Khái Hưng và Nhất Linh: sự ở bên cạnh nhau, sự đặt cạnh nhau quá mức đương nhiên (và đầy chủ ý, tất nhiên) ấy khiến ta thấy được nhiều điều (dĩ nhiên) nhưng cũng chính cái đó che mất đi rất nhiều điều khác. Chẳng hạn, nếu Khái Hưng ở cạnh Nhượng Tống
thì ngay tức khắc ta nhìn ra được một câu chuyện khác: câu chuyện của tranh đấu trong tuyên truyền (miêu tả kỹ càng).
Hồi ấy, cách đây đúng ba năm, đã sắp phải nói trước một công chúng (không lớn lắm) đến nơi rồi, tôi vẫn thấy còn thiếu mất một yếu tố nào đó, đã lơ lửng nhưng mãi mà không nắm bắt được. Cuối cùng, chỉ cách có vài tiếng đồng hồ nữa là bắt đầu phải nói, thì tôi bỗng tìm ra (chuyện đã kể). Tức là, Khái Hưng và Nguyễn Văn Vĩnh.
Vụ bắt giữ tại 80 Quán Thánh chợt làm hiện ra thêm một điều gì đó rất khó lý giải nữa: bởi vì lúc này, đến lượt Khái Hưng và Phan Khôi.
Ta sẽ thử nhìn nhận sâu hơn một chút (chẳng có gì là tình cờ). Nguyễn Văn Vĩnh-Phan Khôi-Khái Hưng: nhưng đấy là ba chặng của một câu chuyện dài: câu chuyện chống Phạm Quỳnh, phản ứng lại yếu tố Phạm Quỳnh. (Khái Hưng chống Phạm Quỳnh: đây - bài ấy - mới chỉ là một ví dụ nhỏ). Nhưng tại sao lại chống Phạm Quỳnh, tại sao nhất định chống Phạm Quỳnh bằng được?
Đấy là vì - dường như mọi sự đã bắt đầu rõ lên, ít nhất thì không còn tuyệt đối mù mờ nữa - cần phải phản ứng. Sự phản ứng giống như phản ứng của một cơ thể tự làm cho nó bị viêm, bị sốt để tống khứ đi con virus. Tức là, câu chuyện Việt Nam, ở trên phương diện ý thức (mà bộ ba Nguyễn Văn Vĩnh-Phan Khôi-Khái Hưng là biểu hiện: một điều hoàn toàn mới trong lịch sử Việt Nam, lần đầu tiên ý thức trở thành một bình diện), nếu câu chuyện ấy có ý nghĩa gì, thì nhất thiết phải loại bỏ đi được một tinh thần như tinh thần Phạm Quỳnh. Một không chấp nhận. Và Khái Hưng chính là người sẽ đẩy điều này đi xa đến tận mức của tàn nhẫn (Nhất Linh từng cảm thán, không ngờ một con người nho nhã như Khái Hưng lại trở nên một nhà cách mạng: nhưng Khái Hưng còn vượt xa mức độ ấy hơn rất nhiều).
Chỉ cần nhìn nhận như vậy đã đủ để thấy rằng, cái sự nhất định đặt Phan Khôi đối lập với Tự lực văn đoàn (trong những diễn giải tầm thường) ngớ ngẩn đến như thế nào. Điều đó hoàn toàn là có thể, nếu Tự lực văn đoàn không có Khái Hưng. Nhưng Khái Hưng là trung điểm để các yếu tố trái ngược nhất hội tụ. Trong năm 1946, Khái Hưng đặc biệt mỉa mai Nguyễn Tuân, Huy Cận và Xuân Diệu: đấy là thời điểm Khái Hưng trở thành một satirist.
Thái độ trước người Pháp đã bắt đầu nảy mầm mống từ Nguyễn Văn Vĩnh: Nguyễn Văn Vĩnh châm biếm người Pháp; đến Khái Hưng thì đã là sự thẳng thừng cự tuyệt, đi kèm một nỗi khinh bỉ to lớn. Phan Khôi là người phê phán (còn hơn thế: lấy gậy phang) cái học cử tử, còn Khái Hưng thì chẳng có giây phút nào tin vào giá trị những gì mà người Việt Nam viết tiếng Pháp tạo ra. Những ngày cuối đời, nhân vật ám ảnh Khái Hưng hơn cả, ngoài Ngũ Tử Tư, là Khuất Nguyên.
