NB. mới thêm những đoạn dài dài dài dài Một vụ việc ám muội và Người phụ nữ tuổi ba mươi.
Ferragus là tác phẩm mở đầu cho (3) (về (1) (2) (3) (4) (5) (6) xem ở kia): ta quay trở lại một chút (và thêm một lần nữa, sau đã rất nhiều lần) với cấu trúc chung của toàn bộ Vở kịch con người. Mở đầu và kết thúc, nhất là (1), (2), (3) và (6) đặc biệt quan trọng, các "vị trí chiến lược" đích thực. Balzac không chỉ tạo ra các tác phẩm, mà còn thực sự tạo ra một mạng lưới cho các tác phẩm ấy. Không thể bỏ qua điều này, vì bỏ qua thì coi như sẽ bỏ lỡ dịp thực sự nhìn thấy cả bộ sách. Trong cấu trúc ấy, mở đầu và kết thúc quan trọng vô biên.
Trong số các bản dịch tiếng Việt đã tồn tại (xem ở kia, và nên xem kỹ các ảnh chụp), ta mới chỉ có mở đầu của (1), tức là Cửa hiệu mèo chơi bóng, kết thúc của (2), tức là Illusions perdues (trong tiếng Việt là Vỡ mộng hoặc Ảo tưởng tan tành, nhưng nên gọi là Hết ảo tưởng) và mở đầu của (6), tức là Miếng da lừa. Như vậy, trên tổng số 8 "điểm chiến lược" (đây là cách nhìn hết sức sơ giản nhưng hữu hiệu, cũng chính vì tuyệt đối sơ giản cho nên rất hữu hiệu), mới chỉ có 3, thiếu 5.
Mở đầu của (2) là Ursule Mirouët, mở đầu của (3) chính là Ferragus, kết thúc của (3) là Mặt bên kia của lịch sử hiện thời, kết thúc của (6) là Séraphîta. Đương nhiên, tôi sẽ không bỏ qua kết thúc của (1), là Autre étude de femme (Thêm một ê-tuýt về phụ nữ), một tác phẩm tuy ngắn nhưng vô cùng quan trọng, một dung lượng nhỏ nhưng là một kiệt tác lớn lao của Balzac; ta sẽ sớm đến với Thêm một ê-tuýt về phụ nữ.
(1), (2) và (3), chỉ riêng chúng thôi, đã chiếm đến gần 60 tác phẩm, tức là hơn một nửa Vở kịch con người. Ba phần này được Balzac đặc biệt "đầu tư", không phải chỉ là đầu tư vào tác phẩm riêng lẻ, mà còn vào cả tổng thể, và các mắt xích trở nên quan yếu vô song.
Ta có hai chỗ chuyển, từ (1) sang (2) và từ (2) sang (3). Từ "cuộc đời riêng" sang "đời ở tỉnh", Thêm một ê-tuýt về phụ nữ có phần cuối mở thẳng vào "tính chất tỉnh". Hết ảo tưởng, tác phẩm dùng để chuyển từ (2) sang (3), cũng là tác phẩm dài nhất của Vở kịch con người (dài thứ hai là Splendeurs et misères des courtisanes - mà tôi đã bắt đầu thấy rất rõ là không thể dịch thành "Bước thăng trầm của kỹ nữ" được; tác phẩm này thì nằm ở (3), "Paris") tuy thuộc "tỉnh" nhưng nó chuyển rất ngoạn mục sang "Paris", ngay trong lòng tác phẩm. Thêm một ê-tuýt về phụ nữ và Hết ảo tưởng là hai "đinh ốc" gắn các mảng lại với nhau.
Nhìn thấy cấu trúc thì nhìn thấy nhiều điều: Claude Lévi-Strauss không làm gì khác ngoài như vậy; ta hoàn toàn có quyền nghĩ, nếu có nhiều thời gian hơn (tức là nếu cuộc đời không dừng lại ở tuổi 51), hẳn Balzac cũng đã khiến cho (4) và (5) trở nên giống được như (1), (2) và (3), kể cả phần tôi tạm lược đi nữa, phần "nhà binh" (tức là phần có Les Chouans).
Một độc giả rất tinh tế khi đọc hai phần Ferragus trước (phần thứ nhất và phần thứ hai) đã nhận ngay ra "tính chất điện ảnh" của văn chương Balzac. Điều đó rất đúng.
Đạo diễn sùng mộ Balzac là Rivette: La Belle Noiseuse của Rivette là bộ phim rất nổi tiếng chuyển thể từ Le Chef-d'oeuvre inconnu ("Kiệt tác không ai biết" cũng là nguồn cảm hứng của vô tận con người, trong số đó có André Breton). Bộ phim ấy có Jane Birkin rất là xinh, nhưng tất nhiên bộ ngực trần của Emmanuelle Béart đơn giản là "sublime". Một người bạn của tôi, khi thấy tôi ca ngợi La Belle Noiseuse (và biết tỏng tôi chỉ quan tâm đến Emmanuelle Béart, nói đúng hơn là bộ ngực) đã chế giễu tôi và cho tôi biết, bộ phim chuyển thể tuyệt vời của Rivette từ tác phẩm của Balzac phải là La Duchesse de Langeais. Và đúng như thế, trời ơi. Bộ phim này lấy nhan đề Ne touchez pas la hache (nghĩa là "Đừng chạm vào cây rìu"), là tên thứ nhất Balzac đặt cho tác phẩm, sau đó mới đổi lại thành La Duchesse de Langeais. Nữ công tước de Langeais chính là tập thứ hai của Truyện Mười Ba Quái Kiệt, mà trong đó Ferragus là mở đầu.
Vẫn chưa hết câu chuyện (tình) Rivette-Balzac: Out 1, tức là bộ phim huyền thoại của Rivette dài 11 tiếng đồng hồ, cũng chính là lấy cảm hứng từ Truyện Mười Ba Quái Kiệt, trong đó có cảnh Eric Rohmer khuyên Jean-Pierre Léaud đọc Mặt bên kia của lịch sử hiện thời.
Ở "phần thứ ba" của Ferragus này (cách chia phần này cũng là của riêng tôi, giống (1) (2) (3) etc. như ở trên đã nhắc lại), chúng ta sẽ đi đến ba phần tư câu chuyện. Ferragus không dài, vì thật ra nó chỉ là một phần ba của "trilogy" Truyện Mười Ba Quái Kiệt: sau Ferragus, sau Nữ công tước de Langeais, ta còn có La Fille aux yeux d'or (Cô gái mắt vàng).
Ta đã đến chỗ viên sĩ quan kỵ binh trẻ tuổi (chưa đi đánh trận bao giờ) Auguste de Maulincour không thể chịu đựng nổi vì loạt tai nạn mà mình liên tiếp phải chịu (gãy trục xe ngựa, bị thách đấu một cách trời ơi đất hỡi rồi sau đó bị hầu tước de Ronquerolles bắn cho gần chết), tiến lại gần hơn nữa cặp vợ chồng Jules-Clémence. Từ buổi vũ hội về nhà, giữa Jules và Clémence bắt đầu có những đám mây đen của nghi ngờ xen vào. Họ sẽ giải thích với nhau. Đoạn hai vợ chồng trong phòng ngủ giữa đêm khuya này xứng đáng coi là tinh chất Racine, và tất nhiên, giống như một cảnh phim tuyệt kỹ.
-----------
Jules phủ phục dưới chân nàng, hôn lên hai đầu gối, hai bàn
tay nàng, và trả lời, tiếp tục tuôn những giọt nước mắt mới:
“Clémence yêu quý của anh, anh thấy bất hạnh lắm! Nghi ngờ
người tình của mình thì đâu phải là yêu, mà em là người tình của anh. Anh yêu
em vô vàn nhưng anh lại nghi ngờ em… Những lời mà tên đàn ông kia nói với anh tối
nay đã đánh thẳng vào trái tim anh; dẫu anh không muốn, chúng vẫn ở lì lại đó,
làm anh đảo lộn. Ở bên dưới đấy có điều bí ẩn nào đó. Thêm nữa, anh phải đỏ mặt
xấu hổ, những lời giải thích của em đã không khiến anh được thỏa mãn. Lý trí của
anh chiếu vào anh những tia sáng mà tình yêu của anh khiến anh đẩy bật đi. Đó
là một cuộc chiến đấu tàn tệ. Anh có thể nào dừng ở đó, ôm lấy khuôn mặt em
nhưng vẫn nghi ngờ những ý nghĩ mà hẳn anh không hay biết? - Ôi! anh tin em chứ,
anh tin em, anh vội kêu lên khi thấy nàng buồn bã mỉm cười, và chực mở miệng
nói. Đừng nói gì với anh hết, đừng trách cứ gì anh. Từ em, một lời nói nhỏ nhặt
nhất thôi cũng đủ để giết anh. Vả lại có thể nào em nói được dẫu chỉ một điều
mà anh còn chưa tự nhủ thầm từ ba tiếng nay? Phải, từ ba tiếng đồng hồ, anh ngồi
đây, ngắm em ngủ, đẹp đến thế, anh chiêm ngưỡng vầng trán của em thuần khiết đến
thế và bình yên đến vậy. Ôi! đúng, em vẫn luôn luôn nói với anh mọi ý nghĩ của
em, phải không? Anh là duy nhất trong tâm hồn em. Ngắm nhìn em, đắm ánh mắt vào
trong ánh mắt em, anh thấy rõ mọi điều. Không, đằng sau cặp mắt trong ngần kia
không có bí ẩn nào hết.” Anh đứng dậy, hôn lên mắt nàng. “Hãy để cho anh thú nhận
với em, em yêu quý vô vàn, rằng từ năm năm nay thứ mỗi ngày làm hạnh phúc của
anh lớn thêm lên, đó là việc chẳng bao giờ biết đến ở em bất kỳ tình thân tự nhiên nào, vốn dĩ chúng lúc nào cũng lấn một chút vào tình yêu. Em không có chị
gái, không bố, không mẹ, không một người bạn, và bởi vậy anh không ở bên trên
cũng chẳng bên dưới bất kỳ ai trong trái tim em: ở đó chỉ có một mình anh.
Clémence, nhắc lại cho anh nghe tất tật những dịu êm tâm hồn mà em vẫn thường
hay nói với anh đến vậy, đừng mắng anh, an ủi anh đi, anh thấy bất hạnh lắm. Chắc
chắn là anh có một mối ngờ nhơ bẩn để tự trách cứ, còn em, trong trái tim em
không có điều gì châm đốt em. Em yêu, nói đi, anh có thể nào ở bên cạnh em như
thế? Làm thế nào mà hai mái đầu gắn kết chặt chẽ đến vậy lại có thể đặt trên
cùng một chiếc gối khi một trong số chúng chịu đớn đau trong khi bên kia thì
thanh thản… - Em nghĩ gì thế? đột nhiên anh kêu lên, khi thấy Clémence có vẻ mơ
mộng, câm lặng, và không cầm nổi nước mắt.
- Em nghĩ đến mẹ em, nàng đáp, giọng nghiêm trang. Anh sẽ
không biết được đâu, Jules ạ, nỗi đau mà Clémence của anh buộc phải nhớ đến những
lời vĩnh biệt trên giường hấp hối của mẹ, trong lúc nghe thấy giọng của anh, giọng
nói êm dịu nhất trong số mọi thứ âm nhạc; và rồi phải nghĩ đến hai bàn tay lạnh
giá của một người hấp hối trang trọng đặt lên em, trong lúc được hai bàn tay
anh vuốt ve vào thời điểm anh dồn dập đổ lên em những chứng nhận cho tình yêu dịu
ngọt của anh.” Nàng nâng chồng dậy, ôm lấy anh, siết chặt, với một sức mạnh bồn
chồn mạnh hơn nhiều so với sức mạnh của một người đàn ông, hôn lên tóc anh và rỏ
xuống anh những giọt nước mắt. “A! em mong sao vì anh mà em bị băm vằm trong
lúc vẫn còn sống! Nói cho em đi, rằng em khiến anh hạnh phúc, rằng đối với anh
em là người phụ nữ đẹp nhất, rằng em là cả nghìn phụ nữ đối với anh. Nhưng anh
được yêu như không một người đàn ông nào có bao giờ được yêu. Em chẳng hề biết
những từ như bổn phận hay đức hạnh có nghĩa là gì đâu. Jules, em
yêu anh vì bản thân anh, em hạnh phúc vì yêu anh, và em sẽ luôn luôn yêu anh
nhiều hơn nữa, cho đến hơi thở cuối cùng. Em có chút kiêu ngạo về tình yêu của
em, em tin mình được tiền định chỉ cảm nhận độc một tình cảm trong cả cuộc đời.
Điều em sắp nói với anh đây sẽ gớm ghê, có thể: em sung sướng vì không sinh
con, và chẳng hề mong muốn đứa con nào. Em cảm thấy mình là vợ nhiều hơn là mẹ.
À mà, anh có những nỗi sợ? Nghe em nhé, tình yêu của em, hãy hứa với em là anh
sẽ quên đi, không phải cái giờ khắc trộn lẫn tình dịu dàng và những mối nghi
này, mà là những lời của tay điên kia. Jules, em muốn điều đó. Hứa với em là sẽ
không gặp hắn ta, không đến nhà hắn ta. Em tin chắc rằng nếu anh chỉ cần tiến
thêm dẫu chỉ một bước vào mê cung ấy, chúng ta sẽ rơi ngay vào một vực thẳm nơi
em sẽ chết, nhưng là với tên anh trên môi và trái tim anh ở trong trái tim em.
