ta đang đi cùng Ursule trên phố
Grand-Rue[40], và họ đang đến nhà thờ dự lễ mixa lớn.”
Mặc cho các luật của thi pháp hiện đại về màu sắc lô can, chẳng
thể nào đẩy sự thật đi tới chỗ lặp lại lời sỉ nhục kinh khiếp trộn lẫn với các
chửi rủa mà cái tin này, vẻ ngoài thì ít kịch tính đến vậy, làm bật ra từ cái
miệng rộng tướng của Minoret-Levrault; giọng nói lanh lảnh của ông rít lên và mặt
ông bày ra cái hiệu ứng mà giới bình dân đặt tên rất chuẩn xác là một cú choáng nắng.
“Có chắc không?” ông hỏi sau cơn bùng nổ đầu tiên của giận dữ.
Các phu trạm lướt qua với ngựa của họ, chào ông chủ, nhưng
có vẻ ông không nhìn thấy họ, cũng chẳng nghe thấy họ. Thay vì đứng đợi con
trai, Minoret-Levrault cùng bà em họ ngược phố Grand-Rue.
“Chẳng phải tôi đã luôn luôn nói với anh rồi à? bà nói tiếp.
Chừng nào bác sĩ Minoret hết minh mẫn, cái con bé cáo già đội lốt thỏ non đó sẽ
lôi kéo ông ấy vào con đường sùng đạo; và, vì ai nắm được tinh thần thì cũng nắm
luôn túi tiền, nó sẽ đoạt lấy món thừa kế của chúng ta.
- A! cả anh nữa, bà Massin ngắt lời ông anh họ, anh cũng sẽ nói với tôi giống như Massin: Làm gì có chuyện một con oắt mười lăm tuổi nghĩ ra được các kế hoạch tương tự và thực hiện chúng? làm thay đổi tư tưởng một ông già tám mươi ba tuổi mới từng đặt chân vào một nhà thờ để làm lễ cưới[41], người gớm tởm hết mức đám linh mục, người thậm chí đã không đi cùng đứa trẻ ấy tới nhà thờ xứ vào ngày làm lễ ban thánh thể đầu tiên cho nó! Ừ thì, tại sao, nếu bác sĩ Minoret gớm tởm đám linh mục hết sức, thì ông ấy lại, từ mười lăm năm nay, gần như tối nào cũng đàn đúm với trưởng tu Chaperon[42]? Lão già đạo đức giả cũng chưa bao giờ quên đưa Ursule hai mươi franc tiền cúng dường khi nó mang bánh thánh đi làm lễ[43]. Tức là anh không còn nhớ món quà mà Ursule tặng cho nhà thờ để cảm ơn cha xứ vì đã giúp nó chuẩn bị lễ ban thánh thể đầu tiên? nó đã dùng toàn bộ tiền của nó cho việc đó, và ông bố nuôi đã trả lại cho nó, nhưng là gấp đôi lên. Các anh chẳng để ý đến cái gì sất, đám đàn ông các anh! Khi biết mấy chi tiết ấy, tôi đã nói: “Vĩnh biệt mấy cái giỏ, nho đã hái hết rồi!” Một ông chú sắp để thừa kế lại không cư xử như thế, mà không có ẩn ý, đối với một con nhãi nhặt được ngoài phố.
- Chà! cô em, ông chủ trạm xe cất tiếng, có lẽ chỉ vì tình cờ
mà ông lão đưa Ursule tới nhà thờ thôi. Trời đẹp mà, chú của chúng ta đi dạo.
- Anh ơi, chú của chúng ta cầm một quyển sách nguyện trên
tay đấy; và trông có vẻ ngơ lắm! Mà đằng nào anh cũng sẽ thấy thôi.
- Bọn họ che giấu trò đểu kỹ thật, ông chủ trạm xe to béo
nói, bởi vì con Bougival đã nói với tôi rằng chưa từng bao giờ có chuyện tôn
giáo giữa bác sĩ và trưởng tu Chaperon. Vả lại cha xứ Nemours[44] là
người trung thực nhất trần đời, ông ta sẽ nhường cái áo sơ mi cuối cùng của
mình cho một người nghèo; ông ta không có khả năng gây một hành động xấu; và thuổng
một món thừa kế, đó là…
- Nhưng đó chính là ăn cắp, bà Massin nói chen vào.
- Còn tệ hơn kia! Minoret-Levrault hét lên, bị kích động bởi
câu nói của bà em họ lắm lời.
- Tôi biết, bà Massin đáp, rằng trưởng tu Chaperon, dẫu có
là linh mục, là một con người trung thực; nhưng ông ta có khả năng làm mọi thứ
vì lũ người nghèo! Ông ta có thể tẩm ngẩm tầm ngầm phá, phá phá ông chú của
chúng ta, và bác sĩ sẽ rơi vào trò mộ đạo. Chúng ta từng được yên ổn, thế mà
bây giờ ông ấy bị thoái hóa rồi. Một người chưa từng tin vào bất cứ điều gì, lại
còn có các nguyên tắc nữa chứ! Ôi! với chúng ta thế là tiêu rồi. Chồng tôi bấn
loạn lắm[45].”
Bà Massin, mà các câu nói chính là những mũi tên châm thẳng
vào ông anh họ to béo, khiến ông rảo bước, dẫu cho cái bụng quá bự, cũng nhanh
như bà, trước nỗi kinh ngạc lớn lao của những người đang đi đến dự lễ mixa. Bà
muốn bắt kịp ông chú Minoret để chỉ cho ông chủ trạm xe thấy.
Về phía Gâtinais, Nemours bị án ngữ bởi một ngọn đồi, đường
đi Montargis và sông Loing chạy uốn theo nó. Nhà thờ, mà trên các tảng đá thời
gian đã phủ xuống cái áo măng tô màu đen rậm dày của nó, bởi vì hẳn nó đã được
xây dựng lại vào thế kỷ mười bốn bởi gia đình de Guise[46], vì họ mà
Nemours được phong làm lãnh địa quận công, đứng đó ở cuối thành phố nhỏ, bên dưới
một vòm cung lớn bao khung lấy nó. Đối với các công trình cũng như đối với con
người, vị trí là tất cả. Được hưởng bóng râm từ vài cái cây, và nổi bật lên bởi
một quảng trường sạch bong, nhà thờ cô đơn này tạo ra một hiệu ứng kỳ vĩ. Bước
vào tới quảng trường, ông chủ Nemours có thể nhìn thấy ông chú đang khoác tay
cô thiếu nữ tên là Ursule, mỗi người cầm một quyển sách kinh[47] bước vào nhà thờ. Ông già bỏ mũ bên
dưới cổng vòm, và đầu ông, bạc trắng, giống như một chóp đỉnh bồng bềnh tuyết,
sáng ánh lên trong bóng tối êm của mặt tiền.
“Mà này, Minoret, ông nói gì về sự cải đạo của ông chú ông
nào? viên thu thuế của Nemours, tên là Crémière, kêu lên.
- Ông muốn tôi nói gì nào? ông chủ trạm xe hỏi lại, chìa hộp
thuốc lá ra mời.
Cái tay xấu xa này, tên Goupil[50], là nhân viên ký lục thứ nhất của ông Crémière-Dionis, chưởng khế của Nemours. Mặc cho các tiền sự của một hạnh kiểm gần như nhầy nhụa, Dionis đã nhận Goupil vào văn phòng của mình[51], khi vì hoàn toàn khốn cùng mà viên ký lục không thể sống ở Paris, nơi y từng phá tán món thừa kế của ông bố y, chủ trang trại sung túc muốn hướng y vào nghề chưởng khế. Nhìn thấy Goupil, ta sẽ ngay lập tức hiểu rằng y vội vã tận hưởng cuộc đời; bởi vì để có được các vui thú, y phải trả giá rất đắt. Dẫu thân hình bé nhỏ, viên ký lục ở tuổi hăm bảy có nửa người phía trên phát triển giống như một người đàn ông tứ tuần. Hai chân mảnh và ngắn, một khuôn mặt to hự nhợt nhạt như một bầu trời trước cơn giông và gắn phía trên là một cái trán hói, lại càng làm nổi bật thêm nữa cái hình thù kỳ quặc này. Thế nên, khuôn mặt của y như thể thuộc về một kẻ gù lưng nhưng khối bướu lại nằm bên trong[52]. Một nét đặc biệt của bản mặt câng câng và nhợt nhạt này xác nhận sự tồn tại của khối gù vô hình ấy. Cong và vẹo giống như mũi nhiều người gù, cái mũi kia lệch từ phải sang trái, thay vì phân chia chính xác khuôn mặt. Cái mồm, rúm lại ở hai khóe, giống mồm người Sarde[53], luôn luôn rình chực để tỏ ra bao biếm. Mái tóc, thưa và có màu hung nhạt, rủ xuống theo từng mớ dẹt lép và để lộ da đầu đôi chỗ. Hai bàn tay, to tướng và hồ như lỏng lẻo ở đầu cặp cánh tay quá dài, cong queo và hiếm khi nào sạch. Goupil đi đôi giày xứng đáng vứt đi ở rệ đường, cùng đôi tất tơ sồi màu đen ánh đỏ; cái quần và chiếc áo đen, cũ đến xơ lòi ra và gần như cáu bẩn; chiếc gi lê thảm hại, với vài cái cúc thòi lòi[54]; cái khăn phu la dùng thay cho cà vạt, toàn bộ trang phục thông báo sự khốn cùng vô sỉ mà các dục vọng đã dồn y đến. Tổng thể những thứ u ám đó[55] nằm bên dưới sự chồm chỗm của cặp mắt dê[56], đồng tử viền vàng[57], trông vừa dâm đãng vừa hèn hạ. Chẳng ai bị e sợ cũng như được kính trọng như Goupil tại Nemours. Được vũ trang bằng các tham vọng mà sự xấu xí của y bao chứa, y sở hữu cái tinh thần đặc biệt rất đáng ghét ấy, hay xuất hiện ở những kẻ tự cho phép mình mọi thứ, và sử dụng nó để trả thù cho những điều đen đủi của một lòng đố kỵ thường trực. Y viết các bài hát chế nhạo mà người ta hát ở carnaval, y tổ chức các charivari[58], một mình y lo liệu cả tờ báo nhỏ của thành phố. Dionis, con người ranh ma và giả dối, cũng bởi vậy mà hay sợ hãi, giữ Goupil cả vì nỗi sợ trước trí tuệ tót vời của y cả vì hiểu biết sâu sắc của y về các lợi ích trong vùng. Nhưng ông chủ rất ngờ vực viên ký lục, thành thử ông tự tay quản lý két tiền, không cho y ở nhà mình, giữ khoảng cách với y, và không giao cho y bất kỳ áp phe bí mật hay tế nhị nào. Vậy nên tay ký lục phỉnh nịnh ông chủ nhưng đồng thời cũng che giấu nỗi bất mãn mà lối hành xử kia khiến y cảm thấy, và theo dõi bà Dionis với ý định trả thù. Vốn dĩ được thiên bẩm một năng lực nắm bắt nhạy bén, y làm các công việc một cách rất dễ dàng.
“Ồ! anh, anh đã kịp cười cợt trên nỗi bất hạnh của chúng tôi
rồi”, ông chủ trạm xe đáp lời viên ký lục, y đang xoa hai tay vào nhau[59].
Vì Goupil phỉnh nịnh một cách đê hạ mọi dục vọng của Désiré,
người, từ năm năm nay, chơi thân với y, ông chủ trạm xe đối đãi với y khá là hậu
hĩnh, chẳng hề ngờ đến kho báu ghê người của các ham muốn tồi tệ dồn đống lên
nơi tận sâu trái tim Goupil trước mỗi vết thương mới. Sau khi hiểu ra rằng với
y tiền quan trọng hơn so với bất kỳ ai khác, tay ký lục, vốn tự biết mình vượt
trội toàn bộ giới tư sản Nemours, muốn kiếm gia tài và trông chờ vào tình bạn với
Désiré nhằm mua một trong ba chức vụ của thành phố[60], phòng lục sự
bên tòa án, chỗ một trong các mõ tòa, hoặc văn phòng của Dionis[61].
