Jan 16, 2018

Bachelard: không khí

Tiếp tục mục "đọc lý thuyết": đã tiếp tục tiểu luận của Roger Caillois về Montesquieu (đến đoạn cuối rồi, coi như là sắp hết).

Trong khi tiếp tục mục "đọc lý thuyết", tôi đã nghĩ cần phải chọn nhân vật nào. Sau Albert Béguin, Jean-Pierre Richard, Leo Spitzer, George Steiner, Jean Paulhan, Michel Foucault hay Roland Barthes, nên là ai? Tôi đã do dự giữa Jacques Lacan, Jacques Derrida, Paul de Man và Paul Ricoeur. Rồi tôi quyết định chọn Gaston Bachelard.



Trong ảnh là bốn quyển sách của Bachelard về bốn "yếu tố" (các yếu tố giống như trong hệ thống của Aristote). Hai quyển ở giữa thì cũng thường thôi, quyển ngoài cùng bên tay trái, về "nước", là "nouvelle édition", ấn bản 1947, sau ấn bản đầu vài năm; còn quyển ngoài cùng bên tay phải, về "đất", là ấn bản đầu năm 1948. Nhìn hai quyển vừa được nhắc, ta sẽ thấy Gaston Bachelard trong một giai đoạn (có thể gọi, không chính xác lắm, là thời kỳ đầu) là tác giả in sách tại nhà xuất bản José Corti. Trong hồi ký, José Corti nhắc đến Bachelard như một người tuy về sau sẽ rời bỏ nhà xuất bản, in sách chủ yếu ở nơi khác, nhưng vẫn là bạn; nói đúng hơn, tới một thời điểm, PUF (Presse Universitaire de France) được thành lập, tại nhà xuất bản chuyên về các ấn phẩm nghiên cứu ấy, Bachelard phụ trách một tủ sách, một "collection".

(tuy có bốn yếu tố nhưng Bachelard viết tổng cộng năm cuốn sách, tức là một yếu tố gồm hai cuốn tổng cộng; tôi còn chưa có quyển sách ấy: cơ hội tuyệt vời để tặng sách cho tôi; à mà hôm trước tôi đã nói là muốn được tặng sách ở kia, thế mà cho đến giờ vẫn chưa thấy có ỏ ẻ gì, vậy là thế nào nhỉ? tôi thuộc loại khó tặng sách nhất trên đời, theo một lý thuyết trên thế giới bao giờ cũng có (cố định) ba mươi sáu người rất khó tặng sách, cho nên cơ hội rất là hiếm đấy)

Trong những yếu tố này, cuốn sách nào vĩ đại nhất? Tôi sẽ trả lời ngay, đó là cuốn sách về không khí (quyển thứ hai tính từ bên trái).

Ở đây, Gaston Bachelard được nhắc đến không ít. Chủ yếu là liên quan tới cuốn sách về lửa. Và Bachelard chính là một dấu hiệu rất trọng tâm cho thấy sự vờ vịt của giới nghiên cứu văn học (và không chỉ văn học) Việt Nam. Không có ai đọc Bachelard hết. Nói rộng hơn, nhánh tạm gọi là "tâm phân học" trong nghiên cứu văn học Việt Nam tựu trung lại chỉ là một cái công thức: "ẩn ức, thăng hoa" (rất tương tự với nhánh tạm gọi là cấu trúc, quanh đi quẩn lại không có gì khác ngoài sở năng và sở biểu). Nhưng cái công thức thần kỳ này của các nhà tâm phân học (trong nghiên cứu văn học) ở Việt Nam là một công thức sai, nó chỉ có một ý nghĩa duy nhất là cho thấy các nhà phê bình theo hướng tâm phân học Việt Nam mới chính là những người cần được điều trị tâm phân học, lên nằm đi văng kể chuyện hồi bé mơ tưởng chị hàng xóm như thế nào, để chữa cho khỏi mấy thứ ẩn ức tính dục lưu cữu nhầy nhụa, làm cho không bao giờ lớn lên nổi. Thêm nữa, các nhà tâm phân học ở Việt Nam đánh đồng tâm phân học với Sigmund Freud. Điều đó hoàn toàn sai. Không một nhánh tâm phân học quan trọng nào trong thế kỷ 20 không chống lại các quan điểm và lý thuyết của Freud. Nhất là Gaston Bachelard: đối với Bachelard (điều này được thể hiện rõ trong một cuốn sách), tâm phân học chính là nhịp học. Roland Barthes nếu bàn về tâm phân học lúc nào cũng khăng khăng "tâm phân học générale", và tất nhiên trong câu chuyện ấy Jacques Lacan rất quan trọng. Không phải mấy trò libido giải trí giống hệt gọi hồn về nói chuyện (Freud từng rất thích tìm hiểu trò gọi hồn, nhưng có vẻ không thành công cho lắm, trong khi Victor Hugo hay William James thì thắng lợi rực rỡ, James trước khi chết nói với bạn là mình sẽ quay về tạo dấu hiệu, nhằm chứng minh linh hồn có tồn tại; đoạn sau của câu chuyện thì không rõ lắm).

Rất dễ thấy những người có nhắc đến Bachelard ở Việt Nam không bao giờ đọc Bachelard, vì luôn luôn tưởng trí tưởng tượng thì tạo ra hình ảnh, trong khi Bachelard chính là một trong những người chứng minh trí tưởng tượng thì giết chết hình ảnh, theo nghĩa nó biến đổi chúng đi.

Bachelard là một điều kỳ diệu. Trong câu chuyện bình luận Lautréamont, Bachelard là một trong những khoảnh khắc lớn nhất.

Trong cuốn sách về không khí, Bachelard sẽ chủ yếu tập trung vào William Blake, Shelley, Nietzsche, và đặc biệt, đây cũng là cuốn sách nơi Bachelard thể hiện mình là một độc giả kiệt xuất của Balzac: Bachelard đặc biệt quan tâm đến Séraphîta.

Bachelard và bốn yếu tố, câu chuyện đã quá nổi tiếng. Nhưng, có thể đẩy thêm một chút: đã có bốn yếu tố, thì khả năng gần như chắc chắn là sẽ có yếu tố thứ năm. Yếu tố thứ năm ấy, trong câu chuyện Bachelard, là gì? yếu tố thứ năm chính là Gaston Bachelard.





Không khí và mộng
Tiểu luận về trí tưởng tượng của chuyển động

Gaston Bachelard


Introduction

Trí tưởng tượng và sự cơ động


“Các nhà thơ phải trở thành nghiên cứu lớn của triết gia nào muốn biết con người.”
(Joubert, Pensées)


I

Cũng như nhiều vấn đề của tâm lý học, các nghiên cứu về trí tưởng tượng bị gây nhiễu bởi ánh sáng giả dối của từ nguyên học. Lúc nào người ta cũng muốn trí tưởng tượng là năng lực tạo lập hình ảnh. Thế nhưng đúng hơn nó lại là năng lực biến dạng những hình ảnh được cung cấp từ tri giác, nhất là nó đồng nghĩa với năng lực giúp chúng ta thoát khỏi các hình ảnh đầu tiên, giúp thay đổi hình ảnh. Nếu không có sự thay đổi các hình ảnh, hội tụ bất ngờ của các hình ảnh, thì không có trí tưởng tượng, không có hành động tưởng tượng. Nếu một hình ảnh hiện diện không làm người ta nghĩ đến một hình ảnh vắng mặt, nếu một hình ảnh ngẫu nhiên không xác định một sự hoang phí các hình ảnh lầm lạc, một bùng nổ của những hình ảnh, thì không có trí tưởng tượng. Có tri giác, kỷ niệm về một tri giác, ký ức quen thuộc, thói quen các màu và các hình. Từ nền tảng tương ứng với trí tưởng tượng [imagination] không phải hình ảnh [image], mà là cái tưởng tượng [imaginaire]. Giá trị của một hình ảnh được đo lường bằng độ rộng vầng hào quang cái tưởng tượng [“image”, “imagination”, “imaginaire”: bộ ba từ then chốt của những gì Bachelard đang bàn; “imaginaire” trở thành vấn đề lớn của một giai đoạn (trong triết học trước đó, hầu như mới chỉ có “imagination”, cf. chẳng hạn Malebranche), trong đó Bachelard là một nhà phân tích rất quan trọng, nhưng đó cũng là đối tượng của nhiều nhân vật khác, chẳng hạn Jacques Lacan; trong số các từ cùng gốc, còn có “imaginant” như trong “hành động tưởng tượng” trên đây: nó là phái sinh của động từ “imaginer”, riêng từ này sẽ được dịch tùy thuộc vào bối cảnh] của nó. Nhờ cái tưởng tượng, trí tưởng tượng xét về cốt yếu là mở, là hay lẩn tránh. Trong tâm thần con người nó chính là kinh nghiệm về sự mở, chính là kinh nghiệm về cái mới. Hơn mọi thứ sức mạnh khác, nó đặc thù hóa cho cơ cấu tâm thần con người. Như Blake tuyên bố: “Trí tưởng tượng không phải một trạng thái, mà là bản thân tồn tại con người” [chú thích trong sách: “William Blake, Second Livre prophétique, Berger d.”]. Ta sẽ dễ dàng tin hơn vào sự thật của châm ngôn ấy nếu nghiên cứu, như chúng tôi sẽ làm một cách hệ thống trong cuốn sách này, trí tưởng tượng văn chương, trí tưởng tượng nói, thứ, gắn chặt vào ngôn ngữ, tạo nên cấu tạo về mặt thời gian của tinh thần tính, và do vậy thoát ra từ thực tại [tuy tâm phân học của Bachelard gần như không có điểm chung nào với tâm phân học của Freud (mọi tâm phân học lớn sau Freud đều chống lại tâm phân học Freud, vì mọi nhân vật cột mốc của tâm phân học đều thấy ngay là Freud sai) nhưng cũng cần nói rằng ngay tâm phân học của Freud đã đặt ra hai nguyên tắc: “nguyên tắc khoái lạc” và “nguyên tắc thực tại”; các nhà tâm phân học hạng gà và hạng ruồi đều châu đầu vào nguyên tắc thứ nhất trong khi nguyên tắc thứ hai mới là nền tảng: các nhà tâm phân học hạng hai có nhu cầu lớn về giải quyết vấn đề dục tình và thỏa mãn khoái lạc cho bản thân mình].