Tại sao anh lại đặt em cao đến vậy trong tâm hồn anh, đồng thời lại thấp đến thế
trong thực tế? Thế nào cơ, anh, người cho ngần ấy người vay tiền để họ tạo lập
tài sản riêng, anh lại không thể bố thí cho em một mối nghi sao; và, ở đúng cái
dịp đầu tiên trong cuộc đời khi anh có thể chứng tỏ với em một lòng tin không bờ
bến, thì anh lại vứt bỏ em khỏi trái tim anh! Giữa một tên điên và em, thì anh
lại đi tin lời một tên điên, ôi! Jules.”[103] Nàng ngừng lời, hất mớ
tóc rủ xuống trán và cổ; rồi, giọng nói trở nên đau xót, nàng tiếp: “Em đã nói
quá nhiều rồi, chỉ một lời lẽ ra đã đủ. Nếu tâm hồn anh và vầng trán anh vẫn
còn lưu giữ một đám mây, dẫu cho nó nhẹ đến đâu, thì cũng hãy biết rằng, em sẽ
chết vì thế!”
Nàng không thể chế ngự một cơn run rẩy, và mặt nàng tái nhợt
đi.
“Ôi! mình sẽ giết tên kia”, Jules tự nhủ, đỡ lấy vợ và đưa
nàng vào giường.
“Ta hãy bình thản mà ngủ đi thôi, thiên thần của anh, anh
nói, anh đã quên mọi chuyện rồi, anh thề với em đấy.”
Clémence thiếp đi khi nghe câu nói dịu dàng ấy, được nhắc lại
càng dịu dàng hơn. Rồi Jules, ngắm nàng say ngủ, tự nhủ: “Nàng nói đúng, khi
tình yêu thuần hậu đến thế, chỉ một mối nghi thôi cũng đủ làm nó úa tàn. Đối với
cái tâm hồn tươi tắn đến vậy, bông hoa dịu ngọt đến vậy, phải, điều đó hẳn phải
là cái chết.”
“Không, nàng đáp, hôm này xấu trời lắm, chẳng ra ngoài đi dạo được đâu.”
Quả thật, trời đổ mưa như trút. Quãng hai giờ rưỡi, ông
Desmarets tới Khu Hối Đoái và Ngân Quỹ. Bốn giờ, từ Chứng Khoán trở ra, anh
giáp mặt luôn với ông de Maulincour đang đợi sẵn với sự nhẫn nại bừng bừng bắt
nguồn từ nỗi hận và mong muốn trả thù.
“Thưa ông, tôi có các thông tin quan trọng để truyền đạt cho
ông, viên sĩ quan nói, túm lấy cánh tay nhân viên hối đoái. Nghe đây, tôi là một
người quá mức trung thực, tôi không thể dùng đến những bức thư nặc danh hẳn sẽ
gây khuấy động cuộc sống của ông, tôi thích nói chuyện thẳng với ông hơn. Thêm
nữa, hãy tin rằng nếu chuyện không liên quan đến mạng sống của tôi, thì tôi sẽ
không dây, chắc chắn rồi, theo bất kỳ cách thức nào vào chuyện riêng tư của một
cặp vợ chồng, dẫu cho tôi nghĩ mình có quyền làm như vậy.
- Nếu những gì ông định nói với tôi liên quan đến bà
Desmarets, Jules đáp, thì tôi xin ông, thưa ông, nên im đi.
- Nếu tôi im, thưa ông, rất có thể chỉ trong vòng một thời
gian ngắn nữa ông sẽ phải chứng kiến bà Jules trên băng ghế tòa đại hình, ở bên
cạnh một tên tù khổ sai đấy. Giờ thì tôi có được im nữa hay thôi?”
Mặt Jules tái đi, nhưng khuôn mặt đẹp của anh mau chóng mang
một vẻ bình tĩnh giả tạo; rồi kéo viên sĩ quan đến bên dưới một ô văng của Chứng
Khoán tạm thời[105], nơi họ đang ở, sau đó anh nói bằng cái giọng phủ
đầy một xúc cảm nội tâm sâu sắc: “Thưa ông, tôi sẽ nghe ông nói; nhưng sẽ có giữa
chúng ta một cuộc đấu súng một mất một còn nếu…
- Ô! tôi đồng ý ngay, ông de Maulincour kêu lên, tôi dành
cho ông sự coi trọng lớn nhất. Ông nói đến cái chết ư, thưa ông? Chắc hẳn ông
không biết rằng có lẽ vợ ông đã cho người đầu độc tôi vào tối thứ Bảy. Đúng đấy,
thưa ông, kể từ hôm kia, ở tôi xảy ra một điều rất kỳ lạ; tóc tôi bứt rứt ở bên
trong xuyên qua hộp sọ một cơn sốt và một nỗi uể oải chết người, và tôi biết rất
rõ kẻ nào đã động vào tóc tôi trong vũ hội.”
Ông de Maulincour thuật lại, không bỏ sót bất kỳ chi tiết
nào, cả tình yêu Platonic của mình với bà Jules, cả các chi tiết của cuộc phiêu
lưu khởi phát cho cảnh này. Hẳn bất kỳ ai cũng sẽ lắng nghe anh nói chăm chú giống
như nhân viên hối đoái; nhưng chồng của bà Jules có quyền thấy sửng sốt vì câu
chuyện hơn một ai khác trên đời. Trở nên thẩm phán, và là thẩm phán trước một
phụ nữ được yêu chiều, anh thấy trong tâm hồn mình sự ngay thẳng của thẩm phán,
như thể anh đã nhiễm lấy sự công bằng đặc trưng. Vẫn còn là người tình, anh ít
nghĩ đến cuộc đời bị phá nát của mình thì ít hơn là cuộc đời bị phá nát của người
phụ nữ ấy; anh lắng nghe, không phải nỗi bất hạnh của bản thân anh, mà là cái
giọng nói xa xôi đang hét lên với anh: “Clémence không biết nói dối! Tại sao mi
lại phản bội nàng?”
“Thưa ông, viên sĩ quan vệ binh nói khi đã kể xong, chắc chắn
là đã nhận ra, vào tối thứ Bảy, ở ông de Funcal, tay Ferragus kia, mà cảnh sát
cứ tưởng đã chết, tôi đã ngay lập tức sai một người nhiều trí xảo lần theo các
dấu vết của hắn. Về đến nhà, đột nhiên tôi nhớ đến, nhờ một sự tình cờ may mắn,
cái tên của bà Meynardie, được nhắc tới trong bức thư của cái cô Ida kia, chắc
hẳn là tình nhân của kẻ ám hại tôi. Chỉ có độc manh mối ấy, nhưng phái viên của
tôi đã chóng vánh tìm hiểu được cuộc phiêu lưu đáng kinh sợ đó, bởi vì ông ta
còn khéo léo hơn chính cảnh sát trong việc phát hiện sự thật.
- Thưa ông, nhân viên hối đoái đáp, hẳn tôi sẽ không thể cám
ơn ông về những lời này. Ông thông báo cho tôi các bằng chứng, các chứng nhân,
tôi sẽ đợi. Tôi sẽ can đảm truy đuổi sự thật trong câu chuyện kỳ lạ này, nhưng
ông hãy cho phép tôi được nghi ngờ cho tới chừng nào sự hiển nhiên của các sự
kiện được chứng minh cho tôi thấy. Dẫu sao, hẳn ông cũng được thỏa mãn, bởi vì
chắc ông hiểu chúng ta sẽ cần một sự thật.”
Ông Jules trở về nhà.
“Anh sao thế, Jules? vợ anh hỏi, mặt anh nhợt nhạt thấy sợ
quá.
- Trời lạnh lắm”, anh nói, bước đi chậm rãi trong căn phòng
nơi mọi thứ đều nói lên hạnh phúc và tình yêu, cái căn phòng yên tĩnh đến thế
nơi đang sắp bùng lên một cơn bão ghê khiếp.
“Hôm nay em đã không đi ra ngoài”, anh nói tiếp, vẻ máy móc ở
bề ngoài.
Chắc hẳn anh bị thúc đẩy đến chỗ đặt câu hỏi này bởi ý nghĩ
cuối cùng trong cả nghìn ý nghĩ đã bí mật thành hình trong một suy tưởng thấu
suốt, dẫu cho nó được vội vã kích hoạt dưới bàn tay của lòng ghen.
“Không”, nàng đáp, giọng nói có âm sắc ngây thơ giả dối.
Đúng lúc ấy, Jules nhìn thấy trong cabinet trang điểm của vợ
vài giọt nước vương trên cái mũ nhung mà nàng đội hồi sáng. Ông Jules là một
con người mãnh liệt, nhưng cũng đầy tinh tế, và anh thấy kinh tởm việc đặt vợ đối
diện với một cuộc đối chất. Trong một hoàn cảnh như thế, mọi thứ hẳn phải kết
thúc đối với cuộc sống giữa một số người. Tuy nhiên những giọt nước kia giống
như một luồng ánh sáng rọi vào óc anh. Anh ra khỏi phòng, xuống lô bên dưới, và
nói với người gác cổng, sau khi chắc chắn là không bị ai khác nghe thấy:
“Fouquereau, một trăm écu tiền lợi tức cho anh nếu anh nói thật, bằng không nếu
lừa tôi anh sẽ bị đuổi việc, và sẽ không có gì nếu, đã nói sự thật rồi, anh lại
đi rêu rao về câu hỏi của tôi và câu trả lời của anh.”
Anh ngừng lời để nhìn cho rõ người gác cổng, mà anh kéo đến
chỗ gần cửa sổ, và tiếp: “Hôm nay bà có ra khỏi nhà không?
- Bà đi ra ngoài lúc ba giờ kém mười lăm phút, và tôi nghĩ
đã nhìn thấy bà về cách đây nửa tiếng.
- Có đúng là như vậy không, lấy danh dự của anh chứng giám?
- Có, thưa ông.
- Anh sẽ có món tiền lợi tức mà tôi đã hứa; nhưng nếu anh
nói ra, thì hãy nhớ lời hứa của tôi! lúc đó anh sẽ mất tất.”
Jules quay trở lên với vợ.
“Clémence, anh nói với nàng, anh cần xem xét kỹ càng chi
tiêu trong nhà, thế nên em đừng giận vì điều anh sẽ hỏi em nhé. Có phải từ đầu
năm đến giờ anh đã đưa cho em bốn mươi nghìn franc không?
- Hơn đấy, nàng đáp. Bốn mươi bảy.
- Em dùng số tiền ấy rồi chứ?
- Vâng, nàng nói. Trước hết, em đã phải trả nhiều hóa đơn của
năm ngoái…”
“Mình sẽ chẳng biết được điều gì bằng cách này, Jules tự nhủ,
mình vụng quá.”
Đúng lúc ấy người hầu phòng của Jules bước vào, đưa cho anh
một bức thư mà anh mở ra chỉ để cho đúng phép tắc; nhưng anh trở nên chăm chú hết
sức khi nhìn thấy chữ ký.
“Thưa ông,
“Vì sự bình yên của ông cũng như của chúng tôi, tôi quyết định
viết thư cho ông mặc dù không được hân hạnh quen biết ông; nhưng hoàn cảnh của
tôi, tuổi tác của tôi và nỗi sợ một bất hạnh nào đó sẽ tới buộc tôi phải xin
ông tỏ lòng độ lượng trong một tình huống nặng nề mà gia đình đau khổ của chúng
tôi đang rơi vào. Ông Auguste de Maulincour từ vài hôm nay đã có các biểu hiện
của suy thoái đầu óc, và chúng tôi sợ cậu ấy sẽ khuấy động hạnh phúc của ông với
những hoang tưởng mà cậu ấy đã nói với chúng tôi, ông giám quản de Pamiers và
tôi, trong đợt sốt đầu tiên. Vậy nên chúng tôi xin báo trước cho ông về bệnh
tình của cậu ấy, hẳn là vẫn còn có thể chữa trị, nó gây ra các hiệu ứng nghiêm
trọng và mạnh mẽ đối với danh dự của gia đình chúng tôi và tương lai cháu của
tôi đến nỗi tôi xin được đề nghị ông tỏ ra thật kín đáo. Nếu ông giám quản hoặc
tôi, thưa ông, có thể tự đi đến nhà ông, thì chúng tôi sẵn lòng không chọn cách
viết thư; nhưng tôi không nghi ngờ rằng ông sẽ coi trọng lời cầu xin mà một người
mẹ nói với ông ở đây, là đốt bức thư này đi.
“Xin nhận lấy ở đây sự trân trọng lớn nhất của tôi.
“NỮ
NAM TƯỚC DE MAULINCOUR, NHŨ DANH DE RIEUX.”
“Sao mà nhiều sự hành hạ thế này! Jules kêu lên.
- Nhưng anh đang bị làm sao vậy? vợ anh hỏi anh, tỏ ra hết sức
lo lắng.
- Anh vừa mới, Jules đáp, tự hỏi có phải em cho người gửi đến
cho anh bức thư này để xóa tan những mối nghi ngờ của anh không đấy, anh đáp,
ném bức thư vào nàng. Phán xét những đau đớn của anh như thế đấy hả?
- Con người bất hạnh, bà Jules nói, để rơi tờ giấy xuống, em
thương xót ông ta, dẫu cho ông ta gây nhiều điều xấu cho em.
- Em biết ông ta đã nói chuyện với anh?
- A! anh đã đi gặp ông ta mặc dù đã hứa, nàng nói, tỏ ra
kinh hoàng.