Thế nên y kiên nhẫn chịu đựng các cơn lôi đình của ông chủ trạm xe, những nỗi
khinh bỉ của bà Minoret-Levrault, và đóng một vai trò nhơ nhớp bên cạnh Désiré,
người, từ hai năm nay, giao cho y sứ mệnh úy lạo an ủi các nàng Ariane nạn nhân
của đoạn cuối kỳ nghỉ. Bằng cách ấy Goupil chén nốt các mẩu thừa của bữa ăn[62]
mà chính y là người chuẩn bị từ trước.
“Nếu tôi là cháu trai của ông già, tôi sẽ không chịu để cho
Chúa xen vào làm người đồng thừa kế đâu”, viên ký lục nói, nở một nụ cười gớm
ghiếc khoe hàm răng thưa thớt, đen kịt và đầy đe dọa.
Đúng vào lúc ấy, Massin-Levrault junior, lục sự tòa án, đến
chỗ vợ, dẫn theo bà Crémière, vợ của viên thu thuế Nemours. Nhân vật này, một
trong các nhà tư sản cay độc nhất của thành phố nhỏ, có vẻ bên ngoài của một
người Tartare: cặp mắt nhỏ xíu và tròn xoe trông như hai quả đào gai[63]
bên dưới một vầng trán dẹt gí, mái tóc xoăn tít, nước da nhờn dầu, hai cái tai
to đùng không có gờ, một cái miệng mỏng dính và chòm râu lưa thưa. Cung cách của
ông mang cái vẻ dịu ngọt táng tận lương tâm của đám chủ nợ[64], mà
hành xử dựa trên những nguyên tắc bất di bất dịch. Ông nói giống như một người sắp
hết hơi đến nơi. Rốt cuộc, để họa hình ông, sẽ chỉ cần nói rằng ông dùng đứa
con gái đầu và vợ làm công việc chuyển đi các phán quyết của ông.
Bà Crémière là một bà béo tóc có màu vàng đáng ngờ, da chi
chít vết tàn nhang, cố sức ních người cho vừa những cái váy, giao hảo với bà
Dionis, và được cho là có học vấn, bởi vì bà đọc tiểu thuyết. Nữ tài chính gia
hạng bét này, đầy tham vọng hướng tới sự thanh lịch và tinh thần cao nhã, đợi
món thừa kế từ ông chú nhằm hoán thai đoạt
cốt chút ít, trang trí phòng khách nhà mình và đón tiếp giới tư sản ở đó; bởi
vì chồng bà từ chối cho bà mua những ngọn đèn Carcel[65], các tranh
in litô và các món vặt vãnh mà bà trông thấy ở nhà bà chưởng khế[66].
Bà sợ Goupil hết nỗi, y rình mò và rêu rao các capsulinguettes của bà (bà dịch thành như vậy cái từ lapsus linguae[67]). Một hôm,
bà Dionis bảo bà là mình không biết phải dùng thứ nước nào cho hàm răng. - “Thử
opiat xem[68]”, bà đáp.
Gần như tất tật gia quyến của ông bác sĩ già Minoret đã tụ tập
đầy đủ trên quảng trường, và tầm quan trọng của sự kiện đang khiến họ chộn rộn
được cảm nhận rộng rãi đến mức các nhóm nông dân nam và nữ cầm theo những cái ô
màu đỏ, tất tật đều ăn vận rất chóe, khiến họ trở nên tuyệt đẹp vào các ngày lễ
khi đi trên đường, đều đổ dồn ánh mắt về phía những người thừa kế Minoret. Tại
các thành phố nhỏ nằm vào khoảng giữa các trấn lớn và thành phố, những ai không
vào nghe lễ mixa thì ở lại ngoài quảng trường. Ở đó người ta bàn công chuyện. Tại
Nemours, giờ hành lễ nhà thờ là giờ của một thị trường hằng tuần nơi hay xuất
hiện các ông chủ những ngôi nhà rải rác trong phạm vi nửa dặm. Điều này giải
thích cho sự hình thành liên minh nông dân chống lại các nhà tư sản trong các vấn
đề liên quan tới giá thực phẩm và nhân lực[69].
“Thế nếu là anh thì anh sẽ làm gì? ông chủ Nemours hỏi
Goupil.
- Tôi sẽ biến tôi trở nên thiết yếu cho cuộc đời của ông ta
giống như không khí mà ông ta thở. Nhưng, trước hết, các ông bà đã không biết
cách tóm lấy ông ta! Một món thừa kế thì cũng phải chăm bẵm như một giai nhân ấy
và, nếu không được săn sóc, cả đôi sẽ tuột đi mất. Nếu bà chủ của tôi có ở đây,
y tiếp, hẳn bà ấy sẽ nói cho các ông bà so sánh kia chuẩn xác đến mức nào.
- Nhưng ông Bongrand vừa nói với tôi là không việc gì phải
lo lắng, viên lục sự tòa án đáp.
- Ồ! có rất nhiều cách để nói điều đó, Goupil cười rộ lên
đáp lời. Tôi những muốn được nghe ông thẩm phán ranh ma của ông nói! Nếu chẳng
còn gì để làm; nếu, cũng giống ông ấy tôi sống ở nhà chú của ông, mà lại biết
đã mất hết rồi, tôi sẽ nói với các ông bà: “Không phải lo lắng gì hết đâu!””
Nói xong câu vừa rồi, Goupil nở một nụ cười khôi hài đồng thời
cung cấp cho nó một sự biểu nghĩa sáng sủa đến mức những người thừa kế ngờ rằng
viên lục sự đã để cho mình bị lừa bởi những trò ranh mãnh của lão thẩm phán.
Ông thu thuế, con người nhỏ thó nhưng béo tốt cũng lờ vờ giống như một ông thu
thuế phải thế, và cũng ngu như một phụ nữ nhiều trí tuệ có thể mong muốn, phủ đầu
người đồng thừa kế Massin của mình bằng một câu: “Tôi đã nói với anh rồi kia
mà!”
Vì những người hai mặt luôn luôn nhường sang cho kẻ khác cái
sự mình bị lừa, Massin nhìn xéo sang ông thẩm phán lúc ấy đang đứng gần nhà thờ
nói chuyện với hầu tước du Rouvre[70], một trong các khách hàng cũ của
ông.
- Thì hẳn ông sẽ làm tê liệt sự bảo trợ mà ông ấy dành cho hầu tước du Rouvre, mới bị tòa hạ trát bắt, và lúc này ông ấy đang tưới đẫm những lời khuyên, Goupil nói, khéo léo tuồn một ý tưởng về báo thù cho viên lục sự. Nhưng chịu khó mà thuần phục sếp của ông: ông ấy ranh lắm đấy, chắc ông ấy có ảnh hưởng đối với chú của ông, và còn có thể ngăn chặn ông ta để lại hết tiền cho Nhà Thờ.
- Chà! chúng ta sẽ chẳng chết vì điều đó đâu,
Minoret-Levrault nói, mở cái hộp thuốc lá to tướng của mình ra.
Trước khi đi xa hơn, có lẽ những con người ưa chính xác sẽ thích nếu tìm thấy ở đây, sớm sủa, một dạng bản kê khai khá cần thiết[71], thêm nữa nhờ vậy thì mới biết được mức độ họ hàng gắn kết với ông già, vừa đột nhiên cải đạo, ba ông bố của gia đình hoặc vợ của họ. Những giao cắt phức tạp của dòng giống ở nơi heo hắt các tỉnh này có thể trở thành chủ đề cho hơn một suy tư nhiều hữu ích.
Ở Nemours, chỉ có ba hay bốn gia đình quý tộc nhỏ không được ai biết đến, trong số đó hồi này đang rực sáng gia đình de Portenduère. Mấy gia đình không giao du với ai ấy ám ảnh các nhà quý tộc sở hữu đất đai hoặc các lâu đài quanh vùng, và trong số đó người ta thấy nổi bật nhà d’Aiglemont[72], chủ khu đất Saint-Lange rất đẹp, và hầu tước du Rouvre[73], mà đống tài sản đem cầm cố tứ tung bị đám tư sản rình mò. Các nhà quý tộc của thành phố không có sản nghiệp. Tất tật tài sản của bà de Portenduère là một trang trại tạo ra bốn nghìn bảy trăm franc tiền lợi tức, cùng ngôi nhà ở thành phố của bà. Đương đầu với cái faubourg Saint-Germain nhỏ tí xíu này[74] là chừng một chục nhà giàu tụ tập với nhau, các cựu chủ xay bột, các thương gia về hưu, rốt cuộc là một giới tư sản thu nhỏ bên dưới đó loay hoay chộn rộn những người bán lẻ, đám vô sản và nông dân. Giới tư sản này, cũng như tại các tổng bên Thụy Sĩ và tại nhiều đất nước nhỏ khác, bày ra cảnh tượng kỳ khôi của sự rạng ngời nơi vài gia đình bản địa, có lẽ Gô-loa, ngự trị trên một lãnh thổ, bằng cách xâm chiếm lấy nó và biến gần như mọi dân cư thành anh chị em họ của mình[75]. Dưới triều Louis XI, cái thời khi mà Tiers État[76] cuối cùng cũng đã biến được các biệt hiệu của mình trở thành những cái họ đích thực trong đó một số trộn lẫn vào các họ của Phong Kiến, giới tư sản Nemours gồm có Minoret, Massin, Levrault và Crémière. Dưới triều Louis XIII, bốn gia đình này đã sản xuất ra Massin-Crémière, Levrault-Massin, Massin-Minoret, Minoret-Massin, Massin-Massin, Crémière-Massin, tất tật được điểm xuyết thêm các junior, con trai cả, Crémière-François, Levrault-Jacques, Jean-Minoret, khiến phải phát điên cha Anselme[77] của Giới Bình Dân, nếu Giới Bình Dân từng bao giờ cần đến chuyên gia phả hệ. Các biến tấu của cái kính vạn hoa gia đình với bốn yếu tố này trở nên phức tạp bởi các sinh nở và hôn nhân đến mức cây phả hệ các nhà tư sản Nemours hẳn sẽ gây bối rối cho đích thân các ông cha Bénédictin tác giả bộ Almanach Gotha[78], mặc cho món nguyên tử luận mà họ vận tới để trình bày những dích dắc khó lường trong các kết giao gia đình Đức. Suốt một thời gian dài, nhà Minoret nắm giữ các xưởng thuộc da, nhà Crémière chiếm các cối xay gió, nhà Massin thì say mê ngành thương mại, còn nhà Levrault vẫn làm nông. Thật may mắn cho vùng, bốn cái gốc này liên tiếp nảy chồi rễ mới thay vì chỉ cắm sâu xuống, hoặc giả giâm cành[79] thông qua việc tống khứ đám con cái đi kiếm tài sản ở bên ngoài: có các Minoret làm dao kéo tại Melun, các Levrault ở Montargis, các Massin ở Orléans và các Crémière trở nên được trọng vọng tại Paris. Hết sức đa dạng, các số phận của đàn ong rời khỏi đõ ong gốc này. Các Massin giàu nhất thiết phải thuê các công nhân Massin, cũng như có các ông hoàng Đức phụng sự nước Áo hoặc nước Phổ. Cũng tỉnh này[80] chứng kiến một Minoret triệu phú do một Minoret lính tráng hộ vệ. Vốn dĩ đầy tràn dòng máu chung và được gọi theo cùng họ, và đó là toàn bộ sự giống nhau, bốn cái thoi này đã không mệt mỏi dệt nên một tấm toan con người mà mỗi mẩu là váy hoặc khăn chùi, vải phin tuyệt đẹp hoặc lần vải lót thô kệch. Cùng một dòng máu chảy trong đầu, dưới bàn chân hoặc trong trái tim, trong các bàn tay cần cù, trong một cái phổi đau yếu hoặc trong một vầng trán gồ lên vì chứa thiên tài. Các thủ lĩnh bộ lạc sống trong sự trung thành với thành phố nhỏ, nơi các mối liên hệ họ hàng nới lỏng, thắt chặt tùy thuộc các sự kiện đại diện bởi cái thứ cognomonisme kỳ quặc ấy[81]. Ta có đi đến đất nước nào, có đổi họ đi chăng nữa, thì ta cũng sẽ chỉ tìm thấy lại cùng một điều mà thôi[82], nhưng là trừ đi thứ thơ ca mà Phong Kiến đã in dấu lên và Walter Scott[83] đã tái tạo với ngần ấy tài năng. Ta hướng ánh mắt lên cao thêm một chút, ta xem xét Nhân Loại ở trong Lịch Sử chứ? Tất cả các gia đình quý tộc của thế kỷ mười một, ngày nay gần như đã lụi tàn hết thảy, trừ đi dòng giống hoàng gia của nhà Capet, tất cả nhất thiết đã đóng góp vào sự ra đời của một Rohan, một Montmorency, một Bauffremont, một Mortemart của hiện thời[84]; rốt ruộc tất cả đều nhất thiết có ở trong dòng máu của nhà quyền quý thực sự là nhà quyền quý cuối cùng. Nói một cách khác, mọi nhà tư sản là một người anh em họ của một người tư sản khác, mọi nhà quý tộc là anh em họ của một nhà quý tộc khác. Như từng nói cái trang trác tuyệt các phả hệ Kinh Thánh, trong vòng một nghìn năm, ba gia đình, Sem, Cham và Japhet, có thể phủ kín bề mặt quả đất bằng con cháu họ[85]. Một gia đình có thể trở thành một quốc gia, và thật không may, một quốc gia có thể quay lại trở thành chỉ một gia đình duy nhất. Để chứng minh điều này, chỉ cần áp dụng vào cuộc tìm kiếm các tổ tiên và cuộc tích tụ của họ, mà thời gian làm tăng lên trong một tiến trình toán học giật lùi được lũy thừa lên, phép tính của nhà thông thái kia[86], người, đòi một ông vua Ba Tư, để phần thưởng cho việc đã sáng tạo ra môn cờ, một hạt lúa mì ở ô thứ nhất của bàn cờ và cứ thế nhân đôi lên, cho thấy rằng vương quốc không có đủ tài sản để trả cho ông. Mạng lưới quý tộc bị bao trùm lên bởi mạng lưới tư sản, sự đối nghịch của hai dòng máu này, một được bảo vệ bởi các thiết chế bất động, một bởi sự nhẫn nại đầy tích cực của lao động và bởi mưu mẹo của thương mại, đã dẫn tới cuộc cách mạng năm 1789[87]. Hai dòng máu gần như được kết hợp lại giờ đây đối diện với nhau cùng các thân quyến không di sản[88]. Họ sẽ làm gì đây? Tương lai chính trị của chúng ta tùy thuộc vào câu trả lời [89].
