Dec 30, 2017

Trịnh Hữu Ngọc

Thời gian gần đây, giới sưu tầm tranh hay nói đến một tác phẩm đặc biệt: một mặt là Lê Phổ, một mặt là Trịnh Hữu Ngọc, nó đã "lọt ra ngoài thị trường", đi kèm với vài điều khác tương đối gây kích thích, nhất là cho các nhà sưu tầm. Tất nhiên, câu chuyện rẽ từ đó sang nhiều hướng khác, nhưng khi nghe câu chuyện, điều duy nhất mà tôi tự hỏi, không mấy để tâm đến những thứ khác chắc hẳn không kém phần hấp dẫn, là không biết mình từng nhìn thấy nó chưa, cách đây đã ba mươi năm.

Cách đây ba mươi năm, những gì tôi còn nhớ, lúc này, tất nhiên rất ít ỏi, nhưng chắc hẳn vì đã qua một bộ lọc dài đến ba mươi năm, những gì còn lại trong ký ức sắc nét đến mức đáng kinh ngạc.

Nhưng, xem tranh nghĩa là gì? Tôi nghĩ là Paul Valéry đúng, khi nói người ta không thể nghe cùng một lúc nhiều bản giao hưởng, vậy thì làm sao lại có thể vào viện bảo tàng mà xem, trong một quãng thời gian ngắn ngủi, ngần ấy bức tranh. Một sự náo loạn như vậy, tâm trí của con người, hay nói đúng hơn, niệm năng của con người, làm sao mà chịu nổi? Một cuộc đi bảo tàng hội họa là một cuộc khủng bố. Mỗi căn phòng trong bảo tàng là một cuộc chém giết. Độc giả của tôi chắc ai cũng còn nhớ một nhân vật trong tiểu thuyết của Paul Auster từng đến bảo tàng (rất lớn) nhưng chỉ để xem duy nhất một bức tranh. Một bức tranh thôi cũng có thể gây ra rất nhiều chuyện: ai từng đọc cái truyện "Bức chân dung" của Gogol đều biết. Trong cuốn tiểu thuyết mà tôi mới nhắc đến gần đây (xem ở kia), Alte Meister của Thomas Bernhard, nhân vật Reger ròng rã suốt nhiều năm, rất nhiều năm, gần như ngày nào cũng đến Kunsthistorisches Museum (Wien, Vienne, Vienna, Viên), vào đúng một phòng, ngồi xuống đúng một cái ghế, và nhiều tiếng liền cứ ở lì đó, trước một bức tranh duy nhất. Để làm được như vậy, Reger đã mua chuộc người canh gác bảo tàng. Và đó là một bức tranh của Tintoret. Sau cuốn tiểu thuyết, rất đông tín đồ của Bernhard đã đổ xô đến Kunsthistorisches Museum.

Nhưng Michel Deguy, trong một tiểu luận về thơ, cũng đúng, khi nói rằng một bức tranh chính là một ngôi nhà: trong một ngôi nhà treo một bức tranh cũng chính là một ngôi nhà nữa.

Trịnh Hữu Ngọc, cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, sống ở bán đảo Quảng Bá, nói chính xác hơn, ở ngay lối vào Phủ Tây Hồ. Ngày nay, không ai có thể tưởng tượng từng có thời nơi ấy vắng khủng khiếp, thuộc vào loại vắng nhất của Hà Nội, mà ngày đó, nơi nào Hà Nội cũng vắng. Buổi tối người ta chui vào nhà cố thủ từ rất sớm, khi trời mới bắt đầu nhập nhoạng, và suốt một thời gian dài đi ra đường buổi đêm là một điều gì đó không thể hình dung. Từ trong nhà (chốc chốc lại mất điện) người ta hay nghe thấy những tiếng hét, rồi đuổi nhau rầm rập ngoài đường: đó là các vụ cướp. Cảnh tượng tôi nhớ nhất là một lần, hồi sáu hay bảy tuổi, tôi được chở đi ngoài đường, tôi nhìn thấy trên mặt đất một con chó nằm chết; đoạn phố này giờ đây gần như không thể đi nổi vào bất kỳ giờ nào trong ngày.