Ngược lại, một hình ảnh rời khỏi nguyên tắc tưởng tượng và được cố định lại trong một hình thức chung quyết dần dà sẽ có các tính cách của tri giác hiện tại. Rất sớm, thay vì khiến chúng ta mơ và nói, nó khiến chúng ta hành động. Cũng tương đương với việc nói rằng một hình ảnh vững chắc và đã hoàn thành thì chặt đôi cánh của trí tưởng tượng. Nó làm chúng ta sụt đi khỏi trí tưởng tượng mơ mộng đó, thứ không chịu để cho mình bị cầm tù trong bất cứ hình ảnh nào và do đó ta có thể gọi là một trí tưởng tượng không hình ảnh theo cùng phong cách nơi ta nhận ra một suy nghĩ không hình ảnh. Chắc hẳn, trong cuộc sống huyền diệu của nó, cái tưởng tượng trình đặt các hình ảnh, nhưng nó luôn luôn hiện ra như một phía bên kia so với những hình ảnh của nó, và nó luôn luôn là hơn một chút so với những hình ảnh của nó. Bài thơ về cốt yếu là một khao khát về phía các hình ảnh mới. Nó tương ứng với nhu cầu cốt yếu về cái mới, thứ đặc trưng hóa cho tâm thần con người.

Như vậy tính cách bị hy sinh bởi một tâm lý học về trí tưởng tượng chỉ quan tâm tới sự tạo ra các hình ảnh là một tính cách cốt yếu, hiển nhiên, mà ai cũng biết: đó là sự cơ động [mobilité] của các hình ảnh. Có đối lập - trong ngự trị của trí tưởng tượng cũng như trong rất nhiều lĩnh vực khác - giữa sự tạo ra và sự cơ động. Và bởi sự miêu tả các hình thức thì dễ hơn miêu tả các chuyển động, người ta giải thích rằng tâm lý học quan tâm trước hết đến công việc thứ nhất. Thế nhưng công việc thứ hai lại quan trọng hơn [tương tự: thực tại thì quan trọng hơn khoái lạc, nhưng khoái lạc thì lại rất dễ miêu tả]. Trí tưởng tượng, đối với một tâm lý học đầy đủ, trước tiên là một típ vận động tinh thần, típ vận động tinh thần lớn nhất, hoạt nhất, sống động nhất. Thế nên cần phải thêm vào theo đường lối hệ thống cho nghiên cứu một hình ảnh đặc biệt nghiên cứu về sự cơ động của nó, sự màu mỡ của nó, cuộc sống của nó.

Nghiên cứu này là khả dĩ bởi vì tính cơ động của một hình ảnh không phải là bất xác quyết. Thường thì sự cơ động của một hình ảnh đặc biệt là một sự cơ động đặc thù. Một tâm lý học về trí tưởng tượng của chuyển động vì vậy hẳn sẽ phải xác định một cách trực tiếp tính cơ động của các hình ảnh. Hẳn nó phải dẫn đến chỗ vạch ra, cho mỗi hình ảnh, một đường đi do nó tự tạo ra theo đúng nghĩa, thứ hẳn sẽ tóm tắt sự động của nó [“động” ở đây là “cinétique”, “cinétisme”]. Chính bản phác họa cho một nghiên cứu như thế là điều mà chúng tôi trình bày trong cuốn sách này.

Tức là, chúng tôi sẽ để sang một bên các hình ảnh ở trạng thái nghỉ, các hình ảnh được lập thành vốn dĩ đã trở thành những từ xác định rõ. Chúng tôi cũng sẽ để sang một bên mọi hình ảnh có tính cách truyền thống một cách rõ nét - chẳng hạn những hình ảnh hoa phong phú đến thế trong tập hợp cây cỏ của các nhà thơ. Chúng tới, theo một đường lối quy ước, tô điểm cho các miêu tả văn chương. Tuy nhiên chúng đã đánh mất quyền năng tưởng tượng của mình. Những hình ảnh khác thì hoàn toàn mới. Chúng sống cuộc đời của ngôn ngữ sống động. Ta cảm nhận được chúng, trong sự trữ tình hoạt động của chúng, căn cứ vào cái dấu hiệu thiết thân kia, là chúng đổi mới tâm hồn và trái tim; chúng mang tới - các hình ảnh văn chương đó - một niềm hy vọng cho một tình cảm, một sự mạnh mẽ đặc biệt cho quyết định của chúng ta trong việc là một con người, thậm chí một chất bổ dưỡng cho cuộc sống vật thể của chúng ta. Cuốn sách chứa đựng chúng bỗng chốc trở nên một bức thư thân tình gửi cho chúng ta. Chúng có một vai trò trong cuộc đời chúng ta. Chúng cung cấp chất sống cho chúng ta. Nhờ chúng, lời nói, sự viết, văn chương được nâng lên hàng trí tưởng tượng sáng tạo. Suy nghĩ trong lúc diễn đạt qua một hình ảnh mới trở nên giàu có hơn bằng cách làm giàu thêm cho ngôn ngữ. Hữu thể trở thành lời. Lời hiện ra ở đỉnh cao tâm thần của hữu thể. Lời hé lộ triển hạn tức thì của tâm thần con người.

Làm sao tìm ra một thước đo chung cho sự cầu xin hướng tới sống và nói ấy? Chỉ có thể là thông qua nhân bội các kinh nghiệm về đồ hình văn chương [hay nói cách khác, các biện pháp tu từ: “hình thái” vốn dĩ là từ hay được dùng ở trường hợp này dường như không hề chính xác], hình ảnh di động, thông qua tái lập, theo lời khuyên của Nietzsche, cho mọi vật chuyển động đúng của nó, thông qua xếp và so sánh các chuyển động hình ảnh đa dạng, thông qua đếm mọi sự phong phú của dịch chuyển về nghĩa [trong tu từ học, có các “biện pháp” và có, như ở đây, các “trope”] luồn vào xung quanh một từ. Trước mọi hình ảnh gây tác động mạnh lên chúng ta, chúng ta cần tự hỏi: đâu là sự hăng hái ngôn ngữ mà hình ảnh này làm bốc lên từ ta? làm sao mà chúng ta nhổ được neo đi khỏi cái đáy quá vững chắc những kỷ niệm thân quen của chúng ta? Để cảm thấy rõ vai trò gây tưởng tượng của ngôn ngữ, cần phải kiên nhẫn tìm, đối với mọi từ, các ham muốn về khác, các ham muốn về nghĩa nhân đôi, các ham muốn về ẩn dụ. Theo một cách thức chung hơn, cần phải thống kê mọi ham muốn hướng vào việc rời khỏi cái mà ta nhìn thấy và cái mà ta nói nhằm làm lợi cho cái mà ta tưởng tượng. Như thế ta sẽ có cơ may trả lại được cho trí tưởng tượng vai trò quyến rũ của nó. Nhờ trí tưởng tượng chúng ta bỏ được dòng chảy thông thường của mọi vật. Tri nhận và tưởng tượng cũng đối nghịch ngang với hiện diện và vắng mặt [một điểm căn bản trong tư duy của Bachelard: phân biệt tri giác (perception) với trí tưởng tượng]. Tưởng tượng là đi vắng, là lao về phía một cuộc đời mới.




II

Thường thì sự vắng mặt này không có quy luật, cái đà ấy không có sự kiên trì. Mơ mộng chỉ chuyển chúng ta đi nơi khác, chúng ta chẳng thể nào thực sự có thể sống tất tật hình ảnh của tiến trình. Người mơ thì lên đường phiêu bạt.

Một nhà thơ đúng nghĩa không vừa lòng với trí tưởng tượng hay lẩn tránh này. Anh ta muốn trí tưởng tượng là một chuyến đi. Vậy nên nhà thơ nào cũng nợ chúng ta lời thỉnh du của anh ta [“invitation au voyage”: cụm từ này, như nhiều người biết, là hết sức đặc vị Baudelaire; tôi thuổng cách dịch tiếng Việt “thỉnh du” này từ ai đó mà nhất thời tôi quên mất tên]. Nhờ lời thỉnh này, chúng ta nhận được, trong hữu thể sâu kín, một sự thúc đẩy êm dịu, sự thúc đẩy khiến chúng ta lay động, nó khiến vận hành sự mơ mộng có tính cách cứu rỗi, sự mơ mộng thực sự động [“động” ở đây là “dynamique”]. Nếu hình ảnh ban đầu được lựa chọn tốt, nó sẽ lộ ra như một xung lực cho một giấc mơ thơ ca được xác định rõ, cho một cuộc sống tưởng tượng sẽ có những quy luật hình ảnh nối tiếp đúng nghĩa, một hướng sống đúng nghĩa. Các hình ảnh được đặt thành chuỗi bởi lời thỉnh du sẽ thu lấy được trong trật tự được lựa chọn tốt của chúng một sự mãnh liệt đặc biệt, nó sẽ cho phép chúng tôi chỉ ra, trong những trường hợp mà chúng tôi sẽ xem xét lâu dài trong cuốn sách này, một chuyển động của trí tưởng tượng. Chuyển động này sẽ không phải là một ẩn dụ đơn giản. Chúng ta sẽ thực sự cảm thấy nó trong chính chúng ta, thường xuyên nhất là như một sự nhẹ nhõm, như một sự dễ dàng để tưởng tượng ra các hình ảnh phụ, như một nhiệt hứng để theo đuổi giấc mơ nhiệm mầu. Một bài thơ đẹp là một thứ nha phiến hoặc một thức rượu. Đó là một món bổ thần kinh. Nó phải tạo ra trong chúng ta một quy nạp động. Chúng tôi sẽ tìm cách đưa ra tính đa dạng chuẩn xác ứng với cái câu sâu sắc của Paul Valéry: “nhà thơ đích thực là nhà thơ gây cảm hứng”. Nhà thơ của lửa, nhà thơ của nước và nhà thơ của đất không truyền đi cùng niềm cảm hứng như nhà thơ của không khí.

