Oct 8, 2018

Một con mèo: Etan

Trước tiên, xem ởkia (và cũng cả ởkia - về "nỗi cô đơn quá ồn ào").







(tôi còn nhét vào đâu mấy quyển Hrabal bằng tiếng Anh, Dancing Lessons, rồi version tiếng Anh quyển thứ ba ngoài cùng bên phải trong bức ảnh đầu tiên, I Served the King of England - nhưng đọc Hrabal bằng tiếng Anh cầm chắc chỉ thấy độc một điều: sự nghèo nàn)

Đừng quá hoảng sợ với cái tên "Bohumil". Trông rất không thông thường, nhưng thật ra nó là tương ứng Bohême của một cái tên tương đối hay gặp bên Tây Âu, Théophile. Théophile như là... như là... Théophile de Viau.

Những nhà văn mà ta yêu quý, ta yêu quý luôn cả sự kỳ dị toát lên từ mọi thứ của họ. Độc giả của Cioran sẽ mơ mộng về Sibiu, quê hương của Cioran, cái tên rất kỳ quặc, chắc chắn hẻo lánh núi non, gần như chắc chắn ta sẽ chẳng bao giờ đặt chân đến trong đời (nhưng biết đâu, biết đâu, rồi một ngày - "rồi một ngày", idiom mà Czesław Miłosz từng bình luận). Độc giả của Virgile sẽ đồng hóa nhà thơ Virgile với địa danh Mantoue (Mantova, Mantua, Mantoa). Những ai đọc Bohumil Hrabal sẽ rất nhớ tên thành phố (nhỏ, "nơi thời gian ngừng lại") Nymburk. Thành phố Bohême.


Trong tiếng Việt:


(đây chính là dịp rất tốt để nói rằng tôi sinh ở Nam Định; đó là thời điểm - như sau này tôi sẽ biết - mẹ tôi có một quyết định vừa giống như để đảm bảo an toàn vừa không khác mấy một phản ứng; tôi sẽ không bao giờ ở Nam Định lần nào lâu quá hai tuần, nhưng cho đến tận bây giờ tôi vẫn đặc biệt nhạy cảm với giọng nói của người Nam Định, nhất là với phụ nữ Nam Định)

Độc giả của Bohumil Hrabal không chỉ quen thuộc với Nymburk nơi có quán cà phê (quán bia thì đúng hơn) của bố mẹ Hrabal, thêm sự hiện diện kỳ quặc của ông chú (a, hay ông bác nhỉ?) Pepi: uncle Pepi là thêm một uncle ở tầm mức siêu hình học nữa từng hiện ra trong lịch sử văn chương. Uncle Pepi, giống như uncle Toby, chẳng hạn (về một "oncle" khác, xem ởkia). Đó còn là Kersko nơi về sau vợ chồng Hrabal sẽ mua được cái nhà trong rừng, lãnh địa của mèo (chúng ta sẽ còn quay  trở lại với mèo), hay căn hộ tại địa chỉ 24 phố Na Hrázi, Praha ("Nhà tôi hăm bốn Cột Cờ" etc.). Thế giới của Hrabal cũng sẽ mau chóng giới thiệu với chúng ta mấy nhà thơ bạn thân của Hrabal, Egon Bondy hay Vladimír Boudník; đó là những con người của bia chảy không ngớt (người vợ của Hrabal sẽ kể kỷ niệm thân mật đầu tiên giữa họ: không lâu sau khi quen nhau, người phụ nữ ấy đến nhà Hrabal, mang cái hũ chạy ra quán mua ba lít bia; sau đó sẽ thêm một lần chạy đi mua lượt ba lít nữa, để mang về cùng nhau uống); một nhân vật thuộc nhóm ấy có thể, ngồi trên tàu hỏa, thấy có người tỏ ý không thích cái nhẫn mình đang đeo trên ngón tay, liền tháo ngay nó ra và ném ra cửa sổ, đúng lúc tàu đang chạy qua một khu rừng - đó là nhẫn cưới. Đó cũng là thế giới một người đàn ông chỉ lấy một phụ nữ làm vợ sau khi đã, giữa sân đông người, cắp lấy cô gái vừa đi cắt tóc đạp xe về tới nơi, đặt lên đầu gối, tốc váy lên rồi quật cho một trận (ấy chính là câu chuyện bố mẹ của Bohumil Hrabal).

Tôi thấy hết sức bị cám dỗ miêu tả thế giới của Hrabal như sau: cuộc sống bohème ở vùng Bohême.