- Clémence, tình yêu của chúng ta đang gặp phải nguy hiểm chết
người, và chúng ta ở bên ngoài mọi quy luật thông thường của cuộc đời, vậy nên
hãy bỏ đi những nhìn nhận lặt vặt ở giữa các nguy cơ lớn. Nghe này, nói cho anh
biết tại sao em lại ra khỏi nhà hôm nay đi. Phụ nữ tự nghĩ mình có quyền đôi
khi nói những lời dối trá nho nhỏ. Chẳng phải họ thường thích thú che giấu các
khoái lạc mà họ chuẩn bị cho người đàn ông của họ đấy ư? Vừa nãy, chắc hẳn em
đã nói nhầm một từ với anh, nói là không thay vì có.”
“Này, em thấy không? anh chẳng muốn chơi trò Bartholo[106] đâu, nhưng cái mũ của em đã phản bội em đấy. Mấy vết này chẳng phải là các giọt mưa ư? Tức là em đã đi ra ngoài, thuê xe, và em đã dính những giọt nước này, hoặc trong lúc đi tìm một cỗ xe, hoặc trong lúc bước vào căn nhà nơi em đến, hoặc trong lúc rời khỏi đó. Nhưng một phụ nữ có thể ra khỏi nhà mình một cách hết sức vô tội, dẫu cho cô ta đã nói với chồng là mình sẽ không đi đâu. Có đến biết bao nhiêu lý do để thay đổi ý kiến! Tỏ ra đỏng đảnh, đó chẳng phải một trong các quyền của phụ nữ các em ư? Phụ nữ đâu bị buộc phải nhất ngôn ký xuất. Hẳn là em quên mất điều gì đó, một việc cần làm, một cuộc viếng thăm, hoặc một hành động tốt đẹp nào đó. Nhưng chẳng gì ngăn cản một phụ nữ nói với chồng cô ta điều mà cô ta đã làm. Người ta có bao giờ phải đỏ mặt xấu hổ trong vòng tay một người bạn hay không? Sao nào? đây không phải người chồng ghen tuông đang nói chuyện với em đâu, Clémence của anh ạ, mà là người tình, là người bạn, người anh trai.” Anh hăng hái phủ phục xuống chân nàng. “Nói đi, không phải là để tự biện minh cho em, mà là để làm dịu đi những nỗi đau đớn kinh khiếp. Anh biết rõ là em đã ra khỏi nhà. Vậy thì, em đã làm gì? em đã đi đâu![107]
- Đúng, em đã đi ra ngoài, Jules ạ, nàng đáp, giọng khản đặc,
dẫu cho khuôn mặt vẫn thư thái. Nhưng đừng hỏi em thêm điều gì nữa. Hãy tin tưởng
mà chờ đợi, nếu không như vậy anh sẽ tự tạo cho anh những nỗi hối hận thiên
thu. Jules, Jules của em, lòng tin chính là đức hạnh của tình yêu. Em xin thú
nhận với anh, vào thời điểm này em quá mức bấn loạn nên chưa thể trả lời anh được;
nhưng em hoàn toàn không phải một phụ nữ biết làm trò vờ vịt, và em yêu anh,
anh biết rõ điều đó.
- Ở giữa tất tật những gì có thể làm tan vỡ lòng tin nơi một
người đàn ông, đánh thức sự ghen tuông của anh ta, bởi như vậy anh không phải
là người thứ nhất trong trái tim em, như vậy anh không phải bản thân em… Thôi
được rồi, Clémence, anh vẫn rất muốn tin em, tin vào giọng nói của em, tin vào
ánh mắt của em! Nếu em lừa dối anh, em sẽ xứng với…
- Ôi! cả nghìn cái chết, nàng ngắt lời anh.
- Anh, anh không giấu em bất kỳ suy nghĩ nào của anh, còn
em, em…
- Suỵt, nàng nói, hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào sự im
lặng của cả hai bên.
- A! anh muốn biết mọi điều”, anh kêu lên trong một cơn giận
kinh người.
Đúng lúc đó, những tiếng phụ nữ la hét vang lên, và một giọng
the thé loạn xạ vẳng từ phòng sảnh tới chỗ hai vợ chồng.
“Tôi sẽ vào, tôi nói với các anh rồi đấy! tiếng hét vang
lên. Phải, tôi sẽ vào, tôi muốn nhìn thấy cô ta, tôi sẽ nhìn thấy cô ta.”
Jules và Clémence vội lao ra phòng khách và họ sớm nhìn thấy
mấy cánh cửa bật mở tung. Một cô gái trẻ đột nhiên xuất hiện, theo sau là hai
người hầu, họ nói với ông chủ: “Thưa ông, cô này muốn vào mặc dù chúng tôi đã cố
ngăn. Chúng tôi đã nói với cô ta là Bà không có nhà. Cô ta đáp rằng cô ta biết
rõ Bà đã đi, nhưng cô ta vừa trông thấy bà về. Cô ta đe dọa chúng tôi là sẽ ở
lì lại ngoài cửa nhà cho tới chừng nào đã nói chuyện được với Bà.
- Các anh ra ngoài đi”, ông Desmarets nói với người của mình[108].
“Cô muốn gì, thưa cô?” anh quay sang người phụ nữ lạ mặt, hỏi.
“Tôi tên là Ida, thưa ông. Và nếu đây là bà Jules, mà tôi đang được hân hạnh nói chuyện, thì tôi đến để nói với bà tất cả những gì đang đè nặng lên trái tim tôi, trống lại bà ta. Thật là tệ, khi mà người ta có cuộc đời yên ấm, sở hữu những thứ đồ đạc như bà có ở đây, thế mà lại muốn giật mất khỏi một cô gái khốn khổ một người đàn ông mà tôi đã có mối gắn kết hôn nhân theo đường lối tinh thần[116], và ông ấy nói sẽ sửa chữa các sai lầm bằng cách làm đám cưới với tôi tại tòa thị trính. Ngoài kia có biết bao nhiêu chàng thanh niên đẹp mã, có phải thế không, thưa ông? để mà tha hồ giở trò phăng te zi, chứ không phải cướp đi của tôi một người đàn ông đã lớn tuổi, người mang lại hạnh phúc cho tôi. Dào, tôi không có một dinh thự đẹp, tôi, nhưng tôi có tình yêu của tôi! Tôi căm ghét noại đàn ông đẹp mã và tiền bạc, tôi chỉ yêu thôi, và…”
Bà Jules quay sang chồng: “Xin ông cho phép, thưa ông, tôi
không nghe thêm nữa”, nàng nói và quay trở về phòng.
“Nếu bà này sống cùng ông, thì tôi đã làm nhiều điều xuẩn quá, như tôi thấy đây; nhưng mặc kệ
thôi, Ida nói tiếp. Tại sao bà ta ngày nào cũng đến gặp ông Ferragus thế?
- Cô nhầm rồi, thưa cô, Jules hoảng hốt nói. Vợ tôi không có
khả năng…
- A! hai người là
vợ chồng cơ đấy! cô gái bình dân nói, tỏ ra có chút sửng sốt. Thế thì chuyện sẽ
tệ hơn nhiều, thưa ông, chẳng phải à, đối với một phụ nữ có được hạnh phúc là lấy
được chồng một cách hợp pháp, thế mà lại còn có quan hệ với một người đàn ông
như Henri…
- Nhưng sao cơ, Henri, ông Jules nói, túm lấy Ida và lôi cô
vào một căn phòng bên cạnh để vợ anh không nghe được gì nữa.
- Vâng, thì, ông Ferragus…
- Nhưng ông ta chết rồi cơ mà, Jules nói.
- Đủ rồi! đủ rồi! Jules nói. Cô sống ở đâu?
- Phố La Corderie-du-Temple[118], số 14, thưa
ông. Ida Gruget, thợ may áo ngực, xin hân hạnh phục vụ ông, vì chúng tôi cũng
làm rất nhiều cho các quý ông.
- Thế cái người mà cô gọi là Ferragus thì sống ở đâu?
- Nhưng, thưa ông, cô đáp, cắn cắn môi, trước hết đó không
phải một cái người. Đó là một quý ông có lẽ còn giàu hơn cả ông kia. Nhưng tại
sao ông lại đi hỏi địa chỉ ông ấy khi mà vợ ông có biết? Ông ấy đã dặn tôi
không bao giờ được nói cho ai. Tôi có bị buộc phải trả lời ông không?… Ơn Chúa,
tôi đang không ở chỗ xưng tội, cũng không ở chỗ cảnh sát, và tôi chỉ phụ thuộc
vào mỗi mình tôi mà thôi.
- Thế nếu như tôi tặng cho cô hai mươi, ba mươi, bốn mươi
nghìn franc để cô nói cho tôi biết ông Ferragus sống ở đâu?
- A! á, ấy, chớ, anh bạn ơi, kết thúc rồi! cô đáp, thêm vào
cho câu trả lời lạ thường ấy một cử chỉ rất bình dân. Không có khoản tiền nào
làm tôi nói điều đó được đâu. Tôi rất vinh hạnh được chào ông. Ra khỏi đây thì
phải đi lối nào?
Jules, kinh hoảng, để mặc Ida đi khỏi, không nghĩ gì đến cô
nữa. Như thể cả thế giới vừa sụp đổ bên dưới anh; và, trên đầu anh, bầu trời
tan vỡ.
“Thưa ông, bữa tối đã sẵn sàng”, người hầu phòng cất lời.
Người hầu phòng và người hầu phụ trách văn phòng đợi trong
phòng ăn suốt khoảng mười lăm phút mà không thấy ông bà chủ đâu.
“Bà sẽ không dùng bữa tối, cô hầu xuống thông báo.
- Có chuyện gì thế, Joséphine? người hầu hỏi.
- Tôi không biết, cô đáp. Bà khóc và đang nằm trên giường.
Chắc hẳn ông có vụ tình ái gì đó bên ngoài, và đã bị phát hiện vào một thời điểm
rất tệ, anh có hiểu không? Tôi sẽ không dám chắc về tính mạng của Bà. Đàn ông
ai cũng vụng thối vụng nát! Họ cứ gây cho chúng tôi các chuyện lộn xộn mà không
hề báo trước.
- Không hề đâu, anh hầu hạ giọng nói, mà là ngược lại, Bà…
mà cô hiểu rồi đấy. Thời tiết đang tệ hại như thế mà Ông vẫn đi ra ngoài, từ
năm năm nay chưa một lần nào ông ấy ngủ ở đâu khác ngoài phòng của Bà; rồi thì
xuống phòng cabinet lúc mười giờ, và đến trưa mới ra khỏi đó để dùng bữa! Cuộc
đời ông ấy ai cũng biết, rất phép tắc, khác hẳn Bà gần như hôm nào cũng phi đi
mất, vào lúc ba giờ chiều, chẳng ai biết là đi đâu.
- Ông cũng vậy còn gì, cô hầu phòng đáp, để bảo vệ bà chủ.
- Nhưng ông ấy đến Chứng Khoán còn gì. Tuy nhiên tôi đã
thông báo ba lần là bữa tối đã sẵn sàng, người hầu nói tiếp sau một quãng ngừng,
cứ như là đang nói chuyện với một người
ngẫm[119] ấy!
Ông Jules bước vào.
“Bà đâu? anh hỏi.
- Bà sẽ đi ngủ, bà bị đau đầu”, cô hầu phòng đáp, làm ra vẻ
mình là người quan trọng.
Ông Jules bèn nói, hết sức lạnh lùng, với những người hầu:
“Thế thì dọn hết đi, tôi sẽ lên với Bà.”
Và anh bước vào phòng của vợ, nàng đang khóc, nhưng cố nén
những tiếng nức nở trong cái khăn mùi soa.
“Tại sao bà lại khóc? Jules nói với nàng. Bà chẳng hề phải
chờ đợi từ tôi những hành động bạo liệt hay lời trách móc. Tại sao tôi lại phải
đi trả thù? Nếu bà đã không chung thủy với tình yêu của tôi, thì đấy là vì bà
đã không xứng đáng…
- Không xứng đáng!” Những từ nhắc lại ấy vang lên xuyên qua
tiếng nức nở, và âm điệu phát ra chúng hẳn có thể làm mềm lòng mọi người đàn
ông khác, nhưng không phải Jules.
“Để có thể giết bà, có lẽ cần phải yêu nhiều hơn so với tôi
yêu, anh tiếp tục; nhưng tôi sẽ không có đủ lòng can đảm để làm việc ấy, hẳn
thay vào đó tôi sẽ giết chết chính tôi, để lại bà cho… hạnh phúc của bà, và
cho… cho ai?”
Anh không nói được hết câu.
“Tự giết mình”, Clémence hét lên, lao tới phủ phục dưới chân
Jules, hôn lên chúng.
Nhưng, anh, muốn vùng thoát ra khỏi vòng tay ôm đó và lay người
vợ trong lúc lôi nàng đến chỗ cái giường.
“Thả tôi ra, anh nói.
- Không, không, Jules! nàng hét lên. Nếu anh không yêu em nữa,
em sẽ chết. Anh có muốn biết mọi chuyện không?
- Có.”
Anh ôm lấy nàng, siết thật mạnh, ngồi xuống gờ cái giường,
giữ nàng giữa hai chân; rồi, ngắm nhìn với cặp mắt ráo hoảnh khuôn mặt xinh đẹp
kia đã đổi sang màu của lửa, nhưng loang các vệt nước mắt: “Nào, em nói đi”,
anh nhắc lại.
Những tiếng nức nở của Clémence lại tiếp tục.
“Không, đó là một điều bí mật liên quan đến chuyện sống chết.
Nếu nói ra, em sẽ… Không, em không thể. Xin anh làm phúc, Jules!
- Em vẫn cứ lừa anh…
- A! anh không còn gọi em là bà nữa rồi! nàng kêu lên. Phải, Jules ạ, anh có thể nghĩ là em lừa
anh, nhưng anh sẽ sớm biết thôi.