Chính vì thế hướng [“sens” ở đây là hướng, nhưng tất nhiên không hoàn toàn tách khỏi cái bóng mờ của “nghĩa”: nghĩa trước hết là hướng] của chuyến đi tưởng tượng rất khác tùy theo các nhà thơ khác nhau. Một số nhà thơ khăng khăng lôi kéo độc giả của họ tới đất nước của sự đẹp [cái đẹp “pittoresque”]. Họ muốn tìm lại ở nơi khác những gì người ta ngày nào cũng nhìn thấy xung quanh. Họ chất, họ chất quá nhiều cái đẹp lên cuộc sống thường dụng. Đừng khinh bỉ cái chuyến đi đến vùng đất của cái thực ấy, nó giải trí cho hữu thể rất nhiều. Một thực tại được rọi sáng bởi một nhà thơ ít nhất sở hữu sự mới của một chiếu rọi mới. Bởi nhà thơ khám phá giùm chúng ta một sắc thái thoáng qua, chúng ta học cách tưởng tượng mọi sắc thái giống như một sự thay đổi. Chỉ sự tưởng tượng mới có thể nhìn thấy các sắc thái, nó nắm lấy chúng lướt qua từ màu này sang màu khác. Như vậy tại cái thế giới cũ kỹ này, có những bông hoa mà ta đã quan sát thật kém cỏi! Ta đã quan sát chúng thật kém cỏi vì ta đã không nhìn thấy chúng đổi sắc thái. Nở hoa, đó là dịch chuyển các sắc thái, đó luôn luôn là một chuyển động mang sắc thái. Ai dõi theo trong khu vườn của mình mọi bông hoa bừng nở và điểm màu đã có tới cả nghìn khuôn mẫu cho động năng của những hình ảnh.

Nhưng sự cơ động đúng nghĩa, cái vận động trong tự thân nó, tức là vận động được tưởng tượng, không mấy nhạy bén trước sự miêu tả cái thực, ngay cả sự miêu tả một triển hạn của cái thực. Chuyến đi đích thực của trí tưởng tượng là chuyến đi đến vùng đất của cái tưởng tượng, chính nơi địa hạt của cái tưởng tượng. Chúng tôi không định nói đó là một trong những xứ phi lai ấy, cái thứ đột nhiên bày ra một thiên đường hay một địa ngục, một Atlantide hay một Thébaïde. Hành trình mới là thứ hẳn sẽ khiến chúng ta quan tâm, nhưng người ta lại cứ miêu tả cho chúng ta kỳ lưu trú. Thế nhưng điều mà chúng tôi muốn xem xét trong cuốn sách này thực sự là nội tại của cái tưởng tượng nơi cái thực [“nội tại” và “siêu vượt”, ngay dưới đây sẽ thấy rõ hơn; chỗ này chỉ cần hiểu Bachelard muốn xem xét tưởng tượng không ở mức siêu vượt khỏi thực tại], đó là hành trình liên tục từ cái thực tới cái tưởng tượng. Ta từng hiếm khi trải qua sự biến dạng tưởng tượng chậm chạp mà trí tưởng tượng gây ra cho các tri giác. Ta đã không mấy hiện thực hóa được tình trạng trôi chảy của tâm thần gây tưởng tượng. Nếu có thể nhân bội lên các kinh nghiệm về chuyển hóa hình ảnh, chắc hẳn ta sẽ hiểu nhận xét của Benjamin Fondane [chú thích trong sách: “Benjamin Fondane, Faux Traité d’esthétique”; Fondane có lẽ cũng sẽ là đối tượng sắp tới của tôi]: “Trước tiên, đối tượng [tạm gọi “objet” như vậy] thì không thực, mà là một đường dẫn tốt của cái thực.” Đối tượng thơ, được phát động năng một cách đầy đủ bởi một danh từ chất chứa vọng âm, sẽ, theo chúng tôi, là một đường dẫn tốt của tâm thần gây tưởng tượng. Cần phải, đối với sự dẫn này, gọi đúng tên đối tượng thơ, gọi nó bằng cái tên cũ kỹ, cấp cho nó số vang chuẩn xác của nó, bao bọc lấy nó bằng những cộng hưởng mà nó sẽ khiến cất tiếng, các tính từ sẽ nối dài nhịp của nó, cuộc đời trong thời gian của nó [“vie temporelle”: giải thích kỹ thì sẽ rất lằng nhằng, cf. L’Existence temporelle của Jean Guitton; vị thế của Gaston Bachelard trong triết học một thời cũng cần quan tâm: trong một chừng mực không nhỏ, Bachelard rất chống triết học Henri Bergson] của nó. Chẳng phải Rilke nói [chú thích trong sách: “Rainer Maria Rilke, Les Cahiers de Malte Laurids Brigge, Betz d.”: đây chính xác là tác phẩm của Rilke mà tôi sắp chạm đến, sau cuốn sách của Novalis]: “Để viết dẫu chỉ một câu thơ, phải từng nhìn thấy nhiều thành phố, con người và vật, phải biết các con vật, phải cảm nhận được lũ chim bay như thế nào và biết đâu là chuyển động mà những bông hoa thực hiện khi nở ra vào buổi sáng.” Mỗi đối tượng được chiêm ngưỡng, mỗi danh từ lớn lao được thì thầm là khởi hành của một giấc mơ và của một câu thơ, đó là một chuyển động ngôn ngữ sáng tạo. Đã bao phen nơi gờ giếng, trên tảng đá cũ phủ đầy rau chút chít hoang và dương xỉ, tôi từng thì thầm tên những loài chim xa ngái, tên của cái thế giới đã bị nuốt chửng đi… Đã bao phen vũ trụ đột nhiên đáp lời tôi… Ôi các đối tượng của tôi! chúng ta đã nói biết bao nhiêu điều!

Rốt cuộc chuyến đi đến các thế giới xa xôi của cái tưởng tượng chỉ dẫn tốt đẹp một tâm thần động nếu như nó mang dáng dấp của một chuyến đi tới vùng đất của vô tận. Trong ngự trị của trí tưởng tượng, ở mỗi nội tại đều kèm thêm một siêu vượt. Đây chính là quy luật của biểu đạt thơ, vượt quá suy nghĩ [thơ, ở một thuộc tính lớn của nó, là vượt qua “vùng” của suy nghĩ]. Chắc hẳn, siêu vượt này thường hiện ra đầy thô thiển, giả tạo, đứt gãy. Cũng có những khi nó thành công quá chóng vánh, nó đầy ảo tưởng, bốc hơi, tán sắc. Đối với hữu thể suy tư, nó là một ảo tượng. Nhưng ảo tượng này hấp dẫn. Nó kéo theo một động năng đặc biệt, thứ vốn dĩ đã là một thực tại tâm lý không thể chối cãi. Khi đó ta có thể sắp xếp các nhà thơ bằng cách đề nghị họ trả lời câu hỏi: “Hãy nói cho tôi vô tận của anh là gì, tôi sẽ biết hướng vũ trụ của anh, đó là vô tận của biển hay vô tận của trời, đó có phải vô tận của lòng đất sâu hay vô tận của giàn thiêu?” Trong ngự trị của trí tưởng tượng, vô tận là cái vùng nơi trí tưởng tượng tự khẳng định với tư cách trí tưởng tượng thuần [“thuần” và “thuần túy” rất khác nhau: đối tượng cuốn sách đầu tiên của Kant hoàn toàn không phải “lý tính thuần túy” mà là “lý trí thuần”], nơi nó tự do và một mình, bị thất bại và chiến thắng, cao ngạo và run rẩy. Thế là các hình ảnh bay vọt lên và biến mất đi, chúng lên cao và chúng rơi ngay trong độ cao của chúng. Thế là thực tại luận của cái phi thực được áp xuống. Ta hiểu các đồ hình thông qua biến hình của chúng. Lời là một sự tiên tri. Trí tưởng tượng như vậy quả đúng là một bên kia tâm lý. Nó mang dáng vẻ của một tâm thần tiền triệu, thứ phóng chiếu hữu thể của nó. Chúng tôi đã tập hợp, trong cuốn Nước và các giấc mơ, nhiều hình ảnh nơi trí tưởng tượng phóng chiếu những ấn tượng thiết thân lên thế giới bên ngoài. Bằng cách nghiên cứu trong cuốn sách này tâm thần thuộc không khí chúng tôi sẽ có những ví dụ nơi trí tưởng tượng phóng chiếu hữu thể đầy đủ. Khi đi thật xa, thật cao như thế, người ta tự nhận ra rất rõ mình đang ở vào trạng thái trí tưởng tượng mở. Trí tưởng tượng, nguyên khối, thèm khát các thực tại của bầu khí quyển, nhân đôi mỗi ấn tượng của một hình ảnh mới. Hữu thể cảm thấy, như Rilke nói, mình đang ở ngay trước khi được viết ra. “Lần này tôi sẽ được viết ra. Tôi là ấn tượng sẽ chuyển vị” [chú thích trong sách: “Rilke, loc. cit.”]. Trong sự chuyển vị này, trí tưởng tượng làm hiện ra một trong những bông hoa thiện-ác kia, chúng làm rối vào nhau các màu của thiện và ác, chúng vi phạm những luật lệ thường hằng nhất của các giá trị con người. Ta hái những bông hoa như vậy trong các tác phẩm của Novalis, Shelley, Edgar Poe, Baudelaire, Rimbaud, Nietzsche. Yêu quý họ, ta cảm thấy ấn tượng theo đó trí tưởng tượng là một trong các hình thức của sự táo bạo nơi con người. Ta nhận từ đó một động năng mang tính cách đổi mới.