Gia đình của cái người dưới thời Louis XV tên là Minoret một cách ngắn gọn đông đúc đến nỗi một trong năm đứa con, chính là Minoret mà sự bước chân vào nhà thờ đã gây sự kiện, lên Paris kiếm vận may, và chỉ còn thảng hoặc mới xuất hiện tại thành phố quê hương, nơi hẳn là ông về để lo nhận phần thừa kế khi ông bà của ông qua đời. Sau khi đã chịu đựng rất nhiều khốn khổ, cũng như mọi thanh niên được thiên bẩm một ý chí sắt thép và muốn có một chỗ tại cái thế giới Paris rực rỡ[90], đứa con nhà Minoret tạo lập được một vận hạn còn đẹp đẽ hơn so với bản thân ông có lẽ từng mơ đến ở điểm khởi đầu; bởi vì trước hết ông lao thân vào ngành y, một trong những cái nghề đòi hỏi tài năng và may mắn, nhưng là nhiều may mắn hơn tài năng. Được Dupont xứ Nemours[91] hỗ trợ, do một ngẫu nhĩ may mắn thân thiết với trưởng tu Morellet[92] mà Voltaire gọi là Mords-les[93], được các nhà bách khoa thư bảo trợ, bác sĩ Minoret gần gũi như một tay chân thân tín của bác sĩ Bordeu vĩ đại[94], bạn của Diderot. D’Alembert, Helvétius, nam tước d’Holbach, Grimm[95], trước họ ông là một cậu bé, hẳn rốt cuộc, cũng như Bordeu, quan tâm tới Minoret, người, quãng 1777[96], có một khối khách hàng khá là lộng lẫy gồm các nhà thần luận, các nhà bách khoa thư, các nhà duy cảm chủ nghĩa[97], các nhà vật chất chủ nghĩa, như ta sẽ thích gọi các triết gia giàu có của thời bấy giờ. Tuy có rất ít tính chất lang băm nhưng ông cũng sáng tạo ra món thuốc lừng danh Lelièvre[98], được tờ Mercure de France[99] nhiệt liệt tán dương, với quảng cáo thường trực xuất hiện ở cuối tờ báo, cơ quan ngôn luận hằng tuần của các nhà bách khoa thư. Dược sĩ Lelièvre, con người thiện xảo, nhìn thấy một áp phe ở nơi Minoret đã chỉ trông vào một sự chuẩn bị để đưa vào Codex[100], và rất đàng hoàng chia lợi nhuận với bác sĩ, học trò của Rouelle trong hóa học[101], giống như là học trò của Bordeu trong y học. Ta có thể trở thành một người vật chất chủ nghĩa vì một lý do nhỏ nhặt. Bác sĩ, hồi năm 1778, tức là thời La Nouvelle Héloïse[102] thống trị và cũng là khi đôi khi người ta lấy nhau vì tình, vì tình yêu mà lấy con gái nhạc công clavecin nổi danh Valentin Mirouët[103], một nữ nhạc sĩ nổi tiếng, yếu đuối và tinh tế, bị Cách mạng giết chết. Minoret rất thân thiết với Robespierre[104], mà xưa kia ông từng khiến nhận được một huy chương vàng cho một bài luận về chủ đề sau đây: Đâu là nguyên ủy của ý kiến cho rằng cùng một gia đình phải chịu một phần nỗi nhục gắn liền với các tội lỗi nhơ nhớp mà một tên tội phạm phải gánh? Ý kiến này gây tác hại nhiều hơn là hữu ích? Và trong trường hợp chọn đồng ý với điều đó, đâu sẽ là các phương cách để sửa chữa các bất tiện sinh ra từ đó? Viện Hàn lâm hoàng gia Khoa học và Nghệ thuật thành phố Metz, mà Minoret là thành viên, hẳn phải sở hữu bản gốc bài luận này[105]. Dẫu cho, nhờ tình bạn ấy, vợ của bác sĩ có thể khỏi phải sợ điều gì, bà vẫn quá hãi sẽ phải lên đoạn đầu đài, đến nỗi sự khủng bố tàn tệ đó càng làm trầm trọng thêm chứng phình mạch mà bà mắc, do quá mức nhạy cảm[106]. Mặc cho mọi cẩn trọng mà một người đàn ông yêu kính vợ mình đã vận tới, Ursule bắt gặp cái xe chở đầy người bị kết án trong đó có chính Bà Roland[107], và cảnh tượng ấy gây ra cái chết của bà. Minoret, tràn ngập tình yêu quý với Ursule của ông, với bà ông không từ chối bất kỳ điều gì và là người đã sống như một petite-maîtresse[108], thấy mình gần như trở nên nghèo khổ sau khi mất bà. Robespierre phong ông làm bác sĩ trưởng của một bệnh viện.
Khi băng ngang nước Pháp, nơi con mắt chóng vánh bị mệt mỏi đến vậy bởi sự đơn điệu của các bình nguyên, ai người chưa từng có cái cảm giác đầy quyến rũ khi nhìn thấy phía trên cao một bờ biển, lúc đi xuống hoặc ở chỗ ngoặt, khi mà nó hứa hẹn một phong cảnh khô cằn, một thung lũng tươi tắn được một dòng sông tưới nước cho cùng một thành phố nhỏ ẩn mình dưới đá giống như một cái tổ ong trong hốc rỗng một cây liễu già? Khi nghe thấy tiếng uầy! của người phu trạm đang bước đi dọc theo hàng ngựa của mình, người ta gây xao động cho giấc ngủ, người ta ngưỡng mộ như giấc mơ trong giấc mơ một phong cảnh đẹp nào đó trở nên đối với lữ khách thứ đối với một độc giả cái đoạn đáng ghi nhận của một cuốn sách, một suy nghĩ xuất chúng của tự nhiên. Đó chính là cảm giác xuất hiện khi đột nhiên nhìn thấy Nemours nếu tới đó từ phía Bourgogne. Từ đó người ta nhìn thấy nó bao quanh là những tảng đá tróc, màu xám, màu trắng, màu đen, với các hình thù kỳ lạ, như cũng có rất nhiều tương tự trong khu rừng Fontainebleau, và từ đó vươn lên những cây mọc rải rác tách biệt một cách rõ nét lên bầu trời và tạo cho cái dạng bức tường đổ ấy một vẻ bên ngoài nhiều tính chất thôn dã. Nơi đây kết thúc dãy đồi dài phủ đầy cây trườn từ Nemours đến Bourron, bo lấy bên đường. Ở bên dưới rạp xiếc vô định hình đó trải rộng một đồng cỏ nơi dòng Loing chảy, tạo thành các lớp nước tạo thành nhiều ghềnh. Phong cảnh tuyệt diệu này, mà con đường Montargis chạy men theo, giống một bài trí nhà hát opera, các hiệu ứng ở đó được nghiên cứu thật kỹ. Một sáng nọ, bác sĩ, mà một người bệnh giàu có vùng Bourgogne đã cử người đi tìm, và đang hết sức vội vã trên đường quay trở về Paris, do không nói ở chỗ trạm xe trước là ông muốn đi đường nào, không hề hay biết[111], được đưa đi qua ngả Nemours và nhìn thấy giữa hai đợt ngủ phong cảnh mà giữa đó tuổi thơ ông đã trôi qua. Khi ấy bác sĩ đã mất đi nhiều người bạn lâu năm. Nhân vật thuộc phe Bách Khoa Thư từng là chứng nhân cho sự cải đạo của La Harpe[112], ông đã chôn Lebrun-Pindare[113], và Marie-Joseph de Chénier[114], và Morellet[115], và bà Helvétius[116]. Ông chứng kiến sự gần như suy sụp của Voltaire, bị Geoffroy tấn công, đó là người kế tục của Fréron[117]. Ông bèn nghĩ đến sự rút lui để nghỉ ngơi. Vậy nên, khi xe của ông dừng lại ở phía trên Grand-Rue của Nemours, ông nhất quyết muốn hỏi thăm về gia đình mình. Minoret-Levrault đích thân tới gặp bác sĩ, ông nhận ra ở ông chủ trạm xe đích xác con trai của ông anh cả. Đứa cháu này chỉ cho ông nơi vợ của nó con gái duy nhất của Levrault-Crémière, người từ mười hai năm nay đã để lại cho nó trạm xe và nhà trọ đẹp nhất của Nemours.
“À này, cháu ơi, bác sĩ nói, chú có còn những người thừa kế
khác nữa không?
- Cô Minoret của cháu, tức là chị gái chú, đã lấy một
Massin-Massin.
- Phải, đó là người quản lý tài sản ở Saint-Lange.
- Bà ấy góa chồng và chết rồi, chỉ để lại độc một đứa con
gái, vừa lấy một Crémière-Crémière, một cậu thanh niên hấp dẫn còn chưa làm nên
trò trống gì.