- Nhưng cái tay Ferragus kia, tên tù khổ sai[120]
mà em hay gặp, cái kẻ làm giàu nhờ các tội ác, nếu hắn không thuộc về em, nếu
em không là của hắn…
- Ôi! Jules?…
- Được rồi, chắc hẳn đó là người xa lạ đã hỗ trợ em; người
mà nhờ ông ta chúng ta mới có được tài sản ngày nay, như người ta từng nói?
- Ai nói điều đó?
- Một người, anh đã giết hắn bằng một cuộc đấu súng rồi.
- Ôi! Chúa ơi! đã có một người chết.
- Nếu đó không phải người bảo trợ của em, nếu ông ta không
đưa cho em vàng, mà là em đưa, xem nào, hay đó là anh trai em?
- Thế, nàng đáp, nếu đúng là như vậy?”
Ông Desmarets khoanh tay lại.
“Vậy tại sao lại phải giấu anh? anh nói tiếp. Có phải mẹ em
và em đã lừa dối anh không? Vả lại, người ta có ngày nào cũng đến nhà anh trai,
hoặc gần như thế, không, hả?”
Vợ anh ngất xỉu dưới chân anh.
Anh nhảy vọt tới chỗ mấy sợi dây chuông, gọi Joséphine và bế Clémence đặt lên giường.
“Em sẽ chết mất thôi, bà Jules nói khi tỉnh lại.
- Joséphine, ông Desmarets hét lên, đi tìm ông Desplein đến
đây. Rồi sau đó ghé nhà anh tôi, bảo anh ấy tới càng sớm càng tốt.
- Tại sao lại gọi anh của anh đến?” Clémence hỏi.
Jules đã ra khỏi phòng.
Lần đầu tiên kể từ năm năm, bà Jules phải nằm một mình trên
giường, và buộc lòng phải để một bác sĩ bước vào phòng ngủ linh thiêng của
mình. Đây là hai nỗi đau quá lớn. Desplein thấy tình trạng bà Jules rất tệ hại,
chưa từng bao giờ cảm xúc mạnh xảy đến không đúng lúc như vậy. Ông không muốn
nói sớm một điều gì, và hẹn hôm sau mới cho biết ý kiến, sau khi đã kê một số
liều thuốc không hề được dùng tới, bởi vì những mối quan tâm của trái tim đã
khiến quên đi mọi chăm sóc thể chất. Đến quãng buổi sáng, Clémence vẫn chưa ngủ.
Nàng mải bận tâm tới tiếng rì rầm một cuộc trò chuyện kéo dài suốt nhiều tiếng
đồng hồ giữa hai anh em; nhưng các bức tường quá dày không để lọt đến tai nàng
lấy một lời hòng hé lộ chủ đề cuộc gặp thật dài ấy. Ông Desmarets, chưởng khế,
sớm đi khỏi. Sự tĩnh lặng của màn đêm, rồi hoạt động lạ thường của giác quan mà
dục vọng khiến trở nên tinh nhạy, cho phép Clémence nghe thấy tiếng sột soạt của
một ngòi bút và các chuyển động vô chủ ý của một người đang mải viết. Những ai
quen thức đêm, và những ai từng quan sát các hiệu ứng khác nhau của truyền âm
qua một sự im lặng sâu thẳm, đều biết rằng thường một vang vọng nhỏ cũng dễ nhận
biết tại chính những nơi người ta không thể nghe rõ các thì thầm đều đều và
liên tục. Bốn giờ, tiếng ồn ngừng lại. Clémence, trong lòng lo lắng và người
run rẩy, nhỏm dậy. Rồi, chân trần, không khoác pe nhoa, chẳng hề nghĩ đến thân
hình xâm xấp mồ hôi cũng như tình trạng mình đang lâm vào, người phụ nữ khốn khổ
may mắn mở được cánh cửa thông mà không làm nó kêu cọt kẹt. Nàng trông thấy chồng,
cây bút cầm trên tay, ngủ gục trong ghế phô tơi. Những ngọn nến cháy trên đĩa.
Nàng chậm rãi tiến lên, và đọc thấy trên một phong bì đã đóng dấu niêm: ĐÂY LÀ
DI CHÚC CỦA TÔI.
Nàng quỳ xuống như thể đang ở trước một nấm mồ và hôn tay chồng,
anh choàng tỉnh giấc.
“Jules, bạn của em, đến các tên tội phạm lĩnh án tử cũng được
người ta ban cho vài ngày cơ mà, nàng nói, nhìn anh bằng cặp mắt thiêu đốt bởi
cơn sốt và bởi tình yêu. Người vợ trong trắng của anh chỉ xin anh hai ngày mà
thôi. Xin hãy để cho em được tự do trong vòng hai ngày, và… hãy chờ đợi! Sau
đó, em sẽ chết trong sung sướng, ít nhất thì anh cũng sẽ tiếc em.
- Clémence, anh đồng ý cho em hai ngày.”
Và, vì nàng hôn tay chồng trong một cơn nồng nhiệt con tim đầy
cảm động, Jules, ngây ngất trước tiếng kêu của lòng trong trắng đó, ôm lấy nàng
và hôn lên trán nàng, cảm thấy hết sức xấu hổ vì vẫn ở dưới quyền lực của vẻ đẹp
cao quý này.
Hôm sau, nghỉ ngơi vài tiếng, Jules bước vào phòng ngủ của vợ,
máy móc tuân theo tập quán không ra khỏi nhà trước khi gặp nàng. Clémence đang
ngủ. Một tia nắng xuyên qua các khe cao nhất của đám cửa sổ rơi xuống khuôn mặt
người phụ nữ đau xót ấy. Những nỗi đau đã kịp làm úa tàn vầng trán nàng, cùng
màu đỏ tươi cặp môi nàng. Con mắt một người tình không thể nhầm lẫn khi nhìn thấy
vài vết lằn hằn sâu và sắc tái bệnh hoạn đã thay thế cả tông màu đều đặn của cặp
má lẫn màu trắng ngà của làn da, hai lớp nền thuần khiết trên đó hiển hiện theo
cách thức thật ngây thơ các tình cảm của tâm hồn đẹp đó.
“Nàng đau khổ, Jules tự nhủ. Clémence khốn khổ, cầu Chúa che
chở cho chúng con!”
Anh hôn lên trán nàng, thật dịu dàng. Nàng tỉnh dậy, nhìn thấy
chống và hiểu mọi điều; nhưng, không thể thốt nên lời, nàng cầm lấy tay anh, và
cặp mắt nàng giàn giụa nước.
“Em vô tội, nàng nói, như để kết thúc giấc mơ.
- Em sẽ không ra ngoài phải không, Jules hỏi nàng.
- Không, em thấy quá yếu, không rời khỏi giường được đâu.
- Nếu em đổi ý thì cũng đợi đến lúc anh về đấy nhé”, Jules
nói.
Và anh đi xuống lô của người gác cổng.
“Fouquereau, anh sẽ theo dõi cửa thật sát sao, tôi muốn biết
những người đi vào nhà, và những người đi ra.”
Rồi ông Jules nhảy lên một cỗ xe thuê, bảo đánh đến dinh thự
Maulincour, và đòi gặp nam tước.
“Ông đang ốm”, người ta trả lời anh.
Jules vẫn đòi vào nhà, nói tên mình; và, nếu không gặp được
ông de Maulincour, anh muốn gặp ông đại diện hoặc bà quyền quý già. Anh đợi một
lúc trong phòng khách của bà nam tước, bà ra gặp anh, và bảo anh cháu bà đang bệnh
rất nặng, không thể tiếp anh được.
“Tôi biết, thưa bà, Jules đáp, bản chất căn bệnh của ông ấy
nhờ bức thư mà bà đã cho tôi vinh hạnh được nhận, và tôi xin bà tin vào…
- Một bức thư gửi cho ông, thưa ông! từ tôi! bà quyền quý
kêu lên, ngắt lời anh, nhưng tôi có viết thư gì đâu. Thế người ta đã giả vờ là
tôi nói gì, trong bức thư ấy?
- Thưa bà, Jules đáp, vì có ý định đến nhà ông de Maulincour
hôm nay luôn, đồng thời để trả lại cho bà bức thư, nên tôi đã nghĩ là có thể giữ
nó mặc cho mệnh lệnh viết ở đoạn cuối. Nó đây.”
Bà quyền quý bấm chuông để gọi người mang đến cho mình cặp
kính dày và, khi đã bắt đầu đọc được tờ giấy, bà bày tỏ nỗi sửng sốt lớn nhất.
“Thưa ông, bà nói, chữ viết của tôi đã được bắt chước một
cách hoàn hảo, đến nỗi nếu đây không phải một chuyện mới xảy ra thì hẳn bản
thân tôi cũng nhầm mất. Cháu tôi đang ốm, điều đó là đúng, thưa ông; nhưng lý
trí của nó chưa từng bao giờ bị hư hỏng một
chút nào. Chúng ta đang trở thành món đồ chơi cho những kẻ xấu xa; tuy
nhiên, tôi không đoán nổi sự láo xược này là nhằm mục đích gì… Ông sẽ vào gặp
cháu tôi, thưa ông, và ông sẽ nhận ra là tâm trí nó hoàn toàn bình thường.”
Và bà lại bấm chuông, cho người đi hỏi xem nam tước có thể
tiếp ông Desmarets được hay không. Người hầu quay trở lại, đáp là có. Jules bèn
leo lên chỗ Auguste de Maulincour, đang ngồi trong một cái phô tơi, cạnh lò sưởi
và, đã quá yếu không thể đứng dậy, chào anh bằng một động tác buồn bã, ông đại
diện de Pamiers cũng ở đó.
“Thưa ông nam tước, Jules nói, tôi có điều này khá là đặc biệt
muốn nói với ông, và mong muốn chỉ có chúng ta với nhau.
- Thưa ông, Auguste đáp, ông giám quản biết toàn bộ câu chuyện
này, và ông có thể nói trước mặt ông ấy mà không phải e ngại điều gì.
- Thưa ông nam tước, Jules nói tiếp, giọng nghiêm trang, ông
đã khuấy động, đã gần như tàn phá hạnh phúc của tôi, dẫu không có quyền làm như
vậy. Cho tới lúc nào chúng ta thấy rõ được ai trong số hai ta có thể yêu cầu hoặc
phải thực hiện một sự sửa chữa cho người kia, ông đã hứa giúp tôi bước đi trên
con đường tối tăm nơi ông đã ném tôi vào. Vậy nên tôi đến đây để biết từ ông
nơi ở hiện tại của cái kẻ bí hiểm đang gây một ảnh hưởng trầm trọng tới vậy lên
số phận chúng ta, và dường như có thể điều khiển một sức mạnh siêu nhiên. Hôm
qua, đúng lúc tôi về nhà, sau khi nghe những lời thú nhận của ông, đây là bức
thư mà tôi nhận được.”
Và Jules chìa cho anh bức thư giả mạo.
“Cái tay Ferragus này, cái tay Bourignard này, hoặc giả cái
tay de Funcal này, đúng là một con quỷ, Maulincour kêu lên sau khi đọc thư. Tôi
đã đặt chân vào mê cung nào thế này? Tôi đang đi đâu đây? - Tôi đã nhầm, thưa
ông, anh nhìn Jules, nói; nhưng chắc chắn cái chết là sự sám hối lớn nhất, và
cái chết đã tiến đến sát tôi rồi. Thế nên ông có thể hỏi tôi mọi thứ gì mà ông
muốn, tôi xin theo lời ông.
- Thưa ông, chắc ông biết kẻ lạ mặt sống ở đâu, tôi nhất định
muốn, dẫu cho điều này có khiến tôi mất toàn bộ tài sản hiện có, xâm nhập bí ẩn
này; và, trước một kẻ thù mưu trí theo đường lối tàn nhẫn như vậy, mọi khoảnh
khắc đều quý giá.
- Justin sẽ nói cho ông mọi chuyện”, nam tước đáp.
Nghe thấy thế, ông giám quản nhúc nhích người trên ghế.
Auguste nhấn chuông.
“Justin không có ở nhà, ông đại diện kêu lên với một sự mau
mắn nói lên rất nhiều điều.
- Vậy thì, Auguste vội nói, người của chúng ta biết ông ta ở
đâu, một người sẽ cưỡi ngựa nhanh chóng đi tìm ông ta về. Người hầu của ông
đang ở trong thành phố, có phải không? Ta sẽ tìm được ông ta tại đó.”
Ông giám quản tỏ ra hết sức bấn loạn.
“Justin sẽ không đến đâu, anh bạn ạ, ông già nói. Anh ta chết
rồi. Ta đã muốn giấu cháu tai nạn này, nhưng…
- Chết, ông de Maulincour kêu lên, chết? Nhưng khi nào? và tại
sao?
- Đêm hôm qua. Anh ta đi dùng bữa xupe với các bạn cũ, và chắc
hẳn đã uống say; các bạn của anh ta, cũng nốc đẫy giống anh ta, hẳn đã để mặc
anh ta nằm lại ngoài phố, và một cỗ xe lớn đã chẹt lên người anh ta…
- Tên tù khổ sai đã không đánh hụt. Ngay ở đòn đầu tiên hắn
đã giết được ông ta, Auguste nói. Ông ta đã không may mắn bằng tôi, hắn đã buộc
phải ra tay đến bốn lần liền.”
Jules trở nên u tối và tư lự.