III

Sau đó chúng tôi sẽ thử mang tới một đóng góp thực chứng cho tâm lý học về hai típ thăng hoa sau đây: thăng hoa biện luận đi tìm một bên kia và thăng hoa biện chứng đi tìm một bên cạnh. Những nghiên cứu như vậy là khả dĩ chính bởi các chuyến đi tưởng tượng và bất tận có những tuyến đường theo quy tắc hơn nhiều so với người ta có thể nghĩ. Khảo cổ học hiện đại đã rất được lợi, như Fernand Chapouthier nhận xét [chú thích trong sách: “Fernand Chapouthier, Les Dioscures au service d’une déesse”] nhờ sự tạo lập các chuỗi tài liệu theo quy tắc. Cuộc sống chậm chạp của các đối tượng xuyên qua nhiều thế kỷ cho phép ngoại suy nguồn gốc của chúng. Cũng như khi xem xét những chuỗi tài liệu tâm lý được lọc tốt, ta hiểu rõ hơn động năng *vô thức* của chúng. Lại cũng như, một cách dùng ẩn dụ mới có thể soi sáng cho khảo cổ học ngôn ngữ. Trong tiểu luận này, chúng tôi sẽ nghiên cứu các chuyến đi tưởng tượng hay lẩn tránh hơn cả, những trạm ít cố định hơn cả, các hình ảnh rất thường không hề vững chắc và, dẫu cho mọi thứ, chúng ta sẽ thấy rằng sự lẩn tránh này, sự lơ lửng này, sự thiếu vững chắc này không ngăn cản một cuộc sống thuộc tưởng tượng thực sự có quy tắc. Thậm chí dường như tất tật mọi sự rời rạc đôi khi mang lại dáng điệu xác định rõ đến mức nó có thể được dùng làm sơ đồ cho một sự cố kết thông qua vận động. Quả thật, cách thức chúng ta thoát khỏi cái thực chỉ định rõ nét thực tại sâu kín của chúng ta. Một hữu thể bị tước mất chức năng phi thực là một người mắc chứng nhiễu tâm cũng giống hệt như người bị mất chức năng về cái thực. Ta có thể nói rằng một rối loạn chức năng về cái phi thực vang lên bên trên chức năng về cái thực. Nếu chức năng về mở, thứ đúng là chức năng của trí tưởng tượng, hoạt động kém, thì bản thân tri giác sẽ bị tù đi. Như vậy ta sẽ phải tìm ra một mối liên hệ có quy tắc của cái thực với cái tưởng tượng. Sẽ chỉ cần sắp xếp cho tốt chuỗi tài liệu tâm lý là có thể sống mối liên hệ có quy tắc.


Tính quy tắc này gắn liền với việc chúng ta bị cuốn đi trong cuộc tìm kiếm tưởng tượng bởi các vật chất nền tảng, bởi những yếu tố tưởng tượng sở hữu các quy luật duy ý [tức là liên quan đến “idéalisme”] cũng chắc chắn ngang với những quy luật thực nghiệm. Chúng tôi xin nhắc tới vài cuốn sách nhỏ gần đây trong đó chúng tôi đã nghiên cứu, dưới cái tên trí tưởng tượng vật chất, cái nhu cầu đáng kinh ngạc đối với “sự xuyên thấu” ấy, nó, vượt quá các hấp dẫn của trí tưởng tượng về các hình thức [Bachelard muốn vượt qua mức của hình thức; điều đáng kinh ngạc là trái ngược với thông thường, dường như không phải vượt qua vật chất sẽ đến hình thức, mà lại là vượt qua hình thức thì sẽ đến vật chất: sẽ thấy rõ hơn ở nhiều đoạn sau], sẽ suy nghĩ vật chất, mơ vật chất, sống trong vật chất hoặc giả - nghĩa là vẫn thế - vật chất hóa cái tưởng tượng. Chúng tôi đã nghĩ mình có đủ cơ sở để nhắc tới một quy luật về bốn trí tưởng tượng vật chất, quy luật nhất thiết gán cho một trí tưởng tượng sáng tạo một trong bốn yếu tố: lửa, đất, không khí và nước. Chắc hẳn, nhiều yếu tố có thể can thiệp nhằm tạo ra một hình ảnh đặc biệt; có những hình ảnh ghép; nhưng cuộc sống của các hình ảnh có một sự thuần khiết về liên hệ đòi hỏi cao hơn. Ngay khi những hình ảnh bày ra thành chuỗi, chúng liền chỉ định một vật chất đầu tiên, một yếu tố nền tảng. Sinh lý học về trí tưởng tượng, còn hơn so với giải phẫu học về trí tưởng tượng, tuân theo luật bốn yếu tố.

Chẳng phải là có một mâu thuẫn cần dè chừng giữa các công trình cũ của chúng tôi và nghiên cứu này? Nếu một luật về bốn trí tưởng tượng vật chất bắt buộc trí tưởng tượng phải chăm chú một vật chất, chẳng phải trí tưởng tượng sẽ không tìm ra một lý do cho sự chăm chú và sự đơn điệu? Khi đó sẽ là vô vọng việc nghiên cứu sự vận động của các hình ảnh.

Không có gì như vậy bởi vì chẳng yếu tố nào trong số bốn yếu tố kia được tưởng tượng trong sự trơ ì của nó; ngược lại, yếu tố nào cũng được tưởng tượng trong động năng đặc biệt của nó; nó là một đầu chuỗi kéo theo một típ liên hệ cho những hình ảnh minh họa nó. Để dùng lại cách nói tuyệt diệu của Fondane, một yếu tố vật chất là nguyên tắc của một đường dẫn tốt, nó cung cấp sự liên tục cho một tâm thần gây tưởng tượng. Rốt cuộc, mọi yếu tố được nhiệt tình lựa chọn bởi trí tưởng tượng vật chất đều chuẩn bị, đối với trí tưởng tượng động, một thăng hoa đặc biệt, một siêu vượt đặc thù. Chúng tôi sẽ trình bày bằng chứng cho điều này trong suốt tiểu luận, bằng cách dõi theo cuộc sống của các hình ảnh thuộc không khí. Chúng ta sẽ thấy rằng thăng hoa không khí là thăng hoa biện luận điển hình hơn cả, loại thăng hoa mà các mức độ tường minh nhất và đúng quy tắc nhất. Nó được tiếp nối bằng một thăng hoa biện chứng dễ dàng, quá dễ dàng. Dường như hữu thể bay vượt qua cả bầu khí quyển nơi nó bay; dường như một thứ ê-te luôn luôn tự hiện ra để siêu vượt không khí [chi tiết này hết sức quan trọng; trong cuốn sách của Ovide về “các chuyển hóa”, ê-te đã xuất hiện ngay từ đầu]; dường như một tuyệt đối hoàn thành ý thức của tự do chúng ta. Có phải nhấn mạnh rằng quả thật trong ngự trị của trí tưởng tượng tính ngữ gần gũi nhất với danh từ không khítự do? Không khí tự nhiên là không khí tự do. Vậy nên chúng ta sẽ cần nhân đôi sự thận trọng trước một sự giải phóng được sống qua một cách kém cỏi, trước một sự tán thành quá nhậm lẹ các bài học của không khí tự do, của chuyển động trong không khí có tính chất giải phóng. Chúng tôi sẽ thử đi sâu vào chi tiết của tâm lý học về không khí như chúng tôi từng làm đối với tâm lý học về lửa và tâm lý học về nước. Từ quan điểm của trí tưởng tượng vật chất cuộc tìm hiểu của chúng tôi sẽ được rút ngắn, bởi không khí là một vật chất nghèo. Nhưng ngược lại, với không khí, chúng tôi sẽ có một lợi thế lớn liên quan đến trí tưởng tượng động. Quả thật, với không khí, chuyển động vượt trên chất. Tức là, chỉ có chất nếu có chuyển động [điểm hết sức then chốt: chuyển động có mối quan hệ với “chất” như thế nào?]. Tâm thần thuộc không khí sẽ cho phép chúng ta hiện thực hóa các bước của thăng hoa.