- Tốt! nó là cháu trực hệ của chú. Thế nhưng, vì ông anh
lính thủy của chú chết mà không lấy vợ, đại úy Minoret thì bị giết ở
Monte-Legino, rồi thì chú đây, nhánh trưởng hết rồi. Chú có các họ hàng bên ngoại
không? Mẹ của chú là một Jean-Massin-Levrault.
- Nhà Jean-Massin-Levrault, Minoret-Levrault đáp, chỉ còn một
phụ nữ Jean-Massin, đã lấy ông Crémière-Levrault-Dionis, một nhà cung ứng đồ
lông đã chết trên đoạn đầu đài. Vợ ông ấy chết vì tuyệt vọng và khánh kiệt, để
lại một đứa con gái lấy một Levrault-Minoret, chủ trang trại ở Montereau, rất ổn;
và con gái họ vừa lấy một Massin-Levrault, ký lục chỗ chưởng khế tại Montargis,
nơi ông bố làm thợ khóa.
- Vậy ra, chú không thiếu người thừa kế”, bác sĩ vui vẻ nói,
ông muốn đi một vòng Nemours thăm thú, được đứa cháu dẫn đường.
Sông Loing uốn lượn chảy cắt ngang thành phố, hai bên bờ là
các khu vườn nhô cao và những ngôi nhà tinh tươm mà dáng vẻ khiến ta nghĩ hạnh
phúc hẳn phải ở đó chứ chẳng đâu khác nữa. Khi bác sĩ rẽ từ phố Grand-Rue vào
phố Bourgeois, Minoret-Levrault chỉ cho ông khu đất của ông Levrault, lái buôn
đồ sắt giàu có ở Paris, người, đứa cháu kể, vừa qua đời.
- Đấy, chú ơi, là một ngôi nhà đẹp đang rao bán, nó có một
khu vườn rất quyến rũ cạnh sông.
- Ta vào đi”, bác sĩ nói, nhìn thấy ở cuối một cái sân nhỏ
lát đá một ngôi nhà kẹp vào giữa những bức tường hai ngôi nhà hàng xóm bị che
đi bởi các rặng cây và dây leo.
Bị cắt đôi, giống phần lớn nhà ở tỉnh, bởi một hành lang dẫn từ sân ra vườn, phía bên phải ngôi nhà chỉ có một phòng khách gồm bốn cửa sổ thông ánh sáng vào, hai nhìn ra sân và hai nhìn ra vườn; nhưng Levrault-Levrault đã dành một trong các cửa sổ ấy làm lối vào một kho chứa củi dài xây gạch chạy từ phòng khách ra sông, nơi nó kết thúc bằng một thủy đình Trung Quốc xấu tệ[118].
“Tốt! nếu cho lợp mái và lát sàn cái nhà kho này, ông già
Minoret nói, chú sẽ có chỗ để tủ sách của chú và tạo thành một phòng cabinet
xinh đẹp từ cái chi tiết kiến trúc kỳ cục này.” Ở bên kia hành lang, giáp với
vườn là một phòng ăn, trang trí giả sơn với họa tiết hoa lục và vàng, và ngăn
cách với bếp bởi cầu thang. Nhờ một căn phòng nhỏ dựng sau cầu thang, người ta
đi sang được bếp, mà các cửa sổ gắn song sắt phủ lưới nhìn ra sân. Trên tầng có
hai khu để ở; và bên trên nữa, là các căn áp mái tường lát vẫn còn ở được. Sau
khi nhanh chóng xem xét ngôi nhà được trang bị lưới mắt cáo màu lục từ trên xuống
dưới, cả về phía sân cũng như phía vườn, và kết thúc cạnh sông bằng một hàng
hiên chất đầy bình sứ, bác sĩ nói: “Levrault-Levrault chắc đã tiêu khá tiền vào
đây!
- Ôi! ông ấy béo lắm, Minoret-Levrault đáp. Ông ấy yêu hoa,
ngu thật! “Cái đó thì mang lại được gì?” vợ cháu nói. Chú có biết không, một họa
sĩ được mời từ Paris về để vẽ tranh tường
đầy hoa cho hành lang[119]. Trần nhà được làm lại, đắp phào, giá sáu
franc mỗi bộ. Phòng ăn lát sàn gỗ hết, điên thật! Ngôi nhà này không đáng thêm
một xu đâu.
- Ừ thì, cháu ơi, mua nó cho chú nhé, giải quyết giấy tờ rồi
gửi cho chú, đây là địa chỉ của chú; phần còn lại sẽ là việc của chưởng khế của
chú. - Ai sống ở đối diện thế? ông hỏi khi đi ra.
- Những người lưu vong đấy! ông chủ trạm xe đáp, một hiệp sĩ
de Portenduère.”
Khi ngôi nhà đã được mua xong, ông bác sĩ xuất chúng, thay vì đến đó, lại viết thư cho cháu bảo cho thuê nó đi. Nhà-Levrault được thuê bởi ông chưởng khế Nemours khi ấy vừa bán chức vụ của mình lại cho Dionis, ký lục đầu đàn của ông, rồi chết đi hai năm sau đó, để lại cho bác sĩ gánh nặng một ngôi nhà cần người thuê, vào đúng thời điểm số phận của Napoléon được định đoạt. Những người thừa kế của bác sĩ, hơi chút bị lừa, đã cho ý muốn quay trở về của ông chỉ là phăng te zi của một ông nhà giàu, và tuyệt vọng trước ý nghĩ tại Paris ông có nhiều tình thân, chúng giữ ông lại đó và cướp mất món thừa kế của họ. Tuy nhiên, vợ của Minoret-Levrault nắm lấy cơ hội này để viết thư cho ông bác sĩ. Ông già trả lời là ngay khi hòa bình được ký kết, chừng nào các con đường đã sạch bóng lính tráng và sự giao thông được tái thiết lập, ông sẽ đến sống tại Nemours. Ông xuất hiện ở đó cùng hai khách hàng, kiến trúc sư hay làm bệnh viện và một người thợ thảm, họ phụ trách thực hiện các sửa chữa, sắp xếp bên trong và vận chuyển đồ đạc. Bà Minoret-Levrault dâng tặng, để dùng làm người trông coi, bà bếp của ông chưởng khế già quá cố, và được chấp nhận. Khi những người thừa kế biết rằng ông chú hoặc ông trẻ Minoret của mình sẽ thực sự định cư tại Nemours, gia đình họ rơi vào, mặc cho các sự kiện chính trị đang đè nặng lên chính Gâtinais và Brie, một nỗi hiếu kỳ to lớn, nhưng gần như là hợp thức. Ông chú có giàu không? Ông là người tiết kiệm hay thích tiêu phá? Ông có để lại một tài sản đẹp đẽ hay ông sẽ chẳng để lại gì? Ông có các niên kim trọn đời không? Sau đây là những gì rốt cuộc họ cũng biết được, nhưng ấy là sau những đau đớn bất tận và nhờ hoạt động gián điệp ngầm. Sau khi vợ ông, Ursule Mirouët, chết, từ 1789[120] đến 1813, bác sĩ, được phong làm bác sĩ phụ trách sức khỏe Hoàng Đế vào năm 1805, hẳn đã kiếm được rất nhiều tiền, nhưng chẳng ai biết rõ sản nghiệp của ông; ông sống giản dị, không tiêu pha gì khác ngoài tiền chi cho một cỗ xe ngựa trả theo năm và một căn hộ lộng lẫy; ông không bao giờ tiếp khách và gần như luôn luôn ăn tối bên ngoài. Bà quản gia của ông, tức tối vì không được đi cùng ông tới Nemours, nói với Zélie Levrault, vợ của ông chủ trạm xe, rằng bà biết bác sĩ có mười bốn nghìn franc tiền lợi tức ghi trên sổ lớn[121]. Thế nhưng, sau hai mươi năm làm một cái nghề mà danh hiệu bác sĩ trưởng một bệnh viện, bác sĩ riêng của Hoàng Đế và thành viên của Học Viện[122] biến cho trở nên màu mỡ đến thế, mười bốn nghìn franc lợi tức này, sản phẩm của nhiều lần nộp tiền gốc liên tiếp, cho thấy cùng lắm ông chỉ có một trăm sáu mươi nghìn franc tiền tiết kiệm mà thôi[123]! Chỉ để dành được có tám nghìn franc mỗi năm, hẳn bác sĩ đã có nhiều tật xấu, hoặc giả cũng có thể là đức hạnh, cần thỏa mãn; nhưng cả bà quản gia lẫn Zélie, chẳng một ai có thể xâm nhập nguyên do sự khiêm tốn về tài sản này: Minoret, rất được nhớ tiếc trong khu phố của ông, thuộc vào những người hay làm từ thiện nhất Paris và, cũng giống Larrey[124], hết sức giấu bí mật về các hành động nhân đạo của mình. Thế là những người thừa kế, trong lòng hoan hỉ, chứng kiến rất nhiều đồ đạc cùng thư viện lớn của ông chú được chuyển tới, ông đã được phong tước officier Bắc đẩu bội tinh, và được nhà vua phong tước chevalier của Saint-Michel, có lẽ do việc ông về hưu đã khiến một sủng thần nào đó được hưởng lợi. Nhưng khi kiến trúc sư, các họa sĩ, các thợ thảm sắp xếp xong xuôi mọi thứ thật gọn gàng rồi, vẫn không thấy bác sĩ đâu. Bà Minoret-Levrault, vốn dĩ theo dõi sát sao người thợ thảm và viên kiến trúc sư như thể chuyện liên quan đến tài sản của chính bà, biết được, nhờ sự lỡ lời của một thanh niên được cử đến sắp đặt thư viện, là bác sĩ đang chăm lo cho một đứa trẻ mồ côi tên là Ursule. Cái tin này gây những đợt tàn phá lạ thường tại thành phố Nemours. Rốt cuộc quãng giữa tháng Giêng năm 1815 bác sĩ cũng về nhà mình, và khéo léo ổn định mọi việc cùng một đứa bé gái mới mười tháng tuổi, có một vú nuôi đi kèm.