Dưới đây là ba bài năm 1946 của Khái Hưng - hoàn toàn có thể nói, tức là Nhị Linh bản gốc:
Bài 1:
Ở đời, chỉ cái gì có hại đến sự sống của người ta làm người ta lo. Không phải tôi bi quan nhưng sự ích kỷ của người ta rõ rệt quá lắm khiến nó đã thành một triết lý sống của những kẻ mạnh và giàu. Những kẻ ấy rất nông nổi và chả bao giờ họ nghĩ đến căn nguyên của một tật xấu mà chỉ biết cái hiện tượng của nó. Vừa rồi đây các nhà bác học Hoa Kỳ đã lên tiếng muốn hủy bỏ bom nguyên tử để bảo vệ văn minh, cái tin đó có lẽ rất đáng mừng cho các nước mạnh như Nga, Anh và nhiều nước khác mà cái giấc ác mộng bom nguyên tử lúc nào cũng dọa nạt họ. Còn đối với cái nước Việt Nam nhà mình tôi thấy nó chả đáng mừng là mấy, và tôi thấy rằng đó không phải là một cách để bảo vệ văn minh, trong khi còn nhiều cái dã man và phản văn minh hơn, chẳng hạn như cái chế độ thực dân, cái chế độ người bóc lột người, cái chế độ ăn cướp công khai. Cái chế độ đó chả làm cho nước nào nghĩ tới mặc dầu người ta biết nó dã man. Và tuy người ta biết người ta có thể hủy bỏ, có thể ngăn ngừa được không thiệt hại đến ai, không phạm đến quyền lợi của ai, người ta cũng lờ đi như không biết. Tội gì người ta mang bận vào mình khi cái chế độ thực dân không hại gì đến người ta cả.
Rồi đến lời tuyên bố của ông Einstein một vĩ nhân trong thế giới cũng chẳng kém thiển cận chút nào, hay có lẽ ông cho Nga Mỹ là to và coi khối nhược tiểu dân tộc là nhỏ chăng? Phải các nhà bác học ai thèm nghĩ đến những cái vặt ấy. Ông nói: "Muốn giải quyết vấn đề hòa bình, phải có sự thỏa thuận giữa Hoa kỳ và Nga sô viết về nhiều phương diện".
Tại làm sao trong thế giới lại chỉ có Hoa kỳ và Nga sô viết thỏa thuận với nhau thì hòa bình mới có. Thế thì trong những thời kỳ không có sự xích mích giữa Nga và Mỹ sao vẫn có hòa bình trong nhân loại và vẫn luôn luôn có loạn lạc giết tróc [sic] ở những thuộc địa những nơi bị trị?
Theo ý lẩn thẩn của tôi thì tôi thấy một cách rất khoa học rằng: nếu còn có sự chênh lệch trong nhân loại, nếu chưa có sự thăng bằng trong nhân loại thì hòa bình chưa có thể nào có được. Nghĩa là nếu còn những nước khỏe chỉ muốn bắt nạt các nước yếu, nếu không nâng đỡ các nước yếu lên cho ngang với nước khỏe thì sự thăng bằng trong nhân loại sẽ mất và nhân loại sẽ mãi mãi ở trong vòng chiến tranh.
Chỉ bao giờ các nước yếu không tranh đấu nữa và chịu tiêu diệt âm thầm để cho các nước mạnh sống với nhau thì họa mới có hòa bình.
Nhưng đến bao giờ các nước yếu mới bị tiêu diệt? hãy cứ hỏi ngay dân chúng Việt Nam thôi chúng ta có chịu tiêu diệt không? Vì thế mà chúng tôi xin mách các nước mạnh mấy điều này: xin đừng hủy bỏ bom nguyên tử, hãy dùng nó để tiêu diệt các nước nhỏ đi như thế sẽ chóng có hòa bình hơn.
Nhưng nước nào có can đảm làm công việc này?
Bao giờ cái nguyện vọng thiết tha của nhân loại được thực hành?