IV

Nhằm hiểu rõ các sắc thái đa dạng của thăng hoa chủ động này, và đặc biệt khác biệt gốc rễ giữa thăng hoa động kiểu điện ảnh [điện ảnh gây ra một hiểu nhầm rất lớn: nó hoàn toàn không phải là chuyển động] và thăng hoa thực sự động [dynamique], cần nhận ra rằng chuyển động do thị giác mang lại thì không được động hóa. Vận động thị giác vẫn là thuần kiểu điện ảnh. Cái nhìn dõi theo chuyển động một cách quá ngẫu nhĩ cho nên không dạy được cho chúng ta sống nó một cách toàn vẹn, ở bên trong. Các trò chơi của trí tưởng tượng hình thức, những trực giác hoàn tất các hình ảnh thị giác hướng lối cho chúng ta đi ngược lại sự tham gia vào chất [vì không có chuyển động đúng nghĩa, nên không vào chất được: điện ảnh là một sự vờ vịt khổng lồ; chắc nó sẽ tự kết liễu rất sớm, sau khi đã khai thác hết mọi khía cạnh lệch lạc - thật ra rất nghèo nàn - của nó]. Chỉ một mối đồng cảm [“sympathie”: từ này rất hay bị gọi một cách gớm ghiếc là “cộng cảm”] với một vật chất mới có thể xác định một sự tham gia thực sự chủ động mà hẳn người ta sẽ sẵn lòng gọi là một quy nạp nếu từ này đã không được dùng bởi tâm lý học về suy luận. Tuy nhiên hẳn chính là trong cuộc sống của các hình ảnh mà ta có thể cảm thấy một ý chí về dẫn dắt. Chỉ quy nạp có tính cách vật chất và động này, “dẫn” này, thông qua sự gần gũi với cái thực, mới có thể nâng hữu thể sâu kín của chúng ta lên cao. Chúng ta sẽ biết được nó bằng cách thiết lập giữa các vật và bản thân chúng ta một tương ứng về mặt vật chất tính. Để làm điều đó sẽ cần phải xâm nhập cái vùng mà Raoul Ubac gọi rất chuẩn xác là phản-không gian [chú thích trong sách: “Raoul Ubac, Le Contre-espace. Messages, 1942, cahier I”]. “Với mục đích luận thực hành của các cơ phận đòi hỏi từ sự tất yếu khẩn thiết của các nhu cầu tức thì tương ứng một mục đích luận thơ ca mà cơ thể chứa ở dạng tiềm năng… Phải tin rằng một đối tượng có thể lần lượt thay đổi hướng và dáng vẻ tùy theo ngọn lửa thơ ca chạm đến nó, đốt nó hoặc tránh nó.” Và bằng cách thực hiện đảo ngược chủ thể và đối tượng này trong hành động, Raoul Ubac trình bày cho chúng ta trong Exercice de la pureté “phía bên kia của mặt”. Dường như do đó ông cũng tìm thấy lại một tương ứng giữa không gian ba chiều và cái không gian sâu kín mà Joé Bousquet từng gọi tên rất chính xác là “không gian không chiều” [ở sát sạt với mức tri giác (và trên đó), nên đương nhiên Bachelard có mối quan tâm rất lớn vào không gian, tác phẩm quan trọng về chủ đề này là Poétique de l’espace]. Chừng nào thực hành bộ môn tâm lý học về không khí vô tận, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn rằng trong không khí vô tận các chiều bị xóa đi và nhờ vậy chúng ta chạm được đến cái vật chất không chiều kia, nó khiến chúng ta có cảm giác về một thăng hoa sâu kín tuyệt đối [nếu nắm bắt được điểm này, coi như ta đã nắm bắt được cơ bản cái nhìn vào không khí của Bachelard; nhưng dĩ nhiên, nhìn không khí rất gần với một ảo tưởng].

Như vậy ta thấy lợi ích của một Einfühlung [chính là “empathy” lừng danh] chuyên môn hóa, lợi ích mà ta được hưởng khi hòa tan vào một vật chất đặc biệt thay vì tán đi trong một vũ trụ đã phân hóa. Trước các đối tượng, trước các vật chất khác nhau, trước các “yếu tố”, chúng ta sẽ vừa đề nghị sự đặc đặc thù của chúng lại vừa đề nghị năng lượng triển hạn chính xác của chúng. Đối với các hiện tượng thì chúng ta sẽ đề nghị những lời khuyên về thay đổi, các bài học về tính cơ động của chất, nói ngắn gọn là một môn vật lý chi tiết về trí tưởng tượng động. Đặc biệt, các hiện tượng thuộc không khí sẽ mang lại cho chúng ta những bài học rất tổng quát và rất quan trọng về lên, về thăng, về thăng hoa. Những bài học đó phải được đặt vào hàng các nguyên tắc nền tảng cho một tâm lý học mà chúng tôi sẽ sẵn lòng gọi là tâm lý học về thăng [psychologie ascensionnelle] hơn. Lời thỉnh du liên quan đến không trung, nếu nó, điều này là thích hợp, có hướng là đi lên, thì lúc nào nó cũng gắn chặt với cảm giác về một sự thăng nhẹ.

Khi ấy ta sẽ cảm thấy có một sự cơ động của các hình ảnh trong chừng mực nơi, bằng cách đồng cảm thông qua trí tưởng tượng động với các hiện tượng thuộc không khí, ta sẽ có ý thức về một sự nhẹ nhõm, một sự khoái hoạt, một sự nhẹ. Lúc đó cuộc sống theo hướng thăng sẽ là một thực tại sâu kín. Một chiều đứng có thực sẽ hiện ra ngay giữa các hiện tượng tâm thần. Sự thẳng đứng này hoàn toàn không phải một ẩn dụ vô ích; mà đó là một nguyên tắc về trật tự, một luật về liên kết, một cái thang dọc theo đó ta cảm nhận được các độ của một nhạy cảm tính đặc biệt. Rốt cuộc cuộc sống của tâm hồn, mọi cảm xúc tinh tế và thanh cao, mọi niềm hy vọng, mọi nỗi sợ, mọi lực tinh thần dấn vào một tương lai đều sở hữu một phép vi phân theo chiều đứng hiểu theo toàn bộ nghĩa toán học của từ này. Bergson nói trong La Pensée et le Mouvant rằng ý tưởng về vi phân nơi Leibniz hay nói đúng hơn là ý tưởng về fluxion của Newton được gợi ý bởi một trực giác triết học về sự thay đổi và về chuyển động. Chúng tôi tin là ta có thể nói được cụ thể hơn như vậy và trục đứng được khám phá kỹ càng có thể giúp chúng ta xác định tiến hóa tâm thần con người, phép vi phân về tăng tiến giá trị con người.

Nhằm biết rõ những cảm xúc tinh tế trong triển hạn của chúng, sự tìm hiểu đầu tiên, theo chúng tôi, nằm ở chỗ xác định trong mức độ nào chúng khiến chúng ta trở nên nhẹ hoặc trong mức độ nào chúng khiến chúng ta trở nên nặng. Chính phép vi phân theo chiều đứng dương hoặc âm của chúng chỉ ra rõ nhất sự hiệu quả của chúng, số phận tâm thần của chúng. Như vậy chúng tôi sẽ phát biểu nguyên tắc đầu tiên của trí tưởng tượng thăng: trong số mọi ẩn dụ, các ẩn dụ về độ cao, về sự đi lên, về chiều sâu, về sự hạ xuống, về sự rơi là những ẩn dụ tiên đề một cách hoàn hảo. Chẳng gì giải thích được chúng và chúng giải thích mọi sự. Nói đơn giản hơn: khi muốn sống [à, nếu ai để ý, tôi tuyệt đối không dùng từ “trải nghiệm” hay “nghiệm sinh” cho những chỗ như thế này: tôi nghĩ mấy từ ấy đã bị biến nghĩa do sự sử dụng ồ ạt ti tiện suốt một thời gian dài] chúng, cảm thấy chúng, và nhất là so sánh chúng thật tốt, ta nhận ra là chúng mang một dấu hiệu cốt lõi và chúng là tự nhiên hơn so với mọi ẩn dụ khác. Chúng dẫn chúng ta hơn so với các ẩn dụ thuộc thị giác, hơn so với bất kỳ hình ảnh huy hoàng nào. Và thế nhưng ngôn ngữ không khiến chúng trở nên dễ dàng. Ngôn ngữ, được các hình thức dạy dỗ, không dễ dàng biết cách biến các hình ảnh động về độ cao trở nên pittoresque. Tuy nhiên, những hình ảnh này sở hữu một sức mạnh lạ thường: chúng điều hành biện chứng của nhiệt tình và của sợ hãi. Sự tăng tiến giá trị theo chiều đứng có tính chất cốt yếu và chắc chắn, sự vượt trội của nó là không thể bàn cãi đến mức tinh thần không thể quay đi khỏi chừng nào nó từng một lần nhận ra cái đó trong hướng tức thì và trực tiếp của nó. Ta không thể tránh trục thẳng đứng nếu muốn diễn đạt các giá trị đạo đức [điểm rất tinh tế: luân lý học của Bachelard được xây dựng từ chuyển động theo trục đứng]. Khi đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng của một môn vật lý về thơ và một môn vật lý về đạo đức, chúng ta sẽ chạm được đến lòng tin này: mọi tăng tiến giá trị đều là sự đi lên theo chiều thẳng đứng.