Khi ngôi nhà đã được mua xong, ông bác sĩ xuất chúng, thay vì đến đó, lại viết thư cho cháu bảo cho thuê nó đi. Nhà-Levrault được thuê bởi ông chưởng khế Nemours khi ấy vừa bán chức vụ của mình lại cho Dionis, ký lục đầu đàn của ông, rồi chết đi hai năm sau đó, để lại cho bác sĩ gánh nặng một ngôi nhà cần người thuê, vào đúng thời điểm số phận của Napoléon được định đoạt. Những người thừa kế của bác sĩ, hơi chút bị lừa, đã cho ý muốn quay trở về của ông chỉ là phăng te zi của một ông nhà giàu, và tuyệt vọng trước ý nghĩ tại Paris ông có nhiều tình thân, chúng giữ ông lại đó và cướp mất món thừa kế của họ. Tuy nhiên, vợ của Minoret-Levrault nắm lấy cơ hội này để viết thư cho ông bác sĩ. Ông già trả lời là ngay khi hòa bình được ký kết, chừng nào các con đường đã sạch bóng lính tráng và sự giao thông được tái thiết lập, ông sẽ đến sống tại Nemours. Ông xuất hiện ở đó cùng hai khách hàng, kiến trúc sư hay làm bệnh viện và một người thợ thảm, họ phụ trách thực hiện các sửa chữa, sắp xếp bên trong và vận chuyển đồ đạc. Bà Minoret-Levrault dâng tặng, để dùng làm người trông coi, bà bếp của ông chưởng khế già quá cố, và được chấp nhận. Khi những người thừa kế biết rằng ông chú hoặc ông trẻ Minoret của mình sẽ thực sự định cư tại Nemours, gia đình họ rơi vào, mặc cho các sự kiện chính trị đang đè nặng lên chính Gâtinais và Brie, một nỗi hiếu kỳ to lớn, nhưng gần như là hợp thức. Ông chú có giàu không? Ông là người tiết kiệm hay thích tiêu phá? Ông có để lại một tài sản đẹp đẽ hay ông sẽ chẳng để lại gì? Ông có các niên kim trọn đời không? Sau đây là những gì rốt cuộc họ cũng biết được, nhưng ấy là sau những đau đớn bất tận và nhờ hoạt động gián điệp ngầm. Sau khi vợ ông, Ursule Mirouët, chết, từ 1789[120] đến 1813, bác sĩ, được phong làm bác sĩ phụ trách sức khỏe Hoàng Đế vào năm 1805, hẳn đã kiếm được rất nhiều tiền, nhưng chẳng ai biết rõ sản nghiệp của ông; ông sống giản dị, không tiêu pha gì khác ngoài tiền chi cho một cỗ xe ngựa trả theo năm và một căn hộ lộng lẫy; ông không bao giờ tiếp khách và gần như luôn luôn ăn tối bên ngoài. Bà quản gia của ông, tức tối vì không được đi cùng ông tới Nemours, nói với Zélie Levrault, vợ của ông chủ trạm xe, rằng bà biết bác sĩ có mười bốn nghìn franc tiền lợi tức ghi trên sổ lớn[121]. Thế nhưng, sau hai mươi năm làm một cái nghề mà danh hiệu bác sĩ trưởng một bệnh viện, bác sĩ riêng của Hoàng Đế và thành viên của Học Viện[122] biến cho trở nên màu mỡ đến thế, mười bốn nghìn franc lợi tức này, sản phẩm của nhiều lần nộp tiền gốc liên tiếp, cho thấy cùng lắm ông chỉ có một trăm sáu mươi nghìn franc tiền tiết kiệm mà thôi[123]! Chỉ để dành được có tám nghìn franc mỗi năm, hẳn bác sĩ đã có nhiều tật xấu, hoặc giả cũng có thể là đức hạnh, cần thỏa mãn; nhưng cả bà quản gia lẫn Zélie, chẳng một ai có thể xâm nhập nguyên do sự khiêm tốn về tài sản này: Minoret, rất được nhớ tiếc trong khu phố của ông, thuộc vào những người hay làm từ thiện nhất Paris và, cũng giống Larrey[124], hết sức giấu bí mật về các hành động nhân đạo của mình. Thế là những người thừa kế, trong lòng hoan hỉ, chứng kiến rất nhiều đồ đạc cùng thư viện lớn của ông chú được chuyển tới, ông đã được phong tước officier Bắc đẩu bội tinh, và được nhà vua phong tước chevalier của Saint-Michel, có lẽ do việc ông về hưu đã khiến một sủng thần nào đó được hưởng lợi. Nhưng khi kiến trúc sư, các họa sĩ, các thợ thảm sắp xếp xong xuôi mọi thứ thật gọn gàng rồi, vẫn không thấy bác sĩ đâu. Bà Minoret-Levrault, vốn dĩ theo dõi sát sao người thợ thảm và viên kiến trúc sư như thể chuyện liên quan đến tài sản của chính bà, biết được, nhờ sự lỡ lời của một thanh niên được cử đến sắp đặt thư viện, là bác sĩ đang chăm lo cho một đứa trẻ mồ côi tên là Ursule. Cái tin này gây những đợt tàn phá lạ thường tại thành phố Nemours. Rốt cuộc quãng giữa tháng Giêng năm 1815 bác sĩ cũng về nhà mình, và khéo léo ổn định mọi việc cùng một đứa bé gái mới mười tháng tuổi, có một vú nuôi đi kèm.
- Ursule không thể là con gái của ông ấy, ông ấy đã bảy mốt
tuổi rồi! những người thừa kế bị đánh động kêu lên.
Ông bác sĩ đón tiếp khá lạnh nhạt cô cháu[125] về đằng ngoại, mà người chồng vừa mua lấy chức lục sự Tòa Án, họ là những người đầu tiên cả gan kể lể với ông về hoàn cảnh khó khăn. Massin và vợ không giàu. Bố của Massin, thợ khóa ở Montargis, buộc phải dàn xếp với các chủ nợ, ở tuổi sáu mươi bảy vẫn còn làm việc như một thanh niên, và sẽ không để lại gì. Bố của bà Massin, Levrault-Minoret, vừa chết ở Montereau sau khi trận đánh nổ ra, chứng kiến trang trại của mình bị đốt cháy, các khoảnh ruộng bị tàn phá và gia súc bị ăn thịt mất[126].
“Chúng ta sẽ không có gì từ ông của em đâu”, Massin nói với
vợ, đang chửa đứa con thứ hai.
Bác sĩ bí mật cho họ mười nghìn franc, với số tiền đó viên lục
sự Tòa Án, bạn của chưởng khế và mõ tòa Nemours, khởi sự cho vay lãi và kiếm đẫm
trên lưng các nông dân sống ở các vùng lân cận đến mức, vào thời điểm này
Goupil biết ông có khoảng tám mươi nghìn franc giấu kín[127].
Về phần người cháu gái còn lại, bác sĩ giúp, nhờ các mối
quan hệ của ông tại Paris, cái chức thu thuế Nemours cho Crémière và đưa tiền để
mua nó. Dẫu Minoret-Levrault không cần gì, Zélie, ghen tức với những khoản chi
mạnh tay của ông chú cho hai cô cháu gái, mang con trai đến trình diện với ông,
khi đó cậu ta lên mười tuổi, và bà sắp gửi cậu lên Paris học, ở đó, bà nói, tiền
học tốn kém lắm. Vốn từng chữa bệnh cho Fontanes[128], bác sĩ
xin được nửa tiền học bổng tại trường Louis-le-Grand cho đứa cháu nội, nó được
cho vào học lớp bốn[129].
Crémière, Massin và Minoret-Levrault, những người hơi quá mức
bình dân, bị bác sĩ đánh giá một lần là xong luôn ngay trong vòng hai tháng đầu
tiên, quãng thời gian họ tìm cách bao vây ông chú thì ít hơn là món thừa kế. Những
người bị bản năng dẫn dắt có một khiếm khuyết lớn so với những con người của tư
tưởng, đó là họ bị đoán biết một cách mau chóng: các cảm hứng của bản năng quá
tự nhiên, và hiện ra quá rõ trước mắt nhìn, thành thử không thể không sớm bị nhìn thấy;
trong khi đó, đối với những người sâu sắc, các khái niệm của tinh thần đòi hỏi một
trí tuệ tương đương từ hai phía. Sau khi mua lấy lòng biết ơn của những người
thừa kế và theo cách nào đó buộc họ ngậm miệng lại, ông bác sĩ khôn ngoan viện
cớ bận bịu, viện cớ các thói quen và sự chăm sóc cần dành cho đứa bé Ursule để
không tiếp họ nữa, dẫu vậy cũng không phải là hoàn toàn đóng cửa nhà lại với họ.
Ông thích ăn tối một mình, ông đi ngủ muộn và dậy cũng muộn, ông đã về quê
hương để tìm sự nghỉ ngơi và nỗi cô đơn. Những đỏng đảnh này của một ông già
khá là tự nhiên, và những người thừa kế chỉ còn, vào Chủ nhật, từ một giờ đến bốn
giờ, tổ chức những chuyến thăm định kỳ hằng tuần, mà ông tìm cách kết thúc cho
sớm, bảo với họ: “Lúc nào có gì cần thì hẵng đến gặp chú.”
Bác sĩ, không từ chối khám bệnh nếu có các ca nghiêm trọng,
nhất là cho người dân bản địa, chẳng hề muốn trở thành bác sĩ của bệnh xá nhỏ tại
Nemours, và tuyên bố ông không còn hành nghề nữa.
“Tôi đã giết người đủ rồi”, ông cười lớn, nói với cha xứ
Chaperon khi ông cha, vốn biết ông là người giàu lòng từ thiện, cố thuyết phục
ông giúp người nghèo.
“Đó là một người lập dị lừng lẫy!” Câu này, được người ta
dùng khi nhắc tới bác sĩ Minoret, là sự trả thù vô tội của các lòng tự ái bị chạm
nọc, bởi vì bác sĩ tạo dựng quanh mình một nhóm nhân vật xứng đáng được những
người thừa kế săm soi. Thế nhưng, các nhân vật thuộc giới tư sản tự nghĩ mình xứng
đáng thuộc vào triều đình của một người đeo dải băng đen nuôi dưỡng chống lại
ông bác sĩ và những người được ông coi trọng một mầm mống của ghen tị, thật
không may là nó sẽ biến thành hành động.
“Các thứ đồ bạc của tôi mang lại cứu rỗi cho ông ấy”, khi đó bác sĩ sẽ nói.
Minoret đặt ba tờ báo: một tự do, một của chính quyền, một ultra[139], vài tuyển tập định kỳ và các tờ tạp chí khoa học, mấy bộ báo này khiến thư viện của ông lớn dần lên. Đống báo, nhà bách khoa thư và những quyển sách trở nên một sự thu hút đối với một cựu đại úy thuộc trung đoàn Royal-Suédois[140], tên là ông de Jordy, nhà quyền quý ngả theo tư tưởng Voltaire, sống độc thân với một nghìn sáu trăm franc tiền lương hưu cùng niên kim trọn đời. Sau khi mượn đọc thông qua trung gian cha xứ các tờ gazette vài hôm, ông de Jordy nghĩ là mình nên đến gặp bác sĩ để tỏ lòng biết ơn. Ngay ở lần gặp đầu tiên, ông đại úy già, cựu giáo sư Trường Quân Sự, đã thu phục được cảm tình của ông bác sĩ già, ông mau mắn đến thăm để trả lễ. Ông de Jordy, một người thấp bé và gầy ngẳng, nhưng có dòng máu rất dễ sôi lên, dẫu khuôn mặt ông đặc biệt nhợt nhạt, trước hết khiến ta chấn động vì vầng trán đẹp giống Charles XII[141], phía trên là mái tóc cắt ngắn cũng giống tóc của ông vua-chiến binh. Cặp mắt xanh lơ của ông như thể muốn nói: “Tình yêu đã đi qua đây”, nhưng buồn bã sâu sắc, ngay từ ánh mắt đầu tiên đã gây quan tâm, nơi có thể thoáng nhìn thấy các kỷ niệm mà ông giữ bí mật kín như bưng, đến nỗi các bạn già của ông không bao giờ bắt chợt được một lời ám chỉ nào đến cuộc đời đã qua, cũng như không một tiếng kêu bật ra do một hoàn cảnh tương tự các thảm họa. Ông che giấu bí ẩn đau lòng của quá khứ ông bên dưới một vẻ vui tươi đậm tính triết học; nhưng, khi tưởng chỉ có một mình, các chuyển động của ông, chịu gánh nặng từ một sự chậm chạp ít tính chất già lão hơn là được suy tính, chứng nhận một suy nghĩ nặng nhọc và thường hằng: vậy nên trưởng tu Chaperon đã đặt cho ông biệt danh Kitô hữu mà không tự biết[142]. Luôn luôn vận đồ màu xanh lơ, dáng điệu hơi cứng nhắc của ông, cùng trang phục của ông để lộ những tập quán xưa cũ của kỷ luật nhà binh. Giọng nói êm ái và đầy nhịp điệu của ông lay động tâm hồn. Hai bàn tay đẹp của ông, khuôn của mặt ông, nó nhắc đến khuôn mặt bá tước d’Artois[143], vừa cho thấy hồi trẻ ông từng duyên dáng đến mức nào, vừa làm cho bí ẩn của cuộc đời ông càng trở nên khôn dò hơn. Người ta không chủ ý mà tự hỏi nỗi bất hạnh nào đã có thể giáng xuống vẻ đẹp của ông, lòng can đảm của ông, vẻ khả ái của ông, học vấn của ông và những phẩm chất quý giá nhất nơi trái tim xưa kia từng tụ hội ở con người ông. Ông de Jordy lúc nào cũng run lên khi nghe đến tên Robespierre. Ông dùng rất nhiều thuốc lá và, điều thật lạ, ông tuyệt đối tự cấm chỉ mình vì cô bé Ursule, bởi cô bé tỏ ra ghê cái thói quen này của ông. Ngay khi nhìn thấy cô bé ấy, đại úy liền dành cho cô những cái nhìn dài thật đắm đuối. Ông yêu quý các trò chơi của cô bé một cách điên rồ, ông quan tâm tới cô đến mức tình trìu mến này lại càng thắt chặt thêm nữa mối liên hệ giữa ông và bác sĩ, người chẳng bao giờ dám hỏi ông già độc thân ấy: “Ông cũng thế, ông cũng từng mất đi những đứa con phải không?” Ông thuộc vào số những con người, tốt và kiên nhẫn giống như ông, đi qua trong cuộc đời, một ý nghĩ cay đắng nơi trái tim và một nụ cười vừa dịu ngọt lại vừa đau đớn trên môi, mang theo cùng mình cái bí ẩn mà không cho phép ai đoán ra, vì kiêu hãnh, vì ngạo nghễ, cũng có thể để trả thù, chỉ có độc Chúa là người tâm sự và người an ủi. Ông de Jordy, ở Nemours, nơi cũng như bác sĩ, ông đến để chết trong yên bình, gần như không gặp ai ngoài cha xứ luôn luôn bận rộn với các giáo dân, và bà de Portenduère vốn dĩ có thói quen đi ngủ từ chín giờ tối. Vậy nên, vì chán nản, rốt cuộc ông cũng đi ngủ sớm, mặc cho đống gai đặt nơi đầu giường[144]. Thế nên thật là một may mắn lớn cả cho bác sĩ lẫn đại úy khi gặp được một người từng chứng kiến cùng một thế giới, nói cùng một thứ ngôn ngữ, với người ấy ta có thể trao đổi các suy nghĩ, lại còn đi ngủ muộn. Khi ông de Jordy, trưởng tu Chaperon và Minoret đã cùng nhau trải qua một buổi tối, họ cảm thấy ở đó nhiều khoái thú đến nỗi vị linh mục và ông quân nhân tối nào cũng quay trở lại vào lúc chín giờ, thời điểm khi, cô bé Ursule đã đi ngủ, ông già tha hồ rảnh rỗi. Và ba người thức cho đến nửa đêm hoặc một giờ sáng.