Về sau này, khi tôi miêu tả cái dốc rẽ từ trên đê xuống (nay là đầu phố Đặng Thai Mai) dốc khủng khiếp, ai cũng cười tôi, vì không ai thấy nó quá dốc; nhưng đối với tôi ngày ấy, nó thực sự là cả một thách thức. Hồi khoảng ngoài 2000, có lần tôi đưa một cô bạn gái đến đó, tôi không nhận ra vì cả một khu vực rộng lớn đã biến thành các dãy bán bún ốc. Chắc vì tôi đần mặt ra ngồi đó mãi nên cô bạn đi từ rất xa về để gặp tôi đâm chán, chuyện về sau cũng chẳng có gì. Cũng phải mãi về sau này, tôi mới biết những câu chuyện mà người lớn ai cũng biết, chẳng hạn như ông Trịnh Hữu Ngọc hồi Mỹ ném bom Hà Nội đã kết bè, chất những thứ thu nhặt được từ đống đổ nát ngôi nhà phố Quán Thánh rồi vừa bơi vừa đẩy bè trên Hồ Tây sang bên Quảng Bá dựng một cái lán, gọi là "Lều Vịt" (hay "Chòi Vịt"); rồi chuyện Trịnh Hữu Ngọc buôn bán với Bảo Đại và về sau hay có người từ Phủ Chủ tịch được đích thân Hồ Chí Minh sai đến để mua tranh; hồi ấy, tôi chỉ biết đó là một ông rất già, rất già nhưng vô cùng hoạt bát.

Một quyển sách to mới in gần đây có những bức ảnh, chúng khiến tôi nhận ra một số chi tiết mà cặp mắt trẻ con của tôi hồi ấy từng nhìn thấy. Tôi rất thích ngôi nhà, buổi trưa nằm ngủ rất mát, tôi cũng rất thích cây khế gần đó, sai quả trĩu trịt. Nhưng tôi thích nhất khi ông Trịnh Hữu Ngọc cởi trần vừa đi vừa lăn một cái phao làm bằng săm ô tô qua cánh đồng để tới bờ hồ. Lần đầu tiên trong đời tôi bơi hồ là như vậy, bám vào cái phao mà ông Trịnh Hữu Ngọc mang ra cho tôi, và suốt thời gian tôi bì bõm dưới nước thì ông ngồi trên bờ canh chừng. Tất nhiên tôi biết đó là một họa sĩ nổi tiếng (trong nhà để đầy tranh), nhưng tôi không quan tâm mấy, vì đi bơi thích hơn.

Rồi đến lúc ta bỗng nhận ra, không còn ai thực sự già so với ta nữa. Chỉ hồi còn rất bé ta mới thực sự biết những người già. Về sau, độ chênh lệch tuổi tác không bao giờ còn thực sự lớn. Một đứa bé con với các ông già vây quanh: cuốn tiểu thuyết Ursule Mirouët thuộc vào số những tiểu thuyết Balzac mà tôi thích nhất chính vì nó có hình ảnh ấy, một đứa bé ở giữa mấy ông già.

Sống nghĩa là cuộc thay đổi nghĩa (một sự trượt của nghĩa) của từ "già".

Dưới đây là vài bức ảnh tôi chụp lại từ quyển sách rất to đã nhắc ở trên:


Ông Trịnh Hữu Ngọc cùng một đứa bé; trông ông họa sĩ rất giống như tôi còn nhớ: ảnh chụp năm 1988, đúng là quãng thời gian tôi hay đến đó. Hồi ấy, tôi cũng xấp xỉ như đứa bé trong ảnh, nhỉnh hơn một chút. Nhìn bức ảnh, người ta có thể hình dung thời ấy khu vực gần Phủ Tây Hồ trông như thế nào, toàn là cánh đồng bao quanh, cho tới mép nước Hồ Tây.


Đây là một bức tranh ông Trịnh Hữu Ngọc vẽ, phong cảnh quanh nhà.