Lẽ dĩ nhiên, có một chuyến đi về phía dưới; sự rơi, ngay cả trước can thiệp của mọi ẩn dụ đạo đức, là một thực tại tâm thần vào mọi giờ khắc. Và ta có thể nghiên cứu sự rơi này của tâm thần như một chương trong môn vật lý thơ ca và đạo đức. Trị của tâm thần không ngừng thay đổi. Trương lực tổng quát - cái dữ kiện động đến thế đối với mọi ý thức - tức thì là một trị. Nếu trương lực tăng lên, ngay tức khắc con người dựng thẳng dậy. Chính trong chuyến đi trên cao mà đà sốngđà biến người thành người; nói cách khác, chính trong công việc thăng hoa biện luận của nó, được tạo ra bên trong chúng ta những con đường của sự lớn lao. Trong con người, Ramon Gomez de la Serna từng nói, mọi thứ đều là con đường. Cần nói thêm: mọi con đường đều khuyên nhủ sự thăng. Động năng dương của chiều thẳng đứng nét đến mức ta có thể phát biểu châm ngôn sau đây: ai không lên sẽ ngã. Con người với tư cách con người không thể sống theo chiều ngang [ngược lại: cái giường, chính vì thế, hết sức quan trọng]. Sự nghỉ ngơi của anh ta, giấc ngủ của anh ta thường xuyên là một cuộc rơi. Rất hiếm người vừa ngủ vừa đi lên. Những người đó ngủ giấc ngủ thuộc không khí, giấc ngủ kiểu Shelley, trong cơn say của một bài thơ. Lý thuyết về vật chất tính, đúng như nó được phát triển trong triết học Bergson, hẳn sẽ dễ dàng minh họa cho châm ngôn này về vị trí hàng đầu của sự thăng. Ông Édouard Le Roy đã đóng góp nhiều triển khai cho lý thuyết về vật chất nơi Bergson. Ông đã chỉ ra rằng thói quen là sự trơ ì của triển hạn tâm thần. Từ quan điểm hết sức đặc biệt của chúng tôi, thói quen chính xác là phản đề của trí tưởng tượng sáng tạo [thói quen thì ngược với trí tưởng tượng sáng tạo: từ “sáng tạo” mà Bachelard dùng ở đây ngay lập tức khiến người ta nghĩ đến cuốn sách lớn nhất của Bergson, Tiến hóa sáng tạo]. Hình ảnh thông thường chặn các lực gây tưởng tượng. Hình ảnh được học từ sách vở, bị kiểm soát và phê bình bởi các ông thầy, làm nghẽn trí tưởng tượng lại [trường học là nơi phát ra biểu nghĩa đạo đức giả rất lớn của xã hội con người hiện đại]. Hình ảnh bị thu giảm về hình thức của nó là một khái niệm thơ; nó liên kết với các hình ảnh khác, từ bên ngoài, như một khái niệm với một khái niệm khác. Và sự liên tục của các hình ảnh ấy, thứ khiến ông giáo sư tu từ học hết sức để ý, thường thiếu mất sự liên tục sâu thẳm mà chỉ trí tưởng tượng mang tính cách vật chất cùng trí tưởng tượng động mới có thể mang lại.

Như vậy chúng tôi không nhầm, chúng tôi nghĩ thế, khi đặc trưng hóa bốn yếu tố như những hoóc môn của trí tưởng tượng. Chúng đặt thành hành động nhiều nhóm hình ảnh. Chúng giúp sự đồng hóa sâu kín cái thực tản mát trong các hình thức của chúng. Thông qua chúng có thể thực thi những tổng hợp lớn mang tới các tính cách hơi có quy tắc cho cái tưởng tượng. Đặc biệt, không khí thuộc tưởng tượng là hoóc môn khiến chúng ta lớn lên về phương diện tâm thần.

Cho nên chúng tôi sẽ cố gắng, trong tiểu luận về tâm lý học thăng này, ước định các hình ảnh thông qua sự lên khả dĩ của chúng. Ngay với chính các từ, chúng tôi sẽ tìm cách gắn thêm vào mức tối thiểu của sự thăng mà chúng khơi gợi, tin chắc rằng nếu con người chân thực mà sống các hình ảnh và các từ của anh ta thì anh ta sẽ nhận về một lợi ích lạ thường ở mức onto [tất nhiên, Bachelard đang nói tới “ontologie”; tạm thời tôi gọi nó là “onto”: sau Heidegger, ta cần phải hiểu onto nghĩa là, ít nhất, tham vọng đi xuống quá siêu hình học; ai đọc Heidegger thật thì sẽ hiểu cuối cùng Heidegger đầu hàng, không làm nổi chuyện này]. Quả thật, chúng tôi thấy như thể trí tưởng tượng được truyền thời gian tính bởi ngôn từ chính là năng lực biến người thành người hoàn hảo. Dẫu thế nào, sự xem xét các hình ảnh đặc biệt là công việc duy nhất phù hợp với các sức mạnh của chúng ta. Thế nên sẽ luôn luôn là dưới khía cạnh vi phân, chứ không phải giờ dưới khía cạnh tích phân, mà chúng tôi sẽ trình bày các tiểu luận của chúng tôi về sự xác định theo chiều thẳng đứng. Nói cách khác, chúng tôi sẽ gắn các tiểu luận của mình vào các mảnh rất ngắn của sự thẳng đứng. Sẽ chẳng bao giờ chúng ta cảm nhận được hạnh phúc đầy đủ của một siêu vượt dạng tích phân hẳn sẽ đưa chúng ta sang một thế giới mới. Ngược lại, phương pháp của chúng tôi sẽ cho phép chúng tôi cảm nhận trong sự đặc thù của nó cái tính cách bổ dưỡng của những niềm hy vọng nhẹ, những niềm hy vọng không thể đánh lừa bởi vì chúng nhẹ, những niềm hy vọng nối liền với các từ sở hữu bên trong chúng ta một tương lai tức thì, với các từ gây hy vọng, với những từ  đột nhiên giúp khám phá một ý tưởng mới, trẻ lại, sống động, một ý tưởng chỉ thuộc về riêng chúng ta giống như một thứ tài sản mới. Ngôn từ chẳng phải là sự khoái hoạt đầu tiên đấy ư? Lời có một sự bổ dưỡng nếu nó hy vọng. Nó sẽ rối tung rối mù lên nếu sợ hãi. Ở đây, không xa hơn, ngay cạnh từ của thơ, gần sát cái từ đang tưởng tượng, hẳn ta sẽ tìm được một phép vi phân của sự thăng tâm thần.

Nếu đôi lúc chúng tôi tỏ ra là mình tin tưởng vào các hình ảnh quá mức ít tính cách vật chất, thì chúng tôi đề nghị độc giả cứ đặt lòng tin nơi chúng tôi. Các hình ảnh của không khí nằm trên con đường những hình ảnh của sự phi vật chất hóa. Nhằm đặc trưng hóa các hình ảnh của không khí đối với chúng tôi sẽ thường là khó tìm ra phép đo đúng: quá nhiều hoặc quá ít vật chất, thế là hình ảnh trở nên trơ ì hoặc trở nên quá thoáng qua, hai cách thức khác nhau để mất vận hành. Vả lại, các hệ số cá nhân cũng can thiệp, chúng làm nghiêng cán cân về bên này hoặc bên kia. Nhưng điều cốt yếu, đối với chúng tôi, nằm ở chỗ khiến cảm thấy sự can thiệp nhất thiết của một thành tố trọng lượng vào vấn đề trí tưởng tượng động. Theo đúng nghĩa đen của từ này, chúng tôi muốn làm cảm thấy tất yếu của việc cân nhắc mọi từ, băng cách cân tâm thần mà các lời huy động. Xung động về phía trên cao, chúng tôi không thể từ nó làm ra một tâm lý học chi tiết mà không có một chút khuếch đại nhất định [điểm quan trọng, liên quan đến “thực hành”]. Chừng nào tất tật các đường nét của hình ảnh đều đã được nhận ra, chúng tôi sẽ có thể đưa được nó trở lại thang bậc của cuộc sống thực. Như vậy nhà tâm lý học siêu hình sẽ có nhiệm vụ lập ra trong trí tưởng tượng động một bộ khuếch đại đích thực của tâm thần có tính cách thăng. Hết sức chính xác, trí tưởng tượng động là một bộ khuếch đại trong tâm thần.

Như thế hẳn cũng nên tin khi chúng tôi khẳng định là mình ý thức được các khó khăn của chủ đề. Chúng tôi từng rất hay tự hỏi mình có “đang nắm lấy một chủ đề” hay không. Nghiên cứu các hình ảnh chạy trốn có phải là một chủ đề không? Các hình ảnh của trí tưởng tượng thuộc không khí, hoặc giả chúng bốc hơi, hoặc giả chúng sẽ kết tinh. Và chính là giữa hai cực của lưỡng trị lúc nào cũng chủ động này mà chúng ta cần nắm bắt lấy chúng. Như vậy chúng tôi sẽ buộc phải chỉ ra thất bại nhân đôi trong phương pháp của chúng tôi: độc giả phải giúp chúng tôi, thông qua trung gian cá nhân, để nhận về, trong cái khoảng ngắn ngủi của giấc mơ và suy nghĩ, của hình ảnh và của lời, cái kinh nghiệm động của cái từ vừa mơ vừa nghĩ. Từ cánh, từ mây ngay lập tức chính là những bằng chứng cho lưỡng trị này của cái thực và cái tưởng tượng. Độc giả sẽ ngay tắp lự làm gì mà anh ta muốn với chúng: một quang cảnh hay một viễn tượng, một thực tại được họa ra hay một chuyển động được mơ thấy. Điều mà chúng tôi đề nghị ở độc giả là sống không chỉ biện chứng này, các trạng thái thay nhau kế tiếp này, mà còn tập hợp chúng lại trong một bộ lưỡng trị nơi ta hiểu rằng thực tại là một tiềm năng của mơ còn giấc mơ là một thực tại. Hỡi ôi! giây phút của lưỡng trị ấy rất ngắn ngủi. Phải thú nhận rằng hết sức mau chóng ta nhìn thấy hoặc rất mau chóng ta mơ. Khi đó hoặc ta là tấm gương của các hình thức hoặc ta là kẻ nô lệ câm của một vật chất trơ ì.