-----------
(còn nữa)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac
[1] Nemours là thành phố nhỏ
cách Paris chừng 80 cây số, thuộc tỉnh Seine-et-Marne, vùng Île-de-France ngày
nay; Balzac biết rất rõ Nemours: từ 1829 đến 1835, Balzac nhiều lần đến sống tại
Bouleaunière, ngôi nhà tại Grez-sur-Loing, gần Nemours, là nơi bà de Berny, người
tình đầu đời của Balzac, thuê rồi mua; bà de Berny sẽ qua đời tại nơi này năm
1836.
[2] Độc giả chuyên cần của
Alexandre Dumas không xa lạ với cái tên này; ở Nemours có cả sông lẫn kênh
Loing.
[3] Cf. chú thích số 8 của Mặt bên kia của lịch sử hiện thời; ta
thường gặp “faubourg” tại Paris, nhưng các thành phố ở tỉnh cũng không phải là
không có chúng.
[4] Thêm một lần nữa: vẻ bên
ngoài (physionomie).
[5] Đây không phải lần đầu tiên
một nhân vật thuộc thế giới xe trạm trở thành nhân vật quan trọng trong tác phẩm
của Balzac: trong Vở kịch con người,
một nhân vật nữa hết sức đáng quan tâm ở phương diện này, cf. Un début dans la vie (Một đoạn đầu đời).
[6] “Un ruban de queue”.
[7] Suốt một thời, khí ê-te hiện
diện khắp nơi, trong khoa học, triết học cũng như văn chương; một điểm mốc quan
trọng và sớm là Các chuyển hóa của
nhà thơ La Mã Ovide.
[8] Một thành phố nhỏ nằm kề
Grez-sur-Loing.
[9] Họa sĩ Hà Lan Paul Potter
(1625-1654) nổi tiếng với các bức tranh phong cảnh và động vật; Hobbema
(1638-1709) dường như là họa sĩ flamand rất được Balzac ưa thích, tuy nhân vật
này không mấy nổi tiếng ở Pháp thời đó.
[10] Caliban, như ai cũng biết
(à, mà có ai không biết không đấy?), là nhân vật trong vở kịch The Tempest (Cơn bão) của Shakespeare.
[11] Cái tên này đã xuất hiện
(cùng Lavater) ở đoạn đầu Một vụ việc ám
muội, đoạn miêu tả khuôn mặt Michu, nhưng còn chưa được chú thích, thế cho
nên bây giờ chú thích, đề phòng độc giả lười đến nỗi còn chưa chịu tự đi mà tìm
hiểu lấy: Franz Joseph Gall (1758-1828) là bác sĩ người Đức, được coi như cha đẻ
của bộ môn “tướng sọ học” (phrénologie); cf. chú thích số 85 của Louis Lambert.
[12] Dường như ở chỗ này Balzac
đã tham khảo sách y khoa thời ấy.
[13] Trong đội quân liên minh tấn
công vào Paris năm 1815 (để “xử lý” Napoléon) đúng là có những người “Kalmouk”,
tên mà người Pháp hay dùng để gọi người Mông Cổ, đại khái cứ ai gò má cao, mắt
híp thì hay được gọi là “Kalmouk”.
[14] Cariatide.
[15] Atlas trong thần thoại Hy Lạp
gánh quả đất.
[16] Vì chưa đến lúc? Câu này rất quan trọng cho câu
chuyện.
[17] Tức là “tabatière”; từ này
đã chú thích kỹ ở đâu đó rồi, nhưng chưa nhớ ra cụ thể ở đâu.
[18] Thêm một lần nữa, Balzac chế
nhạo “Code Napoléon”, Bộ Luật Dân sự lừng danh của nước Pháp.
[19] Thật ra chắc phải là
“Seine-et-Marne” chứ không phải “Seine-et-Oise”; cf. chú thích số 1.
[20] Những cái tên: thêm một lần
nữa Balzac quay trở lại với lý thuyết những tên riêng của Laurence Sterne, đây
là một trong những lần hiển ngôn hơn cả; tất nhiên, Sterne phát biểu điều mà
Balzac hay dùng lại trong Tristram Shandy;
dường như Balzac nói như vậy về Minoret-Levrault là bởi tuy đây là một người
“khổng lồ”, nhưng “Minoret” đồng âm “minorer” nghĩa là “nhỏ bớt đi”, còn
“Levrault” đồng âm với “levraut”, nghĩa là “thỏ con” (điều vừa xong là tôi đoán
thôi, nhưng chắc đúng).
[21] Thêm một trai trẻ học luật
và bước chân vào các công việc liên quan đến luật pháp; ta gặp vài tiểu đoàn trạng
sư hoặc chưởng khế học việc, ký lục như thế này trong Vở kịch con người; Flaubert, như ta đã thấy trong Giáo dục tình cảm, cũng không khác mấy;
người con trai Désiré của Minoret-Levrault lúc này đang là “avocat stagiaire”.
[22] Không thể hiểu tại sao
Balzac lại nói đến “cảng” ở đây: tại Nemours không có cái cảng nào; rất có thể
vào khoảnh khắc viết câu này Balzac lẫn lộn, tưởng mình đang viết một câu chuyện
khác.
[23] Chuyện hãng xe trạm lừa đảo
này hoàn toàn có thật vào thời ấy.
[24] Balzac tham khảo bộ môn
khoa học của Gall (cf. chú thích số 11) nên sử dụng những từ đáng sợ như vậy.
[25] Dường như Balzac thực sự
tin đàn ông có giọng kim là không thể chấp nhận được, là một khiếm khuyết không
bao giờ sửa chữa nổi, phải vứt đi khẩn cấp.
[26] Và cũng thêm một lần nữa:
sinh lý học (physiologie) và nhà sinh lý học (physiologiste); có thật sự nhiều
yếu tố lặp đi lặp lại trong Vở kịch con
người - những yếu tố chỉ “phát lộ ý nghĩa” đối với những ai thực sự đọc hết
bộ sách.
[27] Tên người con trai của
Minoret là “Désiré”, nghĩa là “được mong muốn”.
[28] Nhân-quả.
[29] Một nét đặc biệt nổi bật tại
các nhân vật ở tỉnh lên Paris, trong Vở kịch
con người.
[30] Bằng “licence” không hẳn là cử nhân, nhưng ở
đây dịch như vậy cho tiện.
[31] Xe ngựa này là “calèche”:
cf. chú thích số 54 của Ferragus và
nhất là chú thích số 27 của Người phụ nữ
tuổi ba mươi; đoạn này thật ra tôi không hiểu cho lắm, dường như là có ba cỗ
xe tất cả, trong đó có xe “calèche” với người phu trạm sẽ nói chuyện với ông chủ,
một nhóm năm ngựa nữa, có thể là có kéo xe hoặc không, và ba ngựa kéo một cỗ xe
khác, loại “xe hòm” (berline); đoạn này cũng có đặc điểm là đột nhiên động từ
chia ở thời hiện tại (présent), và Balzac đã chia sai động từ “poindre” (hiện
ra), lẽ ra “poignent” mới đúng thì lại viết “poindent”.
[32] Quãng thời gian này, phục vụ
chặng Paris-Nemours là mấy hãng chuyên chở, trong đó có hãng Leloir-Ducler.
[33] Biệt hiệu của hãng
Messsageries.
[34] Tên người sáng lập (năm
1828) hãng tên là Service des Messageries du Commerce.
[35] Ở đây Balzac dùng một lối
nói thuộc biệt ngữ của nghề xe trạm.
[36] Polignac là gia đình có vai
trò lớn trong chính sự nước Pháp sau khi Napoléon đổ.
[37] Balzac có một hiểu biết xuất
sắc và rất đáng kinh ngạc về nghề xe trạm, thể hiện không chỉ trong Ursule Mirouët mà còn, và nhất là, ở Un début dans la vie (Một đoạn đầu đời);
ý kiến cho rằng mỗi ngành nghề lại có một ngôn ngữ riêng xuyên suốt nhiều tác
phẩm thuộc Vở kịch con người.
[38] Một chi tiết rất quan trọng cho câu chuyện, như
chúng ta sẽ thấy.
[39] Mối quan hệ họ hàng cụ thể giữa các nhân vật trong Ursule Mirouët rất lằng nhằng, như đoạn
sau ta sẽ thấy; các “anh họ”, “em họ” chỉ là tương đối (sẽ sửa sau này nếu cần).
[40] Chắc nhiều người đã nhận ra, rất nhiều thành phố
ở tỉnh trong Vở kịch con người có phố
tên là “Grand-Rue”; nghĩa đen của cụm từ này là “Phố Lớn” hay “Phố Chính”; các
thành phố Pháp có “Grand-Rue” cũng như các thành phố Anh có “Main Street”,
“High Street”.
[41] Điều này lặp lại chính xác một đặc điểm đã nói,
liên quan đến chính ông chủ trạm xe Minoret-Levrault.
[42] Đây là một nhân vật “trưởng tu” (abbé) vô cùng xuất
sắc của Balzac; về “trưởng tu” nói chung: cf. chú thích số 15 của Mặt bên kia của lịch sử hiện thời.
[43] Tức là mang bánh mì đến nhà thờ để được làm lễ biến
nó thành “bánh thánh”: cái bánh được cắt ra thành nhiều mảnh rồi chia cho các
con chiên, trong lễ mixa.
[44] Trưởng tu Chaperon chính là cha xứ Nemours.
[45] Balzac đặc biệt hay dùng cụm từ “cen dessus dessous”,
chứ không phải “sens dessus dessous” như thông thường hay thấy.