Bài 2:
Ở gần làng tôi có một làng mà toàn dân chỉ nói khoác; hơi một tý là họ kêu oang oang hay dọa nạt vẩn vơ, kỳ thực ai cũng nhát cả. Người ta bảo vì đình làng ấy đặt ở trên cái mỏ quạ cho nên dân làng mới có cái tính ấy, vì con quạ là một giống kêu to mà rất nhát sợ cả con cắt lẫn con diều hâu.
Nhưng cái tính thích làm ầm ỹ tưởng chỉ lấy lời nói là làm cho kẻ địch sợ chả riêng gì ở làng ấy mà nó là một dân tộc tính của người mình cũng nên. Nhân ngày nguyệt thực gần tới đây tôi xin nhắc lại một cái thù tục để chứng tỏ cho lời nói trên. Mỗi khi có nguyệt thực thì dân mình ngày xưa và ở vùng quê ngày nay cũng thế, họ mang đủ các thứ thúng mẹt chậu thau, chiêng trống ra gõ ầm ầm vang cả trần gian, tưởng rằng làm như thế để cho gấu ăn mặt giăng phải sợ mà bỏ chạy.
Cái tin tưởng lạ lùng như thế còn di truyền đến ngày nay, đến cái thời dân chủ cộng hòa này. Mỗi một lần bọn thực dân làm những việc dã man, phản động là ở ngoài này người ta tổ chức một ngày phản kháng rồi người ta cũng đi quanh các phố hò la ầm ỹ, trong khi bọn thực dân trong Nam vẫn tự do hoành hành và bọn thực dân ở ngoài Bắc vừa tò mò cười vào mũi chúng ta và cũng khiêu khích chúng ta thêm. Bao nhiêu chuyện xảy ra ngay trước mắt chúng ta chỉ biết bình tĩnh để phản kháng!
Rồi đến ngày nay, Nam bộ chỉ mới mất có một khu Sài-gòn đó là sự thực còn các vùng khác trong Nam quân ta vẫn oanh liệt kháng chiến không chịu lui và người ta đang cần những sự hợp tác giúp đỡ thiết thực hơn, người ta đang cần chúng ta phải vào tận nơi để tiếp tục cuộc kháng chiến, thì ở ngoài này chúng ta chỉ kêu gào. Nếu sự ủng hộ chỉ là lời nói, nếu sự phản kháng chỉ là lời nói thì làm sao cho quân địch không phải dùng lời nói để cướp đất của ta. Chỉ có kẻ nào đã để địch phương dùng lời nói lấy mất đất thì mới có thể tin được rằng mình sẽ dùng lời nói để lấy lại những đất ấy.
Sự hộ người Nam chỉ là lời nói mà sự ủng hộ của người Bắc là thiết thực dân chúng tâm niệm đều một lòng thành không ai là không chịu đem tiền và thuốc ra bỏ vào các hòm quyên!!!
Hỡi quốc dân đồng bào: trước sự tồn vong của Nam bộ, chúng ta cần phải hành động thiết thực hơn, chúng ta phải thiết thực giúp đỡ người Nam hơn, còn hô hào suông và tổ chức những ngày phản kháng có tính cách một ngày vui đùa cho trẻ con, chúng ta sẽ không đi đến một kết quả nào mà rồi chúng ta sẽ thất vọng vì chúng ta đã tổ chức bao nhiêu ngày phản kháng ráo riết rồi, mà những ngày ấy không có một tiếng vang nào chứ đừng nói đến kết quả hẳn hoi nữa.
Sự làm ầm ỹ của chúng ta có tính cách khua chuông gõ trống để đuổi con gấu ăn giăng của những người tin tưởng mê muội vậy.