Ý chí về mặt phương pháp này, đưa vấn đề của chúng tôi về dáng dấp một sự thăng hoa biện luận gắn chặt với chi tiết, và không ngừng chơi giữa ấn tượng và biểu đạt, ngăn cấm chúng tôi đề cập các vấn đề thuộc lĩnh vực xuất thần tôn giáo. Chắc hẳn những vấn đề ấy gợi ra một tâm lý học thăng hoàn chỉnh. Nhưng ngoài việc chúng tôi không đủ năng lực để xử lý chúng, chúng lại còn tương ứng với các kinh nghiệm quá hiếm nên không thể đặt ra vấn đề chung về cảm hứng thơ [chú thích trong sách: “Ta sẽ tìm được một sự trình bày rất đầy đủ về vấn đề, với một thư mục dày, trong cuốn sách của Olivier Leroy, La Lévitation. Contribution historique et critique à l’étude du merveilleux, Paris, 1928”].

Chúng tôi sẽ không mở rộng thêm các tìm kiếm của chúng tôi về lịch sử dài của thần linh học, nó, trong nhiều thời kỳ, đã đóng một vai trò lớn đến vậy. Chúng tôi phải đặt sang bên các tài liệu ấy bởi vì chúng tôi muốn viết công trình của nhà tâm lý học chứ không phải của sử gia. Vậy nên từ huyền thoại học, từ ma quỷ học, chúng tôi sẽ chỉ lấy, trong cuốn sách này, cũng như trong mọi nghiên cứu tâm lý học khác về trí tưởng tượng, những gì còn có thể là chủ động trong tâm hồn nhà thơ, những gì còn làm sống động tinh thần một người mơ sống xa những cuốn sách, trung thành với mộng vô tận về các yếu tố của tự nhiên.

Đối trọng với tất tật những phân vùng chặt chẽ của chủ đề chúng tôi, chúng tôi sẽ đề nghị độc giả cho phép không ngừng đưa anh ta trở lại với tính cách duy nhất mà chúng tôi muốn xem xét nơi các hình ảnh thuộc không khí: sự cơ động của chúng, bằng cách dẫn chiếu sự cơ động bên ngoài này về vận động mà các hình ảnh thuộc không khí đưa vào trong hữu thể của chúng ta. Nói cách khác, các hình ảnh, từ quan điểm của chúng tôi, là những thực tại thuộc tâm thần. Ở khởi sinh của nó, trong đà tiến của nó, hình ảnh, bên trong chúng ta, là chủ thể của động từ tưởng tượng. Chứ nó không phải túc từ của động từ ấy. Thế giới hiện ra, được tưởng tượng, trong mơ mộng con người.




V

Giờ là một tóm tắt nhanh chóng dự định của chúng tôi.

Sau phần dẫn introduction dài quá nhiều tính cách triết học và trừu tượng này, chúng tôi sẽ mau chóng hết sức mang tới, trong chương đầu tiên, một ví dụ hết sức cụ thể về mộng thức động. Quả thật, chúng tôi sẽ nghiên cứu ở đó Giấc mơ Bay. Có lẽ chúng tôi cũng sẽ, như vậy, khởi đầu bằng một kinh nghiệm hết sức đặc biệt và hiếm. Nhưng công việc của chúng tôi, rất cụ thể, sẽ là chỉ ra rằng kinh nghiệm này có mức độ rộng lớn hơn so với người ta nghĩ và, ít nhất đối với một số tâm thần, nó để lại, trong suy nghĩ lúc thức, các dấu vết sâu đậm.    



[bỏ qua đoạn cuối của "introduction", trong đó chủ yếu Bachelard tóm tắt từ trước nội dung các chương sách thuộc phần chính]






Chương I

Giấc mơ bay


“Dưới chân tôi có bốn cái cánh bằng san hô mềm, tôi có hai cánh mỗi bên mắt cá chân, màu xanh và màu lục, trên mặt biển chúng biết vạch ra những đường bay quanh co.”
(G. D’Annunzio, Undulna, Tosi d.)


I

Nhà tâm phân học cổ điển vẫn thường vận hành hiểu biết về các biểu tượng như thể các biểu tượng là những khái niệm. Thậm chí ta còn có thể nói rằng các biểu tượng tâm phân học là những khái niệm nền tảng của cuộc tìm hiểu tâm phân học. Chừng nào một biểu tượng đã được diễn giải, chừng nào người ta đã tìm ra cho nó biểu nghĩa “vô thức”, thì nó chuyển sang hàng công cụ phân tích đơn thuần và người ta không còn nghĩ là cần nghiên cứu nó trong bối cảnh hay các biến thể của nó nữa. Bằng cách ấy mà, đối với tâm phân học cổ điển, giấc mơ bay đã trở thành một trong những biểu tượng rõ ràng nhất, một trong các “khái niệm giải thích” chung nhất: nó biểu tượng hóa, người ta nói với chúng ta như vậy, các ham muốn khoái lạc. Thông qua nó, những tâm sự ngây thơ đột nhiên được in thành sẹo: nó là, dường như vậy, một dấu chỉ không đánh lừa. Vì giấc mơ bay đặc biệt rõ nét và tác động mạnh, vì lời thú nhận của nó, vẻ ngoài rất ngây thơ, chẳng hề bị trói buộc bởi sự kiểm duyệt nào, nó sẽ thường, trong phân tích các giấc mơ, là một trong những từ đầu tiên được giải mã. Nó sẽ chiếu rọi bằng một luồng sáng mau chóng lên cả một hoàn cảnh [chú thích trong sách: “Lẽ dĩ nhiên, thực hành tâm phân học mang lại nhiều sắc thái gây phức tạp cho quá trình biểu tượng hóa. Chẳng hạn, về giấc mơ cầu thang, rất thường cận kề với giấc mơ bay, tiến sĩ René Allendy (Rêves expliquées) nêu lên nhận xét: “Đàn ông thì lên cầu thang (tính chủ động) còn phụ nữ thì xuống cầu thang (tính thụ động).” Vả lại René Allendy chỉ ra nhiều đảo ngược khiến giấc mơ rất đơn giản này trở nên đa dạng hơn nữa].

Một phương pháp như thế, đưa ra một nghĩa xác định một lần là xong cho một biểu tượng đặc biệt, để vuột thoát rất nhiều vấn đề. Đặc biệt nó để vuột thoát vấn đề trí tưởng tượng, cứ như thể trí tưởng tượng là những kỳ nghỉ vô tích sự của một mối bận tâm về tình cảm dai dẳng. Ít nhất từ hai phía, tâm phân học cổ điển không hoàn thành nghĩa vụ về sự tò mò: nó không nhìn nhận tính cách cảm năng [esthétique] của giấc mơ bay; nó không nhìn nhận các nỗ lực về lý tính hóa diễn ra và làm biến dạng giấc mơ nền tảng này.

Quả thật hãy thừa nhận, với tâm phân học, rằng khoái lạc trong mơ được thỏa mãn bằng cách làm cho người mơ bay. Làm thế nào mà cái ấn tượng trầm lắng, rối mù, khó hiểu này lại có thể nhận về những hình ảnh duyên dáng của sự bay? Làm thế nào mà, trong sự đơn điệu cốt yếu của mình, nó lại phủ lên nó được cái đẹp [pittoresque] đến mức mang tới những câu chuyện bất tận về các chuyến đi có cánh?

Trả lời hai câu hỏi này, với vẻ bề ngoài hết sức chuyên biệt, hẳn sẽ là một đóng góp vừa cho một *esthétique* về tình yêu vừa cho một sự lý tính hóa về các chuyến đi tưởng tượng.

Với câu hỏi đầu tiên, quả thật ta tự đặt mình vào một quan điểm mới đối với một *esthétique* về sự duyên dáng. *Esthétique* này không được tựu thành với một miêu tả thị giác. Mọi môn đệ của Bergson đều biết rõ rằng quỹ đạo vòng cung duyên dáng phải được băng qua bởi một chuyển động đồng cảm và sâu kín. Như vậy mọi đường duyên dáng làm lộ ra một dạng thôi miên tuyến tính: nó dẫn dắt mơ mộng của chúng ta bằng cách tạo sự liên tục cho một đường. Nhưng ở quá cái trực giác thuộc về bắt chước chỉ biết tuân phục này, luôn luôn có một xung động điều hành. Với người nào chiêm ngưỡng đường duyên dáng, trí tưởng tượng động gợi ý sự thay thế điên rồ nhất: chính anh, người nằm mơ, là sự duyên dáng đang tiến triển. Hãy cảm nhận bên trong anh lực duyên dáng. Hãy thức nhận [tôi mượn ở đây từ “thức nhận” của Phan Ngọc: bằng cách đảo vị trí, đối với “vô vi” và đối với “thức nhận”, Phan Ngọc đã tạo ra những chân trời mới] việc mình là một kho trữ duyên dáng, là một quyền năng bay. Hãy hiểu rằng anh đang giữ, ngay trong ý chí của anh, giống như cái lá dương xỉ non, những lá nhỏ cuộn lại. Anh duyên dáng với ai, cho ai, chống lại ai? Chuyến bay của anh là một sự giải thoát, hay một cuộc bắt cóc? Anh đang tận hưởng lòng tốt của anh hay sức mạnh nơi anh? sự thiện xảo của anh hay bản tính của anh? Trong lúc bay, khoái lạc thì đẹp. Giấc mơ bay là giấc mơ của một kẻ quyến rũ đầy quyến rũ. Tình yêu cùng các hình ảnh của nó dồn đống lại ở chủ đề này. Do vậy bằng cách nghiên cứu nó chúng ta sẽ thấy bằng cách nào tình yêu tạo ra các hình ảnh.