[46] Nhà de Guise đã được chú thích ở đâu đó, đại khái
là một gia đình khuynh loát vương quyền; ở mấy chi tiết này, thật ra Balzac
không thực sự chính xác.
[47] Paroissien.
[48] Balzac đang muốn nhắc đến một triết gia, tên là
Bonald.
[49] Đại ý là rất quỷ quái, tất nhiên.
[50] Một sáng tạo rất lớn và cũng hết sức nổi tiếng của
Balzac.
[51] Chúng ta, không thể khác, lại bắt gặp công việc của
các chưởng khế; trong Ursule Mirouët,
hoạt động của chưởng khế rất quan trọng; văn phòng của chưởng khế gọi là
“étude”.
[52] Những người dị dạng tạo thành một “nhóm nhân vật” rất
đặc biệt trong Vở kịch con người, và
rất được Balzac quan tâm: điều này là dễ hiểu, đối với một người luôn luôn nhấn
mạnh vào “vẻ bên ngoài” (physionomie).
[53] Tức là người sống ở Sardaigne (Sardegna); nhìn
chung, Balzac không nhiều hảo ý với người Ý, tất tật các mọi thể loại; tuy
nhiên, có chuyên gia về Balzac cho chỗ này Balzac “viết nhịu”: lẽ ra phải nói
“sardonique” thay vì “Sarde” (vả lại, cái mồm kiểu như vậy không phải nét đặc
thù thể chất của người Sardaigne, mà là hiệu ứng gây ra bởi một loại cỏ mọc nhiều
ở Sardaigne).
[54] Chỗ này lẽ ra cần giải thích kỹ hơn về cấu tạo cúc
áo thời ấy, nhưng thôi.
[55] Xấu người thì cũng xấu nết; dường như Balzac đinh
ninh như vậy; cá nhân tôi nghĩ Balzac không hề sai.
[56] Hơi giống mắt của bá tước Ba Lan Adam Laginski của Nàng tình nhân hờ.
[57] Đối với Balzac, mắt có màu vàng hiển nhiên là biểu
hiện của thú tính; đây cũng là một tiếng vọng từ lý thuyết của Lavater, cf. chú
thích số 11.
[58] Ban đầu, từ này được dùng để chỉ các công xe lố bịch
và ồn ào biểu diễn phục vụ đám cưới các ông góa vợ tục huyền; về sau, nó được
dùng để chỉ những cái gì ồn ào, loạn xạ; ta nhớ trong Albert Savarus có nhắc đến một tờ báo mang đúng cái tên này.
[59] Minoret xưng hô thân mật với Goupil vì Goupil là bạn
của Désiré; động tác của Goupil là động tác xuất hiện ở nhiều nhân vật thuộc Vở kịch con người, chẳng hạn Thaddée Paz
của Nàng tình nhân hờ, và rất nhiều lần
khác nữa.
[60] Thêm một lần nữa: chuyện mua các chức vụ thời ấy.
[61] “Tòa án” ở đây là “justice de paix” (với đặc thù là
các thẩm phán “juge de paix”); giải thích kỹ thì sẽ rất lằng nhằng (vả lại, tôi
cũng chẳng hiểu lắm).
[62] “Ambigu”.
[63] Balzac dùng một từ rất hiểm, “cinelle”, khác với
chính tả thông thường.
[64] Tiếp tục áp dụng lý thuyết về nhân diện học của
Lavater (cf. chú thích số 57): Massin-Levrault mang đầy đủ các đặc điểm “đúng
tiêu chuẩn” của hà tiện; ta cũng gặp sự tương tự ở chẳng hạn nhân vật chủ nợ lừng
danh Gobseck xuất hiện trong không ít tác phẩm của Vở kịch con người, trở thành nhân vật cho một tác phẩm riêng, Gobseck.
[65] Loại đèn do một công nhân tên là Bertrand-Guillaume
Carcel nghĩ ra, vào năm 1800 (muốn tìm hiểu sâu hơn thì google).
[66] Ursule Mirouët
là nơi Balzac viết sai rất nhiều, không chỉ chia động từ sai (cf. chú thích số
31) mà ở đây cũng sai về giống đực giống cái - không cần quan tâm lắm.
[67] Nói nhịu: bà Crémière thông thái rởm, “lapsus
linguae” (nói nhịu) thì tưởng là “capsulinguette”, một từ nhìn chung không có
nghĩa, tuy nhiên cũng có thể phân tích nó gồm “capsule” là một cái gì đó như là
bao hoặc nang, và “linguette”, có thể hiểu là thuốc ngậm.
[68] Bà Crémière tưởng “opiat” là một loại nước, nhưng
đó là bột dùng để đánh sạch răng.
[69] Chưa hiểu rõ lắm chỗ này, không biết có phải là mua
bán thực sự không hay chỉ là chuyện gẫu với nhau.
[70] Ta nhớ nhân vật này ở Nàng tình nhân hờ; trong Ursule
Mirouët có câu chuyện chính yếu của hầu tước du Rouvre; ở đây chủ yếu chỉ cần
biết đó là một nhân vật gặp rất nhiều lôi thôi về nợ nần, vì có một cuộc đời
phóng đãng, phá tán tiền của.
[71] “Thủ pháp tự sự” ưa thích của Balzac: ta gặp ở
rất nhiều tác phẩm, sau một “entrée en scène”, sự xuất hiện của các nhân vật ở
mấy “cảnh” đầu, thường Balzac sẽ có một miêu tả về “tiểu sử”, ít nhất là các mối
quan hệ; những đoạn như thế này đặc biệt quan trọng, và Balzac cũng rất giỏi
trong những “tóm tắt cuộc đời các con người”; dường như, để làm cho câu chuyện
tiến lên, Balzac lại giật nó ngược trở lại, đó là một đặc điểm trong cách vận
hành tự sự trong tiểu thuyết balzacien, nói một cách khác, trong lúc xây dựng tự
sự, Balzac tạo lập các “bình diện kết hợp”, chúng có thể tỏa nhánh, chạy song
song, cùng chiều, ngược chiều, quấn quýt vào nhau, thành một hệ thống, một mạng
lưới tự sự.
[72] Tất nhiên, ta nhớ tới đại tá Victor d’Aiglemont của
Người phụ nữ tuổi ba mươi; cũng trong
Người phụ nữ tuổi ba mươi, có một đoạn
hết sức cảm động và nổi tiếng, khi Julie, vợ của Victor d’Aiglemont, lui về sống
ở Saint-Lange; cái tên “Saint-Lange” này chắc hẳn Balzac dựa trên một cái tên
có thật: “Saint-Ange”, ở vùng lân cận của Nemours, đó là tòa lâu đài cổ xưa của
nữ công tước d’Étampes (tại nơi này Voltaire từng sống một thời gian).
[73] Hầu tước du Rouvre, theo “gia phả” mà Balzac lập ra
trong Nàng tình nhân hờ, lấy một phụ
nữ nhà de Ronquerolles, vậy nên Clémentine du Rouvre, con gái của hầu tước, có
cậu bác dì là hầu tước de Ronquerolles và bà de Sérizy; hầu tước du Rouvre phá
tán tài sản chủ yếu vì “bao” nữ diễn viên Florine; Nàng tình nhân hờ và Ursule
Mirouët có nhiều liên quan đến nhau: trên thực tế, Balzac viết Nàng tình nhân hờ vào năm 1841, khoảng
thời gian sau khi Ursule Mirouët đăng
feuilleton trên báo và trước khi nó in thành sách.
[74] Các “faubourg Saint-Germain nhỏ tí xíu”: cụm từ
Balzac hay dùng khi miêu tả cuộc sống tại các tỉnh, chẳng hạn như trong Le Cabinet des Antiques (Phòng cổ vật)
hoặc Béatrix.
[75] Dường như Balzac thực sự tin cuộc sống tại các tỉnh
nổi bật ở tính chất mọi cư dân là họ hàng với nhau.
[76] Lúc nào khác sẽ chú thích sâu hơn về vụ này; ở đây
tạm hiểu đại ý: không phải quý tộc.
[77] Ở đây muốn nói đến Pierre de Guibours, hay gọi là
Cha Anselme (1625-1694), tác giả của Lịch
sử phả hệ và biên niên gia đình vua Pháp.
[78] Ý nó bộ “almanach” chỉ dẫn về vương triều và quý tộc
châu Âu, in lần đầu năm 1763 bởi Ettinger tại Gotha, triều đình quận công
Frederick Đệ tam của Saxe-Gotha-Altenburg (hình như chính Hồng quân Liên Xô đã
phá hủy mất kho lưu trữ của “Almanach Gotha” vào năm 1944, khi đưa quân từ Đông
sang Tây kết thúc Thế chiến thứ hai).
[79] Một loạt ẩn dụ liên hoàn gớm ghiếc so sánh sự phát
triển gia đình, họ hàng với tăng trưởng của thực vật.
[80] “Tỉnh” ở đây là “département” (tỉnh hành chính, chủ
yếu bắt đầu từ Cách mạng mới có), chứ không phải “province” có ý nghĩa biểu tượng
cao hơn nhiều.
[81] Cái từ kỳ dị này là một sáng tạo ngẫu hứng của
Balzac, một “néologisme”, mà cách cấu tạo dựa trên tiếng Latin: ý từ này muốn
diễn đạt điều đã được nói ở đầu đoạn, chuyển từ biệt hiệu sang họ (có thể coi
là thăng tiến trong xã hội) (“biệt danh” trong tiếng Pháp là “surnom”, từ
“cognomen” trong tiếng Latin, từ đó mà có “cognomonisme”).
[82] Thêm một ý tưởng được Balzac lặp đi lặp lại nhiều lần
trong Vở kịch con người, như một
“leitmotiv”: có là thế nào, có tưởng gì đi nữa, thì cái gì vẫn chỉ là cái gì mà
thôi.
[83] Thêm một lần nữa, Walter Scott; các nhà văn Pháp suốt
nhiều thập niên vô cùng thần tượng Scott, thế hệ của Balzac, nhưng cả thế hệ của
Flaubert nữa.
[84] Một số họ quý tộc nổi tiếng của Pháp thời ấy; ý
Balzac muốn nói bên trong các tầng lớp (tầng lớp nào cũng thế) mọi thứ trộn vào
nhau, cho nên qua một số đời, một cá thể thuộc tầng lớp nào đó mang trong mình
tất tật những gì mọi cá thể thuộc tầng lớp ấy trước đó đã mang, và truyền lại.
[85] Sáng Thế Ký.
[86] Theo truyền thống Pháp, nhân vật nhà thông thái
nghĩ ra môn cờ này là một người Bà La Môn Ấn Độ, Sissa, và câu chuyện xảy ra tại
Shiram, Ấn Độ (chứ không phải Ba Tư như Balzac viết).
[87] Đây là lời giải thích của Balzac về “nhân” tạo ra
“quả” là Cách mạng 1789.
[88] Vấn đề này dường như ám ảnh Balzac lâu dài.
[89] Dường như Balzac muốn nói: sẽ lại có cách mạng
thôi; và quả nhiên, Cách mạng tháng Hai sẽ nổ ra, năm 1848, không lâu trước khi
Balzac qua đời.
[90] Giống như chính Balzac, tất nhiên.
[91] Nhà kinh tế học Pierre-Samuel Dupont (de Nemours)
(1739-1827) rất nổi tiếng; như vậy nhà kinh tế hơn Minoret đồng hương bốn tuổi;
Dupont là môn đệ của Quesnay lừng danh mà bất kỳ ai từng nghiên cứu kinh tế học
đều biết (hiểu hay không lại là chuyện khác); đây là một nhân vật có số phận lớn:
sau khi bị thất sủng với Turgot, ông nghiên cứu về nông nghiệp và công nghiệp;
giai đoạn Cách mạng, ông hai lần làm Chủ tịch Quốc hội, biện hộ bảo vệ nhà vua
(ở phương diện này, Dupont giống Malesherbes lừng danh, họ hàng của cả
Chateaubriand lẫn Alexis de Tocqueville; thời ấy, bảo vệ nhà vua đồng nghĩa với
mạo hiểm mạng sống), rồi trốn về Nemours trước khi sang Mỹ, có thời gian quay lại
Pháp (1802-1815) nhưng rồi lại sang Mỹ và qua đời ở đó; Dupont xứ Nemours còn
là một nhà bác ái (philanthrope) lớn.