“Vậy, tôi sẽ chẳng biết được gì, nhân viên hối đoái kêu lên
sau một hồi lâu suy nghĩ. Có lẽ người hầu của ông đã bị trừng trị một cách đích
đáng! Chẳng phải hắn đã làm quá các mệnh lệnh của ông bằng cách vu khống bà
Desmarets trong tâm trí một Ida nào
đó, người mà hắn đã đánh thức lòng ghen tuông nhằm dẫn dắt cô ta nổi xung chống
lại chúng tôi?
- A! thưa ông, trong cơn giận dữ của tôi, tôi đã bỏ mặc bà
Jules cho ông ấy.
- Thưa ông! người chồng kêu lên, cảm thấy vô cùng tức giận.
- Ồ! giờ thì, thưa ông, viên sĩ quan đáp, khoát tay đòi người
kia giữ im lặng, tôi sẵn sàng cho mọi chuyện rồi. Ông sẽ không làm được hơn những
gì đã được làm đâu, và ông sẽ không nói cho tôi được điều gì mà ý thức còn chưa
nói cho tôi đâu. Sáng nay tôi đang đợi vị giáo sư nổi tiếng nhất về chuyên
ngành độc dược để biết xem số phận tôi sẽ như thế nào. Nếu sẽ phải gánh chịu những
nỗi đau đớn quá lớn, thì tôi đã quyết rồi, tôi sẽ tự bắn tung sọ.
- Cháu nói năng như một đứa trẻ con, ông giám quản kêu lên,
kinh hãi trước sự lạnh lùng mà nam tước tỏ ra khi nói những lời ấy. Bà của cháu
sẽ chết vì sầu muộn mất thôi.
- Vậy thì, thưa ông, Jules nói, không có phương cách nào để
biết cái kẻ lạ thường kia sống ở đâu tại Paris?
- Tôi nghĩ, thưa ông, ông già đáp, là tôi đã nghe Justin tội
nghiệp nói rằng ông de Funcal trú ngụ ở đại sứ quán Bồ Đào Nha hoặc Braxin[121].
Ông de Funcal là một nhà quyền quý thuộc về cả hai đất nước đó. Còn về phần tên
tù khổ sai, hắn đã chết và đã bị chôn. Kẻ hành hạ ông, dẫu đó là ai đi nữa, dường
như cũng đủ hùng mạnh để buộc ông phải chấp nhận hắn bên dưới hình dạng mới,
cho tới chừng nào ông có các phương tiện để chơi lại hắn và đè bẹp hắn; nhưng
hãy hành động thận trọng, thưa ông thân mến. Nếu ông de Maulincour làm theo các
lời khuyên của tôi, chẳng gì trong tất tật các chuyện này xảy ra đâu.
Jules lạnh lùng, nhưng lịch thiệp, rời khỏi đó, và không biết
nên làm gì để tìm ra Ferragus. Đúng lúc anh về đến nhà, người gác cổng thông
báo Bà đã ra khỏi nhà để đi thả một bức thư vào hòm thư của bưu điện nhỏ nằm đối
diện phố Ménars. Jules cảm thấy nhục nhã khi nhận ra trí tuệ tuyệt vời mà người
gác cổng của anh sử dụng để phục vụ cho anh, và sự khéo léo để có thể đoán ra
các phương cách phụng sự anh. Thói mau mắn của kẻ dưới và sự khéo léo đặc biệt
của bọn họ trong việc gây nguy hại cho chủ, những người cũng tự gây nguy hại
cho bản thân mình, anh đã quá biết, mối nguy khi có bọn họ là đồng lõa trong bất
kỳ điều gì, anh hiểu rõ; nhưng anh chỉ có thể nghĩ đến phẩm giá cá nhân vào thời
điểm thấy mình đột nhiên bị hạ thấp. Thật là một thắng lợi lớn lao đối với tên
nô lệ không có khả năng vươn tới tầm vóc ông chủ, khi làm được ông chủ rơi tụt
xuống ngang bằng mình! Jules gắt gỏng và cứng rắn. Một lỗi lầm khác. Nhưng anh
đang đau khổ nhiều đến vậy! Cuộc đời anh, cho đến lúc ấy thật ngay thẳng, thật
thuần khiết, giờ trở nên ngoằn ngoèo; và giờ đây anh phải mưu mẹo, phải nói dối.
Và Clémence cũng nói dối và mưu mẹo. Thời điểm này là một thời điểm chán ngán.
Đắm mình vào một vực thẳm đầy những suy nghĩ cay đắng, Jules máy móc ở lại đó,
bất động, nơi cửa dinh thự nhà anh. Lúc thì, buông mình vào các ý nghĩ tuyệt vọng,
anh muốn chạy trốn, rời nước Pháp, mang theo mọi ảo tưởng về bất xác quyết trước
tình yêu của anh. Khi, chẳng nghi ngờ gì nữa rằng bức thư mà Clémence thả vào
hòm thư là để gửi cho Ferragus, anh lại tìm kiếm các phương cách để bắt chợt
câu trả lời mà cái kẻ bí hiểm kia sẽ có. Lại có lúc anh phân tích những điều
tình cờ kỳ quặc của cuộc đời anh kể từ khi lấy vợ, và tự hỏi chẳng biết lời vu
khống mà anh đã trừng phạt có phải một sự thật hay không. Rốt cuộc, quay trở lại
câu trả lời của Ferragus, anh tự nhủ: “Nhưng cái kẻ khéo léo một cách sâu sắc đến
vậy, logic đến vậy trong từng hành động nhỏ nhặt, kẻ trông thấy, kẻ dự cảm, kẻ
tính toán và thậm chí còn đoán được các suy nghĩ của chúng ta, Ferragus sẽ có
trả lời hay không? Chẳng phải hắn sẽ sử dụng các phương cách ăn nhịp với quyền
lực của hắn ư? Chẳng phải hắn sẽ gửi câu trả lời qua tay một tên gian xảo khéo
léo nào đó hoặc, có thể, để vào trong một hộp đồ do một con người trung hậu nào
đó mang tới mà không biết mình đang cầm theo cái gì, hoặc giả trong một cái gói
đựng giày mà một cô công nhân sẽ đến đưa cho vợ mình, một cách vô tội nhất mực?
Nếu Clémence và hắn thông đồng với nhau thì sao?” Và anh nghi ngờ mọi thứ, và
anh băng ngang các cánh đồng rộng mênh mông, biển không bờ bến của những giả định;
rồi, sau khi đã trôi nổi một hồi lâu giữa cả nghìn điều đối nghịch nhau, anh thấy
mình mạnh mẽ nhất khi ở nhà, hơn so với mọi nơi khác, và quyết định rình trong
dinh thự, giống một con kiến sư tử dưới đáy cái hố đầy cát của nó.
“Fouquereau, anh nói với người gác cổng, với bất kỳ ai đến
đòi gặp tôi, nói là tôi đi vắng rồi nhé. Nếu có ai đó muốn nói chuyện với Bà hoặc
mang cái gì đến cho Bà, anh hãy bấm chuông hai lần. Rồi anh đưa tôi xem mọi thư
từ gửi tới đây, bất cứ là cho ai!”
“Như vậy, anh nghĩ, trên đường quay trở lại cabinet nằm dưới
tầng hầm, mình sẽ vượt trước các trò xảo trá của bậc thầy Ferragus. Nếu hắn cử
phái viên nào đó đủ ranh ma để đòi gặp mình nhằm biết xem Bà có đang ở một mình
hay không, ít nhất mình cũng sẽ không bị lừa như một thằng ngu!”
Anh đứng sát vào các ô kính trong cabinet riêng, chúng nhìn
ra phố và, bằng một mưu mẹo cuối cùng được gợi cảm hứng từ lòng ghen, anh quyết
định sai nhân viên ký lục thứ nhất của mình lên xe ngựa, rồi đi đến Chứng Khoán
thay cho anh, mang theo một bức thư gửi một nhân viên hối đoái bạn của anh,
trong đó anh giải thích các vụ mua bán và nhờ anh ta làm thay cho mình. Anh
chuyển các giao dịch nhạy cảm nhất sang hôm sau, chẳng buồn quan tâm đến giá
lên giá xuống, cũng như mọi món nợ của châu Âu. Một ưu tiên cho tình yêu mới lớn
làm sao! anh đè nát mọi thứ, làm mọi thứ phải tái mặt hoảng sợ: ban thờ, ngai
vàng và các Sổ Lớn[122]. Ba giờ rưỡi, đúng lúc Chứng Khoán đang rừng
rực nhất với những món hoãn, sự lưu chuyển, khoản tiền bớt, trang trại, v.v…,
thì ông Jules nhìn thấy Fouquereau mặt mũi rạng rỡ bước vào cabinet.
“Thưa ông, một mụ già mới đến, rất chỉn chu, ăn mặc ra gì lắm. Mụ ta hỏi Ông, tỏ ra bực bội vì không
tìm được, và đưa tôi chuyển cho Bà bức thư này.”
Cảm thấy một cơn hoảng sợ bừng sốt, Jules bóc dấu niêm bức
thư; nhưng anh mau chóng ngồi phịch xuống phô tơi, mệt rã rời. Bức thư là một sự
vô nghĩa từ đầu đến cuối, và cần có chìa khóa thì mới có thể đọc được nó. Nó được
viết bằng mật mã.
Đúng lúc đó một ý nghĩ may mắn nảy ra trong óc anh với nhiều sức mạnh đến mức gần như anh được nó rọi sáng theo đúng nghĩa đen. Những ngày còn sống trong cảnh khốn cùng cực nhọc, trước khi lấy vợ, Jules từng có một người bạn đích thực, gần như một Pechméja[123]. Sự tinh tế vô chừng mà người ấy từng thể hiện trong mối quan hệ ít dễ dàng với một người bạn nghèo và khiêm nhường, sự tôn trọng mà anh ta dành cho anh, sự khéo léo cao độ anh ta từng dùng để buộc anh, theo đường lối thật cao quý, chia sẻ sự giàu có riêng mà không khiến anh phải đỏ mặt xấu hổ, càng làm tăng thêm chất lượng tình bạn giữa họ. Jacquet vẫn trung thành với Desmarets, mặc cho tài sản của anh.
Jacquet, con người của trung hậu, cần cù, khổ hạnh trong phong hóa, đã chậm chạp đi con đường riêng của mình tại cái bộ vừa sử dụng nhiều sự bất lương nhất vừa sử dụng nhiều lòng trung thực nhất. Là nhân viên[124] ở Bộ Ngoại giao, anh phụ trách phần việc tinh tế nhất, lưu trữ. Ở bộ, Jacquet giống như một loại đom đóm khi cần thì rọi ánh sáng xuống đống thư từ trao đổi bí mật, bằng cách giải mã và sắp xếp điện tín. Có vị trí cao hơn so với người tư sản thuần túy, tại Bộ Ngoại giao anh nắm giữ mọi thứ gì là cao cấp nhất của các hàng ngũ thuộc cấp, và sống trong sự mờ tối, sung sướng vì một sự tối tăm giúp anh tránh các đòn hiểm, hài lòng vì được đóng góp công sức riêng nhằm trả món nợ cho tổ quốc[125]. Vốn dĩ là trợ thủ bẩm sinh cho tòa thị chính của anh, anh giành được, theo phong cách báo chí, mọi sự coi trọng mà anh xứng đáng hưởng. Nhờ Jules, vị thế của anh đã được cải thiện, thông qua một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Là người ái quốc không ai biết, bề ngoài là người của bộ, anh chỉ than thở, bên góc lò sưởi, về cách vận hành của chính phủ. Thêm nữa, Jacquet ở nhà là một ông vua tốt tính, một con người cẩn thận hay cầm theo ô, đưa cho vợ một món tiền để rồi không bao giờ động vào nữa. Rốt cuộc, để hoàn chỉnh bức họa triết gia không tự biết mình là triết gia[126] này, anh chưa từng bao giờ ngờ, thậm chí hẳn sẽ không bao giờ ngờ đến mọi điều lợi mà anh có thể kiếm được từ vị thế của mình, khi có bạn thân là một nhân viên hối đoái, và sáng nào cũng biết bí mật Nhà nước. Con người trác tuyệt này, theo đúng cách thức của người lính bị lãng quên chết để cứu sống Napoléon bởi một tiếng hét cẩn thận đấy, cứ ở lì tại bộ.
Trong vòng mười phút, Jules đã có mặt ở phòng làm việc của
nhân viên lưu trữ, Jacquet đẩy ghế cho anh ngồi, hết sức cẩn thận đặt lên bàn tấm
che hạn chế ánh sáng làm bằng vải sa màu lục, xoa tay, cầm lấy hộp đựng thuốc
lá, đứng dậy, vươn vai cho các khớp xương kêu răng rắc, hắng giọng, và nói:
“Tình cờ lạc lối đâu mà đến đây, mosieur
Desmarets? Cậu muốn mình làm gì nào?
- Jacquet, mình cần cậu để đoán biết một điều bí mật, một bí
mật liên quan đến chuyện sống chết.
- Không dính dáng gì tới chính trị đấy chứ?
- Nếu muốn biết cái đó thì mình sẽ không nhờ đến cậu đâu.
Không, đây là một chuyện trong nhà, và mình đòi cậu sự im lặng tuyệt đối nhất.
- Claude-Joseph Jacquet, im lìm vốn dĩ. Tức là cậu còn chưa
biết mình à? anh phá lên cười. Đấy chính là sở trường của mình mà, sự kín đáo.
Jules chìa bức thư ra, và nói: “Mình cần đọc bức thư này, gửi
cho vợ mình…
- Quỷ thần ôi! quỷ thần ôi! chuyện tệ quá, Jacquet nói, săm
soi bức thư theo cùng đường lối một tay cho vay nặng lãi[127] săm
soi một điều khoản thỏa thuận. A! đây là một bức thư theo ô. Đợi nhé.”