"Lều Vịt" của ông Trịnh Hữu Ngọc, tôi nhận ra nó ngay khi nhìn thấy bức ảnh. Từ góc này, thứ đầu tiên là cái chõng, nằm ngủ ở đó buổi trưa hè đặc biệt mát. Tôi cố hình dung cây khế có thể nằm ở đâu, có lẽ ở sau lưng người chụp bức ảnh trên đây. Tôi đã cố tìm nhưng rất tiếc trong quyển sách không có bức ảnh nào chụp lối vào nhà, khung cảnh rất đẹp, ít nhất nó rất đẹp trong ký ức của tôi, và rất nhiều màu sắc.

Dưới đây là tranh phục dựng, mô phỏng "Lều Vịt" để thấy bố trí bên trong:


Đây là ông Trịnh Hữu Ngọc cởi trần, ảnh ghi năm chụp 1972:





[viết tiếp ngày 15 tháng Ba năm 2018]


Điều gì còn lại dai dẳng nhất trong ký ức? Đó là mùi, là vị; những gì còn lại lâu nhất chắc hẳn liên quan đến khứu giác (và xúc giác), chắc hẳn đó là vì mấy giác quan này làm chúng ta ở thực sự sát gần với vật chất. Rồi sẽ chẳng nhớ được mắt một người (đôi mắt này năm xưa lạc vào hồn tôi) thì ra sao đâu mà, nhất là bây giờ người ta toàn đi cắt mí, trông như mắt lợn luộc cả loạt; nhất là, sẽ không nhớ được màu mắt đâu, chắc chắn đấy; có khi chỉ ngày hôm sau là đã không nhớ nổi rồi.

Những ngày trên Hồ Tây, nơi cái chòi, cái lán của ông Trịnh Hữu Ngọc, những giấc ngủ lăn ra dễ dàng trên cái phản, hay cũng có thể là cái chõng của tôi hồi bé vẫn còn vương mùi vị của một món ăn. Ông Trịnh Hữu Ngọc rất hay làm một món: rán một chảo mỡ lên rồi thả bánh mì đã bẻ nhỏ vào, và thế là có bánh mì rán. Ngon không thể tưởng tượng nổi.

Những ngày ấy, trên Hồ Tây, đối với tôi là đi bơi ngoài hồ, ăn khế hái ngoài vườn, chạy sang Phủ Tây Hồ hoang vắng (bà Chúa vận đồ trắng rất nghiêm trang, đặc biệt khắt khe với phụ nữ và luôn luôn trừng phạt những nữ nhân ăn vận chểnh mảng hoặc có điệu bộ vô duyên), và ăn bánh mì rán. Không ngờ, về sau, mãi về sau này, tôi từng đến ngôi nhà trên phố Quán Thánh của ông Trịnh Hữu Ngọc, chính là nơi gần sát quán cà phê Quất ngày xưa (giờ nó vẫn còn, nhưng chỉ là bên mặt hồ Trúc Bạch); lần đầu tôi đến đó, dường như nó chưa thay đổi mấy so với trước kia, nhưng lần sau thì đã hoàn toàn thay đổi. Điều rất bất ngờ của một trong hai lần tôi đến đó (cả hai lần tôi đều không nhận ra chút ít hương vị nào của người chủ nhân năm xưa) là chính ở đó tôi nhận ra, Woody Allen là một nhân vật tầm thường đến mức nào.

Cách đây mười lăm năm, tôi có một "bạn cùng hành lang" tên là M., một cô gái đặc biệt mong manh và mang cái tên của sự vô nhiễm. Phòng của M. nằm đối diện với phòng tôi, hai bên một hành lang rất hẹp và vô cùng dài (lần bị ốm, tôi có cảm tưởng không bao giờ đi hết được cái hành lang ấy). M. từng mời tôi sang phòng, trong phòng treo đầy những bức tranh mà M. vẽ, và lo lắng quay sang tôi, lầm bầm nói là chính M. cũng biết những tranh này morbide quá mức. Chúng tôi hay đi xem phim với nhau, tôi còn nhớ, lần đầu tiên M. chứ không phải tôi là người đi bước đầu tiên; chúng tôi, hôm ấy, xem bộ phim Divine Intervention của Suleiman (đó là đoạn bùng nổ của điện ảnh Iran) - đối với tôi, đó bộ phim "Bóng bay Arafat". Về sau, chúng tôi còn cùng đi xem nhiều bộ phim nữa. Có một lần, tôi hăm hở rủ M. đi xem một bộ phim của Woody Allen, nhưng trước nỗi kinh ngạc to lớn của tôi (tất cả cư dân của khu Rataud năm ấy đều ngạc nhiên vì M., hung thần của cả dãy hành lang có đến năm chục căn phòng, lại đặc biệt chiều chuộng tôi), M. từ chối, bảo Woody Allen bête lắm, không xem. Tôi bán tín bán nghi, cho đến ngày, tôi thấy M. đã hoàn toàn đúng.