[92] Trưởng tu Morellet (1727-1819), một nhân vật nổi tiếng,
cộng tác với nhóm Bách khoa, thân với Voltaire và chơi với Franklin, Diderot và
d’Alembert, tác giả nhiều “Mémoires”.
[93] Anh giai Voltaire, như thường lệ, chơi chữ:
“Mord-les” đọc giống “Morellet” và có nghĩa “Cắn chúng đi”.
[94] Bordeu (1722-1776): bác sĩ rất nổi tiếng thời ấy, từng
được Diderot cho trở thành nhân vật trong một vở kịch của mình.
[95] Thôi nhé, giải thích về mấy quả bách khoa thư này sốt
ruột lắm, tự google đi, nếu chưa biết.
[96] Sinh năm 1746, như vậy lúc này Minoret ba mươi mốt
tuổi.
[97] Sensualisme; bản liệt kê ở đây thật ra còn có ý mỉa
mai đủ mọi thứ “chủ nghĩa” của một thời đại phun trào của “khoa học”, tức là đoạn
ngay trước Cách mạng 1789.
[98] Lelièvre là nhân vật có thật, món thuốc của
Lelièvre cũng có thật nốt, và rất thành công, đúng như Balzac nói ở đây, nhưng
nhiều điều nói lên rằng Balzac chỉ lợi dụng vài điều có thật để “nhét” nhân vật
của mình vào, như thể đó là một người thực sự từng tồn tại; thêm một điều quan
trọng nữa trong “thủ pháp tự sự” của Balzac (cf. chú thích số 71).
[99] Cả điều này cũng đúng nốt: món thuốc của Lelièvre
có xuất hiện trên quảng cáo của tờ Mercure
de France (tờ báo này tồn tại từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19).
[100] Dược điển.
[101] Guillaume-François Rouelle (1703-1770), nhà hóa học
rất nổi tiếng, thầy của cả Diderot và Rousseau.
[102] Tức là cuốn tiểu thuyết (bằng thư) Julie của Rousseau.
[103] Ta hãy nhớ Ursule
Mirouët có một đặc điểm lớn là các tên riêng rất giống nhau, chúng như thể
lồng vào nhau, nhiều lúc dễ lẫn lộn.
[104] Thật ra Balzac viết “Roberspierre” chứ không phải
“Robespiere”, tuy nhiên nhân vật này có hai cách viết tên.
[105] Điều tưởng như Balzac chỉ nói vu vơ cho vui này hóa
ra lại đúng: cứ như thể đây là một chỉ dẫn sưu tầm tài liệu quý hiếm.
[106] Theo chính Balzac, bà de Berny, người tình của ông,
cũng chết vì chứng bệnh này.
[107] Nhân vật rất lớn, vô cùng nổi tiếng của Cách mạng
1789: nên tìm hiểu thêm trên google; chi tiết này liên quan đến đoạn về nhà tù
Sainte-Pélagie ở sau.
[108] Từ này rất không dễ dịch: Rousseau gọi
“petite-maîtresse” là một phụ nữ hết sức thanh lịch, trang nhã, có cung cách
cao quý.
[109] Chi tiết rất quan trọng cho câu chuyện, như chúng
ta sẽ sớm thấy; cuộc tranh cãi xung quanh Mesmer và thuật thôi miên xảy ra tại
Pháp trong khoảng thời gian 1784-1786.
[110] Balzac không ít lần dùng thành ngữ này; nhất là
khi nhân vật là người quê ở các thành phố quanh Paris.
[111] Balzac nói điều này là chiểu theo đúng quy định đi
xe trạm thời ấy: nếu hành khách tỏ ý một cách rõ ràng là mình muốn đi theo đường
nào (nếu có ít nhất hai đường có thể đi), thì chủ xe trạm buộc phải tuân theo ý
muốn đó.
[112] J.-F. de La Harpe (1739-1803), nhà phê bình nổi tiếng,
cải đạo khi đang bị nhốt tù tại cung điện Luxembourg, năm 1794.
[113] Nhà thơ trữ tình Ponce-Denis Écouchard Lebrun
(1729-1807), lấy bút danh Pindare (tên một nhà thơ La Mã).
[114] Nhà thơ nổi tiếng Marie-Joseph de Chénier
(1764-1811).
[115] Vị trưởng tu này (cf. chú thích số 92) qua đời năm
1819, như vậy vào thời điểm của câu chuyện, 1813, Minoret không thể chôn
Molleret được: một nhầm lẫn của Balzac.
[116] Helvétius thì qua đời năm 1771, còn vợ ông, sau đó,
có một phòng khách tập hợp rất đông đảo nhân vật nổi tiếng thời ấy, đặc biệt
Franklin.
[117] Julien-Louis Geoffroy (1743-1814): một nhân vật
nổi bật trong giới phơi ơ tông (mà bản thân Balzac phải gờm), tiếp nối Fréron
làm L’Année littéraire và tiếp tục sỉ
nhục Voltaire; Fréron (1719-1776): đối thủ lớn của Voltaire, hai bên chửi nhau
ròng rã suốt nhiều năm trời.
[118] Cũng như trong Nàng
tình nhân hờ, ta bắt gặp cái “pavillon chinois” này tại nhà ở của người
Pháp thời ấy: một mốt lớn.
[119] Đây là một mốt phổ biến khác thời ấy: thuê họa sĩ đến
vẽ nhà; rất nhiều tác phẩm của Vở kịch
con người có chi tiết này.
[120] Balzac tiếp tục nhầm: ở trên (cf. chú thích số
107), Ursule Mirouët (ở đây là vợ của bác sĩ Minoret) được kể là chết sau khi
nhìn thấy “Madame Roland” bị chở đến đoạn đầu đài, tức là sự kiện xảy ra vào
tháng Mười một năm 1793, thế nhưng ở đây mốc cái chết lại được viết là 1789.
[121] Grand-Livre: sẽ giải thích hệ thống đặc biệt này
khi cần thiết hơn.
[122] Học Viện (hay Học Viện Pháp), Institut, là cơ quan
quản lý mấy nơi hay được gọi là “académie”, cùng nhiều cơ sở khác; trong số
này, nổi tiếng nhất là Académie Française, tức là Hàn Lâm Viện Pháp.
[123] Chỉ cần hai con số này cũng đủ giúp chúng ta hình
dung được đại khái mức của “lợi tức”, nghĩa là tương ứng với “lãi suất tiền tiết
kiệm ngân hàng” ngày nay.
[124] Nhân vật từng được Napoléon gọi là “con người
trung thực nhất của thế kỷ”.
[125] Quy đổi sang “hệ thống họ hàng Việt Nam” thì chính
xác đây là một người cháu gọi là “ông trẻ”.
[126] Trong năm 1814, thành phố Montereau bị liên quân nước
ngoài tàn phá, rồi quân đội của Napoléon đến đây đánh đuổi liên quân.
[127] Ursule
Mirouët là một kiệt tác lớn của Balzac, nhưng cũng là nơi Balzac nhầm lẫn
liên tục và bị chê trách rất nhiều: các từ điển ngôn ngữ lớn ghi rõ ví dụ câu
này, và lên án Balzac sử dụng từ “inédit” trong “capitaux inédits” một cách rất
vớ vẩn (ý Balzac muốn nói Massin có tám mươi nghìn franc giấu biến đi, không ai
biết - nhưng Goupil biết).
[128] Fontanes (1757-1821): nhân vật lớn của trường đại học
Paris hồi ấy, rất thân với nhóm triết gia bách khoa thư.
[129] Về hệ thống các trường “collège” thời ấy, cf. Louis Lambert.
[130] Về các “trò chơi xã hội” phổ biến thời ấy, cf. chú
thích số 24 của Albert Savarus; trò
trictrac cũng hết sức đáng nhớ trong Bông
huệ trong thung, ở cuộc sống nơi lâu đài Clochegourde.
[131] Google, google.
[132] Cách mạng 1789 lay động Công giáo tại Pháp đến tận
gốc rễ, nhưng sau đó chính Napoléon tái thiết lập sự thờ phụng.
[133] Cf. Gobseck.
[134] Các nhân vật tôn giáo sở hữu tủ sách lớn: hình ảnh
mà ta hay gặp trong các tác phẩm của Balzac; cf. Louis Lambert và Le Curé de
Tours (Cha xứ Tours).
[135] Có thể thấy rất rõ, Balzac ít nhắc đến nông dân,
nhưng hễ nhắc đến là thường có hình ảnh không mấy đẹp.
[136] Ám chỉ một bài cầu nguyện cho thấy con chiên sẵn
sàng chết vì Chúa.
[137] Đây là một nét nổi bật, theo Balzac, của những người
Kitô giáo đích thực; ta bắt gặp chi tiết này tại nhiều nhân vật của Vở kịch con người.
[138] Thêm một nét lớn nữa trong “nghệ thuật tự sự” của
Balzac; cf. chú thích số 71.
[139] Có thể thấy ngay Minoret là một người “chiết trung”
trong quan điểm chính trị: đọc cả báo “libéral”, báo “ministériel” và báo
“ultra”.
[140] Tức là liên quan đến Thụy Điển; trung đoàn này mang
cái tên ấy kể từ năm 1742, đến 1790 thì trở thành trung đoàn bộ binh số 89.
[141] Một ông vua Thụy Điển, vua đồng thời là chiến binh.
[142] Vở kịch con
người có không ít nhân vật là cái gì đó (chẳng hạn diễn viên) mà không tự
biết.
[143] Tức là vua Charles X tương lai.
[144] Đây là một người khổ hạnh.
(còn nữa)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac
"ông Atlas" gây sự tò mò và cảm tình
ReplyDeletecha này thực sự rất độc đáo, có lẽ hơn Grandet nhiều
ReplyDelete(ở trên nhầm: Laure Balzac sinh năm 1800, tức là chỉ kém Balzac một tuổi, chứ không phải ba)
vì mới có đến đây nên bỗng xui quay ra xem lại đoạn tả "cái chòi" của Hầu tước Vĩ đại. phong cảnh Pháp đẹp mê hoặc. chắc còn do cái cách Balzac vẽ nó chỉ bằng một đoạn văn. nhưng phong cảnh Nemours "nháy mắt" với ông chủ trạm xe còn phong cảnh "cái chòi" hình như tỏ vẻ thờ ơ khinh thị với ông bạn Michu.
ReplyDeleteđặt Michu của "Một vụ việc ám muội" cạnh Minoret-Levrault ở đây là rất hay đấy, nhìn thấy hai nhân vật nổi bật trong số các hình ảnh mà Balzac sử dụng để nói lên, ngoài nhiều điều khác, cái "tragique" (tuy đây là comédie, nhưng tragédie lại rất quan trọng, có lẽ không có "hài kịch" nếu thiếu "bi kịch"), cái "tragique" này chính là liên quan đến sự "không lối thoát" đã nói ở chỗ "mất mật khẩu", và không lối thoát là vì sao, trong "movement" của cái sự bi kịch? là vì định mệnh, nhưng thế còn là chưa đủ, vì định mệnh nhưng trước hết còn vì các passion (dục vọng)
ReplyDeleteI just like the valuable information you provide to your articles.
ReplyDeleteI'll bookmark your weblog and test once more right here regularly.
I'm somewhat certain I'll be told many new stuff right right here!
Best of luck for the next!
❤️❤️❤️
ReplyDelete