Anh để Jules lại một mình trong cabinet, và quay trở lại,
khá mau chóng.
“Ngờ nghệch lắm, bạn ạ! nó được viết theo một dạng ô cũ mà
viên đại sứ Bồ Đào Nha vẫn hay dùng, dưới thời ông de Choiseul[128],
hồi người ta đuổi đám thầy tu dòng Tên. Này, nhìn đi.”
Jacquet đặt chồng lên một tờ giấy trổ lỗ, được cắt một cách
đều đặn giống như miếng đăng ten mà người thợ làm bánh kẹo đặt lên những cái kẹo
hạnh nhân của họ, và khi đó Jules có thể dễ dàng đọc các câu đã lộ hết ra.
“Đừng lo lắng nữa, Clémence yêu quý, hạnh phúc của chúng ta
sẽ không bị khuấy động bởi bất kỳ kẻ nào, và người chồng rồi sẽ hết nghi ngờ
thôi. Không thể đến gặp. Dẫu có ốm đến đâu, thì cũng phải lấy hết can đảm để tới
đây; hãy tìm, hãy vận hết sức mạnh; sức mạnh ấy có thể hút lấy từ trong tình
yêu. Tình trìu mến của ta đã buộc ta phải trải qua cuộc phẫu thuật đau đớn nhất,
ta không thể rời khỏi giường. Cổ ta đã bị áp ngải cứu từ tối hôm qua, khắp vùng
gáy, và sẽ phải giữ chúng thật nóng rất lâu. Có hiểu không? Nhưng nhờ nghĩ nhiều,
ta không thấy đau mấy. Để đánh lạc hướng mọi hành động tọc mạch của Maulincour,
hắn ta sẽ không còn hành hạ chúng ta lâu được nữa, ta đã rời khỏi mái nhà của đại
sứ quán, và đang thoát khỏi mọi tìm kiếm, trên phố Les Enfants-Rouges[129],
số 12, ở chỗ một bà già tên là bà Étienne Gruget, mẹ của con bé Ida kia, nó sẽ
phải trả giá rất đắt cho chuyện điên rồ ngu xuẩn mà nó đã làm. Đến đây vào ngày
mai, lúc chín giờ sáng. Ta ở trong một căn phòng chỉ có thể lên bằng một cầu
thang bên trong. Hỏi ông Camuset. Mai nhé. Ta hôn trán Clémence yêu quý.”
Jacquet nhìn Jules bằng một ánh mắt kinh hoàng trung hậu, nó
bao gồm một sự thông cảm có thật, và nói cái từ ưa thích của mình: “Quỷ thần
ôi! quỷ thần ôi!” trên hai tông giọng khác nhau.
“Có vẻ cậu đã thấy rõ rồi, có phải không? Jules hỏi. Thế
nhưng, ở tận sâu trái tim mình vẫn có một giọng nói đòi biện hộ cho vợ mình, và
nó lớn tiếng hơn mọi nỗi đau của lòng ghen. Mình sẽ chịu đựng cho đến ngày mai
cực hình khủng khiếp nhất; nhưng rốt cuộc, ngày mai, từ chín tới mười giờ, mình
sẽ biết mọi chuyện, và mình sẽ bất hạnh hoặc hạnh phúc cả cuộc đời. Hãy nghĩ đến
mình, Jacquet.
- Mình sẽ đến nhà cậu, sáng mai lúc mười một giờ. Chúng ta sẽ
cùng nhau đi tới đó, và mình sẽ đợi cậu, nếu cậu muốn, ở ngoài phố. Cậu cứ
đương đầu với các mối nguy, ở gần cậu cần một ai đó tận tâm có thể hiểu cậu qua
nửa câu nói, người mà cậu có thể chắc chắn khi sử dụng. Hãy tin vào mình[130].
- Ngay cả là để giúp mình giết kẻ nào đó?
- Quỷ thần ôi! quỷ thần ôi! Jacquet vội vã kêu lên, có thể
nói là nhắc lại cùng một nốt nhạc, mình có hai đứa con và một người vợ đấy
nhé…”
Jules bắt tay Claude Jacquet và đi ra. Nhưng anh vội vã quay
trở lại.
“Mình quên mất bức thư, anh nói. Và vậy thôi chưa phải đã hết,
còn phải niêm nó lại nữa.
- Quỷ thần ôi! quỷ thần ôi! cậu đã mở nó ra trước khi lấy dấu;
nhưng rất may là dấu niêm đã vỡ khá ngọt. Nào, để yên đấy cho mình, mình sẽ
mang nó lại cho cậu secundum scripturam[131].
- Mấy giờ?
- Năm rưỡi…
- Nếu lúc đó mình chưa về, cậu cứ đưa luôn cho tay gác cổng,
bảo anh ta mang lên cho Bà.
- Mai cậu muốn mình đến không?
- Không. Chào nhé.”
Jules chóng vánh tới quảng trường Rotonde du Temple[132],
để cỗ xe lại ở đó, và đi bộ đến phố Les Enfants-Rouges, tại đó anh xem xét ngôi
nhà của bà Étienne Gruget. Nơi ấy, sẽ được làm sáng tỏ điều bí ẩn mà số phận ngần
ấy con người đang phụ thuộc; nơi ấy có Ferragus và Ferragus là điểm tụ về của mọi
đường dây mối nhợ câu chuyện rối rắm này. Sự kết hợp của bà Jules, chồng nàng,
người đàn ông đó, chẳng phải mối thắt Gordien của tấn kịch vốn dĩ đã đẫm máu,
và chẳng phải nút thắt còn đang thiếu thanh kiếm dùng để chặt tung các dây buộc
thít chặt nhất, đấy ư?
Ngôi nhà này thuộc vào dạng nhà gọi là cabajoutis[133]. Cái tên rất kêu được người dân Paris đặt
cho các ngôi nhà ấy, có thể nói rằng chúng được tạo nên từ các bộ phận rất khác
nhau. Gần như luôn luôn hoặc là những chỗ ở ban đầu tách biệt, nhưng được hợp lại
bởi các phăng te zi của nhiều chủ khác nhau đã tiếp nối nhau làm chúng lớn thêm
lên; hoặc là những ngôi nhà được khởi công, bị bỏ mặc, rồi làm tiếp, hoàn
thành, những ngôi nhà bất hạnh đã trải qua, cũng như một số dân chúng, dưới nhiều
triều đại ông chủ tính khí thất thường. Các tầng cũng như các cửa sổ không ăn nhập với nhau, đấy là mượn từ hội
họa một trong những cụm từ đẹp nhất của nó; mọi thứ ở đó đều phá nhau, ngay cả
những trang trí bên ngoài. Cabajoutis đối với kiến trúc Paris thì cũng giống caphanaüm[134] đối với căn hộ,
một mớ hỗn độn nơi người ta ném lung tung mọi thứ lệch lạc cực điểm với nhau
vào cùng chỗ.
“Bà Étienne”, Jules hỏi người gác cửa.
Bà gác cửa này sống trong lô bên dưới cửa lớn, trong một dạng
căn phòng giống lồng gà, ngôi nhà nhỏ bằng gỗ có bánh xe bên dưới, và khá giống
các cabinet mà cảnh sát dựng trên mọi khu đỗ xe ngựa thuê.
“Hả?” bà gác cửa hỏi, bỏ cái bít tất đang đan dở xuống.
Ở Paris, các chủ thể khác nhau chung tay tạo nên vẻ bên
ngoài một bộ phận nào đó trong cái đô thị gớm ghiếc này, hài hòa theo đường lối
đáng ngưỡng mộ với tính chất của tổng thể. Vậy nên người gác cửa, gác cổng hoặc
canh cửa, dẫu cho cái cơ bắp cốt yếu của con quái vật Paris có mang tên gọi như
thế nào, lúc nào cũng tương hợp với khu phố nơi hắn trú ngụ, và thường là tóm tắt
nó lại. Vốn dĩ được thêu lên mọi đường khâu, lười nhác, người gác cổng làm ra vẻ
mình có đầy tiền lợi tức tại faubourg Saint-Germain, người gác cửa trông thật
nhàn nhã ở Chaussée d’Antin, và anh ta đọc báo trong khu Chứng Khoán, anh ta rất
đường hoàng tại faubourg Montmartre. Bà gác cửa trước làm gái điếm trong khu điếm;
ở Marais, bà có phong hóa riêng, bà quàu quạu khó tính, bà có những ngông cuồng
đặc thù.
Nhìn thấy ông Jules, bà gác cửa cầm lấy một con dao để vần
viên than hầu sắp tắt trong hỏa lò sưởi chân; rồi bà hỏi anh: “Ông hỏi bà
Étienne, có phải bà Étienne Gruget không?
- Đúng rồi, Jules Desmarets đáp, làm ra vẻ gần như tức giận.
- Người làm nghề thêu ren?
- Đúng.
- Thế thì, thưa ông, bà ta nói, bước ra khỏi cái lồng, đặt
tay lên cánh tay ông Jules và dẫn ông ra góc một con đường hẹp mái khum trông
như hầm, ông đi lên theo cầu thang thứ hai nằm cuối sân. Ông có nhìn thấy các cửa
sổ trồng hoa quế chúc[135]
bên ngoài kia không? Chính đó là nơi bà Étienne sống đấy.
- Cám ơn, thưa bà. Bà có nghĩ bà ấy đang ở một mình không?
Jules vội leo lên một cầu thang rất tối, với các bậc lấm chấm lồi lõm bởi bùn cứng lại từ những cuộc lên xuống. Lên đến tầng ba, anh nhìn thấy ba cánh cửa, nhưng không hề có hoa quế chúc. May quá, trên một trong ba cánh cửa, cánh trông nhờn bẩn nhất và có màu nâu sậm nhất, anh đọc được dòng chữ viết bằng phấn sau đây: Tối nay chín giờ Ida sẽ đến. “Đây rồi, Jules tự nhủ.” Anh kéo một dây chuông cũ màu đen sì, nghe thấy âm thanh nghẹn lại của một cái chuông nứt và tiếng ăng ẳng loạn xạ của một con chó nhỏ hen suyễn. Cách âm thanh vang lên phía trong thông báo với anh một căn hộ chất đầy mọi thứ đồ khiến cho không âm vọng nào tồn tại nổi, nét đặc trưng cho các chỗ ở của đám công nhân, các hộ gia đình nhỏ, tại đó không gian và không khí đều rất thiếu. Jules máy móc tìm đám hoa quế chúc, và rốt cuộc cũng thấy chúng đặt trên bệ phía ngoài của một cửa sổ dạng trượt, giữa hai que chì rệu rã. Ở đó, là hoa; ở đó, một khu vườn dài hai bộ, rộng sáu tấc; ở đó, một hạt lúa mì; ở đó, toàn bộ cuộc đời được tóm tắt lại; nhưng ở đó cũng là tất tật những khốn cùng của cuộc đời. Đối diện với những hoa ốm o và các thân lúa mì tuyệt diệu ấy là một tia sáng, rơi xuống đó từ trên giời như một ân sủng, làm bung lên bụi, mỡ, và cũng chẳng rõ lắm nữa, cái màu rất đặc thù của các nhà ổ chuột Paris, cả nghìn sự bẩn thỉu bao lấy, gây cũ kỹ và lấm bẩn những bức tường ẩm, những hàng lan can mọt ruỗng của cầu thang, những sa xi lệch lẹo nơi các cửa sổ, và những cánh cửa ban đầu màu đỏ. Rất mau chóng, tiếng ho húng hắng của bà già và tiếng bước chân nặng nề của một phụ nữ loẹt xoẹt đôi dép tồi tàn thông báo bà mẹ của Ida Gruget. Mụ già mở cửa, bước ra ngoài thềm, ngẩng đầu lên, và nói: “A! ông Bocquillon đây mà. Mà không. Thế chứ lại, sao mà anh giống ông Bocquillon quá vậy. Chắc anh là em trai ông ấy. Anh đến có việc gì đấy? Thưa ông, xin mời vào.”
Jules đi theo mụ già vào căn phòng đầu tiên nơi anh thấy, xếp thành hàng đống tướng, những lồng, những vật dụng trong nhà, những lò, những đồ đạc, những đĩa bằng đất nhỏ đầy đồ ăn hoặc nước cho chó mèo, một cái đồng hồ treo tường bằng gỗ, chăn nệm, tranh khắc của Eisen[136], những móng ngựa cũ dồn lại, chất đống, tất thảy tạo thành một bức tranh thực sự kệch cỡm, capharnaüm Paridiêng đích thực, nơi thậm chí không thiếu cả vài số báo Le Constitutionnel.
Jules, dè chừng bởi một ý nghĩ thận trọng, không nghe thấy mụ
góa Gruget nói với anh: “Xin mời vào, thưa ông, ông sẽ được ấm hơn.”
Vì sợ bị Ferragus nghe thấy, Jules tự hỏi không biết có là tốt
hơn nếu ngã giá luôn tại căn phòng đầu tiên này điều mà anh tới đề xuất với mụ
già. Một con gà vừa cục tác vừa đi ra từ bên dưới tấm ván che lò sưởi lôi tuột
anh ra khỏi suy tưởng bí mật. Jules đã quyết. Anh bèn đi theo bà mẹ của Ida vào
căn phòng ấm, nơi ngoài họ còn có thêm con chó carlin nhỏ thở khò khè, nhân vật
câm lặng, nó trèo lên một cái ghế đẩu. Bà Gruget sở hữu toàn bộ vẻ tự phụ của một
sự khốn cùng một nửa khi nói đến chuyện sưởi ấm cho người khách. Pot-au-feu của
mụ giấu đi hoàn toàn hai thanh củi tuyệt đối không dính vào với nhau. Cái muôi
hớt bọt nằm chỏng chơ dưới đất, cán vùi vào tro. Khung lò sưởi, trang trí hình
Jesus bằng sáp đặt bên dưới một cái lồng vuông bằng thủy tinh đựng giấy màu
xanh nhạt, chất đầy len, bô bin và các vật dụng cần thiết cho công việc thêu
ren. Jules săm soi mọi thứ đồ đạc trong căn hộ với một sự hiếu kỳ trộn với quan
tâm, và dẫu không muốn vẫn thể hiện nỗi hài lòng bí mật.
