- mái buồn nghe sấu rụng
Động tác đặc trưng hơn cả của Trần Hoàng Bách: xua tay. Như là muốn đuổi đi, cho thật xa, một cái gì; nhưng đồng thời đấy cũng lại là một trong những người mà tôi biết nhiều quyến luyến hơn cả, tức là muốn lại gần, tiến đến. Hồi tìm được trên một số báo Lao động Tết ra vào năm tám mấy có bài biểu dương, kèm cả ảnh, tôi đưa Trần Hoàng Bách xem: Trần Hoàng Bách vội vàng xua tay, như muốn đuổi đi những hình ảnh và các câu chuyện chẳng hiểu sao từng dính vào mình. Những cuốn tiểu thuyết Trần Hoàng Bách viết xưa kia, khi tôi đưa Trần Hoàng Bách xem: lại tiếp tục xua tay.
Xua tay và nói to. Giọng nói của Trần Hoàng Bách giống như thể muốn vươn đi thật xa. Nhưng không giống những người nói (đặc biệt) to khác thường không nói nhỏ được, Trần Hoàng Bách nhiều khi nói rất nhỏ. Một biên độ rất lớn, cái đó nói lên một tâm hồn rộng (và đặc biệt mở).
Trần Hoàng Bách hay nhắc đến người bạn cũ, Lưu Quang Vũ. Lúc cần tổ chức một loạt bài viết trên báo, xung quanh Lưu Quang Vũ, tôi nhờ Trần Hoàng Bách viết một bài. Trần Hoàng Bách ậm ừ (chắc hẳn lại muốn xua tay); đến sát ngày cần có bài, tôi quyết định bảo Trần Hoàng Bách là thôi để tôi viết lại những gì từng nghe Trần Hoàng Bách (hay) kể, viết ra, rồi đưa Trần Hoàng Bách xem lại. Đấy là nguồn gốc của một bài - tuy vậy vẫn cứ hoàn toàn là của Trần Hoàng Bách, vì tôi nghĩ tôi đã dùng đúng giọng (lúc ấy, không phải là chuyện giọng to, giọng nhỏ nữa).
Tất nhiên, Trần Hoàng Bách là một nguồn lợi to lớn đối với tôi, thêm một điểm quan sát rất hữu hiệu để nhìn vào câu chuyện ấy. Trần Hoàng Bách biết rất rõ Mai Quốc Liên, đầu nậu sách đầu tiên - Trần Hoàng Bách là người tiếp tục in García Márquez (tức là, Mai Quốc Liên và Trần Hoàng Bách là những người tạo ra cơn sốt của các cuốn tiểu thuyết như Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, và làm cho Nguyễn Trung Đức trở nên rất nổi tiếng - tất nhiên, cũng có cả chiều ngược lại). Những người như vậy (phải tính cả Đoàn Tử Huyến) khiến cho hơn ba mươi năm sau Minh Đức Trần Thiếu Bảo, đã xuất hiện trở lại cái có thể gọi là xuất bản tư nhân, với nhiều biến tấu. Trần Hoàng Bách hay kể cho tôi về những cú lớn mình từng làm, Thanh Cung mười ba triều chẳng hạn. Nếu tôi không nhầm lẫn gì, Trần Hoàng Bách từng làm khoảng 400 đầu sách - và tự gọi mình là "nhà xuất bản một mình". Đấy là một nhà xuất bản lớn trong lịch sử Việt Nam. Trần Hoàng Bách kể cho tôi về các bản thảo được đánh máy chữ, rồi dùng bút bi đánh các dấu thanh vào.
Tôi từng được Trần Hoàng Bách dẫn về nhà, một trong những lần đến nhà thì Trần Hoàng Bách đang dọn sách, và đưa cho tôi cả một đống. Tôi thấy là từ những gì Trần Hoàng Bách từng làm, có thể lấy lại hai quyển, Trên đường và Bay trên tổ chim cúc cu. Là bạn bè, nhưng chúng tôi ký hợp đồng với nhau, tôi chịu trách nhiệm về một số việc, còn Trần Hoàng Bách thì chịu trách nhiệm về một số việc khác, liên quan đến các vấn đề đa dạng. Hôm ấy là cuộc hẹn ở quán cà phê Cột Cờ Hà Nội (lúc đó vẫn còn có thể ngồi ở đấy), năm 2008, cùng lắm là 2009.
Tôi được nghe kể về Cao Nhị (và cả Cao Xuân Huy, Mai Lâm), rồi về Mạc Lân, người bạn vong niên thân thiết. Trần Hoàng Bách: Dương Tường đọc điếu văn Mạc Lân, nói câu "Mạc Lân sống không ăn gian một ngày nào". Và lần nào cũng (vì Trần Hoàng Bách kể câu chuyện ấy nhiều lần, cũng như một số câu chuyện khác) thêm vào, "chính vì thế mà bọn tao" etc.
Trần Hoàng Bách có một người em trai, từng đi cùng (xe đạp) một nhà thơ đúng vào lúc nhà thơ ấy bị bắt. Nhưng nếu tiếp tục kể lại những gì Trần Hoàng Bách từng hay kể, thì tôi sẽ không bao giờ kết thúc được: ông bạn già của tôi vô cùng hay chuyện. Tôi nhớ đến lần đầu tiên và lần cuối cùng gặp Trần Hoàng Bách.