Nhưng, Bohême, Bohemia, nghĩa là gì?

Định nghĩa về vùng Bohême của một nhà văn Séc "mới": "Cái vùng mới mê hoặc làm sao, Bohême yêu dấu của tôi, thực sự, không hề nói dối: một kết hợp của Thiên chúa giáo và chủ nghĩa cộng sản dưới hình thức thoái hóa nhất có thể có" (Jáchym Topol, Nocní Práce). Còn đối với tôi, Bohême nghĩa là gì? Tôi đi qua vùng đất ấy, những con đường thường xuyên không thẳng mà uốn lượn. Ấn tượng của tôi: hiếm nơi đâu trên đời có ít bóng đến như thế. Tức là, một vùng đất có ánh sáng đặc biệt đều. Nó phân phát đều đặn, nó không làm người ta cảm thấy quá mức nhu cầu tìm kiếm - đồng thời với đó, là rất ít ham muốn lẩn tránh, tìm bóng, nấp đi. Một vùng đất vui nỗi vui tự nó, toát ra từ chính nó - một niềm vui không có gì chung với nỗi hí hửng ti tiện con người. Vùng Bohême, nhất là vài thành phố của nó, trong trí tưởng tượng của tôi còn gắn liền với mẹ tôi. Tôi từng ở Praha vài ngày, ngoài chuyện tôi cảm thấy rất rõ tinh thần của Kafka vẫn ở đó, nhiều chi tiết mà tôi nhìn thấy cũng làm sống dậy trong tôi nhiều điều; tôi đã hết sức sửng sốt vì hóa ra Milan Kundera đã không hề nói đùa, ở cái chương có thằng bé nhảy từ cầu Charles vào một ngôi nhà qua cửa sổ: hoàn toàn có thể làm được như thế thật (Cuộc sống không ở đây). Những cuốn sách nào lấy Praha làm bối cảnh hay chỉ cần nhắc tới Praha, đối với tôi đều đã ngay lập tức có một ý vị riêng rất mực gần gũi. Tôi từng học tiếng Séc rất lâu trước khi đặt chân đến Praha, thứ ngôn ngữ có tới bảy "cách", hơn cả tiếng Nga và tiếng Latin, gần gấp đôi tiếng Đức. Chúng tôi, năm ấy, học tiếng Séc do một sinh viên nhìn đã biết ngay là một người Bohême dạy, trong một căn phòng nhỏ sát mái nhà, có những người đôi khi như thể biến mất vì bị lấp vào sau một cây cột. Tôi sẽ không bao giờ biết tiếng Séc đủ để nói chuyện thực sự hay đọc sách, nhưng tôi thấy cũng không cần: chỉ một tiếp xúc lướt qua đối với tôi cũng đã là tốt lắm rồi.

Bohême của Kundera là cuộc sống thành phố, Bohême của Hrabal thì không bỏ qua ngóc ngách nào (Hrabal từng làm "sếp ga" một thời gian - đó là một trong những nhà văn đặc biệt gắn bó với tàu hỏa; bê bối xảy ra khi Hrabal vạch quần tè ngay trong khuôn viên khu trụ sở), nhưng cũng có những nhà văn Séc đặc biệt chỉ viết về vùng nông thôn, như Jan Trefulka.

Một vùng đất như thể được phú cho niềm vui triền miên (và tự nhiên) vẫn có thể có đầy (đến mức tràn) nỗi đau khổ và bất hạnh con người - điều này không hẳn là phi lý. Văn chương Séc có rất nhiều chứng nhận về áp bức (Bohême cũng là vùng đất của tận hai Jan tuẫn đạo, Jan Hus và Jan Palach). Chúng ta sẽ đến với phát hiện đẹp nhất về văn chương Séc mà tôi có được thời gian gần đây: Jan Zabrana. (tôi cũng rất mong rồi một ngày sẽ viết về nhà thơ trong mắt tôi vĩ đại Vladimír Holan)

Karel Čapek (câu chuyện về những con "salamander") trong tiếng Việt:



Đây rồi, cuối cùng thì cũng đã lục ra được quyển sách:


Có những tác phẩm, Hrabal dùng giọng của vợ (đó là một cô phục vụ quán cà phê - hàng ngũ các phụ nữ làm việc ở quán cà phê dường như là chuyên môn của Hrabal) để viết. Đáng nhớ hơn cả trong những cuốn sách ấy - ít nhất đối với tôi - là khi xuất hiện một con mèo: Etan (đây là tên gọi tắt). Cuộc sống của vợ chồng Hrabal không thể nói là hạnh phúc hay mẫu mực lứa đôi, nhưng giữa họ có một nghi lễ: rửa chân cho nhau, người này rửa chân cho người kia, người kia rửa chân cho người này. Cho đến ngày con mèo Etan xuất hiện ở nhà họ, như thể bỗng có thêm một yếu tố gắn liền hai người với nhau. Đó là một con mèo của hòa giải: nếu hai vợ chồng Hrabal ngủng ngoẳng với nhau, nó sẽ nhìn hết người này sang người kia, cho đến lúc cả hai thấy thật có lỗi trước một con mèo vì không khí căng thẳng mà họ tạo ra. Khỏi phải nói con mèo ấy, cũng như những mèo về sau, có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời Bohumil Hrabal.




Một bài viết về các nhà văn Séc (trong đó có Jaroslav Hašek cùng anh lính Švejk); cũng đã tiếp tục Malte Laurids Brigge: dường như tôi đã bắt đầu nhìn thấy nhịp điệu cuốn "tiểu thuyết" của Rilke.






André Gide ở Việt Nam
Naipaul ở Việt Nam (như thế nào)
Istrati (gần như) ở Việt Nam
Le Vicomte de Bragelonne (Alexandre Duma) (dang dần dần) ở Việt Nam
Mario Vargas Llosa (không hẳn) ở Việt Nam
Simone Weil ở Việt Nam (cùng Bùi Giáng)
Valery Larbaud ở Việt Nam
Paul Valéry (tuyệt đối không) ở Việt Nam
Madame Bovary ở Việt Nam
Günter Grass (không có độc giả) ở Việt Nam
Joseph Roth (chẳng hề) ở Việt Nam
Marguerite Yourcenar ở Việt Nam
Bernard Malamud và Naguib Mahfouz ở Việt Nam
Isaac Bashevis Singer ở Việt Nam
Stefan Zweig ở Việt Nam
Stevenson ở Việt Nam
Maiakovski ở Việt Nam
César Birotteau ở Việt Nam
Simenon ở Việt Nam
Dostoievski ở Việt Nam
Les Trois Mousquetaires ở Việt Nam
Guy de Maupassant ở Việt Nam
Alexandre Dumas ở Việt Nam
Jules Verne ở Việt Nam
Flaubert ở Việt Nam
Balzac ở Việt Nam
"Oceano Nox" ở Việt Nam
Sử ký Tư Mã Thiên ở Việt Nam
Dante ở Việt Nam
Céline ở Việt Nam
Ngọc lê hồn ở Việt Nam
Marina Tsvetaeva ở Việt Nam
Simone Weil ở Việt Nam
La Dame aux camélias ở Việt Nam
Alphonse Daudet ở Việt Nam
Shakespeare ở Việt Nam
Stevenson ở Việt Nam (một khoảnh khắc: Châu đảo)
Kim Bình Mai ở Việt Nam
Liêu trai chí dị ở Việt Nam
Boccaccio ở Việt Nam
Pierre Teilhard de Chardin ở Việt Nam
Borges ở Việt Nam
Georges Perec ở Việt Nam
Bonjour tristesse ở Việt Nam (+ Bản dịch Bonjour tristesse tiếng Việt thứ năm)
Nathaniel Hawthorne ở Việt Nam
Patrick Modiano ở Việt Nam
Malaparte ở Việt Nam
The Great Gatsby ở Việt Nam
Anna Karenina ở Việt Nam
Animal Farm ở Việt Nam
Émile Zola ở Việt Nam


6 comments:

  1. Nhưng biết đâu, biết đâu, rồi một ngày, rồi một ngày

    ReplyDelete
  2. trong khi ở việt nam ít có tạp chí văn học nào nổi bật, tôi nghĩ blog nhị linh đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu văn chương của nhiều người, tôi là một độc giả lâu năm mà chưa viết dòng nào chào chủ nhà, dù tôi biết nhị linh cũng đâu cần, hôm nay thực sự tôi muốn viết là cảm ơn bác rất nhiều

    TTB

    ReplyDelete
  3. Độc giả của Anne thì mơ về Đảo Hoàng tử Edward

    VVD

    ReplyDelete
  4. Có những post chỉ nhìn bìa sách thôi cũng đủ vì tụi nó đẹp quá hị hị
    Có những ngày chỉ mong là con mèo Etan của nhà ai đó thôi cũng đủ vì nó ngôn tình quá hu hu

    ReplyDelete