“Nào, nói đi, thưa ông, có phải là ông muốn dàn xếp đồ ghỗ của tôi?” mụ góa hỏi anh, ngồi xuống
một cái phô tơi mây đan màu vàng trông như thể là tổng hành dinh của mụ. Mụ để ở
đó cả cái khăn mùi soa, hộp thuốc lá, đồ đan, rau quả gọt vỏ dở, cặp kính, một
quyển lịch, mấy cái ngù vai đính áo mới bắt đầu làm, một bộ bài cáu bẩn, cùng
hai tập tiểu thuyết, tất tật đều có vẻ hoang tàn. Thứ đồ này, ở trên đó mụ già xuôi dòng cuộc đời, giống cái túi bách
khoa thư[137] mà một phụ nữ mang theo trong cuộc du hành, trong đó
có nhà cửa của bà ta ở dạng rút gọn, kể từ chân dung người chồng cho tới thứ nước
cam thảo dùng những khi trái gió trở trời, bánh kẹo cho trẻ con, và vải sa Anh
cho việc khâu vá.
“Thưa bà, anh cất tiếng, tạo một dáng vẻ đồng lõa, tôi tới để đặt bà làm ngù vai…” Rồi anh hạ giọng. “Tôi biết, anh tiếp, rằng bà nuôi ở nhà bà một người xa lạ mang tên Camuset.” Mụ già đột nhiên nhìn anh, không hề tỏ có chút ngạc nhiên nào. “Nói đi, chúng ta có thể thỏa thuận với nhau đấy. Hãy nghĩ đến tài sản của bà.
- Thưa ông, mụ đáp, cứ nói đi, không phải lo gì đâu, tôi chẳng có ai ở đây hết. Nhưng tôi có thể có ai đó trên kia, người ấy không nghe thấy ông nói được đâu.”
“A! con mụ ranh ma, mụ ta biết cách trả lời như một người
Normandie, Jules tự nhủ. Chúng ta sẽ có thể thỏa thuận đây.” “Thôi khỏi phải
tìm cách nói dối nhé, thưa bà, anh nói tiếp. Và trước hết, hãy biết rằng tôi
không hề muốn điều xấu cho bà, cũng như cho người ở trọ đang ốm yếu phải điều
trị ngải cứu, cũng như cô con gái Ida của bà, thợ may áo ngực, bạn của
Ferragus. Bà thấy đấy, tôi biết mọi chuyện. Cứ yên tâm, tôi không phải người của
cảnh sát đâu, và không mong muốn điều gì có thể gây tổn hại đến lương tâm bà.
Ngày mai một phụ nữ trẻ sẽ đến đây, từ chín tới mười giờ, để nói chuyện với người
bạn của cô con gái bà. Tôi muốn được bố trí để nhìn thấy mọi thứ, nghe thấy mọi
điều, mà không bị họ trông thấy cũng như nghe thấy. Bà sẽ lo cho tôi việc ấy,
và tôi sẽ trả công bằng một khoản tiền hai nghìn franc ngay lập tức, cộng thêm
sáu trăm franc tiền niên kim trọn đời. Chưởng khế của tôi, ngay tối nay, sẽ chuẩn
bị giấy tờ cho bà; tôi sẽ chuyển qua ông ấy tiền cho bà, ngày mai ông ấy sẽ đưa
bà, sau cuộc gặp mà tôi muốn chứng kiến, và trong đó tôi sẽ có được các bằng chứng
về lòng trung thực của bà.
- Điều đó có thể gây hại cho con gái tôi, thưa ông thân mến,
mụ đáp, ném về phía anh ánh mắt của mèo cái lo lắng.
- Không hề, thưa bà. Nhưng, mặt khác, dường như con gái bà
cư xử với bà thật tệ hại đấy nhỉ. Được một người giàu như Ferragus, hùng mạnh
như Ferragus yêu, lẽ ra cô ấy phải dễ dàng làm cho bà được sung sướng hơn so với
hiện tại chứ.
- A! thưa ông thân mến, không có đến một cái vé đi xem ở
Ambigu hay Gaîté[138], mấy chỗ mà nó tới như đi chợ. Thật tàn tệ quá
mức! Một đứa con gái đã khiến tôi phải
đem bán những bộ dao dĩa bạc, thành ra bây giờ, ở tuổi của tôi, tôi phải ăn bằng
mấy thứ đồ kim loại Đức, để trả tiền học việc cho nó, rồi thì tạo cho nó một
hoàn cảnh để nó tha hồ gặt hái vàng bạc nếu muốn. Bởi vì, cái đó thì nó được thừa
hưởng từ tôi, nó khéo léo lắm nhé, cũng phải buộc lòng mà thừa nhận như vậy.
Xét cho cùng, nó hoàn toàn có thể thải cho tôi những cái rốp lụa cũ của nó kia
mà, tôi thì vốn dĩ rất thích lụa. Không, ông ạ, nó thì ghé Cadran-Bleu[139],
ăn tối năm mươi franc mỗi người, lên xe xuống ngựa cứ như một công nương, và chế
nhạo mẹ nó giống như mẹ nó là cái giẻ chùi. Chúa ôi! lũ con cái mà chúng ta đẻ
ra mới gớm làm sao, chẳng thể nào mà lấy làm vinh dự. Một người mẹ, thưa ông, lại
còn là mẹ hiền, vì tôi đã che giấu những trò vụng dại cho nó, và tôi từng lúc
nào cũng bế nó ngồi trong lòng, có miếng ăn nào là đút ngay cho nó. Ấy thế mà,
không. Cái ngữ ấy đến, xoắn xuýt, rồi cái ngữ ấy bảo: “Chào mẹ.” Và nó nghĩ thế
là hoàn thành mọi bổn phận đối với đấng sinh thành ra nó rồi đấy. Thích làm gì
thì cứ làm đi. Nhưng rồi nó sẽ có con, rồi một ngày, nó sẽ thấy món hàng hóa đó
tệ hại như thế nào, nhưng dẫu sao thì ta vẫn yêu quý.
- Thế nào cơ! cô ấy không làm gì cho bà!
- A! chẳng gì hết, không, thưa ông, tôi sẽ không nói điều
đó, bảo nó không làm gì cả, thì cũng sẽ không đúng lắm. Nó trả hộ tôi tiền nhà,
nó cho tôi củi đốt, cùng băm sáu franc mỗi tháng… Nhưng, thưa ông, có phải là ở
tuổi của tôi, năm mươi hai rồi, mắt thì cứ đến tối là nhập nhèm, mà tôi vẫn còn
phải làm việc không? Vả lại, tại xao
nó không muốn có tôi? Tôi làm cho nó xấu hổ chắc? thì nó cứ việc nói thẳng ra
luôn đi. Thực tế, chắc là phải chết chôn đi cho lũ chó con cái đó thôi, chúng
quên biến ta đi chỉ trong nháy mắt ấy mà.” Mụ rút khăn mùi soa từ trong túi, và
cúi xuống nhặt một tờ phiếu xổ số rơi xuống đất; nhưng mụ nhặt nó thật nhanh, vừa
nhặt vừa nói: “Ấy! hóa đơn thuế của tôi đấy.”
Đột nhiên Jules đoán ra nguyên do sự bủn xỉn mà mụ mẹ vừa
phàn nàn, và anh càng thêm chắc chắn mụ góa Gruget sẽ đồng ý với các điều khoản
anh vừa đưa ra.
“Vậy thì, thưa bà, anh nói, hãy chấp nhận những gì tôi tặng
cho bà.
- Ông đã nói, thưa ông, là hai nghìn franc trả ngay cùng sáu
trăm franc niên kim trọn đời, có phải không?
- Thưa bà, tôi đổi ý rồi, tôi chỉ hứa với ba ba trăm franc
niên kim nữa thôi. Như vậy thì tôi thấy hợp lý hơn cho lợi ích của tôi. Nhưng
tôi sẽ đưa bà năm nghìn franc tiền mặt. Có phải bà thích như vậy hơn?
- Đức Mẹ ôi, vâng, thưa ông.
- Bà sẽ được sống sung sướng hơn, và bà sẽ đến
Ambigu-Comique, đến chỗ Franconi, khắp mọi nơi, tùy ý muốn, bằng xe ngựa.
- Không hại đến bất kỳ ai, Jules đáp. Nhưng, xem nào, bà sẽ làm gì?
- Vâng, thưa ông, tối nay chỉ cần cho ông Ferragus uống một liều pa vô[140], thế là ông ấy sẽ ngủ rất ngon! Mà ông ấy cũng rất cần đấy, căn cứ vào những đau đớn mà ông ấy phải chịu, bởi vì ông ấy bị đau, rất đáng thương. Nhưng mà, cứ xem như thế thì hề hấn gì đến một người mạnh mẽ chịu để người ta đốt bỏng để chữa trị một cái chứng gây đau đớn hai năm một lần mới tái xuất hiện. Để quay trở lại với việc của chúng ta, tôi có chìa khóa nhà bà hàng xóm, nhà bà ấy ở ngay trên nhà tôi, và có một căn phòng chung tường với phòng của ông Ferragus. Bà ấy đang về nông thôn mười ngày. Thế nên, nếu trong đêm ta đục một cái lỗ trên vách tường ngăn, ông sẽ tha hồ nhìn và nghe. Tôi rất thân với một ông thợ khóa, một người rất dễ mến, ông ấy kể chuyện hay lắm, và sẽ làm việc đó cho tôi, mà không ai thấy, không ai biết.
- Đây là hai trăm franc cho bà, tối nay hãy đến nhà ông
Desmarets, một chưởng khế, địa chỉ đây. Chín giờ nhé, giấy tờ sẽ sẵn sàng,
nhưng… motus.
- Như thế là đủ rồi, thưa ông, như ông nói, momus[141]! Xin tạm biệt,
thưa ông.
Jules trở về nhà, gần như đã bình tĩnh lại nhờ sự chắc chắn
về việc anh sẽ biết mọi điều vào hôm sau. Đến nơi, anh thấy ở chỗ người gác cửa
bức thư đã được dán lại nguyên xi như cũ.
“Em sao rồi?” anh hỏi vợ, mặc cho sự lạnh lẽo đang chia rẽ họ.
Các thói quen của trái tim thật khó từ bỏ!
“Khá rồi. Jules, nàng đáp, giọng mơn trớn, anh có muốn ăn tối
cùng em không?
- Có, anh nói, đưa cho nàng bức thư, này, Fouquereau đưa anh
để chuyển cho em đấy.”
Clémence, sắc diện đang nhợt nhạt, chợt đỏ bừng mặt lên khi
nhìn thấy bức thư, và cái màu đỏ đột xuất này khiến người chồng cảm thấy vô
cùng đau đớn.
“Có phải là niềm vui không, anh cười, hỏi, có phải là do chờ
đợi không?
- Ôi! có nhiều điều lắm, nàng đáp, nhìn vào dấu niêm.
- Tôi xin để bà lại một mình, thưa bà.”
Rồi anh xuống phòng cabinet, ở đó anh viết cho anh trai các
dự định liên quan đến việc thiết lập niên kim trọn đời cho mụ góa Gruget. Khi
quay trở lại, anh thấy bữa tối dọn sẵn trên một cái bàn nhỏ, kê gần giường
Clémence, và Joséphine đã sẵn sàng phục vụ.
“Nếu em đứng vững được, em sẽ vui sướng biết bao nhiêu nếu
được phục vụ anh! nàng nói khi Joséphine đã để họ lại với nhau. Ôi! dẫu cho là
quỳ gối mà phục vụ, nàng nói tiếp, đưa hai bàn tay nhợt nhạt luồn vào mái tóc
Jules. Trái tim cao quý thân thương ơi, lúc ban nãy anh đã thật dịu dàng và thật
tốt với em. Với lòng tin của anh, anh làm cho em nhiều điều tốt lành hơn so với
tất tật bác sĩ trên đời, cùng đơn thuốc của họ. Sự tinh tế như phụ nữ ở anh, bởi
vì anh biết yêu giống như một phụ nữ, anh… à mà, bên trong tâm hồn em một thứ
thần dược đã lan tỏa, gần như chữa lành cho em rồi. Đỡ lắm, Jules, ngả đầu sang
đây, để em hôn anh.”
Jules không thể tự từ chối khoái cảm được hôn Clémence.
Nhưng không phải là không kèm với một dạng hối hận trong lòng, anh thấy mình bé
nhỏ trước người phụ nữ này, mà lúc nào anh cũng cố tin là vô tội. Nàng như thể
đạt tới một niềm vui buồn bã. Một niềm hy vọng thanh sạch bừng lên trên khuôn mặt
xuyên qua biểu hiện những sầu muộn của nàng. Như thể họ bất hạnh ngang nhau vì
buộc phải lừa dối lẫn nhau, và chỉ cần thêm một chút vuốt ve nữa, hẳn họ sẽ thú
nhận mọi chuyện với nhau, vì không sao cưỡng lại nổi trước các đau đớn.
“Tối mai nhé, Clémence.