Lần cuối, đó là năm 2021, về cuối năm. Một ngày trời lạnh nhưng không thực sự lạnh, loại thời tiết dở dở ương ương mà Hà Nội rất thiện nghệ trong việc tạo ra, dạng của những ngày tương tự thứ vải xưa kia thông dụng: vải thâm; hoặc cũng có thể là trúc bâu. Quãng thời gian ấy, tôi không muốn gặp ai, và quả thật không gặp ai. Nhưng anh Bách là chuyện khác. Trần Hoàng Bách là một trong những người hiếm hoi, nếu không phải là người duy nhất, chúng tôi từng mời đến nhà chơi. Không khó đoán, Trần Hoàng Bách, khi nói muốn gặp tôi, hẹn ngay ở một quán vịt trên phố Lý Văn Phức. Tôi đến đó vài phút thì ông Bách đi xe máy đến. Đã lâu không gặp, tôi dễ dàng nhận ra nhiều thay đổi. Ông Bách tự mang rượu đến để chúng tôi uống với nhau. Trong bữa hôm ấy, nhiều khi tôi thấy giá kể Trần Hoàng Bách vẫn nói to như trước; sự nói to ấy từng lắm lúc có thể gây khó chịu, ít nhất là bất ngờ.
Lần gặp đầu tiên, chính giọng nói ấy là thứ đầu tiên của Trần Hoàng Bách chạm đến tôi. Chúng tôi cùng ở trong một quán cà phê sát trụ sở một tờ báo, tôi ngồi cùng một người tại một bàn, sau lưng tôi nghe thấy, từ một bàn khác khá đông người, giọng nói có âm lượng rất lớn át đi những giọng khác. Ấy là năm 2007, nếu tôi không nhầm. Từ bàn mình, Trần Hoàng Bách đi sang bàn tôi, tự nhiên như đã quen biết từ trước, dẫu tôi còn chưa gặp Trần Hoàng Bách bao giờ, và nói chuyện với tôi, đồng thời tặng tôi bộ sách Jules Vallès mà Trần Dần dịch; đây là édition của Trần Hoàng Bách (về sau Trần Hoàng Bách sẽ kể với tôi mình làm ra nó như thế nào). Gần đây, mới trở nên quan tâm đến Maupassant, tôi nhận ra là tôi nghĩ giống Maupassant, trong nhìn nhận văn chương của Jules Vallès. Nhà văn say cuồng Công xã hồi đầu thập niên 70 của thế kỷ 19 ấy, chiến lũy, etc. chưa bao giờ tôi chịu được. Nhưng bộ sách mà Trần Hoàng Bách tặng tôi thì vẫn có nhiều ý nghĩa.
Tôi chưa bao giờ hỏi để biết rõ hơn, vì sao Trần Hoàng Bách rành khu phố cổ của Hà Nội đến vậy. Trần Hoàng Bách từng dẫn chúng tôi vào các quán ăn thông thường không thể tìm và cũng rất khó biết. "Mái buồn nghe sấu rụng" là câu thơ mà anh Bách rất thích, nên tôi đã cho nó vào một bài viết.
Cũng có vài lần Trần Hoàng Bách nói ở đây, chẳng hạn như: chỗ có "Lệnh Hồ".
Vũ Đình Liên Philippe Langlet Phan Thế Hồng Hoàng Công Khanh Hồ Dzếnh Nghiêm Xuân Thiện Trúc Khê (Ngô Văn Triện) Nguyễn Ngọc Kha Nghiêm Xuân Huyến Tùng Lâm Lê Cương Phụng Dương Bá Trạc Nguyễn Khánh Đàm Đoàn Thị Điểm Cao Hải Hà Phan Huy Đường Tạ Thu Thâu Nguyễn Triệu Luật Bùi Cẩm Chương Đỗ Đình Thạch Lưu Quang Vũ Lê Văn Thiện Trần Vàng Sao Phan Phong Linh Triều Đẩu Nguyễn Văn Vĩnh Đặng Thai Mai Đỗ Long Vân Văn Cao Hoàng Ngọc Hiến Viên Linh Trịnh Hữu Ngọc Thành Thế Vỹ Thái Phỉ Lê Doãn Vỹ Lê Trí Viễn Nguyễn Đình Thi Nguyễn Thế Anh Tản Đà Trương Vĩnh Ký Phan Ngọc Nguyễn Hữu Trí Hoàng Đạo Thúy Nguyễn Thạch Kiên Hoàng Đạo Trương Chính Tạ Tỵ Nguyễn Khải Hồ Văn Mịch Trần Thanh Mại Lê Thành Khôi Tạ Chí Đại Trường Trần Huyền Trân Phan Văn Hùm Trọng Lang Lệ Thần Trần Trọng Kim Nguyễn Vỹ Vũ Ngọc Phan Lương Thúc Kỳ Tchya Đào Trinh Nhất Nguyễn Du Nghiêm Xuân Hồng Thạch Lam Hoàng Ngọc Phách Nguyễn Bính Thiếu Mai Trần Lê Văn Thế Lữ Hoàng Xuân Hãn Nguyễn Tuân Ngô Thúc Địch Huy Cận Trương Tửu Nam Cao Mai Thảo Hoàng Cầm Phạm Xuân Ẩn Phạm Quỳnh Dương Tường Bửu Kế Nguyễn Mạnh Côn Hoài Thanh Nguyễn Mạnh Tường Quang Dũng Hoàng Anh Tuấn Ngô Đình Nhu Phạm Duy Phạm Duy Khiêm Vũ Trọng Phụng Thanh Lãng Lê Văn Trương Hồ Hữu Tường Phạm Cao Củng Nguyễn Bắc Sơn Chế Lan Viên Bình Nguyên Lộc Trần Văn Toàn Vương Hồng Sển Nguyễn Khánh Long Vũ Đình Long Kiều Thanh Quế Thụy An Tô Hoài Ngọc Giao Hữu Loan Phan Khôi Nguyễn Công Trứ
Trần Hoàng Bách là một trong những người hiếm hoi, nếu không phải là người duy nhất, *chúng tôi
ReplyDelete