Bài 3:
Những sự vô lý còn rất nhiều trong những sự có lý riêng của người ta. Chúng ta đòi được hoàn toàn độc lập đối [sic] người Pháp thật là một sự vô lý. Các báo Pháp nhao nhao phản đối những lời nói ôn hòa mà rất hợp lẽ của ông Phạm văn Đồng những lời nói không có gì đáng kể đối với những việc mà thực dân Pháp đã gây ra ở Đông-dương. Chính các báo ta cũng vô lý mà cho lời nói của ông Đồng là những trái bom hay bài diễn văn "nẩy lửa" để cho thế giới tưởng lời của ông Đồng nẩy lửa thật thì nguy hiểm quá. Như ý tôi đáng lẽ ông Đồng phải bảo cho người Pháp biết rằng: "Ừ nếu các ông bảo chính sách thực dân Pháp không tàn hại thì các ông thử để người Việt Nam chúng tôi cai trị nước Pháp trong 80 năm giời theo đúng như chính sách thực dân của các ông đã thi hành ở Đông-dương. Hết 80 năm ấy, chúng ta sẽ trở lại mở cuộc đàm phán với nhau". Cái sự có lý này chắc là nó sẽ rất vô lý đối với người Pháp cũng như người Việt Nam thấy người Pháp vô lý khi cứ muốn nước Việt Nam sẽ mãi mãi là thuộc địa của Pháp và tự do theo người Pháp hiểu.
Chỉ có riêng mình ông Max André là hiểu người VIệt Nam và biết người VIệt Nam rồi cũng đến phải theo cái vô lý có lý của ông chăng nên ông đã khuyên các báo Pháp rằng: "Chúng ta hãy cứ lạc quan". Những đại biểu Việt Nam thích nói bóng bẩy chỉ nói: "Ở Fontainebleau lạnh lắm". Ông Max André đã hiểu cái đuôi của các đại biểu Việt Nam. Ông nhìn qua cái bóng ấy và thấy rằng: "Ở Fontainebleau lạnh nhưng ở Việt Nam thì nóng hết sức". Nóng nhất là ở các vùng Cao Nguyên Mọi nóng đến nỗi súng của quân đội Pháp tự nhiên nổ đạn bay vào quân đội của Việt Nam, và chừng quân đội Việt Nam thấy nó nóng rát quá đã rút lui hết. Vì nóng quá quân đội Pháp đã kéo vào phủ Toàn quyền ở cho có nhiều bóng mát, rồi họ còn kéo cả về Bắc-ninh, Bắc-giang, Lạng-sơn để nghỉ mát. Các ông đại biểu Việt Nam ơi! bận sau các ông cứ nói đặc cho tôi đừng có nói bóng nữa và để cho ông Max André nhìn thấu qua được để khuyên dân Pháp cứ lạc quan. Hay nếu tốt hơn nữa là các ông hãy chờ khi nào chính phủ Việt Nam đuổi dồn đến hết những bọn thực dân Pháp về Phi-châu cho họ chết nóng, lúc ấy các ông hãy nói bóng chắc rằng ông Max André không còn khuyên dân Pháp lạc quan nữa.
Đám tang Nguyễn Văn Vĩnh ở Hà Nội
Khái Hưng vs Vũ Đình Long
Khái Hưng Hà Nội
Biến mất, trở lại và ý nghĩa (1)
Trở lại với Khái Hưng
Khái Hưng Nguyễn Tuân
Đoạn cuối của Khái Hưng
Khái Hưng vs Phạm Quỳnh
Khái Hưng viết về Hồ Hữu Tường
Văn chương miền Nam: Hồ Hữu Tường (2) Hà Nội
Khái Hưng dịch thơ Victor Hugo
Ngày 19 tháng Chạp năm 1946
Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính
những trở lại
Khái Hưng ngoài Phong hóa, Ngày nay
Vòng tròn Dương Nghiễm Mậu
Lan Hữu trở lại
Tiểu luận thứ ba về Tự Lực văn đoàn
Tự Lực: một sự nghiệp tuyệt đẹp
Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn
Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn
Đã
Lên, lên nữa, lên mãi
Vàng và máu: một vị trí
Phan Cự Đệ vs Khái Hưng
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Khái Hưng
Những câu chuyện rất là khác
Hay quá, có mở lại nổi cánh cổng của “văn chương sáng giá” không.
ReplyDeleteEinstein là cái con khỉ tườu
ReplyDeleteRất hay. Đến giờ vẫn nguyên tính thời sự.
ReplyDeletehơn cả làm trung điểm, Khái Hưng còn tạo ra được sự phi lý
ReplyDeletecó thể nói CVD đã vượt qua KH không?
ReplyDeletewhat for
ReplyDelete