Nhằm trả lời câu hỏi thứ hai, chúng ta sẽ phải đưa sự chú tâm hướng đến sự dễ dàng trong việc giấc mơ bay tự lý tính hóa. Trong bản thân quãng thời gian diễn ra giấc mơ, chuyến bay này không ngừng được bình luận bởi trí năng của người mơ; nó được giải thích bằng những định ngôn dài mà người mơ tự tạo cho chính mình. Người bay, ngay trong giấc mơ của anh ta, tuyên bố mình là kẻ tạo ra chuyến bay của anh ta. Vậy là hình thành, trong tâm hồn người nằm mơ, một ý thức rõ ràng của người bay. Ví dụ tuyệt diệu để nghiên cứu, giữa giấc mơ, sự xây dựng logic và khách quan những hình ảnh của giấc mơ. Khi dõi theo một giấc mơ được xác định rõ ràng như giấc mơ bay, ta nhận ra rằng giấc mơ có thể có “chuỗi trong các ý”, cũng ngang bằng với sự bướng bỉnh ở phương diện tình cảm trong dục vọng yêu đương của nó.

Ngay lúc này, trước cả khi chúng tôi mang tới các bằng chứng, hẳn người ta cũng cảm thấy rằng tâm phân học không nói mọi điều khi nó khẳng định tính cách lạc thú của chuyến bay trong mơ. Chuyến bay trong mơ cần, cũng như mọi biểu tượng tâm phân học, một sự diễn giải nhân lên: diễn giải thuộc dục vọng, diễn giải trong địa hạt cảm năng, diễn giải lý tính và khách quan.

Lẽ dĩ nhiên, những lời giải thích thuộc về hữu cơ tỏ ra còn kém khả năng trong việc theo sát mọi chi tiết tâm lý của giấc mơ bay hơn. Chẳng phải là nên thấy kinh ngạc khi một chuyên gia về folklore uyên bác như P. Saintyves hài lòng với những giải thích ấy? Đối với ông giấc mơ ngã gắn chặt với các “cơn quặn ruột hết sức đặc thù” đã được cảm nhận thấy trong cuộc sống thức “trong lúc xuống thang” [chú thích trong sách: “P. Saintyves, En marge de la légende dorée, Paris, 1930]. Tuy nhiên ông viết: “Hồi tôi còn ở tuổi thiếu niên, những lúc choàng tỉnh giữa một giấc mơ cùng loại (một chuyến bay tuyệt diệu), gần như luôn luôn tôi có cảm giác hít thở rất khoan khoái.” Sự khoan khoái này đòi hỏi một phân tích tâm lý học. Cần phải từ đó để đến với một tâm lý học trực tiếp về trí tưởng tượng.


Chúng ta cũng sẽ có, khi nghiên cứu giấc mơ bay, một bằng chứng mới cho thấy tâm lý học về trí tưởng tượng không thể được phát triển với các hình thức tĩnh, nó phải đi tìm hiểu những hình thức đang trên con đường bị biến dạng, bằng cách buộc rất nhiều tầm quan trọng vào các nguyên tắc động của sự biến dạng. Tâm lý học về yếu tố không khí là tâm lý học ít tính cách “nguyên tử” nhất trong số bốn tâm lý học dùng để nghiên cứu trí tưởng tượng vật chất [lửa, nước, đất, không khí]. Về cốt yếu nó có tính chất véc tơ. Về cốt yếu, một hình ảnh không khí có một tương lai, nó có một véc tơ chỉ hướng bay.

Nếu đó là một giấc mơ đủ sức cho thấy tính cách véc tơ của tâm thần, thì đó chính là giấc mơ bay. Và điều đó không phải vì chuyển động được tưởng tượng của nó, mà vì tính cách thuộc chất [substantiel] sâu kín của nó thì nhiều hơn. Quả thật, bởi chất của nó, giấc mơ bay tuân phục trước biện chứng của nhẹ và của nặng. Chỉ từ riêng điều này, giấc mơ bay nhận về hai loại rất khác nhau: nó là các chuyến bay nhẹ; nó là các chuyến bay nặng. Xung quanh hai tính cách này dồn tụ tất cả những biện chứng của niềm vui và nỗi khổ, của đà bật lên và của nỗi mệt, của sự chủ động và của sự bị động, của niềm hy vọng và của nỗi hối tiếc, của thiện và của ác. Những biến cố đa dạng nhất xảy ra trong hành trình bay sẽ tìm thấy ở cả hai trường hợp các nguyên tắc liên kết. Ngay khi ta đặt sự chú tâm vào trí tưởng tượng vật chất và trí tưởng động, các luật của chất và của triển hạn tâm thần để lộ ra sự vượt trội của chúng trước các luật của hình thức: tâm thần trong phấn hứng và tâm thần đang mệt mỏi khác biệt với nhau trong một giấc mơ ở vẻ bên ngoài cũng đơn điệu như giấc mơ bay. Chúng tôi sẽ còn quay trở lại với nhị nguyên nền tảng này của sự bay trong mơ chừng nào đã xem xét các biến tấu của nó.





(còn nữa)




Roger Caillois về Montesquieu
Roland Barthes: "Sociologie và socio-logique"
Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nhìn lại lý thuyết

17 comments:

  1. Tôi thấy bác cứ dịch mấy bài thế này, rồi có bài bác bỏ ngang, vậy mục đích là không để cho khách ghé đọc rồi. Tôi mong có ngày bác tìm một quyển lý thuyết nào mà bác thích rồi dịch cả cuốn ra in sách, tôi sẽ mua.

    ReplyDelete
  2. đúng thế, đừng đọc

    và nếu tôi có in cái gì thì cũng đừng mua

    tôi không thấy có ích lợi gì cho rất nhiều người khi đọc tôi, cho nên cố để làm gì?

    ReplyDelete
    Replies
    1. thì đâu ai dư thời gian đọc đâu bác

      Delete
    2. nhưng lại rất dư thời gian để comment?

      vớ vẩn nhất là vào nhà người khác khuyên người ta phải sắp xếp như thế nào, trừ khi bạn là kiến trúc sư chẳng hạn

      Delete
  3. "Hành trình mới là thứ hẳn sẽ khiến chúng ta quan tâm, nhưng người ta lại cứ miêu tả cho chúng ta kỳ lưu trú." và cái vô hạn chính là "hướng" của thực tại có phỏng? nơi mà "cái tưởng tượng" nếu ko bị "neo" thì lại được cấp cho một tổ hợp những đường ray.

    ReplyDelete
  4. cuộc "cách mạng" (nếu mà có cách mạng) của triết học chính là nằm ở chữ "động" và "chuyển động" này, khi đó siêu vượt không thực sự còn ý nghĩa nữa; hệ quả của điều đó là siêu hình học cũng mất ý nghĩa nốt (nhiều người nói triết học đã chết chính là vì như vậy: thời điểm hẳn là quanh Schopenhauer), siêu hình học trở nên giống như thiên đường đã mấy và gây ra nostalgia

    ReplyDelete
  5. "một quy luật về bốn trí tưởng tượng vật chất, quy luật nhất thiết gán cho một trí tưởng tượng sáng tạo một trong bốn yếu tố: lửa, đất, không khí và nước. ... Ngay khi những hình ảnh bày ra thành chuỗi, chúng liền chỉ định một vật chất đầu tiên, một yếu tố nền tảng." tuyệt vời! bởi vì nó hàm ý cái tâm thần tưởng tượng chính là yếu tính của tri giác; trong khi "chỉ định" một "vật chất-nền tảng" thì nó cũng liên tục "siêu vượt" thực tại nơi "có" những nền tảng đó để mà kiến tạo nên một thực tại nơi luôn luôn vẫn còn những "bên kia" khiến nó chẳng bao giờ rơi vào "chăm chú và đơn điệu".

    ReplyDelete
  6. "Chừng nào thực hành bộ môn tâm lý học về không khí vô tận, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn rằng trong không khí vô tận các chiều bị xóa đi và nhờ vậy chúng ta chạm được đến cái vật chất không chiều kia," - really excited. ơn Chúa, chúng ta đã thấy!

    ReplyDelete
  7. "Vậy là hình thành, trong tâm hồn người nằm mơ, một ý thức rõ ràng của người bay." - rất chuẩn xác, khiến phải đẩy lùi cái gọi là "vô thức" vào một khu cách ly nào đấy trong khi chờ xác minh id. "cảm năng" và "lý tính" tiếp tục hiện diện trong cái động (năng-vận) của sự bay này; hay cần phải nói, đúng như tác giả, có khoảnh khắc thuần ý thức trong trải nghiệm bay đó.

    ReplyDelete
  8. hay kinh khủng ạ

    cảm ơn anh Linh thật nhiều

    ReplyDelete
  9. Tôi đem lý thuyết này ra soi lại mấy bài thơ tiểu thuyết vớ vỉn tôi viết, thấy như vén sương mù vậy, quá tuyệt! Hóng thêm nữa, tôi vẫn đói!

    ReplyDelete
  10. Vậy là sách của Bachelard vẫn chưa dc dịch ra tiếng việt phải không ạ? Em là học viên cao học muốn làm về phân tâm vật chất

    ReplyDelete
  11. thế không lẽ ở đây là dịch ra tiếng Lào?

    ReplyDelete
  12. "thỉnh du" là cách dịch của Nguyễn Tuân nhễ?

    ReplyDelete
  13. bác có thể giải thích giúp cháu "thuần" và "thuần túy" khác nhau thế nào không ạ? cháu tìm không thấy có chỗ nào viết về cái này. cháu cảm ơn bác nhiều.

    ReplyDelete
    Replies
    1. chắc có liên quan, dùng tạm:
      https://nhilinhblog.blogspot.com/2016/05/ten-va-ten.html?m=1

      nhưng mà cas này khó phết, tra tự điển Hán cũng chưa ra "thuần", "túy", "thuần"+"túy" khác thế nào, thôi chờ chính chủ đi (chắc hơi lâu hehe)

      Delete