nhân tiện: đã tiếp tục bài của Roger Caillois bình luận Montesquieu và tiếp tục bài "Lý thuyết văn học và triết học"





Thành Thế Vỹ           Thái Phỉ           Lê Doãn Vỹ           Lê Trí Viễn           Nguyễn Đình Thi           Nguyễn Thế Anh           Tản Đà           Trương Vĩnh Ký           Phan Ngọc           Nguyễn Hữu Trí           Hoàng Đạo Thúy           Nguyễn Thạch Kiên      Hoàng Đạo           Trương Chính           Tạ Tỵ           Nguyễn Khải           Hồ Văn Mịch           Trần Thanh Mại           Lê Thành Khôi           Tạ Chí Đại Trường           Trần Huyền Trân           Phan Văn Hùm           Trọng Lang           Lệ Thần Trần Trọng Kim           Nguyễn Vỹ           Vũ Ngọc Phan           Lương Thúc Kỳ           Tchya           Đào Trinh Nhất           Nguyễn Du           Nghiêm Xuân Hồng           Thạch Lam           Hoàng Ngọc Phách           Nguyễn Bính           Thiếu Mai           Trần Lê Văn           Thế Lữ           Hoàng Xuân Hãn           Nguyễn Tuân           Ngô Thúc Địch           Huy Cận           Trương Tửu           Nam Cao           Mai Thảo           Hoàng Cầm           Phạm Xuân Ẩn           Phạm Quỳnh           Dương Tường           Bửu Kế           Nguyễn Mạnh Côn           Hoài Thanh           Nguyễn Mạnh Tường           Quang Dũng           Hoàng Anh Tuấn           Ngô Đình Nhu           Phạm Duy           Phạm Duy Khiêm           Vũ Trọng Phụng           Thanh Lãng           Lê Văn Trương           Hồ Hữu Tường           Phạm Cao Củng           Nguyễn Bắc Sơn           Chế Lan Viên           Bình Nguyên Lộc           Trần Văn Toàn           Vương Hồng Sển           Nguyễn Khánh Long           Vũ Đình Long           Kiều Thanh Quế           Thụy An           Tô Hoài           Ngọc Giao           Hữu Loan           Phan Khôi           Nguyễn Công Trứ

5 comments:

  1. Hà Nội thời chú thì chó chết (cháu nhớ đến Istanbul của Pamuk), Hà Nội bây giờ thì chuột chết :v

    ReplyDelete
  2. À quên kí cái tên

    VVD

    ReplyDelete
  3. hehe những chuyện ba mươi năm. ba mươi năm trước gặp Hoàng Phượng Vỹ ở rượu ốc, thấy chàng hay "đúc" châm ngôn. rồi nay gặp lại vẫn thế. bảo: người ta hay nói mỗi họa sĩ có con đường của mình; nhưng anh ấy không phải đi mà đứng trên con đường của mình. ...

    ReplyDelete
  4. một "Hoàng" khác, cũng có ông bố hiển hách, là Hoàng Hồng Cẩm, có lần gặp, sau rất lâu mới xen được vào những lời lũ thác của anh một câu, hỏi anh có phải thằng bé bị Hoàng Lập Ngôn chất lên cái xe kéo năm xưa, anh ấy chỉ gật gù

    ReplyDelete
  5. Căn nhà làm cháu nhớ đến mấy căn nhà trong phim chưởng, kiểu như nhà của Điệp Cốc Y Tiên trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký :v

    VVD

    ReplyDelete