- Không, thưa ông, trưa mai thôi, ông sẽ biết mọi điều, và
ông sẽ quỳ gối trước vợ của ông. Ôi! không, anh sẽ không phải tự làm mình hèn
kém đi, không, anh được tha thứ tất tật; không, anh không lầm lạc. Nghe này:
hôm qua, anh đã làm em tan nát lắm; nhưng có lẽ cuộc đời em sẽ không đầy đủ được
nếu thiếu cơn hoảng sợ ấy, đó sẽ là một cái bóng càng làm nổi bật thêm ánh sáng
của trời cao.
- Em đang mê hoặc anh đấy, Jules kêu lên, và chắc hẳn em sẽ
khiến anh phải hối hận.
- Bạn khốn khổ ơi, số mệnh thì cao hơn chúng ta, và em đâu
có phải kẻ đồng lõa của số mệnh em. Ngày mai em sẽ đi ra ngoài.
- Mấy giờ thế, Jules hỏi.
- Chín rưỡi.
- Clémence, ông Desmarets đáp, em phải cẩn trọng đấy, hỏi ý
kiến bác sĩ Desplein và ông già Haudry đi đã[142].
- Em sẽ chỉ hỏi ý kiến trái tim em và lòng can đảm của em mà
thôi.
- Anh để cho em tùy ý, và sẽ chỉ tới gặp em vào buổi trưa.
- Anh sẽ không ở bên cạnh em một lúc tối nay à, em không còn
thấy quá ốm nữa?…”
Sau khi xong xuôi công việc, Jules quay trở lại bên vợ, bị
lôi kéo bởi một lực hấp dẫn khôn cưỡng. Niềm đam mê của anh lớn hơn nhiều so với
các nỗi đau của anh.
“A! ông rất biết giữ lời, chuẩn xác cứ như bình minh ấy. Vào đi, thưa ông, mụ già chuyên nghề khâu vá đã nhận ra anh, nói. Tôi đã chuẩn bị sẵn cho ông một tách trà có kem, phòng khi…, mụ nói tiếp khi cửa nhà đã khép lại. A! kem thật đấy nhé, một hũ nhỏ mà chính mắt tôi thấy được vắt ra tại chuồng bò ngoài chợ phố Les Enfants-Rouges.
- Cám ơn, thưa bà, không, không cần gì. Bà hãy dẫn tôi…
- Được rồi, được rồi, thưa ông thân mến. Ông đi đằng này.”
“Ông ấy đang ở cùng một ông”, mụ già nói và rút đi khỏi.
Quả thật Jules nhìn thấy một người đàn ông đang băng bó một loạt nhiều vết thương, hậu quả của những vết bỏng trên hai vai Ferragus, mà anh nhận ra mặt, căn cứ theo miêu tả của ông de Maulincour.
“Anh nghĩ chừng nào thì tôi sẽ khỏi, ông ta hỏi.
- Tôi không biết, người lạ mặt đáp; nhưng, theo lời các bác
sĩ, sẽ còn cần thêm bảy hay tám lần băng nữa.
- Được rồi, hẹn tối nay nhé, Ferragus nói, chìa tay cho người
vừa buộc xong dải băng gạc cuối cùng.
- Tối nay nhé, người lạ mắt đáp, trang trọng bắt tay
Ferragus. Tôi rất muốn thấy anh thoát khỏi những nỗi đau đớn.
- Rốt cuộc, đến mai giấy tờ của ông de Funcal sẽ được giao
cho chúng ta, còn Henri Bourignard thì chết tốt rồi, Ferragus lại nói. Hai bức
thư hẩm hiu từng gây hại rất lớn cho chúng ta không còn tồn tại. Tức là tôi sẽ
quay trở lại thành một con người của xã hội, một người giữa những người khác,
và tôi cũng đáng thay chỗ tên thủy thủ đã bị lũ cá xơi. Có Chúa mới biết tôi tự
biến mình thành bá tước để cho một mình tôi hay không!
- Gratien tội nghiệp, anh, bộ óc lớn nhất của chúng ta,
huynh đệ yêu quý của chúng tôi, anh là Benjamin của cả hội; anh biết rõ là như
vậy.
- Tạm biệt! trông coi Maulincour của tôi cho cẩn thận nhé.
- Về riêng chuyện này thì anh cứ yên tâm.
- Gì cơ?
- Ida có khả năng làm tất cả mọi chuyện, sau cái vụ buổi tối
hôm qua. Nếu cô ta nhảy xuống nước, chắc chắn là tôi sẽ không đi vớt cô ta lên
đâu, cô ta sẽ giữ bí mật hơn về tên tôi, cái tên duy nhất mà cô ta biết; nhưng
coi chừng cô ta nhé; bởi vì, dẫu sao, đó cũng là một cô gái tốt.
- Được rồi.”
-----------
[103] Phải nói là hiếm khi nào Balzac tạo ra một bầu không khí gần với các vở bi kịch của Racine đến như đoạn vừa xong.
[104] Dường như Locke không hề
nói những điều này, mà ở đây Balzac đang nhớ nháo nhào Locke, Joseph de Maistre
và Diderot, những gì họ bàn về người mù.
[105] Chứng Khoán Paris đến năm 1826 mới hoàn thành, trước
đó các hoạt động diễn ra tại các hăngga được dựng giữa phố Notre-Dame des
Victoires và phố Feydeau.
[106] Cf. Beaumarchais, Người thợ cạo thành Séville.
[107] “My girl, my girl, don’t
lie to me, tell me where did you sleep last night” (Nirvana).
[108] Đến chỗ này, ta càng thấy
rõ hơn “tính chất bi kịch” (hoặc “tính chất Racine”) ở Balzac: thậm chí đoạn vừa
xong còn mang đậm dấu ấn quy tắc “tam duy nhất” của kịch nghệ cổ điển Pháp.
[109] Ta từng biết đến “các cô gái bình dân”, chẳng hạn
như trong Albert Savarus, đoạn chàng
trai de Soulas là thần tượng của các cô gái bình dân thành phố Besançon, còn ở
đây, ta sẽ đến với một miêu tả cặn kẽ về kiểu nhân vật này, một “típ” người
đích thực mà Balzac đặc biệt quan tâm; La
vieille fille (Gái già), thuộc phần “Scènes de la vie de province” (cuộc sống
ở tỉnh), cũng rất quan trọng ở phương diện này; các “cô gái bình dân” được gọi
là “grisette”, vì ban đầu họ hay mặc đồ màu xám (gris).
[110] Có cả một tập đoàn cô gái
như vậy ở Gái già.
[111] Dường như ở đây Balzac muốn
ám chỉ đến bà de Maintenon và xung quanh.
[112] Google, goolge [thần thoại
Hy Lạp].
[113] Có vẻ cô gái mang một chiếc
giày có đế đặc biệt mỏng.
[114] Đối với Balzac (ít nhất
trong một khoảng thời gian), phụ nữ tầng lớp thấp thì mặc đồ màu lục, tầng lớp
trên thì màu trắng.
[115] Thật ra là hàng nhái, giống
như Quảng Châu vĩ đại ngày nay.
[116] Nghĩa là chẳng có hôn nhân
nào cả.
[117] Tức là rạp xiếc Olympique; cf. Nàng tình nhân hờ.
[118] Ngày nay là phố Corderie.
[119] Các gia nhân nói chuyện với
nhau bằng biệt ngữ riêng của họ, và thường xuyên dùng sai từ: ở đây, người hầu
phòng nói “terne” thay vì “terme” (nghĩa là “borne”, cái gì đó trơ ra); ngay đoạn
trên ta cũng đã thấy Balzac thích thú đến thế nào khi thuật lại cách nói năng của
một “cô gái bình dân” như Ida; rất nhiều nhà văn Pháp thích viết các cảnh đối
đáp giữa gia nhân, tất nhiên ta nghĩ đến nhân vật phi phàm bà hầu Françoise
trong À la recherche du temps perdu của
Marcel Proust; đoạn vừa xong cũng rất điển hình cho mối quan hệ giữa các gia
nhân trong nhà, như ta hay thấy ở Vở kịch
con người.
[120] Có một số nhân vật tù khổ sai rất đặc biệt
trong Vở kịch con người, Ferragus ở
đây là một trong số đó.
[121] Trên thực tế, vào thời điểm
này, còn chưa có đại sứ quán Braxin ở Paris.
[122] Cf. Ursule
Mirouët, đoạn bà quản gia tiết lộ cho Zélie về tài sản của bác sĩ Minoret.
[123] Xuất xứ của cái tên này là
từ tác phẩm của Chamfort, ý nói bạn bè keo sơn; độc giả của Nhị Linh thì hẳn phải
biết Chamfort, nên khỏi cần giải thích thêm.
[124] Ở đây chỉ là thoáng qua,
nhưng Balzac có một cái nhìn thiên tài vào thế giới công chức; điều này có thể
thấy rất rõ trong cuốn tiểu thuyết dường như rất ít được biết đến của Vở kịch con người: Les Employés (Đám nhân viên); Balzac đã hiểu ngay từ rất sớm cơ chế
vận hành, các yếu tính, cũng như tầm quan trọng của thế giới công chức, nhân
viên hành chính; Balzac đi trước, trong sự miêu tả giới quan liêu, Stifter hay Kafka.
[125] Miêu tả hơi gớm, nhưng văn
chương của Balzac, ở một phương diện lớn, chính là sự nói quá; văn chương ấy
hay dở đều nằm ở chỗ đó.
[126] Dường như ở đây Balzac muốn
ám chỉ đến một tác phẩm; chi tiết không cần quan tâm lắm; Vở kịch con người cũng có một tác phẩm mang nhan đề hơi tương tự: Les Comédiens sans le savoir (các diễn
viên không tự biết mình là diễn viên).
[127] Balzac rất thích giới “cho
vay nặng lãi”; cf. đặc biệt Gobseck.
[128] Nhân vật lớn của giới ngoại
giao Pháp; ai là độc giả của Laurence Sterne thì đều biết rõ nhân vật này.
[129] Giờ không còn tồn tại.
[130] Dường như có nhầm lẫn nào
đó về giờ giấc; sẽ tìm hiểu thêm về chi tiết này.
[131] Tiếng Latin, nghĩa là:
google đi.
[132] Giờ không còn tồn tại.
[133] Đại khái là nhà rất cũ, từng
được sửa chữa nhiều lần.
[134] Từ dường như có xuất xứ từ
Kinh Thánh, trở nên thông dụng theo nghĩa một nơi (chủ yếu là một căn phòng) vô
cùng lộn xộn; ta thấy Balzac tiếp tục thể hiện niềm say mê đối với kiến trúc,
đoạn đầu Nàng tình nhân hờ cho thấy còn
rõ hơn nữa. Đối với nhiều người, Balzac là “tiền triệu” của ngành phê bình kiến
trúc mãi về sau mới thực sự xuất hiện.
[135] Bà dùng sai từ; sau đó Balzac thích thú nhắc đi
nhắc lại.
[136] Charles-Dominique Eisen
(1720-1778): một họa sĩ.
[137] Cách dùng từ này, “sac encyclopédique”, tất
nhiên với hàm ý châm biếm, của Balzac được ghi nhận trong các từ điển lớn.
[138] Tên hai nhà hát thời ấy.
[139] Một quán ăn thời ấy, khách khứa chủ yếu là giới
tư sản Paris.
[140] Tạm hiểu là có liên quan đến
thuốc phiện.
[141] Jules nói từ Latin “motus”,
đại ý có thể hiểu là “bắt tay vào việc đi”, mụ già nhắc lại, nhưng nhắc sai,
thành “momus”, tên một nữ thần.
[142] Trong Vở
kịch con người, Desplein được xây dựng như nhân vật đỉnh cao của y học; đây
là nhân vật chính của tác phẩm (ngắn) La
Messe de l’athée; Desplein là thầy của nhân vật Horace Bianchon, một trong
những nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong cả bộ sách (chẳng hạn Nàng tình nhân hờ); Haudry là một bác sĩ
khác, đã già, thuộc “trường phái cũ”, là người chữa trị cho César Birotteau.
(còn nữa)
X. Ursule Mirouët
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac
cảo bình phương bất cảo bình thân
ReplyDeletemột koan?
ReplyDeletenhân tiện, đã tiếp tục ở đây, cũng như đã tiếp tục "Người phụ nữ tuổi ba mươi"
leo xuống cái hầm sâu đến thế này thì rồi bọn họ leo lên thế nào nhỉ:P chết thì chắc là khá nhạt. quá nhiều tình yêu đến mức đáng ngờ. và yêu như thế thì thật khốn cùng. ý là nó tầm thường, hay sao? sự nghiệp của nhà tư sản ám muội nhỉ:P
ReplyDeletexét về cốt truyện, đẩy đến mức như ở đoạn này cũng đồng nghĩa với tự nhốt vào ngõ cụt, rất khó đi tiếp
ReplyDeletenhưng đừng đùa với Balzac, đoạn sau vẫn cứ không thể ngờ được hehe
tiếp tục
ReplyDeletelại tiếp tục
ReplyDeletemấy cái này có ai đọc đâu bác ơi
ReplyDeletetrời ơi, thế à? buồn quá
ReplyDeletecám ơn nhé, mặc dù không đọc nhưng rất chịu khó vào thông báo một cái tin giật gân
vậy cho nên, lại tiếp tục hehe
haha việc nhòm lỗ khóa cũng có lúc hóa ra có mùi cao thượng làm sao!
ReplyDeletegiống đoạn ở nhà Thénardier trong Les Misérables nhỉ
ReplyDeletechắc í là phong khí của thời đại :p đoạn tiếp theo mới gọi là giống, không biết Balzac với Hugo ông nào bắt chước ông nào